Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, November 26, 2013

NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH - 2

November 26, 2013

Share it Please
Tác giả: Đi Rong Đà Nẵng
   Đã là chủ tịch thì những cuộc nhậu thể hiện “tình thân mến thương” không thể nào tránh khỏi. Những tưởng nữ chủ tịch của thành phố đất chật người đông nghề ngỗng không có như em thì sẽ chuyên chính má phấn môi son, thướt tha yêu kiều, yểu điệu bên người yêu chứ không đàn đúm gì. Nhưng...em vẫn phải giao bôi với ối...người.
   Điển hình như hôm nọ, em phải “ngự giá thân chinh’ cùng các chiến hữu trong  cuộc nhậu chia tay một đồng chí chuyển sang thành phố Có Nghiệp công tác. Em phát biểu trước buổi nhậu cực kỳ hoành tráng. Nào là kể những đóng góp của đồng chí ấy trong công cuộc đảm bảo đời sống dân sinh cho thành phố Thất Nghiệp. Em nghiêm chỉnh tự phê bình mình đã không hoàn thành chức trách của một cấp trên để cho cấp dưới không yên tâm công tác nên phải...di cư đến một vùng trời xa lạ. Nói chung em phát biểu với tinh thần vô cùng thương tiếc vì sự ra đi của đồng chí. Thế quái nào, suýt nữa chúng nó tống cổ em ra khỏi bàn nhậu. Cái thằng chủ cuộc nhậu ấy hét toáng lên:
- Không phải tự dưng ông mày có cái cớ để tổ chức cuộc nhậu này đâu nhá. Trăm mấy triệu của ông đấy nhá.
Em hiểu ngay thằng này muốn kể lể cái quá trình “tìm đến chân trời mới”. Em nói toẹt ra:
- Vào chủ đề chính đi cu. Tao cũng chả báu gì cái chức này đâu. Phàm là cư dân thành phố Thất Nghiệp thì đều cười trong nước mắt cả thôi. Kể chân tình một tí, kẻo đụng vào nỗi đau của đồng loại.
Thấy nó có vẻ buồn buồn, đứng một lúc lâu rồi ngồi xuống, tay cầm cốc bia chống bàn, lắc lư nói:
- Ngày xưa người ta ăn mừng vì xin được việc làm. Ý là “xin” theo nghĩa đen ấy. Còn bây giờ họ vẫn ăn mừng nhưng mừng vì mua được việc với giá rẻ hơn thiên hạ. Bố tao bao nhiêu đêm ngồi ở lan can hút thuốc. Mẹ tao nhiều lần khóc nỉ non vì xót thương con. Đàn Cò thì đậu ở sân nhà nườm nượp. Họ hứa voi hứa vượn. Phận làm nông, quen biết ít đành nhờ cậy cò. Ai cũng hiểu mình ít nhiều sẽ bị lợi dụng nhưng biết làm sao được. Thời thế sinh ra lắm kẻ tàn phế tâm hồn nên đành chịu...cho đến hôm nay mới được thở ra một cách nhẹ nhàng đấy chúng mày à. Dù rằng đau lắm. Đau cho số tiền không đáng mất. Cái tiền mà vốn là một nghĩa cử cao đẹp khi ai đó giúp đỡ mình thì mình “bo” cho họ ít đồng xu. Cái đẹp bị xã hội làm cho hoen ố nên con người ta vẫn mãi đi tìm cái đẹp trong thi ca nghệ thuật. Đúng không chúng mày? Đúng thì cụng ly phát nào.
Cả bọn hò nhau:
- Một...hai...ba...dzô!
Có đứa tò mò, hỏi:
- Thế cái lúc nhận tiền, họ nói sao?
- Nói gì được nữa. Toàn những câu chửi sự nhơ bẩn của xã hội chứ sao. Mấy câu đại loại như là“anh/chị hiểu gia cảnh nhà em. Chẳng muốn lấy làm gì nhưng mà cấp trên nó vòi vĩnh thì phải cho...để việc êm thấm”. Nói chung là đến nhà ông quan nào cũng được nghe hai chữ “cấp trên”. Chỉ có đến nhà thủ tướng hoặc chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội thì may ra mới nghe được cụm từ “vì dân” thôi chúng mày ạ. Đau đớn không? Đau thì lại uống...
Cả bọn cụng ly nghe choeng choeng.!
Lại có đứa hỏi một câu ngu chưa từng thấy:
- Thế cảm giác lúc trao tiền cho họ để đổi lấy cái quyết định phân công việc nó như  nào hả mày?
- Đó là cảm giác của-đi-thay-người.
- Thế bố mẹ mày lấy tiền đâu ra mà chạy cho mày?
- Đem giấy tờ nhà đất đi vay ngân hàng. Rồi năm sau kiếm tiền trả nợ. Rút cục thì con cái luôn là cục nợ của bố mẹ. Chúng mày ạ.
Một đứa đứng dậy hô lên: “Cụng ly vì cuộc đời đen như cứt chó nào!”.
Cứ sau mỗi một câu như thế thì em lại nốc một cốc bia. Báo hại cái đầu em cứ lâng lâng mà cái chân em thì mỏi nhừ vì đi thăm nhà vệ sinh...Trong cơn say, em gọi điện cho gã người yêu bảo:
 - Anh ơi đưa em về.
 Tưởng đâu anh ấy vỗ về, ai ngờ em bị quát:
- Người yêu của thiên hạ nũng nịu thướt tha, người yêu của tôi là bà chủ tịch bợm nhậu.
 Em tức quá, em nói:
- Nếu tôi là bà chủ tịch thành phố Có Nghiệp thì anh đã làm cho tôi ểnh bụng để cưới rồi. Gớm!
Chúng em chia tay nhau rồi. Hôm nay ngồi chán đời. Kể lại cho bà con nghe tí. Buồn vãi!

Buôn Ma Thuột, viết trong một phần tư của đêm 26/11/2013 
Tây Nguyên Xanh
----

2 comments:

  1. Không thể hiểu quyền được làm việc mà phải đánh đổi như thế này ư?

    ReplyDelete