Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, November 28, 2014

RIÊNG TẶNG QUÊ CHA ĐẤT MẸ XỨ NGHỆ

November 28, 2014

Share it Please
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Du Muc
   Nghe nói 23h10’ đêm qua, UNESCO đã chính thức công nhận dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mới đọc tin này xong, tự dưng ưng về quê một chuyến...
   Mình sinh và lớn lên ở Dak Lak nhưng may mắn thế nào đó mà vẫn nói được tiếng Nghệ. Với quê cha đất mẹ Nghệ An, mình với chỉ được 3 lần về. Lần thứ nhất là tết Nguyên Đan năm 1997. Hồi đó cùng em trai với mẹ về với tâm thế nhìn mặt bà ngoại lần cuối. May mắn là bệnh của bà biến chuyển tốt nên con cháu được ăn tết sum vầy trọn vẹn. Hồi đó mình bé quá nên không nhớ gì cả. Đến hè năm 1999, nhân chuyện dượng (chồng của cô cả) vào ăn cưới con người thân trong này, ông bà nội nhớ quá nên nói dắt một trong hai chị em mình về. Ông bà đúng là gừng càng già càng cay. He he. Nhớ con nên bưng cháu về nhà thì con cái tự biết đường về thăm cha mẹ. Hè năm 2007 là lần thứ ba về Nghệ. Lúc đó đã học lớp 11 rồi nên nhớ nhiều kỷ niệm hơn.

   Vì là cháu ở xa về thăm quê nên mình được ông bà nội ngoại cưng lắm. Về Hưng Nguyên chơi với ngoại được mấy hôm thì ông bà nội phái người xuống chở cháu lên Nam Đàn vì quỹ thời gian ở quê của mình rất ít. Hồi bà ngoại còn sống, bà làm mũ để dì bỏ hàng ở các chợ nên lâu lâu mình được dì chở đi chợ Sáo, chợ Vực, lên đê ở Hưng Xá ngắm sông Lam.

   Khi ở trên Nam Đàn với nội, buổi sáng đi chợ Tro ở xã Xuân Hòa nhưng mà đến chiều muốn mua cái gì thì phải ra chợ Trùa (chùa) ở xã Nam Anh. Chiều chiều, bà nội đội nón, tay ôm một trái mít bở (mít ướt) túc tắc đi giữa cái nắng vẫn còn nóng của mùa hè xứ Nghệ. Chiều nay ăn mít nhưng trưa mai là được ăn một nồi canh “giấm xơ mít” (xơ mít muối chua nấu với lạc sống giã). Chắc cái từ “giấm” xuất hiện trong tên món ăn là vì vị chua. Thú thật là mình chưa từng được đi dạo ở thành phố Vinh. Mình tò mò cái nơi vốn có tên là Vĩnh Thành ấy lắm.

   Phố chưa ghé đã đành, biển Cửa Lò, Cửa Hội mình cũng chưa đến “khi mô cả”. Nghe ai đó nổ banh chành rằng biển ngoái đó đẹp thôi rồi. Mình “lắc trốc” tiếc chứ chẳng biết làm sao. Đành hẹn dịp sau.

   Về Nam Đàn, mình còn có một kỷ niệm thế này. Lần nọ, bà nội sai mình đun nước om chè xanh. Ờ thì mình cứ thấy chỗ nào có nước là múc. Thế quái nào, đến trưa rót nước ra mời khách thì ôi thôi, một màu đỏ đục hiện hữu trên ly. Bà hỏi ngay lấy nước ở đâu. Mình phụng phịu mặt đáp rằng ở giếng câu lên. Bà phát ra tiếng hơ hời rồi dặn lần sau ăn uống thì lấy nước mưa trong bể. Tắm giặt mới lấy nước dưới giếng. Nước giếng nhiễm phèn, nỏ uống được mô. Nay nhìn đâu đó thấy cái bể đựng nước mưa lại nhớ chuyện nhỏ ấy.

   Mình về ngay sau khi trong này vừa kết thúc năm học nên thường trúng mùa nhổ lạc. Sáng sớm mình cũng bày đặt cầm bị (cái bao nhỏ) đi mót lạc với các anh các chị con cô con chú. Đến chiều luộc một rổ to đùng rồi đi mời hết anh em về ăn cho vui. Hồi đó, mình có cái thắc mắc rất ngớ ngẩn, ấy là đất Nam Đàn cũng đỏ (thực ra là đỏ mỡ chứ không giống) như Tây Nguyên mà sao Ba Má không ở ngoài này trồng cà phê, đi xa làm gì cho bọn mình nhớ ông nhớ bà.

   Hồi nhỏ, mình cứ tưởng chỉ ở Tây Nguyên và Tây Bắc mới có dân tộc thiểu số. Có lần cãi nhau “ỏm tỏi” với các anh chị về chuyện đó. Các anh chị nói Nghệ An cũng có đồng bào ít người, có người Mường ở trên rừng rú ngái (xa) ta lắm. Nay đọc báo và xem ảnh về miền Tây xứ Nghệ mới thấy ngày xưa mình hàm hồ thật. he he

   Mỗi lần về cùng con cái, Ba thường hay dẫn bọn mình xuống Kim Liên thăm thú và không quên mua những cái đĩa nhạc lưu niệm. Vì thế nên hàng sáng, bọn mình thường được nghe dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh ngay trên đất Tây Nguyên. Cái “thứ” dân ca ấy lạ lắm. Hễ nghe là gợi cảm giác nhớ thương man mác. Nghe cùng với Ba Má mà mình cứ như thể đang nhớ quê nhà!? Có lẽ là lúc ấy mình nhớ đất Nghệ trong ký ức thăm quê. Một lần phát biểu trên truyền hình, nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu đã nói một câu khiến mình nhớ mãi như thế này: “Nếu một người đang buồn mà nghe dân ca thì dường như nỗi đau được chia sớt, thả theo ca từ trôi xa. Nếu một người nghe dân ca trong lúc vui thì tưởng chừng như niềm vui ấy được nhân lên và lan tỏa ra mọi hướng”. Dân ca nói chung và Ví Giặm nói riêng có tố chất đồng cảm như thế với người nghe thật.

   Nay Ví Giặm xứ Nghệ được tôn vinh là di sản phi vật thể của nhân loại rồi nhưng còn đó nhiều nỗi lo. Mình nhớ, hồi nghệ nhân hát Ca Trù Hà Thị Cầu mất, truyền hình có phát một phóng sự đặt một dấu chấm hỏi to đùng phía sau câu nói rằng tại sao cho đến chết nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn chưa một lần được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chúng ta bảo tồn di sản cũng chính là bảo tồn những truyền nhân. Cho nên cần thiết lắm những chính sách dành riêng cho các nghệ nhân dân gian và đơn giản hóa nhưng toàn diện trong việc xem xét trao tặng danh hiệu Nghệ Nhân để nhanh chóng có phương pháp phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa. Người thưởng thức luôn đứng giữa hai dòng nhạc cổ truyền và hiện đại, còn các nghệ nhân hát dân ca lại đang già theo năm tháng...
Buôn Ama Thuột, 28/11/2014
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment