Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, December 21, 2014

HỒNG CẬY

December 21, 2014

Share it Please
   Đã hết mùa cà phê, hôm nay ngày chẵn (30/10 âm lịch) nên người làm thuê trong xóm lên xe về quê hết. Thấy mấy người lên xe về chợ Tto (Nam Đàn, Nghệ An) mà thấy nhớ nhớ điều gì đó rất mơ hồ. Nó giống với cảm giác nhớ nhà. Chẳng lẽ mình tư hương trong chính nơi sinh của mình? Cứ về đến đó thì tự khắc đôi chân biết đường về Xuân Hòa quê Cha. Cái nơi đã nuôi nấng tuổi thơ của người sinh ra mình, ừ Ba mình! Ba đem hương quê vào Tây Nguyên cho bọn mình được biết chất Nghệ. Ba nhờ người mang sản vật của quê nhà cho bọn mình thưởng thức. Những người được nhớ ấy chính là con cháu của láng giềng cũ vào đây làm thuê. Có thể nói những người làm thuê là sợi dây nối Tây Nguyên với các vùng miền khác, là “kênh” để sản vật đi vào lòng người khác xứ. Nhờ họ mà mình mới được ăn bánh Cáy Thái Bình, vải sấy Bắc Giang, mì chính của Lào nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), củ ấu...
Tác giả ảnh: Thu Hương
   Ông bà nhớ cháu, các dì các bác thương Ba Má sống xa anh xa em nên cứ thấy ai vào Dak Lak thì thế nào cũng gửi cho nhà mình cái này cái nọ. Khi thì đàng nội gửi cho can tương, đàng ngoại gửi cho mấy ký hành tăm (củ nén), lúc thì có người nhắn đến nhà nọ nhà kia lấy bì lạc khô. Lắm khi chỉ đơn giản là một xấp kẹo Cu Đơ. Ấy thế mà nhà mình có lạc và tương quê quanh năm. Ngược lại, trong này hễ ai về ngoài đó thì Ba Má mình cũng cố gắng gửi mấy ký tiêu hạt, thời mi chính (bột ngọt) còn đắt đỏ thì hay gửi mỗi nhà một gói.  Những ngày mưa như thế này, rang một nắm lạc thơm lừng rồi thả nguyên hạt vào chén nước tương cho nó trương phình lên, ngấm gia vị rồi ăn với cơm trắng. Cái vị sao mà bùi đến thế.
Tác giả ảnh: Thu Hương
   Ngày bé, mỗi lần bóc tờ lịch đầu tiên của tháng 10 âm lịch, mình thấy Má hay chặc lưỡi tiếc rẻ thời gian rồi ngâm: “Vội vàng ăn nhãn tháng năm/ Ung dung ngồi đợi hồng ngâm tháng mười”. Với trái trái Hồng Cậy, mình chỉ biết như thế cho đến mãi năm ngoái mới được nếm hương vị của nó. Ờ thì hương vị cũng gần giống trái Hồng Giòn to uỳnh trồng ở xứ mơ mộng Đà Lạt. Nhưng hình như với Ba Má mình thì nó ngon lạ kỳ vì thấm hương quê. Mời láng giềng đồng hương đến ăn, ai cũng tấm tắc khen ăn hồng ngâm mà uống “nác chát” thì còn gì bằng. Vừa ăn, các cụ vừa rôm rả kể lại những kỷ niệm thơ bé đi trộm hồng rồi lấy gai bưởi đâm lỗ cho nhựa chảy ra và ngâm dưới khe suối. Chờ cho nó chín mới vớt lên ăn. Các cụ nói hồng phải ngâm khe nước chảy mới ngon.
Tác giả ảnh: Thu Hương
   Nghe nói Hồng Cậy được trồng nhiều ở xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An), là cái nơi mà theo như mình tưởng tượng thì xã ấy ở bên kia rú Anh. Nam Anh có chợ Trùa (chùa) họp buổi chiều. Cái chợ bán những trái mít bở (mít ướt) cho mình ăn trong những hè về thăm quê. Giờ này chắc “ngoài nớ” hết mùa hồng rồi. Chỉ có thể sưu tầm ảnh nông sản trên báo Nghệ An mà thôi... 
Buôn Ama Thuột, 21/12/2014
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment