Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, December 19, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 12: CÀ NĂM NAY ĐƯỢC MẤY TẤN?

December 19, 2014

Share it Please
Tác giả ảnh: Huyền Diệu - Thành Huy
   “Khi loài người chưa biết dựng nhà, còn ở trong hang hốc thì thường xuyên bị rắn cắn nên hễ gặp là hỏi nhau đã gặp rắn chưa. Biết xây nhà rồi thì hay đau yếu, loài người lại có cách hỏi thăm là có khỏe không. Dân số tăng nhanh, vấn đề lương thực được đặt lên hàng đầu nên mỗi khi gặp nhau, người ta lại chào nhau bằng câu hỏi ăn cơm chưa” (*)Tùy điều kiện sống mà người ta có cách thăm hỏi khác nhau. Trong mùa thu hái, người trồng cà phê ra đường mà gặp nhau thường nói “Hái cho ai đó?”, “Hôm nay (thuê) hái mấy cặp (người)?” thay cho câu chào. Hết mùa rồi, người ta lại hỏi nhau “Cà năm nay được mấy tấn?”. Cái sự thăm hỏi ấy xuất hiện nhiều ở những buổi uống nước chè xanh mỗi sáng tại một gia đình nào đó. Hội này xuất phát từ tập quán mời hàng xóm sang uống nước của người gốc Nghệ Tĩnh. Sáng sớm họ làm một ấm chè tưới thật đặc rồi sai con đi mời láng giềng sang uống và tán gẫu. Vùng đồng bằng ở Nghệ Tĩnh khó trồng chè và diện tích cũng không ưu đãi nên hễ ai được mời nước chè thì mừng lắm. Chè chủ yếu do người Thượng (chỉ chung cho người miền núi ở phía Tây xứ Nghệ) đem xuống bán. Khi di cư vào Tây Nguyên, dù mỗi nhà đều có mấy hàng chè trong vườn nhưng người gốc xứ Nghệ vẫn sử dụng ấm “nác chát” để gắn kết tình đồng hương và giao lưu với làng giềng khác vùng văn hóa. Một hội như thế có khoảng mười thành viên thường xuyên, cộng thêm khoảng năm thành viên lâu lâu mới ghé. Cứ quay vòng, hôm nay uống nhà này thì ngày mai thấy ai “nháy máy” điện thoại thì biết nhà đó mời.
   Sau hai tháng mùa cà phê, tối qua cái hội “nác chát” xóm mình mới tụ họp trở lại với lý do rất chính đáng, ấy là chú láng giềng mới bán được cây Mai với giá bốn mươi triệu đồng. Nghe nói là thương lái quần đảo quanh xóm mình mấy ngày nay. Thấy nhà ai có cây cảnh đẹp thì gạ mua chứ xóm mình không có ai buôn cây cảnh cả. Họ ghé nhà chú kia, vợ chú ấy không muốn bán vì cây mai trồng gần hai mươi năm rồi. Thương lái cứ nài nỉ xin mua, cô vợ cáu quá, phán đưa đây bốn chục triệu thì bán. Thương lái khoảy tay kêu ra đếm tiền. Hai vợ chồng chú ấy giật mình luôn. Thế là bán. Hàng xóm (khoảng chục nóc cận cư) được đãi một thùng bia, mấy điếu thuốc lá và vài gói kẹo. Ôi thôi, trà dư tửu hậu mà, đủ thứ chuyện được đưa ra để vung môi múa tay.
   Cà năm nay được mấy tấn? Tấn cà phê nhân thô đem đi xuất khẩu chứ không phải cà phê khô vỏ đâu nhé. Năm ai cũng giật bắn mình mẩy khi bị/được hỏi câu ấy. Ai cũng trả lời là cà năm nay mất mùa, nợ nhà tôi như này này, rồi thì phân bì nhà kia nom thế mà cà nhiều lắm. Cái nhà bị phân bì ấy lại than như thế và lại phân bì với nhà thứ ba rồi thứ tư khác nữa. Cứ thế mà cả xóm này được “mùa than”.
   Nhà mình năm nay cũng mất mùa, cà chưa khô hết nên chưa dự trù được mấy tấn. Có nhiều nhà mất kinh hoàng lắm. Năm ngoái được mười một tấn nhân mà năm nay chỉ được khoảng hơn sáu tấn nhân thôi. Hoặc có nhà năm ngoái được hai tấn mà năm nay chỉ được mấy tạ nhân. Cà phê có quy luật năm được năm mất. Năm ngoái trúng mùa, ai nấy cười hỉ hả, năm nay thì bơ phờ đón xuân sang. Trời lại đang lạnh và mưa nữa, bên ấm nước chè ngó ra cửa sổ mà não nề lắm thay. Vấn đề là tiền đâu để mua phân bón, tưới nước cho cà phê trong năm tiếp theo. Lại đi vay, lại hứa đến mùa cà sẽ trả. Ôi cái vòng luẩn quẩn ấy...
---
(*) đoạn đầu ấy được dịch từ nguyên bản Hán văn ở trang 31, giáo trình luyện thi chứng chỉ A tiếng Hoa, tác giả Bùi Anh Đức và Tô Cẩm Duy, NXB Trẻ, 2008

Buôn Ama Thuột, 19/12/2014
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9Phần 10Phần 11 để theo dõi từ đầu nhé.

2 comments:

  1. He he he...Chơi luôn cả dịch tiếng Hoa vào bài! Còn ghi rõ xuất xứ nữa chứ. Riêng bác N. thi câu hỏi " Bao giờ từ chức Chủ tịch?" thay cho câu chào!

    ReplyDelete