Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, March 31, 2015

MỘT THOÁNG CÁC LÀNG NGHỀ Ở BÌNH ĐỊNH QUA ỐNG KÍNH CỦA PHÓ NHÁY NGUYỄN HÀ

March 31, 2015

Share it Please
   Mang tiếng là ở Quy Nhơn bốn năm trời nhưng tôi không hề đến các làng nghề của Bình Định.  
   Khi ra trường rồi, tôi mới biết thương hiệu bún Song Thằn nức danh thiên hạ ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định. Nghe bảo bún ấy làm từ đậu xanh và cái tên Song Thằn là được phiên ra theo thổ âm của người Bình Định. Chính xác là Sông Thần. Con sông thần ấy chính là sông Côn. Tương truyền rằng, vua chúa nhà Nguyễn nghe đồn rằng bún ở nơi đây ăn ngon lắm. Vua triệu thợ rành nghề phải ra Huế làm bún hầu ngự thiện. Nhưng trớ trêu thay, cũng công thức và nguyên liệu ấy nhưng bún không ngon bằng bún làm từ nước sông Côn. Tên gọi bún Song Thằn có từ đó.

   Tôi đã từng mua bánh tráng về biếu bố mẹ. Họ nướng lên hoặc nhúng nước để mời khách. Nghe đến danh bánh trang Bình Định ai cũng xuýt xoa nhưng thú thật tôi tiếc là hồi ấy không biết có làng nghề bánh tráng Trường Cửu (An Nhơn) để tìm về mà mua.

   Tôi được bố ưu ái gọi “con gái rượu” nên mỗi lần về thăm nhà, tôi luôn luôn nhớ mua rượu Bàu Đá cho ba. Ấy vậy mà giờ tôi mới biết làng rượu Bàu Đá ở  An Nhơn.

   Hồi còn là sinh viên, sáng nào tôi cũng ăn bánh hỏi với chào lòng nhưng chưa một lần ghé làng nghề bánh ướt bánh hỏi Nhơn Thuận (An Nhơn) để thấm chất Bình Định tỏa ra trong không gian lò bánh.

   Đã ai nghe câu “An Nhơn lủ khủ làng nghề” chưa nhỉ? Lủ khủ nghĩa là rất nhiều đấy. Nghe bảo An Nhơn còn có làng nón lá Gò Găng và các làng nghề nón lá trên toàn tỉnh Bình Định đều quy tụ về chợ nón Gò Găng để tiêu thụ.

   Cái chợ này họp từ khi trời còn tối hù cho đến sáng rõ thì tan. Hình như họp sớm để phân phối hàng đi các chợ khác của vùng khác đó. Chợ Gò Găng hoạt động như một chợ đầu mối chuyên mau bán nón lá.

   Cũng liên quan đến nón, ở Bình Định có “Làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) có tuổi đời hơn 300 năm. Gọi là nón ngựa bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ thích hợp dùng đội khi cưỡi ngựa. Thời xưa, nón chỉ dành riêng cho giới phong lưu, quyền quý, nhất là những chiếc nón ngựa có bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón. Hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón ngựa bịt bạc trên các nẻo đường làng đã trở thành ký ức ở các làng quê Bình Định trước những năm 1945.
Thầy Chánh, nón chụp bạc, áo tam gian
Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te...” 
(trích từ bài Nón Ngựa Phú Gia, tác giả Tâm Ngọc đăng trên báo Tuổi Trẻ Online đăng ngày 31/1/2014)

   Trước khi gõ bài viết này, tôi đã “mò” toàn bộ kho ảnh trên Facebook của tác giả Nguyễn Hà. Tôi đọc được cái này “An Nhơn xưa là kinh đô Đồ Bàn. Di tích tháp Chăm còn lại 7 cụm tháp, gồm 13 ngôi tháp còn tồn tại. Các ngôi tháp này có nhiều phù điêu và tượng đá bằng Sa Thạch được người xưa điêu khắc tinh xảo. Có lẻ cái nghề phục chế tượng Chăm, phù điêu Chăm của đất An Nhơn cũng từ những di tích này mà hình thành phát triển....” Đá Sa Thạch chính là đá cát. Hình ảnh bên trên được tác giả chụp tại làng nghề điêu khắc trên đá Sa Thạch ở An Nhơn.

   Chắc nhờ địa thế hữu duyên nên từ xưa, An Nhơn đã có làng nghề đúc kim loại Bằng Châu. Ông tổ của làng này là Nguyễn Thiện gốc Ý Yên – Nam Định. Làng có hơn hai trăm năm lịch sử rồi.

   Diện tích rừng đang bị thu hẹp và nguồn gỗ phần lớn bị buôn sang nước ngoài. Ai cũng lo An Nhơn chẳng còn làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu nữa. Phải yêu nghề lắm thì làng mới trụ vững đến hôm nay.

   Thời buổi này, đồ nhựa lên ngôi. Mấy ai dùng rổ tre nữa đâu. Cùng chung số phận với nhiều làng nghề khác, đời sống của dân làng đan tre Đại Bình ở An Nhơn cũng gặp nhiều khó khăn.

   Gõ nãy giờ mà chưa kể hết tên làng nghề của An Nhơn. Nghe nói còn có làng rèn Tây Phương Danh.

Và làng gốm Vân Sơn nữa. Thiệt đúng là lủ khủ mà.

   Những làng nghề kể trên, sau này có điều kiện tôi sẽ đến thăm được nhưng cái chợ Gò Trường Úc (huyện Tuy Phước) chỉ họp một lần duy nhất vào ngày mồng một tết hằng năm thì chắc phải lấy chồng Bình Định mới mong ghé được. Nghe đồn chợ ấy mở từ giao thừa đến sáng. Chợ chủ yếu bán cau và trầu. Người ta cho rằng mua cau trầu đầu năm như là mua lộc. Nay người ta phát triển lên thành lễ hội Chợ Gò, tích hợp loại hình diễn xướng hát Bài Chòi để giữ gìn văn hóa dân gian. Tò mò cái chợ này quá à!

  Có những chiều tôi thèm được sống như hồi ở Quy Nhơn. Sáng sáng, chiều chiều được hóng gió biển. Lúc gõ bài viết này, sao tôi thèm ăn lát bánh xèo giữa đất trời Bình Định quá các bạn ơi.

   Hy vọng một ngày nào được trở lại Bình Định để ngồi lên xe ngựa dạo hết các làng nghề. Hôm nay là ngày kỷ niệm tròn 40 năm giải phóng thành phố Quy Nhơn (31/3/1975 – 31/3/2015) nên gõ đôi dòng cho đỡ nhớ...
Buôn Ama Thuột, 31/3/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment