Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, April 25, 2015

BỮA CƠM NGÀY LẬP DỊCH

April 25, 2015

Share it Please
   Sáng nay nhận sáu cái thiệp mời ăn cưới trong tuần tới. Có ngày hai đám trùng giờ nhau. Bố mẹ phải chia nhau đi. Nguy cơ tái nghèo vì cưới hỏi cao lắm thay. He he. Ngoài giấy báo hỷ, giấy mời tiệc thì trong sáu cái thiệp lớn ấy, có một cái được bấm kèm với tờ giấy nhỏ ghi rõ mời ăn Lập Dịch. Nghĩa là cũng cái đám ấy nhưng chủ nhà còn đãi thêm nhà mình một bữa cơm tối trước ngày cưới nữa.
Tác giả ảnh: Nguyễn Ngọc Hoà
   Chẳng biết từ bao giờ xứ mình có thêm tờ giấy mời ăn Lập Dịch như thế. Trước đây chỉ mời bằng miệng chứ không gửi giấy bao giờ. Ngày xưa Lập Dịch chính là bữa cơm tạm để đãi những người giúp chủ nhà dựng rạp trước ngày cưới. Bữa cơm mời Lập Dịch thường là lúc ban trưa. Đến tối của ngày Lập Dịch thanh niên đến ngồi chơi cắn hạt dưa trong rạp. Còn người thân và láng giềng quanh bốn góc vườn thì đến để trước là mừng cưới, sau là nắm được phần việc của mình trong ngày tiếp theo (ngày tổ chức cưới). Hồi ấy dịch vụ nhà hàng lưu động chưa phát triển mãnh mẽ như bây giờ nên người nhà tự nấu.
   Là mình thấy thế và cũng được nghe kể về nguồn gốc cái bữa cơm Lập Dịch của người Nghệ Tĩnh là như thế chứ không biết các quê khác ra sao. Vào Tây Nguyên, người Nghệ cũng bê nguyên ý nghĩa bũa cơm ngày Lập Dịch như vậy. Hễ đụng sự dựng rạp thì có Lập Dịch. Nhưng hơn hai mươi năm sinh ra và lớn lên ở Dak Lak, mình thấy rõ mồm một sự giao thoa giữa các nền văn hoá. Mình thấy bây giờ không phân biệt là người đến từ vùng quê nào và quê ấy có tổ chức ăn trong ngày Lập Dịch hay không, đã hoà vào đời sống của dân Tây Nguyên thì đều có làm bữa cơm Lập Dịch vào buổi tối. Và bữa cơm ấy không ít khách đâu nhé. Tệ là năm mâm và phổ biến là bảy hoặc tám mâm khách đấy. Mỗi mâm mười người chứ không phải sáu người như ngoài Bắc đâu.
   Khách trong bữa cơm Lập Dịch ngày nay là anh em cận huyết.  bạn bè thân thiết và láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Nói vậy chứ gần như đãi không cả làng mới nhiều khách thế đấy. Trước ngày cưới, nhân viên của nhà hàng lưu động đến dựng rạp và treo logo quảng cáo thương hiệu dịch vụ nấu ăn của họ. Đến chiều, các nhạc công thử giàn loa và cùng ăn cơm Lập Dịch do chủ nhà tự nấu. Nhân thể quan khách ăn lập dịch cũng vừa ăn vừa hát như trong tiệc cưới. Ngày hôm sau, nhà hàng lưu động đến phục vụ đám cưới. Tam tiệc, chủ nhà xé phong bì lấy tiền trả cho bên nhà hàng. Thế là xong. Về phần tiệc thì ngày nay người Tây Nguyên ít khi lỗ. Chủ yếu tốn chi phí trong phần lễ thôi.
   Tiệc cưới bây giờ chán lắm. Ai đến trước ngồi đủ mâm thì ăn trước và ngồi bát nháo chứ không theo hàng họ nghiêm ngặt như ngày xưa nên ngồi ăn cưới rất nhạt tình. Cho nên bữa cơm Lập Dịch đối với người di cư đi làm kinh tế mới ở Tây Nguyên cực kỳ quan trọng. Bữa cơm này thường có cả người ngoài quê vào dự đám cưới của con cháu nên nó rôm rả và vui vẻ lắm. Người xa quê đến để được no cái tình đồng hương chứ không quan trọng no cái bụng. Ấy thế mà chủ nhà vẫn phải rườm rà vài mâm cơm Lâp Dịch. Có chén rượu uống vào cho ấm bụng, lúc phê pha, các cụ kể chuyện mới hăng được.
   Với mình, bữa cơm Lập Dịch là nơi mình được nhận quà của ông bà gửi tử ngoài Nghệ An vào. Lúc thì can tương Nam Đàn, bao lạc sống hoặc kẹo Cu Đơ. Đàng nội chỉ có một mình Ba ở trong này nên ông bà cưng lắm. Chỉ cần trong xã Xuân Hoà có ai vào Dak Lak thì kiểu gì cũng gửi quà vào cho cháu. Đi ăn Lập Dịch để được nói tiếng Nghệ đặc sệt mà không phải sợ đối phương khó hiểu và được sống như người Nghệ…
Buôn Ama Thuột, 25/4/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment