Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, May 21, 2015

SAU BUỔI HỌP PHỤ HUYNH

May 21, 2015

Share it Please
   Lúc sợ hãi, người ta có hai biểu hiện đó là bỏ chạy hoặc nổi giận. Với con cái, họ không thể bỏ mặc nên đành nổi giận. Người bố kia cũng thế…
Tác giả ảnh: Rio Nguyen
   Hôm qua, ông bố ấy đi họp phụ huynh về. Hình như kết quả học tập của con gái quá thấp dù rằng hàng tháng bố phải bán cà phê lấy tiền cho đi học thêm các môn sau này dùng để thi đại học ở nhà thầy cô. Thế là bố mắng, con cãi. Điên tiết lên, bố đánh nhừ tử, con bỏ nhà ra đi. Bố doạ rằng nếu không tự mò mặt về nhà thì tao đốt hết áo quần coi như mày đã chết. Mẹ vừa khóc vừa tìm con.
Sáng nay làng xóm xôn xao…
   Ngày xưa, mỗi lần bố mẹ đi họp phù huynh ở cuối học kỳ, mĩnh cũng run cầm cập. Không được danh hiệu học sinh tiên tiến thì ăn roi cà phê ngay. Roi cà phê khô có các mắt trái, gây đau chỉ thua dây thép gai. Bố mẹ mình còn đỡ chứ chú hang xóm ngày xưa đánh “anh chàng ném ổi” của mình thừa sống thiếu chết chỉ vì bài kiểm tra một tiết bị điểm 6.
   Mười hai năm đi học, chỉ có năm lớp 12 là mình bị học sinh trung bình do tổng kết môn Văn chỉ được 3,7 điểm. Thù môn Văn tợn. Bố đi họp phụ huynh về hỏi “tại mần răng rứa con ơi?”. Đứng mấp mé nơi bậc thềm thủ sẵn tư thế để chạy nếu bố giơ roi, nói con chỉ học những môn thi đại học thôi, con không thích môn Văn. Bố hăm doạ “mi mà không đậu đại học thì mi chết với tau”. Mấy tháng sau và những ngày tiếp theo nữa, bố còng lưng nuôi mình học đại học. Chẳng biết ai đã phát minh là hai câu đối “Mày không đỗ đại học thì mày chết với tao” và “Mày đỗ đại học thì tao chết với mày” nữa. Đúng phết!
   Học ở Quy Nhơn, lúc đi ra ngoài dường, mình hay nói dối là người ở Nghệ An vào học chứ chẳng mấy khi khai là dân Tây Nguyên. Vì ngại hai câu nói: “Hình như các trường đại học từ Đà Nẵng trở vào Sài Gòn toàn dân Tây Nguyên xuống học là chủ yếu” và “Dân cà phê giàu mà”. Dân Tây Nguyên chấp nhận bán cà phê cho con đi học thêm để đỗ đại học chứ quyết không để con làm nông nữa. Có rớt trường công lập thì chấp nhận học phí cao vào học trường đại học tư thục. Bây giờ vẫn có người nói không xin đi dạy được ở các miền khác thì vào Tây Nguyên xin. Họ vẫn nghĩ Tây Nguyên còn ở cái thời chó ăn đá gà ăn sỏi, lạy ông mớ bái trở lại làm thầy ở xứ này hay sao ấy. Tây Nguyên là thị trường màu mỡ cho ngành công nghiệp không khói “dạy thêm”. Mỡ đấy mà húp!
   Bố mẹ nào cũng sợ con không thành đạt, thành ra rối rắm nhiều bi kịch!
Buôn Ama Thuột, 21/5/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment