Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, October 9, 2015

CHUYỆN NÔNG DÂN ĐI NGHE HỘI THẢO MUA PHÂN BÓN

October 09, 2015

Share it Please
    Mấy hôm nay, báo đài đăng tải rùm beng về vụ các công ty kinh doanh theo kiểu đa cấp bán phân bón cho nông dân. Để Tây tả cho các bạn hình dung chuyện nông dân cà phê đi nghe hội thảo phân bón nhé.

    Trồng cà phê tốn kém phân bón lắm. Một năm có hai mùa mưa và nắng. Mùa nắng (tức là mùa khô), nông dân phải tưới ít nhất ba đợt nước (mỗi đợt cách nhau 20 ngày). Mỗi một đợt tưới, họ đều rải phân bón dưới gốc cây trước khi nổ máy phun nước. Bón để kích thích cây đơm hoa và tỉ lệ đậu trái cao. Sang đến mùa mưa, lại bón tiếp ba đợt nữa (nếu giàu thì bón bốn đợt). Mùa này bón để cho cây có sức nuôi trái. Ngoài ra còn có phun thuốc vi lượng hấp thụ qua lá. Hai năm bón phân hữu cơ (phân chuồng, thường là phân bò) một lần. Đấy, thị trường màu mỡ thế cơ mà. Gặp anh nông dân cà phê, mợ buôn phân bón nào chẳng đá lông nheo phối kết hợp với bắt tay. Các thương hiệu mới trình làng không thể so bì thời lượng quảng cáo trên truyền hình của đàn anh đàn chị nên phải chơi trò tổ chức hội thảo. Vấn đề là bọn bán hàng đa cấp đã làm xấu đi phương pháp quảng bá thương hiệu này của các doanh nghiệp chân chính.

Những cục phân bò - Tác giả ảnh: Nguyễn Huy Thành
    Còn thái độ của nông dân đối với các hội thảo ra sao? Khi nhận giấy mời đi nghe hội thảo giới thiệu sản phẩm, đã thành thông lệ, họ hỏi người đưa giấy rằng đi có được tặng gì không. Bởi vì, cuối các buổi hội thảo, những người tham dự sẽ được phát 50 000 đồng hoặc một cái tô sắt hay cái mũ… Kể cái này ra, thật xấu mặt nông dân nhưng nó có thật, đó là nhiều gia đình có cả bố mẹ lẫn con cái đi nghe hội thảo chỉ để…dành được nhiều phần quà nhất. Ban tổ chức mở miêng xin lại giấy mời rồi mới trao quà thì ngại nên cứ phát đại. Kết quả là nhiều người hằn học vì chưa được nhận quà. Nếu cuối buổi, không ai đăng ký mua sản phẩm thì doanh nghiệp cơ bản là lỗ. Thế nên mới phát sinh ra cái gọi là ban tổ chức “chìm” và “nổi”.

    Nghĩa là ngoài những người mặc áo có logo của ban tổ chức thì còn có nhiều người (của ban tổ chức) đóng giả nông dân ngồi lẫn trong quần chúng. Những “ban tổ chức chìm” này tự xưng là nông dân ở xã bên cạnh. Họ hỏi thăm và gợi chuyện khoe rằng hàng xóm của họ năm vừa rồi thu hoạch vượt mức như thế nào nhờ phân bón đang được giới thiệu trong hội thảo. Dù không được mời nhưng nghe tin ở xóm này có hội thảo nên vội đến đăng ký mua. Người nghe thấy cũng bùi tai. Khiến xui thế nào đó, mua ngay tắp lự. Dân mình có cái tính thích “chết chùm”. Thấy lão kia mua, mình cũng mua xem sao. Lỡ có chuyện gì thì cả làng cùng bị chớ riêng gì ta. Rủi mà gặp nhà sản xuất đểu thì chết thật chứ đùa.

    Chi phí trang trải cho việc đầu tư chăm sóc vườn cây cà phê chiếm một ba trong tổng số tiền nông dân thu về sau khi bán sản phẩm trồng được. Hai phần còn lại, một là dành cho việc trả tiền thuê nhân công thu hái, nông dân chỉ đút túi được một phần ba còn lại thôi. Số tiền đút túi ấy cũng dành làm vốn đầu tư cho năm tiếp theo. Đó là một guồng quay của “định luât bảo toàn tiền”. Hỏng một mắt xích là bị trật khỏi đường ray ngay. Đúng thế, tiền không tư nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, tiền chỉ chuyển từ tay người này sang người khác.

Buôn Ama Thuột, 9/10/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment