Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, February 19, 2013

CÂY NÊU NGÀY TẾT

HOÀNG TRỌNG MUÔN
   Ngày trước, ở nông thôn, tết đến, nhà nào cũng trồng một cây nêu ở trước cổng và mọi người trồng cây nêu ở những nơi thờ tự của cộng đồng như đình, đền, chùa của làng xã. Tục trồng cây nêu có từ rất lâu đời, chưa ai biết chính xác là có từ bao giờ nhưng đã ăn sâu vào tâm thức các thế hệ người Việt Nam như một biểu tượng thiêng liêng của ngày Tết Nguyên đán.
  Theo định lệ, vào ngày 30 tháng Chạp (nếu tháng thiếu thì ngày 29), người ta trồng cây nêu và vào ngày 7 tháng Giêng (mồng 7 tết Nguyên đán) thì làm lễ Khai hạ và hạ cây nêu xuống. 
No comments

MÙA XUÂN ĐẾN SỚM

HOÀNG TRỌNG MUÔN
Nguồn ảnh từ internet
   Mới tờ mờ sớm, trời lạnh ngắt, tê cóng cả người. Chẳng ai muốn chui ra khỏi chăn vào cái giờ này, kể cả có thức giấc cũng cứ nằm yên như vậy để cảm nhận một buổi sáng trong lành, nhất là với sinh viên sống trong kí túc xá. Chợt có tiếng u Cầm quát tháo ngoài hành lang đầy vẻ hách dịch, giọng lanh lảnh như tiếng chuông ngân, khua cả dãy nhà thức hết dậy:
No comments

TẢN MẠN VỀ TẾT NGUYÊN ĐÁN

HOÀNG TRỌNG MUÔN
Tác giả ảnh: Tiến Thành
    Một năm có bốn mùa và bao giờ mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất, mùa mở đầu. Mùa xuân lại bắt đầu bằng Tết Nguyên đán. Tết là do chữ “tiết” đọc chệch ra mà thành. Nguyên đán là buổi sớm đầu tiên. Tết Nguyên đán được người Việt gọi là Tết Cả. Tết được bắt đầu tính từ thời khắc giao thừa của một năm mới, từ ngày mồng Một tháng Một âm lịch.
    Tuy vậy, trước đó nhiều ngày, không khí tết đã bắt đầu. Từ ngày hai mươi ba tháng Chạp, sau lễ đưa tiễn ông Táo về trời thì việc chuẩn bị tết nhất đã náo nức hơn bao giờ hết. Dù lúc này, công việc đồng áng, mùa màng của nhà nông cực kỳ bận rộn với những toan tính cho một vụ mùa sắp tới, nhưng việc sắm sửa Tết với rất nhiều thứ như lá bánh, vàng hương…, việc lau dọn bàn thờ tổ tiên, sửa sang, trang trí nhà cửa, chuẩn bị gói bánh chưng… đã mang không khí tết đến với mọi nhà.
    Dường như tất cả mọi người đều háo hức mong tết về để có dịp thăm hỏi, chúc tụng nhau và đồng thời cũng được thể hiện ước mong về những điều tốt lành cho một năm mới với rất nhiều dự định. Mâm ngũ quả đã được chuẩn bị cả tuần trước khi tết đến. Gọi là ngũ quả nhưng kỳ thực không đơn giản chỉ có năm loại quả, mà mỗi nơi, tuỳ thuộc vào những loại cây trồng sẵn có, mâm ngũ quả sẽ được bày biện khác nhau nhưng nói chung đều thể hiện mong ước về một sự đủ đầy, no ấm và hạnh phúc.
    Những ngày giáp tết, công việc càng bận rộn hơn. Bên cầu ao làng, người ta nô nức mang lá dong ra rửa và trò chuyện râm ran về những điều tốt lành. Sáng hai mươi tám, hai mươi chín tết, mặc dù trời lạnh tê tái cùng những cơn gió bấc tràn về như cắt da cắt thịt, mọi người vẫn dậy rất sớm để gói bánh chưng, còn kịp bắc bếp nổi lửa, đun bánh trong khoảng thời gian từ mười đến mười hai tiếng đồng hồ và vớt bánh trước khi đêm quá khuya.
    Sáng hai mươi chín và ba mươi tết, người ta đổ về chợ. Rất nhiều cái chợ mới được họp ngay bên lề đường, chỗ ngã ba, ngã tư với rất nhiều chủng loại hàng hoá. Nhà giàu thì mua một cây đào thế hoặc một cây mai rất đẹp về bày trong nhà. Có người mua cả những cây quất to, sai trĩu những quả chín vàng rực rỡ như nắng xuân. Nhà nghèo hơn cũng cố gắng kiếm cho mình một cành đào nhỏ về cắm trong nhà cho có hương vị tết. Người ta còn mua những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống… và một vài cặp câu đối tết với những nét chữ mềm mại như rồng bay phượng múa trên nền giấy màu hồng để treo trong nhà, ngoài cổng với mong ước về sự sinh sôi, nảy nở. Một cây nêu được dựng lên với ý nghĩa xua đi những gì u ám, tối tăm, mang lại những điều may mắn, tốt lành và để xua đuổi ma quỷ.
    Chiều ba mươi tết là thời khắc quan trọng để mọi người ra đồng thắp hương những ngôi mộ tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết. Từ lúc đó, hương và nến được thắp liên tục trong suốt mấy ngày đêm liền như một chiếc cầu nối tâm linh giữa con cháu với những người đã khuất.
    Đêm ba mươi tết, trong không khí tất niên, mọi người ai về nhà nấy để chuẩn bị đón thời khắc giao thừa linh thiêng trong ngôi nhà nhỏ với những người thân của mình. Từ lúc ấy, người ta thường ngại bước chân sang đất nhà khác nếu như mình không phải là người may mắn hoặc tuổi của mình không hợp với tuổi của chủ nhà kia, vì như thế sẽ mang lại điều xui xẻo cho họ. Sau lễ cúng giao thừa, mọi người kéo nhau ra đường hái lộc và lên đình, lên chùa làm lễ cầu may. Tiếng pháo nổ giòn tan, rắc đầy xác giấy màu hồng ngoài sân, ngoài ngõ như thể hiện những mong ước về mọi điều suôn sẻ và hanh thông.
   Sáng mồng Một tết, những người đã được gia chủ nhờ từ trước đến xông đất cho nhau. Gia chủ mời người xông đất uống nước và tặng phong bao cho họ. Trong ngày này, người Việt kiêng quét dọn nhà cửa và nếu có dọn dẹp thì cũng chỉ dồn rác rưởi thành một đống dấp trong xó nhà, để đến ngày hôm sau mới được hót đổ đi vì mọi người quan niệm đó là lộc, là những điều may mắn, tốt lành. Nếu quét dọn sạch sẽ nhà cửa trong ngày mồng Một tết thì cả năm sẽ bị dông, chẳng làm ăn được gì, chẳng thu hoạch được gì, mà nếu không biết giữ gìn cẩn thận thì mọi thứ trong nhà cũng sẽ ra đi sạch sẽ.
   Người Việt quan niệm: mồng Một tết Cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết Thầy. Vì vậy, ngay từ sáng sớm ngày mồng Một, người ta kéo nhau về nhà cha mẹ hai bên của mình để chúc tết và thắp hương cho tổ tiên. Sau đó mới đi thăm hỏi, chúc tết những người cao niên, những bậc bề trên trong dòng họ. Đây là dịp mọi người được trò chuyện, tâm sự cùng nhau về việc làm ăn, chuyện gia đình… trong suốt một năm qua. Những người bề trên thường tặng cho người dưới những chiếc phong bao màu hồng, bên trong có vài đồng tiền lẻ còn mới gọi là tiền mừng tuổi lấy may với ý nghĩa phát vốn, phát lộc, phát tài cho con cháu kèm theo những lời chúc có nội dung và ý nghĩa rất cụ thể, thiết thực.
   Sáng mồng Ba tết, người ta đến thăm các thầy, các cô. Người thầy mà mọi người thường nghĩ đến đầu tiên là thầy dạy nghề, dạy việc hoặc những người có đạo đức sáng ngời, những người có ảnh hưởng lớn đến tình cảm và cuộc đời của mình để đến thăm viếng và kính chúc sức khoẻ, tỏ lòng tôn kính, biết ơn. Đó là những người mà họ không chỉ nhớ suốt đời vì công lao dạy dỗ mà còn mang ơn vì đã đem đến cho họ một cuộc đời hạnh phúc.
   Từ ngày mồng Bốn tết, các cuộc vui bắt đầu tưng bừng diễn ra khắp nơi và kéo dài đến hết mùa xuân. Những trò chơi đấu vật, bịt mắt bắt dê, hát đối, đánh đu, thả chim, chọi gà… được tổ chức tưng bừng, thu hút đông đảo mọi người với một sự háo hức và vui vẻ đến kỳ lạ. Người ta không coi trọng phần thưởng nên không có sự ăn thua trong các trò chơi mà chỉ coi đây là dịp để giao lưu, kết bạn.
   Ở Tây Bắc, những cô gái Thái đến tuổi cập kê bắt đầu biết tự may cho mình những quả còn rất đẹp để gửi gắm ý nguyện riêng của mình vào đó. Trong quả còn được nhồi hạt vừa tạo độ nặng, vừa thể hiện những mong ước về sự nảy nở, sinh sôi. Mỗi góc quả còn được đính tua ngũ sắc: Xanh, Đỏ, Trắng, Tím, Vàng. Ở giữa quả còn được luồn một sợi dây dài dùng để cầm quả còn tung lên và cũng được đính rất nhiều tua ngũ sắc. Khi tung còn, người ta cầm một đầu dây, quay mạnh mấy vòng để lấy đà rồi tung lên cao. Cuộc chơi diễn ra, một bên tung, một bên bắt. Hai người chơi với nhau thường là một cặp nam, nữ đang tìm bạn và thường là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Họ đứng cách nhau vừa tầm bay của quả còn và bên nào không bắt được là thua cuộc. Nếu chàng trai thua cuộc, cô gái sẽ bắt phạt uống rượu, ít nhất là ba chén cho một lần thua. Nếu cô gái thua cuộc, chàng trai sẽ phạt bằng cách lấy đi của cô một kỷ vật như chiếc khăn tay hay chiếc vòng tay… Đó là sự khởi đầu cho mối nhân duyên. Chén rượu nồng chất men thương nhớ. Chiếc khăn tay, vòng tay… trở thành tặng phẩm trao gửi biết bao tình cảm mặn nồng. Quả còn vì thế bỗng trở thành quả cầu trao duyên đôi lứa.
   Ngày mồng Bảy tết, người ta làm lễ hạ cây nêu, kết thúc những ngày vui chơi và bắt đầu cho một vụ sản xuất mới. Mọi người tiễn đưa tổ tiên bằng một lễ hoá vàng với sự cầu mong được che chở và phù hộ. Những ngày tết Nguyên đán kết thúc nhưng những cuộc vui còn kéo dài. Dù giàu, dù nghèo thì những ngày này, bao giờ mọi người cũng dâng lên tổ tiên, bày lên bàn thờ cùng với mâm ngũ quả những thứ ngon nhất, tốt nhất như một sự phô bày những thành quả, những sản phẩm lao động, những của ngon vật lạ mà họ làm ra trong quá trình sản xuất. Tết Cả đã ăn sâu vào tâm thức người Việt với sự đủ đầy, no ấm cùng với những câu nói cửa miệng quen thuộc như: “Tết nhất”, “Ăn tết”, “Vui như tết”, “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”… dù rằng sau đó lại chật vật trong cuộc mưu sinh với nỗi lo canh cánh về cơm, áo, gạo, tiền…
   Những ngày tết, người ta cũng thường rộng lượng hơn, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho nhau những lỗi lầm, những đố kỵ, hiềm khích ngày thường. Những ngày này, người ta luôn hi vọng vào những điều tốt đẹp nhất…
    Những cái tết Nguyên đán bây giờ không còn được như xưa nữa, mà đang mất dần đi ý nghĩa truyền thống, đang mất dần đi vị trí thiêng liêng trong tâm thức người Việt, nhất là những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng rằng, với sự cố gắng duy trì và gìn giữ những phong tục của tết cổ truyền xưa trong nhiều gia đình, tết Cả sẽ dần dần trở lại với đúng nghĩa trong tâm thức của mọi người dân Việt.

Một cái tết Nguyên đán nữa lại đang về!

Xuân 2004

HOÀNG TRỌNG MUÔN
(In trong Mùa hoa lộc vừng - Tập Ký và tản văn – NXB Thanh Niên, 2007)
Nguồn bài và ảnh tại Hoàng Trọng Muôn Facebook 
No comments

CHỢ TẾT QUÊ

HOÀNG TRỌNG MUÔN
Nguồn ảnh từ internet    
  Trời vẫn còn tối lắm. Cánh đồng phía xa bao phủ một màn sương bàng bạc, đặc quánh. Gió căm căm rít nhẹ, phảng phất mùi ngai ngái của cỏ đồng. Phố huyện nhỏ còn thiu thiu ngủ nhưng có lẽ cũng chẳng ngủ được say bởi cái háo hức về một phiên chợ Tết.
  Tiếng gà gáy văng vẳng từ phía xóm chài. Rồi chúng thi nhau gáy. Có lẽ chúng cũng chẳng ngủ được khi cái không khí ấm áp, háo hức của một cái tết miền quê đang về. Vài nhà trong xóm đã trở dậy nấu cơm. ánh lửa bập bùng soi rõ những bóng người đang nhảy nhót trên bức vách. Mùi khói rơm cay nồng theo gió sớm lan toả đi khắp nơi làm ấm áp cả cái phố huyện đang chìm trong tĩnh lặng. Bóng khói lửng lơ, quyện lẫn vào hơi sương ẩm ướt, cay cay, tạo nên một hương vị rất riêng của miền thôn quê không sao lẫn được. Lũ trâu cọ cọ sừng vào thanh tre chắn ngang cửa chuồng làm nó nẩy lên tưng tưng, kêu lóc cóc. Mấy con ngựa cũng không đứng yên được, gõ gõ móng xuống nền đất, hứng chí hí lên một tiếng thật dài như đáp lại tiếng gà vừa gáy. Lũ lợn trong chuồng thấy vậy cũng đua nhau kêu ủn ỉn ầm ĩ đòi ăn. Lũ gà xôn xao, mổ nhau chí choé. Lũ chó bị giam cầm cả đêm, bây giờ được thả rông, vờn nhau chán chê rồi đuổi nhau chạy nhởn nha khắp ngõ, thỉnh thoảng húng hắng sủa lên vài tiếng. Ngoài đường đã có người đi chợ. Cái phố huyện nhỏ bé rùng mình tỉnh giấc bởi những tiếng ồn ào đang tiến dần về phía chợ.
  Cái chợ quê nhỏ bé nơi góc phố huyện nghèo nàn, heo hút này, ngày thường chẳng có mấy người họp, chỉ lèo tèo vài ba hàng quà, hàng bánh, lưa thưa những gian hàng tạp phẩm nghèo nàn mà mấy bà bán hàng có ngồi cả ngày cũng chỉ có vài ba vị khách. Mấy hàng ăn có đông hơn nhưng cũng chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu nơi phố huyện vào đầu buổi sáng. Mọi người còn phải ra đồng, còn phải tất tả chạy ngược chạy xuôi bươn trải với mong muốn thật giản đơn về một cuộc sống dễ chịu hơn.
  Tháng Chạp giáp Tết, chợ huyện chợt bừng dậy, háo hức như một đứa trẻ mong tết về để khoe manh áo mới. Hàng quán bày la liệt suốt từ những con đường dẫn vào chợ, cách xa tới hàng trăm mét với đủ các mặt hàng. Người dân phố huyện cũng như niềm nở hơn, vồn vã hơn chứ không thâm trầm, lạnh nhạt và có vẻ mặt khinh khỉnh như phong cách hàng ngày nơi đây. Người dân ở các nơi khác đổ về đây mua bán, trao đổi và thăm hỏi nhau. Mọi người quan tâm đến nhau hơn và chợ huyện chợt trở nên gần gũi, ấm cúng trong lòng những người dân quê chân chất.
   Mẹ đã dậy từ bao giờ. Bóng mẹ loay hoay sửa soạn thúng mủng, quanh gánh dưới bếp để chuẩn bị đi chợ Tết. Năm nào cũng vậy, phiên chợ cuối năm nào mẹ cũng mua một gánh nặng nào là lá bánh, thịt lợn, đỗ tằm, vàng hương và bao nhiêu thứ khác. Mấy ngày giáp Tết, mẹ vất vả hơn. Mẹ bảo cả năm mới có mấy ngày Tết để cúng ông bà, tổ tiên, để sum họp gia đình và đi thăm hỏi nhau, chúc nhau một cuộc sống tốt đẹp mà không chuẩn bị đầy đủ thì cả năm lại làm ăn chẳng ra gì. Mẹ nói thì nghe có vẻ dễ dàng như vậy chứ tôi cũng thừa biết rằng, để có một cái tết tương đối đầy đủ, người dân nơi phố huyện nhỏ quê tôi phải chắt bóp, dành dụm cả năm mà cũng mấy ai có được.
   Tôi được mẹ cho đi chợ, lòng chợt rộn lên một cảm giác bâng khuâng khó tả. Cảm giác bồi hồi, háo hức của những phiên chợ trước đây, ngày tôi còn bé chợt sống dậy ngọt ngào. Ngày ấy, mỗi phiên chợ tết, tôi đều được mẹ cho đi theo nên cả đêm hôm trước không thể nào ngủ được, cứ nằm thao thức mãi. Ngày còn bé, mẹ thường cho tôi ngồi vào một bên thúng để gánh ra chợ. Lớn hơn, tôi thường phải bám chặt vào vạt áo của mẹ mỗi khi mẹ cho vào chợ để khỏi lạc đường. Mẹ bảo phiên chợ này là phiên chợ Tết thứ mười chín tôi được mẹ cho đi theo bởi từ năm tôi lên ba tuổi, năm nào mẹ cũng cho tôi đi chợ Tết.
  Ngoài đường, lũ trẻ con được mẹ cho đi chợ Tết chạy lăng xăng, chỉ trỏ khắp nơi rồi khoe nhau những bộ quần áo mới. Thỉnh thoảng lại gặp một cụ già đang ngồi cặm cụi viết câu đối bên đường. Vài ba vế đối đã được treo lên ngay ngắn như những tín hiệu tốt lành của mùa xuân. Bên cạnh, những bức tranh ngũ quả đầy ăm ắp gợi lên một không khí ấm cúng rất quê nhà.
  Những quán ăn bên chợ đã lên lửa. Mùi xào nấu đầy quyến rũ theo gió sớm mai lan đi khắp phố huyện. Cô bán bánh mì bên kia đường đã đội chiếc thúng đựng bánh đi vào chợ. Bà Xoan quẩy quả chiếc làn nhựa, một tay vấn lại chiếc khăn trên đầu cho đỡ lạnh, miệng bỏm bẻm nhai trầu, vừa đi vừa nói chuyện với mấy bà hàng xóm. Anh Thỉnh đẩy chiếc xe bán bánh bao nóng đầy hấp dẫn, miệng đon đả mời chào. Hôm nay, anh diện bộ quần áo mới trông thật bảnh trai. Cô Nụ xóm Đoài mọi ngày rất đỏng đảnh, chua ngoan, sáng nay cũng mặc áo mới, tay cắp thúng đi vào chợ, miệng tủm tỉm cười...
   Phố huyện như bừng lên một sức sống mới trước phiên chợ cuối năm - phiên chợ Tết.
  Trời lất phất mưa xuân!

Tháng 1 - 1998

HOÀNG TRỌNG MUÔN
(In trong Mùa hoa lộc vừng - Tập Kí và Tản văn - NXB Thanh Niên, 2007)


Nguồn bài tại Hoàng Trọng Muôn Facebook 
No comments

Monday, February 18, 2013

SỰ TÍCH CÁI ÁO NGỰC

Nguồn ảnh từ internet
SỰ TÍCH CÁI ÁO NGỰC
PutinViệt
    Ngày xửa ngày xưa, từ cái thuở con người chưa biết mặc áo quần. Có một người đàn ông tên là Nhồi Máu Cơ Tay. Anh ta gặp bất cứ người phụ nữ nào cũng bóp vếu một vài phát. Sinh lão bệnh tử, ai cũng phải trải qua. Tất nhiên, anh ta cũng không ngoại lệ. Ngày Nhồi Máu Cơ Tay ra mắt Diêm Vương, ngày quát :- Tao thấy bên Hội phụ nữ họ tố giác mày, khi ở dương trần mày thường xuyên bóp vếu họ. Trước khi cho mày đi đầu thai, mày có thanh minh bào chữa hay nguyện vọng gì không ?
6 comments