Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, June 15, 2013

Chủ trang Facebook Em Gái Tây Nguyên xin kính báo

Nguồn ảnh: Internet
   Sáng nay mình không thể vào trang facebook.com và một số blog khác như bolapquechoa.blogspot.com và một vài trang khác. Buồn nhất là mình không thể vào trang Facebook Em Gái Tây Nguyên của chính mình. Không phải tài khoản bị hack mà là hình như hệ thống an ninh mạng đã chặn vào facebook bằng thiết bị Dcom 3G của Viettel. 
    Ôi mệt mỏi thật. Mình định cài đặt phần mềm vượt tường lửa nhưng mà cái 3G vốn đã chạy chậm rồi. Dùng phần mềm ấy lại còn chạy chậm hơn vì chờ kết nối với máy chủ ở nước ngoài. Rất chậm các bạn ạ.
    Vậy thì kể từ nay mình chỉ chơi blog như ngày xưa thôi. Sẽ cập nhật những bài viết về Tây Nguyên và nỗi nhớ xứ Nghệ trên blog Hạt Vừng Lép này thôi
    Chủ trang Facebook Em Gái Tây Nguyên xin kính báo như vậy nhé. Mời các bạn lại ghé blog Hạt Vừng Lép để đọc. Cảm ơn các bạn!
8 comments

Thursday, June 13, 2013

PHÓ NHÁY LÀ PHẢI CÓ LÚC NHƯ THẾ

(Kể chuyện đùa có minh họa ảnh)
   Mình có ông anh chơi thân đến mức “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Là nói theo nghĩa văn chương thôi nhé. Chứ mình là con gái. Lão ấy là con trai. Nghe đến vụ “chăn sui” ấy thì có mà tiêu bố nó chuyện tình duyên của hắn á. Nhắc đến chuyện tình yêu tình báo của hắn mới nhớ. Cái chuyến công tác Đà Nẵng hôm rồi của mình.
   Chuyện là như vầy: Bữa đó, mình đang thở bằng tai vì khối công việc nặng như búa tạ. Mắt lồi, mông dẹt, chân mỏi rả rời vì đi đến cơ quan rồi đoàn thể để xin ý kiến chỉ đạo này nọ. Bỗng dưng điện thoại nó reo lên phát. Mình a lô thôi. Đầu dây bên kia nghe giọng nói có vẻ trầm trọng lắm:
      - Cô ra Đà Nẵng gấp cho anh. Phen này thì anh mày ngỏm củ tỏi vì nhiếp ảnh cô em ạ. Tại cô, tất cả là tại cô hết đấy em gái ạ.
   Mình khẩn khoản bảo:
      - Chuyện gì mà nghiêm trọng vậy anh. Sao thế? Nói nghe xem nào.
   Hắn ứ nói gì nữa hết. Hắn cúp máy cái rụp. Báo hại mình phải thân gái dặm trường lặn lội từ Buôn Mê ra tận Đà Nẵng. Qua biết bao nhiêu là núi là đèo phải trèo lên biết bao nhiêu là kilomet đường quốc lộ. Bụi bặm bám đầy ngọc thể. Khổ quá cơ.
  Đến nơi, chưa kịp tắm rửa. Mình gọi ngay hắn ra cà phê để đối chất. 

   Cái quán ấy buổi tối nhìn cũng bắt mắt lắm. Đà Nẵng về đêm công nhận lung linh thật. Chờ mãi...chờ mãi mới thấy cái mặt hắn xuất hiện. Mình hỏi ngay:
     - Làm cái gì mà ông anh tru tréo kéo con em ra tận cái đất này thế hả?
     - Từ từ, gọi đồ uống đã. Vội gì. Cô ra là anh yên tâm rồi. Thế cô uống gì để anh gọi. Như mọi khi nhá.
     - Vâng.
   

       Hắn thích uống đồ uống có sữa và đá cho mát mẻ và để thanh lọc cơ thể. Mình trêu hắn suốt. Bảo hắn uống đồ của con gái. Hắn bảo mình không biết gì thì đừng có nói. Sữa rất tốt cho việc hòa tan độc tố để thải ra ngoài. Hề hề. hết cãi với hắn.

  Mình thì cứ trung thành với món Lipton Nóng này. Đi đâu gặp ai, cuộc cà phê nào cũng chỉ có món này là duy nhất. Tay nặn chanh, miệng mình cũng chanh chua hỏi hắn:
    - Thế giờ có định khai cái nguyên nhân của sự có mặt của tui ở đây không?
  Hắn mặt buồn rầu, miệng thều thào kể lể:
    - Anh không gọi cô ra thì gọi ai. Nguyên nhân cũng vì cô cả. Làm cho ạnh hứng chí chơi máy ảnh, chính là cô. Mà gây ra cuộc cái vã của anh với lại cô ấy cũng là cô chứ ai vảo đây hả?
  Mình đớp lời ngay:
    - Em làm cái gì hả? Hả? Hả?
    - Chẳng phải cô nhờ anh chụp mấy cái ảnh ở Hội An đúng không? Cô yêu cầu phải có cả nam và nữ đúng không. Chị nhà anh ghen vì có cái tấm ảnh của cô gái tình cờ chụp được. Anh là anh oan ức lắm cơ. Cô phải về mà giải thích với chị ấy chứ.
  Chèng Méc ơi, giờ thì mình đã hiểu. Huhu.
     - Thế giờ em phải làm gì cho anh?
     - Cùng anh đi hứng đạn, giải thích cho cô ấy hiểu. Không thì đi tong cái tổ tấm nhà anh
     - Thế giờ chị ấy ở đâu?
     - Về nhà ngoại ở phố cổ rồi.
  Thế mà mình phải lon ton theo ông anh mò mặt về Hội An. Ôi Chèng Méc ơi. Run quá thể.
   Đến nơi, đang tớp hớp nhìn ngó, bỗng thấy con chó có vẻ "mặt mày không vui" chắn ngang đường. Hãi không tả hết. Chỉ dám đừng ngoài đường mà í ới vào trong khu nhà: "Chị vợ anh Đậu ơi" (Hắn tên Đậu mà). Một tiếng, hai tiếng rồi ba tiếng không thấy trong kia trả lời. Bọn mình quyết định "quyết tử cho tổ ấm Thằng Đậu quyết sinh". Bọn mình phi thẳng vào nơi trú ngụ của chị vợ. Tất nhiên là sém tí nữa một miếng mông của mình ra đi vì con chó. Huhu. Chờ một lúc sau mới thấy chị ấy đi chợ về. Chị lịch sự bảo chờ chị cất đồ ăn rồi ra quán cà phê. Ở nhà có người lớn, nói chuyện e không tiện. Thế là ra thôi.

   Thực ra mà nói, Anh Đậu anh ấy hơi lo lắng  quá đáng thế thôi chứ chị vợ nhìn nhã nhặn lắm. Tiếp bọn mình ân cần lắm. Không có đến nỗi cạch mặt hai anh em đâu. Có điều chị ấy giận anh là thật. Thôi thì mình lúc ấy là người ở giữa hai người. Hết quay sang chị Đậu để giải thích thì quay sang anh Đậu để nói rõ thực ra tâm trạng của chị Đậu là như này như này như này. Em là cũng là phái nữ nên em hiểu. Loanh quanh một hồi. Mình mới té ngửa. Ứ phải chị ấy ghen vì tấm ảnh có cô gái ấy mà chị ấy bực vì anh đi suốt, bỏ bê nhà cửa con cái không ai trông. Chị ấy phán: "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Cái này thì mình không dám chối thật.

   Mặt ông anh mình lúc đi ra đường đây này. Cứ lơ lơ lác lác, Ngắm ngía tứ tung. Không có cái gì đẹp mà lọt qua ống kính của hắn cả. Mà tìm được góc máy đẹp đâu phải dễ. Mất thời gian lắm. Có khi cả  ngày trời chỉ được một kiểu ảnh ưng ý thôi. Vậy mà lắm hôm hắn tung ảnh lên facebook. Bị đạo ảnh một cách trắng trợn, hắn thui thủi  trước máy tính. Chát nói với mình rằng : "anh cạch chơi ảnh thôi cô mày ơi"
   May mà cái hờn giận vu vơ của đôi vợ chồng trẻ ấy êm xuôi chứ không thì mình gay to. 

   Sáng hôm ấy giải quyết xong chuyện vợ chồng nhà lão Đậu. Chiều tối mình mới được thảnh thơi với thành phố của những cây cầu. Đà Nẵng về đêm công nhận lung linh thiệt.

   Phố đêm có chút ồn ào nhưng không như thế chắc phố đêm chán tẻ lắm. Một mình lang thang đây đó. Ngắm những đôi trai gái trao nhau nụ hôn say đắm giữa cầu Thuận Phước. Ôi mình ghen quá thể.

   Sáng hôm sau ra tắm biển Đà Nẵng. Ngồi trên bãi cãi dài ngắm bình minh dần hé lộ. Thật là thích. Ngó ngó nghiêng nghieng tự dưng bắt gặp cô nàng nào dó đang tựa vai chàng ngắm bình minh. Mình lại thêm một chạnh lòng ở Đà Nẵng. Ghét quá. Phắn khỏi Đà Nẵng ngay sáng hôm ấy.
   Mình mò về Quảng Ngãi. Chơi bời trác táng ở huyện đảo Lý Sơn. Chiều chiều hứng chí cầm xe đạp chạy long nhong:

  Cảm giác tuyệt vời thôi rồi. Là mình diễn tả cảm giác lúc đạp xe trên đảo ấy. Bình yên và dễ chịu. Cứ thấy như gió nó đang sàm sỡ hết cơ thể mình vậy.
   Về đến Buôn Mê, Lão Đậu gửi cho mấy cái ảnh pháo hoa và hoàng hôn ở quê anh ấy ở Quảng Nam cùng với lời nhắn: "Anh cảm ơn cô nhé. Chúc cô vui. Tặng cô mấy tấm ảnh xem cho vui"

   


    Mình nhắn lại qua mail cho anh ấy: "vui vui cái con khỉ nhà anh ấy. Mất công con em phải lặn tội xa tít mù khơi để dàn xếp. Bớt long nhong phố phường săn "cô em nghệ thuật" đi nhá. Kẻo em là em không ra nổi Đà Nẵng trong tình hình chiến sự liên miên được đâu. huhu".
    Hắn email trả lời với điệu cười man trá "há há". Còn mình thì hu hu vì nhớ Đà Nẵng. (Trộm vía lỡ nhớ Thằng Đậu thì có mà tiêu nhỉ hí hí).
    Thôi ba láp chí thiên với bà con tý thế thôi. Tây Nguyên Xanh em đi nấu cái cơm rồi bữa sao lai hứng chí vừa giới thiệu ảnh vừa kể chuyện nửa dưa nửa chuột nữa hẩy? Tạm biệt nhé
Buôn Ma Thuột, 13/6/2013
Tây Nguyên Xanh
*************************************************
   Lưu ý: Tác quyền của những bức ảnh dùng trong bài viết này thuộc về chủ trang facebook Thằng Đậu. Mọi sao chép in ấn vui lòng để tên tác giả là Thằng Đậu. Nghiêm cấm sử dụng hình ảnh với những mục đích không lành mạnh. Thay mặt tác giả ảnh, chủ trang blog Hạt Vừng Lép cảm ơn các bạn đã đọc bài và xem ảnh của tác giả.
4 comments

Wednesday, June 12, 2013

TÔ BÚN GÀ NGÀY MỒNG NĂM


   Sau bốn năm tha hương để mưu cầu chữ Tài, cuối cùng hôm nay mình được bưng tô bún gà nhân dịp tết Đoan Ngọ tại quê hương. Cảm giác gì ư? Không biết nữa. Thấy chộn rộn xốn xang lắm. Biết viết gì trên trang giấy này đây? Với mình, món bún gà nó thiêng liêng lắm. Không phải lúc nào mình cũng ăn bún gà. Mặc dù điều kiện bây giờ cho phép ngày nào mình cũng có thể được ăn. Nhưng không! Mình chỉ ăn khi gặp đúng dịp.    Một năm, cứ đến tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) và tết Độc Lập (2/9 dương lịch) thì Má mình lại đi chợ, mua nếp, đậu cùng hương hoa để về hông xôi, nấu chè, cắm hoa, thắp hương mời ông bà tổ tiên cùng về ăn tết. Nhà mình chỉ cúng chay, không cúng mặn bao giờ. Cả gia đình cùng nhau ăn bún gà trong không gian có mùi hương trầm lan tỏa. Hình như ai cũng thấy lòng đầy ấm áp yêu thương. Cho nên dù đi đâu về đâu thì mình vẫn muốn có mặt ở nhà vào hai ngày lễ ấy. Nhưng bốn năm qua, mình đều phải đón tết Đoan Ngọ tại Quy Nhơn.
    Chẳng hiểu vì sao mình ưa ăn bún gà nữa. Chỉ nhớ rằng ngày bé, mỗi khi bị ốm thì thường được Má mua gà về làm thịt rồi nấu xáo ăn với bún. Thích lắm. Thích đến nỗi mỗi khi thèm ăn bún gà là ước mình bị ốm!?! Bây giờ thì gia cảnh đã khá hơn, mình không đến nỗi thèm thuồng như ngày ấy nữa. Nhưng bún gà đã là cái cớ để mỗi lần đi xa, thấy ai làm gà ăn bún là mình nhớ đến Ba, nhớ đến Má, nhớ đến cảnh cả gia đình quây quần bên đĩa bún nồi gà.
    Ngày 5/5 của những năm trước, ở Quy Nhơn mình không ăn bún gà nhưng hôm ấy tự cho phép mình được tiêu xài hết một trăm nghìn. Thế là những hôm đó được thỏa thuê đi nhà sách. Mua sách và mẫu văn phòng phẩm mới xuất hiện trên thị trường. Chẳng biết nữa, mình ít đọc sách nhưng rất thích dạo nhà sách. Chưa từng thích đến các shop thời trang quần áo, giày dép. Tất nhiên mình không hề có ý bám bổ những cô gái thích đi mua sắm quần áo để rồi tự tôn mình là người thích làm giàu tri thức. Chẳng qua mình không có được những số đo bình thường như những người cùng trang lứa thôi. Nhưng mà thôi, trời cho cái gì thì nhận cái đó. Kêu ca gì. Chưa biết chừng trời cho mình cái khả năng tiềm ẩn nào đó mà mình chưa khám phá thì sao nhỉ? Mình nghĩ thế và mình tồn tại cho đến ngày hôm nay…

Nguồn ảnh: Facebook Quy Nhơn Land
   Còn nhớ 12h trưa mùng 5/5 năm nào biển Quy Nhơn cũng chật cứng người. Người dân cả tỉnh Bình Định đổ ra biển để tắm vào thời gian ấy. Họ mong gột rửa những uế tạp ra khỏi bản thân mình. Cứ phải 12h trưa ngụp mặt dưới biển mới hiệu nghiệm. Mình không tham gia vụ việc này với bà con Bình Định. Vì mình thích ngắm biển chứ không thích tắm biển. Nói vậy chứ bốn năm làm sinh viên Quy Nhơn. Mình cũng có một lần duy nhất tắm biển rồi đấy. Hình như hồi sắp ra trường, muốn đi tắm biển với các bạn cho có kỉ niệm hay sao ấy.
    Viết đến đây lại nhớ thêm một kỉ niệm với 5/5 hồi năm một đại học. Đúng 12h trưa tự dưng xuất hiện một con Thạch Sùng trên trần ký túc xá. Thế là 12 cô nàng trong căn phòng 503 kí túc xá C1 cùng nhau hiến kế bắt Thạch Sùng bỏ vào chậu nước. Rồi lấy nước ấy rửa mặt cho đẹp da. Lúi húi, vồ vập, nháo nhào cả mười hai thiếu nữ cùng bước vào cuộc chiến “làm đẹp”. Tội nghiệp “vị anh hùng Thạch Sùng” không qua ải “mười hai mỹ nhân”. Nhưng cuối cùng mình không rửa mặt bằng nước ấy vì thương cho sự ngọ nguậy trong vô vọng của con Thạch Sùng. 
   Thế đấy, ngày mồng năm của mình ở quê nhà và đất khách như thế đấy. Viết một chút cho lòng thấy nhẹ vơi nhớ Quy Nhơn và chia sẻ chút ấm áp ở quê nhà.

    Quý Tỵ niên, Đoan Ngọ Tiết. Buôn Ma Thuột

TÂY NGUYÊN XANH

10 comments

Tuesday, June 11, 2013

ANH BÁN DÂU DA

Ảnh: Awesome

ANH BÁN DÂU DA
(Truyện cực ngắn. Quý tặng anh bán Dâu Da trên phố)
     Ở xóm nọ, có một cô nàng đỏng đảnh. Dáng người xấu xí nhưng lúc nào cũng nghĩ mình là Thiên Nga. Một hôm, cô ả lon ton đi chợ cùng mẹ. Đang dạo hàng quán thì bắt gặp anh chàng ngồi bán Dâu Da. Anh chàng thấy cô nàng “thướt tha yêu kiều” bước đến, bỗng cái miệng nói như tép nhảy:
       - Dâu Da em ơi, mỗi năm nghìn một cân thôi.
       - Có ngọt không anh? Anh phải cho khách ăn thử. Ngọt thì họ mới dám mua chứ. Ai chẳng sợ chua .
    Anh chàng cứ nghĩ cô ả sẽ mua cho nên miệng thì nói mà tay thì gói ghém hàng cho khách:
       - Em ơi, cái gì thử mà chẳng ngon. Em thấy đấy. Sống thử vẫn ngọt hơn sống thật. Em ăn thử, lỡ chua rồi ghét bỏ. Em để rổ Dâu Da này cho ai? Lấy hai cân em nhé!
       - Thế nó chua lắm hả anh?
       - Người ta bảo giới nữ chanh chua mà bao đời nay vẫn làm vợ của cả biển trời đàn ông đấy thôi. Chứng tỏ cả thế gian này ai cũng yêu chua em ạ. Nhưng mà Dâu Da nhà anh không chua đâu. Ngọt lịm sườn em ơi.
    Trời! Anh chàng sở hữu cái giọng của trai miền Bắc. Ngọt ngào quá thể. Mà thưc ra cô ả kia chỉ đi ngang qua chứ trong túi có xu nào đâu mà mua. Tiền mẹ cầm hết cả. Thấy anh chàng đẹp trai nên sán lại ngắm chút thôi. Cô này hám trai lắm. Ả ta văn dốt chữ xấu nhưng mà hôm ấy không biết thế nào thi hứng rần rần, làm mấy câu giải bày cùng chàng:
        - Sáng ra em gái lơ là.
           Bỏ quên tiền bạc để mà theo U.
           Nên dù hàng ấy bán một xu.
           Thì em chẳng có cho anh thu lời.
     Mặt anh biến sắc, mắt anh hình viên đạn. Môi anh liền tru tréo:
         - Nhìn mặt thì rõ là xinh mà không nổi một cân Dâu Da nhà này. Ôi đẹp mà làm gì hả em ơi. Lượn đi cho quả nó tươi người ơi!
      Ấm ức quá. Bực mình quá. Cô ả luôn tự hào mình có nhan sắc sánh ngang tầm khu vực Tây Nguyên. Thế mà hắn dám nói ả ta như thế. Ả chạy ngay đi tìm mẹ và quay lại mua ngay năm cân Dâu Da. Mua xong cô ả ngoảy đít ra về với vẻ mặt đắc ý như vừa chứng minh ả “vừa đẹp người vừa đẹp nết”. Còn anh chàng bán Dâu Da thì đắc ý vì khích đểu được một cô ả mua hàng.

Mùa mưa Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột

Tây Nguyên Xanh
2 comments

Monday, June 10, 2013

NẮNG QUÊ


NẮNG QUÊ

Nắng trèo lên tận ngọn cau
Giỡn chơi ở đó còn lâu mới về
Nắng dài suốt cả bờ đê
Con chim chèo bẻo mải mê ngoài đồng.

Nắng dừng nhìn lúa trổ bông
Mấy con chuột chũi cũng không muốn về
Nắng bò xuống dọc bờ tre
Một ấm nước chè ta ghé mời nhau.

Nắng vàng bờ dậu hoa ngâu
Nhà tranh rơm mới lợp đầu mùa thơm
Nắng chạy ra tận ổ rơm
Lũ gà cục tác nhặt cơm vãi về.

Nắng vương trên chiếc chõng tre
Mâm cơm mẹ dọn đầu hè toả hương
Ngoài vườn hoa bưởi vấn vương
Đi xa mãi nhớ tình thương quê nhà .

Hà Nội, 10-6-2013
Dương Thu  Hương
Bài và ảnh được lấy từ Facebook Hương Dương Thu 
No comments

Sunday, June 9, 2013

NHÀ THƠ VƯƠNG TRỌNG VIẾT VỀ NHÀ THƠ ĐẶNG HẤN

Nhà thơ Đặng Hấn. Nguồn: internet
     Giỏi toán, mê thơ, hóm hỉnh là đặc điểm chính của nhà thơ Đặng Hấn. Quê anh ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhưng hồi nhỏ theo anh trai lên học ở trường Trân Trào, Tuyên Quang. Học sinh ba khối 8,9,10 của trường Tân Trào hồi đó không ai không biết Đặng Hấn, bởi anh không những học giỏi mà là tác giả, đạo diễn kiêm diễn viên đội kịch của nhà trường. Đặc biệt là hay nói khôi hài, kể cả đối với những người anh mới gặp lần đầu, chưa biết tính tình của họ ra sao. Năm 1962 học lớp 10, Đặng Hấn tham gia cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Đề thi trong bốn tiếng đồng hồ, anh chỉ làm ba tiếng là hoàn chỉnh rồi ngồi chơi, thế nhưng khi tổng kết, anh không được giải gì vì phạm quy bởi để một người bạn cùng tham gia cuộc thi đó chép mấy câu trong bài giải của anh!
      Thi đỗ vào khoa Toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi những học sinh xuất sắc nhất về môn toán của miền Bắc hội tụ về, Đặng Hấn vẫn là một sinh viên giỏi của lớp, và điều khác lạ là ngoài toán ra, anh đặc biệt quan tâm đến Thơ. Đặng Hấn không những tranh thủ thời gian đọc hết tất cả những tập thơ thư viện nhà trường có, mà mỗi tập thơ mượn về, sau khi đọc xong, anh đều ghi cảm nhận của mình và chép lại một số bài yêu thích vào quyển sổ riêng. Và điều này mới thật đáng kể: anh đã chép tay toàn bộ quyển "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh, một điều mà sinh viên khoa văn hồi đó không mấy ai làm được. Không chỉ say mê đọc thơ người khác, Đặng Hấn cũng thích làm thơ. Ngòai việc là người "tiên phong" trong "phong trào báo từờng" của lớp Toán, anh còn sáng tác một "bản trường ca" tình yêu dài ngót ngàn câu lục bát về mối tình học trò của mình với cô gái Tuyên Quang.Dạo đó ký túc xá ở bãi Phúc Xá, hàng năm vào mùa lụt, nước sông Hồng dâng lên ngập hết tầng một của giường đôi sinh viên, nhà trường phải cho thuyền ra chuyển chúng tôi vào đê để sơ tán lên ký túc xá Lò Đúc. Mỗi lớp phải cử một vài người ở lại trông coi nhà cưả, năm nào Đặng Hấn cũng xung phong làm nhiệm vụ này, mặc dù sau đó phải mượn vở của bạn để chép bài hoặc tự nghiên cứu giáo trình để bù vào những ngày không theo học chung với cả lớp. Khi lụt rút, lớp trở về, Đặng Hấn khoe rằng, suốt cả tuần khoái nhất là được cởi trần chống bè chuối đi chơi không chỉ trong ký túc và muốn ăn bất cứ khi nào, chỉ cần vẫy tay là có thuyền mang bánh mì đến bán!
      Tốt nghiệp, Đặng Hấn về công tác tại Viện Toán. Một căn phòng trên chục mét vuông mà "nhốt được" sáu nhà toán học, khổ nhất là khi sáu bếp dầu cùng nổi lửa, khói đen mù mịt, làm cho "các nhà" phải lao ra ngoài thềm mà thở! Anh nói rằng, giờ đây mỗi lần nghe bài hát "Nổi lửa lên em" của nhạc sĩ Huy Du là trí nhớ lại dắt anh về căn phòng đó với sáu bếp dầu cùng hun khói! Nhưng chính căn phòng ấy là nơi ra đời những bài thơ để bạn đọc Tuần báo Văn nghệ biết anh là tác giả của Mùa bão mùa măng, Ổi Bo, Qua bãi nổi...
      Đặng Hấn là người có thể đùa trước những chuyện nghiêm túc của bản thân mình. Hồi ở Viện Toán, anh đã một lần cưới vợ, nhưng không hiểu vì lẽ gì, chỉ vài tháng chung sống hai người đã chia tay nhau. Bạn bè hay tin đến chia buồn và hỏi xem chuyện anh bỏ vợ thì gia đình đã biết chưa. Không ngờ, Đặng Hấn trả lời: " Hai ông anh nhận được tin ly hôn trước tin kết hôn (nhại "Màu tím hoa sim" đấy!-VT.), còn bố mình thì thốt lên:" Con ơi quý hoá là con. Gửi thư như thể gửi bom về nhà". Câu đùa của anh làm cho bạn bè cùng cười rồi rủ nhau đi xếp hàng mua bia hơi, chẳng còn ai nghĩ đến chuyện ly hôn nữa!
      Năm 1976, Đặng Hấn chuyển vào công tác tại Phân viện Toán ở phía Nam. Sau một thời gian, anh báo tin rằng sắp cưới vợ, và khoe:" Mình không chịu thiệt một ngày nào so với luật Hôn nhân và Gia đình, bởi đến ngày cưới, cô ta tròn mười tám tuổi!".
Khi Ngọc Hân, con gái đầu lòng, hơn ba tuổi, lần đầu tiên anh đưa vợ con ra bắc thăm quê. Dạo ấy kinh tế khó khăn, việc lo máy bay cho hai vợ chồng là một vấn đề lớn, anh "có sáng kiến" làm lại giấy khai sinh cho con, rút tuổi cháu xuống còn một tuổi rưỡi để được miến vé. Khi qua cửa vào phòng đợi, cô soát vé xem giấy khai sinh, lại nhìn cháu Hân rồi hỏi:
          - Tại sao cháu chỉ một tuổi rưỡi mà to ngần này?
    Đặng Hấn trả lời ngay:
          - Cháu nó chăm ăn, chóng lớn, cô không mừng cho cháu, lại còn hỏi tại sao!
    Cô soát vé phì cười rồi cho cả nhà Đặng Hấn qua cửa. Lại nhớ hồi còn ở trường Tổng hợp, một hôm Đặng Hấn và tôi có việc đến Cơ sở Một ở 19 Lê Thánh Tông. Trong khi chờ đợi, thấy mấy bông hoa na mới mở, Đặng Hấn đứng lên tường để hái. Vừa hái được một bông, bỗng cô gái xinh đẹp trông coi thư viện nhìn qua cửa sổ hỏi: " Sao lại hái hoa đi, không để cho nó ra quả?". Đặng Hấn: " Hoa đực thôi mà!". Cô gái:" Hoa đực để nó thụ phấn chứ?". Đặng Hấn: " Nó vừa thụ xong!". Cô gái nguýt chàng sinh viên lần đầu mới gặp một cái thật dài rồi rời khỏi cửa sổ.
    Sau một thời gian công tác ở Phân viện Toán phía Nam, anh chuyển về giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hố Chí Minh. Phó giáo sư Đặng Hấn là người khá nổi tiếng về bộ môn Xác suất. Nhiều trường đại học ở khu vực phía nam dùng giáo trình xác xuất do anh biên soạn, lý thuyết cũng như bài tập. Sinh viên nào được học thầy Hấn là một điều may mắn, không chỉ vì thấy là chuyên gia tầm cỡ về môn này, mà còn vì một lẽ nữa, thầy rất vui tính, có khi làm buổi lên lớp vui như một buổi sinh hoạt câu lạc bộ, mà người học vẫn nắm chắc được nội dung bài học. Có một lần, mở đầu buổi học về Xác xuất thống kê, thầy Hấn nêu lên nhận xét khôi hài của một nhà toán học nước ngoài về môn này làm cả lớp không nhịn được cười:
     " Bộ môn Xác suất thống kê giống như một chiếc mi ni ríp của cô gái đẹp, nó gợi mở cho người ta nhiều ý tưởng hay ho, tuy nhiên vẫn giấu đi một cái gì rất cơ bản"! Những ai từng hiểu về xác suất thống kê đều thấy rằng nhận xét khôi hài kia thật chí lý!
     Tạng người Đặng Hấn khá gầy, nhưng nếu ai hỏi tại sao gầy thế thì anh trả lời :"Mơ hão nên hao mỡ!". Dạy toán ở trường Đại học Kinh tế chỉ là một phần nhỏ so với việc giảng dạy của anh. Ngoàì việc dạy thêm rất nhiều "cua" ở thành phố này, hầu như quý nào anh cũng được mời đi dạy ở các tỉnh khác. Có điều lạ là bận đến như thế, nhưng thơ anh vẫn xuất bản đều. Thành tựu lớn nhất của Đặng Hấn về văn hoc, trước hết là thơ thiếu nhi. Vài chục năm nay, nếu kể dăm người viết thơ thiếu nhi thành công nhất nước, người ta khó quên nhắc đến tên anh. Tập thơ Cầu chữ Y của anh được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam có nhiều bài thật xuất sắc. Ở thơ thiếu nhi, sự thông minh, hóm hỉnh của Đặng Hấn được phát huy để làm nên sự bất ngờ, ngỗ nghĩnh. Sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên đánh giá rẩt cao trí tưởng tượng của Đặng Hấn khi viết thơ cho thiếu nhi. Viết về đôi mắt trẻ thơ, khó ai viết hay hơn anh: "Trong như nước, sáng như sao / Mở ra là thực, khép vào là mơ". Thông minh, hóm hỉnh và óc tưởng tưởng phong phú không chỉ dừng lại trong Cầu chữ Y ( 1986, 1992, 1997), mà còn thể hiện trù mật trong các tập thơ cho thiếu nhi tiếp theo của anh, như "Những chuyện thần tiên" (1987), "Hoa thơm trái chín" (1988), "Sài Gòn của bé" (1998), "Quà tặng tuổi thơ"(2000)...Bên cạnh việc xuất bản các tập thơ thiếu nhi của mình, anh còn tuyển chọn nhiều tập viết cho thiếu nhi của các nhà thơ khác. Quyển sách nào của anh cũng làm việc công phu và in rất đẹp. Với thơ cho người lớn, anh thành công ở mảng thơ tình, ở đây, tính nhạy cảm và hóm hỉnh được phát huy. Lứa tuổi đang yêu rất thích thơ tình của anh, bằng chứng là quyển Thơ tình Đặng Hấn không phải bù lỗ!
      Song song với việc sáng tác, Đặng Hấn chú trọng công việc biên soạn. Không kể các giáo trình Xác suất, không kể các sách toán anh dịch, quyển sách anh biên soạn được bạn đọc đón đọc hăm hở nhất có lẽ là quyển Câu đố Việt nam, dày hơn 600 trang. Mấy chục trang đầu anh dành cho phần tổng luận về câu đố, trong đó anh phân chia câu đố ra các loại, một cách rất hợp lý. Tiếp đến là câu đố anh sưu tầm từ xưa đến nay; rồi đến phần câu đố do anh sáng tác...Có người nhận xét rằng, nếu một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian làm được một quyển sách như thế cũng là đìều đáng tự hào, bởi vì nói về ca dao tục ngữ Việt Nam, không thể không kể đến Vũ Ngọc Phan, và nói đến câu đố ở nước ta hiện nay, không thể bỏ qua Đặng Hấn...
     Khi được hỏi lấy thời gian đâu để có thể làm được nhiều việc như vậy, Đặng Hấn cười: " Việc chính của mình là đi dạy, như chỉ quan tâm chuyện đi, còn chuyện dạy không thành vấn đề! Còn việc sáng tác hay biên soạn, mình nghĩ rằng, thời gian là quan trọng nhưng không phải quyết định,cái quyết định là công việc đó có thôi thúc mình không, nếu nó thôi thúc, ắt sẽ tìm ra thời gian"! Còn hỏi anh lấy tiền đâu để xuất bản các sách ấy, anh nói: " Những quyển sách mình tuyển chọn, biên soạn, nói chung không phải bù lỗ, thậm chí như quyển câu đố còn có lãi! Còn thơ ư? Đã có Toán nuôi thơ"!  Có lần nói chuyện về nhà thơ Lê Quốc Hán, tiến sĩ Toán học, người dạy luyện thi nổi tiếng một thời ở trường Đại học Vinh, Đặng Hấn bảo rằng Lê Quốc Hán "lấy thi nuôi thơ", còn bản thân mình, vì không dạy luyện thi nên anh đành phải dùng "lấy Toán nuôi thơ" !
Để kết thúc bài viết này, tôi xin chép lại mấy dòng "trích ngang" mà Đặng Hấn đã khai trong hồ sơ gửi Hội Nhà văn: " Họ tên: Đặng Hấn (tức Hận Đắng). Quê Thái Bình, sinh năm Nhâm Ngọ (1942), tốt nghiệp đại học Tổng hợp năm Bính Ngọ (1966), lập gia đình năm Mậu Ngọ ( 1978) và vào hội Nhà văn Việt Nam năm Canh Ngọ (1990)... Thì ra người này rất thích ngọ...nguậy!
     Đặng Hấn là thế, nếp gặp, bạn còn bổ sung thêm nhiều điều thú vị khác!

Tháng 8- 2008
Vương Trọng
Nguồn bài viết ở  Facebook của nhà thơ  VƯƠNG TRỌNG 
2 comments