Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, June 22, 2013

SƠN NỮ CA

Bài cảm nhận của Quảng Lê
  "Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây..." - những lời ca trong bài hát Sơn Nữ Ca hình như lại "ứng" vào cuộc đời của tác giả dù bài hát ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ (1948). 
Nguồn ảnh: Facebook.com
  "Sơn nữ ca" hay tính hồn nhiên của những cô gái đi kháng chiến đã làm thức dậy những khoảnh khắc lãng mạn trong tâm hồn người trai dọc lối mòn kháng chiến.Cuộc gặp gỡ tình cờ của nhạc sĩ Trần Hoàn với những cô nữ sinh trường Phan Bội Châu ở chiến khu Quảng Bình đã gợi nhớ những kỷ niệm của một thời học sinh. Và bản nhạc “Sơn nữ ca” với giai điệu tănggô tha thiết đã ra đời. Kể về hoàn cảnh ra đời của bài "Sơn nữ ca", ông thật thà tiết lộ: "Tôi viết Sơn nữ ca lúc 20 tuổi, khi vừa được kết nạp Đảng. Thấy dáng vẻ học sinh non nớt của tôi, người chỉ huy khuyên "Đi vào mà tắm lửa đi đã!" - vào là... vào chiến khu. Vậy là tôi vào hẳn chiến khu Quảng Bình. Ở đó, có những đêm lửa trại rất lớn và tôi luôn được các cô nữ sinh Trường Phan Bội Châu (trong chiến khu) chú ý bởi tài đàn hát của mình. Bị các cô "đeo bám' quá tôi làm Sơn nữ ca để bày tỏ chí hướng của mình: "Sơn nữ ơi! làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi! Thời cơ đến rồi, đợi ngày ra tay". Thật ra, các cô đều là nữ giữa chiến khu nên tôi gọi các cô là "sơn nữ" cho... thi vị!".
    Trần Hoàn sinh ở Quảng Trị, huyện Hải Lăng nổi tiếng với câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: "Hải Lăng mồ chôn thôn xóm - cát trắng ven làng máu hoen - dân làng yên vui - giặc lên tàn phá…". Nhạc sĩ vào tuổi thanh xuân lúc đất nước vào cuộc kháng chiến và nổi tiếng với bài "Sơn nữ ca". Đam mê nhạc sĩ Văn Cao đến nỗi, chàng thanh niên Nguyễn Tăng Hích ấy đã lấy chữ "trần hoàn" trong câu "Lưu Nguyễn quên Trần Hoàn" ở ca khúc "Thiên Thai" nổi tiếng của Văn Cao làm tên tác giả âm nhạc cho mình. Và cái tên ấy gắn bó với ông, để chúng ta có một nhạc sĩ Trần Hoàn như ngày hôm nay. Năm 16 tuổi ông đã viết được những ca khúc đầu tay như: Trên đường về, Học sinh vui tươi... 17 tuổi đã có bài hát đầu tiên được xuất bản (Hồn nước - 1946). Nhạc sĩ Trần Hoàn cho biết: "Tôi tự học là chính, chỗ nào chưa hiểu thì có nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (tác giả Đêm đông) giúp đỡ. Thế hệ chúng tôi lúc đó đâu có điều kiện để học âm nhạc theo kiểu chính quy như bây giờ".
    Trần Hoàn.
    Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh. 
    Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng.
    Một đêm trong rừng vắng, có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng.
    Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa biết đâu sơn nữ nhìn
mình đăm đăm.
    Sơn nữ ơi...đời ta như cánh chim chiều phiêu bạc thời gian vun vút trời mây.
    Sơn nữ ơi...đừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn từ nay nước mắt đầy vơị 

    Sơn nữ ơi...thời gian lôi cuốn bao lần bên rừng đầy hương bát ngát trời thu
   Sơn nữ ơi...đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương.
   Hãy nhìn trăng lên, rồi lu mờ dần. Hãy nhìn mây bay, thiết tha về ngàn chờ đợi tay người sơn nữ. Khi nhìn chim bay, bay đi tìm đàn, khi nhìn gió cuốn lá thu rời cành cuộn bay lên người sơn nữ.
   Sơn nữ ơi...làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ.
   Sơn nữ ơi... hoàng hôn xuống dần... đợi chờ ai đây???

Nguồn bài tại Facebook Quang Minh Tu Le 
No comments

Friday, June 21, 2013

NGHỀ BỜ AO SẮC

Ảnh: Như Nguyệt. 
   Hôm nay ngày báo chí cách mạng Việt Nam nhỉ?. Ngày này ứ phải của mình nhưng có một sự thật thú vị là có nhiều bạn Facebook và blog hỏi mình: "bạn là nhà báo à" hoặc "em làm ở báo nào thế?". Cũng chẳng hiểu tai sao họ hỏi thế. Tất nhiên mình vội vã đính chính ngay rằng không phải. Chắc do mình xây dựng nhân vật Em Gái Tây Nguyên (Tây Nguyên Xanh) trên Facebook và blog hơi giống nhà báo. Hè hè. Nói thật là ngoài đời mà được nói ngang tàng và trắng phớ như trên mạng ảo thì ứ phải dùng cái nick để thay tên họ làm gì cả. 
   Dại gì, thẳng thắn quá. Nó lập hội đồng bới lá tìm sâu. Nó tống cổ mình để nhét thằng khác vào, nó lại mập mình vì có thêm một cục polime xanh với cái mùi đặc trưng của chất bảo quản. Chất gì thì ứ biết vì nó liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng mà nó rất độc. Thầy của mình đi mua bánh mì, nếu cô bán hàng đang cầm ổ mì mà thối tiền cho khách thì thầy trả tiền rồi về chứ ứ lấy bánh mì. Thầy bảo chất bảo quản tiền cực độc em ạ.
    Mình nghĩ gì về nghề báo á? Mình có cảm tình với nghề này, thế thôi. Tất nhiên là cảm tình thôi. Chả dám dấn thân vào nghề đâu. Nhà báo đôi khi phải có sự nhạy bén như những chiến sĩ ở viện khoa học hình sự. Nhà báo đôi khi phải biết “xem tướng” để cuộc phỏng vấn có hiệu quả hơn. Và nhà báo thường hay đa cảm. Không như thế thì lấy sự rung động đâu mà viết cho hay mà lay chuyển được lòng người nhỉ? Nói chung là làm báo thì mình ứ dám đâu. Nhưng mà lâu lâu vẫn thích tọc mạch ngành báo hé hé. 
    Cứ mỗi lần đọc tuyển tập báo chí của các nhà báo lão thành. Mình hay có cái tật bắt chước lối hành văn của họ. Thế là kiếm đề tài để viết na ná giọng văn của họ xem sao. Nói trắng phớ ra là mình “đạo giọng văn” của người khác. Chẳng hạn như đọc xong cuốn CHẠY… của nhà báo Hữu Thọ. Mình viết bài “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Đọc xong cuốn NGƯỜI VIỆT BIẾT ĐÙA của Lê Thiếu Nhơn thì mình viết bài “Anh chà đồ nhôm”. Tất nhiên là chỉ đăng lên blog thôi. Lâu lâu nghịch với con chữ cho đầu óc mới mẻ chút chứ điểm môn văn lớp 12 của mình chỉ có 3,7. Thi tốt nghiệp phổ thông, môn văn được 2 điểm hì hì. Văn dốt thí mẹ luôn. (Lâu lâu cho em nói tục phát nhé)
   Dịp 21/6 năm nay mình được tặng mấy cuốn tuyển tập báo chí nữa. Đang chờ từ Hà Nội gửi vào. Bạn Facebook làm ở đài truyền hình VTC gửi cho. Hì hì. Có lẽ mình tôn trọng họ, nên họ cũng tôn trọng mình và tặng quà cho mình. Mặc dù chẳng biết mặt nhau bao giờ.
    Thôi dừng bút hẩy? Lan man quá rồi. Nói gần nói xa, hổng qua nói thiệt. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Chủ trang blog Hạt Vừng Lép có lời chúc sức khỏe đến những con người đang ngày đêm lạch cạch trên bàn phím nhé. Ngày xưa họ hay ví người cầm bút là nhà báo. Chứ thời đại công nghệ rồi. Bán phìm là chính. Bút chỉ để ký tá chút thôi nhỉ. Hí hí. Chúc sức khỏe thôi. Chẳng chúc gì nhiều. Vì có sức khỏe là có tất cả, các bác nhỉ. Em ngỏm máy tính đây.
Buôn Ma Thuột, sáng 21/6/2013
Tây Nguyên Xanh
6 comments

NGẪU HỨNG NHÀ BÁO NHÀ THƠ

TNX: Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Tây Nguyên Xanh có lời chúc các nhà báo và các cộng tác viên báo chí luôn có sức khỏe để viết khỏe và đem sự thật đến với công chúng. Có một điều thú vị là có nhiều người làm văn nghệ đã thử sức với báo chí. Trong đó có nhà thơ Vương Trọng. Vậy chúng ta cùng đọc những dòng được tác giả cho là "ngẫu hứng" khi bàn về nhà báo và nhà thơ và mối tương quan giữa hai "nhà" này.
NGẪU HỨNG NHÀ BÁO, NHÀ THƠ
Tùy bút của nhà thơ Vương Trọng
   Số đông bạn đọc coi tôi là một nhà thơ. Vâng, điều đó không nhầm. Nhưng, tôi còn là một nhà báo, bằng chứng là đã có Thẻ nhà báo hơn ba chục năm nay; và đã được nhận Huy chương vì sự nghiệp báo chí. Có người hỏi tôi rằng, làm thơ khó hay làm báo khó? Trả lời: làm cho giỏi thì cả hai đều khó, nhưng nếu làm dở thì làm thơ dễ hơn! Câu trả lời này có thể làm ai đó vì quá yêu thơ mà phật ý, nhưng đó là một sự thật. Bài báo dù dở đến mấy thì người viết cũng phải tìm hiểu thực tế, rồi sau đó mới viết, còn thơ dở thì trước khi viết chẳng phải chuẩn bị gì, trong khi viết cũng chẳng cần huy động gì, hơn nữa, số chữ nói chung là ít hơn, có khi chỉ vài ba chục chữ, cũng gọi là xong một bài thơ, ít hao tổn nơ-ron thần kinh, đỡ tốn công cơ học. Hơn ba mươi năm biên tập thơ tại một tờ báo văn nghệ, tôi thấy trong số bài cộng tác viên gửi đến, số bài thơ dở dễ viết hơn các bài báo dở phải lên tới con số hàng chục ngàn bài. Sinh thời, khi gặp một bài thơ dở, tuỳ tiện, nhà thơ Xuân Diệu thường buông một câu: " Làm thơ sướng thật, muốn nói thế nào thì nói!".
   Làm thơ hay và viết báo hay, cả hai đều khó, thật khó nói thứ nào khó hơn. Có người nói nhà thơ không cần phải đào tạo, còn nhà báo có thể đào tạo được. Nói như thế, theo tôi cũng chỉ đúng một phần. Ta có thể đào tạo được các nhà báo nho nhỏ, còn các nhà báo lớn, ngoài việc đào tạo ra (và có khi họ cũng không qua một trường báo chí chính quy nào cả) cần có những tư chất bẩm sinh của nghề báo, đồng thời có vốn hiểu biết rộng rãi, sâu sắc các lĩnh vực chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội…
   Đối với một số khá đông bạn đọc ở nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa, người ta coi những gì đăng lên tờ báo là báo cả, nên họ chẳng phân biệt nhà thơ hay nhà báo. Thực tế, nhà thơ và nhà báo được phân biệt, và các nhà thơ khi đi thực tế xuống cơ sở có lúc muốn được coi là nhà báo hơn là nhà thơ. Và trong một thời gian dài, Thẻ nhà báo có giá trị hơn Thẻ nhà văn ( gồm văn xuôi, thơ, phê bình và dịch thuật) trong việc ưu tiên mua vé tàu xe, qua cầu phà không mất tiền…Điều đó chưa hẳn đã nói rằng trong xã hội, người ta quý nhà báo hơn nhà văn, nhưng người đời nể nhà báo hơn, ít làm phiền nhà báo hơn… là một thực tế. Sao thế nhỉ? Đầu tiên do đặc trưng nghề nghiệp, do tính cập nhật của báo chí, có chuyện gì xẩy ra, nhà báo cần có mặt ngay, nên khi các nhà báo chưa có xe của cơ quan mình, thì các phương tiện giao thông công cộng, người ta ưu tiên, để nhà báo có thể đến nơi cần đến sớm nhất. Đó mặt tích cực của sự ưu tiên, sự nể. Còn sự nể cũng có mặt tiêu cực, như không muốn làm phiền mấy ông nhà báo, nếu không, sợ sau này mình có gì sai sót, các ông ấy cho lên báo thì nguy. Chẳng thế mà có chuyện nhà thơ và nhà báo chơi thân, mải nói chuyện với nhau rồi vô tình phóng xe vào đường ngược chiều; thế mà nhà báo được nhắc nhở rồi cho đi, còn nhà thơ kia bị giữ xe, cái Thẻ nhà văn không giúp được gì. Bình đẳng trước pháp luật, xem ra là điều không dễ.
Nguồn ảnh internet
Nhà thơ, nhà báo ai giàu, ai nghèo?
    Nhà thơ xưa nay nghèo thì rõ rồi. Nguyễn Bính từng khuyên con gái: "Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ / Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!". Còn Xuân Diệu thì thốt lên: "Cơm áo không đùa với khách thơ ", bạn đọc chúng ta chẳng xa lạ gì. Cũng có một thời gian dài, nhà báo chung nghèo với nhà thơ, như câu tổng kết của Thanh Tịnh:" Nhà thơ, nhà báo nhà đài/ Cả ba nhà ấy bằng hai nhà nghèo!". Đó là thời bao cấp, chứ sang thời đổi mới, thời kinh tế thị trường, thì nhà thơ nói chung vẫn còn nghèo, còn nhà báo làm ăn khấm khá, số đông có đồng ra đồng vào và một số không nhỏ phải nói là giàu. Thế nào là giàu nhỉ? Nội hàm tính từ này cũng thay đổi theo thời gian. Lúc đầu người ta xem ai có xe máy thì đã chạm tới chữ giàu, sau đó phải xây được nhà lầu…Và gần đây chữ giàu để chỉ ai mua được ô tô riêng hoặc có con đi học tự túc ở nước ngoài. Với hai tiêu chí đó, nhà báo giàu không phải là cá biệt.
    Đặc trưng của báo chí là thông tin. Thời gian qua ( và cả hiện nay) là thời kỳ bùng nổ thông tin, tất nhiên nhà báo lên ngôi cũng không có gì là lạ. Có tờ báo lúc đầu chỉ ra tuần báo, sau thành nhật báo mà còn thêm tờ cuối tuần, cuối tháng, thế mà tia-ra mỗi số lên mấy chục vạn số. Trong thực tế, tờ báo nào có tia-ra một vạn là đã có lãi, tia-ra năm vạn bắt đầu khá, mười vạn là có của ăn của để, hai mươi vạn trở lên là giàu. Thế mà ở nước ta hiện nay, không ít dưới năm tờ báo có tia-ra trên hai mươi vạn. Vậy nên có hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà báo giàu có cũng không gì lạ. Tuy nhiên với nhà báo công tác tại các tờ báo tỉnh, bảo đảm cuộc sống thường thường bậc trung là phổ biến, và các nhà báo giàu có chỉ mới nằm trong chuyện kể của họ mà thôi.
    Nhà thơ sống bằng gì? - Bằng báo ! Đó là câu trả lời của không ít nhà thơ. Làm thơ là cái nghiệp, làm báo là cái nghề, nhiều người bảo thế. Cái nghề cứu sống, còn cái nghiệp nhiều khi chỉ đày đọa con người. Có nhiều nhà thơ biết nén cái nghiệp thơ lại, theo cái nghề báo thì cũng đỡ khổ. Không những thế, khi chuyển sang làm báo, một số nhà thơ như phát hiện ra sở trường của mình; họ tả xung hữu đột, có khi làm nhà báo chính thống cũng phải nể. Nhưng số đó không nhiều, phần lớn nhà thơ tay viết báo mà đầu lởn vởn ý thơ, có khi thừa cám xúc mà thiếu đi lượng thông tin cần thiết. Nên vì thế, có bài báo nào đó không thành thì họ cũng không buồn, mà đổ lỗi tại "trời bắt làm thi sĩ" như nhà thơ Nguyễn Bính một thời.
    Có người bảo rằng viết báo nhiều thì hỏng mất hồn thơ. Tôi không nghĩ thế, ngược lại, nhờ qúa trình thâm nhập để làm báo, người ta có điều kiện chứng kiến những cảnh ngộ, những trạng huống gọi dậy hồn thơ và có được những bài thơ hay. Bởi thế mà có không ít nhà báo, sau một thời gian thì sáng tác thơ khá thành công, bằng chứng là chúng ta từng được đọc trang thơ, tập thơ của nhiều nhà báo.
    Đời sống khấm khá của các nhà báo, cộng thêm cái danh nhà báo làm không ít em học sinh ngay từ khi mới bước vào cấp ba đã có định hướng trở thành nhà báo. Và trong nhiều năm, các khoa báo chí của nhiều trường " bội thực" đơn xin thi, và đều đều hàng năm, các trường cho ra lò hàng trăm nhà báo trẻ. Từ nhà báo trẻ ở đây muốn chỉ những em vừa tốt nghiệp khoa báo chí, chứ có trở thành nhà báo thực thụ hay không còn cả một vấn đề. Có người bảo rằng, trong số các sinh viên tốt nghiệp, sinh viên khoa báo chí xin việc khó khăn bậc nhất. Trừ trường hợp thật xuất sắc, hoặc bố mẹ có chức kha khá ở các toà báo, trừ trường hợp gia đình có vai, có vế…một số khá lớn sinh viên báo chí ra lò thật khó trở thành nhà báo bởi không thể tìm được một chân trong bất kỳ tờ báo nào.Thế là sinh ra những người làm báo tự do. Làm báo tự do nhọc nhằn lắm nỗi. Tất nhiên là tự thuê lấy nhà ở, phải tự sắm "đồ nghề"như máy ảnh, máy chữ hoặc máy vi tính… Những khó khăn đó có thể vượt qua. Điều khó nhất là không có Thẻ nhà báo, nhiều khi cơ sở họ không tiếp, nói chi chuyện lấy tài liệu để viết bài. Khó khăn này làm không ít người nhụt chí, tạt ngang sang ngành khác, chỉ có một số ít đầy bản lĩnh mới vượt qua được thử thách, cho đến ngày một tờ nào đó có cặp mắt xanh ngó tới, may ra mới được trở thành nhà báo.
    Một chức năng quan trọng của báo chí là phán ảnh thực tế; cho nên đi thực tế là nhu cầu không thể thiếu được của nhà báo. Thực tế có hai mặt: thực tế tích cực và thực tế tiêu cực. Và hầu hết các cơ quan đơn vị, nơi nào cũng thích báo chí nêu thành tích của mình, chứ chẳng có nơi nào muốn báo chỉ nêu hạn chế, khuyết điểm. " Khen sai còn dễ chịu hơn chê đúng" là một thực tế. Bởi thế, nếu mục đích đi tìm hiểu gương tốt để biểu dương thì nhà báo được đón tiếp tử tế, nhưng nếu ai đó với mục đích phát hiện những sai trái của một cơ sở nào đó thì nan giải vô cùng. Anh em làm báo thường nói với nhau rằng, với một bài báo khen ngợi, biểu dương thì khi bài báo đăng xong, nhà báo coi như hoàn thành nhiệm vu. Còn đối với các bài báo phê phán những sai trái, phát hiện ra các vụ bê bối, bài báo in ra là khi nhà báo bắt đầu vào cuộc. Nhiều nhà báo "trầy da tróc vẩy" bảo vệ chính kiến của mình, bất chấp những lời đe doạ hoặc mua chuộc. Trong công cuộc phấn đấu cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…vai trò những nhà báo như thế không thể thiếu được.
    Hơn ba mươi năm làm báo, hầu hết các chuyến đi thực tế, tôi thường được tiếp đón chu đáo, chỉ vài chuyến bị cơ sở dửng dưng hoặc tuyên bố thẳng thừng là không tiếp. Chuyện đó xẩy ra cách đây trên hai chục năm rồi, vào mùa hè năm 1988. Tôi về công tác ở Nghệ An để phản ánh công tác thương binh liệt sĩ ở địa phương. Sau khi lấy xong tài liệu ở huyện Đô Lương, tôi ghé thăm nhà. Về tới nhà một lúc thì có mấy thương binh kéo đến, vừa gặp tôi, một đồng chí đã vừa khóc, vừa nói: " Anh ơi, cứu chúng em với, nếu không thương binh chết hết". Hỏi ra mới biết hai anh ấy quê Đô Lương, là thương binh đang điều trị tại trại thương binh Tân Kỳ. Họ đã kể tôi nghe nhiều chuyện khủng khiếp ở trại đó. Tôi quyết định đi tới tận trại thương binh Tân Kỳ, nhưng giám đốc tuyên bố thẳng thừng không tiếp bất cứ nhà báo nào. Cũng may trong trại có một số cán bộ không tán thành cách cư xử của giám đốc đối với thương binh cũng như đối với nhà báo, họ đã bí mật cung cấp tài liệu cho tôi để viết được bài phóng sự Thương binh trại Tân Kỳ kêu cứu, đăng ở Tạp chí Văn nghệ quân đội số 12 năm 1988, đồng thời đài Tiếng nói Việt Nam phát đi. Kết quả, ban giám đốc trại bị cách chức, trại được chuyển về Hưng Nguyên gần biển, chứ không đóng ở địa bàn sốt rét của huyện miền núi Tân Kỳ. Đối với các nhà báo nổi tiếng khác, thành tích của tôi vừa kể chả là gì, nhưng với tôi, đó là chuyện đáng nhớ và qua chuyện này tôi càng thông cảm với những khó khăn của đồng nghiệp phải vượt qua để có những bài viết có ích cho đời nhưng trái ý những người phụ trách nơi mình thâm nhập.
    Người xưa bảo rằng: "Thi trung hữu hoạ", nghĩa là trong thơ có hoạ. Tôi thấy rằng, có một số trường hợp, trong thơ cũng có báo. Đặc trưng của báo là đưa ra một lượng thông tin, một hướng giải quyết để tìm sự đồng tình của dư luận. Nếu vậy, bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du (viết năm 1982) và Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc(1995) của tôi cũng đã gánh được một phần chức năng báo chí, vì từ bài thơ thứ nhất, trong dư luận dấy lên vấn đề cần xây dựng lại mộ cụ Nguyễn Du và sau đó mộ cụ Nguyễn Du được xây lại; còn cái ý tưởng trồng vài cây bồ kết ở nghĩa trang Đồng Lộc đã thành hiện thực sau khi bài thơ thứ hai ra đơì được ba năm (1998).
Những ngày này, tôi thích bạn đọc coi tôi là một nhà báo!
Nguồn bài viết tại Facebook Vương Trọng 
                   
10 comments

Wednesday, June 19, 2013

DƯỚI GỐC MUỒNG VÀNG

 DƯỚI GỐC MUỒNG VÀNG
Dưới gốc Muồng Vàng anh bảo yêu
Rằng anh xin hứa thương em nhiều
Thực anh rất muốn làm Kim Trọng
Chỉ có trong tâm một chữ Kiều

Ngày xưa ai hứa là như vậy
Nhưng giờ hai nửa đó với đây
Còn đâu môi thắm ngày xưa nữa
Mình em bật khóc dưới gốc cây

Chàng ơi có nhớ ngày thơ dại
Hai người chung mộng ước tương lai
Ngày xưa vun đắp tình yêu đẹp
Để đến hôm nay lệ ngắn dài
*****************
Cảm tác khi thấy cành hoa Muồng Vàng rơi gãy ven mương
Buôn Ma Thuột, sáng 17/3/2013

Tây Nguyên Xanh
1 comment

Tuesday, June 18, 2013

NGUYÊN TẮC DỊCH THUẬT

   TNX: Mình rất có thiện cảm với chuyên ngành dịch thuật. Nhưng mình không được đào tạo bài bản nên bây giờ cứ cố tìm tài liệu để học hỏi. Mình cũng có ước mơ. Ước mơ của mình đó là trở thành dịch giả. hí hí. Mình có tham không nhỉ?!? Nay lập chuyên mục LÝ THUYẾT DỊCH THUẬT này để cùng chia sẻ với những ai yêu dịch thuật.
Nguồn bài viết dưới đây tại: trang Bài Hát Dịch 
Nguồn ảnh: Facebook.com
     Trong phần này chúng tôi xin giới thiệu một phương pháp dịch bài hát nhằm đạt chất lượng bản dịch cao nhất trích từ đề tài nghiên cứu khoa học "Dịch thuật trong âm nhạc ở Việt Nam và bước đầu xây dựng kho dữ liệu lời bài hát Việt Anh và Anh - Việt" của tác giả Phan Tuấn Quốc. Trong giới hạn của đề tài nghiên cứu khoa học, tác giả chỉ đề cập đến tiếng Việt và tiếng Anh như hai đối tượng ngôn ngữ chính, do đó khi áp dụng cho các cặp ngôn ngữ khác có thể sẽ có một số điểm khác biệt nhất định.

***

MỘT SỐ THUẬT NGỮ
  Các thuật ngữ sau đây do tác giả Phan Tuấn Quốc đề xuất. Nếu quý bạn hữu có bất kỳ đề xuất nào liên quan đến các thuật ngữ, xin vui lòng liên hệ tác giả theo địa chỉ: phantuanquoc@gmail.com.   - Dịch giả: người làm công tác dịch thuật chuyên nghiệp như một nghề. (One who translates; esp., one who renders into another language; one who expresses the sense of words in one language by equivalent words in another. 1913 Webster)
   - Bài hát: là một hình thức biểu đạt ngôn ngữ mà trong đó từ ngữ được sắp xếp dựa trên một giai điệu và tiết tấu âm thanh cụ thể, thường do một người hay một nhóm người cụ thể sáng tác nên. (A lyrical poem adapted to vocal music. 1913 Webster)
   - Dịch nghĩa: hành vi ngôn ngữ chuyển một đối tượng ngôn ngữ (từ, cụm từ, câu…) từ ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác với với nghĩa gốc giữ nguyên hoặc sắp xếp lại cho thích hợp ở ngôn ngữ đích. (To render into another language; to express the sense of in the words of another language; to interpret; hence, to explain or recapitulate in other words. 1913 Webster)
   - Dịch bài hát: hành vi dịch nghĩa một bài hát từ một ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác có quan tâm đến yếu tố nhịp điệu và số lượng âm để có thể hát được theo giai điệu gốc.
   - Bài hát dịch: bài hát được dịch nghĩa và hát được khớp với giai điệu của bài hát gốc. Tên của bài hát có thể được đặt theo nghĩa của nó ở ngôn ngữ gốc và có chú thích tên của người hay nhóm người dịch.
   - Người dịch bài hát: là dịch giả hoặc làm công việc tương tự dịch giả trong lĩnh vực âm nhạc chuyên làm công việc dịch bài hát. Người dịch bài hát không nhất thiết phải là dịch giả, có thể là nhạc sĩ, ca sĩ hoặc đơn giản là người yêu thích công việc dịch bài hát.
   - Lời mới: là một phiên bản ngôn ngữ cụ thể mà trong đó nội dung có thể hoàn toàn không liên quan gì đến văn bản gốc.
   - Bài hát lời mới: là bài hát được viết lời mới để hát dựa trên nhạc nền của bài hát ở một ngôn ngữ mà lời mới đó khi đối chiếu với lời gốc có thể khác biệt một phần hoặc hoàn toàn về nghĩa.
   - Người viết lời mới: là người sáng tác một lời mới cho một văn bản cụ thể. Người viết lời mới có thể là bất kì ai, bao gồm cả người dịch bài hát.
   - Bài hát đa ngôn ngữ: là một bài hát mà ngay từ quá trình sáng tác đã có định hướng viết lời ở nhiều ngôn ngữ khác nhau theo tiêu chuẩn của một bài hát dịch.
***
CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN DỊCH THUẬT TRONG ÂM NHẠC Ở VIỆT NAM
1. Yếu tố văn hóa – xã hội  1.1. Bài hát được định hướng để dịch
   - Một bài hát được định hướng ngay từ đầu là sẽ được phổ biến nhiều hơn một ngôn ngữ chắc chắn sẽ dễ dịch hơn là một bài hát ban đầu chỉ phổ biến cho một cộng đồng ngôn ngữ nhất định. Cụ thể có thể lấy ví dụ là bài hát “Vì một thế giới ngày mai” được định hướng ngay từ đầu là song ngữ Anh - Việt. 
   - Nếu tác giả là người biết nhiều ngoại ngữ thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn do tác giả có thể tư duy cùng lúc ở nhiều ngôn ngữ để lựa chọn các từ ngữ và giai điệu phù hợp. 
   - Các bài hát mang tính cộng đồng cao có được các yếu tố tối thiểu về hiểu biết chung trong văn hóa nên sẽ dễ dàng được chuyển ngữ, do đó cũng nên được xếp vào danh sách các bài hát được định hướng để dịch. Ví dụ như các bài “Happy new year”, “Happy birthday”, “Jingle bell”… là những bài hát thường được nhiều dân tộc khác nhau sử dụng cho những dịp năm mới Dương lịch, mừng sinh nhật, lễ Giáng sinh... 
  1.2. Bài hát không được định hướng để dịch
   - Các bài hát khó dịch nhất chính là các thể loại âm nhạc mang tính quá đặc trưng về văn hóa, như cải lương, tuồng chèo, quan họ… do trong các bài hát này sử dụng nhiều hình thức tiết tấu không phù hợp với việc lắp ráp với các cấu trúc ngữ âm của ngôn ngữ khác. Nếu dịch các bài loại này sang tiếng nước ngoài, có thể vẫn hát được nhưng sẽ rất khó khăn.
   - Đối với các dạng bài hát này, thường người ta chỉ sử dụng bản dịch nghĩa để giải thích khá dài dòng do không có các thuật ngữ văn hóa tương đương. Ví dụ như bài hát “Ngày Tết quê em” có rất nhiều từ Tết, không thể dịch sang tiếng Anh hàng loạt từ như “Lunar new year” được, vì không phù hợp tiết tấu và ngữ âm.
2. Khả năng của người dịch bài hát
  2.1. Viết lời mới trên nền nhạc cũ 
  - Nhiều ca sĩ trẻ hiện nay thường sử dụng không chính xác cụm từ “nhạc ngoại lời Việt”, mà nó thường bao hàm ý nghĩa “bài hát dịch” hoặc chỉ đơn giản là lời mới của một bài hát nào đó. Có thể kể ra như bài “The day you went away”của M2M được hai nhóm nhạc 1088 và Mây Trắng trình bày hai lời hoàn toàn khác nhau.
   - Một vấn đề nữa là vì yếu tố thị trường, chất lượng các bài hát “chuyển ngữ” này thường rất kém, nhưng do đa số khán giả chỉ tiếp cận bài hát qua bản tiếng Việt nên cũng không thật sự nhiều người phát hiện ra các lỗi này, ngoại trừ các trường hợp lời bài hát quá khó thẩm thấu hoặc gây phản cảm. Đối với các trường hợp này, Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam đã có một công văn nhằm hạn chế bớt tình trạng bài hát, bản nhạc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và tác giả, hoặc chỉ ghi chung chung là nhạc nước ngoài, nhạc Hoa, nhạc Thái… dùng nhạc nước ngoài đặt lời Việt rồi tự đứng tên tác giả. 
   - Gần đây cũng có nhiều sự kiện liên quan đến vấn đề này, như chuyện bài hát “Vầng trăng khóc” đột nhiên bùng lên một thời gian về việc xuất hiện phiên bản tiếng Lào và H’Mông với tên “Fa fen fa yan” và “Ua Ib Siab Mog” làm dấy lên nghi ngờ về việc tác giả Nguyễn Văn Chung có đạo nhạc hay không.
  2.2. Dịch gián tiếp qua một ngôn ngữ khác
   - Do không phải ai cũng biết nhiều ngoại ngữ, nên trong quá trình dịch bài hát đã từng có các trường hợp bài hát được dịch sang tiếng Việt dựa trên một bản dịch từ ngôn ngữ gốc sang tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ phổ biến khác. Có thể lấy ví dụ cụ thể là bài hát cách mạng nổi tiếng “Cachiusa” do ca sĩ Nguyễn Anh Cường dịch lời Việt, nhưng phải thông qua bản dịch tiếng Pháp, và do đó không tránh khỏi một vài nội dung khác biệt so với nguyên bản. 
   - Tuy nhiên, trường hợp thành công như bài “Cachiusa” là không nhiều, bởi người dịch phải thực sự yêu mến nền văn hóa trong bối cảnh của bài hát đó, bên cạnh sự làm việc nghiêm túc khi đối chiếu nội dung dịch. 
    - Khi dịch theo cách này, ít nhiều nghĩa gốc của bài hát đã bị chuyển tải không khớp, dẫn tới hiểu không chính xác, thậm chí nếu là bài hát giới thiệu văn hóa còn có thể tạo nên hiểu biết sai lệch.

2.3 Yếu tố bản quyền
   - Trong nhiều trường hợp, vì yếu tố địa lý hay hiểu biết khác nhau về luật bản quyền mà các tác giả khi dịch bài hát thường bỏ qua bước xin phép tác giả. Trường hợp này có thể gây ra những sự cố đáng tiếc. Như trường hợp bài hát “Vầng trăng khóc” đã đề cập ở phần trước, đáng chú ý là tác giả Nguyễn Văn Chung đã đưa ra phân tích chứng minh tác quyền của mình rằng có khả năng các ca sĩ Thái Lan và Lào đã “sử dụng bài hát Vầng trăng khóc chuyển ngữ rồi thu âm và ghi hình mà không xin phép”, và gần đây lại phát hiện thêm một phiên bản tiếng Hoa của bài hát.
   - Đối với một số bài hát không mang yếu tố thương mại mà chủ yếu mang yếu tố chính trị, như các bài hát thể hiện tình hữu nghị với các nước hoặc các bài hát do người nước ngoài viết về các nhà lãnh đạo của Việt Nam như: Bài ca Hồ Chí Minh (Evan McColl), Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước), Ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Giải phóng (Eugenio Finardi)… thì vấn đề dịch bài hát không xin phép tác giả này trở nên không quá quan trọng về bản quyền vì nó giúp thúc đẩy sự hiểu biết. Hay cá biệt như nhiều người yêu nhạc Trịnh đã chung tay dịch các bài hát của ông sang tiếng Anh và tiếng Pháp, tự phát có, tổ chức cũng có.
   - Tuy nhiên, có thể nói rằng việc không tham khảo ý kiến của chính tác giả khi tiến hành dịch một bài hát là đã bỏ qua mất một khâu quan trọng về chia sẻ ý tưởng. Bản dịch mà không có sự đánh giá góp ý của chính tác giả thì nó đã mất đi một phần cốt lõi tinh thần trong đó.
2.4 Yếu tố kỹ thuật
   Do đặc thù của công việc dịch thuật và thương hiệu cá nhân của dịch giả, nên thường các dịch giả chỉ làm việc đơn lẻ, ít liên kết với nhau để cho ra các sản phẩm chung, ngoại trừ các trường hợp cùng tham gia các dự án dịch thuật. Vì thế có thể nói rằng bản dịch làm hài lòng bản thân người dịch này nhưng có thể không chấp nhận được với người dịch khác, nhất là trong trường hợp hai người dịch thuộc hai ngôn ngữ liên quan trong bản dịch.
   Một điều hiển nhiên là cách hiểu về bài hát tiếng Việt của một người nước ngoài nói tiếng Anh thì sẽ khác so với một người Việt biết tiếng Anh. Khi hai người này dịch một cách riêng rẽ nhau sẽ có những chỗ sai lệch về cách sắp xếp từ ngữ và sắp xếp ngữ âm do khác nhau về tư duy ngôn ngữ và tư duy văn hóa. Thử tham khảo một vài trường hợp tương tự làm ví dụ để thấy rõ hơn điểm này. 
   Công ty Passage Co. Ltd của Nhật có lưu hành một tài liệu gọi là “Những giới hạn của dịch thuật” giới thiệu sơ nét về một vài vấn đề đặc trưng và một số giải pháp gợi ý khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nhật. Theo tài liệu này, vì tiếng Nhật khác biệt so với tiếng Anh như không có mạo từ (a/the), từ ở dạng số nhiều, giới từ tương đương (at/by/in/to/from/with), thì tương lai hay động từ đứng ở cuối câu và ngữ pháp không yêu cầu phải có chủ ngữ. Cũng theo tài liệu này thì mục tiêu của hoạt động dịch thuật ở hầu hết các ngôn ngữ là nhằm duy trì sự tương đồng giữa tài liệu nguồn và bản dịch về:

(a) Bất biến ngữ nghĩa hay sự giữ lại nghĩa của văn bản nguồn.
(b) Bất biến thực tiễn hay sự giữ lại mục đích của văn bản gốc.
(c) Bất biến cấu trúc hay sự giữ lại cấu trúc cú pháp của văn bản đang được dịch.
(d) Bất biến từ vựng hay sự giữ lại một sự ánh xạ một đối một của các từ hay cụm từ giữa văn bản nguồn và đích.
(e) Bất biến không gian hay sự giữ lại các đặc tính ngoài của văn bản, như độ dài, vị trí của văn bản trong trang.
    Khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nhật, thì các mục tiêu (c), (d), (e) là thường khó đạt được. Những điều được nêu ra trên đây khá tương đồng với tiếng Việt.
    Về giải pháp qui trình dịch, công ty Passage Co., Ltd cho rằng các dịch giả Nhật phải làm công việc phức tạp hơn các đồng nghiệp phương Tây khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nhật với các bước sau: phân tích ngữ nghĩa văn bản nguồn; phân tích từ loại thành các đơn vị từ tiếng Anh; dịch các đơn vị từ riêng lẻ sang tiếng Nhật; sắp xếp lại các đơn vị từ đã được dịch theo một chuỗi tiếng Nhật; và cuối cùng là chỉnh sửa lại các đơn vị từ đã được xâu chuỗi lại để có một văn bản tiếng Nhật tự nhiên.
    Trong khi đó các dịch giả phương Tây khi dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh thường chỉ phải làm hai bước: phân tích ngữ nghĩa văn bản nguồn và chuyển đổi cú pháp để tạo ra bản dịch.
    Trong một nghiên cứu, dịch giả Suryawinata của Indonesia đã khám phá ra ằng một người dịch văn chương nói chung phải đối mặt với các vấn đế ngôn ngữ, văn chương và thẩm mỹ và văn hóa – xã hội. Theo ông, dịch các tác phẩm văn chương luôn khó hơn các các loại văn bản khác vì chúng có các giá trị cụ thể gọi là giá rị thẩm mỹ và biểu cảm. 
    Cách tốt nhất là có một quy trình dịch bài hát mà trong đó tác giả, người dịch của ngộn ngữ gốc và người dịch của ngôn ngữ đích có thể làm việc cùng nhau, chia sẻ các luồng tư duy khác nhau về cùng một bài hát đó để tìm ra cái chung phù hợp nhất cho bản dịch cuối cùng. 
    Một nhà nghiên cứu Trung Quốc là Shi Aiwei trong bài nghiên cứu của mình nhan để “Tính khả dịch và dịch thuật trong thơ ca” cũng cho rằng tính bất khả dịch của thơ ca phụ thuộc nhiều vào các yếu tố văn hóa và xã hội, thể hiện qua sự khác biệt về tư duy văn hóa của lý thuyết thơ ca phương Đông và phương Tây, mà cụ thể là tiếng Trung và tiếng Anh. Và cuối cùng ông kết luận rằng thơ ca có thể dịch được, nếu như dịch thuật là một hành vi có chủ đích hơn là một sư mưu cầu phi lý khô khan về sự lặp lại chính xác.

   Như vậy, rõ ràng tính định hướng để dịch thuật đóng góp một phần quan trọng vào việc khuyến khích dịch một bài hát sang tiếng nước ngoài, dù là ở ngôn ngữ nào. 

   Thử dịch một đoạn trong bài hát “Trái đất này là của chúng mình” (Trương Quang Lục) để thấy rõ hơn yếu tố kỹ thuật khi dịch.
   Lời tiếng Việt “Trái đất này là của chúng mình” có 7 âm tiết, khi dịch sang tiếng Anh người dịch cũng phải đảm bảo lựa chọn từ ngữ sao cho phù hợp với số lượng âm tiết như vậy. Có thể dịch nghĩa sát như sau: This earth is ours. Tuy nhiên, cách dịch sát này chưa thỏa mãn yêu cầu về số lượng âm tiết, nên có thể thay bằng từ tương đương hoặc bổ sung để cho lời dịch khớp nhạc hơn. Ví dụ như: This green earth belongs to us. Theo cách dịch này thì nghĩa của lời hát đã có sự chuyển biến thành “Trài đất xanh này thuộc về chúng ta”, nhưng nó đã thỏa mãn yếu tố số lượng âm tiết tương đồng, cũng như khớp với các vị trí nhấn âm của câu hát.
   Thư lấy một ví dụ khác là bài hát “Đứa bé” và một đoạn so sánh hai bản dịch sang tiếng Anh một người nước ngoài và một người Việt. 
   Lời gốc tiếng Việt: “Trong đêm, một bàn chân bước, bé xíu lang thang trên đường.”
   Bản dịch của Laura Mayne: “He walks in the night, looking for the light.” (A)
   Bản dịch của tác giả bài nghiên cứu: “One night, the child got lost, wandering in the street.” (B)
    Chúng ta thấy rằng bản dịch (A) nghe tự nhiên hơn trong tiếng Anh, nhưng nghĩa của câu hát đã đổi thành “Nó bước đi trong đêm, tìm một nguồn sáng” mà không thấy nhắc gì tới “lang thang” hay “bé xíu”. Ngược lại, bản dịch (B) bám sát hơn một chút là “Một đêm nọ, đứa bé bị lạc, đi lang thang trên đường” nhưng nghe không tự nhiên bằng bản dịch (A). Lí do của điểm khác nhau ở đây, có thể khẳng định là do ở bản dịch (B), người dịch hiểu bài hát từ tiếng Việt và dịch trực tiếp sang tiếng Anh, còn ở bản dịch (A), người dịch hiểu bài hát thông qua giai điệu và bản dịch nghĩa. Do đó, bản dịch (A) dù nghe tự nhiên hơn nhưng không thể đảm bảo bám sát được nội dung gốc, còn bản dịch (B) thì ngược lại. Ta thấy rằng, ở đây nếu người dịch (A) và (B) được trao đổi, thảo luận để tăng sự cọ xát ngôn ngữ thì sẽ khắc phục được nhược điểm ở cả hai bản dịch (A) và (B) cũng như phát huy ưu điểm ở mỗi bản dịch.
***
BỐN BƯỚC DỊCH MỘT BÀI HÁT
Tạm gọi người sáng tác lời tiếng Việt là A, người dịch nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng Anh là B, người chuyển bản dịch nghĩa sang lời tiếng Anh là C.

Bước 1: B trao đổi với A để hiểu đầy đủ về bối cảnh và nội dung bài hát, từ đó dịch nghĩa sang tiếng Anh một cách đầy đủ nhất có thể. (có rất nhiều cộng đồng dịch thuật đã và đang làm điều này)

Bước 2: C dựa trên bản dịch nghĩa tiếp tục trao đổi với B (đôi khi B cũng chính là A) để hiểu toàn diện hơn về bối cảnh và nội dung của bài hát, từ đó tiến hành chỉnh sửa lại lời dịch theo một cách phù hợp nhất và tự nhiên nhất đối với người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

Bước 3: Đối chiếu lại quy trình dịch để phát hiện và giảm thiểu các thiếu sót ngôn ngữ và văn hóa của bản dịch lời tiếng Anh và có các hiệu chỉnh cần thiết. Bước này có thể thực hiện ngược lại qui trình dịch để kiểm tra xem độ sai lệch có chấp nhận được không.

Bước 4: Đăng ký tác quyền chính thức cho bản dịch hoàn chỉnh với sự xác nhận của tác giả lời gốc và các cá nhân liên quan.

  *
  * *

 HÀNH LANG PHÁP LÝ
    Theo chủ kiến của tác giả, động thái từ những người làm công tác văn hóa có tác động rất lớn giúp cho những người dịch bài hát không cảm thấy lẻ loi khi truyền bá văn hóa ra nước ngoài thông qua âm nhạc, mà trực tiếp là mượn bản dịch để tiếp cận với người nghe nhạc các nước trước để mở đường cho văn hóa Việt theo sau.

    Trong quá trình đó, với một chính sách rõ ràng tạo điều kiện cho sự hợp tác nghiên cứu giữa các cá nhân liên quan (tác giả bài hát, người dịch ngôn ngữ gốc và người dịch ngôn ngữ đích) cùng nghiên cứu nhằm tìm ra các hiểu biết tương đồng về bài hát để có được những bản dịch đáp ứng được ý tưởng gốc ban đầu và phù hợp hơn với nền văn hóa mà nó sẽ tiếp cận.

    Cụ thể là Cục Bản quyền Tác giả nên làm cầu nối cho các tác giả có nhu cầu dịch bài hát với các dịch giả và là nơi chứng nhận cho các bản dịch được tác giả công nhận chính thức. Ngoài ra, các cơ quan như Viện Ngôn ngữ học, Hội Dịch giả, Hội Nhạc sĩ, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, các tổ chức thành viên và các cơ sở đào tạo bậc đại học có liên quan nên ngồi lại với nhau để cho ra đời những diễn đàn trao đổi và công bố các tác phẩm mới theo xu hướng bài hát đa ngôn ngữ (ít nhất là tiếng Anh và tiếng Việt), cũng như tư vấn và đỡ đầu cho những sinh viên quan tâm nghiên cứu vấn đề này.
    Cuối cùng, để tạo môi trường cho bài hát dịch phát triển và phát huy, một bộ Luật hoặc Quy chế cụ thể về bài hát dịch sẽ là cần thiết để giúp nâng cao chất lượng các bài hát dịch trong tương lai.

2 comments

CHÚ CHÍN

Tùy bút của Ruồi Trâu 
   Hôm nay đi đường, thấy một người đánh rơi ví. 
   Nhớ lại hồi mình học cấp hai. Buổi trưa đi học về, quãng đường từ nhà tới trường độ ba cây số. Ngày đó vẫn là con đường đất gồ ghề, ổ trâu ổ gà nối tiếp nhau. Ngồi trên xe mà cứ rập rềnh như cưỡi ngựa. Tê mông. Vì thế nên chuyện rơi đồ xảy ra như cơm bữa.
Nguồn ảnh: Internet
   Có hôm trời mưa, thấy một chú gà con đứng chơi vơi, ngơ ngác giữa đường kêu chiếp chiếp. mình mang về nuôi. Đặt tên nó là Chín (Chú Chín) và coi nó như một người bạn. Có khi còn thân hơn. Hễ đi học về là gọi nó đầu tiên. Cũng lạ, người ta tưởng con người chỉ có thể thân thiết với những loài vật gần gũi như chó mèo, còn mình lại thân với gà. Nó biết điều này. Thành ra quen, cứ đến giờ mình đi học về thế nào cũng thấy nó quanh quẩn ở sân. Mình gọi một tiếng "Chín!" là nó chạy tới mổ mổ cái mỏ xinh vào lòng bàn tay rồi chạy chạy vòng quanh chân, mừng rơn. Mỗi lần cho nó ăn cũng vậy, không bao giờ mình vứt đồ ra đất mà để trên lòng bàn tay cho nó mổ. 
   Được chăm sóc nên nó lớn rất nhanh, đó là một chú gà trống, mào đỏ tươi dựng đứng, lông màu vàng đồng óng ánh, cái đuôi lúc nào cũng cong vọi đi lắc sang hai bên. Nhìn duyên dáng lắm. Thế nên các nàng gà mái cứ là mê tít!
   Tết năm đó, nhà mình chỉ có mấy con gà mái và một lũ gà con bé tí vẫn còn theo theo mẹ đi kiếm ăn. Vậy nên mẹ nịnh mình, làm công tác tư tưởng mấy hôm liền để mình đồng ý cho mẹ thịt, thắp hương các cụ. Mình không đồng ý, nhất định không! Sao có thể như thế được! Mình đâu có coi nó là gà, nó là bạn, bạn thân, là niềm vui của mình. Nhưng Tết thì không thể không có gà. Sáng mùng một khi mình tỉnh dậy. Chao ôi! gà của mình đâu? Chú Chín của mình đâu? chẳng nhẽ bạn của mình đang nằm trần trụi, im nặng, chơ vơ trên cái mâm giữa sân khói hương nghi ngút kia sao! không thấy nó đâu nữa, vậy là đúng rồi... Mình khóc, khóc như thể mất một cái gì đó, đau sót lắm! Mẹ bảo mẹ đã hóa kiếp cho nó, nó không chết, nó chỉ đầu thai sang kiếp khác để được làm người. Điều đó không trấn an được mình, mình nức nở... Mẹ bảo mùng một tết mà khóc sẽ bị rông cả năm, bị mọc sừng nữa. Mặc kệ mình vẫn khóc, khóc mấy ngày liền. Đến độ những ngày sau đó mình vẫn cầm một nắm gạo ra sân gọi "Chín Chín!"... chẳng thấy đâu. 
     Đến tận bây giờ mình vẫn không quên, và hình như mình chưa mất một cái gì đáng tiếc như thế. Khi mình đã trót dành tình càm cho một thứ gì, dù đó là người, là con vật hay bất cứ cái gì khác. Phải chia tay thật là buồn phải không các bạn. Tuổi thơ của mình gắn với vô vàn kỷ niệm đẹp đẽ, hồn nhiên và trong sáng. Nhưng "Chú Chín" vẫn sẽ là một kỷ niệm, một "người" bạn mãi mãi không thể nào quên.
Nguồn bài viết: Facebook Ruồi Trâu 
No comments

Monday, June 17, 2013

CÔ GIÁO DẠY TIẾNG Ê ĐÊ CỦA TÔI

Mí Tiệp
     Đó là Mí (mẹ) Tiệp, một người phụ nữ chăn bò hay đi qua ngõ nhà mình. Nhà Mí ở buôn Kang, xã Ea Knech, huyện Krong pak, Tỉnh Dak Lak. Nhà của Mí cách nhà mình xa lắm. Mí nói tiếng Kinh rất sỏi. Mí bảo sáng sớm Mí lùa bò đi ăn. Qua con suối rồi đi một đoạn dài nữa là đến nhà của con đó. Con cứ đến buôn Kang, hỏi nhà Mí Tiệp ở đâu. Họ chỉ cho. Ai cũng biết Mí, ai cũng thương Mí hết. Nhà Mí nghèo lắm. Mí có 7 đứa con. 4 đứa con trai, 3 đứa con gái. Một thằng con trai của Mí nó lấy vợ người Kinh ở dưới Bình Dường rồi. Con bé đó nó không biết tiếng dân tộc con à. Về nhà Mí. Nó cứ hỏi con Mí là bố mẹ nói gì với nhau thế anh. Hihi. Vui lắm.
     Mình rất thích người đồng bào Ê Đê. Mình muốn hiểu họ. Ngôn ngữ chính là cái chìa khóa vạn năng. Thế là mình quyết định “làm thân” với họ bằng cách học tiếng nói của họ. Bởi vì suy cho cùng thì dân tộc nào cũng muốn được nhiều người biết tiếng nói của chính mình. Có được ngôn ngữ thì ắt có được những giá trị văn hóa. May quá. Mình có Mí Tiệp. Người mẹ già, người “giáo viên”  tội nghiệp của cô bé người Kinh gốc xứ Nghệ được chôn nhau cắt rốn trên nền đất đỏ.
     Cái tính của mình tương đối là ưa ngao du sơn thủy. Thích có những buổi học ở những chốn thôn quê, Thích học theo phương pháp “nhặt chữ’. Ngồi dưới hàng Muồng xanh tốt, gió thổi lao xao, hoa Muồng vàng nhẹ rơi trên đỉnh đầu và miệng thì ê a đọc thánh ca. Tại sao học chữ mà tôi lại học thánh ca. Vì Mí Tiệp hiếu đạo Tin Lành lắm. Đi chăn bò nhưng Mí bỏ sau gùi một cuốn sách kinh thánh. Viết toàn bằng chữ Ê Đê. Cuốn sách ấy là giúp cho tôi nhận diện mặt chữ và học cách phát âm chữ cái đấy. Mí bảo rằng Mí theo đạo Tin Lành nên được dạy chữ Ê Đê đó.
Chị gái của Mí Tiệp
     Mí Tiệp chăn bò cùng với “A Tay Mne” (chị gái) của Mí. Người phụ nữ ấy rất tội. Ít học nên biết rất ít tiếng Kinh. Thấy Tây Nguyên Xanh ngồi đọc tiếng Ê Đê. Mí ấy cười làm mình ngượng. Thế là mình cười theo. Mí Tiệp dạy nghiêm túc lắm. Mí bảo đọc đi, không được cười.
     Mình tò mò hỏi Mí ơi, lễ cưới của người Ê Đê phải chuẩn bị sính lễ như thế nào hả Mí? Mí Tiệp xưng mẹ với Tây Nguyên Xanh và bảo cũng tùy thôi con ạ. Họ cho bao nhiêu thì cho. Nhà mẹ nghèo. Con trai mẹ lấy vợ. Nhà đó cho nhà mẹ hai con bò. Mẹ bị bệnh gan, nên hằng ngay chỉ đi chăn bò thôi. Con của mẹ thương mẹ nên không cho mẹ đi làm. Chờ cho hai con bò đó đẻ, Mẹ lấy bò con thôi. Trả lại bò mẹ cho người ta. Mẹ không lấy của người ta luôn đâu. Rồi Mí Tiệp lại trêu có muốn lấy con trai Ê Đê không? Mình cười và gật gật nói muốn lắm Mí ơi. Nhưng con lười lắm. Không biết chăn bò vì sợ đen da. Không biết bắt sâu, không biết dệt vải. Các anh ấy không yêu con đâu. Hí hí. Mí cười nghe rất thích tai. Mí bảo bây giờ người ta ít dệt vải như hồi xưa con à. Yêu đi, chắc có nhiều thằng Ê Đê nó yêu con lắm đó. Mí lại cười. Hình như lúc ấy mặt mình ửng hồng.
      Hỏi Mí về lễ bỏ mả và tượng nhà mồ thì Mí bảo Mí là đàn bà, không biết đâu con ạ. Bữa nào gặp mấy ông già chăn bò. Con hỏi họ. Họ nói cho. Rồi Mí lại lân la hỏi mình học lớp mấy?!? (Có lẽ nhìn Tây Nguyên Xanh be bé xinh xinh nên Mí nghĩ hãy còn đang đi học he he). Mình bảo con học xong đại học rồi. Mí vỗ vào lưng và nói con của mẹ giỏi quá. Rồi lại quy sang nói gì đó với chị gái của Mí bằng tiếng Ê Đê. Mình ứ hiểu. Chỉ thấy gương mặt Mí rất tự hào.
     Mí hứa là hôm sau Mí đi chăn bò sẽ đem theo cuốn truyện cổ tích của người Ê Đê. Viết bằng hai thứ tiếng Kinh và Ê Đê để tiện cho mình học. Gói ghém cuốn Kinh Thánh cho Mí. Mở gùi của Mí ra. Thấy nào là áo mưa, nào là hộp cơm mang theo để ăn trưa giữa đường. Thương nhất là thấy một bọc đựng vỏ chai nhựa. Hỏi Mí lấy những thứ này về làm gì? Mí nói Mí gom đồ nhựa lại để đem bán cho người Kinh lấy tiền đi chợ con ạ. Nghe mà ứa nước mắt.
     Buổi học nào cũng phải có tiếng trống báo hiệu hết tiết. Riêng buổi học tiếng Ê Đê của mình không có tiếng trống. Ví trí lớp học là những bóng râm và nó kết thúc khi những con bò bụng tròn quay và ngoe nguẩy cái đuôi thủng thằng hò nhau hướng về buôn làng. Mình có hỏi Mí Tiệp rằng tại sao đi từ rất sớm và đến chiều tối mới về thế. Mí bảo rằng do đi sớm bò không chịu ăn, đến trưa bò mới chịu ăn nên về tới buôn rất muộn con à.
     Chia tay Mí Tiệp, trời bỗng đổ cơn mưa. Mình cầm dù nhìn Mí thoăn thoắt chạy theo đánh bò để ngăn chúng ăn bắp của người trong xóm mình. Mí cứ lầm lũi dưới cơn mưa, lòng mình cứ nặng theo từng giọt mưa.
     Ai sinh ra cái kiếp “thích lưu tâm” cho tôi ướt lệ ngắm Người trong mưa!

Buôn Ma Thuột, Trưa 17/6/2013 Viết lúc nhớ Mí Tiệp
Tây Nguyên Xanh
4 comments

Sunday, June 16, 2013

GIỌNG QUÊ

Nguồn ảnh: Internet
Tản văn của nhà thơ Vương Trọng
    Thế là tôi đã xa quê hơn nửa thế kỷ để sống với Hà Thành. Có thể nói, mọi đường ngang ngõ tắt cùng phong tục tập quán của đất kinh kỳ tôi không còn xa lạ. Dễ hiểu thôi, năm mươi năm chẳng phải ngắn ngủi đối với một đời người, bởi quãng thời gian đó đủ để biến một đứa trẻ lọt lòng mẹ có thể lên bậc ông, bậc bà. Vâng, qua hơn hai phần ba quãng đời đã sống, tôi đã dành cho Hà Nội, hay nói chính xác hơn, số phận đã xịch tôi đến với Hà Nội và ở lại đấy dài lâu. Nhưng tôi không bao giờ nhận Hà Nội là quê hương thứ hai của mình như có một số người quen nói, bởi lẽ, quê hương chỉ có một và với tôi, đấy là một làng quê khá hẻo lánh ở một vùng bán sơn địa của tỉnh Nghệ An.Không ai tự chọn được mẹ cho mình, và cũng như thế đối với quê hương.Nếu anh có ý thức chọn quê thì giỏi lắm cũng chỉ chọn được quê cho con cháu của anh, chứ với anh, quê hương là tiền định.
    Mỗi vùng quê có một giọng quê đặc trưng. Có người nói rằng giọng quê do nguồn nước của dòng sông và mạch giếng quyết định. Tôi nghĩ rằng, nếu nguồn nước có ảnh hưởng đến giọng quê thì đó cũng chưa phải là "tham số" quyết định, bởi có khi hai làng gần kề nhau, ăn chung một nguồn nước nhưng giọng nói hoàn toàn khác nhau. Có lẽ yếu tố quyết định giọng nói của hai làng đó là do những người tạo lập nên làng đó đem giọng nói từ những vùng quê khác nhau về đây và truyền đời cho con cháu.Môi trường âm thanh và điều kiện sống có ảnh hưởng không nhỏ tới giọng nói. Người vùng biển suốt ngày vật lộn với sóng to, gió lớn không thể có giọng nói nhẹ nhàng của các cô gái chốn lầu son.Người quê tôi quanh năm tất bật làm ăn, tâm lực dồn vào cuộc mưu sinh trong nắng lửa và tiếng gào réo của những trận lụt lội triền miên, thì ngôn ngữ hàng ngày mục đích chính là truyền đạt thông tin nên thường ngắn gọn có khi dẫn tới cộc lốc. Hoàn cảnh ấy kéo dài hàng trăm, hàng ngàn năm thì mới hình thành một chất giọng trầm thô, mộc mạc khó lẫn với những vùng quê khác.Tôi không bao giờ thiên vị đến mức cho rằng giọng quê mình là tuyệt hảo, cũng như tôi không bao giờ nghĩ rằng mẹ của mình là hoàn hảo nhất trong mọi người mẹ trên đời, nhưng tôi yêu mẹ tôi hết mình, cũng như yêu giọng quê tôi hết mình là một thực tế. Có người bạn khá thân hỏi rằng tại sao tôi học ngoại ngữ thì khá, mà “nội ngữ "lại kém đến nỗi nửa thế kỷ không nói nổi giọng người Hà Nội !
    Nửa thế kỷ không nói nổi giọng Hà Nội? Với tôi, đúng thế. Công việc mà một đứa trẻ chỉ vài ba năm có thể hoàn tất ấy mà tôi vật lộn trong năm chục năm không làm nổi hay sao? Không hoàn toàn như vậy. Còn từ nào của người Hà Nội mà tôi không hiểu được, không nói được đâu! Nhưng tôi nói chúng theo giọng của tôi vốn có, cái giọng vốn hẹp biên độ giữa các âm sắc.Tôi không đổi giọng bởi tôi hiểu người quê tôi không thích những ai vừa ra khỏi ngõ đã để phôi pha những gì thuộc về gốc gác quê hương. Câu thành ngữ "chửi cha không bằng pha tiếng" luôn thường trực trong tôi, nhắc tôi gìn giữ giọng quê vốn có. Mà đâu chỉ có thành ngữ đó, biết bao câu chuyện do người quê tôi đặt ra để chế diễu những kẻ sớm quên tiếng quê của mình, mang về quê hương giọng nói của những vùng quê khác.
    Giọng quê mang bản sắc một vùng quê. Thời gian gần đây ta thường nghe nói nhiều đến bản sắc dân tộc, hoà nhập không hoà tan…nhưng ít nghe nói đến bản sắc những vùng quê, một yếu tố quan trọng làm nên bản sắc dân tộc.Hà Nội là Thủ đô của cả nước, ngoài số người dân Hà Nội gốc, đấy là nơi sinh sống, làm việc của hàng triệu người đến từ nhiều địa phương khác nhau, tất nhiên tụ hội giọng nói của trăm miền, điều này làm cho ngôn ngữ Thủ đô thêm phong phú. Có lẽ cũng nên phân biệt tiếng Hà Nội với tiếng Thủ đô để ai đó khỏi bực mình vô cớ khi nghe một người dân Thủ đô không nói giọng Hà Nội.Nghe giọng nói của từng người, có thể nhận ra quê gốc của họ. Bởi thế, ai bỏ giọng nói của quê mình tức là tự nguyện từ bỏ cái quyền đại diện của quê hương ở Thủ đô, ít nhất về mặt ngôn ngữ.
    Ông Hạ Tri Chương, một nhà thơ Trung Quốc đời Đường khi tuổi già về thăm quê có làm một bài thơ tứ tuyệt thật hay, mở đầu bằng hai câu:
      Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
      Hương âm vô cải, mấn mao tồi…
được dịch là:
      Khi đi trẻ, lúc về già
      Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao…
    Ông có buồn, nhưng đó là buồn cho tuổi già, tóc bạc lạc lõng giữa quê hương, chứ không hề buồn vì không đổi giọng quê, ngược lại hình như ông tự hào bởi "giọng quê vẫn thế".
     Cám ơn ông đã nói hộ nỗi lòng của biết bao đứa con phải sống xa quê , mà vẫn giữ nguyên giọng quê đến tận ngày mái đầu ngả bạc…

Nguồn bài viết tại Facebook Vương Trọng 
8 comments