Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, July 2, 2013

TRƯỚC NGÀY LÀM SINH VIÊN - Kỳ 1: EM GÁI XUỐNG NÚI

TRƯỚC NGÀY LÀM SINH VIÊN 
(Viết kỷ niệm 5 năm kể từ ngày thi đại học)
Tác giả ảnh: Nhiếp Ảnh Vỉa Hè
Kỳ 1: EM GÁI XUỐNG NÚI
     Mấy hôm nay thấy người ta nườm nượp đi thi đại học. Em bỗng bổi hổi bồi hồi nhớ cái ngày đi thi đại học. Ngày ấy nhìn em như con mắm ngâm trong hũ. Cổ em trông như cái ngoắc đèn. Mắt thâm như thể mới chia tay người yêu năm ngày. Thảm không tả hết.
     Ngày ấy em cũng như bao đứa khác. Cũng hoành tráng lắm. Gửi những ba bộ hồ sơ cho ba trường. Một khối A, một khối B và một cái cho thi cao đẳng. Riêng bộ hồ sơ khối A không có dấu vân tay của em. Em chưa từng có ý định thi khối A và Cao Đẳng vì em ứ học môn Vật Lý và hồi ấy em vênh cái mặt như cái bánh đa nướng quá lửa mà nói rằng: “thi cao đẳng làm gì cho hại đời mấy đứa”. Mẹ em bảo đừng nên như thế, đằng nào cũng một lần thi, làm cho tròn ba bộ như người ta cho yên tâm, lỡ rớt thì sao, mày đừng có ngông. Nghe mẹ nói, em cũng hơi chột dạ nhưng vẫn cương quyết rằng: “khối A chỉ thi cho vui, cho biết tâm lý của một kỳ thi đại học để chuẩn bị tốt cho khối B thôi. Má muốn làm hồ sơ ngành gì cũng được, miễn là trường đó ở miền Trung”. Cuối cùng thống nhất là em ghi hồ sơ khối B và Cao Đẳng, còn mẹ ghi khối A xong rồi mẹ đặt giữa hai bộ còn lại. em cầm cả xấp đi nộp. Nên không có dấu vân tay của em ở bộ khối A.
     Thế là đến ngày đến tháng em cũng làm sĩ tử như ai. Sáng 1/7/2008, em leo trên xe khách  Phương Hà xuống núi. Lọ mọ chạy đến địa điểm thi tại trường THCS Phước Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Hai bố con rưng rưng cảm động vì có các anh chị tiếp sức mùa thi hướng dẫn tận tình. Cả đời có một lần thi mà, lo lắng lắm. Những đứa vần N, O, P thì thi ở đó hay sao ấy.
     Em trọ trong một căn nhà hai lầu ngay trước mặt doanh trại quân đội huyện Tuy Phước. Em cứ tưởng đi mồng một thì sớm lắm. Ai ngờ có đứa nó đến từ đời tám hoánh nào rồi vì sợ say xe mệt, phải nghỉ mấy ngày không thi được thì toi. Cũng tội chúng nó, em sướng hơn chúng nó được cái là chẳng biết say xe như thế nào cả. Cái khu nhà đó, chứa khoảng 15 người đi thi, cộng thêm phụ huynh nữa là phải 30 người. Riêng công đoạn tắm giặt cũng vui đáo để.
Em và một số đồng chí đến sau phải nằm dưới đất. Bọn nằm đất và bọn nằm giường hay nhìn mặt nhau như kiểu rắn phùng mang thè lưỡi ấy. Hội những đứa nằm đất của chúng em gồm: Nhân, Nhạn, Ninh (có hai đứa), Nhi, Nhật và em. Chơi vui lắm. Ôn cùng nhau và tối thì dắt nhau ra quán cà phê ngồi tán phét. Chúng nó rủ đi Quy Nhơn chơi nhưng em ứ thích đi. Em ở nhà ngắm một anh bạn Quảng Nam nhưng nói giọng Huế. Cha Má ơi, người đâu mà đẹp trai hết sảy. Dáng hắn ròm riết à. Nhưng cái mặt hớp hồn dễ sợ vậy á.
Trong khi chúng nó ôn môn Vật Lý thì em ôn môn Sinh cho khối B. Buổi tối trước ngày  4/7/2008 có “luộc” lại môn Toán cho ngày mai chút xíu. Thế là ngày hôm sau thi. Sáng sớm thi môn Toán xong. Em thong thả bước ra cổng trong khi có đứa khóc um lên và ôm bố hoặc mẹ chúng. Bọn chúng làm bố em hoảng hồn, bố sợ em không khóc mà tìm đường tự tử thì nguy. Bố nghi là đề khó quá. Ai ngờ lúc thấy em, mặt em cứ tớn lên, cười khè khè, em bảo: “Chắc 6 điểm là cùng. Khối A thì vậy thôi. Chi cho nhiều Ba nhỉ”. (em gọi bố là Ba). Bố em bảo : “mả xưng cha mi, mần tau hết hồn”. Các bác bảo người Nghệ Tĩnh họ dịch câu này cho nhá hí hí.
Buổi chiều thi môn Vật Lý mới vui.  Cả ba năm cấp ba, học đối phó vậy chứ có đụng đến sách Vật Lý bao giờ đâu. Ông Thầy bà Cô giảng, vui thì nhớ lời giảng mà buồn thì nhớ bóng hình người yêu. Đi thi bằng niềm tin, trở về đầy hy vọng là chuyện rất chi là “phình phường”(bình thường). Hôm ấy ngồi đọc những câu lý thuyết. Đáp án nào thấy quen quen thì khoanh tròn. Trắc nghiệm mà. Kiểu gì chẳng điền hết sạch trơn. Có điều có may mắn không thôi. Em mất ba mươi phút ngồi tô các đáp án cho đẹp và đánh dấu trong đề thi những đáp án điền lụi để ngày mai so kết quả trên báo. Sáu mươi phút còn lại, em cứ vật vờ, ngáp dài, ngáp ngắn. Nhưng không dám xin ra sớm vì sợ bố em ở bên ngoài lo lắng. Thế cố gật gù cho đến phút chin mươi. Xong hai môn nhá
Còn môn cuối cùng, môn Hóa Học. Đêm trước khi thi. Em nghĩ: “Thôi chơi bời hai môn Toán, Lý thế là đủ rồi. Đằng nào cũng cất công đến đây. Chơi một đòn chí mạng cho môn Hóa xem sao. Hời hợt mãi cũng chán”. Thế là đêm ấy em “luộc” hơi bị kỹ thằng Hóa Học. Tối hôm đó có thằng Ninh người Quảng Ngãi, nó nhờ giải một bài tập. Lạy hồn, sáng mai gặp lại cái câu ấy chỉ khác số. Hôm sau làm cật lực nên kết quả đạt 8,5 điểm.
Cái này mới vui này, thi xong môn Hóa. Mua báo để so kết quả điền lụi môn Vật Lý. Em đúng được 17 câu. Em nói một câu duy nhất với bố rằng: “Hu hu, đậu rồi, hu hu!”. Sau đấy thì xin số điện thoại của cả hội “nằm đất”. Ăn trưa xong, tan tác khu trọ hết cả. Em chào cô chú chủ nhà và hẹn nậu đỗ và học ở Quy Nhơn thì ngày nhập học sẽ ghé lại. Sau này hội Nằm Đất có em đậu Quy Nhơn thôi. Một thằng nó đậu khối B ở Nha Trang. Còn hồi Nằm Giường thì có một con Nở (Quảng Nam) đậu. Khi gặp nhau ở sân trường Quy Nhơn, hai đứa đại diện cho hai hội thiết lập mối bang giao thân thiết, hữu nghị hợp tác, khép lại quá khứ tương lai. He he. Nhậu nhẹt linh đình.
12h trưa ngày 5/7/2008 em lên xe ở ngã ba Phú Tài và thẳng tiến Huế thương. Ngồi nhớ buổi tiệc liên hoan chia tay tối 4/7 để hom sau thi xong cuốn gói ra về. Thằng Nhân hát thật là hay. Mấy đứa của hội Nằm Giường nhìn kỹ cũng xinh gái phết. Hôm ấy bọn nó hát cho em nghe bài hai con thằn lằn con. Vui lắm. Nói lời cảm ơn với chủ nhà. Thanh toán tiền trọ các thứ. Ngậm ngùi nhìn nhau sợ chia tay. Nhất là cái hội Nằm Đất của em. Quên sao được mấy đêm lấy sách làm gối. Không có chiếu, cứ vậy nằm trên sàn nhà lạnh teo. Chia sẻ áo khoác trong hành lý của nhau để đắp. Tình cảm lắm.
 Chuyện ở Huế thì đề kỳ sau kể tiếp nhé.

    Buôn Ma Thuột,  30/6/2013
Tây Nguyên Xanh 
6 comments

Monday, July 1, 2013

ĐÁM CƯỚI CỦA NGƯỜI KINH Ở TÂY NGUYÊN


Tác giả ảnh: Nguyễn An

   Khác với các thành phố lớn, hầu như dân Tây Nguyên là người nhập cư nhưng cách sống trong cộng đồng dân cư lại có nhiều điểm tương đồng với nơi chốn cũ. Có lẽ vì dù ở quê hay ở Tây Nguyên thì họ đều làm nông cả. Có khác chăng đó là ở quê làm lúa còn ở Tây Nguyên làm cà phê, tiêu, điều, cao su….Đã làm nông thì ở đâu cũng thế, cần sự tương trợ lẫn nhau rất nhiều. Ở nơi đất khách thì tốt nhất là tìm người cùng quê để làm láng giềng cho tiện bề nhờ vả. Có lẽ vì vậy mà Tây Nguyên có những cụm dân cư nói chung một giọng và sống chung tập quán y hệt một miền quê nào đó thuộc khu vực khác. Chẳng hạn như dọc quốc lộ 14 từ Dak Lak sang Gia Lai, có một ngã ba người ta gọi là ngã ba Nam Đàn. Vì ở khu vực đó hầu như toàn người gốc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An sống. Hay ở Huyện krong Pak tỉnh Dak Lak, có một thôn Tân Quảng toàn người gốc Quảng Nam và Quảng Ngãi di cư vào. Rồi ở vùng gần núi của huyện Krong Bông, tỉnh Dak Lak thì có nhiều dân tộc thiểu số ở khu vực Đông Bắc di trú cho nên chẳng biết từ bao giờ người ta gọi nơi đó là chỗ ở của người “dân tộc Cao Bằng”. Cho nên phong tục cưới hỏi cũng mang đậm nét quê hương xứ sở họ đã từng sống.
Lễ Hằng Thuận -nguồn: internet

Tuy nhiên, trong thủ tục lễ lạc cưới xin ở Tây Nguyên rất hiếm gặp lễ Hằng Thuận tổ chức ở chùa. Mặc dù người theo Phật giáo rất đông nhưng hiếm có lễ ấy. Lễ nãy thường gặp ở miền Tây Nam Bộ, mà Tây Nguyên rất ít người miền Tây di trú lên cho nên ít có lễ này. Còn lại các nghi thức khác thì có lẽ ở đâu cũng vậy.
Dù là Vu Quy hay Tân Hôn thì đám cưới đều được tổ chức trong hai ngày. Ngày đầu tiên người ta gọi là ngày Lập Dịch. Ngày này người ta bắt đầu dựng rạp, bà con hàng xóm cùng nhau đến nhà gia chủ mổ heo mổ gà, nấu cỗ để ăn mừng. Người ta rất trân trọng ngày này vì đây là dịp hàng xóm nhớ đến nhau, mà đặc biệt là người thân gia chủ từ quê mới vào nên họ xúm lại để hỏi han tình hình làng xóm ở nơi chôn rau cắt rốn. Họ uống rượu và hàn huyên đến tận giữa khuya mới tàn cuộc. Không giống như những cuộc họp mặt đồng hương chỉ diễn ra vài tiếng bên cốc bia ở thành phố lớn đâu. Sự hội ngộ của những người cùng quê chỉ thiếu nước mắt là chưa rơi nữa thôi. Họ ngồi lâu lắm, nói nhiều lắm, nhắp môi uống rượu và sau tiếng “khà’ là một tràng câu chuyện nói về quê hương xứ sở.
Ngày tiếp theo thì mới chính là ngày diễn ra lễ cưới. Tiệc cưới bây giờ khỏe lắm. Có hẳn một một đội ngũ chuyên kinh doanh theo hình thức nhà hàng lưu động. Chỉ cần liên hệ đặt bao nhiêu mâm cỗ và đặt cọc tiền trước một ít. Thế là họ về tận nơi để chuẩn bị cỗ cho mình. Cuối buổi tiệc, chủ nhà hàng ngồi chờ gia chủ bóc phong bì mừng cưới ra, đếm lại và hoàn trả thế là “a lê hấp” xong mọi việc. Cười ở Tây Nguyên đa số là chỉ lỗ do việc chụp ảnh và lễ vật các thứ thôi chứ tiệc cưới thì ít khi lỗ. Có nhà đi hôm nay vay “nóng” để đặt cọc tiệc cưới cho con. Ngày mai bóc phong bì, lại đem trả.
Về thời gian tổ chức tiệc cưới (Làm lễ trước bàn thơ tổ tiên thì có giờ riêng) thì tùy vào vùng mà gia chủ sống làm ngành nghề gì. Nếu họ làm cao su thì thì tiệc cưới thường tổ chức vào khoảng xế chiều. Vì buổi sáng họ đi cạo mủ cho đến trưa thu hoạch mủ xong mới về nên tổ chức buổi chiều cho thong thả. Còn nếu họ trông cà phê hoặc trồng các mặt hàng nông sản khác thì thường tổ chức tiệc cưới vào buổi trưa.
Nói về cưới thì chắc ai cũng nhớ đến các MC đám cưới. Thú vị lắm. Chẳng biết từ bao giờ các MC đám cưới đã vịn vào thời tiết mà buông những lời bay bổng. Ví như : ‘trong cái nắng Tây Nguyên nồng nàn, con ong đi lấy mật cho đời, chú chim líu lo gọi bạn, đàn bướm tung tăng khắp mọi chốn. Có một đôi bạn trẻ đã thầm thương trộm nhớ đến buổi chin muồi. Và đó là lý do cho sự có mặt của chúng ta hôm nay. Xin chúc mừng đôi bạn trẻ Lăng Nhăng Chút Chút và Yêu Anh Vừa Vừa đang tiến về sân khấu….”. Đấy là cưới vào cuối mùa khô. Còn mùa mưa thì họ lại nói như này: “Những ngày nặng trĩu hạt mưa, đường sá lầy lội cho đôi trai tài gái sắc thêm nhớ về nhau. Họ nhớ lần gặp đầu tiên dưới cơn mưa, nhớ những hôm vì mưa mà lỗi hẹn. Khi nỗi nhớ đong đầy thì họ bỗng nhận ra mình là của nhau. Được sự đồng thuận của hai bên gia đình. Hôm nay chúng tôi, đại diện cho hai họ tổ chức tiệc mừng cho đôi bạn trẻ Yêu Em và Yêu Anh….”
Trong tiệc cưới ở Tây Nguyên, gần như ít khi vắng bóng những bài hát như “Ngọn Lửa Cao Nguyên” với những ca từ như “cháy lên đi lửa thiêng cao nguyên, còn mãi trong ta tình yêu cao nguyên… “ hoặc là Chiếc Vòng Cầu Hôn với lời ca tha thiết “vòng tay cầu hôn tình yêu của em…” Nghe sống động mà đậm chất cao nguyên các bạn nhỉ?
Đám cưới của người Kinh ở Tây Nguyên như thế đấy, không kể hết được. Tôi chỉ dám khái lược vài điều thế thôi. Hôm nay anh hàng xóm của tôi cưới vợ. Thế là có cái cớ để viết bài này. Chúc cho mọi điều tốt đẹp đến với mọi gia đình nhé.

Buôn Ma Thuột - 29/6/2013 - Tây Nguyên Xanh 
6 comments

Sunday, June 30, 2013

CÀ PHÊ XƯA VÀ NAY QUY NHƠN

Tác giả ảnh: Hòa Carol
Đây là nơi mình lựa chọn để tiếp khách phương xa khi họ ghé Quy Nhơn. Mình bắt đầu chơi blog từ ngày 5/12/2010. Tháng 5/2011 blog Tây Nguyên Xanh của mình được chọn là một trong số những blog nổi bật của Yahoo Blog. Kể từ đó thì có bạn đọc ghé Quy Nhơn để giao lưu với chủ trang Tây Nguyên Xanh.

Vị trí địa lý của quán cà phê Xưa Và Nay tương đối dễ tìm và nó khá nhã cho nên khi chưa biết sở thích của đối phương, mình mời họ vào quán đó cho lành. He he. Với lại từ quán đó mà về đại học Quy Nhơn rất gần nên mình không bị phụ thuộc xe cộ.

Đúng như tên gọi của nó. Nó có một góc hơi “xưa” và một góc tương đối “nay”. Cái hay của kiến trúc quán đó là giữa ngôi nhà cổ và khu vực hiện đại được riêng rẽ bởi một luồng nước. Từ đó xây lên những nhịp cầu be bé nối giữa “xưa” và “nay”. Mình rất là thích những kiểu trúc như vậy. Cái gì cũng vậy, có sự rạch ròi vẫn hơn.  Mình không biết về phong thủy nhưng thấy như thế nó hài hòa và dễ chịu.

Vào quán ấy mình có một lần uống lipton nóng, thấy dở quá nên sau này chỉ uống Ca Cao Đá. Trừ trường hợp khách đến trước và định chỗ rồi thì thôi. Còn nếu mình đến trước thì bao giờ cũng đón khách ở cửa chính. Cửa đối diện với khách sạn Hoàng Yến và hướng khách rẽ sang tay phải nếu là lần đầu tiên gặp và tay trái nếu là khách quen. Vì nếu rẽ qua tay phải thì đến khu nhà cổ hoặc hồ bơi, chỗ ấy thoáng khí, rất gần biển. Có nhiều người thích cà phê bên biển “gió thổi bay tóc, má em duyên”. Nhưng mà mình thích rẽ sang tay trái để đến cái bàn gần đường An Dương Vương, từ đó có thể thấy dòng người qua lại và hơn nữa được cảm nhận biển gọi ở xa xa. Không quá gần để cảm thấy bị vồ vập vì gió. Mà cái chỗ ấy không “xưa” cũng chẳng “nay”. Cứ lưng chừng thế mà duyên đáo để. Nhưng mà bạn thân lắm mình mới rủ ngồi bàn ấy. Nếu không thì cứ tay phải mà rẽ.
Có người từng là “thổ địa” của đất Quy Nhơn bảo rằng cà phê ở Quy Nhơn không ngon. Cái này mình không bình phẩm vì hiếm khi mình uống cà phê khi vào các quán. Mà thực tế mà nói thì mình hay kiếm tìm vẻ duyên duyên của quán để ‘rúc mặt” vào chứ không vì vị ngon của thức uống.
Thế đấy, lại viết cho một quán cà phê mà mình ngồi “chai mông’ ở Quy Nhơn. Dạo này mình hơi bị hoài niệm Quy Nhơn thì phải. Chắc tại thấy lũ học trò nó đi thi đại học. Hu hu, nhớ!
Thành phố Bụi Mù Trời (Buôn Ma Thuột) - 28/6/2013 - Tây Nguyên Xanh


8 comments