Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, July 13, 2013

CÔ BÁN ĐẬU HŨ

Nguồn ảnh: Báo Người Lao Động
   Đó là một người phụ nữ thấp bé, lưng còng. Tôi áng chừng xấp xỉ lục tuần. Lần đầu tiên tôi gặp cô là ở đầu hẻm đi vào quán cơm Vy Vy (bọn sinh viên đại học Quy Nhơn chúng tôi vẫn quen gọi là hẻm Vy Vy). Hôm ấy còn một chén đậu hũ (người Bình Định gọi là đậu non) nữa thôi, cô năn nỉ tôi mua để cô quảy gánh ra về. Thương quá nên tôi mua. Với lại hình như hơn mười năm rồi tôi chưa ăn đậu hũ.
   Lần đầu tiên tôi ăn đậu hũ là lúc tôi đi tham quan thành phố Đà Lạt. Hồi đó mới mười tuổi, mãi đến khi học đại học tôi mới lại ăn món này trên đất Quy Nhơn. Tất nhiên rồi, đậu hũ bao giờ cũng có hương vị nồng nàn của gừng, ngọt lịm của mật mía, béo ngậy của đậu non. Cầm cái thìa to to cắm vào cái chén con con để múc đậu ăn mà nghĩ thấy buồn cười. Tại sao chén bé lại đi với thìa to? Một hồi suy nghĩ, tôi mới hiểu ra ăn đậu hũ mà dùng thìa bé thì chẳng muốn ăn tý nào.
    Bình thường cô bán đậu hũ này không lai vãng trên con đường An Dương Vương đâu. Cô chỉ cần ngồi ở góc công viên bùng binh Ngô Mây gần chỗ eo Nín Thở là bán hết hàng rồi. Khi ế, cô mới đi chuyển đến vùng có mật độ lớn sinh viên qua lại. Cô tội lắm. Chào hàng như kiểu muốn khách mua nhiều nhưng thấu hiểu sinh viên thì chỉ mua được một lượng hàng nhất định. Bán ở phía eo Nín Thở thì đỡ hơn vì lũ nhóc được bố mẹ dẫn đi dạo biển và mua quà ăn vặt cho. Hoặc những đôi lừa hẹn hò ngoài công viên, hay mua để ăn chung cho lãng mạn.
   Chẳng hiểu lần nào gặp cô, tôi cũng hỏi cô còn đậu nữa không. Nếu còn thì tôi cũng mua cho cô một chén. Thấy thương vô kể.

BMT, 13/7/2013
Tây Nguyên Xanh
2 comments

CHẾT Ở QUÊ NHÀ

Tác giả ảnh: Máy Ảnh Đểu
Mình thấy Ba nói em trai của bác hàng xóm vừa mới tắt thở khi đang trên đường 9 về nhà. Một phút cầu nguyện cho hương linh xấu số không được “hạ thổ” trên nền nhà trước khi ra đi. Chết đường chết chợ thì con cháu càng đau lòng hơn. Người Việt Nam mà, chết như thế người ta sợ hương linh bị bắt làm ma cô, không vào nhà được hưởng đồ cúng tế được..
Tất tả mình chạy xuống nhà bác hàng xóm. Hai vợ chồng bác ấy đều là người Quảng Trị, Nhà mình bắt đầu chơi với nhà bác ấy từ hồi mới chuyển nhà lên trên này sống. Cho nên nếp sống và phương ngữ người Quảng Trị mình không mấy lạ nữa. Chẳng hạn như người Nghệ nhà mình có khách đến lúc đang ăn thì lật đật mời ngay. Không mời thì khách dễ phật lòng. Còn người Quảng Trị thì không bao giờ mời và khách không bao giờ giận vì họ nghĩ không nên mời khách ăn đồ thừa. Đã từng có chuyện người Nghệ An đến nhà ông Quảng Trị chơi lúc gia chủ đang ăn cơm. Gia chủ không mời cơm. Khách giận hơn bốn tháng không chạm mặt. Sau có người khác giải thích thì ông khách người Nghệ An mới đến nhà ông Quảng Trị cười khè khè bảo rằng “ zừ thì choa nỏ cức nhà mi nữa, mỗi quê quan niệm mỗi khác mi hầy (giờ thì chúng tôi không giận nhà bạn nữa, mỗi quê quan niệm mỗi khác bạn nhỉ)”. Ở Tây Nguyên, hàng xóm giận nhau vì chưa hiểu nếp sống người khác quê là chuyện bình thường.
Mình bước vào nhà. Thấy mọi việc diễn ra trong yên lặng. Bác bà vẫn chăm cháu, bác ông đang soạn đồ để về quê chịu tang thay vợ. Người mất là em trai của bác bà mà. Hình như bác bà cố kìm nén cơn nấc vì nhớ thương em. Đợi bác ông ra khỏi nhà mình mới dám hỏi thăm. Thà mình khơi chuyện để bác ấy khóc thì mình đỡ thương hơn là cứ thấy mắt bác ấy long lanh, nước mắt muốn trào nhưng bác ngửa cổ lên để nước mắt không rơi. Lúc này mình bắt đầu cảm nhận bác đang tự trách mình, sao ngày ấy bác theo chồng đi xa thế, vô tận đất Tây Nguyên làm công nhân lò gạch, rồi sau xin làm công nhân trồng cà phê cho công ty. Ông Mệ, Ba Mạ, anh em họ hàng đều ở ngoài Quảng Trị hết. Để đến hôm nay ruột đau khi em trai chết, bác có về thì may lắm thì cũng chỉ kịp ôm cái hòm gỗ đưa em ra nghĩa trang. Máu chảy ruột mềm, đau đớn lắm. Giờ mà cả nhà cũng về thì trong này bị trộm cạy cửa vô nhà lấy hết củu cải liền. Rồi vô lấy gì mà ăn. Ở Tây Nguyên nhà nhà cách nhau cái vườn rộng chứ không như ngoài kia đất chật người đông, nhà san san sát đâu.
Mình đang nghĩ, hình như ai cũng muốn trước lúc lâm chung thì được bàn chân trần lên nền đất quê hương hay sao ấy. Trong xóm mình có một ông cụ, về quê ăn cưới và mất ngoài ấy. Ông bà già vào đây thăm con cháu thì chỉ một thời gian thôi. Khi thấy người yếu thì muốn về quê, vì sợ chết ở trong này. Họ muốn chết ở nơi chôn nhau cắt rốn. Mình đã thấy nhiều cụ già nói như vậy. Họ sợ chết nơi đất khách lắm. Cái cội là gì mà ngàn vạn lá đều rơi về cội thế? Cội nguồn thiêng liêng đến vậy sao? Những đứa trẻ sinh ra ở Tây Nguyên như mình thì khó mà hiểu hết được.
Mình thì sao? Sau này mình có muốn chết ở quê nhà không nhỉ. Hình như là ở đâu cũng được, nhưng mình muốn trái tim mình đập mãi. Lúc đã yếu thì bảo bác sĩ mổ lấy tim rồi ngay lập tức ghép hệ thống tuần hoàn máu nhân tạo cho nó đập. Như vậy đúng nghĩa là chết mà không chết. Sống mà không sống. Các bộ phận khác như giác mạc cũng như phần còn lại của lục phủ ngũ tạng nếu còn có ích thì cắt bỏ rồi tất cả cho vào “Ngân Hàng Nội Tạng Quốc Gia”. Chờ đến lúc cần sẽ ghép cho người bệnh. Phần còn lại thì đốt thành tro rồi rải lên dòng sông Serepok, Cát bụi lại trở về với cát bụi thôi…Ai nhớ mình thì hãy về dòng sông trên quê hương mình. Vậy thôi. Lại lẩn thẩn rồi…
Buôn Ma Thuột, 13/7/2013

Tây Nguyên Xanh
4 comments

Friday, July 12, 2013

CHẤT NHÂN BẢN TRONG TRANG PHỤC VÀ TÂM LINH DÂN TỘC TÀY

Tác giả bài viết: Trần Thu Dung
   Trang phục dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường nhiều màu rực rỡ vui vẻ. Với ý nghĩ đó tôi hào hứng đi Bắc Kan với nhà văn dân tộc Dương Thuần mang theo hy vọng được ngắm nhìn các nhà sàn đẹp và những chiếc váy xòe màu sắc trên bản. Đường dài, vòng vòng qua núi, gần nửa ngày đường tôi chẳng thấy nhà sàn, chỉ thấy toàn nhà bê tông, nhà lớp ngói, lợp tôn lổn nhổn hai bên đường quốc lộ với lèo tèo với mấy cái quán án sơn lem nhem, có khi lợp bằng tôn trong bày bán mấy thứ linh tinh trước cửa. Đến nơi chúng tôi được đón tiếp ở khu nhà tầng như khu tập thể dưới Hà Nội thời bao cấp. Chúng tôi đến một nơi như doanh trại cũ của Pháp trước kia. Thị trấn chẳng còn bóng nhà sàn, cũng chẳng thấy bóng áo chàm. Các cháu người dân tộc và mọi người đều mặc quần áo như người Kinh. Kinh hóa và xi măng đến tận đỉnh núi. Ngày hôm sau đúng phiên chợ, tôi mới thấy một phụ nữ đứng tuổi mặc bộ váy người Dao, đeo vòng rất ấn tượng, và lác đác vài người mặc trang phục dân tộc Tày. Chiều đi vào bản Hon, thăm nhà một trưởng bản, tôi mới tận mắt thấy cái nhà sàn giữa núi rừng. Phụ nữ Tày đứng tuổi ở đây còn giữ nếp sống cổ xưa không ra tiếp khách. Cụ trưởng bản Hon đón chúng tôi. Trời đã chập choạng tối, thấp thoáng một người đàn bà mặc áo chàm đi lên xuống địu giỏ ngô khô mang cất lên góc nhà sàn để chuẩn bị làm rượu. Bây giờ tôi mới hiểu, trang phục Tày hết sức đơn giản, chỉ có đơn thuần một màu chàm. Trang phục giống nhau cho cả ngày lễ, ngày tang, ngày cưới, lao động, chợ xuân…
  Để thay nước hoa, làm thơm trang phục, phụ nữ Tày ướp loại lá hoắc hương rất thơm, cũng thường dùng làm thuốc để trong rương đựng trang phục. Bình thường thì họ dệt vải đơn giản hoặc mua vải nơi khác đem về nhuộm chàm. Một số trang phục trang trọng hơn, họ dệt vải có những hoa văn thiên nhiên quen thuộc như hoa, lá ẩn trên vải. Khi nhuộm nét đó đậm mầu vằn lên trông rất đẹp. Họa tiết được kỷ họa là những hình để thích hợp với việc dệt trên khung dệt. Bố cục giản đơn họa tiết theo phương pháp ô quả trám có các đường viền xung quanh tạo thành các đường diềm gãy khác. Trong các ô quả trám là họa tiết cách điệu hóa hình họa, hình ngọn rau bầu, bí là loại cây có liên quan nhiều đến nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ của nhiều cư dân nông nghiệp ở phía Bắc nước ta, trong đó có người Tày. Trang phục của họ giản dị, nhưng đồ chăn màn, khăn che bàn thờ tổ tiên lại có màu sắc, có thêm diềm ở phía trên tương ứng với cõi dương -Trời, có hình các vị thần linh, bảo hộ cho sự sống bình an của con người và thêm đường diềm ở phía dưới tương ứng với cõi âm – đất với hình con ngựa, con chim là những hình tượng biểu trưng cho cuộc sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất như quan niệm về vũ trụ của dân gian.   Người Tày sống giản dị nhưng trân trọng người đã khuất. Họ tin thế giới linh hồn bên kia luôn phù trợ họ. Họ trân trọng làm lễ tiễn đưa hồn người đã khuất về thế giới bên kia. Mong muốn hạnh phúc nơi vĩnh hằng, có âm dương hòa hợp, nên phụ nữ Tày không chồng không con tức là chưa có hạnh phúc trong cuộc đời dương thế, về bên kia sẽ cũng cô đơn. Theo quan niệm người Tày, những phụ nữ này vẫn phải hóa kiếp trở về cõi nhân gian. Khi nào đầy đủ cuộc sống lứa đôi mới được lên trên thế giới vĩnh hằng đó. Đó là một quan niệm nhân bản, để con người không sống ích kỷ, le lỏi và chỉ nghĩ đến bản thân, nam nữ phải hòa đồng, chia sẽ trong cuộc sống thực tại và có trách nhiệm bảo tồn nòi giống. Kẻ cô đơn bị coi như là còn ích kỷ, không nghĩ đến sự phát triển nòi giống. Thế giới bên kia hạnh phúc, lứa đôi, không có người cô đơn, bất hạnh, không có ích kỷ. Nên ai muốn về được thế giới bên kia hạnh phúc, thì ngay từ khi còn sống phải cố gắng cho mình có hạnh phúc lứa đôi và có trách nhiệm bảo tồn nòi giống. Một quan niệm hết sức nhân bản. Một cách giúp con người phải đi tìm và xây dựng hạnh phúc để âm dương hòa hợp ngay từ dương gian.  
   Theo phong tục Tày hầu như các màu sắc chỉ được dùng trong hoa văn mặt chăn hay các tấm thổ cẩm chứ không được dùng trên trang phục. Người Tày mặc giống nhau như mặc đồng phục mang một ý nghĩa nhân bản. Các dân tộc khác cũng có trang phục riêng để nhận nhau. Thời trước không có căn cước, giấy tờ, con người hòa đồng cùng thiên nhiên, đi giữa rừng có thể lạc hoặc xảy ra tai nạn. Nếu ai đó tình cờ trông thấy chỉ cần qua sắc phục là họ biết dân tộc nào, thì họ giúp đưa về bản đó, hoặc gọi ra đón về. Đó là hình thức nhận ra nhau và phân biệt với dân tộc xung quanh. Dù đi đâu, người cùng dân tộc cũng nhận ra đồng hương qua trang phục. Trang phục Tày giản dị nhất so với các trang phục dân tộc khác, không màu mè, để không phân biệt nghèo giầu. Khi đến ngày lễ hội vui của bản, người nghèo không mặc cảm vì quần áo, hay phải lủi trốn không dám đến. Họ sẽ không bị coi thường vì trang phục. Khi đi ra đồng, hay tiếp khách đều tiện, không cầu kỳ phải thay trang phục, không phải bận tâm vì không có quần áo sang mới dám đón khách. Khách chủ như nhau. Quần áo không đánh giá con người. Tình người mới quan trọng. Thường ngày lễ họ chỉ cần chọn bộ mới nhất đem ra mặc. Không ai bị chê cười vì không mặc đúng kiểu, đúng thời trang. Không ai phải lựa chọn bạn đời qua mác hiệu quần áo. Sự đơn điệu trong trang phục còn thể hiện nếp sống kỷ luật của dân tộc Tày. Tất cả như nhau, khi giúp đỡ nhau, có thể mượn trang phục của nhau mà không ai biết nghèo phải mượn … Người Tày vì lý do gì phải đi xa bản lập nghiệp khi trở về quê hương không ngại bị đánh giá sự thành công nếu vẫn mặc quần áo sắc tộc đến chào bà con.  
   Có người cho rằng mặc thế trông nghèo nàn. Mỗi sắc tộc quan niệm sống khác biệt. Chính sự đơn giản có thể là nguyên nhân dân tộc Tày phát triển và giữ vững được cộng đồng của mình. Dân tộc Tày chiếm 20% tổng số dân tộc thiểu số (gồm 53 dân tộc trên 500 người, không tính người Kinh, vậy người Tày có khoảng 1,6 triệu người, sống rải từng khu ở vùng núi Miền Bắc : Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang. Dân tộc Tày chiến 1,89% dân số người Việt nam, đứng thứ 2 sau người Kinh. Dân tộc Tày phát triển mạnh dù địa lý hiểm trở, núi cao. Dân tộc Thái cũng dân tộc Tày có nguồn gốc chung ngôn ngữ cổ, văn hóa có những nét tương đồng, nhưng trang phục Thái rất đa sắc. Có thể người Tày gốc chung một nguồn, nhưng do ban đầu nghèo hơn, với lòng tự trọng cao, tự lập nên đã tách ra và tạo nên dân tộc mang sắc thái riêng. Có thể tổ tiên ban đầu đi lập nghiệp nghèo, đã hiểu được cái tầm quan trọng của trang phục đối với sự đoàn kết anh em họ hàng, nên các trưởng tộc trong bản đã quyết định đơn giản hóa trang phục, trong mọi sinh hoạt. Hơn nữa kỹ thuật nhuộm màu ban đầu không thể nhiều màu như ngày nay. Màu chàm là màu thông dụng. Việc đơn giản hóa trang phục giúp người phụ nữ nhiều thời gian chăm lo giáo dục con cái và đồng áng hơn là suốt ngày phải lo trang phục đẹp để khoe với mọi người. Trang phục đồng bộ đơn giản giúp con người xích lại dễ dàng hơn, đồng cảm và tính đồng hương cao. Thời trước, ngay vua chúa Việt Nam cũng nghèo, trang phục đơn giản. Sự giản đơn của trang phục dân tộc Tày đã tạo nên sự liên kết giữa con người, mang ý nghĩa nhân bản trong sự tương trợ giúp đỡ nhau khi xã hội kinh tế chưa phát triển, còn du canh du cư trên miền núi phía Bắc lạnh lẽo và đầy thú dữ.   Rất tiếc ngày nay các bản người Tày đã bị Kinh hóa nhiều, các cô gái Tày mặc quần bò, váy đầm ngắn. Tất nhiên trong sự hội nhập với cả nước, và để phù hợp với công nghiệp hiện đại, họ không biết rằng họ sẽ đang rơi vào xu hướng mất bản sắc dân tộc. Khách du lịch đên Bắc Cạn hay đi Tuyên Quang, Hà Giang … ngắm hồ ba bể hay miền núi hoang sơ không phải để ngắm những nam nữ dân tộc mặc quần bò, áo thun, và nghe hát rapt, và xem những ngôi nhà xi măng, nhà lầu, xe hơi… họ thèm khát sự thay đổi không khí trong lành chưa bị ô nhiễm vì công nghiệp, với những con ngựa thồ trên núi, với những tiếng khèn gọi bạn, với những trang phục dân tộc và những nhà sàn lạ mắt… Đó là một nguồn thu nhập du lịch đáng kể, nếu như biết tổ chức và khai thác. Không phải chỉ riêng ở Pháp ngay giữa thành phố bên bờ biển đầy khách du lịch người ta thích đến uống cà phê dưới mái gianh… Trong khi đó chúng ta đang có sẵn lại phá đi để xây mấy cái nhà lợp tôn nóng bức.
Nhà sàn người Tày
   Bar “chaumière” (QuánGianh) ngay bên bờ biển sát vách núi ở vùng Saint Lunaire, một vùng biển phía Tây Bắc nước Pháp, nơi có rất nhiều người đã từng có mặt ở Đông Dương. Trong khi nỗi nhớ Đông Dương cho họ một ý tưởng lợp nhà bằng gianh, và đặt tên Quán “Gianh”, chúng ta lại phá đi để xây quán nhà tôn làm hỏng cả quần thể của núi rừng phía Bắc. Tại sao chúng ta không nghiên cứu sử dụng kỹ thuật hiện đại kết hợp dùng nóc nhà gianh, xây kiểu nhà sàn, vẫn bền và giữ bản sắc dân tộc và thu hút được khách du lịch?
   Nếu qua Paris chúng ta có thể gặp nhiều người phụ nữ Ấn độ vẫn khoác cái khăn, áo xà rông của họ ngoài phố, phụ nữ châu Phi mặc áo màu rực rỡ giữa thành phố văn minh đầy kiêu hãnh, ở Việt Nam chúng ta ít khi gặp người thiểu số mặc trang phục dân tộc đi ngoài thành phố lớn. Phải chăng họ bị mặc cảm vì sự xa lạ giữa quần thể người Kinh đông đúc? Người Việt vốn hay tò mò nhìn họ, xem là dân trên núi xuống. Họ chỉ thay trang phục khi có yêu cầu buổi dạ hội, và có xe đến đón đi biểu diễn, hoặc đến nơi mới thay, họ không mặc trang phục ra đường. Ngày nay nhiều người mặc áo chũi, vải thô mát, kiểu dân tộc ở thành phố đã tạo ra một cái nhìn quen thuộc. Nhưng những tấm áo dài phụ nữ dân tộc hầu như không thấy xuất hiện ngoài đường. Tất nhiên do điều kiện giao thông, trang phục phụ nữ dân tộc không thể chen lấn ô tô buýt hay tàu xe, nhưng tại sao họ lại bắt chước trang phục phụ nữ phương Tây mặc váy ngắn dài đi làm bằng xe máy, xe đạp được, nhưng lại ngại mặc quần áo dân tộc của chính họ? Sự quen mắt và lạ đẹp sẽ trở thành mốt. Phụ nữ Kinh giờ đây sành điệu cũng sử dụng vòng bạc khuyên bạc kiểu dân tộc, khoác túi thổ cẩm đa sắc, trông vừa hiện đại vừa dân tộc tính khi đi chơi. Chúng ta biết mang trang phục thổ cẩm ra giới thiệu với người phương Tây, nhưng lại ngại giới thiệu với dân cả nước cùng đồng bào mình. Phải chăng người Kinh chỉ trọng Tây mà coi thường người dân tộc? Thế nhưng khi ra nước ngoài thì người Kinh lại mang túi, khăn, áo, quần thổ cẩm làm quà cho bạn Tây. Người dân tộc đang nắm trong tay cái bảo vật quý, quốc hồn quốc túy mà họ không biết trân trọng.
   Dân tộc Bách Việt vốn đa màu sắc, tại sao chúng ta không khuyến khích mọi người mặc áo dân tộc ngoài phố để giúp phát triển kinh tế các vùng dân tộc và giữ bản sắc phong phú các dân tộc mà lại đi nhập cảng tràn lan những áo rẻ tiền bắt chước dân tộc thiểu số và nhuộm rổm bằng hóa Trung Quốc sản xuất. Ngày hội vui, tại sao mọi người cứ phải thích hóa trang kiểu Tây không hóa trang làm 54 dân tộc, vừa lôi kéo khách du lịch vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Cái gì ban đầu lạ, nhưng dùng nhiều thành quen mắt và trở thành quốc túy. Phở, nem Việt Nam được thế giới biết đến như thịt bò Kobe, Pizza, Mac đô, được biết đến ở Việt Nam hiện nay. Chữ “nõn, nường” trở thành thông dụng trong ngôn ngữ người Kinh. Vậy để phát huy và giữ bản sắc dân tộc, phải chính bản thân người dân tộc phải nỗ lực và tự hào cái mình hiện có, đem nó từ cái không phổ biến của dân tộc ít người trở thành cái phổ biến, như vòng bạc, áo khăn thổ cẩm và các món ăn đặc sản của núi rừng. Trong khi trang phục của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam tuyệt diệu ít được khai thác, thì quần áo trang phục Tây thì được bày bán nhan nhản và toàn sản xuất từ Trung Quốc. Tiếng Việt phong phú, nhưng các chương trình giải trí trên vô tuyến lại dùng tiếng Anh dân dã xen vào như“yes” rồi vỗ tay vào nhau đánh chát, chưa kể người dẫn chương trình (gọi là M.C) còn phát âm chưa chuẩn ngoai ngữ, đôi khi gây nực cười như “ Việt Nam ai đần (idol)…

   Người Việt hầu như ai cũng giữ tục lệ thờ cúng tổ tiên. Hồn các cụ về tưởng bị lạc đường, nhầm nhà vì ngôn ngữ loạn tiếng Anh nhiều. Người ta thi nhau dịch trinh thám, chuyện rùng rợn ở phương Tây, trong khi các dân tộc ít người có nhiều chuyện truyền khẩu ly kỳ hấp dẫn không kém. Dương Thuấn nhà văn dân tộc Tày, đã chịu khó sưu tầm ghi chép lại thơ, truyện truyền khẩu, cùng phong tục của dân tộc mình giới thiệu ra cho cả nước và thế giới biết. Lê Anh Hoài “quái gở” người Kinh đi ngược xu hướng thức thời của thiên hạ bằng đem thơ mình nhờ dịch ra tiếng thiểu số. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn, nổi tiếng nhờ chất ly kỳ rùng rợn của rừng tác giả tích lũy được sau nhiều năm chung sống với đồng bào thiểu số. Trong đại đa số người cầm bút đương thời muốn sách được dịch tiếng Anh tiếng Pháp để nổi tiếng, Lê Anh Hoài lặn lội nhờ dịch thơ mình ra tiếng Kmer, Lô Lô, K’Ho, Nôm để góp phần nhỏ bé vào việc gìn giữ bản sắc ngôn ngữ dân tộc và hòa nhập dân tộc. Tác giả chọn những tựa đề đầy tính dân tộc chứ không phải như vài nhà văn nhà thơ gốc dân tộc nhưng không nói được tiếng dân tộc và lấy tiếng Anh làm tựa đề cho tác phẩm của mình…Tựa cuốn sách “Mành mành mành” gợi cảm giác những mành trúc đung đưa leng keng trước gió đầy tính dân tộc thay vì tấm rèm cửa (ri đô) mỏng bay phất phơ kiểu phương Tây. Đó là khát vọng của một số người cầm bút tâm huyết với văn hóa ngôn ngữ dân tộc, yêu thiên nhiên muôn màu và hòa hợp các dân tộc.
    Sự tồn tại của bản sắc riêng của hồn dân tộc đánh dấu sự hiện diện của nó. Hương hoa hồng khác hoa nhài, hoa cúc, hoa lan. Hoa bưởi, hoa chanh, hoa thiên lý có cái đẹp cái thơm riêng nồng ngát. Thiên nhiên đẹp vì đa màu sắc, đa hương. Hoa nào cũng thơm, cũng đẹp, cũng mang tính nhân bản và hữu ích riêng nếu ta biết nâng niu, trân trọng nó. Sự lai căng cũng tạo sắc thái riêng, nhưng sẽ giết dần bản sắc dân tộc. Tất cả mọi xu hướng đều quý, nhưng bản sắc dân tộc cần giữ như bảy nốt nhạc cơ bản làm nên bản nhạc giao hưởng hùng tráng hay thiết tha nhờ người soạn giả xuất chúng và cũng chỉ mấy màu cơ bản hòa quyện thành những bức tranh đẹp dưới tay người họa sỹ tài ba.
   Phải xuất phát từ cái cơ bản, cái gốc mới tạo nên cái mới tuyệt đẹp hấp dẫn. Có rễ sâu cây cổ thụ mới sống lâu và vươn cao kiêu hãnh giữa bầu trời.

Paris 26/05/2013
Trần Thu Dung
Nguồn ảnh và bài tại Trang web của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
2 comments

BÁNH BÈO CHUỒNG HEO

BÁNH BÈO CHUỒNG HEO
Nguồn ảnh: Facebook Quy Nhon Land
Sau một hồi luồn lách qua nhiều ngõ hẻm tính từ con đường Nguyễn Thị Minh Khai, chúng tôi mới đến trước cửa một cái quán ẩm thấp nhưng chật cứng người. Đó là quán bánh bèo mà người dân thành phố Quy Nhơn quen gọi là “bánh xèo chuồng heo”. Có lẽ vì kiếm trúc vô cùng độc đáo của quán. Quán nhìn y hệt một cái chuồng heo thứ thiệt. Chỉ không có mùi hôi hám nữa thôi. Vào đây, chúng ta tưởng tượng như đang ở trong một cái chuồng heo đã lâu không nuôi heo nữa mà đang… nuôi người.
Gian nhà thấp bé, ai bước vào cũng cúi lom khom tìm chỗ ngồi, nhà tranh vách đất khiến cho chẳng ai nghĩ mình đang ở giữa lòng phố thị dưới cái nóng miền Trung oi ả. Chủ quán là đôi vợ chồng rất già. Nhìn họ tương trợ lẫn nhau mà lòng tôi thấy đáng để bỏ thời gian vừa ăn và vừa ngắm những ánh mắt hạnh phúc mà họ gừi trao. Hôm ấy tôi ăn ba đĩa bánh bèo. Bánh to và ngon quá chừng. Cái lưỡi tôi đắm chìm trong sự mơn trớn của vị chua cay mặn ngọt nước chấm, Hàm răng tôi vị tha đến mức tột cùng khi cắn vỡ miếng bánh bèo đầu tiên. Nhẹ nhàng tôi thưởng thức nét ẩm thực xứ Nẫu. Tôi dần quên đi cái cảm giác “gớm ghiếc” khi bước vào quán. Chỉ còn cảm giác no nê thỏa mãn ngự trị đầu óc tôi.
Nguồn ảnh: Facebook Quy Nhon Land


Xứ Nẫu có những thứ hay lắm. Hay đến mức mỗi khi nhớ về lại thấy nẫu hết cả ruột gan. Bốn năm ở Quy Nhơn nhưng tôi chỉ đến đây được một lần vì lý do tôi bị lạc quán miết thôi. Phải có người quen đường dẫn đến mới được. Hôm nay nhớ món bánh bèo. Viết vài dòng nhớ quán bánh bèo chuồng heo.
Buôn Ma Thuột, 12/7/2013
Tây Nguyên Xanh
8 comments

TIẾNG GỌI CHIỀU


Một lúc nào đó bạn đến với vùng nông thôn ở tỉnh Dak lak. Chiều chiều văng vẳng tiếng hừ hét, hờ hớ từ phía những rẫy cà phê. Đừng sợ. Đó là tiếng những thanh niên đồng bào Ê Đê dọa nạt chim muông thú vật có trong rẫy cà phê để cho nó chạy trốn. Chúng sợ hãi sẽ chạy toán loạn, các thành niên này sẽ cùng nhau bắt thú.
Loài thú dễ bị kinh động bởi tiếng hét nhất là thỏ rừng. Các thanh niên Ê Đê sẽ đi theo tốp khoảng bốn đến năm người. Phân tán vào bốn góc của rẫy cà phê. Họ cùng nhau đi từng hàng cây cà phê và hét lên những tiếng như hú, hơ, ơ ngân dài hoặc hậy, huây những âm như băm nhát vào vẻ trầm mặc của nương rẫy. Cứ thế họ dồn từ tứ phía. Loài thỏ rừng sợ hãi nên phi nước đại. Lúc này họ co cụm lại và cùng nhau đuổi nó về hướng có bẫy, hoặc họ tự tay chụp lấy thỏ. Cũng có khi là họ dùng súng (ná) cao su bắn thỏ.
Cứ mỗi chiều về, lâu quá không nghe tiếng hừ hét ấy cũng làm cho tôi nhớ. Nhớ những âm thanh mang hơi thở của đại ngàn. Những âm thanh ấy tôi đặt tên là những tiếng gọi chiều. Những âm thanh của miền sơn cước quê tôi.
Buôn Ma Thuột, 12/7/2013
Tây Nguyên Xanh

4 comments

Thursday, July 11, 2013

TRƯỚC NGÀY LÀM SINH VIÊN - Kỳ 2: HUẾ VÀ EM

TRƯỚC NGÀY LÀM SINH VIÊN (Hồi ký, kỷ niệm 5 năm ngày thi đại học)
Kỳ 2: HUẾ VÀ EM
tác giả ảnh: Võ Triều Hải
Vậy là mình cũng thi xong khối A rồi. Dù thế nào thì cũng phải chia tay Bình Định để đến với xứ Huế - một nơi xuất hiện nhiều trong các ẩn phẩm thi ca ở trường phổ thông. Ước mơ của mình sẽ thành hay bại đều trên đất ấy. Ôi xứ kinh kỳ mông mơ của ta ơi!
Mười hai giờ trưa 5/7/2008 đón xe tại ngã ba Diêu Trì, xe chạy mãi đến khoảng tám giờ tối thì đến đường tránh phố Huế. Hai cha con đi xe ôm về phường Đúc, xin tá túc trong gia đình của một nghệ nhân đúc đồng. Ba mình là học trò của nghệ nhân này. Mình có đêm đầu tiên với Huế.
Sáng ra, trời Huế trong xanh. Cái nóng nồng dần dần ngự trị một khoảng không vô tận. Một mình bước ra bờ sông Hương, khỏa tay vào dòng nước, úp mặt đón nhận những giọt nước mát rượi. Giá mà nước có thể gột rửa nỗi sợ hãi đang hiện hữu trong mình lúc này. Mình sẽ ra sao? Sẽ là niềm tự hào cho cả dòng tộc hay là người gây ra điều tiếng cho cha mẹ. Rằng thì: “con nhà ấy, mười hai năm học sinh tiên tiến mà cũng rớt đại học. Chứng tỏ ngày xưa đi học là mua chuộc thầy cô chứ có tài cán gì đâu”. Thầy cô vẫn bảo rằng “ Đậu đại học là đến với thiên đường, rớt đại học là đi tìm đến địa ngục. Em chọn đi!”. Xin tổ chức kỷ niệm cái gọi là sinh nhật. Ba Má nói rằng đậu đại học rồi Ba Má tổ chức một lễ to đùng cho con vừa ý.
 Niềm khao khát có đứa con đỗ đại học thể hiện trong từng câu nói của Ba Má. Có những bữa ăn, nghe Má kể con nhà nọ nhà kia học đại học được cái này rồi được cái kia. Nghe sao mà thích thế. Mình ước ao đậu đại học đến thế. Ước ao bao nhiêu thì sợ hãi bấy nhiêu. Sợ mất niềm tin yêu của Ba Má. Sợ cuộc sống khó khăn nếu thi rớt. Nghe người ta nói muốn có việc làm thì bắt buộc phải đỗ đại học. Nỗi sợ hãi cứ thế được bao phủ bởi vẻ mặt tịnh không. Cứ thế học, cứ thế ôn, cứ thế đạp xe ngược dốc ngược gió., lăn lội gần mười cây số để tầm sư học đạo. Mình không muốn mọi công sức đều đổ xuống sông xuống biển. Nhưng thôi, đi ăn sáng đã. Nghĩ làm gì cho mệt.
Lửng thửng bước ra con Bùi Thị Xuân, ngó nghiêng nhìn phố xá. Có chị bán hàng nói tiếng Huế ngòn ngọt :
      - Vô ăn bánh em nì. Bánh sáng ni ngon dữ tợn em nờ.
      - Sáng ni em muốn ăn bánh canh Huế chị nờ. Chỗ chị có bán khoông?
      - Bên tê có bán em tề.
      - Dạ, em cảm ơn chị dziều (nhiều) nghe.
Lại bước qua đường, con đường Bùi Thị Xuân buổi sáng thật yên tĩnh. Lâu lâu mới có một chiếc xe với âm thanh nhẹ nhàng lướt qua. Ngồi ăn bánh canh và im lặng nghe thổ âm xứ Huế. Nghe cái cách luyến láy, cách sử dụng từ ngữ. Hay thiệt. Người xứ lạ  có thể nói sành sỏi giọng Huế nhưng họ không thể là người Huế vì cách sử dụng từ ngữ để cấu thành câu mỗi địa phương nó khác nhau. Bắt chước được ngữ âm nhưng khó bắt chước cách dùng từ lắm.
Ở phường Đúc đến chiều ngày 7/7/2008 thì chuyển đến khu trọ gần địa điểm thi tại trường Cao Đẳng Nghề Du Lịch. Hai cha con đang dò hỏi nơi thuê trọ. Bỗng có một chị gái đến bảo vô nhà chị ấy ở miễn phí. Năm nào Ba Mạ chị ấy cũng làm công quả cho thí sinh thi đại học. Sợ bị lừa nhưng nghe mấy anh chị sinh viên tình nguyện nói thế nên tin. Nhìn sang bên cạnh có anh bạn người Quảng Ngãi cũng đang bơ vơ nên rủ bạn ấy vào ở chúng với hai cha con luôn.
Sáng ngày 8/7/2008, men theo bờ sông Như Ý, ăn bánh canh, hưởng chút hương đồng gió nội bên lũy tre làng. Thành phố mà cũng có nơi dân dã thế. Sáng hôm đó đi làm thủ tục.
Sáng ngày 9/7/2008. Ba cầm máy tính, giấy tờ và bỏ vào túi áo của Ba. Mình tay không long nhong trên đường. Đến gần phòng thi thì lấy máy tính, hai cây bút bi, hai cây bút chì và một cục gôm đem vào. Rồi thì bắt đầu “quyết tử cho tương lai quyết sinh”. Trời ơi, mình bị 4 cái quạt nó tra tấn. Mình không ngồi quạt lâu được. Xưa giờ nóng đến mấy cũng để vả mồ hôi chứ dùng quạt khó chịu lắm. Đang ngủ mà hơi thở phà vào da tay cũng không chịu được. Phải kiếm tấm vải lót lên da tay. Gió trời thì mình chịu được chứ gió quạt thì thôi. Xin kiếu. Ngồi thi không ớn gì, chỉ ớn bốn cái quạt. Thế rồi cũng đến giờ thu bài.
Ở ngoài cổng, nghe tiếng chuông báo hiệu hết giờ thì Ba bảo cô bán nước làm sẵn một ly chanh muối (món khoái khẩu của con gái rượu mà). Ba bắt đầu run run khi thấy có mấy đứa chạy ra úp mặt vào lòng bố mẹ khóc. Nhìn mãi mới thấy con gái cưng lửng thửng bước ra. Mặt lạnh tanh như lúc vào phòng thi. Ba hỏi có làm được không? Mình chép miệng bảo học bao nhiêu thi thi bấy nhiêu. Chờ kết quả chứ Ba lo gì. Ba bảo không mang đề ra mà soát đáp án à. Mình bảo khi đi mang cái gì thì khi về mang đúng những thứ ấy. Phải như chưa hề có việc đi thi chứ. Hơi đâu mà níu kéo quá khứ hả Ba. Đi ăn cơm Ba ơi. Chiều chiến đấu môn khác.
Cứ như thế mình bước qua môn thi cuối cùng vào sáng ngày 10/7/2008. Bước ra khỏi cổng địa điểm thi. Thấy Ba khoe rằng Ba mua vé tàu vài Sài Gòn để cho con thi cao đẳng rồi. Mình bảo bài làm như thế thì có rớt trường này cũng “dư xăng” xét nguyện vọng ở trường khác. Không thi thố gì nữa. Thi cao đẳng làm gì cho hại đời mấy đứa. Thế là quyết định đi trả vé tàu. May sao có vị phụ huynh nghe lóm cha con nói chuyện nên ngỏ ý mua lại vé. Bán lại cho họ. Bớt mười nghìn cho hai bố con họ.
Trưa hôm đó chạy thẳng đến phường Đúc để chơi tiếp. Cái đầu của mình lúc nó như quả bom có sức nén cao nhưng ngòi nổ bị tịt vậy. Toàn thân không có bất kỳ cảm giác gì. Lúc đó ước gì mình ngất đi thì sướng hơn. Thế là quyết định vào chùa, lạy cho mồ hôi bật ra và vắt kiệt chút sức cuối cùng để mong mình ngất đi cho khỏe chứ cảm giác lúc đó khó chịu lắm. May sao mồ hôi vã ra thì người thấy khỏe hơn rất nhiều.
Chiều hôm đó hai cha con đạp xe vòng quanh phố Huế. Đi tham quan Đại Nội. Lúc mua vé. Nhìn mình nhỏ bé quá nên Ba lừa họ là trẻ em dưới 14 tuổi. Người bán vé tin mới đau não chứ. Kết quả vé của Ba là 35 000VNĐ còn vé của mình có 7 000VNĐ à. Vào cửa trót lọt rồi mình cười he he bảo có hai mươi tám nghìn uống nước mía rồi. Tham quan hết khắp nơi mọi chốn. Ra hai cha con quất ba cốc nước mía.  Tất nhiên mình uống hai cốc. Có sức để đạp xe đi chùa Thiên Mụ. Lúc về ghé quán cơm chay Bồ Đề ăn tối.
Chiều ngày hôm sau lên xe về Dak Lak. Chấm dứt một mùa thi cử.
----

Đón đọc kỳ tới: KHOẢNG TRỜI GIỮA VINH VÀ NHỤC
***
Bấm vào Kỳ 1: Em Gái Xuống Núi để xem phần trước
Buôn Ma Thuột, sáng 11/7/2013
Tây Nguyên Xanh
4 comments

Sunday, July 7, 2013

TÌNH CỜ

Tác giả ảnh: Mai Thị Thanh Hương (Hội VHNT TP HCM)
TÌNH CỜ
(Quý tặng những người xứ Nghệ đang lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh)
Giữa phố đất chật người đồng
Tình cờ gặp được đồng hương quê mình
Bên nhau như bóng với hình
Hỏi han xem bạn rời quê mình khi mô
Rứa là bạn cứ bi bô
Rằng do năm nớ lụt vô hiên nhà
Rứa là chào bố chào bà
Bạn tôi khăn gói nhận Sài Thành làm quê
Chỉ mong được sống thỏa thuê
Bớt nghèo bớt khổ bớt loanh quanh khuê phòng
Con Tạo sao cứ lòng vòng
Để tôi gặp bạn giữa khúc cong cuộc đời
Thôi thì ta cứ chơi bời
Đến răng hay rứa ắt có thời ta vui
*********************************
Sài Gòn, 7/7/2013
Tây Nguyên Xanh
4 comments