Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, July 20, 2013

TỐNG TIỄN TÌNH THÂM

TỐNG TIỄN TÌNH THÂM
(Riêng tặng lữ khách)

Tác giả ảnh: Shikhei Goh
Có ra đứng giữa trưa hè
Thì ta mới biết e dè cháy da
Có từng ở chốn phồn hoa
Mới thương phẩm giá soi qua đồng tiền
Làm sao biết được dữ - hiền
Để mà khôn khéo không phiền lòng nhau
Nếu ai có trước có sau
Thì người không để ta đau thế này
Người ơi sẽ có một ngày
Thế nhân sáng tỏ ai bày mưu mô
Rượu này ta uống cạn khô
Tiễn tình cập bến hư vô nhạt nhòa
Câu mong phương ấy thái hòa
 Không ai trở lại hóa thành người thân
Ước sao có một cái cân
Đong đo đếm được lượng phần thật tâm
Thôi thì ta cứ lặng câm
Để mà coi hết cái thâm ở đời
**********************************
Buôn Ma Thuột, 19/7/2013

Tây Nguyên Xanh
1 comment

ĐỘI LỐT

Tác giả ảnh: Dương Quốc Định
Trong làn khói mơn man của ấm trà thơm phức. Khay trầu têm cánh phượng như mời mọc kẻ đang buổi trà dư tửu hậu, Tiếng đàn Tranh hòa trấu với Sáo trúc lúc trầm lúc bổng nghe thật êm tai, làm cho người ta gợi nhớ đến một viễn cảnh xa xưa của người thượng cổ. Có hai kẻ bề ngoài y hệt nhau. Một kẻ là quân tử và một kẻ là ngụy quân tử.
Quân tử mới xách mé ngụy quân tử thế này:
- Đội cái lốt của kẻ khác có mệt mỏi lắm không chú?
- Bác cứ nói thế nào chứ em đội cái lốt của bác. Em làm được ối chuyện.
- Chú thử kể anh nghe xem nào
Ngụy quân tử sờ sờ vào cái cằm vì không có râu để mà vuốt, thủng thẳng kể lể:
- Quân tử nhà bác, nói năng ngang tàng. Khảng khái chỉ rõ thiệt hơn. Ai cũng tín nhiệm. Hớ hớ. Em cũng làm y hệt thế. Với bạn bè, em xổ ra một tràng những lời thô tục cười cợt nhưng lắm lúc em đăm chiêu trước mặt họ. Lâu lâu em thêm một vài câu thể hiện sự đau đáu đối với nhân tình thế thái. Với các đồng chí cùng cơ quan. Em huỵch toẹt những sai trái của họ trong cuộc họp. Đến lúc trà đình tửu điếm thì em vuốt ve “xin lỗi vì tính anh/em hơi nóng. Cứ thấy sai trái thì không chịu được. Nhưng mà được cái không để bụng bao giờ”. Cứ thế cứ thế tiếng nói của em có trọng lượng phết đấy anh quân tử ạ. Ngụy quân tử em đây cảm ơn anh khôn xiết.
- À ra thế. Không có ai nghi ngờ gì cái vẻ quân tử lởm bởm của chú em à?
- Có. Nhiều là đằng khác. Nhưng mỗi lúc như vậy. Em lại càng vuốt ve. Lại càng ngoa ngôn lộng ngữ, khí khái sôi sục, tưởng chừng như nhe răng mà thét lên rằng: “Quan hệ lâu năm như thế rồi chẳng lẽ các người không hiểu lòng của tôi sao? Thật đáng buồn. Tôi không cần thứ tình bạn đó”.
- Kết quả sao?
- Họ dao động. Họ cân nhắc. Và em cay cú nhất là họ lấy anh ra làm quả cân đối trọng với em. Em thuộc loại chẳng vừa. Lợi dụng lúc người ta quay mặt ra hướng khác. Em vơ thêm hòn đá kẹp vào mồm em nặng ký hơn quân tử nhà anh. Chí ít em cũng ngang hàng với anh trong vụ cân đo đong đếm ấy.
- Chú nghĩ thế nào về khái niệm liêm sĩ hả chú em?
- Ô hô. Liêm sĩ là khái niệm xa xỉ. Đừng chọc ngoáy em. Em biết thừa ý bác nói là gì. Em biết thừa thiên hạ bêu rếu ngụy quân tử chúng em là như thế nào. Nhưng em mặc hết. Quân tử bụng đói xác xơ. Làm ngụy quân tử vừa có tiền lại vừa được tung hô. Hố hố.
- Chú mày không ngại?
- Ngại thì đội lốt mà làm gì.
- Chú mày không sợ?
- Sợ lắm. Sợ cái ngày bị bóc cái vẻ hào nhoáng này lắm.
- Sao vẫn tiếp diễn?
- Để hạ cánh an toàn. Có bị bóc vỏ lúc da đồi mồi thì mượn tuổi già để mà được người ta kính.
- A ha! Hay thật. Cao kiến cao kiến. Quân tử ta đây nhìn ngươi thiên biến vạn biến cũng đủ hết thì giờ rồi. Hô hô. Tạm biệt!
Buôn Ma Thuột, 20/7/2013

Tây Nguyên Xanh
2 comments

Friday, July 19, 2013

CÁNH DIỀU MÙA MƯA


Bọn trẻ người Kinh chúng tôi, những đứa sinh ra và lớn lên trên đất Tây Nguyên. Chúng tôi mỗi đứa một giọng nói do gốc gác quê hương bố mẹ khác nhau. Nhưng lại chơi những trò chơi giống nhau. Ký ức mùa mưa Tây Nguyên của chúng tôi đó là gì? Đó là hình ảnh bố mẹ trộn phân Kali và Ure ngay giữa sân nhà rồi cùng nhau hốt lại đem ra lô để bón cho cà phê. Trong sách vở người ta gọi những mảnh đất có trồng cây cà phê ở Tây Nguyên là rẫy. Nhưng chúng tôi tất thảy đều gọi đó là những lô cà phê. Nghe đâu ngày xưa người ta phân đất theo lô nên bây giờ quen miệng nói “đi làm lô”, “ra lô hái cà”. Cái thuật ngữ “rẫy” nghe chẳng quen tí nào.
Bố mẹ đi bón phân về lại lúi húi đổ nước, xổ hết phận khỏi bao và treo bao lên như thế này.

Đến mùa thu hoạch bố mẹ sẽ dùng những cái bao này chứa những hạt cà phê vừa hái được. Còn bọn trẻ chúng tôi lại lấy mấy cái ruột bao nilon này làm diều

Chúng tôi khó được mua diều ở ngoài chợ lắm. Vì nó đắt. Thế là lụi cụi tự làm lấy. Con trai vẽ hình con diều rồi cắt. Con gái thì ngồi khâu các đường rãnh để có khe chưa thẻ tre cho diều cứng cáp. Kết quả nó được như thế này:

Bây giờ giang cánh nó ra, gắn thẻ tre, cột dây nữa là cho nó bay bay. Có hôm diều rơi ở nơi xa lắm. Vậy là đành để yên cho nó nằm đó vì sợ vướng dây điện cao thế.
Bọn trẻ chúng tôi lúc nào cũng mơ ước được đến quảng trường 10/3 ở Buôn Ma Thuột để mua diều đẹp và thả ở đó.
Ảnh: Andy Phan

Thế đấy ký ức của chúng tôi đấy
Buôn Ma Thuột, 19/7/2013
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, July 18, 2013

BIẾT ƠN MỘT LỜI NÓI DỐI

Truyện ngắn lấy cảm hứng từ tên bộ phim Lời Nói Dối Ngọt Ngào của truyền hình Trung Quốc
Có bao giờ bạn đón nhận một lời nói dối và kết quả bạn lại có tránh xa một lời nói dối khác chưa. Có bao giờ bạn nghĩ nếu mình ở trường hợp như vậy bạn sẽ như thế nào chưa? Có bao giờ bạn nghi ngờ kẻ nói dối vô hại và tán đồng với kẻ nói dối hữu hại chưa? Bạn sẽ đón nhận sự thật đó thế nào? Bạn sẽ làm gì để dung hòa giữa giận dữ và biết ơn? Bạn có tự tin là không tự thấy xấu hổ vì bản thân mình quá khờ khạo? Chuyện kể rằng:
Ảnh: Hòa Carol
    Có một cô nàng đang ở cái tuổi mười bảy mới lớn.. Cô có một vẻ đẹp của bông hoa rừng mới hé nụ, dần dần hương tỏa ngát theo thời gian. Dáng đi nhẹ nhàng và uyển chuyển của cô gái khiến cho gã thợ săn ở bìa rừng ngỡ rằng có cơn gió sượt nhẹ qua lừng hắn. Gã ngày ngày hành nghề bẫy thú bắn chim. Sáng nào gã cũng thấy Út Chi ngồi nhìn ra phía ngọn núi Lăng Sơn hùng vĩ. Cây cối um tùm mọc bao phủ ngọn núi tạo nên cánh rừng Lăng Sơn đầy huyền bí. Chim thú nhiều vô kể và huyền thoại liên quan đến rừng Lăng Sơn cũng nhiều vô kể. Ở vùng heo hút này vẫn tồn tại thầy cúng và người ta răm rắp nghe lời thầy cúng phán. Thầy cúng ở nơi khác tham lam nhưng lão thầy cúng ở xứ này hiền lành và tốt bụng lắm. Cúng tế xong, hắn đều ăn cỗ cùng gia chủ và bà con xóm núi. Lão không lấy cái gì làm của riêng bao giờ.
      Lại nói đến Út Chi, cô nàng có vẻ đẹp như thiên thần ấy. Cô mới lớn nên chưa hiểu cái sự đời có nhiều gian trá. Cô nghĩ ai cũng giống ai. Chỉ cần gặp gỡ nơi thanh thiên bạch nhật thì không sao hết thế nên cô gặp bất cứ ai mà cô cho rằng có thể. Gã thợ săn lớn tuổi, trải qua phong ba tình trường. Gã biết thừa một cô bé mới lớn khao khát gì và sợ hãi điều gì. Chỉ vài ba câu gã đã làm cô bé quý mến. Có một hôm gã rủ cô bé vào rừng nghe chim hót và xem hoa rừng trên núi. Út Chi vốn tính tò mò nên đồng ý ngay mà không hề đề phòng gì cả. Vừa đúng dịp lão thầy cúng đi kiếm củi về. Bỗng dưng lão ấy hét lớn:
       - Trên núi mới có người xứ lạ treo cổ, ai hợp nhân mạng với người chết thì kẻ đó sẽ bị bắt chết theo để bầu bạn.
       - “Hả, thật vậy hả ông? Ông có biết là người phương nào không ông?”. Út Chi mặt tái xanh, miệng lắp bắp hỏi lão.
     Lúc này lão mới được thể cao giọng:
       - Năm nay là năm sao hạn của cháu. Cháu hãy cẩn trọng. Mọi việc phải nhất nhất xin ý kiến bề trên. Không được tùy tiện giải quyết theo cảm tính. Hãy về nhà và thắp hương vái con ma giữ nhà không được cho vong lạ bước vô cửa nghe chưa? Cháu cũng không được bước ra khỏi cửa trong bốn mươi chin ngày tới. Con ma đói trên rừng kia có lẽ đang lởn vởn quanh xóm núi chúng ta rồi.
     Út Chi nói “dạ” một tiếng rồi vội vã vùng vẫy khỏi tay gã thợ săn để chạy về nhà thắp hương quỳ lạy. Cô quên cả lời chào với gã thợ săn. Út Chi xa khuất, Lão thầy cúng hối hả chạy về nhà. Chỉ còn lại gã thợ săn nơi bìa rừng. Gã thợ săn giận dữ, định buông tay đánh lão thầy cúng nhưng hắn sợ lỡ lão này có chuyện gì thì con Út Chi sẽ khai ngay rằng người cuối cùng lão thầy cúng gặp là gã. Thế là gã thợ săn kia chỉ nhổ một bãi nước bọt xuống đất rồi về.
     Còn Út Chi thì sợ hãi khôn xiết, không dám ra khỏi nhà vì sợ ma bắt. Đúng bốn mươi chin ngày sau cô mới cùng mẹ đi chợ. Lúc này cô mới mon men hỏi người cùng xóm xem có biết người chết trên núi đó là ai. Ai nghe cũng lấy làm lạ. Họ bảo làm gì có. Họ nói nếu có thì cả xóm đã cùng với lão thầy cúng đi chôn cất và cúng tế trừ tà rồi. Út Chi quá đỗi ngạc nhiên và có phần căm phẫn. Cô nghĩ mình bị lão thầy cúng lừa. Nếu không thì cô đã được ngắm hoa rừng trên đỉnh núi. Nơi mà cô luôn khao khát khám phá nhưng đi một mình thì sợ. Chỉ có đi với gã thợ săn mới không sợ bị thú rừng ăn thịt thôi.
Út Chi chạy thẳng đến nhà thầy cúng. Không còn cái vẻ nhẹ nhàng cố hữu nữa. Cô lúc này trông như một con rắn bị chọc tức. Lão vẫn điềm đạm ngồi nhìn ra cửa sổ. Lão biết vì sao Út Chi lại đến. Lão hỏi với giọng trầm lắng:
- Cháu đang trách ta hử?
- Vì sao? Vì sao? Sự lừa dối này là vì điều gì?
- Vì cháu! Ta nói là vì cháu đấy. Trẻ con, không biết gì thì ngồi xuống! Nghe người già hỏi chuyện!
Chưa bao giờ Út Chi thấy lão thầy cúng hét lên và quắc mắt như thế. Cứ như thể cô đã làm điều gì có lỗi với chính lão vậy. Giọng điệu của lão như người thẩm vấn Út Chi chứ không phải chính cô mới là người có quyền ấy. Út Chi bỗng run lên, cô ngồi bệt xuống sàn nhà. Lão thầy cúng lại hắng giọng:
- Cháu tin lời gã thợ săn kia phải không?
- Dạ…chỉ tin một ít thôi ạ
- Một ít? Một ít mà đã theo hắn lên núi à?
- Chỉ là cháu muốn đi xem hoa thôi.
- Cháu có biết bao nhiêu cô gái vào rừng xem hoa với hắn chưa?
- Cháu…cháu…..không biết ạ.
- Có biết kết cục của những cô gái vào rừng cùng hắn chưa?
- Dạ chưa ạ.
- Là sinh ra một nghĩa địa hài nhi ở phía đông Lăng Sơn đấy. Hắn hãm hiếp. Người ta có thai trong tủi nhục. Phá thai rồi chôn con trẻ ở nơi ấy đấy.
- Hả…..!?!
Út Chi miệng khô vì há hốc. Tay cô bụm miệng lại lại để che đi sự ngạc nhiên thể hiện rõ trên khuôn mặt. Cô lại thêm một lần sợ hãi. Sợ hãi trong sự biết ơn và xấu hổ. Cô xấu hổ vì mình quá khờ dại. Ai nói cũng tin. Cô đã tin hai người nói dối. Một kẻ nói dối để phá hoại đời con gái trinh nguyên của cô. Còn người kia…nói dối để cứu cô khỏi sự nguy hại đó. Những giọt nước mắt hối hận khẽ lăn dài làm nóng đôi gò má đang tái xanh. Cô khóc như xưa kia dỗi hờn vì mẹ không cho đi chơi cùng chúng bạn. Rồi nước mắt cũng vơi đi. Út Chi dần dần bình tĩnh. Cô tha thiết nói lời cảm ơn lão thầy cúng.
Út Chi đờ đẫn bước ra khỏi ngõ. Phía trước cô là cả một cuộc sống đầy khốc liệt. Cô còn khờ quá. Phải làm sao để khôn lên bây giờ. Cô rất sợ phải trả giá…
Buôn Ma Thuột, 18/7/2013
Tây Nguyên Xanh
No comments

ÔNG BÁN VÉ XE KHÁCH

Nguồn ảnh: Báo dân Trí
Nghe đâu trước đây ổng làm y tá trên trạm y tế của nông trường cà phê. Nhưng mà sau này khi mà người ta hễ hắt hơi sổ mũi là đòi nhảy vô Sài Gòn chữa thì một loạt cán bộ trạm xá bị giảm biên chế. Trong đó có ổng. Tánh ổng vui lắm, nói chuyện hài như bác Ba Phi ở Cà Mau vậy. Nghĩ gì nói nấy. Hỏng có để ý gì hết trơn. Có bữa tui vô bệnh xá thăm Má với lại em trai đang nẳm ở trỏng. Vợ ổng cũng đem cơm cho chồng ăn đêm trực ca. Tự nhiên tui nghe ổng nói thiệt lớn:

- Mới cho con bú xong hả?

Mấy người trong phòng ai cũng dòm ra. Coi bộ hình như bác gái hỏng có mang “đồ nịt vú”. Tui đoán vậy mà trúng chóc luôn vậy à. Đỏ mặt với ổng luôn mà. Ổng vẫn tỉnh bơ như hồi chưa nói vậy đó. Chuyện đó xảy ra lâu lắm rồi. Hồi tui còn bé xíu như hạt mè lép à. Bữa nay ổng ở nhà buôn bán lặt vặt, vá mấy cái săm xe, bơm mấy cái bánh cho tụi nhỏ chút chút đi học ngang đường. Nhưng mà thu nhập chính của ổng là nhờ mở đại lý bán vé xe khách cho bà con lối xóm. Nhân viên hai bến xa khách phía Bắc và phía Nam về làm hợp đồng đàng hoàng luôn. Ổng thân với Tía Má tui lắm vì cùng quê xứ Nghệ. Cùng xóm cùng xã cùng huyện ở ngoải với Tía tui nữa mới ghê chớ. Bữa hổm tui có chuyện phải đi Sài Gòn. Ra nhờ ổng đón xe. Chu cha, nghề của ổng mà. Ổng cũng giống như “cò” gửi khách cho nhà xe vậy á. Chờ riết chưa thấy xe. Mấy bà con xúm lại nói chuyện tào lao xì bộp. Tự nhiên ổng có hứng kể chuyện xin việc cho con gái ổng hồi xưa.

Ổng nói vầy chớ, Hồi đó, cái hồi mà mới tách Dak Nông ra khỏi Dak Lak đó. Tụi Dak Lak ế việc cái là lo làm đơn “tình nguyện” sang tỉnh mới công tác liền à. Tỉnh mới mà, nói như mấy ông cán bộ là cần rất nhiều nhân tài để xây dựng một tỉnh Dak Nông vững mạnh. Ớn quá. Cần người có kèm theo ba chục triệu bỏ trong hồ sơ thì có. Ừm! Hồi đó đó. Ba chục triệu Việt kim cho một suất giáo viên là giá mềm lắm rồi. Con gái ổng mới ra khỏi trường đại học sư phạm cái là ổng gom hết của nả trong nhà. Sắn sàng chun hai cái bìa Đỏ vô ngân hàng để vay tiền xin việc cho con gái. Tự nhiên ở đâu chui ra cái thằng trai tơ yêu con gái ổng. Ổng nói vầy chớ tao hổng biết nó yêu con gái tao kiểu gì mà nó nói tao đưa bốn chục triệu thì nó lo cho con gái tao tới bến luôn Dak Nông luôn. Ổng nói như kiểu người mới bị cháy nhà vầy chớ cho Cò ăn mười triệu để nó có tiền trà đá xin việc cho em nó rồi. Giờ mà rút lại hong có được. Mất mười triệu bên đó giờ thêm bốn chục bên con nữa thì chú chịu sao thấu con? Ba chục thôi con à. Nếu hong chịu thì chú chờ bển hồi đáp thôi. Chú cảm ơn con nghe. Thằng kia sợ mất ăn. Vội bớt cho ổng triệu rồi chốt giá là ba lắm triệu nghe. Ổng làm bộ suy tư một chút rồi cũng ừ cái rụp. Vậy là con gái ổng có việc. Nhưng mà cổ ra đường, đi vấp phải hòn đá té vào lồng ngực một cậu ấm nhà mặt đường gần trường cổ dạy. Vậy là ổng có rể, giờ làm ông ngoại con người ta. Mệt dữ heng? Tui trêu ổng vậy. Ổng nói ờ, làm “ông” của con người ta đâu có dễ, hết sảy luôn vậy à.

Đương thủng thẳng nói chuyện, tự nhiên có cái xe chạy tới. Bà lơ  ào ào tuôn ra mấy lời chào đón khách. Vậy là tui lên xe. Vậy là hết chuyện. Tui dốt vẽ tranh lắm. Nhưng mà cũng muốn ký họa ai đó cho bà con coi. Nên thử ký họa bằng chữ xem sao. Bà con đọc rồi cho ý kiến ngeng.
Buôn Ma Thuột, 18/7/2013

Tây Nguyên Xanh
1 comment

Tuesday, July 16, 2013

CÁI SỰ YÊU CỦA EM

Nguồn ảnh: Internet
   Mấy hôm nay trời mưa quá sá. Em chẳng đi đâu được vì cái sự trơn của đường đi. Đang nẫu cả ruột thì bỗng nghe cái giọng ông ổng “Lí Lắc ơi, mày đang làm cái mốc gì thế?” Em phởn ứ chịu nổi. Bụng thầm nghĩ có kẻ buôn dưa lê bán dưa chuột với mình rồi đây. Em chộp lấy cây dù, lon ton chạy ra cổng xem cái thằng xấu số nào sẽ bị em bắt cóc. Ối, thì ra là thằng anh Thỏ Đế. Gọi hắn là Thỏ Đế vì hắn nhát gái thôi rồi. Ngày xưa ai mà trêu hắn với chị gái xinh đẹp nào là gò má hắn đỏ như mặt mới mọc. Em thuộc lực lượng “con gái bất trị” cho nên chỉ trêu hắn với mấy em mồm hô miệng sún thôi. Kết quả là bị hắn đánh bồm bộp. Đánh mãi cũng thành anh em he he.
Thằng anh Thỏ Đế bước vào nhà với bản mặt bơ bơ như ma-đơ-canh ở cửa hàng quần áo. Em hỏi ngay “bị bồ đá à?” Hắn bảo có bồ để bị đá thì đã không bị mẹ hối cưới vợ đến mức sợ về nhà. Hố hố. Thế rồi hắn nhờ em tư vấn cái vụ sở thích của con gái. Nói thẳng ra là dạo này hắn muốn lăm le bờ cõi khuê phòng của một cô gái. Nghe bảo cô nàng dáng xinh xinh, mi cong, mắt bồ câu, nói ra câu nào câu ấy hớp hồn cả một rừng con trai. Hắn muốn tán em ấy, muốn chiếm được em ấy. Và hơn hết hắn muốn dàn xếp ổn thỏa vụ cưới vợ cho Tía Má vui lòng.
Em thở dài đánh thượt kêu ca còn to mồm hơn hắn. Rằng thì là em đang nhìn bầu trời tình yêu với gam màu cà phê sữa. Đen không đen. Trắng không trắng, nó cứ lởm lởm. Chẳng bù cho cái ngày đầu quen anh ấy. Lúc đó cầm tay anh em cảm thấy như điện giật. Mắt em long lanh, môi em run run chờ đợi cái gì đó nồng nàn khao khát. Mà ngày ấy em lãng mạn quá cơ. Em học dốt văn nhưng nhớ mãi chi tiết đêm trăng sau vườn chuối của anh Chí và chị Nở.
Anh chàng người yêu cũ của em thuộc dạng khôn róc đời. Hắn biết thừa lũ con vịt chúng em thích cái gì đó mơn man. Hắn tán em bằng những câu như thế này: “Anh cảm thấy em là bến đỗ của đời anh. Em là bãi cỏ xanh cho con bò như anh no nê mãi. Xin em đừng bắt anh phải một phút xa em”. Hắn bảo hắn thích nghe những bản nhạc đồng quê nhẹ nhàng sâu lắng. Nào có phải đâu. Ngày chia tay em thấy hắn nhảy nhót như những tín đồ nhạc Rock. Hắn luôn mồm nghêu ngao những câu kiểu như anh chàng Đinh Mạnh Ninh hay hát rằng “em đẹp không cần son phấn….”. Hắn còn bồi thêm lời nói như này: “ anh đến với em vì cái vẻ giản dị có trong em”. Nói láo tuốt. Hôm qua em thấy hắn đi với con nào mắt xanh mỏ đỏ, quần dài ngang háng, cái áo thì trông như cái giá đỡ cặp ngực. Cười toe toét với nhau. Em phỏng đoán chắc là người yêu mới của hắn. Mà đừng vội bảo em chua chát với em. Ngữ con gái mới chia tay người yêu như em ấy mà. Miêu tả tình địch không thể thiện chí hơn được đâu. Hố hố. Chưa bày mưu tính kế phá đám là may lắm rồi.
Ông anh Thỏ Đế nghe xong, hắn thều thào bảo mày ơi hiến kế cho anh chứ đừng kể lể chuyện này chuyện nọ. Anh bây giờ chỉ muốn và rất muốn ở tù chung thân với với nàng ấy cô mày ạ. Em nghiến răng đánh mặt ra chỗ khác, bụng em chửi “thằng anh ngu thế. Dại gì em bày mưu để em mất anh hử” hố hố…
Thành phố Buồn Muôn Thuở, 15/7/2013
Trần Thị Lí Lắc
7 comments

Monday, July 15, 2013

RONG MUỒNG

     Đố các con nghiện cà phê là mùa này nông dân trồng cà ở Tây Nguyên đang làm gì? Em không biết cái hành động đó là gì nhưng chỉ thấy là sáng sáng các bác ấy cầm cái sào dài ngắng, đầu có cái lưỡi sắc bén đi ra phía ngoài các lô cà phê. Tò mò quá. Em mới chạy ba bước lại thụp người trốn sau gốc cây muồng để theo trinh sát. Gian nan và vất vả với cái nắng mùa mưa lắm các bác ợ. Nắng của mùa mưa cóc giống mùa khô nhá. Nắng chỉ chói trong chốc lát cho người ta thèm khát cơn mưa tí thôi. Nhưng chỉ vài cái chốc lát nắng ấy cũng đủ chết cái làn da trắng nõn nà của em rồi.
     Lại kể về cái hành động của người nông dân. Em thấy bác ấy cầm cái sào cứ thọc lên thọc xuống, ngoáy ngoáy, xoay xoay, giật giật vào cái đám rậm rịt hoa lá cành của cây muồng. Cái sào ấy cứ nhấp nhô nhấp nhô, sau mỗi cái nhấp nhô là những cành cây rơi lả tả. Và sau một hồi hý hoáy “tác nghiệp” với cây Muồng thì em thấy bác nông dân lưng vã mồ hôi, mặt đỏ gay, tay chân bủn rủn, ngồi tựa gốc thở hổn hển. Còn cái cây Muồng ấy thì nom đến là thảm. Bị vặt hết bao nhiêu là hoa lá cành sau một hồi nhấp nhô của cái sào. Tối về hỏi các đàn anh mới biết cái hành động ấy gọi là rong Muồng.
      Thấy bảo là mùa mưa, nước nhiều. Cây cối tươi tốt. Đẻ cành lá mắn thôi rồi. Cây Muồng có chức năng chắn gió cho cà phê nhưng mà nó tốt quá thì hợp bóng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tách cà phê mà các con nghiện hay dùng. Cho nên phải chặt bớt các cành lá ấy đi. Muồng cao lưỡn khưỡn nên phải chế tạo ra cái sào thật dài, đầu sào có gắn lưỡi dao sắc bén để khi giật mạnh và nhay nhay vết cắt thi cái cánh lìa khỏi tán. Cứ suốt buổi ngửa cổ lên nhìn tán cây nên các bác nông dân mỏi cổ lắm lằm lằm luôn. Mệt nên tựa vào gốc, nhìn mơn man như thế mới hoàn thành cuộc chiến. hố hố. Ứ kể nữa. Cái sự rong Muồng chỉ có thế thôi. Hôm sau xem có hành động quái dị nào trong chuỗi công việc chăm sóc cà phê thì nhà em lại ton hót tiếp nhá.
Buôn Ma Thuột, 15/7/2013

Tây Nguyên Xanh
No comments