Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, September 5, 2013

TRƯỚC NGÀY LÀM SINH VIÊN - Kỳ cuối: KHOẢNG TRỜI VINH NHỤC

Kỳ một: EM GÁI XUỐNG NÚI
Kỳ hai: HUẾ VÀ EM 
Kỳ cuối : KHOẢNG TRỜI VINH NHỤC
Nguồn ảnh: Facebook.com
Viết nhân kỉ niệm  5 năm ngày thi đại học
   Lúc bước vào cuộc chiến sinh tử với đề thi thì mình anh hùng lắm. Giám thị phát cho tờ giấy nháp và tờ bài làm thì hý hoáy viết những gì có thể. Lúc ấy lòng tràn ngập niềm tin “mình đỗ rồi”. Thi xong hớn hở thăm thú đủ nơi đủ chỗ ở Huế rồi mò mặt về Dak Lak. Và sau đó thì....bắt đầu run.
   Run vì lỡ rớt đại học thì nhục cha, nhục mẹ. nhục anh em. Mười hai năm đạt học sinh tiên tiến mà rớt đại học thì làng xóm người ta sẽ nói ngày xưa chắc nhìn bài của bạn nên mới được như thế. Mình lại là chị đầu anh cả cho nên nhất thiết phải đỗ đại học để thằng em “coi đó mà học”. Ngày xưa muốn có một cái gì thì đều nhận được hồi đáp là đậu đại học thì gan trời mỡ muỗi Ba Má cũng mua cho. Phải nói là nếu đậu đại học thì mình có mọi thứ. Nếu rớt đại học thì có lẽ là cạp đất mà ăn thôi (là mình nghĩ thế). Và mình cũng sợ bị Ba Má rầy la nữa. Dù sao cũng tốn bao nhiêu tiền bạc đưa đi thi, rồi hồi xưa tốn tiền cho đi học thêm. Mình xuất thân con nhà nông nhưng Ba Má không hề bắt đi làm cà phê bao giờ. Ba Má chỉ mong mình đậu đại học để mình  có một việc làm sạch áo ráo tay, cho nhàn thân thôi. Ba Má cưng mình lắm. Cưng quá, chiều quá nên mình rất sợ Ba Má bị đỗ vỡ niềm tin nơi mình. Thú thật mình đã dự phòng phương án 2 (phương án tự sát)
   Chờ khoảng nửa tháng thì các trường bắt đầu rục rịch công bố điểm thi. Người ta đã dựa vào chỉ tiêu của trường mà đoán họ trật hay trúng tuyển rồi. Còn mình thì mù tịt về mặt in-tờ-nét nên chẳng biết mô tê răng rứa chi cả. Hồi ấy mình chỉ cần léng phéng đứng trước ngõ quán nét mà bị hàng xóm bắt được rồi mách với Ba Má thì coi như đời mình đi vào dĩ vãng. Hồi phổ thông, bọn mình sẽ bị đánh mềm xương nếu ra quán nét hoặc lãng vãng bên bờ sông, hồ nào đó. Bố mẹ sợ con bị chết đuối và sợ bỏ học đi chơi.. Các bậc phụ huynh sợ vào quán nét thì chỉ lo chát chít, chơi điện tử không học hành gì cả. Rồi lại sợ con mình bị lừa tình. Rõ khổ cho các bậc cha mẹ. Mặc dù mình không biết cách vào trang google và các trang xem điểm nhưng bố mẹ chở mình đến nhà người quen xem dùm. Nóng ruột quá nên đi xem chứ lúc ấy Quy Nhơn và Huế chưa công bố điểm thi.
   Tối về vừa ngồi ăn cơm vừa coi thời sự. Người ta đưa tin có thí sinh này nhảy sông Cần Thơ, có đứa học sinh kia vừa nhảy xuống sông Sài Gòn vì không đi đậu vào trường chuyên. Những tin ấy làm Ba Má mình rất sợ. Sợ cái đứa lầm lì ít nói như mình sẽ làm điều dại dột. Thú thật lúc xem bản tin ấy. Mình cũng nghĩ... nếu rớt đại học thì sống để làm cái gì. Nhục lắm. Mình không dám ra khỏi nhà vì sợ bị hỏi thăm thi thố ra sao, kết quả thế nào. Hãi mọi nhẽ.
   Chiều nọ, một người thầy của mình gọi điện. Giọng thầy rất gắt, thầy bảo mày rớt đại học Huế rồi nghe. Hoảng hồn! Mình chết trân người. Mình biết Thầy rất thất vọng vì mình. Thầy quý mình và hơn nữa nếu thêm một đứa đỗ đại học thì uy tín dạy kèm của thầy cũng tăng lên. Mình run run đánh điện cho Ba Má đang làm cỏ ngoài lô cà phê. Ba Má bỏ bê tất cả. Ba chân bốn cẳng chạy về bên con gái. Lúc ấy mình nuôi ảo tưởng là họ chấm sai nên viết đơn xin phúc khảo. Ba chở đi xuống bưu điện, gửi và chạy thẳng đến một nhà có con cũng thi đại học để nhờ xem điểm. Coi và đúng là mình rớt.
   Lúc biết tin, mình rất run nhưng không khóc, không buồn, mặt bạc phếch thôi. Mình vẫn ứng xử bình thường như chưa hề biết điểm. Ba Má lại lo hơn nữa. Đêm đêm Ba Má thay nhau rón rén ra xem mình ngủ thế nào. Họ sợ mình làm điều dại dột trong đêm. Hồi ấy do căng thẳng cho nên mình hay gặp ác mộng nên hét lên trong mơ. Ba Má rất sợ. Họ sợ mất con. Thật là tội. Chỉ còn hy vọng ở trường Quy Nhơn thôi.
   Năm 2008 là năm đại học Quy Nhơn có biến động về ban trị sự, cho nên vấn đề tuyển sinh bị kéo dài rất lâu. Nhưng mình không nghĩ mình đậu khối A của đại học Quy Nhơn đâu. Vì mình không học môn vật lý. Chỉ thi để chuẩn bị tâm lý cho khối B ở Huế thôi mà. Trong lòng không dám hy vọng gì cả. Mãi đến nửa cuối tháng tám đại học Quy Nhơn mới công bố điểm của thí sinh. Mình được 17 điểm. Những ngày áp chót tháng tám họ mới công bố điểm chuẩn. Ơn trời. Mình đỗ đại học nhờ 1,5 điểm ưu tiên khu vực 1. Ngành mình thi, người ta lấy 18,5. Điếng hồn khi coi điểm chuẩn.
   Khỏi phải nói cảm xúc của Ba Má mình lúc ấy rồi. Họ như nở từng khúc ruột. Không khí nặng nề trong căn nhà bé nhỏ của mình như nổ tung ra để đón chào luồng sinh khí mới. Ba đi chợ. Mua một cái thẻ cào điện thoại. Nạp tiền vào sim và thế là gọi điện từ Nam chí Bắc để báo tin “con tui đậu đại học rồi”. Ba Má mình tội lắm. Một thân một mình rời xứ Nghệ vào Tây Nguyên lập nghiệp. Gặp nhau và vun vén tổ ấm bé nhỏ cùng nhau. Dựa vào nhau để sống qua những ngày tháng cơ cực nhớ nhà. Mong một ngày mở mày mở mặt với bà con ngoài Nghệ An và hàng xóm ở trong này. Đời Ba Má mình chỉ có ước vọng thế thôi. Mong sao con cái đỗ đạt để chúng không phải đi hái cà phê thôi.
   Mình là đứa cháu đầu tiên của dòng tộc bên nội và bên ngoại đậu đại học nên sướng lắm. Được tnng hê đã lắm. Mặc dù thú thật mình xác định đậu thì học cho Ba Má yên tâm chứ vui thú gì.. Thi chơi, ai ngờ đậu mà. Mình muốn thi lại đại học khối B nhưng không nỡ làm Ba Má mất vui. Nhưng quan trọng là lúc ấy mình có mọi thứ :“danh tiếng, tiền bạc và sự sủng ái”. Tất nhiên đều có được từ Ba Má thôi. Lúc ấy mình không biết cảm giác đó hạnh phúc hay là gì nữa. Cứ lâng lâng như kẻ mộng du.
   Chờ mãi, đầu tháng chín mới có giấy báo nhập học. Ngay khi nhận giấy báo thì Ba chở mình lên Buôn Ma Thuột đặt thiệp mời đãi khách. Ba ghi hoàng tráng lắm.”Nhân dịp cháu.....đậu ngành....của đại học Quy Nhơn. Gia đình chúng tôi xin kính mời....”. Ở Tây Nguyên mình. Hầu hết các cán bộ viên chức đều từ cái nôi đại học Quy Nhơn và trung cấp kế toán Nghĩa Bình (nay thuộc thành phố Quảng Ngãi) mà ra cho nên danh tiếng của trường Quy Nhơn cao lắm. Đậu vào trường ấy thì có nghĩa là mình giỏi. Ai lúc nhận thiệp mời cũng gật gù, nói ui con bé này giỏi nhỉ, bé ti ti mà đậu đại học rồi. Hai cha con nở lỗ mũi. Ba Má làm mười lăm mâm đãi khách.
   Ông nội mình đã gần tám mươi tuổi rồi nhưng mà nghe tin cháu nội đậu đại học. Ông đã cùng với hai cô và một dượng ngồi xe hết một ngày một đêm từ Nghệ An vào Dak Lak để ăn mừng. Hai chú ruột của mình ở dưới Sài Gòn cũng lên. Bạn bè đồng hương xứ Nghệ tụ họp, vui hơn tết. Họ ngồi quây quần bên nhau và kể lại những ngày tháng sát cánh bên nhau chăm sóc cà phê và nuôi con cái ăn học như thế nào. Ai có con phải ở nhà làm nông vì không đỗ đạt thì hơi chạnh lòng. Ai có con chưa đến tuổi thi đại học thì ước ao được như Ba Má mình. Họ nói thế này: “Đời làm nông, con cái nó thoát cảnh kéo lưới mùa cà phê là vinh quang nhất, hạnh phúc nhất”. Còn mình lúc ấy thì muốn sống nhất. Hi hi. Con bé nhỏ loắt choắt chưa tới một mét rưỡi như mình cũng đỗ đại học rồi.
   Ba Má tất tả ngược xuôi, chạy giấy tờ cho con kịp đi nhập học. Đến nơi công chứng giấy tờ mới thấy được nỗi lòng của bố mẹ. Có bà mẹ đã khóc vì bị cán bộ công quyền hạnh họe không chứng giấy tờ cho, trong khi con bà ấy ngày mai phải lên xe xuống Sài Gòn nhập học rồi. Ai mà ngờ thủ tục để nhập học lắm cái tréo ngoe thế. Nhưng mọi người đều vượt qua tất cả để rải thảm mềm cho con cái bước đi. Họ chưa dám nghĩ đến nó ra trường sẽ ra sao nhưng giờ cứ cho nó đi học đã, mai này tính tiếp.
   Sáng mồng 4/9/2008. Hai Ba con mình lên xe Hà Phương (cái xe đã chở mình xuống Quy Nhơn lúc đi thi), đến khoảng hai giờ chiều thì có mặt tại nhà chủ mà mình đã thuê trọ lúc thi khối A. Trước đó đã gọi điện báo trước nên ho mừng lắm. Họ tiếp đón ân cần, tối hôm đó nhậu nhẹt một bữa. Sáng 5//9/2008 hai ba con lên tuyến 7 của doanh nghiệp xe buýt Quy Nhơn để xuống trường làm thủ tục.
   Đời sinh viên của mình bắt đầu từ đó. Nó như nào thì bữa nào kể tiếp. Gõ mỏi tay quá hí hí.
Buôn Ma Thuột, 5/9/2013
Tây Nguyên Xanh
8 comments

Tuesday, September 3, 2013

NƯỚC MẮT LONG LANH

Ảnh chỉ mang tính chất mình họa. Nguồn : Facebook.com
    Sáng nay, đang loay hoay với mớ bùng nhùng chữ nghĩa có một cuộc gọi, Tôi bốc máy, nói a lô. Bên kia tôi nghe tiếng chị khóc thút thít. Người chị ấy có cái tên nghe là thấy dễ vỡ rồi. Nghe bảo chị cũng đổi tên mấy lần rồi vì những cái tên kia không hạp mạng của chị. Chị là một người đàn bà rắn rỏi, không dễ gì khuất phục trước số phận nên hơn ai hết tôi hiểu, một khi nước mắt chị đã rơi thì có nghĩa là cục diện của vấn đề đã vô cùng tồi tệ, gần như không cứu vãn được nữa.  Khi nghe tiếng chị khóc, tôi không khỏi bối rối và xót thương. Tôi mường tượng ra cái cảnh chị khóc xong rồi héo rũ ướp mình trong nước mắt. Tôi hiểu hôm nay chị khóc vì điều gì. Và đây là lần đầu tiên tôi nghe tiếng nói nhão nhoẹt ngăn cơn nấc nghẹn ngào của chị qua điện thoại.
   Tôi chưa bao giờ gặp chị. Chỉ thấy dung nhan chị qua những tấm ảnh. Hai chỉ em vẫn hay nói chuyện tầm phào tấm đế trên mạng xã hội. Cái mạng xã hội cũng có hai mặt của nó. Nó cho ta khoảng cách đủ an toàn để trao lời tâm sự nhưng cũng chính vì điều ấy mà phát sinh ra mặt lừa đảo của những tên ngụy quân tử. Chị em chúng tôi đến với nhau không vì mục đích cần-người-tâm-sự mà hình như đến với nhau như kiểu số trời sắp đặt phải gặp nhau thông qua mạng xã hội này vậy. “Chạm trán” nhau bằng những chuyện bông phèng cười cợt, Tôi còn nhớ ngày ấy tôi chí chóe hung hăng, thích khẳng định mình. Còn chị thì nhìn nhận tôi với thái độ chơi-cho-biết-chứ-nhằm-nhò-gì-con-bé-này. Trêu nhau, lắm khi tôi quá đà đã hỗn với chị. Chị lại cười cái xoẹt, thầm nghĩ cái đồ mạng ảo thì chấp làm chi cho mệt. Cứ thế cứ thế thời gian quen nhau nhiều lên và những lần gây hấn bông đùa cũng tăng lên theo cấp số toán học.
   Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có một câu viết thế này: “Giữa cái thời “dò sông dò biển dễ dò...” này, ta chọn cách nhìn người qua cách họ đối đãi với máu mủ, ràng ruột của mình, đương nhiên là không phải lúc nào cũng có độ chính xác cao” (trích trang 91, tập tản văn Gáy Người Thì Lạnh, Nguyễn Ngọc Tư, NXB Thời Đại, 2013). Chị của tôi cũng hình như đang tìm bạn bè theo xu hướng ấy. Tôi hiểu rằng chị xây dựng tình cảm dựa trên chữ Lễ. Không kính cha thì chị tin rằng nó chắc gì đã trọng chị. Nó không thương mẹ thì chị cần xem xét lại những lời nói được cho là thật lòng của kẻ ấy. Đã có những lần chị ngại tôi vì cái nhìn ấy. Hôm nay chị đã kể cho tôi nghe những lần thảng thốt của chị khi đọc một vài thông tin cá nhân tôi chia sẻ trên mạng xã hội với những lời lẽ trách móc người thân. Và tôi bỗng cười không thành tiếng, ngẫm nghĩ mình cũng có một thời “mất dạy” thế ư. Trời sinh cái thói bất mãn trong tôi để cho tôi lắm lúc cần giải tỏa nỗi ấm ức trên thế giới ảo. Nhưng chị đã cho tôi hiểu dù đúng hay sai, dù oan ức như thế nào thì đó cũng mà máu mủ ruột rà, đừng vì một lời nói mà ân hận đến ngàn sau.
   Chị là một người trọng chữ nghĩa nên có lẽ chị đủ sự nhạy bén trong cung cách nhìn người. Chị vẫn nghĩ thế và chị tự tin như thế. Nhưng hai chữ ngỡ ngàng đã đến với chị hết sức tự nhiên khi chị nhận ra chân tướng của một người mà chị vẫn tôn sùng là anh trên thế giới ảo. Sự kính nể bao bùm tầm nhìn của chị đối với người anh ấy. Chị thích đùa nhưng chị chưa hề đùa hỗn để rồi phải dùng hai chữ xin lỗi  mà xí xóa khi người anh ấy giận như tôi. Tôi cũng biết anh ấy và cũng nể anh ấy. Chính tôi cũng ngỡ ngàng vì lối hành xử thiếu cân nhắc của anh ấy. Chúng tôi lần mò sự thật và cả hai cùng ngỡ ngàng. Nhưng có lẽ chị là người đau đớn nhất vì chị thân tín với hắn nhất. Cái đau đớn ở đây là đau đớn mất niềm tin chứ không phải đau đớn theo cái cách chúng ta hình dung về chuyện tình yêu đối lứa.
   Hôm nay chị khóc vì chị bị mang tiếng là phản bội bạn bè nhưng thực ra chị đâu có thế. Chị cào cấu tâm can, muốn giải thích nhưng chị hiểu càng giải thích, càng loan tin thì thiên hạ càng rẻ rúng chị. Chị im, chị uất và chị khóc. Chị ức vì kẻ đểu cáng cứ nhởn nhơ dạy đời điều phải quấy, kẻ không hiểu chuyện thì cứ à uôm, kẻ hiểu chuyện thì coi im lặng là vàng. Chẳng ai nói một tiếng dùm chị. Chính tôi, tôi cũng chọn cách im lặng. Mặc dù tôi cũng suýt bị hắn lỡm. Nhưng đổi lại, nhờ chuyện này mà chị em chúng tôi thêm hiểu nhau hơn và dám nói thật với nhau hơn. Cùng nhau sửa chữa và cùng nhau nhìn nhận những gì đã qua.
   Nước mắt chị long lanh như cái tên của chị. Nước mắt làm trôi bụi đời trên mắt chị. Nước mắt làm mềm ý nghĩ đanh thép của chị. Nước mắt chảy giúp chị còn nhận ra mình vẫn là người phụ nữ. Trong quá khứ, những giọt nước mắt đã giúp cho chồng chị hiểu chị yêu anh nhiều. Vậy hôm nay chị hãy khóc với ý nghĩ mình cũng có trái tim chị nhé. Đừng khóc vì bất kỳ điều gì mông lung nữa...
Buôn Ma Thuột, gõ lúc ban trưa, 3/9/2013
Tây Nguyên Xanh


No comments

Sunday, September 1, 2013

CHUYỆN MẠNG ẢO - KỲ 3: NHỮNG CÁI LIKE CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG

Kỳ 1: MẶT NẠ
KỲ 3: NHỮNG CÁI “LIKE” CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG
(Truyện hư cấu dài kỳ)
Nguồn ảnh: Internet
   Sau buổi cà phê hôm nọ, nhà báo Ếch Ộp bị phơi bày vụ vào khách sạn với cô bạn Facebook Hạ Xanh trước mặt anh em trong hội Nói Tục Cấm Giận nên thấy anh ấy có vẻ lơ là hội hè. Mình với cả con Nhí Nhố thấy thế này thì không ổn. Muốn hòa giải, hội có bốn anh em chơi với nhau mà như thế này thì chán lắm. Chiều thứ bảy hôm qua, con Nhí Nhố như hiểu được ý định của mình cho nên mới có năm giờ chiều mà thấy nó chạy xồng xộc vào nhà, nói:
- Đi mày?
- Đi đâu?
- Câu hỏi ngu nhất trong tuần.
- Đi nhậu chứ đi đâu.
- Thứ bảy rồi à?
- Lại ngu nữa. Mày không biết thứ ngày à?
Thú thật, mình thất học, dạo này ở nhà chơi bời lêu lổng nên quên béng cái vụ thứ ngày. Chẳng nhòm lịch bao giờ. Thất học mà, cần quái gì lịch liếc. Miễn là có tiền chơi in-tờ-nét thôi.
Đang như ngây ra với câu mắng của bạn. Mình sực nhớ:
- Nhưng mà anh Ếch Ộp với anh Cụt Hứng như thế thì biết tính sao?
- Thế mới phải cần buổi nhậu hôm nay.
- Nhưng....
 Nhí Nhố ngắt lời mình ngay tắp lự:
- Không nhưng nhị gì hết. Kéo bè kéo đảng đến lôi cổ hai ông ấy đi.
- Con gà đen mày luôn.
- Hả? Cái gì mà gà qué ở đây hả?
- Mày nói tao ngu chứ mày cũng ngu lắm Nhí Nhố ạ. Ô kê trong tiếng Anh, tao đọc theo âm Hán Việt và dịch là con gà đen. Được chưa?
- Úi xời! Lại còn bày đặt chơi chữ. Đi!
- Thì đi... hé hé...
Thế là hai con phóng xe đến nhà anh Cụt Hứng trước. Ui trời. Anh ấy đang ngồi dán mắt vào màn hình laptop. Tay bấm lia lịa cái bàn phím. Đang ngóng xem hắn làm gì thì con chó từ đâu chạy đến, sủa gâu gâu, mặt nó trông như muốn xin ai đứa miếng thịt mông. Hai đứa mặt xanh như mông nhái, hãi suýt vãi ra quần. Nghe tiếng cho sủa. Mẹ anh ấy chạy từ bếp lên, còn anh ấy thì quay cái ghế ra đẳng sau xem ai vào nhà. Mẹ anh ấy tíu tít:
- Hai đứa đến sao không vào nhà để cho chó nó tưởng trộm thế? Chó nhà cô hơi dữ. Các cháu cẩn thận nhá.
- Dạ không sao bác ạ. Con gái cởi giày cởi dép hơi lâu nên mới thế bác ạ.
Anh Cụt Hứng nhìn bọn mình cười khà khà rồi nói:
- Ối ồi ôi.Nhất hai cô rồi còn gì? Được đón tiếp một cách trọng thị thế còn gì nữa.
Con Nhí Nhố nó hàm hồ nhảy lên:
- Này, cái nhà anh kia. Anh cho chó ra đón tiếp chúng tôi còn cười à.
- Đừng nóng. Anh mày giảng giải cho mà nghe nhé. Không phải ai cũng được chó sủa đâu nhé. Nó ghét thì nó tợp luôn chứ ứ thèm sủa đâu nhé. Theo cách nghĩ của con người thì ngôn ngữ chào đón của loài chó là sủa nhé. Cãi không để anh cho cái tát vào mồm.
- Thôi thôi hai người. Em xin. Gặp nhau không chửi nhau không được hay sao ấy. Cứ cái đà này không khéo lần sau em đến nhà này thì con Nhí Nhố nó ra đuổi chó cho em . hí hí – Mình trêu thế.
- Con Tây này, mày ngoáy đểu tao – Nhí Nhố lườm mình một cái.
Lão Cụt Hứng thì đỏ ửng cái mặt lên. Hé hé. Mình nghi rồi. Nghi hai tên này có gì với nhau rồi. Sao hôm nay mình mới để ý nhỉ. Trai ly hôn vợ một năm rồi. Gái cũng đã đến tuổi cập kê rồi. Lại một bên dạy văn, một bên viết văn thì hợp nhau rồi còn gì. Họ mà lấy nhau thì sẽ là một cặp nhà văn nhà thơ ở cùng nhà. Hí hí. Vấn đề là phải làm sao cho Cô Giáo Trường Làng lấy chồng đi để anh Cụt Hứng chỉ quan tâm đến con Nhố. Chuyện ấy thì đơn giản. Về xúi cái anh trong trường chị ấy cưới gấp đi là xong. He he.
Mình rụt rè hỏi:
- Anh Cụt Hứng ơi. Anh làm gì mà bấm say sưa thế. Đang chát à
- Ừ, đang tranh luận
- Vụ gì thế anh?
- Đánh ghen?
- Hả? Với ai? Ai khơi mào trước?
- Với một đứa dở người, hay bấm nút “like” trên Facebook của anh. Và nó là đứa khơi mào trước. Khơi mào chuyện đánh ghen ấy.
- Nó ghen anh với ai?
- Với Hạ Xanh
- Lại với Hạ Xanh. Thấy lão Ếch Cặp bồ với con ấy chưa tởm hay sao mà giờ còn vì nó mà bị đánh ghen.
- Nhưng công nhận con bé ấy viết được.
- Thế kẻ đánh ghen anh là thằng nào?
- Mày ngu thế. Đã bảo đứa đó ghen anh với Hạ Xanh thì đích thị nó là con gái rồi còn gì. Đừng làm anh mày cáu. Yên để anh mày đấu khẩu với con điên này.Khổ cái là con điên ấy yêu anh. Hu hu.
- Dẹp đi ông ơi. Thứ bảy rồi. Nhậu thôi.
- Ô, hôm nay là thứ bảy à?
Mình cười một cách khoan khoái vì cũng có kẻ không biết ngày tháng như mình. Mắt mình ngời sáng, nhìn con Nhí Nhố. bảo:
- Mày thấy chưa. Đâu phải một mình tao ngu như mày nói. Anh ấy cũng quên ngày giờ kìa.
- Con hâm. Im mồm! Tao nói mày thế được nhưng mày nói thế với anh ấy là hỗn đấy.
Nhí Nhố nó cứ làm ngơ với ánh mắt mình, mà lơ lơ láo láo dò tìm cái gì hay sao ấy. Bỗng nó bước thật nhanh. Giật thật mạnh cái ổ điện, nói:
- Thế này thì chắc đi được rồi anh nhỉ?
Khỏi phải diễn tả cái vẻ mặt lão Cụt Hứng lúc ấy như thế nào. Úi dùi ui. Đang trong cơn nghiện chát cơ mà. Lão hét lớn:
- Con điên, mày điên thật rồi. Hỗn vừa vừa thôi. Công tao đang gõ cái tin nhắn dài ngoẵng cho con điên ấy. Chúng mày điên cả nút rồi. Trời ơi là trời.......
- Ai bảo anh sợ chai pin máy tính cho nên chỉ cắm điện mà không lắp pin. Hé hé. Đi với bọn em. Giải quyết xong chuyện hôm nọ với anh Ếch Ộp rồi hẵng tính nốt vụ này. Biết đâu nhờ cuộc nhậu hôm nay mà anh có cái nhìn toàn cảnh thì sao.
- Thật là khốn khổ cho một thằng giáo như tao lại đi chơi với hai đứa trẻ ranh như chúng mày. Dù nghề giáo là phải nhã nhặn nhưng mà lịt mịa, hôm nay tao phải nói tục cho sướng mồm cái đã. Ức không chịu nổi. Đi thì đi. Để coi chúng mày nói gì với ông. Nhá!
Mẹ anh ấy chạy đến, nói rất khó nghe:
- Trời ơi. Con gái thời này sao hay vậy. Sểnh ra là rủ trai đi nhậu là sao? Trời ơi!
Mình phân bua:
- Thế này bác ạ. Hôm nọ chúng cháu và anh Cụt Hứng có điều khúc mắc với anh Ếch Ộp. Cái anh mắt mở to do đeo kính áp tròng ấy ạ. Thế nên hôm nay nói là đi nhậu nhưng thực ra chỉ ngồi ở quán nhậu để giải tỏa tâm tư chứ không uống say như người ta đâu bác ạ.
Nhí Nhố chen vào:
- Đúng đấy bác ạ. Bác cứ đi hỏi cô Chín ở cuối phố thì rõ. Tối thứ bảy nào chúng cháu cũng ăn vịt lộn ở quán của cô ấy. Nói gì và làm gì thì cô ấy rõ lắm.
Mẹ anh ấy ôn tồn:
- Con trai bác thì đã đành là thân trai nên điều tiếng một tý cũng không sao. Nhưng thân gái các cháu còn chồng con nữa chứ. Cứ như thế này. Thằng nào dám rước.
- Mẹ đừng lo. Cái bọn này tán trai chứ chẳng chờ trai tán đâu. Hã hã. – Nhà thơ Cụt Hứng cười khoái trá.
- Tôi chả hiểu các cô các cậu đang nghĩ gì nữa. Thời của chúng tôi. Bẳng tuổi các cô các cậu mà chưa chồng thì là ế đấy.gần hai lăm còn gì nữa mà xuân xanh. Thôi đi đi. Tôi không cản. Kẻo rồi bảo bà già này khó tính.
Thế là cả ba phóng xe ra đường. Đang đi thì anh Cụt Hứng phanh xe lại. Mình hỏi có chuyện gì thì anh bảo phải bàn tính cách đối đáp với anh Ếch Ộp cái đã. Mình bảo tùy cơ ứng biến. Nhí Nhố và anh Cụt Hứng cứ ra quán đợi. Một mình mình đến rủ anh Ếch thôi. Dù gì thì trong hội. Mình ít gây hấn với anh ấy nhất. Chắc cũng dễ mở lời. Thống nhất thế. Mình một mình đến nhà anh Ếch. Nhà anh Ếch khá xa so với quán bà Chín Béo.
Đi gần đến nhà của anh Ếch thì bỗng điện thoại reo:
- A lô. Gì thế hả Nhí Nhố?
- Anh Ếch đây rồi. Mày quay lại đi.
- Thật á?
- Thật. Đến nhanh nhá. À, ghé chợ lấy hành tỏi cho cô Chín ở hiệu tạp hóa Dung nhá. Cô ấy nhờ thế.
- Ừ!
Mình cúp máy. Phóng xe ra chợ. Lấy hàng rồi bon bon xe chạy đến quán. Tay cầm gói hành tỏi. Hớt hơ hớt hải xách vào cho cô Chín. Chẳng kịp nghe cô ấy nói cảm ơn. Chạy ngay ra bàn xem tình hình “chiến cuộc”. Một xị rượu đã uống cạn. Ốc um đã hết một đĩa. Mặt anh Ếch tái xanh. Anh ấy mà có hơi men thì mặt tái xanh như thế. Còn anh Cụt Hứng chắc cũng mới nhấp môi thôi. Mình đoán anh Ếch đến trước và uống trước rồi.
Nhí Nhố cà khịa chuyện hôm nọ:
- Hôm nay có gì thì mấy anh em ba mặt một lời chứ tránh mặt, nghi kỵ nhau thế này. Chán lắm. Thà một lần toạc móng heo mà cạch mặt nhau cũng chẳng ân hận.
Nhà báo Ếch Ộp chậm rãi:
- Thế chúng mày muốn biết cái gì ở tao? Nói đi nào?
Mình thưa:
- Dạ, chúng em muốn anh nói rõ chuyện giữa anh và cô bạn Facebook Hạ Xanh.
- Chuyện đi ca ét (KS viết tắt của khách sạn) chứ gì?
- Dạ.
- Thế chúng máy thấy Hạ Xanh là người thế nào?
- Em thấy chị ấy làm thơ hay.
- Nhưng viết văn thì dở tệ - Nhí Nhố chen vào
- Sao nữa?
- Thấy chị ấy lộ mặt trên Facebook nên chắc là người tử tế. Bọn em chỉ bất ngờ là chị ấy vào ca ét với anh. – Mình hơi cúi mặt mà nói thế.
   Thú thật mình rất thất vọng khi nghe tin Hạ Xanh vào khách sạn nghỉ qun đêm với anh Ếch Ộp. Trầm ngâm một thời gian, anh Ếch quay sang hỏi nhà thơ Cụt Hứng:
- Thế còn ông? Hạ Xanh trong mắt ông có xanh không hay vàng khè như nước đái?
- Vàng khè nhưng mà màu của ánh nắng. Nó có tố chất làm thơ. Chỉ vậy thôi. Tao chẳng tin ai trên mạng ảo này hết. Tuần nào cũng được chém gió với bọn mày. Cần gì phải tìm nguồn vui trên thế giời ảo kia.
Anh Ếch lại chậm rãi và giương cái nhìn khinh miệt ra đằng trước. Hình như anh chẳng phải nhìn bọn mình mà đang nhìn một cái gì đó trong tâm trí anh. Anh lại hỏi:
- Chúng mày nghĩ nó có chồng chưa?
Cả ba người còn lại đều nói: “chưa”. Anh ấy cười xách mé và bảo:
- Nạ dòng đi tìm cảm giác lạ đấy.
- Hả? Thơ chị ấy trẻ thế cơ mà. Như người mới yêu ấy.
- Nó viết thơ trẻ nhưng tuổi nó không trẻ. Và nó là mẹ của hai đứa con rồi. Hơn bốn mươi rồi nhưng nhờ chăm sóc da kỹ càng nên trông mặn mòi thế đấy.
- Anh không thấy có lỗi với vợ anh à?
- Cái loại ghen thuần chúng như chúng mày thì hỏi cái gì cũng giống nhau nhỉ.
Con Nhí Nhố nó tức, nó nói:
- Này, sao lai nói bạn bè là loại này loại nọ hả. Anh không tôn trọng bọn này thì thôi. Miễn nói tiếp.
Mình can, Nghe anh Ếch nói mình cũng tự ái nhưng vẫn nhẹ giọng:
- Thôi nào. Hôm nay đến để gỡ rối mà. Thế anh Ếch ơi. Hôm nọ sao anh nói dối là có người gọi điên thoại để trốn.
- Vì hôm ấy tao nhìn thấy cái vẻ mặt đắc thắc của thằng Cụt Hứng và nhìn cái thói à uôm khi chưa hiểu chuyện gì của hai đứa con gái ngồi bên thằng Ếch nên tao ghét. Tao phắn chứ sao. Nếu chúng mày không là bạn tao thì tao cạch mặt từ hôm ấy rồi.
- À thế là hôm nay anh ra sớm để chờ bọn em ạ?
- Chính xác! Chỉ có con Tây là hiểu tạo
- Nhưng sao anh không gọi điện báo anh đang chờ? Lỡ bọn em không đến thì sao?
- Không đến thì thôi. Coi như đứt duyên nợ. Nhậu vào tối thứ bảy là thói quen của mỗi đứa trong hội mình rồi đúng không?
- Dạ đúng.
- Cô Chín ơi. Cho chúng cháu chai rượu. – Anh đằng hắng gọi chủ quán – Nào, uống đi cho nhanh thấy mặt trời và uống vì sự hiểu nhau.
Trong hội Nói Tục Cấm Giận của bọn mình. Nhà thơ Cụt Hứng là người nhanh đỏ mặt khi uống rượu nhất nên bọn mình hay trêu uống đi cho mặt trời mọc, rồi lại uống tiếp đi cho mặt trời lặn. Hí hí. Cứ thế, có hôm anh Cụt Hứng say bí tỉ.
Nhà báo Ếch Ộp lại nói tiếp:
- Chúng mày có phân biệt được ngoại tình với mãi dâm không? Rồi mãi dâm với mại dâm không?
- Ngoại tình là quan hệ với một ai đó ngoài vợ ngoài chồng. Mãi dâm là dùng tiền để mua hoan lạc trong chuyện ấy. Còn mại là bán, mãi là mua chứ có gì mà anh hỏi thế.
- Thế mày có hiểu ý anh mày hỏi không? Trả lời như mày thì một đứa hay xem tivi nó cũng biết nói. Thế mấu chốt đánh dấu sự khác biệt của mãi dâm và ngoại tình là gì hả cái lũ ghen thuần chủng kia?
Anh Cụt Hứng chen vào:
- Cái này thì tao biết. Ngoại tình thì vừa đút than vào lò và vừa chia sẻ tình cảm. Còn mãi dâm thì chỉ đưa giản là giải quyết thú tính.
- Chính xác! Thế là còn có người trong hội ta tỉnh ngộ.
Nhà báo Ếch ộp quay sang phía con Nhí Nhố nói tiếp:
- Tạo sao nãy giờ tao phải nhai đi nhai lại cái cụm từ “ghen thuần chủng”. Bởi vì hai cái đứa con gái này này. Chúng mày có cách ghen tuông hờn giận rất thuần chủng Việt Nam. Vợ của tao tuyệt vời lắm. Có cách ghen rất F1. Pha giữa tây và ta rất hay.
Con Nhí Nhố vừa nhai bỏm bem cọng rau răm vừa hút nước trứng luộc, Cánh mũi dính một mảnh vỏ trái ớt li ti. Nuốt xong nó hỏi ngay:
- Hay như thế nào hả anh?
- Trong túi của anh mày không bao giờ có nhỏ hơn hai chục triệu đồng. Và trong kẽ ví không bao giờ ít hơn mười cái bao cao su.
- Hả?
- Im lặng để anh mày nói tiếp. Số tiền ấy và số lượng bê xê ét (BCS, viết tắt của bao cao su) là do vợ tao chuẩn bị cho đấy. Hôm nay tao có trả tiền nhậu cho chúng mày và tối nay phải dùng một cái bê xê ét với một cô gái nào đó hết tổng cộng mười chín triệu, thì ngày mai ra khỏi cửa nhà tao vẫn có đủ hai mươi triệu và mười cái bê xê ét.
- Sao hay vậy?
- Quá hay luôn. Có hôm tao ngại quá. Mà cũng thấy tự ái. Ai đời vợ lại nhét cái của nợ ấy vào ví chồng. Như kiểu cô ta dạy dỗ chồng vậy. Tao ghét. Tao tương cho một bữa ra trò. Tao bảo khinh tao vừa vừa thôi.
- Chị ấy nói sao?
- Nàng khóc ràn rụa. Nói lí nhí, Mà tao đếch quên được từng câu chữ lúc ấy. Nàng nói tiền đầy ví là để lỡ tao đi giữa đường, gặp bạn bè cũ không kịp đưa về nhà thì cứ la cà quán sá. Xe có hỏng cũng có tiền mà sửa. Còn bê xê ét ấy là nàng chấp nhận cho tao đi tìm gái điếm để tìm của lạ. Nhưng nàng bắt tao phải hứa là dùng tiền để mua những phút thăng hoa ấy chứ đừng dùng tình để có của lạ. Nghĩa là nàng rất rạch ròi chuyện ngoại tình với lại chuyện mua dâm.
Anh Cụt Hứng thốt lên:
- Tuyệt vời! Trên cả tuyệt vời. Vậy sao ông nỡ qua đêm với Hạ Xanh. Như thế là phản bội vợ rồi còn gì?
- Chúng mày ngu. Con Hạ Xanh là hàng sạch nên xài tí chơi. Yêu đường gì con đấy.
Bọn mình há hốc. Choáng không thể tả. Bụng nghĩ lão Ếch Ộp này là đồ lăng nhăng. Không chịu nổi, mình nói ngay:
- Nghe chối tai thế anh Ếch. Anh thân thiết thắm nồng với cô ả Hạ Xanh thế mà chỉ coi ả như món hàng thôi á. Rồi vợ anh tuyệt vời như thế anh cũng mặc kệ để theo người khác á? Anh lăng nhăng thế à?
- Đấy. Chúng mày lộ rõ điều muốn nói với tao rồi đấy. Tao chờ câu này đấy. Tao mua một đêm với con Hạ Xanh bằng những cái “like” trên Facebook chứ không phải bằng tiền của vợ đưa, cũng chẳng phải bằng tình cảm của tao. Con Hạ Xanh ngu. Cho nó chết. Mà hai mặt con rồi. Ham của lạ chứ ngu cái nỗi gì nữa.
Mình đang tư thế của người đắc thắng bỗng ỉu xìu mặt lại. Thấy có gì đó không ổn. Cái lão Ếch lăng nhăng này nói không phải không có căn cứ. Không khéo đuối lý vì lão. Không biết xử trí thế nào thì con Nhí Nhố nói:
- Thế hóa ra những cái “like” khi anh bấm ở các status của bạn bè trên Facebook là đểu à. “Like” cho có thôi à?
- Trước khi trả lời câu này. Anh muốn hỏi em, em có phân luồng người chơi Facebook được không? Hay nói rõ hơn là có mấy loại người chơi Facebook?
- Thì ngoài đời có bao nhiêu hạng người thì có chừng ấy hạng bạn bè Facebook chứ sao.
- Cụ thể?
- Có người hám danh, có người hám bạn, có người ham chia sẻ và có cũng có người như.....anh
- Như tao? Tao thế nào?
- Lăng nhăng, Ham của lạ.
- Vậy để tao phân tích nhá. Facebook có hai luồng chơi rõ rệt. Một là luồng chơi của người đã nổi tiếng. Hai là luồng chơi của người ít có danh phận trong chốn quan trường. Người nổi tiếng thường hay lộ mặt trên mạng xã hội. Họ chơi rất giữ kẽ. Họ ít bấm nút “Like” lắm. Vì mỗi một nút “like” là một lời khen của họ. Người ta bảo khen nhiều thì kẻ ấy trở thành người ba phải. Cho nên để giữ hình ảnh của mình. Họ phải ít bấm nút “like”. Cũng có nhiều người không thích bấm nút Like bao giờ nữa kìa. Chỉ thích đọc thôi. Nâng ly rượu rồi nói tiếp nào.
   Cả hội nâng ly, uống cạn. Ối ồi ôi. Rượu cay và nồng quá. Nóng hết cả ruột gan mình rồi. Nó ngấm đến đâu thì nóng đến đấy. Mặt mình nhăn như ăn ớt. Rất ham chuyện nên hối anh Ếch:
- Nhắm miếng mồi rồi nói tiếp đi anh.
Anh Ếch nghe răng cắn chân một con dế nướng. Tay kia khoèo một phiến rau xà lách. Bỏ vào miệng nhau nhỏm nhẻm. Vừa nói tay vừa móc móc gỡ rau bám khỏi răng:
- Loại thứ hai và cũng là loại cực phổ biến đó là vô danh tiểu tốt thích được dòm ngó. Gặp ai cũng “like”. Status nào cũng bình luận khen lia lịa. Cốt để người ta nể mà siêng năng bấm nút “like” cho status của mình. Chúng mày biết rồi. Người ta dựa vào số cái like để đánh giá chất lượng của một nội dụng trên Facebook. Đấy là cái đáng nói đấy. Lắm thằng chụp ảnh xấu như ma trơi nhưng mà người ta “like” một cách xã giao mà tự cho mình phát ngôn như một nhiếp ảnh gia. Thật là nực cười. Bây giờ nhiều thằng ý thức được việc xây dựng hình ảnh và nâng trọng lượng uy tín của mình bằng cách bấm ít “like” thôi. Chúng mày có công nhận là được một người nổi tiếng nào đó bấm nút “like” cho status của mình thì mừng rơn không?
- Đúng đúng. Cái này thì em xác nhận.
- Đấy. Từ ý nghĩa đó cho nên phát sinh là loại vô-danh-tiểu-tốt-ít-khi-like. Thực ra loại này rỗng tuếch nhưng vì kiệm lời nên cũng được nể phần nào. Hiểu không?
- Hiểu! Nhưng có liên quan gì đến chuyện anh lăng nhăng với chủ trang Facebook Hạ Xanh?
- Chuyên liên quan đến những cái “like” ấy đấy. Anh mày tự nhận thấy rằng mình viết văn không đến nói mèo nôn chó mửa. Cho nên viết status trên Facebook nhiều người thích là điều đương nhiên. Anh cũng khá máu mặt trong giới báo chí. Viết linh tinh, “like” linh tinh thì coi sao đặng. Đúng không?
- Tiếp đi anh!
- Có một đợt anh hay bấm nút Like cho cô bạn kia. Vì cô ấy kể chuyện rất truyền cảm. Con Hạ Xanh bỗng chen vào khích đểu rằng anh với cô ấy đã biết nhà nhau rồi. Điều này làm tổn thương cô bạn anh lắm. Vì anh gần như không bấm nút "like" nhà nó bao giờ. Mà con Hạ Xanh yêu anh rồi là cái chắc. há há. Anh mới bắt đầu để ý xem ả Hạ Xanh này viết như thế nào. Thực ra anh có gần năm nghìn bạn bè cho nên có nhiều bạn đăng status nhưng bị chèn bởi một người khác. Nên ít khi để ý lắm. Quá nhiều bạn mà. Anh đọc, Thấy Hạ Xanh này rất có tố chất làm thơ. Hay đấy. Thói ghen của đàn bà thì anh lạ quái gì nữa. Dù ảo hay thật cũng thế cả thôi.
- Thế sao đó anh với cô ấy hẹn nhau đi Phan Thiết hả?
- Đừng ngắt lời anh. Hỗn! Con Hạ Xanh nhắn tin qua Facebook hỏi búa xua. Nào là anh biết nhà của chị ấy ở đâu phải không? Này nọ. Cuối cùng nó anh hỏi yêu cô ấy hả. Anh giải thích mù khơi. Bản tính thích tán gái của anh trỗi dậy. Anh tán hai câu. Con ấy đã tâm sự hết chuyện đời cho anh nghe. Tán câu thứ ba thì cô nàng bắt đầu chát mát mẻ. Và câu thứ tư chính là anh bảo ngày mai anh đi Phan Thiết lấy tin. Tự nhiên con ấy bảo nó sẽ bay vào Phan Thiết đúng một ngày một đêm. Nó nói đi họp hành ở tỉnh bạn. Chồng tin sái cổ. Kết cục bị ông Cụt Hứng này bắt gặp này. May mà con ấy không biết mặt thằng Cụt này chứ không thì chẳng nai tơ, lơ tơ mơ được như lúc này đâu. Nếu nó biết bị phát hiên thì nhẹ nhất cũng đổi nick Facebook rồi.
- Anh không áy náy với vợ?
- Không. Vì anh tự nhận thấy mình không phản bội vợ trên phương diện tình cảm. Nếu lúc ấy vợ anh gọi điện hỏi anh đang làm gì. Anh sẵn sàng bỏ rơi con nạ dòng ấy để chạy về bên vợ.
Anh Cụt Hứng nói thêm vào:
- Trên thế giới nhiều nước công nhận mại dâm là một nghề để giảm thiểu tình trạng ngoại tình đấy. Ngoại tình thì phải chia sẻ tình cảm còn mãi dâm thì không. Vợ cho phép chồng mua dâm giống như mua một liều thuốc bổ tinh thần để cho cuộc sống thêm hạnh phúc vậy đấy.
- Thật á?- mình thốt lên
- Ừ. Mà ông Ếch này, tôi cũng đang bị một con bé nó nói thẳng thừng trong lúc chát rằng tôi yêu Hạ Xanh phải không. Nó ghen tôi với Hạ Xanh ông ạ. Tôi phải giải thích mãi. Đang đoạn gay cấn thì con điên Nhí Nhố này này. Nó tắt ngóm điện. Hết khổ.
- Đàn bà đánh nhau. Cho nó đánh. Nó nói thế là nó dỗi ông thôi. Kệ nó. Gần mặt còn chẳng hiểu nhau, huống hồ trên mạng ảo.. Ông một đời vợ rồi. Biết quá đi rồi còn gì. Kiếm vợ rồi nghỉ chơi Facebook đi ông ạ.
- Ông cứ làm tôi nẫu nuột. Kệ nó. Uống đi. Hai con kia. Cũng cạn ly đi nào.
    Cả hội nâng ly. Lại uống lại khà và lại nhăn mặt. Hu hu. Mình không biết uống rượu. Hu hu. Mình uống bia quen rồi. He he. Uông rồi anh Cụt Hứng đề nghị:
- Từ nay hội ta đi cà phê cho nó tao nhã. Mấy anh không sao nhưng mấy đứa con gái mà ngồi bàn nhậu nhiều thì khó lấy chồng/ Mẹ anh sáng nay mới nói đấy.
    Mình và con Nhí Nhố đồng thanh:
- Vâng ạ!
    Nói đến những cái like Facebook là nói đến sự nể trọng nhau. Thích nhau nhưng hóa ra còn có nhiều uẩn khúc đằng sau cái like ấy nhỉ. Nhưng nói chung hãy cứ thật lòng mình. Thấy hay thì bấm like. Như cuộc sống đời thường vậy. Nói vậy mong sao cũng là vậy.
(Còn nữa)
Buôn Ma Thuột, 1/9/2013
H’Tây Niê
Đón xem kỳ tới: NHIẾP ẢNH GIA
1 comment