Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, September 13, 2013

CHỊ GÁI TÔI

(Mến tặng chị gái Đặng Thị Hải Triều nhân dịp chị lên xe hoa)
Cô dâu Hải Triều và chú rể Anh Khoa
   Tôi vẫn gọi “chị Triều ơi” thay cho cái tên dài ngoẵng Đặng Thị Hải Triều của chị. Sẽ chẳng bao giờ tôi biết chị ấy nếu người ta không xếp hai chị em cùng ở phòng 202 kí túc xá C5. Hồi đó tôi học năm thứ ba, còn chị đã là sinh viên năm cuối. Chị có cái vẻ hối hả sợ thời gian trôi làm tôi thấy khó chịu. Nói cho chính xác là tôi ghen tị với chị. Tôi ghen vì thời sinh viên của tôi không vui và hạnh phúc như chị. Tôi ghen vì tôi chưa bao giờ có hứng sống hết mình cho thời sinh viên. Còn chị, nhiệt huyết tuổi trẻ luôn thể hiện trên khuôn mặt.

   Thời gian đầu tôi cực ghét chị. Chị cứ phơi phới trao đổi kiến thức chuyên ngành tâm lý giáo dục với bạn mình. Còn tôi thì ước mình có được một lần hăng say, vò đầu, bứt tai cãi cọ với bạn bè vì một kiến thức khó. Chị có cái nhìn cực thoáng, còn tôi thì thiển cận vô cùng. Tính nết chị rất hợp với dáng chị. Mảnh dẻ, mong manh và dế vỡ. Tưởng chừng như chỉ cần một cơn gió mạnh cũng có thể làm chị sửng sốt, để rồi hôm sau chị nằm liệt giường vì trúng gió.

   Chị có thói quen gội đầu vào buổi sáng. Lúc đó, tôi đánh răng thật chậm để ngắm cái đầu bị dẹt phía sau của chị. Tôi quan sát cái cách chị thả dòng nước lên mái tóc, xoa dầu gội và những ngón tay khi chị vuốt tóc. Chị khác với tôi, tôi cứ xả nước ào ào, nhưng chị mua một đoạn ống nối với vòi để cho nước từ từ chảy. Nói chung chị hạn chế đến mức thấp nhất có thể về mặt âm thanh cuộc sống. Nếu như tôi thích sự ghồ ghề thì chị thích sự mịn mỏng. Nếu tôi thích gây hấn với chị, thì chị chỉ khóc khi tôi nói quá đáng thôi. Chị là thế.. Chị có tính trạng “hiền hòa” rất thuần chủng. Tôi không thể nào “lai tạo” chị được.

   Tôi vẫn luôn sống dè dặt với chị, nhưng chẳng nhớ vì sự kiện gì mà hai chị em “xích” lại gần nhau nữa. À, hình như là do vụ kết nối internet. Năm 2010, công ty cổ phần Tư Duy Mới đấu thầu cung cấp hệ thống internet cho toàn khu vực đại học Quy Nhơn. Năm ấy tôi mới mua laptop, vì cần cập nhật phiên bản cho phần mềm diệt virut nên tôi muốn lắp đặt mạng. Trong phòng lúc ấy chỉ có bốn cái  máy tính, hai trong số đó là của tôi và chị. Mấy chị em cùng trao đổi với nhau rồi góp tiền lắp đặt mạng. Thế rồi có thiện cảm với nhau.

    Có internet rồi, tôi bắt đầu mò mẫm những tiện ích mà thế giới ảo mang lại. Tôi lập blog yahoo và sau này tôi khoe địa chỉ blog của một người Thầy cho chị biết. Chị tò mò về người Thầy này lắm vì “lão ấy” khét tiếng là “ôm lựu đạn khi đi dạy” he he. Buổi tối hai chị em căng mắt lên mà nhìn máy tính để đọc cho hết blog của Thầy. Sáng ra, hai chị em cùng ngồi giặt đồ và to nhỏ rằng, thì ra thấy vậy mà không phải vậy, Thầy không máu lạnh lắm đâu. Hi hi. Hai chị em còn phán Thầy lãng mạn. Sau đó tôi hỏi tên blog của chị. Chị bảo, vào google gõ “Hoa Ly Màu Hồng” là ra blog của chị. Tôi đã gõ và đọc. Chị lần theo dấu vết và cũng đã đọc được những dòng tâm sự hết sức là ngây ngô của tôi hồi mới lập blog. Hồi ấy tôi mới chia tay mối tình đầu nên nhìn cái gì cũng ướt át và nhớ người yêu. Còn chị, tất nhiên, cũng có những tâm sự sâu kín. Tất cả đều được phơi bày trên blog dù rằng đã cố tình che đậy bằng nhiều cách.. Chị viết khéo hơn tôi. Thế là chúng tôi hiểu nhau.

   Hiểu nhau quá nên lắm khi hai người cứ tưng tửng khi nói chuyện. Có hôm, chị nhắn tin bảo “em mở ri đô đứng dậy cho chị nhìn cái mặt chút”. Chị rất thích nhìn tôi đeo kính cận. Chỉ bảo tôi đeo cái gọng kính màu hồng ấy hợp lắm. Sau này chị quay lại nhận bằng tốt nghiệp, chị ngủ với tôi và cũng muốn tôi đeo kính cận màu hồng cho chị ngắm. Bây giờ tôi vẫn dùng cái kính ấy. Hai chị em đều dùng ri-đô che kín quanh giường. Có hôm thì chị kéo cái ri-đô rồi thò đầu ra ngoài gọi “bé Tây”. Tôi cũng thò đầu ra, hai chị em cười mỉm nhìn nhau như thể nhớ nhau lắm. Tôi chơi với chị thân nhất trong phòng vì thông thường tôi chơi thì chơi thế thôi chứ ít đọng lại hình ảnh của ai trong lòng lắm. Chị trông có vẻ nhí nhảnh và vui tươi, mọi người trông có vẻ thân thiết với chị thế thôi chứ tôi tin chắc số người hiểu chị không quá con số năm, Ai cũng biết chị mong manh dễ vỡ nhưng khó ai thấy được dưới đáy mắt chị có thực sự chứa nước mắt không. Bởi vì chị mềm lòng và thật lòng thực sự. Đời mà, mọi sự chân thật đều bị nghi ngờ, Chị hay bị tổn thương vì những sự nghi ngờ đó.

   Ngày chị bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, tôi xin chị đi theo để cổ vũ cho chị. Chị ứ cho, tôi thoi thóp ở phòng, chờ chị nhắn tin kết quả. Chị đã đạt điểm tối đa. Tôi mừng cho chị. Tự dưng lúc ấy tôi thèm kẹo và đã nhắn tin qua điện thoại :”chị ơi, em thèm kẹo”. Chị đã mua cho tôi hai gói kẹo, Tôi vừa ăn kẹo vừa khóc. Và lúc viết những dòng này cũng khóc. Tôi là chị cả trong nhà cho nên hơn ai hết, tôi thèm được làm em của một ai đó. Những ngày cuối cùng trong thời sinh viên của chị, tôi thấy chị đến khắp nơi của Quy Nhơn để chụp ảnh lưu niệm. Cứ như sợ mai này không còn về nữa ấy. Chị nói giọng Quảng Ngãi nhưng sinh ra và lớn lên ở vùng núi Ba Tơ bốn mùa Thông reo nên chị yêu biển lắm.

    Lần nào trở lại Quy Nhơn tôi cũng đến đường Ngô Văn Sở để ghé những quán quen, ngồi lại chiếc ghế cũ và ăn những món mà xưa kia mấy chị em cùng nhau chấm đũa. Hết đĩa bánh xèo rồi lại chạy sang ăn trứng vịt lộn và uống cơm rượu với đá lạnh. Bụng đã no thì thủng thẳng đi bộ ra con đường Xuân Diệu và cùng hưởng gió biển nơi eo NÍn Thở rồi đi về công viên Thiếu Nhi, nơi mà chúng tôi quen gọi là “công viên sản xuất thiếu nhi”. Qua đường An Dương Vương thế là tới ký túc xá.

    Năm 2012 tôi về Quảng Ngãi, ngược quốc lộ 24 đoạn từ ngã tư Thạch Trụ lên thị trấn Ba Tơ để tìm gặp chị. Tôi đã được ôm chị ngủ trong khoảng ba đêm. Chị bận công cán nên ban ngày tôi quanh quẩn làm bánh với Má của chị. Chiều về chị mới chở đi ăn cá Niên và bún Gion. Nghe bảo đó là hai đặc sản của Ba Tơ. Và lúc đó thì chị mới chính thức giới thiệu người yêu. Đêm về tôi thủ thỉ hỏi đủ chuyện. He he. Tôi tò mò lắm. Chị kể hết và tôi yên tâm về hạnh phúc của chị.

     Đầu mùa hạ năm nay, chị có lễ đính hôn. Tôi không về được, thức đêm dài làm bài thơ tặng chị. Nó có tên ĐEO CHIẾC NHẪN
Đeo chiếc nhẫn
Thấy thương người xưa cũ
Tình không trọn, em cất bước sang ngang
Đeo chiếc nhẫn
Gửi thương thầm đến mẹ
Lệ ngắn dài con gửi nhớ về cha
Đeo chiếc nhẫn
Dù ai yêu cũng kệ
Dù ai nhớ cũng giả vờ không hay
Đeo chiếc nhân
Đeo biển trời hạnh phúc
Và đeo cả những lo lắng khác ngày xưa
Đeo chiếc nhẫn
Dặn tâm mình phải nhẫn
Để giữ gìn hạnh phúc thuở ban sơ
(đêm 29/3/2013)
   Chỉ một hai hôm nữa thôi, chị sẽ lên xe hoa về chồng. Thế mà tôi chẳng mua được một bộ đồ ngủ tặng chị với một ý nghĩa mong chị thật nóng bỏng trong đêm tân hôn. Tôi chẳng thể cầm tà áo cưới cho chị đi khỏi vấp. Tôi chẳng được lau những giọt nước mắt cho chị khi chị chia tay bố mẹ đẻ để ở lại nhà chồng. Chị ơi, trời Tây Nguyên đang mưa, có lẽ trời thấu tỏ lòng em chị à. Tha thứ cho người em này chị nhé. Em sẽ về Quảng Ngãi, nhất định thế vì Quảng Ngãi là một trong ba tỉnh (Kon Tum, Phú Yên. Quảng Ngãi) cho em cảm giác như về nhà khi lần đầu đến đó. Em đã liên hệ được tài liệu văn hóa các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rồi. Họ sắp chuyển cho em rồi.  Em sẽ đọc để hiểu hơn về vùng đất con người quê chị. Em chúc chị hạnh phúc. Hẹn ngày em lại ghé Ba Tơ. Em định viết hài hước một tý nhưng nhớ chị quá, mấy hôm nay nôn nao nên thôi thì nghĩ sao viết vậy. Chị nhé!
Buôn Ma Thuột, 10h42’ đêm 13/9/2013
Em gái Kính Cận Màu Hồng của chị
4 comments

Tuesday, September 10, 2013

BÌNH ĐỊNH TRONG TÔI

Cảm tác sau khi xem ảnh
Lời dẫn: H’Tây Niê
Tác quyền ảnh: Trần Anh Linh
    Cho đến ngày ghi hồ sơ thi đại học thì cô không hề biết nơi ấy và không nghĩ đó là mảnh đất đầy duyên nợ với chính mình. Một ngày hè nắng nảy lửa, gió Lào nhè nhẹ hắt vào khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, có một người con gái Tây Nguyên ái ngại đặt chân lên nền đất Bình Định. Cô bé quanh năm sống nơi mát dịu, cái nóng ấy thực sự là thử thách đối với cô. Cô nhìn khung cảnh xung quanh với ánh mắt đến-cho-biết-chứ-quan-tâm-gì-nơi-này. Bạn bè cô rủ nhau về tình lỵ Quy Nhơn thăm thú. Cô không đi mà ở lì trên căn gác trọ để trốn nắng.
    Cái nắng nào rồi cũng phải dịu đi để dần dần nhường chỗ cho màn đêm. Đêm đầu tiên ở Bình Định thật là dài, cô bé Tây Nguyên lạ nhà lạ cửa, cô trằn trọc nghĩ mông lung: “Mình đến nơi này có phải để thi không? Sao không có chút sợ hãi nào vậy. Hay đây chỉ là chỉ là chuyến du lịch Bình Định để chuẩn bị có cú nốc-ao ở Huế?”. Sáng hôm sau cô dậy rất sớm, ra hậu sảnh ngắm bình minh lên. Lúc nhìn xuống sân sau của gia đình hàng xóm thì thấy một người cha đang tập võ cho con gái mình. 


   Cô thắc mắc vì sao không tập ở sân trước mà lại ở sân sau. Có lẽ họ khiêm tốn và có khi sân sau là nơi họ truyền những thế võ gia truyền.
   Và cô đã thi và bất ngờ sung sướng vì có giấy báo nhập học trường đại học Quy Nhơn. Ngày trở lại Bình Định với tư cách là tân sinh viên, cô nhìn Bình Định với ánh mắt ta-đã-trở-lại. Học được ít lâu thì cô bắt đầu tò mò về mảnh đất này. Một ngày nọ, cô trở lại căn gác trọ đã gắn bó trong những ngày thi. Đúng dịp mùa gặt của người nông dân Bình Định, bất chấp cái nắng vàng quánh, cô vẫn thăm ngó đó đây. Cô xem cảnh người nông dân gặt lúa. Cảnh tượng mà gần như cô chỉ thấy trên truyền hình. Từ nhỏ cô lớn lên bên rẫy cà phê nên chưa được sờ tay lên cây lúa. Cô háo hức xem và chạy nhảy đủ nơi đủ chỗ.

   Phía đằng kia có đoàn người đang gánh lúa


   Phía bên này thì có người nông dân đang điều khiển máy gặt lúa.   Đúng như cô giáo đã nói. Nông nghiệp nay đã cơ giới hóa nhiều rồi
.

   Những hàng lúa gặt mới thẳng tắp làm sao.


   Trên con đường khô khốc, có một đôi bạn đang vừa đạp xe vừa tranh luận về một bài toán khó. Họ làm hết thảy ai đi bên đường đều phải quan tâm. Cô bé Tây Nguyên tặc lưỡi: “Ta đã qua cái giai đoạn đạp xe để tìm con chữ rồi. Ôi một thời ngược gió Tây Nguyên để vươn tới đỉnh cao tri thức. Nay ta đã là sinh viên rồi.”. Cô tự mãn vì mình đã thi đỗ đại học. Cô quay người định bước đi thì bắt gặp một cụ già đang gánh lúa tiến gần sát cô. 


   Cô chào cụ với chất giọng xứ Nghệ rặt ri. Hình như cụ không hiểu gì cả nhưng cụ đoán cô bé đang chào mình nên cụ cúi chào và cười mỉm. Chắc cụ nghĩ con bé này ở đâu mà nói giọng khó nghe dữ.
   Cô đi ngang ngõ một căn nhà, chợt bắt gặp một cảnh tượng làm cô nhớ em trai của mình da diết. Mới có mấy ngày xa nhà mà cô nhớ nó quá.

   Trên sân trước nhà, có một cặp anh em đang thu gom lúa. Người anh kéo chiếc cào dài ngoẵng. Còn cô em đang vun quét lúa lại thành đống. Cảnh tượng này vô cùng giống cô bé Tây Nguyên cùng với em trai trong những ngày mùa thu hái cà phê. Em trai của cô tuy còn bé dại nhưng thích làm những việc nặng để giúp chị. Nó cào cà phê còn cô chỉ việc quét vun vào thành đống rồi hai chị em hì hục cùng nhau xúc cà phê vào bao. Những ngày ấy xa rồi, giờ đây cô đã là sinh viên. Không biết mùa cà phê này, ai sẽ giúp bố mẹ cô làm công việc ấy. Một mình thằng em phải làm thì thương quá. Cô thầm nhủ: “Em ơi, cố học để đỗ đạt như chị em nhé”.
   Cô bé chủ nhà cầm chổi thấy có người lạ đứng trước ngõ, nó hỏi:
      - Dạ, chị tìm ai dzậy (vậy)?
      - Không có, chị không tìm ai cả. Đi ngang qua, thấy tụi em cào lúa nên đứng coi xíu thôi. Ba Má em đâu là tụi em làm vậy.
      - Ba Má em đi cắt rồi chị. Chị là người nhà chú Quang hả?
      - Không? Sao em hỏi vậy?
      - Xóm em có dzợ (vợ) chú Quang nói giọng y sì (giống hệt) chị nên em đoán chị là người nhà chú ấy thâu (thôi)
Cô bé Tây Nguyên thấy lạ khi ở giữa miền thôn quê xứ Nẫu này lại có người Nghệ An sống. Cô hỏi ngay:
     - Sao chú Quang đó lại lấy vợ khác quê vậy em?
     - Má em nói là chú ra Bắc học, cái rồi quen cô kia, xong cái cưới cổ (cô ấy) dzìa thâu. Mới đầu hổng (không) có ai trong xóm em hiểu cổ nói gì hết á. Nhưng nghe lâu cũng quen chị à. Mấy bữa hay có người nói giọng y sì chị hỏi đường dzìa (về) nhà chú Quang nên em hỏi chị thâu.
     - Dzẫy ne? – Cô bắt chước giọng Bình Định – Chị cảm ơn mấy em ngheng!
  Cảm giác quý mến lũ trẻ ngấm dần trong cô. Cô như đang sống lại tuổi thơ của mình. Chỉ khác là cái mũi lúc này đang ngửi thấy mùi ngai ngái của bùn lầy và da thịt có phần xót xáy vì rơm rạ. Chợt có tiếng hô lên: “A, Ba dzìa”. Cô quay ngoắt sang và nhìn thấy con trâu đang oằn mình kéo xe lúa.


   Cô như bừng tỉnh vì thấy con trâu trước mặt. Lần đầu tiên cô thấy con trâu ở ngoài đời thực. Cô chỉ toàn thấy nó trên sách báo hoặc tivi thôi. Cô vui lắm lắm luôn. Trông cô cứ ngơ ngơ ngác ngác như đứa trẻ vậy. Cô rón rén bước lại, muốn chạm tay vào thân con trâu nhưng sợ bị trâu đá. Nhỡ nó vì mệt mỏi mà đá người lạ thì sao. Có khả năng ấy lắm chứ. 
  Lưu trú ở căn gác trọ vài ngày (tất nhiên là được ở miễn phí vì chủ nhà rất quý cô), cô phải lên xe buýt trở về Quy Nhơn để học. Đêm hôm đó cô không khỏi suy nghĩ về những cảnh tượng đã thấy, những mùi đã ngửi. Cô thích trở lại đó lắm. Cô biết Bình Định có bánh tráng và rượu Bầu Đá là nổi tiếng. Liệu ngoài những thứ ấy ra, Bình Định còn có đặc sản gì không nhỉ. Cô vào trang mạng xã hội Google, gõ cụm từ “đặc sản Bình Định”. Lần theo dấu vết thông tin, cô đã đọc được không chỉ về đặc sản Bình Định mà còn những thông tin liên quan đến từ khóa “Bình Định”. Rằng Bình Định trước đây cũng là đất kinh kỳ của vương quốc Chăm Pa.
   Đọc đến đấy, cô tự dưng mường tượng ra cảnh những chiếc xe ngựa và cuộc sống thuở xa ơi là xa.


   Lãng mạn hơn tý nữa, cô tưởng tượng ra cảnh có một anh chàng dừng xe ngựa bên đường và tỏ tình:

   
      - Thấy em lấp ló bên đàng. 
        Anh đây ngỡ ngàng tưởng là gặp tiên
   Một nàng bẽn lẽn đối đáp:
      - Em thời chẳng phải là tiên
         Mong ai nhường bước cho em yên đường.
    Cô tưởng tượng ra cái cảnh đối đáp giao duyên ấy, có lẽ bởi vì cô vốn trân trọng những mỗi tình "con mắt liếc lại bằng ba đứng gần" mà cha ông kể lại. Rồi cô bé Tây Nguyên lại tưởng tượng cái cảnh chàng đón nàng về dinh thì như thế nào.


   Càng đọc thông tin trên màn hình, cô càng thấy phấn khích. Thú vị hơn cả là chuyện về một loại bún tiến vua tên là Song Thằn. Nghe bảo cái tên Song Thằn là đọc chệch từ “Sông Thần”. Con sông thần ấy chính là dòng sông Côn. Tương truyền rằng ở ven sông Côn có một lò bún rất ngon. Vua ép các nghệ nhân ở lò bún ra kinh thành chế biến cho vua ăn. Dù làm đúng cách như vua ăn không thấy ngon bằng lúc ăn ở mảnh đất có sông Côn. Hồi ấy người ta lý giải rằng vì không có nước sông Côn nên bún không ngon. Muốn ngon thì phải về sông Côn lấy nước. Từ đó người ta nói sông Côn là con sông thấn thánh. Có lẽ do đặc thù giọng nói xứ Nẫu đã đọc chệch Sông Thần thành Song Thằn. Cô bé Tây Nguyên ấy quyết về huyện An Nhơn một chuyến để được mục sở thị quy trình làm bún Song Thằn.

  Buổi sáng cô dậy thật sớm để cùng bạn bè theo chân những người làm bún. Xem họ xay bột, quấy bột rồi làm thành sợi bún


Cô tỉ mỉ xem một cụ già đặt bún trên cái liếp tre. 


Những đường vân in dấu thành quả của người làm bún khô.

   
   Rồi cô cùng phụ người con dâu của bà ấy đem những cái liếp ra ngoài đồng để phơi.


   Nắng lên rồi, cô ngồi ngắm ngía giàn phơi - kết quả lao động sau một buổi sáng dậy sớm.
   Chiều về, nắng dịu đi, sương bắt đầu muốn ghé thăm cành lá. Tất thảy mọi người cùng nhau đem bún khô về nhà.


   Người phụ nữ chủ nhà không cho khách kéo xe dùm, một mình người ấy kéo xe. Bất giác cô bé Tây Nguyên nhớ đến tác phẩm "Người Ngựa Và Ngựa Người" của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đang cùng chúng bạn xếp những tấm liếp thì cô bỗng nghe tiếng gọi lớn: "Lại đây mấy đứa"


   Cả bọn cùng nhau chạy lại gần người gọi. Cô ấy vừa gỡ bún ra khỏi liếp tre vừa nói:
   - Mấy đứa gỡ hết bún cho cô rồi đưa dzô nhà. Xong kiếm cái bao mà bỏ dzô nghe. Tụi con muốn lấy bao nhiêu về làm quà cho Ba Má thì tùy nghe. Nhà cô nghèo nên không có gì làm quà. Tụi con lấy đỡ mấy bó bún khô nghe.
   Một người đại diện cho cả nhóm, thưa:
   - Cô ơi, tụi con về đây chỉ để thăm lò bún Song Thằn thôi cô à. Cô cho tụi con ở lại và xem làm bún là tụi con có phước lắm rồi đó cô. Tụi con không có lấy đâu ạ.
   - Mấy cái đứa này, thiệt tình ghê. Ngại gì dzậy he? Lấy đi cho cô dzui (vui) mà.
   - Thôi giờ tụi con phụ cô gom bún. Còn chuyện quà cáp thì thì xíu nữa cô lấy bao nhiêu thì tụi con nhận bấy nhiêu chứ tụi con không dám tự lấy đâu ạ.
   - Tao cãi hổng lại dzới tụi sinh dziên tụi bay rầu á.
   Cả bọn cười hì hì rồi mỗi người một tay, Làm một nhoáng là xong gọn ghẽ. Tối về cả lũ đùn đẩy nhau, hỏi khéo công thức đổ bột làm bún. Chủ nhà cũng trả lời rất khéo: “Mày ra trường có chịu làm dâu Bình Định cho dài đường đi hông? Chừng đó dzìa đây, tao chỉ cho”.Cả lũ lại cười khì khì.
   Bốn năm sinh viên ở đại học Quy Nhơn, cô có những kỉ niệm be bé phát sinh trong những chuyến đi như thế đấy. Hình như cái gì càng nhỏ bé thì càng dễ găm vào da thịt. Trái tim cô bé Tây Nguyên  không rứt ra được những cái kim kỉ niệm ấy. Để đến lúc ra trường, ngồi trên chuyến xe trở về Tây Nguyên, cô tần ngần ngắm những cảnh vật xung quanh. Hình như lúc ấy cũng đang là mùa gặt lúa ở nơi này. 


   Những bó lúa như cột lòng cô vào đó!


    Lại vẫn cảnh nông dân cắt lúa. Nhưng cái nhìn này của cô là để nhớ mãi chứ không phải vì tò mò như ngày đầu tiên ấy. Cô hẹn lòng sẽ trở lại nơi đây khi đi lấy giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học. Bình Định trong cô luôn là mảnh đất đầy nắng, nắng hơn Tây Nguyên của cô nhiều. Nắng như muốn tôi luyện lòng trung kiên của con người. Nắng miền Trung chói lửa như muốn luồn lách vào não bộ của con người để thức tỉnh những nơ-ron thần kinh thông minh. Có lẽ vì vậy mà người miền Trung xưa nay vẫn có danh tiếng là hiếu học. 
   Những đứa con sinh ra trên núi như cô thì hình như đều khao khát biển. Ngồi trên xe cô bõng nhớ những lần chơi vơi trước biển

   Cô nhớ lắm. Hẹn ngày trở lại Bình Định nhé
6 comments

Monday, September 9, 2013

MUỘN RỒI DÃ QUỲ ƠI

MUỘN RỒI DÃ QUỲ ƠI
Tác giả:
Văn Công Hùng
Ảnh: Văn Công Hùng
Ta đựng dã quỳ vào ngày xưa
Muộn rồi em ơi, mùa xuân đã quay về
Ta mang ngày xưa gửi vào sợi tóc
Nghe mây bềnh bồng thăm thẳm tầng không

Dã quỳ, dã quỳ ơi
Em góc bể chân trời mong manh như khách lạ
Chín hòn bi lăn bốn hướng vẫn thừa
Những hòn bi lăn như chiều đổi gió
Chiều ngập ngừng loang mắt cúi miền xa

Muộn rồi dã quỳ ơi
Những con chim đã kịp chui vào tổ
Những chiếc lá đã kịp mọc vào cây
Bông hoa đang héo dần trong lọ
Ai níu mùa thu bằng điệu ru buồn?...

Nhưng còn một câu hỏi
Gửi trong hoàng hôn
Chỉ trái tim biết

Chiều không trả lời
Dã quỳ im lặng

Màu đắng
Dã quỳ ơi...

Nguồn bài và ảnh tại Facebook Văn Công Hùng 
No comments