Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, September 28, 2013

MÀU RÊU TRONG SẮC THU HÀ NỘI

Cảm tác sau khi xem ảnh
Tác quyền ảnh: Trần Thi
Lời dẫn: H’Tây Niê
(Bài viết hoàn toàn hư cấu nhằm đạt mục đích sáng tác, mong bạn đọc tránh những hiểu lầm không đáng có)
   Ngày ngày, thời sự vẫn báo những tin tức chính vừa diễn ra ở Thủ Đô. Những trang tạp chí văn nghệ tràn ngập những bài viết về mùa thu Hà Nội. Người ta đem hương cốm, sắc vàng của nắng và hình ảnh những chiếc lá rụng bị gió thổi lác đác trên đường vào trong những áng văn. Khiến cho tôi thêm tưởng tượng hình ảnh một trời thu Hà Nội.
   Người ta bảo Hà Nội là trái tim của Tổ Quốc. Trái tim mà, ắt hẳn phải đập nhanh cho kịp đưa máu nuôi cơ thể. Có lẽ vì vậy mà nhịp sống ở Hà Nội nhanh hơn. Máu đi qua tim bao giờ cũng hai luồng đi vào và đi ra. Dòng máu đi ra khi đã no nê khí Oxi, dòng máu đi vào thì khao khát được bơm đầy khí. Hà Nội cũng thế, luôn có hai dòng người đến và đi. Người chưa đến thì mong ngóng đợi chờ. Người đã đến thì dễ dàng buông câu “ối dào, Hà Nội là...” thế này hoặc thế kia. Vì thế mà hình thành nên lời khen và tiếng chê Hà Nội. Nhưng dẫu gì thì Hà Nội trong tôi cũng lạ lẫm lắm. Đứa con sinh ra trên đất Tây Nguyên này luôn tò mò về Hà Nội. Muốn xem cái hay lẫn cái dở, nét cổ kính lẫn hiện đại của Hà Nội. Tôi muốn thử xem dòng người Hà Nội có thể xô tôi té hay không. Tôi muốn xem trai Hà Nội có thư sinh không, gái Hà Nội điệu chảy nước không. Ngay bây giờ tôi đáng rất sợ đến Hà Nội. Tôi sợ tôi đến đó rồi sẽ quên đi miền quê lắm mưa nhiều gió Tây Nguyên này vì tôi đang hình dung nét lung linh của sắc thu Hà Nội.
    Tò mò quá, tôi đã hỏi một người Hà Nội rằng “anh ơi, mùa này nơi anh sống có gì quyến rũ không anh?”. Chàng trai ấy khiêm tốn trả lời: “Hà Nội của anh rêu phong lắm em ạ. Người Hà Nội quen sống trong những ngõ phố êm đềm.

Anh đã lớn lên trong tiếng rao của cô bán bánh cuốn vào mỗi buổi sáng,

Tiếng kì kèo của lũ trẻ xin bố mẹ mua cho một chiếc mặt nạ

Và mắt anh lúc này đây là hình ảnh một cô gái bán hoa.”
Tôi giãy nảy:
     -  Á à, anh thích ngắm Gái Bán Hoa?
Qua điện thoại, anh ấy cười phá lên, bảo:
     -  Ối trời ơi, chẳng biết ai đã khởi xướng cách dùng cụm từ gái bán hoa với nghĩa tiêu cực để cho em tôi hôm nay thảng thốt với cụm từ Gái Bán Hoa. Em ơi là em ơi! Hãy ra đây để ngắm những cô gái đội nón, dặt dẹo dắt những chiếc xe đạp chở đầy hoa. Anh ngắm trộm nàng ấy thôi em ạ. Lại gần để ngắm nhưng không mua cho họ, họ tủi đấy em ơi
   Chúng tôi yêu nhau giữa thời đại công nghệ nên vẫn hay viết nhật ký điện tử cho nhau đọc. Có hôm tôi đã sụt sùi khi đọc blog của anh:

   “Em ơi! Ngắm cánh hoa trên gánh hàng rong làm anh nhớ màu son trên môi em quá.  

   Mỗi lúc nhớ em, anh hay tìm đến thuốc lá ở cái quán sơ sài nhưng dung dị của một bà cụ trong ngõ vắng, ngắm khói thuốc bay. Anh thả hồn vào đó.

    Hà Nội của anh và mai này là của em đang vào thu em à. Lá vàng lác đác rơi, nắng nhạt hơn ngày hè một chút, vài sợi gió làm anh trống vắng quá em ạ

    Sáng sớm thức dậy, anh chẳng thể làm gì. Đành đi kiếm tờ báo đọc cho qua ngày đoạn tháng. 

    Đọc xong, thấy chị bán hàng rong ế ẩm nên anh mua dùm người ta một cân  bánh cuốn.

    Không có em, anh cô đơn như ông già vá xe đạp ở đầu ngã tư.

   Anh vẫn hay trầm tư như chú hàng xóm vẫn ngồi bên mép đường ngắm phố phường em ạ. Càng ngắm, anh càng thấy Hà Nội của anh đẹp vô ngần. Hà Nội rêu phong nhưng không bao giờ là cũ kĩ. Giống như anh, sau này có già cỗi thì trái tim chưa bao giờ hết yêu em.

   Hôm nay anh đi cắt tóc em ạ. Anh của em không thích đi các salon nổi tiếng, chỉ thích cắt tóc ở ngõ ngách gần nhà. Anh rất thích la cà nên mới gặp em giữa đất Tây Nguyên đó.  

   Hà Nội của anh đầy rẫy những gánh hàng rong, tiếng rao của người bán có từ lúc trời còn lờ mờ chưa tỏ cho đến tận nửa đêm mới ngừng. Có lần em hỏi, có khi nào anh bỏ Hà Nội để vào ở hẳn với em không? Anh không trả lời được vì anh chỉ hạnh phúc khi được sở hữu em giữa đất trời Hà Nội. Nhưng có thể anh sẽ theo em ở hẳn trong đó nếu Hà Nội không còn gánh hàng rong. Lúc ấy Hà Nội không còn là Hà Nội của anh nữa. Mất gánh hàng rong cũng giống như phụ nữ mất đi cái tính hay càm ràm. Phụ nữ không biết càm ràm là một người không có giá trị, phải không em?

  Về đi em, anh sẽ đưa em đi ngắm thu Hà Nội. Ra Hồ Tây anh đặt lên môi em một chiếc hôn dài. Có người chê thu Hà Nội nay không giống như trong thi ca nữa nhưng hãy cảm nhận thu Hà Nội bằng quả tim chứ đừng bằng con mắt em ạ. Cũng giống như em yêu anh bằng trái tim chứ chẳng vì ngoại hình của anh đúng không em?  
  Về đi em, để ngắm những con phố bình dị. Ở nơi này, anh đang rất cần em”.
  Tôi đã rung động vì những dòng blog như thế. Tôi đã yêu Hà Nội cũng vì tôi đã yêu anh. Vậy mai này nếu anh không còn yêu tôi nữa, liệu tôi có còn yêu Hà Nội nữa hay không? Có chứ, tôi mãi yêu anh và Hà Nội của anh cho dù anh không còn nhớ tên tôi nữa. Với tôi, anh vẫn lạ như Hà Nội của anh vậy.

  Tôi luôn thích màu rêu phong của Hà Nội bởi vì cái màu ấy giúp tôi không bị ngợp bởi sự hoàng nhoáng bóng bẩy của Thủ Đô.
Buôn Ma Thuột, 27/9/2013
H’Tây Niê
Vài nét về một Trần Thi mà tôi biết:

Tác giả Trần Thi là một bạn Facebook của tôi. Anh chuyên chơi ảnh trên Facebook. Anh sinh ra ở Nam Định nhưng từ bé đã sinh trưởng ở Hà Nội. Nếu như các tác giả khác mưu cầu chiều sâu và rộng của một tác phẩm ảnh. Thì ở Trần Thi toát lên một cái gì đó góc cạnh. Bối cảnh tương đối đơn giản và điểm nhấn của ảnh nổi lên như một sự lẻ loi giữa bao la vũ trụ. Xin trân trọng giới thiệu chân dung của Trần Thi

   Lưu ý: Tác quyền ảnh thuộc về tác giả Trần Thi, mọi công tác in ấn ảnh trong bài viết này xin liên hệ với tác giả Trần Thi theo địa chỉ Facebook https://www.facebook.com/quythi.tran
No comments

Thursday, September 26, 2013

CHUYỆN BO

H'Tây Niê: Một bài viết đáng đọc!
PHẠM PHÚ QUẢNG      Bo, là tiền bo, tiền boa hay tiền Tip trong tiếng Anh và Pourboire trong tiếng Pháp.
    Trong tiếng Anh, Tip có nhiều nghĩa khác nhau, trong đó còn có nghĩa: một bộ phận hay một miếng nhỏ lắp vào đầu một thứ gì đó. Đại loại là thêm. Trong tiếng Pháp, tiền “Bo” là pourboire, nghĩa là để uống nước, ngụ ý để người ấy giải lao sau khi phục vụ mình. Trong Nam đọc là “puộc boa”, ngoài Bắc đọc là “puốc boa”. Dân ta thủ tục hành chính thì thích rườm rà, nhưng đọc chữ thì thích ngắn gọn nên mới thành “bo” hay “boa” bây giờ.
    Hành động “bo” nói chung là một việc làm tốt đẹp, và đôi khi còn là một nghĩa cử cao thượng. Và người hay bo thường được gọi là ga lăng. Cái hay của bo là nếu biết cách tận hưởng chúng, nghĩa là làm cho đúng thì người bo hay người được bo đều cảm thấy rất happy. Tuy nhiên bo cũng có dăm bảy kiểu bo và nhận bo cũng vậy. Sai một li là kẻ bo hay kẻ nhận đều có thể hết vui.
    Mặc dù bản chất của bo chỉ là một chút tiền lẻ, các nước còn dùng tiền xu thì tiền xu là thứ tiền rất hay được dùng để bo. Mình cứ hay nhớ đến cái cảnh trong mấy phim cao bồi cũ, một anh cao bồi sành điệu miệng ngậm xì gà búng một đồng xu cho đứa bé bán giày hay tung một đồng xu dứ dứ thằng bé bán báo để moi thông tin. Nhưng bây giờ tiền bo đã biến tướng nhiều, có thể giờ đây khi nói đến bo là người ta nói đến đẳng cấp của người bo. PN Vượng hay NQ Cường không thể rút túi bo mười hai mươi nghìn đồng VN được. Vì ngày mai báo chí nó ngoác cái con chữ ra thì nhà đéo bán được! Chính vì vậy nên rất nhiều người Việt Nam nổi tiếng, bản chất vốn cực kỳ kẹt xỉ, hễ thấy người tàn tật bán tăm thì ngậm ngay miệng lại vì sợ họ thấy chút rau muống xanh lè còn dắt nơi kẽ răng nhưng vẫn phải nghiến răng kèn kẹt rút năm chục một trăm cho ăn xin chỗ đông người. Cá biệt có những người tiền cũng chẳng biết để làm gì nhưng rất hay quên bo. Điển hình là vụ mới đây nhất, Zuckerberg đã nổi tiếng ở Rome vì liên tục quên bo trong tuần trăng mật ở đây. Anh chàng có khối tài sản trị giá gần 20 tỉ USD này đã hào phóng chi tiền cho một bữa ăn cùng vợ mới cưới trong tuần trăng mật hết 32 Euro(khoảng 800.000 đồng VN, bằng giá một miếng sushi gắp trên rốn một cô người mẫu vừa tắm), khen rất ngon… và quên bo! Cũng có thể anh này muốn các cổ đông thấy người cầm lái con thuyền biết tằn tiện.
     Tất nhiên có người keo kiệt thì cũng có những người rất hào phóng, tài tử mà mình rất khoái xem là Johnny Depp, đã từng hào phóng bo cho một bồi bàn tới 4.000 USD khi ăn ở một nhà hàng nào đó và chẳng vì lý do nào.
Johnny Depp
     Văn hoá bo hiện nay đã rất đa dạng sắc màu. Nghe nói rằng Úc là nước khá văn minh nhưng lại là nơi có level bo của thời tiền sử Bắc Việt. Nơi hay được bo nhiều nhất có lẽ là Las Vegas và Macau, ở đó thường xuyên có các ông mang tiền mồ hôi nước mắt của dân đi quay rulet và nặn xì tố.
      Các cô làm phục vụ muốn được bo nhiều thì cần có một số thứ phải điều chỉnh cho phù hợp thị hiếu người bo. Trong tác phẩm “Mười một phút”, một cô Philippines đã tử tế khi mách cho Maria rằng “Hãy nhớ, rên có thể kiếm thêm được 50 Franc”. Rồi cũng có thứ phải tăng lên, có thứ phải giảm xuống, có thứ phải to ra và có thứ lại phải nhỏ lại, có thứ phải thật thấp và có thứ lại phải thật cao thì mới được bo nhiều. Đó là chiều dài của đùi và chiều cao của giày cao gót phải tăng lên, cao độ của cổ áo phải giảm xuống. Vòng một, vòng ba phải to ra, vòng hai phải nhỏ lại. Cúi phải thật thấp và chổng phải thật cao. Được như vậy thì chẳng lo má ở nhà thiếu ti vi màu.
      Đối với người Việt thì việc bo gần như chẳng mấy khi đúng lúc, đúng nơi, đúng người, đặc biệt đối với người Bắc. Người Nam nói chung vẫn ít nhiều chịu ảnh hửng của chế độ cũ nên nói như họ thì vẫn “dễ thương” hơn rất nhiều. Vào đó chúng ta có thể thường xuyên gặp cảnh một vài ông già đạp xích lô áo rách quần thủng đít cuối chiều rủ nhau làm cốc bia vỉa hè nhưng khi đứng dậy vẫn bo cho cô phục vụ một vài chục tiền lẻ và tận hưởng cảm giác ngọt ngào của câu cảm ơn trước khi về với sư tử. Trong khi đó ở Bắc thì chuyện một ông cực kỳ đắt tiền đi xe Roll Roy, phụ kiện rặt chữ tây ngồi chờ đến 5 phút chỉ để lấy lại vài nghìn tiền thừa là việc hiển nhiên.
     Ngày trước mình mê chơi bi-a. Từ Nam chí Bắc đều nhẵn mặt. Như một con phò đẹp, đâu có mình thì ở đó sẽ đông khách đến chơi. Nguyên nhân thì mình sẽ nói ở bài khác chuyên sâu về bi-a, ở đây mình chỉ nói đến cái sự bo mà thôi. Là thế này, bọn hay chơi bi-a, mê bi-a, thường là hay đánh độ, đánh ăn tiền, có khi là rất nhiều tiền. Thế nên chuyện thanh toán mà bo cho nhân viên xếp bi một vài chục thì chẳng có gì lăn tăn. Dân cờ bạc đều vậy cả. Kẻ thắng tất nhiên vui mà bo, tiền trên trời rơi vào đầu tiếc làm gì. Còn kẻ thua, đã thua một vài chục triệu hay một vài triệu, thêm một vài chục nghìn đáng là bao, lại được tiếng anh này thua mà vẫn ga lăng. Hôm sau yên tâm ăn bánh mì kẹp hay uống sinh tố không có mùi nước bọt của đứa bê đồ. Chính thế nên dù Nam hay Bắc, phục vụ bi-a vẫn hay được bo tiền. Bắc thì vài nghìn, vài chục nghìn, Nam có thể vài trăm thậm chí vài triệu. Ấy, cái chốn dễ bo đến như vậy nhưng dân Bắc cũng có những thằng ki đến mức nói ra khó tin. Ngày đó trong bọn chơi cùng có con của một xếp to nhất của một nơi cực kỳ to, chỉ sau mỗi Thủ tướng. Đi xe Range Rover độ đời cao nhất. Cũng là dân nghiện bi-a, tiền tiêu bằng mồm toàn chục tỷ, mỗi khi cầm bill thanh toán tiền bàn đều cộng mất nửa tiếng. Tổng bill là 2.554.000 đồng thì đưa năm tờ năm trăm và một tờ năm chục. Nói với đứa xếp bi là “Em bù hộ anh mấy nghìn nhé”. Đến nỗi các em xếp bi cứ đùn đẩy nhau mỗi khi phải phục vụ bàn thằng này. Mình hỏi thì thằng này bảo là “Chúng nó sợ em đấy mà”. Gớm, bố ông mà tiết kiệm cho dân thế thì tốt!
     Cho nên người Bắc chẳng mấy khi được tận hưởng cảm giác thực sự của một thượng đế.
     Mình nói người Việt bo không chuẩn toàn diện là vì thường những người hay bo và thoáng nhất là các cậu ấm, dân cờ bạc, tức là những đồng tiền không phải do họ kiếm được bằng sức lao động. Là người bo bản chất chưa đủ tư cách bo. Còn những người làm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền thì lại chẳng chịu bo. Những nơi đáng bo như người phục vụ nhà hàng, khách sạn, người phục vụ phòng, người xách đồ, người trông xe, dắt xe… thì không bo. Trong khi vào bar, hát ôm, massage, gội đầu, ngoáy tai, rửa đít… lại bo quá nhiều. Không tin bạn cứ hỏi mấy người chuyên bê đồ cho khách ở khách sạn mà xem, có mấy khi họ được bo, nhất là mấy khi được ông nói giọng Bắc bo. Bắc Trung Bộ lại càng không! Vì thế nên mấy ông Nam nhập cư keo kiệt thường giả giọng Bắc mỗi khi quên bo. Như vậy đỡ bị chửi hơn.
     Mình cũng không phải Nam, mà còn là Bắc Trung Bộ, là cái nơi gần như chẳng ai hiểu bo là gì. Đáng ra không nên nói hết cái hay cái đẹp của người mình ra, thiên hạ họ học mất. Nhưng không nói cũng chẳng được. Ngày mình ở Sài Gòn, có ông Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ một doanh nghiệp có cỡ ở Vinh vào Sài Gòn công tác. Ngồi uống bia với mình, xong thanh toán mình trả tiền còn thừa tám chục, xong ra xe chờ mãi mới thấy ông ra. Tưởng ông đi đái, ai ngờ ra ông đưa lại mình bốn tờ hai mươi nghìn. Cho nên sau này hễ đi ngồi cùng mấy ông Bắc là mình phải để ý. Nếu mình trả tiền thì cứ đuổi hết các ông ra trước, còn nếu các ông trả tiền thì mình phải chuẩn bị sẵn tiền bo. Chờ các ông ra hết thì bo rồi ra sau. Chuyện bo thì dài lắm, nhưng câu chuyện tiền bo sống động và phản ánh đúng nhất bản chất sự bo của người Bắc lại được diễn ra tại một nơi xa xôi lắm lắm. Câu chuyện thế này:
     Cách đây một số năm, tại Pháp diễn ra một cuộc hội nghị cấp cao, rất cao về một chủ đề gì đó cũng rất quan trọng. Những người tham gia hội nghị của các nước có mặt cũng ở cấp rất cao. Hội nghị bố trí nơi ăn chốn ở cho đại biểu rất chi là văn minh và pờ phẹc. Tất cả các đại biểu được bố trí ở tại một số khách sạn 5 sao trong nội thành Paris. Được thưởng thức những bầu vú tuyệt đẹp của các bức tượng trên cầu Alexandre Đệ tam, được chiêm ngưỡng những thanh sắt hoen rỉ của tháp Eiffel, và được ăn các món ăn ngon của các đầu bếp danh tiếng tại đây. Tuy nhiên, chẳng riêng gì vợ mà cái gì lâu cũng chán. Ngày ngày nhìn vú giả thép thật tuy chán nhưng còn khả dĩ tưởng tượng ra vài thứ vớ vẩn. Còn cứ ăn riết mấy thứ bơ sữa thì ngán vãi thài lài. Với bối cảnh đó, trong một khách sạn năm sao đã có hai VIP nói với nhau bằng tiếng Việt thế này:
      - Ông này, tôi chán lắm mấy món ăn ở đây rồi. Hôm nay tan họp sớm hay ông và tôi đi kiếm miếng gì ăn đi. Cỡ tôi và ông tiền hàng đống sao phải khổ thế!
      - Tôi cũng thế, nhưng ông biết tiếng Pháp không?
      - Không!
      - Tôi cũng vậy, làm sao đi đây?
      - Ông yên tâm, tôi nghe nói tiếng Pháp dễ lắm, chỉ cần thêm chữ “lơ” vào trước là xong.
      - Thế thì đi.
   Hai ông này đi bộ qua vài con phố thì gặp một nhà hàng trông rất sang trọng với một bảng thực đơn to bằng hình ảnh dựng phía ngoài. Liếc qua có cả cơm, canh và rau thì mừng quá liền bước vào. Chọn một bàn có view đẹp, hai ông tần ngần nhìn nhau. Một lúc thì ông “lơ” mạnh dạn hắng giọng và lơ lớ gọi:
       - Lơ bồi.
   Một anh bồi rất đẹp trai có cặp mắt Á Đông chạy đến tắp lự với tốc độ của running man V.X.Tiến. Kính cẩn gập mình chào.
       - Lơ cơm.
   Anh bồi tíu tít chạy đi một phút sau xuất hiện với tô cơm trắng phau trên chiếc khay bạc.
   Ông còn lại rất khoái chí và cũng gọi:
       - Lơ canh.
   Anh bồi lại tíu tít chạy và cũng chỉ một phút sau xuất hiện với bát canh nóng hổi.
       - Lơ rượu vang.
            …
   Cứ như vậy, lần lượt các loại lơ thức ăn đồ uống được mang ra. Hai vị thực khách say sưa thưởng thức bữa ăn theo ý muốn sau bao nhiêu ngày bị tây hoá. Ước chừng lưng lửng bụng, hai ông nhìn nhau mãn nguyện, giơ ly rượu vang cuối cùng, chúc nhau vài câu sáo rỗng và cùng chê bai mấy ông khác cùng đoàn vì đã không biết tận hưởng cuộc sống tươi xinh.
   Rủ nhau vào nhà vệ sinh, đái một bãi cho bớt nặng bụng, hai ông gọi:
      - Lơ thanh toán.
   Anh bồi lập tức di chuyển và chỉ khoản 30 giây sau đã xuất hiện với nụ cười rạng rỡ cùng tờ bill trên tay.
Bữa ăn của hai vị thực khách hết tổng cộng 59 Euro. Ông lơ móc ví đưa cho anh bồi 60 Euro, đưa mắt nhìn dòng người bộ hành ngoài cửa sổ. Anh bồi nhận tiền và biến mất một lúc khá lâu rồi quay lại với chiếc khay chứa một mớ tiền xu lẻ óng ánh.
   Ông lơ kiên nhẫn nhặt từng đồng cent lẻ trong ánh mắt nhấp nhổm của anh bồi. Nhặt đến đồng cuối cùng, vừa đứng lên ông lơ vừa nói với bạn:
     - Ông thấy không, tiếng Pháp dễ lắm. Lơ muôn năm!
   Hai ông mãn nguyện rời nhà hàng. Anh bồi vẫn kính cẩn sát nút theo sau. Qua cửa chính, anh bồi gập mình với điệu bộ hết sức cung kính và nói nhỏ với hai vị thực khách:
     - Lơ lơ cái con cặc. Bố tao mà không đi lính Lê Dương, hiếp mẹ tao thì chúng mày cứ ngồi đấy mà lơ!
Hà nội, ngày 25 tháng 09 năm 2013
Phạm Phú Quảng
No comments

Wednesday, September 25, 2013

ÔNG NỘI TÔI

    Tôi nghe tiếng xe công nông xình xịch chạy về, thấy lạ vì xưa nay hiếm khi ba má tôi đi làm về trước bốn giờ chiều. Ba tôi chạy xe vào nhà kho, vừa dứt tiếng máy nổ thì tôi nghe Má tôi khóc thét “ Ua, cha ơi, răng thương ra rứa cha hề”. Tôi hiểu ngay sự tình và toàn thân run rẩy. Ông nội tôi đã vinh viễn ra đi vào khoảng 14h45’ chiều ngày hai mươi tháng tám năm Quý Tỵ (24/9/2013 Tây lịch).

***
   Năm 1930, trong căn nhà bé nhỏ tại xã Nam Yên (nay là Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An, có một đứa trẻ khóc oe oe chào đời. Cậu bé ấy ôm bầu sữa và cứ thế lớn lên trong vòng tay mẹ. Sống trong những năm đất nước còn xâm lược nên từ nhỏ, đứa bé ấy nghe được những câu chuyện như: “Có một thằng lính Pháp hỏi xách mé người trong làng rằng “Ê, ông kia”. Người nông dân ấy trả lời: “Ông Kia ở bên Nam Anh chớ ở đây không có ông Kia”. Mẫu hội thoại trên ngụ ý rằng người xứ Nghệ khôn ngoan và lắm lý lẽ. Xã Nam Yên và Nam Anh được phân ranh giới bởi rú (quả đồi) Anh. Sáng sớm, cậu bé lon ton cùng mẹ đi chợ Tro, chiều về chạy theo anh cả sang Nam Anh đi chợ Chùa. Thật là may mắn khi cả gia đình đều gắng gượng thoát chết nạn đói năm 1945. Sau năm ấy cậu bé bắt đầu có dáng dấp của chàng thanh niên. Hình dáng thấp bé nhưng rắn rỏi và bàn tay thoăn thoắt làm việc. Da cánh tay và khuôn mặt nhuốm màu mật mía vì nắng cháy, nhưng lồng ngực thì trắng trẻo “lắm em mê”. Nhưng con nhà nghèo nên anh chàng không dám yêu đương vội.

   Đến cái tuổi ong đi tìm hoa, chàng trai đã phải lòng một cô gái hát ví Phường Vải trong đêm hội giao lưu giữa các làng. Bờ môi hình trái tim cùng khuôn mặt trắng trẻo mịn hồng của cô gái đã làm chàng trai mất ngủ nhiều đêm, chỉ mong trời sáng thật nhanh để chạy sang làng bên ấy...ngắm nàng. Nàng đỏng đảnh, vùng vẫy, nói em nỏ lấy anh mô (Em không lấy anh đâu). Nhưng càng nghe “em nỏ lấy anh mô” thì chàng càng nói “anh nỏ bỏ em mô”. Ong cứ thế vờn quanh hoa, hoa cứ thế đỏng đành chòng chành theo ngọn gió, nhưng sau cùng ong cũng được đậu trên cánh hoa mềm.

   Từ ngày chàng trai ấy có vợ, chàng lo lắng vun vén cho tổ ấm xinh xinh của mình. Năm 1959 chàng được làm cha và đến năm 1972 đã là cha của ba cô con gái và bốn cậu con trai. Người cha ấy bám ruộng nuôi con, buổi nông nhàn thì đi hái và thái thuốc lào cho người ta. Ông nào có biết đó là nguyên nhân của căn bệnh tràn dịch màng phổi sau này. Miễn sao có tiền đem về nuôi vợ nuôi con là được. Người chồng ấy thương vợ lắm, trọn một đời không để cho vợ phải nhúng tay giặt quần áo cho mình.

   Năm tháng trôi đi, các con của ông dần khôn lớn. Trưởng nữ lấy chồng, trưởng nam lấy vợ. Trước phong trào “cuốn chiếu vào Nam làm kinh tế mới”, có một người con trai thứ xin Cha Mẹ cho phép vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thương con, ông đã không cho đi. Nhưng con thương Cha Mẹ túng thiếu cho nên quyết ra đi để nhà đỡ một miệng ăn và mong có thể tự lập. Đứa con trai ấy đi làm thuê cho một chủ hộ cà phê của nông trường thuộc tỉnh Dak Lak. Một lần đi ăn cưới người đồng hương, cậu ấy đã bị hớp hồn bởi nét duyên dáng của cô phù dâu. Rong ruổi với chiếc xe đạp cả năm trời cậu mới được nàng gật đầu cho rước về làm vợ. Đọc thư con trai gửi, người cha bán lúa, mua một cái chum và một cái nồi để đem vào cho con. Rồi đem cau trầu xuống xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An để xin dâu. Gọi là xin dâu thế thôi chứ con cái của hai gia đình đều ở trong Tây Nguyên cả. Lúc đó, ở Dak Lak con trai ông và con dâu đã ra mắt tổ chức và có bữa tiệc ngọt nho nhỏ gọi là đám cưới. Ngày xưa gửi thư về quê rất lâu thấu địa chỉ và lo một khoản tiền để vào Tây Nguyên không phải dễ. Cho nên ai nấy đều biên thư về thông báo rồi tự ra mắt cơ quan đoàn thể trong này thôi.

  Lần đầu tiên, người cha ấy bước chân lên đất Tây Nguyên, màu đất đỏ thắm chứ không đỏ gạch như đất Nam Đàn quê ông. Hỏi thăm đường sá, người ta dẫn ông đến một nơi có người phụ nữ trẻ đang quét sân:

     - Cô ơi, cho tui hỏi đây có phải là khu tập thể không?
Người phụ nữ ấy buông tay khỏi cái chổi, chạy vô nhà, hét lên:

     - Anh ơi, có phải cha đây không anh?

  Chồng cô ấy vùng dậy khỏi giường, bước ra cửa. Cha con ôm nhau khóc. Đã mấy năm rồi cha con không gặp nhau. Tết nhất mong được sum vầy cũng chẳng thấy con về. Người cha vừa khóc vừa hỏi trong niềm tự hào:

     - Nhà của các con to ri à?

     - Nỏ phải mô cha ơi. Họ phân cho ở tạm đó cha à. Người ta phân cho vợ chồng con một mảnh đất nhưng mà năm nay chồng con không được tuổi làm nhà.

     - Rứa thì cha đứng tên chủ nhà cho. Cha mẹ mua cho hai đứa một cái chum, một cái nồi. Xe cộ khó khăn nên nỏ mang vại (cái chum) vô được. Có cấy (cái) nồi đây, các con lấy mà nấu.

   Thế là ba cha con cùng nhau bắt tay làm tạm cái nhà gỗ. Gỗ có được là do ngườ con trai lên rừng chặt về. Ở gần được một năm thì ngoài Nghệ An có chuyện nên người cha phải về giải quyết. Lúc ấy con dâu đã mang bầu, ông thương hai vợ chồng bơ vơ nơi xứ Ngườilắm nhưng đành phải về. Trước khi lên xe ông dặn:

     - Cha giờ phải về, nỏ chờ được đến khi đẻ cháu. Khi mô đẻ, nếu là con trai thì đặt tên Nam vì hắn được sinh ở miền Nam. Nếu là con gái thì đặt tên là Phê vì sinh ra ở xã Ea Phê. Nha con! Cha về nha. Khi mô có điều kiện, cha lại vô nữa nha.

***
   Người cha ấy chính là ông nội tôi. Còn con trai và con dâu tất nhiên là bố mẹ tôi. Còn đứa bé đáng lẽ có cái tên Trần Thị Phê ấy là tôi. Tôi là con ngọc con ngà của Ba tôi cho nên Ba đặt tên cho tôi nghe mỹ miều lắm.

    Năm 1992, mẹ sinh em trai tôi. Ông vào và lần này thì quyết đặt tên em trai tôi với ý nghĩa là thành công thành đạt. Hai chị em tôi sinh ra trên đất khách, xa ông bà nội ngoại nên được dòng họ cưng chiều hơn. Sống được ít tháng với gia đình tôi thì ông lại về quê để cày bừa. Hồi ấy gia đình chúng tôi sống với người Quảng Nam. Tôi gọi Ba Má thay vì Cha Mẹ là vì vậy. Ba Má tôi là người Nghệ An, thân cô thế cô sống với người quê khác. Chúng tôi đã có những người hàng xóm khác gốc gác tốt bụng lắm. Nhưng đôi lúc vẫn chạnh lòng vì ai đó nhại giọng xứ Nghệ. Người ta bảo chửi cha không bằng pha tiếng mà.

    Năm 1993 ba tôi xin làm công nhân trồng cà phê và từ đó chúng tôi chuyển nhà lên sống với người cùng làng cùng xã với ba tôi lúc còn ở quê. Sống với người cùng quê có cái lợi vô cùng đó là lâu lâu có hàng xóm về thăm quê thì chúng tôi có thể gửi cho ông bà nội ngoại một gói mì chính hoặc là một lon hạt Tiêu. Rồi đến khi hàng xóm trở vào thì có thể cập nhật tình hình sức khỏe của ông bà. Và ông bà cũng có thể gửi can tương Nam Đàn hoặc một gói kẹo Cu Đơ cho chúng tôi ăn. Ngọn khoai lang luộc mà chấm với tương Nam Đàn thì ngon hết sảy.

   Tết Nguyên Đán năm 1997, Bà ngoại tôi ốm nặng, ba mẹ con tôi về để nhìn mặt lần cuối nhưng may mắn bà khỏe lại và sống đến năm 2006 mới qua đời. Năm 1997 là lần đầu tiên tôi được về thăm quê cha đất mẹ Nghệ An. Hồi đó tôi còn bé quá, mới học lớp một nên giờ chẳng nhớ kỷ niệm nào nữa cả. Tôi cứ ước mãi được ăn tết tại Nghệ An thêm một lần nữa. Năm ấy ông nội theo ba mẹ tôi vào Dak Lak vì thương Ba Má tô i mới bị trộm hết toàn bộ tài sản. Với lại ông muốn vào xem nơi ở mới của gia đình tôi. Ông muốn ra thăm lô cà phê của gia đình tôi. Và hơn thế nữa ông muốn đỡ đần ba má tôi chút ít công việc chăm sóc cà phê. Năm ấy ba tôi “liều mạng” xây nhà. Đem giấy tờ xe và chứng minh nhân dân cắm dưới nhà chủ vật liệu xây dựng. Ba tôi tự thiết kế bản vẽ căn nhà, ký nợ toàn bộ vật liệu và hứa là cuối mùa cà phê sẽ bán sản phẩm lấy tiền đem trả. Ông nội tôi thêm một lần phụ hồ và làm tất cả mọi việc từ bé đến lớn giúp con ở nhà quán xuyến việc xây nhà. Ba má tôi yên tâm đi thu hoạch cà phê và nộp sản lượng cho công ty. Làm nhà vào mùa thu hái cà phê là điều vạn bất đắc dĩ đối với dân làm cà phê. Cuối năm 1997 ông về Nghệ An để đón xuân 1998. Lòng ông rất vui vì năm ấy ba tôi làm nhà mà giá cà phê lên, chỉ một mùa cà đã trả đủ số nợ.

    Hè năm 1999, chồng cô ruột tôi vào Dak Lak ăn cưới cháu họ. Ba má cho tôi theo dượng về Nghệ An thăm ông bà nôi ngoại. Ông nội tôi thương tôi lắm, tôi mới về dưới bà ngoại có ít hôm mà ông nhớ tôi chịu không nổi. Năm đó tôi đã chín tuổi rồi nên cũng nhớ được nhiều kỷ niệm rồi. Mãi đến hè năm 2007 tôi mới được về Nghệ An lần thứ ba. Thăm ông, lúc ấy tóc ông đã bạc nhiều rồi. Lúc ba cha con tôi vào thì ông muốn đi theo lắm nhưng sức ông hơi yếu. Mà ông thương con cháu lắm. Hồi ở trong này với gia đình chúng tôi, mỗi khi trái gió trở trời, ông bị cảm cùm nhức mỏi, ông đều đòi về quê gấp. Bởi vì là ba tôi một mình ở trong này, lỡ ông có bề gì thì ông biết ba má tôi lo không xuể. Còn sáu đứa con còn lại của ông phải rủ nhau chạy vào Dak Lak chịu tang thì tốn kém cho họ. Và hơn thế nữa, ông nội tôi muốn trút hơi thở cuối cùng ở quê nhà

   Năm 2008, tôi đỗ đại học Quy Nhơn. Ông phấn khởi vì có đứa cháu đầu tiên trong dòng tộc đỗ đại học. Dù đã ở tuổi bảy mươi tám, sức đã yếu nhưng ông vẫn chịu khó ngồi một ngày một đêm vào Dak Lak dự tiệc ăn mừng đậu đại học của tôi. Sáng hôm tôi lên xe đi nhập học, tôi chào tạm biệt ông. Chẳng ngờ đó là lần cuối tôi được thấy mặt ông nội.
***
   Chiều hôm qua, ông lên cơn tấn thở. Và lịm đi trong tiếng gọi “Cha ơi” của cô ruột tôi. Sau đó anh em họ hàng quy tụ về nhà chú út của tôi. Có một người bác (con của anh trai ông nội tôi) gọi điến báo cho ba má tôi biết chuyện. Lúc đó ba má đang hái dở một cây cà phê. Má tôi òa khóc, còn Ba tôi điềm tĩnh đến lạ lùng, kéo lưới và hất tất cả lên moóc xe công nông rồi chạy về nhà. Tôi nghe mẹ òa khóc và một lát sau định tâm thì chuẩn bi vài bộ quần áo cho ba tôi về quê gấp. Tôi không được về cùng vì trong năm nhà tôi đã có nhiều lần đi vào đi ra chăm sóc ông ốm nên nói thật là tiền bạc không còn nhiều. Hơn nữa nếu tôi mà về thì má tôi không thể một mình ở nhà đối phó với bọn trộm cướp cà phê được. Tôi phải ở nhà trông nom sân cà đang phơi. Còn mẹ tôi phải ra lô cà phê canh gác chống trộm. Làm cà phê, sợ nhất là có người thân mất giữa mùa thu hái hoặc đang đợt tưới nước cà phê vào mùa khô. Mùa cà phê đến, bọn trộm cướp chỉ chờ chực xem nhà ai có chuyện để nhảy ùa vào bẻ trộm cành trái cà phê. Chúng cạy cửa nhà để ăn trộm tiền. Chúng biết nhà nào cũng phải có sẵn tiền để thuê nhân công hái cà phê. Nếu cả gia đình chúng tôi cùng về Nghệ An để tiễn đưa ông nội thì tôi không biết lúc vào, chúng tôi sẽ có số nợ là bao nhiêu. Ôi chữ tiền nó đang nặng hơn chữ hiếu?!?

   Những ngày nhà tôi còn đói khổ thì ông đỡ đần, đến ngày gia cảnh nhà tôi có thể phụng dưỡng ông đầy đủ hơn thì ông lại qua đời. Đại gia đình chúng tôi thương ông mà thương ở chỗ đó. Ôi một kiếp người đã qua!

    Nếu như đứng trên khía cạnh tâm linh thì Ông nội tôi đã thương con cháu nên đã ra đi vào ngày tốt. Ông gắng gượng chờ con cô ruột tôi cưới chồng rồi mới mất, ông biết mùa cà phê chín rộ thì ba má gần như phải lựa chọn giữa chữ hiếu và chữ tiền  nên đã ra đi vào đầu mùa. Lòng tôi càng quặn thắt hơn khi nghe người ta nói nếu sang năm ông mất thì là năm xấu. Đến lúc chết, ông vẫn phải hy sinh vì con cháu. Thương ông lắm. Ông nội của cháu ơi. Một chút nữa thôi ông sẽ mãi nằm tại rú Anh. Cháu gái bất hiếu không về tiễn đưa được. Cháu có lỗi. Ôi bi kịch của lập nghiệp xa quê! Cầu mong cho hương linh ông nội tôi được siêu thoát! Nam Mô A Di Đà Phật!

    Buôn Ma Thuột, 25/9/2013. Viết trước lễ di quan và an táng ông nội. Gửi về xứ Nghệ nỗi đau khôn tả.

Tây Nguyên Xanh
6 comments

Monday, September 23, 2013

LƯU LUYẾN MÙI HƯƠNG HOA CHÈ

Tác giả ảnh: Nguyễn Thanh Miền
 Đông Phước Hồ
    Mùa hoa chè nở rộ. Hương hoa chè dìu dịu bắt đầu quyện vào làn gió ban mai len nhè nhẹ từng ngỏ ngách. Chưa thấy ai hái hoa chè về cắm trong bình để mà chưng bao giờ. Hoa chè được thế cứ tự nhiên mà nở, say đắm toả hương, rồi tự tàn theo quy luật đất trời. Để từ đó hiện ra những chùm quả nhỏ, lớn dần lớn dần, rồi chín, rồi rụng, rồi mọc lên vô số những lớp chè kế cận.
    Ra giêng, nắng hanh hanh vàng trộn lẫn những màn mưa, trắng núi trắng đồi. Như tiếp thêm năng lượng cho cây chè cằn cỗi, dồn hết sức bình sinh mà đâm chồi nảy lộc. Lộc chè xanh non. Xanh cái màu xanh ước vọng ấm no của những con người suốt một đời gắn bó với cây chè. Bọn trẻ vùng cao chúng tôi lớn lên, được đến trường, được mặc quần áo mới cũng từ lộc chè xanh non mà mẹ và chị chắt chiu, dè xẻn.
    Cây chè gắn bó với chúng tôi thân thiết như người bạn từ thuở não thuở nào. Bọn con gái thường hái hoa chè về chơi đồ hàng hay đem gắn lên tóc để hóa trang làm cô dâu trong trò chơi đám cưới. Lũ con trai thì lượm những hạt chè rụng đầy gốc đem về bán lấy tiền mua vở, mua bút. Nhưng trước khi đem hạt chè đi bán thế nào cũng lựa lấy những hạt to và tròn nhất để làm bi mà bắn. Ôi ! Những viên bi hạt chè lăn cả vào trong giấc ngủ cho đến tận bây giờ. Nhưng có lẽ thích thú nhất và nhớ nhất là những buổi chiều lộng gió cùng chúng bạn thả bò ven những đồi chè. Tranh thủ thả những con diều tự tay cắt dán từ trang vở học trò đã cũ. Cánh diều thong thả bay, rồi bất ngờ nhào lộn vì gió mạnh. Chúng tôi toác hết mồ hôi để điều khiển cánh diều nhưng cuối cùng diều cũng đứt dây theo gió bay về với rừng với núi. Để lũ trẻ phải chạy ngược lên đồi chè nheo mắt nhìn theo, ngẫn tò te vì tiếc nuối…
   Mùa hoa chè nở trắng. Màu trắng trong suốt như không thể trắng thêm được nữa, khiêm nhường, e ấp nấp vào nách lá mà âm thầm nở. Trong tận cùng màu trắng ấy những hạt vàng phấn li ti toả ra thứ mùi thơm nhẹ nhàng, dịu ngọt, không lẫn vào đâu được. Tôi dám chắc những cô công nhân hái chè một đời gắn bó, không thể rời bỏ làng quê, không thể bỏ nghề cũng bởi cái màu trắng và cái mùi thơm đậm chát ấy ! Thưởng thức hoa chè không đợi phải cắm vào bình vào lọ. Cứ vạch lá chè ra, đưa mắt gần lại mà ngắm nghía. Cứ phải đưa sát mũi vào tận nách lá mà ngửi. Thế mới đã ! Mới thấy lòng mình nhẹ tênh tênh!
   Mỗi người ai cũng có một cái riêng để dành nhớ riêng mình. Ông nội tôi đi xa chỉ mới dăm bảy ngày đã trông về nhà để khề khà với bát nước chè xanh. Chị tôi đi thăm bà con dưới phố, định ở chơi mười ngày nửa tháng vậy mà một hôm, sực nhớ đồi chè lại quay về. Còn tôi lại dành riêng cho mình mùa hoa chè nở rộ để nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ…
No comments