Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, October 11, 2013

NỖI BUỒN RIÊNG CHUNG

Tác giả ảnh: Nguyễn Na Sơn
   Chị hỏi “ở trên đó có lập bàn thờ và em có đi thắp nhang cho Cụ không?”. Lặng mình mấy giây rồi tôi nhắn trả lại là “không”. Có nghĩa là tôi không đi thắp nhang chứ sự vĩ đại của Cụ đáng được mọi nơi trên Tổ Quốc này tôn thờ. Phú Yên quê chị có lập bàn thờ thì có lẽ Dak Lak cũng có làm bàn thờ Cụ. Mấy hôm nay Hà Nội như lặng mình giữa trời thu ảm đạm, người ta sống chậm lại, người ta bước đi có thứ tự để được vào căn nhà số 30 trên con đường Hoàng Diệu. Nhìn dòng người đang nhích từng chút ấy khiến tôi không khỏi tự hỏi bao giờ mới đến lượt tôi. Tôi muốn tự tay mình viếng tang Cụ ngay tại căn nhà số 30 ấy, nếu không được thì mai này tôi muốn về nơi Cụ an nghỉ để thắp nhang. Nếu ai cũng có lối nghĩ như tôi thì có lẽ con đường Hoàng Diệu của Thủ Đô sẽ không có đủ không khí cho nhân dân cả nước hít thở khi cùng nhau đổ về thắp nhang cho Cụ và mai này sẽ có nhiều người như tôi muốn về Quảng Bình thắp nhang lên mộ Cụ. Người ta sẽ biết nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến quê hương của Cụ. Tiềm năng du lịch của quê hương Cụ nhờ đó mà được củng cố. Có phải chăng vì thế mà Cụ muốn được về với quê cha đất mẹ Quảng Bình sau khi sống trọn một kiếp người trứ danh.
Cụ Võ Nguyên Giáp_Người chụp: Nguyễn Quang Vinh
   Chiếc lá nào cũng nhằm hướng gốc cây mà rụng nhưng phải tùy vào hướng gió mà biết lá sẽ chạm nơi nào trên mặt đất. Cụ cũng giống như chiếc lá vậy, Cụ muốn về quê hương an nghỉ nhưng khi nào cụ về tới đó lại do người đang sống quyết định. Dư luận nói nhiều về sự ra đi của Cụ, có lời tiếc thương và có lẫn cả những lời lẽ săm soi thuở sinh thời của Cụ. Cụ trứ danh quá cho nên nơi an nghỉ của Cụ cũng được bàn nhiều trên báo chí chính thống và mạng xã hội. Lịch sử đã chọn Cụ và Cụ cũng đã hết mình vì trang sử vẻ vang của dân tộc. Là kẻ hậu sinh, lại vốn lười đọc sách nên tôi chỉ biết rất ít về Cụ. Tôi không có quyền đánh giá lời nói của ai về Cụ là đúng hay sai nhưng tôi muốn người ta cho Cụ được một vài giây phút làm người bình dị. Họ đang tôn vinh Cụ hay là đang khuếch trương tầm hiểu biết của họ vậy?
   Cụ ra đi sau những ngày quê hương nổi bão giông. Gió cuốn bay hàng ngàn nóc nhà, thổi sập biết bao bức từng che mưa nắng của dân. Nước cuốn trôi hàng trăm con vật nuôi. Kế sinh nhai của người dân bị bão cuốn đi sạch sẽ. Tôi vẫn tưởng những người dân ấy sẽ vật ra mà khóc mà kêu trời ơi đất hỡi. Tôi cứ nghĩ lúc này dân Quảng Bình chỉ quan tâm bao giờ có tiền cứu trợ, nhưng thực sự họ đang thắc mắc khi nào Cụ về tới quê hương. Họ cố khắc phục hậu quả sau bão và góp sức trang hoàng nơi yên nghỉ của Cụ. Bên cạnh nỗi buồn riêng vì thiên tai, giờ đây họ cũng có một nỗi buồn chung với đồng bào cả nước. Mấy ai được lưu giữ trong lòng toàn dân và toàn quân được như Cu và chủ tịch Hồ Chí Minh.
   Tây Nguyên chúng tôi chưa bao giờ hứng bão. Nhưng những ngày bão về tàn phá vùng ven biển nào đó của xứ Việt này thì trời Tây Nguyên cũng trút mưa. Cụ Võ Nguyên Giáp ra đi, nước mắt của người Tây Nguyên chúng tôi cũng hòa vào dòng lệ của đồng bào cả nước. Chẳng cần truyền hình Trung Ương và ban tuyên giáo của địa phương thông báo Quốc Tang mà tự trong lòng mỗi chúng tôi đều tự nhủ nên bớt cười, bớt giỡn, bớt trêu ngươi kẻ khác một chút, sống chậm lại một chút và thắp nén nhang lòng tưởng nhớ Người đã khuất. Già trẻ trai gái sống trên khu vực Tây Nguyên chưa bao giờ tách biệt với nhịp thở của đồng báo cả nước.
   Còn với gia đình tôi, ông nội tôi mới mất được mười ngày thì nghe tin Cụ ra đi. Nhà vốn có tang nên tôi cũng không biết nỗi buồn lúc này là nỗi buồn riêng hay chung nữa. Chỉ biết rằng tôi chờ từng phút để xem truyền hình trực tiếp lễ di quan và an táng Cụ. Nguyện cầu  cho hương linh của ông nội và của Cụ Võ Nguyên Giáp được sớm về nơi cội nguồn giải thoát. A Di Đà Phật!
Chín mươi xuân, Cụ vẫn tưới cây rất khỏe. Ảnh chụp trong lần cuối Cụ về thăm quê lúc sinh thời. Người chụp: Nguyễn Quang Vinh
Buôn Ma Thuột, chiều 11/10/2013
Tây Nguyên Xanh


No comments

Thursday, October 10, 2013

MỘT NGÀY LÀM CON

Tác giả ảnh: Hồ Anh Tiến
   Người con gái ấy sinh trong những ngày mùa mưa Tây Nguyên. Cô bé nhỏ như con chim chích bẻo và cô cũng nói luyên thuyên suốt ngày như lũ chim hay hót vậy. Tính cô vui lắm nhưng chẳng hiểu sao người ta nói cô khó gần. Có lẽ bởi vì cô vốn là kẻ tùy-vào-cách-đối-đãi-của-người-khác-để-hành-sự. Cô nhìn mọi vật với ánh mắt dò xét như mũi kéo đi tỉa gọt những mầm non lổn nhổn trên cành. Ánh mắt ấy khiến người ta ngại nhưng mà nếu ai đã trót thương ánh mắt ấy thì thương thương hoài.

   Mỗi buổi sáng, tiếng dép mẹ đi nghe lẹt xẹt và tiếng cạch mở chốt cửa làm cô bé thức giấc. Con mèo nghe tiếng chủ mở cửa nên đứng dậy chậm chạp nhảy ra khỏi miệng bao cà phê khô và thong thả bước lên chính thất của căn nhà. Nó tìm đến cái gường của cô chủ, nó nhảy phốc lên chiếc giường. Tiếng khò khè phát từ cái cổ đang rung của con mèo làm người con gái đang nằm trên chiếc giường thức tỉnh. Cô luôn hé mở tấm mền mỏng rồi hí mắt nhìn ra cửa sổ. Thấy bầu trời có màu lam rồi nên cô ngồi dậy, xem con mèo đang mò tìm hơi ấm của chiếc mền, cô thương nó nên chưa bao giờ nỡ đuổi nó ra.
   Cô đi đánh răng rửa mặt, nếu mẹ chưa nhóm bếp, đun nước sôi thì cô sẽ làm. Cô trèo lên gác, lấy ly và bình nước cúng trên bàn thờ ông nội xuống chùi rửa rồi hoàn lại vị trí cũ. Cô đồ một vài loại nấm khô ra ngâm nước nóng cho nhanh nở. Rồi cô đi ra vườn hái lá chè. Lúc quay vào thì ấm nước đã nghe ò è có dấu hiệu sôi. Cô đổ ấm nước cúng và tráng nó, sau đó vò lá chè tươi vào cái ấm tích. Nước sôi sùng sục thì cô đổ một ít nước vào ấm chè để tráng rồi đổ thứ nước có lẫn nước lạnh ấy đi. Sau đó đổ đầy cái ấm tích. Cô rửa chiếc đĩa sứ rồi đặt ấm tích lên đó rồi bưng lên bàn thờ ông nội. Mẹ thường nấu cơm lúc buổi tối ngày hôm trước nên sáng ra cô chi việc xào nấm rồi đơm cơm đưa lên bàn thờ ông nội. Cô thắp nhang vừa cúng cơm ông nội vừa kết hợp thắp một tuần hương buổi sáng trên các bàn thờ từ trong nhà ra ngoài ngõ. Mười tiếng chuông cô đánh, cô muốn nó vang vọng bốn cõi mười phương. Lạy tạ và ngắm nhìn hương cháy trên bát hương, cô thấy vững tâm hơn hẳn. Thắp nhang chào ngày mới dường như đã là thói quen có từ rất lâu của gia đình cô.
   Cúng cơm sáng cho ông nội xong thì cô lại đun một ấm nước khác để làm nước chè cho bố mẹ cô uống. Làm xong thì mẹ vừa đi chợ về và bố cũng toanh cà phê trải khắp sân để phơi. Cả nhà ăn cơm sáng và sau đó là bố mẹ đi ra lô cà phê, còn cô ở nhà tiếp tục...chơi. Trời Tây Nguyên mùa này sáng nào cũng có màu lam của màn sương và màu vàng của ánh nắng. Nắng không đủ gay gắt để ngay lập tức làm khô cạn các hạt sương, nắng chỉ có thể dần dần xuyên thấu sương và dến chính Ngọ thì sương mới giảm đi đôi chút.
   Bố mẹ đi ra rẫy là lúc khoảng bảy gờ kém, lúc ấy cô rửa dọn chén bát xong, vừa ráo tay là cô mở máy tính ra xem tin tức và vào mạng xã hội Facebook. Ông cô mới mất hơn hai tuần lễ, quốc gia lại đang có đại tang của một vĩ nhân nên cô chẳng có hứng châm chọt ai cả. Có chăng chỉ là đôi lúc cô muốn trở lại cái thời như chưa hề có nỗi đau mất mát. Chơi gì thì chơi nhưng đúng chín giờ sáng thì cô bắt đầu nấu cơm trưa. Bản năng cô chậm chạp nên phải sửa soạn công việc sớm. Bình thường buổi sáng cô chỉ có khoảng hai tiếng đồng hồ để trực tuyến trên mạng xã hội. Dạo này cô thấy mệt trong người nên cô ít mở máy tính mà chuyển qua đọc sách. Hôm thì cô đọc tản văn, truyện ngắn hay thơ của ai đó nhưng hầu như ngày nào cô cũng dành một ít cho tiếng Anh và tiếng Trung. Cô đơn độc với bốn bức tường nên chỉ có ngoại ngữ làm cho cô vui. Cô thích học ngoại ngữ. Mặc dù cô cũng chẳng biết mình học để làm cái gì. Chỉ vì cô muốn mình cuồng quay khi phải tra từ điển để giết những suy nghĩ tiêu cực chán đời có trong đầu cô. Cô sướng lắm, cô chơi mạng xã hội toàn được sự giúp đỡ tận tình của bạn bè. Cô thất nghiệp nên nói thật là có đôi khi cô lợi dụng bạn bè trên mạng ảo để nhờ mua giáo trình ngoại ngữ hoặc sách truyện. Trớ trêu thay, hình như họ biết nhưngvì thương cô mà họ chiều cô hết mực
   Lại nói đến việc nhà của cô bé ấy. Đúng chín giờ thì cô cất máy tính trong rương hoặc gấp cuốn sách đang đọc lại. Cô đi cắm cơm và sơ chế thức ăn. Cô lên gác, lấy cơm và ly nước cúng buổi sáng xuống, trút hết ra và rửa. Vì nhà cô chỉ cúng cơm chay cho nên cô xào đồ chay trong cái nồi chuyên nấu cúng. Xong thức ăn chay rồi cô mới nấu đồ ăn mặn. Nấu xong thì khoảng hơn mười giờ, cô ngồi đọc sách đến khoảng mười một giờ kém thì bắt đầu đơm cơm cúng ông nội. Cô thắp một tuần nhang buổi trưa ở các bàn thờ từ trong nhà ra ngoài ngõ. Vừa cắm hai cây nhang hai bên cổng xong, cô liền cầm cái cào răng cưa để cày cho cà phê nhanh khô. Vào đến nhà, cô bới cơm và đồ ăn vào cặp lồng chuẩn bị đem cơm cho bố mẹ. Có hôm bố mẹ về lấy, có hôm cô phải đem cơm ra rẫy cho họ. Sau đó cô vừa ngồm ngoàm nhai cơm vừa xem bộ phim Tâm Hoàn Châu Công Chúa trên HTV7 lúc mười hai giờ. Tranh thủ lúc quảng cáo, cô đi cày cà phê cho nhanh khô.
    Mùa cà phê hay có bọn trộm vặt hốt cà đang phơi cho nên cô ít khi ra khỏi nhà. Cô hay ngồi một mình và gõ blog. Cô chơi blog lâu lắm rồi và Facebook cũng hơn một năm nay nhưng cô dành tình yêu cho blog nhiều hơn cả. Cô viết gì cũng đăng trên blog rồi mới đưa đường link lên Facebook. Cô có thể mất Facebook nhưng cô không muốn mất blog. Từ ngày có blog, cô sống lạc quan hơn và suy nghĩ khác hơn nên cô trân trọng nó lắm. Có hôm cô thích kiếm nhuận bút nên viết tản văn gửi báo. Lâu lâu cô cứ tham vọng như thế và có lúc thành công, có lúc...sầu. Buổi chiều là thời gian cô viết và đọc sách nhiều nhất vì đến bốn giờ chiều cô mới phải nấu ăn. Nếu trời động mưa mà bố mẹ chưa kịp về thì cô chạy ra cào và vun cà lại. Từ bé cô chỉ việc ăn và học cho nên cô yếu như sên. Làm có một tý mà thở hồng hộc, sáng ra toàn thân ê ẩm.
    Đến bốn giờ thì cô lại lên gác lấy cơm cúng xuống và rửa dọn. Nấu cơm mới, chuẩn bj cúng cơm tối cho ông. Nấu xong thì dọn nhà và dọn luôn...cái thân thể nhớp nhúa của cô nữa. Khoảng sáu giờ kém thì cô đơm cơm cúng ông nội. Cô lại thắp một tuần nhang buổi tối trên khắp bàn thờ gia tiên rồi chờ bố mẹ cô tắm rửa xong. Cả nhà “hì hục” ăn tối để kịp xem phim trên kênh VTC16 lúc bảy giờ kém. Xem phim xong., rửa chén xong. Coi như cô đã hoàn thành một ngày. Học từ mới một tý để sáng mai chỉ cần đọc hiểu mà không cần tra từ điển Hán-Việt hoặc Anh-Việt. Lắm hôm cô mở máy chơi Facebook nhưng khoảng mười giờ rưỡi là cô đi ngủ. Một ngày của cô bé ấy là như thế. Cô hạnh phúc vì mình được làm đứa con bé nhỏ của bố mẹ và cô cũng tự trách mình vì con ăn bám họ. Cô có lỗi. Có lẽ do cô bất tài nên xã hội xa lánh, số phận đẩy đưa...

Buôn Ma Thuột, 10/10/2013 – Tây Nguyên Xanh
4 comments