Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, October 25, 2013

LÊN TÂN CƯƠNG NGHE TRÀ KỂ CHUYỆN THĂNG TRẦM

LƯU CƯỜNG
1-
   Đúng là trà móc câu! Tôi chợt thốt lên làm ra vẻ sành điệu, thì bất ngờ có một bác ngồi bên bờ sông nói lại rằng, đây là thứ trà mốc cau sau khi đã làm hương, đánh mốc cho chè móc câu, tạo nên một thứ chè có mầu đốm trắng như hoa cau non. Thế mới là trà đặc sản Tân Cương. Thật rắc rối, tôi cười trừ rồi hỏi nó khác nhau thế nào, thế là tôi được nghe bao nhiêu chuyện từ người nông dân trồng chè này. Mấy người trên thuyền cũng xúm quanh ấm trà…
  Giọng ông trầm ấm, kể từ khi chè ở vùng này sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, nghĩa là chè sạch và áp dụng kỹ thuật trồng trọt hiện đại, chất lượng chè Tân Cương lại càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Nhưng ông nhấn mạnh, có mỗi chuyện hái chè là cái anh máy móc chịu chết, vì không thể tách ra được theo cái gọi là “một tôm hai lá”. Ông cười, thế là cả cái vùng chè rộng lớn này vẫn phải trông vào bàn tay khéo léo của các cô, các bà. Cứ phải “một tôm hai lá” mà chơi, mà ở cành non quá cũng không được, nát ngay. Vậy phải tinh con mắt, mơn mởn đấy, nhưng phải tựa cánh hạc cứng cáp…
Ông lim dim đôi mắt, nhớ lại cái đận vào những năm 1920, ông tổ ngành chè ở Tân Cương cũng đã lấy cái tên “Cánh Hạc” để quảng bá cho vùng chè mới mẻ này. Đó là hình tượng của búp chè một tôm hai lá đều nhau tăm tắp. Và chè ngon “Cánh hạc” đã được tôn vinh Giải nhất ở khu Đấu xảo (Hội chợ thương mại Hà Nội) năm 1935. Ngay lập tức các thương gia Ân Độ đã đến tận Thái Nguyên để đặt hàng mang đi các nước.
  Trầm ngâm một lúc, rồi ông diễn giải, cho dù với thương hiệu “Cánh Hạc” hay “Tân Cương”, hoặc “Tân Cương-Hoàng Bình”…thì vị chè ở đây không hề thay đổi. Nó còn được gọi là thứ “ngọc ẩm”, khác hẳn với chè các vùng lân cận, kể cả chè Phú Thọ, nơi mà chè Tân Cương đã lấy giống ở đó về trồng. Ông khẳng định giống hạt ban đầu là ở Phú Thọ đấy, nhưng mang về đất này trồng lại khác hẳn, đã biến hóa thành những cây chè xanh tốt có tán rộng tới hàng mét và có vị chát đậm và ngọt hậu mà những vùng chè khác không thể có. Điều này thì tôi cũng có những trải nghiệm nên rất tán thưởng.
   Tôi đã đến vùng chè Bảo Lộc, Lâm Đồng, hay Mộc Châu-Sơn La, hoặc Tùa Chùa, - Biên, hay Sa Pa-Lào Cai…đều không thể có dư vị ngọt hậu thơm đến thế. Ông bất chợt hỏi tôi có biết vì sao chè ở Tân Cương có nét độc đáo đó không. Tôi ớ ra và ngơ ngẩn như chú bò độ nón vậy. Ông lại cười thú vị nói, cái đất, cái nắng, cái gió, giọt sương, áng mây ở đây kỳ lạ lắm. Ông trời đã sắp xếp hết cả. Này nhé, ông kể con sông Công chảy qua làng là một nguồn nước vô tận cho việc tưới tiêu trên các đồi chè mâm xôi, đồng thời sông cũng là cái máy điều hòa thời tiết mỗi khi nóng bức gió đông lãnh lẽo. Ngay kể cả vùng Hồ Núi Cốc cũng góp phần tạo nên một không khí dịu mát thỏa mãn cho cây chè sinh trưởng. Còn nữa, ông chỉ về phía dãy núi Tam Đảo, chính là màn chắn che ánh nắng gay gắt phia Tây chiếu rọi vào các đồi chè. Những ánh sáng tán xạ tỏa khắp vùng tạo nên một độ ẩm của gió làm cho cây chè đọng lại những tinh chất của đất nuôi dưỡng.
   Ấy lại nói đến thổ nhưỡng là cái chính, đó là một bí mật của chè Tân Cương. Ông tả đất ở đây là đấy sỏi cơm, màu đỏ son, pha đất sét nhẹ, hơi bị chua (vì có độ PH từ 5,5-7,0), nên chè Tân Cương mới có vị chát đượm và ngọt hậu. Thế mới hay vì sao ánh mắt của các cô gái ở đây long lanh đến thế. Có thể vì cái nắng, cái gió và cái vị chè ở đây chăng, nên da người nào cũng đẹp mịn màng, với vóc dáng dịu dàng thon thả. Từ xưa ai cũng đều nhớ đến câu ngạn ngữ “Chè Thái-Gái Tuyên”, quả sự ví von này thật đẹp, thật ngon, nếu không lên đây thưởng thức hương vị chè tại nơi này.
  2- 

   Bất ngờ ông lái đò mời tôi lên đò đi dọc sông Công, để ngắm từ đầu đến cuối xã Tân Cương với hàng trăm đồi chè mâm xôi cùng những đồi chè bậc thang cuồn cuộn, tạo thành hàng trăm lớp sóng từ trên cao. Tôi mừng hết nói. Con thuyền đi chậm với những thùng chè đã được đóng gói. Ông lái đò chỉ về phía núi Guộc, chính ở đó là những trại chè đầu tiên của ông tổ chè Đội Năm. Ngày đó chè được cập bến rải rác hai bờ sông Công. Ngày ngày, tập nập thuyền đến ăn hàng. Rồi ông kể cũng chính tại nơi này, xã Tân Cương chính là địa chỉ quan trọng của Việt Bắc, khi là trung tâm đào tạo những sĩ quan của lực lượng vũ trang cách mạng vào những năm cuối thập niên 40 và đầu 50. Trụ sở các trường đều đóng ở đây. Đó là Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Trung đoàn Tu Vũ, và Trường Quân chính Quân khu Việt Bắc. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ chiến thắng lừng lẫy khắp năm châu bốn biển, đều có công đóng tích cực của những người con nơi đây.
   Con thuyền gần cập bến, ông nói tôi có thể đưa xe máy lên, rồi đi về phía nam Hồ Núi Cốc, một biển hồ gồm 89 đảo to nhỏ khác nhau, tựa như Hạ Long thu nhỏ vậy. Bất chợt, ông chỉ con nước sông Công mà kể rằng chuyện tình Chàng Cốc-Nàng Công đều bắt nguồn từ con sông này. Hai bờ sông là nơi chàng trú ngụ và đồi núi là nơi chàng thường lên đốn củi. Vì đời quá nghèo, chàng Công chỉ biết trút nỗi lòng vào tiếng sáo não nề. Có lần đi làm thuê cho quan lang, tiếng sáo của chàng Cốc đã làm mê hoặc tình cảm cô gái con nhà quan. Nhân duyên nảy nở, nhưng đâu có được. Chàng gặp bao thử thách và cay đắng để mong được hạnh phúc. Nhưng quan Lang đã phản bội lời ước nên chàng sống trong tuyệt vọng và hóa đá. Núi Cốc có từ đó. Còn cô con gái cũng sống trong khổ đau và thương nhớ người yêu và khóc ròng ngày đêm, rồi tan thành nước chảy đến không cùng, đó là dòng sông Công hiện nay…
Ảnh: Lưu Cường
   Giọng người lái đò buồn trĩu theo tôi, với chuyện tình đẫm lệ đi ngược con đường Tân Cương về thành phố Thái Nguyên. Phía sau tôi là Hồ Núi Cốc, bồng bềnh trong những cánh cò trắng bay với những áng mây nõn nà dưới bầu trời xanh mênh mang. Còn phía trước là khu Bảo tàng, hay là Nhà Văn hóa, hoặc khu Thương mại của xã Tân Cương, kề bên con đường. Khu nhà tổng hợp trên một bãi cỏ xanh rì được thiết kế khá đẹp, mang vóc dáng một khu thưởng trà xưa rộng rãi, nên có nhiều phòng uống trà. Nơi đây cũng là địa chỉ cho các thôn xóm giới thiệu các loại trà thành phẩm với chất lượng cao nhất. Tuy khu nhà văn hóa truyền thống này không thay cho cái chợ chè cũ Tân Cương của xã bấy lâu nay, nhưng người qua đường có thể rẽ vào thưởng thức trà ngon thơm mới ra lò và có thể tham khảo chọn mua về. Lại nhớ, ngày Lễ hội trà lần thứ nhất năm 2011 tôi có dịp vào đây, thưởng thức chè mộc ủ hương hoa Sói. Hương vị của “ngọc ẩm” của xã Tân Cương, cùng với những bộ sưu tầm ấm cổ, luôn là ký ức tuyệt vời đối với tôi. Hai năm trôi qua. Vậy mà nay, mọi người lại đang nô nức chuẩn bị cho Lễ hội trà lần thứ hai vào tháng 11, năm 2013, được tổ chức tại Thành phố Thái nguyên.
3-
   Khi rẽ vào phòng truyển thống tôi gặp lại câu chuyện của 80 năm về trước với lịch sử của thương hiệu “Con hạc” một thời. Cô gái thuyết minh nói, đó là niềm tự hào của người dân xã Tân Cương và cũng là niềm vinh dự của cả ba xã vùng chè Tân Cương này. Người dân vẫn còn ghi nhớ công ơn của ông qua những dòng chữ trên bức hoành phi: “Quân tử Vũ bản” và một câu đối: “Di dân không mất đi tinh thần, phong tục, đồng lòng khai phá hướng tương lai / Tụ nghĩa gian nan, chí hướng cũng gian nan, trước sau ăn ở trong sáng, vững bền”.
   Tôi đi miên man với sự mất còn của một chốn quê ngát hương. Cho dù chỉ một cái tên Tân Cương ngỡ là đủ, nhưng thực ra vùng chè này gồm cả ba xã cùng chung một khu vực sinh thái, đó là các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Vậy rất cần có những cái tên tạo nên thương hiệu cho Tân Cương cụ thể hơn nữa. Như ta đã biết, thương hiệu Tân Cương- Hoàng Bình, của một người từ xa đến xã dựng nghiệp chè, cách đây chưa lâu, đã có sức lan tỏa và xuất ngoại đi nhiều nước, trong đó có cả Mỹ. Ngẫm, tôi lại thấy tiếc cho cái tên “Cánh Hạc” là một thương hiệu lớn đầu tiên, đích danh của xã Tân Cương, cách đây 80 năm lại bị mất. Mà đối với thương trường hiện nay, việc tạo dựng được thương hiệu, mới là sự sống còn. Ôi nỗi nhớ! Hình ảnh “Cánh Hạc” một chiều cuối thu, man mác buồn tênh.
Nguồn bài: Blog Lê Thiếu Nhơn 


2 comments

Thursday, October 24, 2013

CHẤM LỬNG - 5

   Đáng lẽ chẳng gõ cái chấm rất...lửng này đâu nhưng mà có cái sự ngoài ý muốn xảy ra. Sáng sớm ngủ dậy thì cũng chu mỏ hôn cuộc đời như ai, rồi thì cũng thướt tha yêu kiều chải tóc chải tai chải luôn đôi chân mày ...đẹp hết sảy. Nổ tý, có đăng ảnh lên Facebook bao giờ đâu mà sợ bị chém hã hã.

   Thế rồi nắng không mời cũng tới, nó trải rộng ra bốn phương mười hướng. Người ta thấy nắng thì làm thơ kiểu như là “nhờ nắng gửi anh vài nỗi nhớ/ Ở nơi này em vẫn thấy trơ vơ”. Còn em, ối ồi ôi, quắn đít chạy đi cày cà phê giữa sân cho nên thấy nắng là em mệt rồi. Hu hu. Khổ thân ai đã mang nặng đẻ đau ra em. Nhưng mà cuối cùng thì em cũng kéo lên thụt xuống từ đầu đến cuối cái sân cà. Sau này các nhà ẩm thực có uống cà phê ấy mà, thì xin nhè nhẹ chạm làn môi vào tách nước cho em nhờ tý. Biết đâu cà trong cốc là do em phơi, em nâng niu “để mang đến giá trị chân thực của hương vị cà phê”. Kinh nhẩy? Hí hí.

   Nãy em cũng đã than rồi đấy. Em bị Facebook nó không cho gửi tình yêu vào tim ai đó cho nên em phắn đi nấu ăn. Nhớ “tềnh êu” mà, tâm hồn nó cứ hướng về Facebook. Em đổ rau vào xào, thế quái nào mà dầu nó văng mấy giọt vào cánh tay em. Huhu. Em bỏng rồi. Nói theo xứ Nghệ là phỏng rồi. Huhu. Rát lắm ấy. Khó chịu lắm ấy. Ứ ừ ư, em ứ nấu ăn nữa. Nhưng em sợ Tía Má em đói bụng. Thế là em “nén đau thương” để làm nên bữa cơm...ngon tuyệt. Chả biết ngon hay không nhưng em cứ nổ cho nó khí thế.

   Nấu xong, hí hửng chạy lên ôm “tềnh êu” thì hắn hỏi em đang nghĩ gì. Hu hu. Yêu mà không biết người ta nghĩ gì thì vứt đi cho rồi các cô các dì các cậu các mợ nhẩy? Nhưng mà em yêu quá nên phải nhịn hắn, em trả lời là “em đang tò mò xem anh hết đơ chưa?”. Hình như hắn sợ em đờ đẫn bên thằng khác nên hắn cũng nhanh nhạy chút. Hớ hớ. Cứ gặp trai “lanh lẹ” là khoái. Hí hí.

Tí nữa em kể nốt nhé. Giờ em lại đi cày cà và ăn cơm....Ới ời...có ai mớm cho mình không nhỉ??? Muốn lấy chồng rồi đấy...

   Cái sự muốn lấy chồng là do cái ảnh này tác động này....hí hí
Ảnh: Lê Trí
Buôn Ma Thuột – 24/10/2013 – Tây Nguyên Xanh
1 comment

Tuesday, October 22, 2013

CHẤM LỬNG - 4


Nguồn ảnh: internet
   Từ Canada bạn nhắn tin than rằng nhớ gió Tu Bông quá. Làm thế nào bây giờ, tôi cũng chưa bao giờ dừng chân ở Phú Khánh đủ lâu để cảm nhận gió ở đó rồi viết vài dòng miêu tả tặng bạn. Bạn đã sống ở xứ người gần như quá nửa đời người rồi nên cái nỗi nhớ quê hương nó là nỗi ám ảnh cho bạn và cả những ai đã đọc những vần thơ của bạn. Còn nhớ lúc quen bạn là khi tôi đang học xa nhà và là “đồng nghiệp tương lai” của bạn nên hai người trở nên thân thiết tự lúc nào không hay. Tôi có cái tham vọng sưu tầm sách giáo khoa môn Hóa học của trường phổ thông ở một vài nước sử dụng Anh ngữ và Hán ngữ, Bạn biết điều đó nên gửi về Việt Nam cho tôi cuốn sách giáo khoa môn hóa học lớp 12 của Canada. Cuốn sách ấy nặng như tấm chân tình của bạn gửi cho tôi vậy. Vậy mà cũng đã hai năm rồi bạn nhỉ.
   Bạn hỏi thăm mấy anh em blog ở Phú Thọ có gặp chuyện gì sau vụ nổ ấy không? Bạn ơi, tôi cũng đang chới với trong cái xã hội thông tin này đây. Chưa bao giờ tôi thấy khan hiếm thông tin như thế. Hôm nay tôi ăn trái bưởi Đoan Hùng mà thấy đắng và nhạt quá bạn à. Bạn hỏi tôi có còn lưu giữ được những mối quan hệ của banj bè ở Paris và Đài Loan không? Paris thì có nhưng Đài Loan thì chịu rồi bạn ơi. Yahoo blog chết, kéo theo cái chuyên mục Kiều Bào Xa Quê của tôi cũng mất theo. Ôi thật là buồn.
   Bỏ rơi bạn, tôi lượn lờ Facebook thấy một chị bạn bảo nhớ cái thời kỳ mới chơi. Trời ơi, tôi cũng nhớ lúc ấy nữa, Hồi đó tôi cũng trong cái hội ba láp ba sàm với chị mà. Tôi hỏi chị về một người lấy lính làm ảnh đại điện. Nội dung câu viết cũng đậm đà mùi lính. Anh ấy bảo anh ấy làm thầy dạy bắn súng cho lính mới. Lâu lâu anh ấy phải ngừng cuộc chát vì phải chấm bài cho anh em chiến sĩ. Các cái còm thì vui là vui thôi rồi. Mấy anh em cười ha hả thật là sảng khoái. Nào ngờ có một ngày anh ấy rắp tâm muốn cuỗm cái tiền xin việc của một cô bé, May mà cô ấy lanh, nhờ người có tiếng nói trong lĩnh vực văn hóa điều tra dùm ở nơi đó có cái sự việc đó thật không? Người đó bảo không. Ai chà, anh ấy lởm. Đi sâu thêm tý nữa, thì cô bé ấy biết anh ấy là lính lái xe mang quân hàm đại úy. Tôi muốn hỏi chị về anh ấy quá. Vì anh ấy lộ mặt làm sao có thể gian manh như vậy được. Chị cười phớ lớ, nói tao nhiều bạn quá, nhớ sao cho hết hả mày. Chắc chị đã quên hắn lâu rồi.
   Tự dưng nhớ thêm một người phụ nữ có hai con lớn tướng, có một ngày bỗng xin kết bạn với tôi. Bô bô khoe mới đi ăn đám giỗ về hoặc mới đi đâu đó về với người nhà. Cứ như gia đình họ hạnh phúc lắm. Tôi chúc mừng người ấy. Bỗng một ngày người đó nhắn tin hỏi khéo về hành tung của một lão bạn tôi. Tôi thật thà có bao nhiêu cũng xả. Cười ha hả mà chả hiểu cái ý của người ta. Rồi một hôm người phụ nữ ấy nhắn tin nhờ gỡ rối cái vụ chị ta bị một người đàn bà nào đó nói xách mé đánh ghen trên Facebook. Tôi vẫn tưởng chị là rau sạch nên giúp nói phớ lớ mấy câu. Ai ngờ ấy là một con sâu rõm. Ngứa thấy mồ thấy mả đó người ơi.
   Lại nhớ thêm cái anh chàng bác sĩ. Ối ồi ôi. Cả cái vùng lãnh thổ nơi anh sống chẳng có cái tên bác sĩ nào như anh. Tôi nhờ “điệp viên” bỏ công rà soát hết thảy các bệnh viện hiện có. Họp mặt mấy anh em Facbeook ở Quy Nhơn có một lần mà tôi bị mang tiếng được người ta chữa bệnh và yêu người ta vì cảm động. Ối ồi ôi. Tôi có người yêu là bác sĩ. Ối ồi ôi là ối ồi ôi....
Hôm nay lại nhớ chuyện vẩn vơ tầm phào vì ai đó khơi gợi về nỗi nhớ....Quạch! Hết nhớ. Ngủ!

Thành phố Buồn Muôn Thuở-22/10/2013-Tây Nguyên Xanh
No comments

CHẤM LỬNG – 3

Ảnh: Trần Đại
   Cứ tối thứ hai là cúng tuần cho ông nội. Thật đúng là khi sống thì năm rộng tháng dài mà chết thì con cháu kể tháng kể ngày cúng cơm. Vẫn biết rằng chẳng ai sống mãi với thời gian, nhưng cái quy luật nghiệt ngã ấy sao mà như cứa vào đâu đó trong lồng ngực thế. Ngồi đọc kinh cầu siêu mà nước mắt chảy vì nhìn di ảnh của ông trên bàn thờ. Sáng trưa tối cúng cơm cho ông nhưng hình như trong tâm thức vẫn nghĩ ông đang sống ở Nam Đàn chứ không nghĩ cũng có thể là cố tính đánh lạc hướng suy nghĩ rằng ông đã mất.
   Chẳng biết từ bao giờ người ta tự cho mình cái quyền thấy người tắt thở thì nghĩ người đó đã có thể đi mây về gió rồi nên bắt đầu cầu xin “sống khôn thác thiêng về phù hộ độ trì cho...” Trong dấu ba chấm đó là một tràng giang đại hải những điều chưa đạt được. Cái sự cầu nguyện ấy có thể thông cảm được nhưng có nên thực hiện khi ai đó mất chưa được bốn mươi chín ngày không? Trong bốn chín ngày, hương linh đó phải vũng vẫy, chuyển mình để được về nơi cội nguồn giải thoát. Nên cúng cho đầy đủ để họ không bị đói, chứ nếu bị đói thì họ dễ bị ăn “cháo lú”. Một thứ cháo mà khi ăn vào rồi sẽ bị lú lẫn, nghe theo kẻ khác xúi giục về “bắt” người thân. Phải đồng thanh kêu gọi tất cả trong bốn cõi mười phương phóng quang tiếp dẫn cho hương linh ai đó được về nơi cội nguồn giải thoát. Họ có không lưu luyến trần tục thì mới thoát được. Vậy hà cớ chi chưa được bốn chín ngày mà đã xin cầu nguyện cái này cái kia khiến họ thêm nặng lòng với người sống. Hãy cầu cho họ được siêu sanh. Bấy nhiêu thôi mà đã thấy mình như hạt cát giữa bể Đông rồi.
    Lại nói đến chuyện cúng kính. Ừ, đã cúng thì phải có hoa, quả, nhang, đèn. Chuyện sắp đồ cúng và chuyện hạ đồ cúng cũng lắm chuyện bi hài. Có hôm mua chuối xanh và nhãn về cúng. Chưa cúng mà đã hằm hè chùm nhãn. Thế nên quyết định chuối để trong một đĩa và nhãn để riêng ra đĩa khác. Thắp hương rồi, hai ngày sau bắt đầu “bốc’ đồ cúng. Đã hạ thì hạ cho hết luôn nhưng đằng này lạy mấy lạy rồi xin cái đĩa nhãn trước, chuối chưa chín thì còn để đó. Bao giờ chín mới hạ xuống. Lắm khi thấy bàn thờ như cái giá để đồ, ớn cho cái sự hiếu kính của người sống thật.
   Có những hôm không tiến sát bàn thờ được, thế là bố mẹ phải thay con cúng cơm cho ông nội. Con bắt phải đổ nước của cái ly này rồi thêm nước trắng từ trong cái bình kia vô. Phải tráng cái ly trước khi rót nước chè xanh. Đũa phải lấy ở đâu, cơm phải bới như thế nào, lấy khay gì để thay mâm. Bố mẹ bị con quay như chong chóng. Những cái đó con nhìn bố làm có một lần rồi học theo nhưng lắm khi bố mẹ xuề xòa nên con nhắc cho nhớ. Bố mẹ than sao mày kĩ tính thế.  Đành cười trừa chứ chẳng nói gì. Quan trọng là sau đó thấy ánh mắt mãn nguyện của bố mẹ.  Đó là điều con muốn nhắm đến. Con bắt bố mẹ làm hết cái này cái nọ để bố biết rằng lúc bố hái cà phê ngoài rẫy, con ở nhà đã hành sự như thế như thế. Cũng chu dáo ra trò cho bố mẹ yên lòng. Và bố mẹ tự hiểu, nếu mai này họ có “trăm tuổi” thì con cháu sẽ như thế như thế không khác bây giờ. Càng về già, người ta càng sợ bị hời hợt. Trong sâu thẳm những đôi mắt ấy hình như đang có điều gì...

BMT-22/10/2013-Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, October 21, 2013

CHẤM LỬNG - 2

  Khiếp! Gì mà như cái chợ người. Người những là người đứng tụm lại nơi cổng chợ. Cứ thấy có xe công nông là đoàn người hành quân đến gần đó. Có kẻ chạy vội vã từ trong chợ ra với cái bao tay mới kít, có người lơ láo đảo mắt nhìn xung quanh, có người đang mồm năm miệng mười hét giá “đúng một trăm rưỡi một công”. Kẻ đang đấu khẩu trả giá “Trăm hai một người thôi”. Trong nhóm có kẻ thuận tình, có kẻ không. Ai thuận thì nhảy lên thùng xe, còn không thì tìm cơ hội khác. Ai dáng to khỏe, hoặc nhỏ nhắn nhưng có vẻ lanh lợi thì dễ được mời lên thùng xe hơn.

   Kinh! Mới đầu mùa mà giá nhân công hái cà phê đã một trăm hai mươi nghìn trên một người rồi á? Vậy thì khoảng một tháng rưỡi nữa thôi, giá sẽ là hai trăm ba hoặc hai trăm rưỡi một người đấy. Cơm trưa thì chủ nhà lo. Làm từ bảy giờ sáng đến bốn giờ chiều, trưa nghỉ một tiếng đồng hồ. Đầu hưa phải hái cà nhập cho công ty, chưa mất thời gian lượm từng cọng que, trái xanh ra khỏi lưới mà làm ỏng làm ẻo như thế, chẳng biết lúc hái cà nhập sẽ sao.

   Úi xời! Mùa cà phê có khác, Giá của cái gì nó cũng lên. Một cân cà pháo nó đòi mười hai nghìn một kí. Hàng lòng lợn, lòng bò, tim gan phèo phổi chuyên dùng để nhắm rượu cũng tăng giá ầm ầm. Mùa cà phê mà. Thể nào các ông tướng chẳng ngồi nhậu giải mỏi. Thứ rẻ nhất thì chỉ có lẩu lòng bò hay một đĩa lòng lợn nấu với lá lốt. Nhưng mà xem ra chả rẻ tẹo nào. Sư bố cái thằng bình ổn giá.
Hai đứa tụi bay, về nhanh tao b..ả...o..! Ở nhà mà coi cà, mấy thằng choai choai nó hốt trộm mỗi nhà mỗi nắm cà để bán kiếm tiền phê thuốc lắc, chơi game đó nghe chưa! Ở nhà, không bạn với bè gì sất. Cả năm cá tháng mới được có một hột cà phê. Không cần thận thì đói giơ hàm cà năm nghe con.  

   Độ này, cái xóm nhỏ ấy gần như sáng nào cũng có những âm thanh như thế....


BMT – 21/10/2013 -Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, October 20, 2013

CHẤM LỬNG -1

Tác giả ảnh: Đặng Bá Tiến
   Chưa trải qua phút ngần ngại chọn một trong mười hai bến nước, chưa phải búi tóc vội vàng để chuẩn bị đồ ăn sáng cho ai. chưa phải hối bạn cụng ly nhanh nhanh để tao về cho con bú và chưa thôi những ảo mộng của lứa tuổi xuân thì nên chưa có cái nhu cầu (nói cho đúng là quyền) tận hưởng cái ngày này. Nhưng nếu ngày hôm nay “hắn” quên một bó hoa hay quên gửi một nụ hôn dài thì coi như “đời hắn” hết. Thế nào cô gái ấy cùng “ứ ừ em chả yêu anh nữa”. Và lúc ấy hắn khốn đốn cũng chỉ vì ngày xưa buông câu “nếu em không yêu anh, anh sẽ chết”.
   Mọi buổi sáng, nếu gặp phụ nữ khi bước chân ra ngõ thì ôi thôi...chào một ngày không suôn sẻ. Nhưng sáng nay, người ta dường như hớn hở khi bắt gặp phụ nữ. Họ cúi thấp hơn khi chào phụ nữ. Người ta í ới trêu nhau rằng đã có điện hoa hay quà gì chưa cô, thím, dì ơi....Có thím bẽn lẽn cười trừ nhưng có bà cô thì bảo để dành tiền mà ăn đôi ba miếng chứ hoa hòe làm chi cho phí của. Cũng có người khoe rằng trưa  nay cơ quan mời cả dâu lẫn rễ ăn uống và hát cho nhau nghe. Mấy người bị chồng bỏ rơi thì bỉu môi “họa điên mới có điện hoa”, nói rồi họ lẳng lặng đóng cửa. Hình như sau đó người ta nghe tiếng thút thít rất khẽ ở trong ngôi nhà ấy.
   Như bao buổi sáng khác, ta có thói quen nấp mình ở một góc quán, nhâm nhi tách cà phê, mắt liếc qua những thông tin nổi bật trên mặt báo. Nhưng sáng nay vừa ra khỏi ngõ đã “chạm trán” với một thùng hoa. Ta chợt chạnh lòng khi thấy một bông hoa đang nài nỉ khách. Người ta hay vui miệng bảo ngày này là của hết thảy nữ giới, tai sao bông hoa có hình dáng con người ấy lại bị gió hắt bụi bám đầy thân thể. Ta xót cho cô gái bán hoa (hiểu theo nghĩa đen) ấy hay là ta đang ngậm ngùi cho chính bản thân vì phải chịu thất bại khi đi tìm hình ảnh một anh chàng bán hoa nơi ngã ba ngã tư của những con đường của thành phố trứ danh bụi mù trời.
   Vào đến quán cà phê, chợt nóng mặt khi ai đó lỡ ngồi vào vị trí vốn có của ta. Muốn mắng anh chàng phục vụ một tiếng vì cái tội chưa quen mặt khách dù ta đã ghé quán này không biết bao nhiêu lượt mà không giữ ghế cho ta, đã thế lại còn hỏi ta muốn dùng gì. Nhưng chẳng hiểu sao, cứ gặp người khác phái là sự gắt gỏng trong ta dịu lại. Ta vẫn nhẹ nhàng bảo cho em một tách cà phê muối. Liệu ta có quá “dê” không nhỉ? Không! Đó là sự hạ hỏa đương nhiên khi gặp người khác phái của bất kỳ ai. Chẳng thế mà các cuộc đàm phán thường có cả nam lẫn nữ cùng họp mặt đó sao.
    Bàn bên bên phải có một nhóm đang cười ha hả khi nghe một người trong số đó khoe chuyện chăn gối. Bàn bên trái thì có hai người đang bàn tính chuyện đầu tư mua đất ở dưới thị trấn. Cái bàn trước mặt thì kỳ cục thôi rồi, có hai người phụ nữ cứ im lặng cắn hạt dưa,, mắt nhìn ra hòn non bộ. Chẳng biết bàn đằng sau đang có những ai nhưng hình như ta nghe âm thanh thông báo có hoạt động mới trên tường thời gian của mạng xã hội facebook. Có lẽ người ta đang vừa uống cà phê vừa thả vài dòng vào thế giới ảo. Chợt thấy ta quê mùa ta lạc giữa một “rừng người sành điệu” đang mím môi, liếm nhẹ phần cà phê vương nơi khóe miệng, còn hai tay mải mê vuốt cái màn hình điện thoại cảm ứng hoặc máy tính bảng. Lòng xốn xang quặn thắt khi nghĩ đời bố mẹ ta chưa bao giờ ngồi ở quán cà phê, cho dù họ gần nửa cuộc đời sống nhờ cây cà phê.

   Về nhà sau những phút lâng lâng với vị đắng cà phê, lòng thấy ngòn ngọt khi nghĩ ta được trở lại nơi chốn cũ. Cứ đi xa một chút để thấy quý căn nhà mình hơn. Lắm khi ta thấy nhớ nhà khi đang sống trong chính căn nhà lưu giữ thời thơ ấu của ta. Chẳng hiểu sao như thế, có lẽ vì ta mang phận gái. Lớn rồi...còn mấy ngày được làm nũng nơi chôn ấy nữa đâu. Ta thương lắm nhưng không biết thương cái gì vì cái gì ta cũng thương. Ta đang kiếm thứ gì làm ta ghét...
20/10/2013
Tây Nguyên Xanh
No comments