Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, October 31, 2013

LƯU LUYẾN THÁNG MƯỜI

Tác giả ảnh: Thái Quốc Phong
   Tháng mười qua đi, ta còn có gì để đón chào tháng mười một? Chẳng có gì ngoài nụ cười méo xệch, mắt đẫm lệ nhìn mây trắng bay. Gió thổi phập phù nhưng sao không đủ sức đánh bật nỗi buồn trong ta. Ta sợ tháng mười một....
   Đầu tháng, ta sợ phải nạp thẻ cào cho cái Dcom - 3G của hãng Viettel. Nó đã tăng giá. Gói Mimax tăng từ năm chục lên bảy chục nghìn. Nhưng điều đó sẽ chẳng làm ta lăn tăn lắm khi hai tháng nay ta không thể gủi hay nhận bất cứ cái thư điện thử nào cả. Mở được hộp thư nhưng bấm xem nội dung thư và viết thư mới thì nó báo lỗi hệ thống. Nhãn rỗi, ta gõ đôi câu chữ, muốn kiếm chút đỉnh để mua thẻ cào nạp tiền điện thoại hoặc một cuốn sách hay mà nghe chừng không thể. Ta không gửi bài được thì lấy đâu ra họ duyệt. Vì an ninh không được đảm bảo nên mới phải dùng Dcom, nếu không thì đã dùng mạng dây rồi. Cuộc sống nơi xa phủ xa tỉnh sao nó tẻ nhạt và buồn đến thế. Nhưng ta sẽ cố...sống cho qua ngày đoạn tháng.
   Sau bốn năm ăn học, ta bỗng dưng tự hỏi mình học để làm gì? Hình như học chỉ để giành giật cho được một tờ giấy nháp có chữ ký và một con dấu đỏ mà thôi. Nhưng ta muốn học để mong kiếm kế sinh nhai và đến tháng mười một có người nhớ đến mình. Dù một năm có ba trăm sáu mươi tư ngày khiêm tốn thì cũng có một ngày ta được mãn nguyện khi nghe ai đó kể công của ta. Ta nghĩ đó là điều xứng đáng. Có lẽ vì ta bất tài nên người ta coi ta tàn tật. Người động viên ta rằng tàn chưa chắc đã phế, lùn một mẩu vẫn có thể với được trời cao. Ta như được ru ngủ bởi những lời an ủi đó. Sau cơn mê...ta chết lặng giữa tiếng cười nói lao xao ngoài song cửa. Đời vẫn vui chỉ có ta là buồn. Ta buồn thì bố mẹ ta còn khổ. Ta quỳ gối xin bố mẹ thứ tha...
   Trốn đời thực, ta chìm vào thế giới ảo. Chơi, nói chuyện với những con người xa không xa mà gần cũng không phải. Thấy rõ mặt mà cũng như chưa rõ mặt. Nhiều khi ta cười hã hã với họ mà giật mình khi thấy đó là thói quen của bàn tay khi chát với người khác chứ hình như ta chẳng biết cười vì điều gì. Có những con người viết thì đọc suôn lắm, thuận lòng lắm nhưng một duyên cớ vô tình khiến ta nghe ngóng được chuyện gì đó không hay do họ gây ra thì tự dưng ta thấy tầm nhìn mình bị hạn hẹp, không xuyên thấu lòng người. Ta lại trốn ở một góc nhà và ngồi buồn thiu. Trước máy tính, ta gõ:
Người vui cho đúng cái vui
Đừng vui trong nhục
Đừng vùi lòng nhau
Đừng quên nghĩ trước nghĩ sau
Kẻo khi chạm mặt, chau mày rồi ngơ
   Những dòng ấy liệu có phải thơ không nhỉ? Không phải đâu, chỉ là một câu viết mà đem cắt dán ở những hàng khác nhau thôi. Thơ phú gì! Món ấy ta dốt đặc.
   Chán mạng xã hội, ta tìm đọc báo. Ôi, báo công an thì muôn thuở vẫn kể chuyện chém giết, báo văn nghệ luôn trần ngập thơ mới và truyện mới. Còn mấy trang “báo đời” thì ôi thôi rồi...đọc xong chẳng ai còn muốn làm lãnh đạo. Đang gõ những dòng này, mẹ bảo con bác T đã có quyết định đi làm rồi. Ta tặc lưỡi, làm con của lãnh đạo vẫn hơn ở chỗ ấy và ai cũng muốn làm lãnh đạo để con mình hơn con của người cũng vì cái ấy. Sau một vòng lẩn trốn, ta lại về với thực tại. Ê chề, não nề kinh khủng.
   Tháng mười này, đất nước nhiều tổn thất. Sự giả dối được phanh phui nhưng xem chừng “thằng làm báo” chỉ như người gãi ngứa. Có lẽ vì thế nên họ chẳng cần bồi bổ cho câu chữ nặng nghĩa, các báo cứ tranh nhau giành giật cắt một vốn câu đầy đủ nội dung ra thành những mảnh nhỏ rồi dán lên tờ báo của mình. Thông tin cứ rời rạc làm sao ấy.
   Ta không sẵn sàng để tiếp nhận thêm một tháng giống y sì như thế. Cho nên ta hãy còn ngại ngùng với tháng mười một và hình như đang lưu luyến tháng mười...

Buôn Ma Thuột, buổi chiều cuối cùng của tháng 11/2013
Tây Nguyên Xanh
1 comment

Monday, October 28, 2013

AI DẠY CON TIẾNG GỌI “MẸ ƠI”

    Cái miệng đứa bé đó méo sang một bên và phát ra một âm thanh tựa như tiếng khóc có xen lẫn vần “e” khi Ba nó thay quần áo chuẩn bị đi hái cà phê mà không ẳm nó. Hơn hai tuổi rồi mà nó cứ im im. Tôi hỏi: “nó không biết nói hả chú?”. Ba bé trả lời rằng vốn dĩ nó nói sõi rồi nhưng có một lần bị té xuống cái lồng cá nên từ đó tới giờ nó ít nói ít cười như vậy đó. Tôi lại tò mò muốn biết Má nó đâu. Người đó nói “làm đĩ ở Kiến Đức rồi con”. Nghe tưởng nói dóc...mà hình như thiệt.
   Có một người đàn ông sinh ra trong một gia đình khá giả ở Sóc Trăng. Sống trong môi trường “bồi thì ở, lở thì đi” cho nên chú có cái gì đó thể hiện sự phóng khoáng. Chỉ hơn tôi có tám tuổi thôi nhưng “bị” tôi gọi là chú, nói như thế để có thể hình dung được cái nét mặt già trước tuổi của chú ấy. Nước da ngăm, mặt khắc khổ, hút thuốc lào mới đã cơn thèm, người nhỏ thó nhưng lanh lợi, khỏe và siêng làm, đó là vài nét sợ bộ về chú ấy. Tay nâng ly rượu nhỏ xíu, vừa nhắp môi vừa thủng thẳng kể chuyện. Chú bảo Ba chú mất cách đây gần hai mươi năm rồi, nhà chú đông anh em lắm. Ông già (cách gọi phổ biến khi người miền Tây nhắc đến cha) chú hồi đó cũng nhiều của lắm nhưng sau ổng chết, Má chú lấy người khác. Ổng chiếm hết nhà cửa, may còn nấm mồ của ông già chú là ổng không có lấy thôi. Bà già (mẹ) chú say xin hoài à. Cả nhà chú ai cũng biết uống rượu hết á. Hồi xưa đó, ông già tuyên bố vầy nè. Nếu không biết uống rượu thì ổng không cho làm dâu làm rể nhà này đâu. Cái hồi chị ba mới cưới anh của chú, đến bữa cơm là bà khép nép ghê lắm. Bả không biết uống rượu nhưng mà ông già chú lấy can rượu ra, cả nhà uống rượu quay vòng quanh mâm cơm. Một thời gian sau, bả nghiện rượu luôn vậy à. Tiếc là ổng mất sớm, kéo theo chú phải khổ. Chú nói ở miền Tây mà sống không có cha thì khổ lắm con ơi. Trai miền Tây thương vợ thương con, còn gái miền Tây thì....thấy ai hơn chồng là nó bỏ con theo người đó à.

   Chú nắm bàn tay bé xíu và tặc lưỡi nựng đứa con gái hơn hai tuổi như để người ta không nhìn được sâu vào mắt. Chú nói mẹ của con bé này sanh nó được mấy tháng rồi bỏ theo ông chủ trồng cà phê ở trên Kiến Đức (tỉnh Dak Nông) rồi. Hồi xưa hai vợ chồng chú làm mướn ở đó, chắc do thấy kiếp làm thuê khổ quá nên cổ bỏ chồng con đi theo phù phiếm xa hoa. Qianh năm chú đi làm mướn cho họ để có tiền mướn người ta ẵm con cho chú. Không biết người ta coi con chú theo cái kiểu gì mà nó bị rớt dưới cái lồng cá của họ. Từ hồi đó tới giờ nó ít nói ít cười vậy á, chú thương nó quá sá luôn. Tôi hỏi mẹ nó có khi nào về thăm con không vì nhiều khi người ta chọn cách “bán mình nuôi con”. Chú bảo có đôi khi cô ta gọi điện về hỏi thăm con nhỏ và muốn biết chú dạo này sống ra sao. Chú nói hai cha con tao có đi ăn xin cũng không muốn dính dáng đến thứ dơ dáy như mày. Lời nói có vẻ cay nghiệt quá. Tôi im lặng một hồi lâu để nghe và để kiếm tìm niềm tin vào lời nói đó. Tôi lại hỏi sao chú không nhờ bà nội của nó nuôi. Chú nói rằng bà nội nó xỉn rượu miết à. Bữa hổm bả bị té mà không nhớ té ở đâu. Sớm ra thấy đau chân nhưng vẫn đi làm rồi đến bữa nhậu tiếp. Bả không kham con cháu đâu. Bà nội như vậy rồi nên mấy anh em của chú cũng không ai giữ hết. Chú không biết chữ nên không có đi làm giấy khai sanh cho nó được. Lòng tôi mềm nhũn. Tôi vội nghĩ đến sự thiệt thòi của người mù chữ trong cái xã hội công nghệ thông tin này. Rồi con của người mù chữ ấy sẽ có chữ hay không khi Ba xác định cả đời làm mướn.

    Ngửa bàn tay ra có ngón dài ngón ngắn, xã hội có muôn vàn hoàn cảnh, tôi sợ sự cay nghiệt sẽ khiến tầm nhìn bị hạn hẹp. Sự hận thù mẹ sau này có thể giết chết tình yêu trong sáng của bé. Chẳng biết từ khi nào tôi hay mấy niềm tin vào những người ưa miệt thị hoặc quá cay nghiệt về một vấn đề gì đó (cho dù nó là xấu xa, đáng khinh). Nhưng nếu căn cứ theo những lời được cho là tâm sự của người đàn ông này thì tôi muốn biết ai sẽ dạy cho đứa bé gái ấy tiếng gọi “mẹ ơi” trong tâm khảm, ai sẽ giúp bé vượt qua phút bối rối khi thấy một vài chấm đỏ ở đũng quần, ai sẽ dạy bé phải chung thủy với chồng khi mẹ bé là người giành giật chồng của kẻ khác, ai sẽ truyền lại những kinh nghiệm sinh đẻ và chăm sóc cô trong thời kỳ ở cữ. Bé đói bụng thì có thể nói với Ba nhưng những chuyện tế nhị ấy cô biết ngỏ cùng ai. Người ta sinh ra bé ra theo bản năng nên có lẽ bé cũng phải dựa vào bản năng mà sống, bé nhỉ?

BMT, 28/10/2013, Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, October 27, 2013

MỘT LẦN LÀM CHA

Tác giả bản vẽ: Phạm Văn Tư
(Truyện ngắn viết theo ý tưởng bản vẽ)
Ở trong phòng Sinh, vợ hắn hét lên:
- Anh ơi...Rặn đi. Em chết mất.
Tay nọ đấm vào tay lòng bàn tay kia, chân đi qua đi lại, mặt mày lo âu, hắn lủm bủm:
- Ối trời ôi, đàn ông biết đẻ...?!
  Ghé sát tai vào cửa trước phòng sinh thì bên trong có tiếng nói cười. Có một người bảo:
- Chồng con này không biết “rặn” thì cứ để cho nó tự sinh. Chó có cần ai đỡ đâu mà nó cứ đẻ ầm ầm. Một lứa được cả ổ con.
Người kia cười hi hí, bảo:
- Đúng, đúng! Con này gào gì mà ghê thế. Cứ làm như mỗi mình nó đau đẻ không bằng ấy. Vớ phải thằng chồng không biết điều thì khổ thôi con ạ.
Lại nghe tiếng vợ của hắn gào lên:
- Anh kia, vì một phút huy hoàng của anh mà tôi khổ như thế này đây....
Những người ở ngoài phòng chờ cười ầm lên. Cô vợ này cũng đáo để thật.
***
   Chuyện về đôi vợ chồng này thì nhiều tình tiết để mà kể lắm. Đáng lẽ hắn chẳng lấy cô này đâu. Hắn muốn lấy cô bé khác nhưng mẹ của hắn đi ra tận Hà Nội, gặp bằng được nhà ngoại cảm có tiếng của xứ này để nhờ xem tuổi hắn và con bé kia có hợp nhau không. Khiếp! Nghe nhà ngoại cảm kia nói mà sởn gai ốc. Bà ấy phán là nếu hắn cưới cô bé kia thì hắn chết non, bố mẹ hắn sẽ không buôn bán được vì vía cô nàng ấy không hợp với phong thủy của căn nhà. Bố mẹ hắn chỉ có mỗi một mụn con trai nên quyết không cho hắn lấy. Hắn cãi bố mẹ nhưng đúng cái dịp ấy thì ở Hà Nội có sự kiện to lắm. Người ta kháo nhau là nhà ngoại cảm ấy tìm được thủ cấp của một người nổi tiếng lắm. Báo chí đăng tải hẳn hoi, không phải đùa đâu nhé.    Không còn là chuyện đồng bóng của dân gian nữa nhé. Thế là hắn tin. Hắn sợ chết nên bỏ rơi náng ấy.
Mẹ hắn mai mối cho hắn cô vợ này. Cô là con của giám đốc xưởng may. Mẹ hắn muốn làm thân với gia đình này để cái cửa hàng quần áo của gia đình hắn phát đạt. Hắn không ưa cô này lắm nhưng hắn ưa khối tài sản của bố cô. Thế là hắn yên bề gia thất. Nhưng cưới hơn bốn năm rồi mà chẳng thấy vợ hắn nôn ói và cái bụng cũng chẳng căng phồng lên được tẹo nào cả nên nghe chừng không khí trong nhà căng thẳng lắm.
   Hắn dắt vợ đi khám, Hắn tá hỏa khi nghe bác sĩ chẩn đoán và lời thú nhận cay đắng của vợ hắn. Rằng thì vơ hắn thỏ thẻ thú nhận đã từng “giải quyết trong êm đẹp” kết quả của cuộc tình vụng dại thời sinh viên, bởi thế con nên bác sĩ bảo khả năng thụ thai là vô cùng nhỏ vì thành tử cung có nhiều vết sẹo. Hắn tự ái. Hắn thấy mình như bị phản bội. Hắn toan tính ly hôn. Mẹ hắn xem chừng cũng đồng ý. Cô vợ khốn khổ bắt đầu nghĩ đủ mọi cách để níu kéo hạnh phúc.
   Cô ra Hà Nội, tỉ tê thế nào đấy với nhà ngoại cảm đã từng giúp cô “tóm” được anh chồng này. Mẹ chồng cô là dân buôn bán mà, Tin tưởng vào “đức độ” của nhà ngoại cảm này lắm. Cô vợ bảo nhà có vong trẻ ranh lởn vởn nên chưa có con được. Cô rủ mẹ chồng cùng ra Hà Nội, bày lễ để xin áp vong nghe đứa bé cần gì rồi cung ứng cho nó để nó không quấy phá nữa thì bà chắc chắn sẽ có cháu bế. Nghe đến chuyện có vong quấy phá là bà mẹ chồng sợ rồi. Bà lật đật theo con dâu đi ra Hà Nội. Nhà ngoại cảm ấy cũng lên cơn giật giật và nói mê sảng những câu nghe giống kiểu nói của trẻ con. Quan trọng là khi sắp ra về thì bà ngoại cảm ấy nói câu chốt hạ rằng mạng của con trai bà chỉ hợp duy nhất với người có cung Nhân Mã. Con dâu bà thuộc cung Nhân Mã nên bà lại khuyên con trai đi thụ tinh nhân tạo chứ đừng bỏ vợ. Kiếm cho ra người có cung Nhân Mã mà lấy thì chắc đến lúc nằm trong cái “bốn dài hai ngắn” rồi vẫn chưa có cháu bế.
   Trong thời gian đó, hắn cũng suy nghĩ nhiều. Hắn thấy giận lắm nhưng lại thương cho thuở con gái trắng trong của vợ hắn. Hắn nghĩ cô ấy cũng không muốn như thế đâu, chắc tại cái thằng khốn nạn kia ruồng bỏ nên mới thế. Là hắn cố thuyết phục chính mình như thế sau khi nghe mẹ hắn kể lại lời phán của nhà ngoại cảm kia. Hắn cùng vợ đi thụ tinh trong ống nghiệm. Rồi sau đó người ta cấy trứng đã thụ tinh vào một vị trí nào đó trong tử cung của vợ hắn. Tốn bao nhiêu tiền bạc, thời gian và sự mệt mỏi rồi thì vợ hắn có bầu thành công. Hắn hơn bốn mươi tuổi mới có cảm giác mình sắp được làm cha nên hắn mừng muốn điên lên.
   Hắn nâng niu vợ. Nàng gần như cứ nẳm ngửa trong chín tháng chờ sinh, không phải làm bất cứ cái gì. Nước có người rót hộ, vào phòng tắm có người dìu, ăn cơm thì có người lựa xương cá cho.
Cuối cùng vợ hắn cũng đến giờ sinh nở....
***
Vợ hắn cứ mãi hét lên:
- Anh ơi, rặn đi. Biết điều một tí không thì em chết mất.
Hắn lờ mờ hiểu ý vợ muốn hét lên rồi. Nhưng mà hắn đã “rặn” cho bác sĩ năm triệu đồng rồi mà nhỉ. Chẳng lẽ vẫn còn ít. Hắn chạy thẳng đến phòng trực, đập cửa rầm rầm, gọi bác sĩ. Cửa được mở, hắn vào hỏi thẳng:
- Bao giờ thì các bác sĩ mới giúp vợ tôi sinh?
Người bác sĩ ấy chậm rãi:
- Anh cứ bĩnh tĩnh. Người ta ví đau như đau dẻ và ngồi chờ như chờ bà đẻ. Vậy nên tất cả chúng ta đều phải chờ. Riêng vợ anh là có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm nên phải đẻ mổ thôi anh ạ. Cái sự nguy hiểm của đẻ mổ thì anh cũng hiểu rõ mà. Đúng không?
Hắn vừa nói vừa đưa một xấp tiền:
- Tôi xin các bác sĩ đấy, vợ tôi, con tôi sẽ chết mất. Đây, tôi còn mỗi năm triệu nữa đây. Tất cả là mười triệu chẵn. Tôi nhờ các bác sĩ tận tình giúp cho.
- Ôi, anh làm chúng tôi áy náy quá. Thực ra là do ca sinh này khó chứ không phải chúng tôi làm khó anh. Để tôi đến phòng sinh xem tình hình một chút, chuyện đớ đẻ đã có các nữ hộ sinh mà.
   Tưởng gã bác sĩ ấy nói thế thì trả tiền, ai ngờ đút tiền vào túi quần và “lật đật” đi nhanh đến phòng sinh. Đến nơi gã quát mấy nũ hộ sinh như tát nước. Nào là kinh nghiệm quá kém, sản phụ như thế này rồi mà không kêu bác sĩ sớm. Thế rồi họ cũng mổ cho vợ hắn. Ơn trời, ca mổ thành công và hắn có con trai.
Gia đình hắn vui như tết. Hạnh phúc nhất có lẽ là vợ hắn. Cô ấy biết mình đã làm sai nhiều điều nhưng âu cũng là cách làm có hậu cho tất cả mọi người. Gia đình ấy vẫn yên ấm cho đến một ngày...
***
   Con hắn đến tuổi tiêm ngừa bệnh uốn ván. Hai vợ chồng bồng con đến cơ sở y tế có tiếng của tỉnh để tiêm cho con. Hắn nay đã lanh lợi trong chuyện “rặn tiền” rồi nên đưa trước cho nữ y tá hai trăm nghìn để mong họ tiêm nhẹ nhàng cho con khỏi đau. Người ta tiêm xong cho con hắn thì mặt đứa bé trở nên tím tái, người co giật. Vợ chồng hắn hoảng lên khi thấy con ngất lịm đi.
Họ chuyển bé vào phòng cấp cứu, một lát sau có tin dữ được tung ra. Con hắn đã chết. Hắn đứng trân người như không hiểu chuyện gì xảy ra cả. Tai hắn nghe vợ hắn kêu gào trong đau đớn nhưng hắn dường như chẳng hiểu vì sao vợ hắn lại như thế. Mặt hắn tái xanh, chân tay run lẩy bẩy, miệng lắp bắp hỏi:
- Vì sao?
- Chúng tôi đang xác minh nguyên nhân. Chúng tôi xin chịu một phần trách nhệm về sự ra đi của cháu bé. Vì uy tín lâu năm của trung tâm, chúng xin được bồi thường cho gia đình hai trăm triệu. Mong gia đình bớt đau buồn và giải quyết chuyện này trong lặng lẽ.
   Trời ơi, người ta đang trả hai tẳm triệu cho viễn cảnh nương tựa con cái lúc về già của hắn, niềm khao khát được làm bố của hắn, sự vất vả và mệt mỏi của vợ chồng hắn khi thụ thai trong ống nghiệm. Hai trăm triệu nghe thì to nhưng sao nó rẻ mạt thế. Hắn khuỵu chân rồi ngồi bệt dưới đất, hắn cứng lưỡi, môi run bần bật, nước mắt chảy dài. Hắn chưa bao giờ khóc vì tình yêu đôi lứa nhưng lúc này hắn khóc vì tình cha con và khóc cho chính bản thân hắn. Hắn không hiểu vì sao hắn bị như thế. Chẳng lẽ cái số hắn như vậy thật.
***
  Trên sân thượng, có vài ba nam nữ mặc áo choàng trắng đang căng thắng nói chuyện. Chỉ nghe loáng thoáng vài câu như là:
- Thuốc lấy ở đâu?
- Dạ, trong hộp UV5.
- Chết! Có thông báo nội bộ rằng UV5 đã hết hạn rồi kia mà.
- Anh không nhớ hay cố tình lảng tránh? Tiền rót về để mua thuốc loại A nhưng mình mua loại B vì có hoa hồng cao hơn. Ai ngờ gặp trúng thuốc hết hạn.
- Biết hết hạn sao dùng? Sáng nay con nào tiêm?
- Ai tiêm không quan trọng. Giờ tính sao khi bộ trưởng về xét hỏi. Nói sự thật ra anh nhé.
- Cô điên à. Tù cả nút. Tiền tỷ chứ không nhỏ đâu. Để tôi nghĩ đã....
- Á, anh ơi. Hay mình nói là do tiêm nhầm thuốc nên đứa bé bị tai biến. Chuyện tai biến do tiêm thuốc là thường mà anh.
- Nhầm với thuốc gì?
- Thuốc ngừa ung thư cổ tử cung.
- Ổn không?
- Ổn hay không cũng phải nói thế đã. Chúng ta ăn rơ có hệ thống mà. Chẳng thằng nào dám nói thật đâu.
***
   Sáng nay hắn mới lấy lại tinh thần được một tí thì người ta phát sóng phóng sự “ADN Lên Tiếng”. Hắn xem như chưa từng được thấy cái tivi, người ta chỉ rõ sự sai trái của các nhà ngoại cảm. Họ bảo cái thủ cấp của một người nổi tiếng mà hồi trước tìm thấy chỉ là một mẫu xương thú. Rồi vô vàn những chuyện lừa đảo khác nữa.
   Hắn hét lên gọi mẹ ơi. Bà cụ ở dưới bếp hoảng hốt chạy lên hỏi có chuyện gì thì hắn chỉ tay vào cái tivi. Bà cụ đứng xem một lúc, rồi miệng lấp bắp bảo: “chuyện này....”. Đúng lúc ấy, vợ hắn từ ngoài cổng bước vào. Rồi sau đó căn nhà ấy không còn tiếng động gì nữa, ngoài giọng nói của nữ biên tập viên trên tivi.
Hình như sau đó ít hôm, người vợ xách va li ra cổng và từ đó không về...

Buôn Ma Thuột-27/10/2013-Tây Nguyên Xanh
1 comment