Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, December 7, 2013

LẠNH NHỚ...

Tác giả ảnh: Hòa Carol
   Trời lành lạnh, gió bay bay. Mùa thu hái cà phê đã qua rồi. Không khí xóm giềng buổi nông nhàn thật lạ. Người xứ Nghệ í ới mời nhau sang uống bát chè xanh. Người gốc Quảng đem khuôn đến một nhà có diện tích lớn để cùng nhau đúc bánh xèo, nhậu lai rai giải mỏi.  Nhà nhà vồn vã xoay tiền để trả cho nhân công. Nắng chói chang như muốn cô đặc lại tình cảm giữa người với người sau gần hai tháng loãng ra, cáu lên vì những lo toan của một mùa thu hái. Sải những bước dài trên con đường đất dưới ánh nắng ban mai thật tuyệt. Chân đi nhanh đấy nhưng lòng chẳng thấy nhanh, Mắt đảo quanh thấy đoàn người cầm bao khuất dần trong rặng cà phê. Tưởng đâu người lớn cũng chơi trốn tìm, nhưng không phải, họ đang đi lượm mót. Mót những hạt cà phê rơi vãi do mưa nhiều nên rụng hoặc do sự bất cẩn của những người kéo bạt bưới khi thu hoạch.
   Là con của nhà trồng cà phê nhưng nàng hình như chẳng khoái gì cái món ấy. Thế mới tệ. Nàng cứ thích những thứ xa xôi tụ hội về mảnh đất này. Ví như nàng thích được nhấm nháp một bông hoa Hồi khô xứ Lạng. Khi sự béo ngậy, ngọt the của hoa đang thấm dần khắp bề mặt phiến lưỡi thì nàng uống một ngụm trà Atiso. Nàng thích được tịnh tậm trong làn gió thổi phù phù ở xứ Tây Nguyên này. Giá mà có được tiếng đàn tranh hay hợp âm của một giàn đờn ca tài tử thì tuyệt. Vì không có nên nghe cải lương cho đỡ thèm. Nghe riết cũng thấy cải lương Nam Bộ hay. Có giọng Nghệ An gọi ngoài cửa. Bỗng...nhớ ra mình là người gốc Nghệ. Tiếp khách bằng chất giọng rặt ri quê choa thiệt là đã. Chẳng phải nói chậm lại, hay điều phối âm cho đối phương hiểu. Cứ thế nói, cứ thế cười, cứ thế...nhớ quê hương. Nhớ gì miền quê nớ? Nàng có sinh ra ở nơi nớ mô. Mở con mắt nhìn đời lần đâu tiên đã thấy bụi đỏ Tây Nguyên rồi. Nhưng...cây thì có gốc, người ắt tìm nguồn cội quê cha. Và nàng đã đôi lần về nơi nớ. Nam Đàn ơi!
   Hôm nay có khối người đi đặt vé xe về chợ Tro, Nam Đàn đấy. Họ là những người đi hái cà phê thuê trong này. Mùa hết rồi, mai họ lên xe xuôi quốc lộ 26, rẽ sang quốc lộ 29 qua Phú Yên rồi đáp quốc lộ 1A thẳng tiến về Nghệ. Họ về trong tâm trạng vùa mừng vừa lo. Mừng vì được khoảng năm triệu tiền công nên lo bị cướp giữa dọc đường. Dak Lak – Nghệ An giá vé là 550 000 đồng. Có chủ cho nhân công tiền vé về quê, có chủ không. Sáng nay khách đến nhà than vãn: “Họ không cho cô tiền vé về con ạ”. Nàng thấy thương cô Hà Tĩnh ấy. Về Can Lộc (Hà Tĩnh) mà nó vẫn chém 550.000 nhưng về Nam Đàn (Nghệ An). Chủ không cho vé, mất cả nửa triệu tiền đi lại còn đâu. Đọc được trong mắt cô ấy, câu “chém cha cái kiếp làm thuê”.
Chào nhé, những con người “trọ trẹ”. Về quê ta, xin cho gửi mấy sợi nhớ đi cùng!
Buôn Ma Thuột, một chiều gửi nhớ về Nam Đàn và Hưng Nguyên – Nghệ An. 
7/12/2013

Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, December 5, 2013

NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH - 6

Mệt mỏi! Tác giả ảnh: Hòa Carol
   Sáng nay dậy sớm, cởi bỏ xiêm y, đi vào nhà tắm. Em bồng bềnh thả hồn vào những giọt nước trắng trong đang lòng vòng khắp cái tòa thiên nhiên. Bỗng cái điện thoại réo ầm lên. Người ta bảo rết cắn thì phải có lá ớt, còn cái tật ưa hóng hớt của em thì không biết lấy thuốc gì mà trị. Nghe tiếng điện thoại là lòng em xốn xang muốn biết đầu dây bên kia truyền tải chuyện gì cho em nghe rồi. Em vội quấn cái khăn, chộp ngay cái điện thoại để hóng tin.
   Không lẽ một “bình hoa di động” như em lại phải văng tục? Em thấy nhục quá thể. Mấy anh bên đồn cảnh vệ của thành phố Có Nghiệp gọi điện mắng em như tát nước vào mặt rằng quản lý cư dân của thành phố Thất Nghiệp kiểu gì mà xe người ta bị lật ngay giữa đường chưa được năm phút sau thì có cả ổ người đến hôi của, nói cho chính xác là cướp tài sản bị rơi xuống đường và trên thùng xe. Em gọi ngay trợ lý bảo chuẩn bị xe rồi em chạy thẳng đến đồn cảnh vệ. Đến nơi....chao ôi! Trông thấy công dân của em bị đánh đến nỗi khuôn mặt bầm tím, quần áo xộc xệch mà cơn giận nó nguôi khi nào không hay. Bỗng dưng em thương hại. Em bảo lãnh cho họ rồi đưa về văn phòng tiếp dân của ủy ban thành phố Thất Nghiệp để hỏi xem họ đói khát cỡ nào mà đi làm cái chuyện “đói không sạch, rách không thơm” ấy.
   Nhưng....họ nhao lên kể lể rằng họ không làm gì cả. Họ đi ngang qua, thấy Đủ các hạng người đang hôi của nên xem một tí rồi nhà ai nấy náu.. Thế mà bọn cảnh vệ chạy đến túm cổ lôi về đồn rồi hét toáng lên:
     - Chỉ có cái bọn thất nghiệp, sa cơ lỡ vận như chúng mày mới có cái hành vi vô văn hóa, phi giáo dục thế thôi. Chứ dân Có Nghiệp, ăn trắng mặc trơn. buôn bán nhỏ lẻ thì mắc mớ gì phải đi hôi của. Chúng mày có khai nhận không? Nếu không chúng tao đánh cho lòi cơm ra.
   Những công dân của thành phố em không chấp nhận điều đó nên bị đánh cho oằn mình ra. Em nghe rồi xem thương tích của họ mà em xót. Xót lắm đi thôi. Con dân dưới chân chủ tịch thành phố Thất Nghiệp mà bi đát như thế sao? Người ta không điều tra cho kỹ mà cứ đánh người rồi mớm cung như thế sao. Cũng may là bị ép nhận tội hôi chủa chứ tội buôn ma túy hay tội gì đấy thì có mà tử hình cả lũ à? Dân số nhiều quá nên chết vài người chẳng đáng là bao à, có đúng thế không?. Chúng nó khinh những kẻ thất nghiệp như chúng em. Cái gì xấu nhất là gán cho chúng em. Một nữ chủ tịch có xinh như cô gái Lọ Lem mà ở cái đất Thất Nghiệp này thì quyền cũng nhẹ như làn gió thổi qua thôi. Thương dân, thấy tội dân nên em ngồi thẩn thở cả một buổi sáng.
   Đến trưa, em có hẹn đi ăn nhà hàng với một lão bạn. Tưởng đâu được giải bày tâm tư với hắn. Ai ngờ hắn giợt cho em thêm một tràng nói nữa. Hắn bảo chỉ vì cái bài thơ trong lúc lơ mơ xỉn rượu của em mà cuốn sách hắn vừa mới xuất bản bị dân tình chửi cho không dám ra đường. Nói một hồi thì em nhớ ra, có hôm nhậu nhẹt, lợi dụng tình thân mên thương giữa em và hắn. Em muốn được gia nhập giới trí thức bằng cách cho hiển thị tên mình vào chỗ ghi tác giả sách. Muốn như thế thì em phải có bài viết. Em xuất khẩu thành thơ luôn:
Ngồi nhậu hai mình.
Mình gì?
Mình phình.
Phình gì?
Phình to.
To gì?
To bụng
Bụng gì?
Bụng bầu.
   Ý cái bài thơ của em là muốn khuyên răn nam nữ đừng uống với nhau để rồi khi quá chén sẽ gây hậu quả khôn lường ấy mà. Hắn cũng đồng ý với đề xuất này của em. Hắn cho in vào cuốn sách dùng cho trẻ con học để dạy chúng không nên ăn nhậu ấy mà. Thế quái nào. Sách mới bán ra. Hôm sau tờ Nhàn Cư Nhật Báo đăng rầm rộ phản ánh của người dân về vụ thơ phú có trong sách hắn. Họ cứ nhằm vào bài thơ của em mà chửi. Lão bạn ức quá nên tìm em trút giận. Hắn sợ sách bị thu hồi. Em bảo đừng lo, ngày xưa sách tiếng Việt căn bản cho trẻ chuẩn bị vào lớp một của tác giả nọ bị sai lỗi lượng từ cơ bản dùng do sự vật mà còn chưa bị thu hồi nữa là sách của hắn. Hồi ấy báo chí cũng làm rùm beng vụ thay vì nói “con ngựa” thì sách in là “quả ngựa”, “thùng rác” thì ghi thành “thùng giác”. Có sao đâu, rồi đâu cũng vào đấy Có điều sau này bọn choai choai ở thành phố Thất Nghiệp có những câu bất hủ trong bài tập làm văn như “buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián” và vô vàn nhưng từ viết tắt như oy (rồi), vk (vợ), ck (chồng), tóa (quá)...
   Em xưa nay chẳng ăn muối có I-ốt nên những nhận định trên không biết có đúng không nữa. Thôi thì giáo dục con người là phải toàn diện và lâu dài. Một hai ngày, một đôi câu làm sao xoay chuyển được. Phải không các bác? Tóm lại, hôm nay là một ngày khó tả trong em. Mọi sự cứ đan xen làm em chẳng biết khen hay chê cảm nhận của ngày. Cuối năm rồi, em nhiều việc lắm. Họp hành suốt. Các bác thông cảm. Chủ tịch thành phố Thất Nghiệp thì nó phải thế. Hí hí.
Buôn Ma Thuột, 5/12/2013

Tây Nguyên Xanh
(Các bạn kích vào thư mục Góc Cười của blog để đọc những phần trước của chỗi nhật ký vui NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH nhé)
2 comments

Wednesday, December 4, 2013

CHUYỆN LÀM BIẾN TƯỚNG ẢNH

Tây Nguyên Xanh: Tôi lại muốn quay trở về với câu nói rất xưa nhưng chưa bao giờ cũ của người miền Nam: “Thấy vậy mà không phải vậy”. Nhiều khi nó sát sàn sạt với thông tin trên mạng xã hội.
   Mới đầu, tôi cũng như những người không thuộc giới nhiếp ảnh khác, tôi cực kỳ thị cái gọi là photoshop. Cụm từ này theo tôi hiểu là tên một phần mềm chỉnh sửa hình ảnh. Nó có thể làm biến tướng ảnh. Thế nên có chuyện một cô nữ sinh tự sát vì bị người tình đem ảnh đi chỉnh sửa bằng phần mềm photoshop thành một bức ảnh cô ấy lỏa thể trên giường. Rồi anh ta phát tán ảnh khắp nơi. Giới nhiếp ảnh giải thích là anh ta đã ghép khuôn mặt cô gái này vào thay thế khuôn mặt một cô gái bán dâm khác trong ảnh. Vì những vết hằn tương tự như thế nên người ta vẫn hay có giọng điệu mỉa mai khi phát âm cụm từ photoshop.
   Nhưng gần đây, khi tôi tham gia mạng xã hội Facebook, tôi được chiêm ngưỡng những bức ảnh thu hút tầm nhìn và hơn nữa là được trò chuyện với những người chơi ảnh nghiêm túc. Họ khảng khái nói với tôi rằng ảnh đẹp là nhớ rất nhiều vào kỹ thuật chỉnh sửa ảnh qua photoshop trong giai đoạn hậu kỳ, tên tuổi của nhà nhếp ảnh được gắn liền với những góc đặt máy tạo ảnh, còn photoshop giúp cho bức ảnh được trong hơn, đẹp hơn, phù hợp với ý tưởng của người chụp hơn. Photoshop không có nghĩa chỉ là cắt cúp mà tiện ích của nó thì vô vàn. Chẳng thế mà người ta đã phải dành nửa năm để đào tạo xong một khóa photoshop căn bản đó sao? Chúng ta không phủ nhận vai trò của một thời đại dùng máy ảnh cơ và chui vào căn phòng có ánh đèn đỏ rực để tráng phim làm ảnh. Nhưng phải nói sự ra đời của photoshop là thành quả lao động của những lập trình viên kết hợp với nhiếp ảnh gia. Nếu chúng ta xem photoshop giống như cái phòng có ánh đèn đỏ rực – tạm gọi là phòng tráng phim – đó thì sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn.
Ảnh được lan truyền trên mạng xã hội Facebook
   Lại quay về với chuyện làm biến tướng ảnh. Tôi mê ảnh đẹp cho nên thích sưu tầm ảnh. Đặc biệt là ảnh về chủ đề văn hóa cuộc sống của người Tây Nguyên. Nhiều khi sưu tầm được ảnh một cụ bà đang nhâm nhi rượu cần, hay một cụ ông suy tư trong làn khói phát ra từ tẩu thuốc. Tôi muốn đăng lên mạng xã hội nhưng ngại, Ngại ảnh mình yêu thích bị gắn những câu đùa cợt vào trong ảnh bằng photoshop. Người ta có thể gắn những lời thoại bông đùa đó vào ảnh của mọi lứa tuổi nhưng xin đừng áp dụng với người già. Họ tội nghiệp lắm. Những nếp nhắn trên khuôn mặt họ đáng để được nể trọng hơn là đùa cợt. Những ngày trong độ tuổi xế chiều, họ muốn làm trẻ hóa bằng việc tham gia thế giới công nghệ, hoặc chụp ảnh với những thứ đồ chơi của trẻ con cũng không được sao. Người già nhưng tâm tưởng không già, điều đó quá tốt. Vậy mà...những bức ảnh ấy bị ai đó gắn vào những câu vốn chỉ dùng cho lứa tuổi vị thành niên rồi tung lên mang xã hội để cùng nhau hả hê cười.
Tác giả ảnh: Nguyễn Na Sơn
   Giữ nguyên ảnh nhưng biến tướng ý tưởng ảnh cũng lại là một vấn nạn nữa. Chắc không ít người còn nhớ vụ nhà nhiếp ảnh Nguyễn Na Sơn phải lên tiếng trên báo chí về việc ảnh của anh bị người ta lợi dụng để câu ‘like” trên Facebook và làm người khác động lòng để kiếm tiền nhờ sự quyên góp vào tải khoản hỗ trợ nhân vật trong bức ảnh. Thức tế hình ảnh này đơn thuần chỉ là anh trai chạy lại vỗ về cho em gái bớt sợ hãi khi thấy người lạ bước vào nhà. Nhiếp ảnh gia đã nhanh tay ghi lại được khoảnh khắc đáng quý này và chia sẻ cho người khác xem. Thế nhưng một fanpage nào đó. Lấy danh nghĩa là cứu giúp hai đúa bé trong ảnh để mà thu hút tiền đóng góp của cộng đồng. Một hành vi lừa đảo tàn nhẫn khi gán cho nhân vật trong ảnh một hoàn cảnh đáng thương.
   Lâu lâu mạng xã hội lại xôn xao vì ảnh một đứa trẻ đang cấy lúa. Những lời văn đẫm nước mắt đi kèm ảnh khi đăng khiến cho ai nấy phải ướt lòng. Nhưng tại sao họ không nghĩ rằng trẻ con ở độ tuổi lên năm lên mười rất thích bắt chước người lớn. Có khi nào vì thấy bố mẹ cấy lúa mà chúng muốn hòa mình vào cuộc lao động cho vui và hoạt cảnh đáng yêu ấy được ghi lại nhờ máy ảnh? Tôi lại muốn quay trở về với câu nói rất xưa nhưng chưa bao giờ cũ của người miền Nam: “Thấy vậy mà không phải vậy”. Nhiều khi nó sát sàn sạt với thông tin trên mạng xã hội.
   Mong rằng khi đăng ảnh thì nên đăng kèm nguồn ảnh hoặc tác giả ảnh để cho người xem có thể tìm đúng địa chỉ để xác minh ngôn từ nói về ảnh, để những người sáng tạo nghệ thuật không nơm nớp ví sợ bị đạo ảnh. Và cuộc vui, phút ngậm ngùi trên mạng xã hội luôn lành mạnh!
Buôn Ma Thuột, 4/12/2013
Tây Nguyên Xanh
3 comments

Monday, December 2, 2013

NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH - 5

Muốn bay quá! Ảnh: Trọng Hiếu
  Đầu tuần, em hứng khởi đến cơ quan. È hèm thư ký pha trà. È hèm thư ký đệ trình lịch công tác. Thông suốt mọi vấn đề, em định ló cổ ra khỏi phòng họp giao ban thì một ả mặt hầm hầm hồ hồ bước tới gắt:
   - Á đù...bà chủ tịch đây rồi.
   Nói thật là lúc ấy em sợ bị hủy hoại nhan sắc vì nghĩ cô ấy đến đánh ghen. (Em làm chủ tịch nên không tránh khỏi cái việc liếc mắt đưa tình cấp trên có giới tính nam. He he).  Nhưng cô ấy ứ phải đánh ghen em mà đến “chất vấn” và yêu cầu em “trả lời chất vấn” về chuyện tăng giá gas lên tầm cỡ quốc gia. Báo hại cô ấy ứ có buổi tiệc sinh nhật như mong muốn. Theo lời cô ta thì...
   Cô ấy có một gã người yêu đang ngụ cư ở thành phố Thất Nghiệp của em. Đẹp trai, đa tình và tiêu tiền thì bắt buộc phải có lý do chính đáng. Theo dự định thì tối hôm qua là sinh nhật của nàng. Bởi thế chàng sẽ đi chợ, mua rau, củ, quả, thịt, cá và một vài nhu yếu phẩm khác để làm nên một đêm nồng nàn êm dịu. Mắt nàng sẽ hấp háy mãn nguyện khi thấy người yêu mình sành điệu tạo sóng cuốn lúc rót rượu Sâm-Panh. Trong sắc nến mờ mờ hai người uống rượu giao bôi, môi khao khát tìm về nhau. Cùng nhau gắp những món ăn tuyệt hảo, nhai nhẹ nhàng để kích động mọi vùng chua cay mặn ngọt trên phiến lưỡi. Khi năng lượng đã tràn trề thì....Thôi ngại quá. Em ứ nói nữa. Cái này ai cũng rõ màn tiếp theo mà nhỉ. Cái em muốn kể cho các bác nghe đó là chỉ vì giá gas tăng lên tám mươi nghìn một bình mà thằng đàn ông ấy quyết không nấu nướng gì sất. Hắn sợ phải đi đổi bình gas sớm khi chưa nguồn viện trợ của bố mẹ. Hắn dắt nàng ra công viên, hôn túi bụi rồi về. Cô gái này ức quá nên sáng nay mới chạy đến tận phòng của em để hỏi cho ra lẽ vì sao em ký quyết định tăng giá gas trên toàn thành phố Thất Nghiệp.  
   Cô này rõ là lười đọc báo. Trước khi em tăng giá một cái gì cũng có họp báo. Em luôn nói về tình hình giá cả trên toàn nước. Mức giá ở thành phố Thất Nghiệp tại thời điểm đó là vô cùng thấp so với cả nước rồi.  Tờ Nhàn Cư Nhật Báo đưa tin chứ đâu. Mà em nói thật nhé. Dù cho đời sống của nhân dân thành phố Thất Nghiệp cực kỳ khó khăn nhưng em không thể mất mặt khi gặp chủ tịch của các thành phố khác được. Phải tăng giá cho bằng các thành phố khác. Ngày xưa đấy, giá dịch vụ 3G tăng ở khắp cả nước. Em muốn mở mày mở mặt nên cũng cho tăng giá. Có thế thì thành phố Thất Nghiệp mới xứng tầm quốc gia chứ. Đúng không các bác?  Đúng quá còn gì nữa.
   Đầu tuần đã gặp phải dân thì coi chừng cả tuần bị chúng dần bể xương các bác ợ. Sợ quá thể. Em muốn lấy chồng để về tề gia nội trợ thôi. Huhu. Ứ làm chủ tịch nữa đâu....

Buôn Ma Thuột, 2/12/2013 – Tây Nguyên Xanh
4 comments

"CHẶN DẾ" ĐÊM ĐÔNG


Đông Phước Hồ
    Sau bão lũ trời quang mây tạnh, đông vừa đến, đã mang theo chút lạnh se se, cho đêm trăng mờ mờ sương núi. Tiếng dế đêm vọng về, say mê lay thức. Lay nỗi niềm, lay kí ức tuổi thơ. Bất giác thèm trở lại thời trẻ nít để cùng đám bạn nghèo rũ nhau săn dế đêm đông. Rồi cùng nhau ngồi quay quần bên bếp lửa, chờ mẹ làm món dế cơm đầu mùa rang giòn béo ngậy. 

    Miền núi Tiên Phước quê tôi đất đá lộn tùng phèo nên để đào được hang, bắt được con dế cũng toát mồ hôi hột. Mà cái trò đá dế, hay món dế rang giòn thì bọn trẻ con trong làng ngày ấy, chẳng đưa nào mà không mê tít tò lò, không thèm thuồng chờ đợi. Đào hang bắt dế quá khó khăn bởi đất gành cằn cỗi nên mới nghĩ ra cái cách bắt dế ban đêm đơn giản mà hiệu quả vô cùng - Chặn dế.

   Thường mùa này, đất mềm ra, những vồng khoai lang bắt đầu đâm ngọn mướt xanh. Trời chập choạng tối thì quanh vườn, ngoài bãi tiếng dế đã râm ran . Ăn vội miếng cơm chiều, bọn trẻ nít lại rũ nhau chuẩn bị đồ nghề đợi đến đêm để đi "chặn dế". Đồ nghề đơn giản chỉ là con dao cùn, cái đèn dầu có chắn gió và cái hộp dùng để đựng dế khi bắt được. Dế bắt theo cách này hầu hết là dế trống. Theo kinh nghiệm dân gian muốn biết dế trống dế mái chỉ cần nhìn vào đôi cánh sẽ phân biệt được ngay. Dế mái có đôi cánh trơn láng, bụng trắng bầu, con trống có đôi cánh xoắn, bụng tóp và đôi càng sau vạm vỡ.

    Loài dế cơm con trống thường chờ khi trời tối là ra cửa hang để gáy. Tiếng gáy thanh vang, say sưa không dứt, không lẫn với âm thanh nào được. Nên bọn trẻ cứ thế mà mon men thật khẽ lần theo tiếng dế gáy mà soi đèn tìm cửa hang. Khi gáy nó thường quay đầu vào hang tối, chổng đôi càng sau, bung phồng đôi cánh và cứ thế gáy say mê thổi khúc liên hồi. Khi phát hiện ra anh chàng dế đang gáy phải chú ý đường vào hang chạy theo hướng nào. Đâu vào đấy, chỉ việc đưa mủi dao xắn xuống đất, chặn đường hang, không cho chúng chạy vào. Rồi đưa tay túm gọn anh chàng dế béo tròn bỏ vào trong hộp, lại tiếp tục đi tìm cửa hang kế tiếp. Chỉ một chặp "chặn dế" là chiếc hộp đựng dế cơm đã đầy. Bọn trẻ lại hú gọi nhau quay về.
    Về đến nhà là chia nhau chọn lựa những chàng dế có đầu to, bụng thon, đuôi dài, cánh xoắn, đôi càng đen bóng khỏe để nhốt riêng, dành mai đem ra thi đấu. Còn lại đưa mẹ lặt cánh làm ruột rửa sạch làm món dế rang. Đêm đông se se lạnh vây quanh bếp lửa hồng, những ánh mắt trẻ thơ thèm thuồng chờ đợi, rồi lại được thưởng thức món dế cơm vàng ươm giòn rụm xen lẫn vị cay cay, có lẽ không gì ngon hơn thế.
    Nếu món ăn từ dế cơm béo ngậy thơm ngon thì những trận đá dế lại hấp dẫn vô cùng của trẻ thơ ngày ấy. Chọn khoảnh đất bằng dưới táng lá cây, Bọn trẻ trong làng tập trung đông đủ rồi chia nhau ra từng nhóm để đá dế. Khoét một cái rảnh dài độ gang tay trên mặt đất, sâu và rộng chừng hai đốt ngón tay. Bắt con dế ra khỏi hộp, lồng sợi tóc vào một càng sau rồi quay tít cho chúng chóng mặt rồi bỏ vào cái rảnh đã khoét sẵn. Hai anh chàng dế đối mặt nhau liền lao vào cắn, đá để tranh địa phận. Tiếng gáy râm ran, tiếng tạch tạch của đôi càng tung cước, tiếng hò reo của bọn trẻ làm vui nhộn cả xóm làng. Trận đấu kết thúc khi đối thủ không chịu nổi đòn phải nhảy ra khỏi rảnh. Anh chàng dế thắng cuộc còn lại chổng đôi càng, phồng đôi cánh cất lên điệp khúc khải hoàn.
   Thời gian trôi đi, cuộc sống xô bồ nên tiếng dế đêm đông cũng lặm vào tiềm thức. Bổng dưng đêm nay bất giác nghe tiếng dế gáy sau hè lay thức tuổi ấu thơ. Lòng bổng rộn ràng như tiếng dế gáy râm ran nơi quê nghèo một thuở.
No comments

Sunday, December 1, 2013

THÁNG MƯỜI HAI VỀ


Mới đầu tháng...
Bạn gái cười ỏn ẻn
bảo anh ơi, quà Giáng Sinh em đâu rồi.
Chàng trai ấy đã giật mình tự hỏi
Chúa giáng sinh hay giáng vào thị hiếu thích lai Tây.

Đến giữa tháng...
Có chàng nơi công sở
Thở hổn hển vì hoạch toán kết thúc năm
Nhanh lên chứ! Lập công nhanh đi chứ!
Kẻo kết rồi, ngoảnh lại thấy mất mát thôi.

Tôi cuối tháng...
Chẳng làm gì được cả.
Ngoài cái việc mua lốc lịch mới cho nhà
Rồi à ê xem chừng nào đến Tết.
Bấm diện thoại hỏi cậu em chừng nào về.

Mười hai ơi!
Sao mênh mang đến thế....
---------------

Ảnh: Hòa Carol
Thơ: Tây Nguyên Xanh
Buôn Ma Thuột, trưa 1/12/2013
4 comments