Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, December 26, 2013

CHẤM LỬNG - 10

Ảnh: Kiem Anh
    Sáng nay nghe tiếng phanh xe máy quen quen, ló ra cửa sổ thấy nắng có chút vàng. Bụng nghĩ có quà rồi đây. Thế mà thật! Cô bưu tá chuyển tài liệu cho. Chẳng biết tự bao giờ nhác nhìn đồng hồ, cứ dựa vào sức nóng và độ vàng của nắng để đoán giờ. 7h30 nắng lên, trời lạnh ngắt. 9h nắng vàng chanh, con mèo chui từ trong chăn ra để leo lên cánh cửa số sưởi nắng. Loài mèo vậy mà hay. Đêm đêm thập thò ngủ với người. Buổi tối hai lần leo xuống giường để đi vệ sinh rồi ngủ mãi đến tận lúc nắng ấm mới dậy. Nó rất đúng hẹn với thiên nhiên. Cũng như con tắc kè chỉ kêu khi trời có biến. Trước đây không nhận ra điều này nên cứ vác gậy đuổi đánh tắc kè rồi ngoác mồm vu cho nó tối nào cũng kêu. Phải đâu! Giờ để ý mới thấy không dễ gì có tiếng kêu của loài ấy. Sống không có động vật khác xung quanh thì sao nhỉ. Con người chết chắc! 10h nhìn mọi vật thì phải che tay trước mi mắt, 11h đội mũ và áo khoác nắng. Bao giờ cây đổ bóng đến một phần tư cái sân thì rõ là 15h. Nắng tắt 16h30. 17h30 ve kêu (tất nhiên ve kêu đêm khác kêu mùa hè).
Mở mở Facebook ra chưa kịp khoe thì có một người bạn than:
- Dạo này Em Gái Tây Nguyên sao không thấy đăng gì?
Gái đớp ngay:
- Sáng qua mới đăng một tấm ảnh con mèo đang húp nước đấy thây.
   Bạn giải thích rằng sáng nay mới mở Facebook, mò sang trang EGTN nhưng không thấy gì. Gái chát dịu giọng hẳn, bảo rằng mới xóa cái ảnh ấy sáng nay. Gái sợ bạn mượn cớ hỏi thăm mình để dò xem bạn của gái có online không, nếu không thì vì sao.
   Bạn lại than rằng dạo này Facebook có vẻ vắng ngắt, người ta như ít nói hẳn, chơi mà chán. Ừ thì bạn đúng. Người dùng Facebook đang chuyển hướng chơi. Nếu như trước đây người ta neo vào một “Facebook Trung Tâm” nào đó thì giờ họ tản ra, gieo mỗi nơi một hạt mầm chú-ý. Nơi nào cho quả thì ăn nơi ấy. Lắm khi họ gieo cả mớ hạt khác nhau. Quả thu hoạch theo từng “mùa thông tin” của xã hội. Cây nào cho quả đúng mùa khao khát tin của họ thì cây ấy được chăm sóc bằng cách cho lắm “like” và “comment” thôi.
   Bạn hình như sợ bị gái lưu lại tin nhắn để dùng bằng chứng khi cần nên gọi điện trao đổi:
- Bận à?
- Huhu. Thi thố. Cóc Phây phiếc gì được. Lâu lâu ngó chút rồi phắn thôi.
- Facebook đang có chuyện thật đấy Tây ạ!
- Chuyện gì?
- Thì vắng một cách khác thường và trỗi dậy ở những phần tử mới kết.
- Khà khà, tinh tế đấy
- Là sao?
- Về trang hoàng lại blog đi cưng! Facebook giống như phố thị huyên náo. Người ta phát ra những nụ cười to nhưng không vang. Chơi blog cho nhàn tản. Facebook có biến rồi. Y sì vụ blog N.H thời yahoo plus.
- Vụ thanh trừng ấy á?
- Giống cách hành xử hậu kỳ. Hiểu không?
- Vui nhỉ?
- Thế nên đứng xê ra. Hồi xưa chúng ta không quan tâm đến chuyện đó thì giờ kệ xác chuyện này đi. Hơi đâu.
- Tao ngẫm ra chơi với mấy ông chuyên đăng ảnh mà lại hay mày ạ.
- Ờ, họ hay lắm. Cái tag của những người chơi ảnh là để trao đổi kinh nghiệm và xin góp ý của bạn bè về tác phẩm của mình. Chẳng có ý câu like như mấy thằng cha viết mấy bài thơ ẩm ương rồi tag mù khơi. Hãi không thể tả.
- Hình như họ không bất mãn với hiện thực nên ít than vãn trên status.
- Bờm! Đỉnh cao của sự khinh bỉ là im lặng. Chơi ảnh cho nó lành đấy cu! Hơi đâu chõ mõm vào những chuyện to đùng mà cuối cùng cũng chỉ gãi ngứa hả mày.
- Thế mới nói giới nhiếp ảnh thế mà hay.
- Làng blogspot nay rôm rả lắm. Toàn là đội quân nói không với Facebook đang dán tem cho nhau đấy. Nhớ thời Yahoo nhỉ?
- Vì nhớ thời ấy quá nên mới cò cổ chơi Facebook để tương tác nhanh. Chứ blogspot không bằng yahoo blog.
- Không! Chơi blog có cái hay đó là nó giúp làm chậm lại cái ham muốn khơi mào cuộc chát lần đầu tiên với người xa lạ. Facebook đang comment rất vui. Bỗng dưng nhảy vô chát ầm ầm để làm quen. Nhưng blog thì ít. Cứ thử đưa đường link blog lên Facebook thì cơ bản phân loại được bạn bè Facebook đấy.
- Thật à?
- Hôm nào gõ nốt mấy kỳ CHUYỆN MẠNG ẢO cho mà đọc. Chờ kết quả đã rồi hư cấu thêm. He he.
- EGTN có tham gia hay sao mà chờ kết quả vụ ấy.
- Không! Không tham gia! Chỉ là chịu khó quy chụp ý tưởng xì-ta-tút tí thôi.
- Đả đảo quy chụp!
- Ờ! Ai cũng ghét quy kết tâm trạng, chuyện đời tư và sợ bị đánh giá đang tự kỷ nên không dám đăng gì. Kết quả làng Facebook vắng tanh như chùa bà Đanh đấy!
Nghe câu “lý trí nhất, cảm động nhất là ở con người và tàn nhẫn nhất vẫn ở con người” của bạn rồi cúp máy. Vào trang báo điện tử Dân Trí, lớ ngơ thế nào lại bấm trúng bài  KÝ ỨC NOEL TRONG TRẠI GIAM HỎA LÒ . Thấy thích bài ấy. Mấy ai nghĩ và làm được thế? Hiếm! Đúng là vĩ nhân!
Loay xoay với mấy cái phương trình phản ứng mà thấy mệt. Nhưng dẫu sao đó là chuyên ngành được đào tạo bài bản. Bỏ đi sao đặng! Mấy nay vào google gõ “hủy tài khoản Facebook vĩnh viễn”. Để toàn tâm cho blog thôi. Hủy rồi nhưng nó bắt chờ 14 ngày sau mới mất hẳn. Làm ruột gan cứ xốn xang vì nó chửa mất hẳn. Thế là mở lại trang và để đấy. Sau này có chán thì vứt đi nguyên vẹn chứ xóa nó thì hình như không nỡ. Èo! Sư bố thằng Phây gây nghiện.
Buôn Ma Thuột, 26/12/2013
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Tuesday, December 24, 2013

CHÚA GIÁNG SINH, SINH VIÊN NGHỊCH NGỢM

Ảnh: Hòa Carol
   Hồi phổ thông, đi học thêm. Thầy kể, thời đại học, mấy đứa con trai ngành Hóa là “chuyên gia” ăn trộm hóa chất về chơi đểu con gái mấy ngành Văn-Sử-Địa. Gái dân Hóa, ứ ai muốn duyệt vì họ không lép thì lùn, không mặt lỗ rổ thì hình thể cũng có vẻ chưa đạt chuẩn hoa khôi. Tán gái Văn-Sử-Địa mới bỏ công bác mẹ sinh thành ra anh.
    Đêm Noel năm nọ, có gã sinh viên đi thực hành Hóa Vô Cơ thì tiện thể nhét mấy mấy cục Natri sunfua rồi về ghé tạp hóa mua chai giấm. Hồi đó ký túc xá “âm dương rất giao hòa” vì cả nam và nữ đều ở cùng một khu. Nam ở tầng trên, nữ đương nhiên là ở... dưới. Mắt gã sinh viên kia phát “tia hồng ngoại” cho một nàng dân Văn cực xinh. Nàng đi đâu là cái tia ấy chiếu đến đấy. Đêm Noel gã “hợp đồng” với cả phòng đi rủ hết thảy con gái ở phòng nàng đi ăn chè. Chủ yếu là để được ngắm búp tay nõn nã của nàng lúc ăn chè đó mà. Nhưng cái cô này ý thức được mình đẹp nên kiêu , quyết không chịu đi. Gã cay cú, gã thả cục Natri Sunfua kia vào cái chén đựng giấm rồi tranh thủ lúc bạn bè nhốn nháo ì xèo mời gái đi chơi, bỏ cái chén đó ở góc cửa phòng nàng. Ô hô! Nàng được một phen ngửi mùi...trứng thối của khí Hidrosunfua. Chạy ra phòng ngay lập tức vì sợ....chết. Gã làm anh hùng cứu mỹ nhân. “Dìu” nàng qua cơn hoảng loạn. Nàng cảm động từ đấy. Một thời gian sau, mắt gã phát “tia tử ngoại” chiếu vào trái tim nàng. Nàng “chết trong lòng nhiều ít” luôn. Ra trường gã Hóa lấy nàng Văn tạo thành một gia đình Văn Hóa.
   Cả lớp cười hã hã, bảo gã ấy là Thầy chứ gì. Thầy xuỵt một tiếng và thỏ thẻ, nói be bé kẻo cô véo tai thầy. Bọn mình bảo khí ấy độc sao Thầy dám chơi? Thầy giơ tay chém gió, khẳng định: “Có đôi khi phải chấp nhận nguy hiểm để đạt kết quả ngọt ngào.”. Có đứa mê cách kể chuyện của Thầy nên cũng đâm đầu vô ngành Hóa...
----
He he, phịa tí. Noel ấm và vui nhé
Buôn Ma Thuột, Đêm Noel 2013
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Sunday, December 22, 2013

CỖ THỊT CHUỘT Ở ĐÌNH BẢNG

NGUYỄN KHÔI
Chép lại bài trên Blog nhà phê bình Vũ Nho 
***
Ảnh: Tuấn Linh
   Từ lâu lắm rồi, thiên hạ đồn thổi "cỗ Đình Bảng không có món thịt Chuột là không to".
Đó là lối ngoa truyền cho vui như đòi ăn gan Ruồi, trứng Trâu...kiểu như thi nói khoác của các tay "phó phét" làng Đông An trên Yên Phong ấy thôi.
   Cỗ bàn đám xá ở Đình Bảng xưa nay đứng cỡ số 1 của xứ Bắc Kỳ, hàng năm trong làng có trên 300 (ba trăm) đám cỗ bàn cưới xin, giỗ chạp, khao vọng,lễ tiết...chả thế mà có những "nhà", những "họ" (hoạt động như Công ty TNHH bây giờ) chuyên giết lợn làm giò chả, "nem Báng" (tên nôm của Đình Bảng) là đặc sản tiến Vua; có nhiều nhà chuyên làm bánh Gio, bánh Xu Xuê (phu thê),có các vị đầu bếp chuyên đi "làm giúp" cỗ bàn trong họ, trong làng. Mà làng Đình Bảng (kẻ Báng) đã tồn tại mấy nghìn năm nay, lối hôn nhân "ta về ta tắm ao ta" khép kín thì cả làng ai mà chả có họ với nhau .
   Thịt Chuột ở Đình Bảng là một thứ ăn chơi (cải thiện) lúc nông nhàn. Nhà nào cũng nuôi 1 đến 2 con chó săn có tài đánh hơi bắt chuột, được tuyển chọn "có nghề" đúng nòi "chó săn chuột" truyền thống. Chó săn được huấn luyện từ lúc còn nhỏ, thường thì bắt chuột nhắt, chuột con cho"ngửi" bắt hơi, cho tập vồ,tập cắn, tập tha...(không được ăn, không được cắn chết), rồi thả chuột vào hang bắt Cún con đi "tìm", thả chuột xuống ao cho Cún bơi, ngoạm đưa vào bờ cho chủ. Tập đánh hơi vào các hang xem hang nào có chuột thì phải nhẹ nhàng "vẫy đuôi" (báo hiệu)để chuột khỏi thấy động vọt ra mất...Luyện chó săn công phu, tỉ mỉ như "tướng quân luyện chiến mã" để khi vào cuộc săn phải đạt tiêu chí "con chó này hay chuột", đã đi săn là đầy "Vịt" trở về ( "Vịt" -một loại Giỏ đựng đan hình con Vịt to chứa được nhiều chuột).
   Dụng cụ đồ nghề đi săn chuột gồm : một cái Vịt, vài cái "dọng" (ống tre chẻ một đầu có hom nơm)để đơm vào cửa hang, một cái "dầm" (thuổng) để đào hang bắt chuột, một cái gầu con để múc nước (đổ vào hang chuột ở vị trí thấp), một con dao rựa để chặt phát quang các bụi cây có chuột khu trú, một móc sắt cán dài, một "con cúi" (nùm rơm) đượm lửa để hun chuột...
   Tháng ba, ngày tám, rỗi rãi, mấy anh em con chú con bác hay hàng xóm láng giềng, hai ba nhà rủ nhau đi săn chuột với quy mô lớn. Đi săn chủ yếu là săn chuột đồng, thường cư trú ở các bờ đầm Sen, bờ ao, bờ ruộng cao (Chuột đồng ăn chủ yếu lúa , ngô, khoai, cua ốc, tôm tép) nên rất béo, thịt trắng thơm. Hang chuột đồng cao ráo sạch sẽ, con to cỡ chuôi dao, chuôi liềm, lông mượt óng xám khá đẹp (chả thế mà không ít Tiểu thư con nhà giàu rất ưa áo khoác màu lông chuột ?)
   Đi săn được một "vịt" đầy chuột đã là một việc không dễ, nhưng việc làm thịt cả cái "vịt" chuột ấy thì quả là một nghệ thuật ẩm thực cao siêu, không phải ai cũng làm được và ai cũng "ngại" làm !
NK tôi từ nhỏ đã đi săn chuột với Thầy tôi, ông ngoại và các bác nên vào "nghề" cũng khá thuần thục...Thao tác thịt chuột khó " nhất là làm lông" ...nước đun đạt độ lăm tăm "nóng già" (chưa sôi hẳn) , việc trước tiên là cởi hé hom "Vịt" tóm lấy đuôi Chuột quay quay mấy vòng (để khỏi bị cắn) rồi vung tay đập "bộp" một cái vừa đủ để chuột chết nhanh một cách nguyên vẹn, rồi nhúng nhanh vào nồi nước nóng già, nhắc ra thật nhanh, còn nóng hổi nhưng không đủ độ bỏng tay, tay trái giữ chuột ,tay phải dùng ngón cái miết mạnh vừa phải từ gáy đến khấu đuôi để lông chuột bong ra, lộ một vệt da trắng tinh...cứ thế miết, vặt...loáng một cái là xong một con, rồi hết cả "vịt"...Rửa sạch, chặt bỏ đầu đuôi chân cẳng, chỉ lấy thân mình chuột. Mổ bụng bỏ sạch lòng ruột, chỉ lấy gan tim, hai hòn dái, rồi dốc ngược treo cho ráo nước (không rửa lại để khỏi tanh nhão).
Có hai cách chế biến thịt chuột :
    * Những con to thì đem luộc, ép lá Chanh, rồi chặt ra miếng to như miếng thịt gà, ăn dai ngon ngọt chẳng kém gì thịt gà là thế (nên còn được tôn vinh là "gà đồng" )?.
Cầu kỳ để đạt độ ngon tuyệt đỉnh là :đem chuột làm sạch hấp (đồ) chín, cuộn với lá Chanh, ép như ép giò thủ chừng dăm ba giờ. Lúc ăn, đem chặt chuột thành từng miếng mỏng (còn dính lá Chanh bọc ngoài da) chấm muối tiêu hoặc nước mắm Vạn Vân (nay là Cát Hải) có thêm ớt, tỏi...
    * Còn tất cả chuột nhỏ được chặt miếng nhỏ vừa tầm một "gắp" , một miếng đem rang mỡ lợn cùng hành răm, nước mắm...ăn nóng sốt khá hấp dẫn mà mùa rét để qua đêm thành "thịt đông" cũng rất ngon như thịt gà kho đông vậy. Trong món thịt chuột rang (phi) hành răm này thì với riêng tôi (NK thuở nhỏ ở quê) khoái khẩu nhất là các miếng gan chuột, nó cưng cứng , bùi bùi, đậm đậm nhai đến tê cả lưỡi, sướng cả mồm...
Thịt chuột, săn được ít, quý hiếm như vậy lấy đâu (số lượng) để bày cỗ ? mấy anh em đi săn về nhiều khi còn phải mua thêm một con chó,hoặc vài con vịt, 1 cỗ lòng lợn -tiết canh mới đủ một bữa "nhậu" nữa là...nếu nói là "cỗ" thì chỉ có khách quý mới được mời xơi thưởng thức món thịt chuột Đình Bảng là vậy chăng ?
   Chuyện thật như đùa : ấy là vào những năm sau 1930, một bữa Quan Tây , Quan ta về Đình Bảng, được Lý trưởng (như Chủ tịch xã bây giờ ) thết một bữa cỗ thịt chuột. Ăn xong, Quan Tây phát biểu cảm tưởng " món thị Thỏ hôm nay, thầy Lý nấu rất ngon...". Lý trưởng thưa : "Dạ,không phải...đó là món thịt chuột đấy ạ !"
   Tất cả Quan Tây, Quan ta đều trợn mắt kinh ngạc ? Thầy Lý phân trần "đó là thịt Chuột đồng, dân Đình Bảng săn được để ăn chơi và thết khách quý". Tất cả đều "ồ..." khoái chí và hẹn thầy Lý lần sau về Đình Bảng nhớ lại cho được ăn "cỗ thịt chuột" như hôm nay đấy nhé!
Cỗ thịt chuột ở Đình Bảng đã đạt tiêu chí nghệ thuật ẩm thực xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến , tiếng lành đồn xa là thế.

               Trích CỔ PHÁP CỐ SỰ tập 1 của Nhà văn Nguyễn Khôi
                (Giải thưởng VHNT Thủ Đô -2008)
2 comments