Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, February 13, 2014

GIẢI HẠN

Tác giả ảnh: Vtch Chieu
Sáng sớm....
- Làm gì mà nom cái mặt buồn thườn thượt thế?
- Bị lừa
- Tình hay tiền?
- Cái ngữ xấu như tao thì bị lừa tiền chứ còn gì nữa. Hỏi ngu ghê!
- Chửi tao ngu thì biến!
- Tao biến thật đấy. Mày mất bạn thật đấy!
- Đồ dở người! Kể nghe xem nào.
- Không kể, đi đòi nợ với tao đã nhé.
...hai ả dắt díu nhau đến một ngôi nhà.
***
(Chó sủa ầm ầm), người trong nhà ló mặt ra, mở cửa. Đón tiếp hai ả là một người phụ nữ trung niên, cứ nói một chút là cô ấy lại đánh đầu lưỡi vào răng cửa thu nước bọt và nuốt. Trong lúc cô ấy đi pha trà mời khách. Hai ả thủ thỉ:
- Nhà này lừa mày à?
- Ừ
- Nếu thế thì tao về đây. Loại người nói lời không qua khỏi kẽ răng này ớn lắm. Không nói lý được với họ đâu. Coi chừng người ta vén váy lên trùm vào mặt mày đấy. Thâm độc lắm. Không tin được đâu.
- Mày thì biết đếch gì về tướng số mà nói. Ở yên đấy.
- Không, tao giả vờ tìm đồ trong cốp xe để chờ mày đây. Tao không chịu được tiếng rít nước bọt. Ghê như nghe ai đó cào móng tay vào ống tre.
Một lát sau, ả kia buồn buồn bước ra. Hai đứa phắn về nhà.
***
- Mày ơi, đi xin lễ cúng sao giải hạn với tao không?
- Nghĩa là mời Thầy về cúng vào lúc đêm khuya và lén lút đem mâm quả hương hoa ra ngã tư ngã năm đặt như người ta vẫn làm trong ngày rằm tháng giêng hoặc tháng bảy chứ gì?
- Biết rồi còn hỏi. Đi không?
- Hạn của mày được giải rồi còn đi làm gì?
- Khi nào?
- Chẳng phải đầu năm người ta đã rước một phần nghiệp dùm mày rồi sao. Nghiệp nó tới mà không đủ sức trả thì chết ngắc. May mà có người gánh dùm rồi đấy.
- Ý là cái vụ mất tiền á?
- Ừ, mày không thấy lâu lâu đi ra đường vẫn bắt gặp mấy tờ tiền rẻ à? Lắm khi đó là tiền mấy bà đẻ bán phong long hoặc tiền bán xui đấy. Thấy chớ có đụng vào. Thà rằng là một cọc tiền thì lấy cho đỡ bỏ công nhặt. He he. Đùa đấy. Đừng nhặt tiền lẻ để mà rước xui.
- Nhưng tao ức! Tao ghét bị phản bội.
- Nói gì mà nghe nặng thế. Dùng từ “lừa” cho nó lọt tai.
- Mày trêu tao à?
- Thôi mà! Ừ thì mày bị phản bội. Vậy mai này, mày với người đó hẹn nhau rằng sống không thấy mặt người và chết không đứng trước mộ và bàn thờ của nhau. Được chưa nào?
- Èo, mày nói nghe còn kinh hơn tao.
- Thì tại mày nói họ phản bội. Nếu nói họ lừa mày thì tao đã khuyên mày chặc lưỡi cho qua khỏi đắng cay rồi.
- Đồ vớ vẩn!
- (Nghĩ trong bụng): Đếch biết khuyên thế nào nên nói thế. Chán cho cái tình người.
Hai ả kéo nhau đi ăn cơm chay ở quán. Mai rằm rồi!
Buôn Ma Thuột, ngày sát rằm tháng giêng năm Giáp Ngọ (2014)
Tây Nguyên Xanh
8 comments

Wednesday, February 12, 2014

YÊU QUA ĐIỆN THOẠI

Em lại là gái gốc Nghệ nữa. Đã thế lại thích yêu kiểu “dân ca”. Nhớ hắn đến độ “bưng cơm ăn nỏ được, bưng nước uống nỏ xong. Ví dù thấy mẹ có đánh đập chín chục một trăm. Em cũng nhất tâm em thương chàng”. Đấy, ăn cơm, uống nước không được thì lấy đâu ra mà đẹp. Khổ thế đấy.
Tác giả ảnh: Brian Dumas  
   Cái thời mà laptop còn là của hiếm trong giới sinh viên và điện thoại thông minh còn ở ngưỡng giá “trên trời” thì bọn em thường “yêu qua điện thoại”. Hồi đó, ai đỗ đại học thì đường các nhà mạng tặng sim với gói cước “rất sinh viên”. Vậy nên đa số là cùng seri số thuê bao. Bọn em mới xa nhà nên lòng nhớ nôn nao, ngồi một mình là nước mắt nước mũi chảy ra hết. Nhàn cư thì hành vi có tí chút không lương thiện. Bọn em ngồi bấm số và nháy máy những thuê bao lạ. Những số đó chỉ lệch so với số của bọn em vài đơn vị thôi. Ví dụ như 0977506962 của em ngày xưa. Số này em làm ở Bình Định nên nếu muốn làm quen người Bình Định thì nháy vào số 0977506963. Muốn làm quen người ở Sài Gòn thì bấm 0979506962. Bởi vì em lượn lờ hết các tiệm bán sim lớn ở thành phố Quy Nhơn rồi. Gần như toàn tỉnh Bình Định chỉ có 0973 hoặc 0974. Còn 0979 thì cực hiếm ở tỉnh lẻ. Các thành phố lớn mới có. Mỗi một tình thành khai thác kho số nhất định.
   Có những cuộc nháy máy êm dịu nhưng cũng có cuộc sợ vãi cả linh hồn vì các mợ ghen chồng nên gọi lại hỏi văn vẹo. Ấy thế mà trong phòng kí xá của em có cô bạn về nhà xin bố mẹ cho cưới một anh chàng ở một tỉnh xa xôi và nói dối là đã yêu nhau hơn hai năm rồi. Thực tế họ mới quen nhau khoảng ba tháng thôi. Hiện tượng “nhắn tin và cười” vào mỗi đêm là rất thường thấy ở các kí túc xá sinh viên.
    Em còn nhớ mãi năm 2009, mạng vietnammobile ra mắt thị trường đầu số 092 với những chiêu trò khuyến mãi mà hễ đứa sinh viên nào nghe cũng muốn xài. Nào là chỉ mất 5000 đồng mà em có thể gọi điện liên tục sáu tiếng đồng hồ cộng thêm miễn phí 500 tin nhắn trong một ngày. Buồn cười muốn chết khi ra công viên thấy chàng trai nọ hoặc cô gái kia đang tay bấm điện thoại, tai đeo dây nghe, miệng nói tía kia. Họ vừa nói vừa nhắn tin cho nhau đấy. Mấy chú bảo vệ kí túc xá bán sim và thẻ cào cũng đủ sống qua ngày. Em cũng không ngoại lệ. Em vớ được cái số 0923 304 506. Hồi đó đang xài số 0166 44 00 353 cộng thêm sim sinh viên của nhà mạng mobiphone và vinaphone, viettel nữa. Em có năm cái sim. Hết tiền sim này thì lắp sim kia xài tiền được cộng hàng tháng. Bố mẹ em nóng mặt vì muốn liên lạc thì phải quay lần lượt 5 số điện thoại mới gặp được em.
   Yêu qua điện thoại có gì vui á? Hề hề, vui lắm. Suốt ngày réo ‘anh ơi, em nhớ anh lắm luôn ấy”. Anh ấy hồi đáp lại rằng “anh muốn điên lên vì không nghe được giọng nói của em”. Báo mà đưa tin đêm nào có mưa sao băng thì ôi thôi rồi các cặp ngồi tán điện thoại cùng ước nguyện với nhau. Lãng mạn thôi rồi. Yêu qua điện thoại có một cái lợi, đó là hạn chế được cái chuyện “bắt cái nước” vì cả hai đều ở xa.
Nhưng mà yêu xa thì buồn lắm. Suốt ngày nhớ nhau. Chẳng hạn như em đây này, ngày xưa em xinh như hoa mơ nhưng mà giờ trông chẳng xinh nữa vì suốt ngày tương tư “hắn” nên có ăn uống gì được đâu. Em lại là gái gốc Nghệ nữa. Đã thế lại thích yêu kiểu “dân ca”. Nhớ hắn đến độ “bưng cơm ăn nỏ được, bưng nước uống nỏ xong. Ví dù thấy mẹ có đánh đập chín chục một trăm. Em cũng nhất tâm em thương chàng”. Đấy, ăn cơm, uống nước không được thì lấy đâu ra mà đẹp. Khổ thế đấy.
   Yêu được một thời gian, thấy chán nhau quá nên lắm chàng và nàng bỏ nhau. Em cũng đã từng bỏ một anh. Bỏ xong, em bẻ một lúc năm cái sim và dùng số điện thoại như bây giờ. Người ta bỏ người yêu thì ốm yếu, còn em có dấu hiệu béo ú. Vì buồn quá nện chẳng thiết tha giữ tiền giữ bạc để mua card điện thoại như ngày xưa. Em lấy tiền ấy dùng vào việc ăn hàng quán sá. Độ hơn một tháng, em béo như con “trấn mấn”. Con trấn mấn là gì thì các cậu các mợ hỏi những người Nghệ Tĩnh họ nói cho. Em ứ nói. He he.
   Em có một phát kiến “vĩ đại” rằng yêu qua điện thoại hình như buồn hơn vui. Chỉ làm lợi cho các nhà mạng. Có lẽ vì em thất tình nên phán bừa như thế. Hi hi. Và-lén-tìn chẳng có anh nào để em tặng quà nên nói nhảm tí. Các bác đừng tin và đừng phao tin này kẻo “người đến sau” sẽ ghen em nhé. He he.
Buôn Ma Thuột, 12/2/2014
Tây Nguyên Xanh 
2 comments

Tuesday, February 11, 2014

KỂ CHUYỆN TẾT NHÉ

Kể chuyện tết nhé.
Tác giả ảnh: An Nguyen
   Chiều 29 tết đang quét sân để đón xuân thì bắt gặp anh hàng xóm bưng quả đi ăn hỏi nhà người khác. Em đứng ngẩn ngơ khờ dại. Thế quái nào đêm về rát cổ, người hơi nóng sốt. Năm nghĩ lại vì sao mình ốm? Bỗng nhớ ra đứng tiếc nuối anh ấy dưới nắng, mặc kệ gió Tây Nguyên "sàm sỡ" mình nên ốm.
***
   Sáng 30 tết, làm cỗ tất niên. Chiều xuống mở facebook ra để mong có anh nào nhắn tin bảo "ra giếng anh cưới em". Nhưng chẳng thấy gì. Lòng buồn buồn
***
   Sáng mồng một tết, thân nhiệt cao, nằm vật vờ trên giường. Ấm ức vì tết nhất mà chẳng có anh nào để nhõng nhẽo dắt đi chơi. Trưa buồn quá nên quyết định uống mấy lon bia Serepok giải sầu. Trong cơn sốt miên man, mắt mờ nhớ anh (nhiều anh quá nên không biết anh nào), bia không uống mà uống nhầm cái ly chứa nước quất với mật ong. Kết quả hết sốt, ứ ho.
   Đồng thời quyết định xóa cái Facebook với cái nick đã gắn với mình trong hai năm. Đau lắm nhưng ghét. Chỉ vì ngại trưng ảnh và tên thật mà có hẳn một cuộc săn lùng và kháo nhau thông tin cá nhân của Em Gái Tây Nguyên. Họ lập luận rằng em có gì khuất tất nên mới không dám lộ diện trên mạng. Đó là chưa kể họ gán ghép em với những người anh khả kính đáng tuổi cha tuổi chú của em. Èo, chơi Facebook cũng mệt nhỉ? Nhưng mà không có lửa làm sao có khói. Em không có gì thì làm sao họ dám đồn. Ờ thì công nhận em comment trên tường nhà bạn bè có vẻ "đẩy đưa" quá. Nói chung là lỗi do em ạ. Em cũng giống như anh Đông. Không chịu nổi sự dèm pha nên khai tử "của quý" của mình.
***
Mồng hai, mồng ba nằm nhớ Facebook cũ
***
   Mồng bốn ló cổ đến "đập phá" nhà Thầy giáo dạy Anh văn thời còn để tóc đuôi gà. Hồi xưa Thầy dạy Anh văn ở trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) nhưng sau giải phóng. Họ ép các Thầy cô môn Anh văn phải chuyển sang dạy giáo dục công dân hoặc những môn "nhiều chữ". Nghe bảo sau giải phóng cả nước học Nga Văn thì phải. Thầy bỏ nghề lên Tây Nguyên làm rẫy. Tưởng mãi mãi Thầy chẳng biết hòn phấn là gì nữa nhưng sau này "họ" lại chọn Anh văn làm ngoại ngữ chính ở trưởng phổ thông. Thầy mở lớp dạy thêm Anh văn từ lớp 6 đến lớp 12. Học trò đến học đông như kiến cỏ. Em cũng hòa vào dòng kiến ấy. Nhưng buồn cái là đời Thầy chẳng có học sinh nào thi đại học ngoại ngữ. Dù rằng học trò của Thầy đi Tây đi Tàu nhiều vô kể. Em cũng không giúp Thầy đạt ước nguyện nên cứ ân hận mãi. Em coi Thầy như cha nên năm nào cũng mồng bốn Tết là lọ mọ gõ cửa nhà Thầy. Đáng lẽ năm nay ăn cơm ở nhà Thầy một bữa nhưng đến đúng hôm nhà Thầy cúng đưa tiên tổ về các cõi nên đông khách quá. Em vác bụng đói đến nhà cô bạn "cùng khổ", chúc tết và ăn ké luôn. Nói là "cùng khổ" vì hai đứa đều xui xẻo như nhau. Đều có chung nỗi đau là ông nội mới mất. Hai đứa chỉ còn thiếu chưa ôm nhau thút thít.
   Lưng chừng chiều, ghé nhà Thầy dạy Toán. Thầy này cũng dạy thêm nên em học chứ chả học trên trường lần nào. Thầy hỏi thăm nghề ngỗng, trò mặt buồn xo. Thầy chẳng dám hỏi thêm. Tội nghiệp, ông Thầy bà Cô nào cũng muốn học trò có công ăn chuyện làm cả. Cố ngồi lâu lâu một tí để cho mấy anh công an giao thông giải tán. Thế mà em làm như thường Thầy lắm nên ngồi lâu. He he. Cô học trò có tí khốn nạn chính là em.
***
Mồng bốn, mồng năm ngoan ngoãn ở nhà
***
   Sáng mồng sáu , nấu mâm cơm cúng tiễn tổ tiên về các cõi.
Hết Tết!
   Giờ mà trời ban cho cơn mưa để khỏi phải tưới cà phê đợt 1 thì dân tình sẽ ăn cái tết thứ hai ngay và luôn.
4 comments

CỌT VÀI NHỮNG NGƯỜI BẠN - 1

Truyện ba láp
   Mấy hôm nay, trời Tây Nguyên chuyển sang mùa khô, gió quẩn lá bay như quơ đũa rang lạc. Cái nóng cứ phà vào làm cho làn da trắng nõn nà của ả Cọt vã mồ hôi, thấm  ướt lưng. Ai đi ngang cũng qua thấy rõ mồn một đôi “quang gánh”mà ả ta đang quảy. Thời đại lạm phát nên vải cũng phải mỏng một chút cho nó siêu tiết kiệm nó thế. He he. Ở nhà một mình, Cọt ta ngồi xem phim tình cảm, thấy diễn viên đau bụng sắp đẻ mà vẫn ý thức được phải mang dép khi xuống giường chạy ra gọi người nhà. Diễn thô không chịu được nên Cọt mò sang nhà chị Giáo tán hươu. Hình như tết vừa rồi, Cọt đi với trai nên chưa đến chúc tết chị Giáo. Cứ có chuyện buồn thì gái mới tìm đến chị ấy thôi.
   Chị Giáo hiền, dáng nhỏ, mặt không xinh lắm nhưng ít nói, chẳng bao giờ cướp lời của ai. Thấy vậy mà không phải vậy nhé. Chị Giáo kỹ tính lắm đấy. Chẳng hiểu sao chị ấy chơi được với Cọt – một đứa bán trời không văn tự. Nghe đâu bạn bè Facebook của Cọt than trời vì họ mới đăng ảnh xong thì vài tiếng sau thấy ảnh nằm trên trang của ả ta rồi. Ả ta là chuyên gia trộm ảnh về đăng lại kèm theo mấy cái lời tạm gọi là thuyết minh cho ảnh. Chị Giáo dạy môn Hóa. Cái môn mà đổ nước trong lọ này trộn với nước trong lọ kia thì tự dưng nước sôi ầm ầm ấy. Ngày xưa đi học, Cọt cực ghét môn Hóa. Chả thấy cô giáo cho làm thí nghiệm bao giờ mà suốt ngày bắt cân bằng phương trình hóa học. Cái gì mà phương pháp thăng bằng electron ấy. Cọt dốt môn ấy lắm. Cọt chỉ thích ngắm thằng bạn cùng lớp thôi. Lớ ngớ thế nào, Cọt lại quen được với chị Giáo. Thế mới tài!
   Lại nói chuyện ả Cọt đến thăm chị Giáo. Mới ló cổ qua cửa sổ đã thấy chị Giáo  đang ngồi gác chân lên bàn, lưng tựa ghế đọc sách. Quạt điện quay vù vù, tốc...váy của chị ấy. Cọt cười ha ha, đánh tiếng:
- Ái chà, nếu em mà là một gã đàn ông nhỉ? Chứng kiến cảnh tượng này, ai mà chịu nổi?!
Chị Giáo ngượng quá, vội cụp chân, ngồi ngay ngắn như đang ngồi trên bàn giáo viên trong lớp. Chị lườm yêu, nói:
- Chỉ được cái trêu chị thôi. Em không ngủ trưa à?
- Nóng quá, khó ngủ nên em tìm chị nói chuyện cho đỡ ngứa mồm.
- Cứ như chị là cây gãi ngứa không bằng.
- Chính xác luôn. He he. Mà chị kiếm đâu ra chậu trúc cảnh đẹp thế?
- Nhờ bạn bè mua tận ngoài Đông Bắc đem vào đấy.
- Èo, chị sống cứ như người tiền cổ ấy nhỉ? Chơi trúc, viết Hán tự, hay tương tư lúc ngâm thơ phú.
- Mỗi người có một sở thích riêng. Ngày xưa không nhờ chữ Hán thì chị chẳng vượt qua được những ngày buồn nhất đâu em.
- Ngày gì?
- Thuở hàn vi đó mà. Nhắc lại làm gì. Qua rồi!
- Chị kể rõ xem nào. Nói ra rồi để đấy là phường vô trách nhiệm đấy nhá. Tò mò quá trời ơi. He he. Kể đi chị
- Ngày đó chị đã định xé bằng tốt nghiệp đại học vì quá buồn tủi. Xin việc thì bị “Cò” nó xơi mất tiền. Bố mẹ vừa thương chị vừa xót tiền nên ruột gan rối như canh hẹ.
- Thế ngày đó, nhà chị làm sao mà bị cò nó ẵm tiền đi?
- Chị ra trường, tỉnh không có chỉ tiêu tuyển giáo viên. Có thằng cò đến hét giá rằng đưa hồ sơ kèm theo một trăm bốn mươi triệu đồng để họ xin cho chị về trung tâm giáo dục thường xuyên của một huyện thuộc tỉnh mới thành lập được mười năm. Tiền cao mà lại dạy ở trung tâm giáo dục thường xuyên thì nghe chừng chị và bố mẹ chẳng ham. Run rủi thế nào, ông bác của chị ở dưới đồng bằng lên thăm, Nghe bố mẹ than ngắn thở dài. Ông ấy thương nên hứa nhập khẩu dạng tạm trú cho chị ở dưới đó rồi xin việc cho. Không tốn một xu. Ông ấy là đại gia vàng bóng một thời mà. Giờ không rủng rỉnh như xưa nhưng về mối quan hệ thì nhiều vô thiên lung. Nào ngờ đến khi chị vào, sở nội vụ của nơi ấy bảo hộ khẩu tạm trú thì không được đâu. Thế là chị lại lẽo đẽo theo bố về Tây Nguyên.
- Sao lão ấy không nhập hộ khẩu cho chị luôn lúc đó?
- Chưa đủ thời gian tạm trú thì chưa được nhập khẩu chính thức em ạ.
- Trời ơi, sao không xòe ra ít tờ tiền để lão ấy “chạy” đi nhập khẩu cho?
- Bố mẹ chị cũng ý thức được rằng thời buổi ấy, chẳng ai xin việc bằng nước bọt cả nên đưa cho bác ấy hai chục triệu để ông lo chuyện trà nước. Nhưng ông ấy trót vung mồm trước bàn dân thiên hạ là xin làm giáo viên thì tiền nong cái nỗi gì rồi. Há miệng mắc quai, ngại không dám lấy. Cái thằng có thể cho chị việc làm thì lại quá thân với bác này. Lấy tiền thì hắn ngại nên ém chỉ tiêu chờ đứa khác. Ngồi mát ăn bát vàng cũng phải “thân cơ diệu toán” chứ nể nang tình thân thì hỏng bét. Loay nhoay mãi, cuối cùng hai bố con chị mới phải về tay không.
Tiền con đây ạ. Xin cho con một chức quan_Ảnh: NAHN
- Thế nhờ có chữ Hán mà chị xin được việc à?
- Không hẳn thế nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của Hán ngữ trong cuộc đời chị.
- Úp mở thế. Ứ hiểu!
- Ngày đó, chị định xé vải, nối dây rồi treo cổ cho đỡ khổ.
- Hả? Chị điên à?
- Chị mày vẫn sống nhăn răng đây cơ mà.
- Cuối cùng chị nghĩ như nào mà vẫn sống?
- Nhờ chúng đấy!- chị Giáo chỉ tay về cái kệ chứa đầy sách Hán văn.
- Chúng cho chị việc làm?
- Đúng! Chúng không giúp chị làm giáo viên Hóa học được nhưng chúng giúp chị có niềm tin để sống, để có cớ giết thời gian trong những ngày buồn nhất.
- A, hiểu rồi! Nghĩa là chị suốt ngày đọc sách, tập dịch văn tự Hán ngữ để mặc kệ mọi ham muốn của sự đời chứ gì?
- Bắt đầu khôn ra rồi đấy!
- Thế chị tự mua sách rồi học hay là có thầy nào dạy?
- Hồi sinh viên, biết ra trường thể nào cũng có thời gian chờ việc nên học đăng ký xin học thêm một ngôn ngữ mới và mua hai thùng sách về nhà tự học thêm.
- Bao nhiêu ngôn ngữ có thể học, chị học Hán ngữ làm gì?
- Cái duyên nó tới thì có trốn cũng không được. Xin bố mẹ học Hán ngữ, họ không cho. Chị định quên chuyện xin học rồi nhưng chẳng hiểu sao ruột dạ cứ nôn nao. Cuối cùng đăng ký học và khất học phí của Thầy. Ra trường “quỵt” học phí luôn. Thế mà Thầy vẫn quý chị. Nghĩ lại tội Thầy ghê.
- Ố ồ, chị cũng khốn nạn ra trò nhỉ? Thế sau này làm sao chị có thể đi dạy Hóa?
- Thì thi...
Chị Giáo đang nói, bỗng chiếc điện thoại của chị réo lên. Làm cả hai giật mình.
- Cô nghe này, em ơi!
.......
- Mấy đứa lên trường trước đi. Cô lên ngay nhá.
.......
Ả Cọt sốt sắng:
- Chị định lên trường à? Kể nốt đi chị.
- Tối hoặc mai sang chị kể nốt. Giờ phải lên hướng dẫn học sinh tập văn nghệ chào mừng ngày thành lập Đoàn thanh niên.
- Hai sáu tháng ba mới công diễn mà. Giờ chưa được nửa tháng hai. Tập tành gì buổi này hả cái nhà chị kia?
- Không chèo kéo, không hỗn nhá. Nói như thế với chị thì không sao nhưng với người khác thì coi chừng bị đánh giá thiếu lễ độ đó nghe chưa? Thôi giải tán.
Ả Cọt hẫng hụt, lủi thủi ra về. Trong bụng chửi thầm, rằng mụ Giáo khó tính, chơi với mụ lắm lúc ức chế thế. Ả Cọt và chị Giáo cùng nằm trong hội Nói Tục Cấm Giận đấy. Hội ấy gồm: Nhà thơ Cụt Hứng, nhà báo Ếch Ộp, nhà văn Nhí Nhố, ả Cọt và chị Giáo. Ả Cọt “có công” phát hiện ra chị Giáo và rủ rê nhập bọn. Đồng thời kiêm cái việc “huấn luyện” khả năng nói tục cho chị Giáo. Mãi mà ả Cọt chẳng “thuần hóa” được chị Giáo. Chị ấy yêu nghề quá mà. Cái gì cũng làm đúng chuẩn mực vì sợ mang điều tiếng không hay. Lâu lâu nghe được vài câu nói tục của chị thì cả hội ấy vỗ đùi, cười ha hả, chạy đi ăn mừng đấy. Hội ấy xôm trò lắm. Hình như ngày mai là ngày họp hội thì phải. Thấy ả Cọt ì xèo xin tiền mẹ.
   Chẳng biết xin được hay không, nhưng căn nhà nghe lặng thinh quá. Dế đã kêu, đêm đã về và sương đã sà lên từng kẽ lá. Đêm Tây Nguyên se lạnh cho người người thêm ấm trong chăn.
Buôn Ma Thuột, 11/2/2014

Tây Nguyên Xanh
No comments