Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, March 22, 2014

VÌ SAO CÁC EM CƯỜI?

Nguồn ảnh: Internet
(Kính tặng Thầy của ngày xưa)
   Đang chạng chân chèo rán bánh xèo tôm nhảy, thấy chị Giáo mắt sưng húp đến nhà. Nom cái dáng mặc áo dài là biết chạy thẳng từ trường về nhà em rồi. Tưởng chị ấy ôm em mà khóc vật vã, kể lể vì sao mắt sưng, nhưng chị ấy lại trêu:
- Khéo chị ăn mất bánh xèo rồi em lại tưởng “của quý” ém hàng đấy nhé.
- Chị này, cứ làm như em là con mụ nướng tôm trong truyện dân gian không bằng.
Chị Giáo lườm yêu, cười khì khì, hỏi:
- Tôm mua ở đâu mà to thế?
- Anh Ếch Ộp đem từ Sài Gòn về đấy. Tối nay hội Nói Tục Cấm Giận họp kết nạp hội viên mới. Hã hã, nghe nói là một gã nhiếp ảnh gia và anh ấy khao vụ trúng đề tài nghệ sĩ vỡ nợ.
- Nói anh ấy đừng hăng hái thái quá, nông dân vỡ nợ đầy ra đó sao chẳng thấy nhà báo Ếch Ộp xoáy sâu và kêu gọi giúp họ?!
- Ui, em chịu thôi. Một đứa thất nghiệp như em thì chỉ quan tâm ai cho ăn cho nhậu ké thôi. À sao mắt chị sưng như kiểu mới khóc chia tay người tình thế?
Chị Giáo cúi mặt, gắp than đút vào bếp, giọng lí nhí:
- Bọn học trò mất dạy quá, chị ức nên khóc từ trường về nhà em đấy.
- Chúng nó làm cái gì mới được chứ?
- Bọn nó không làm gì cả, chỉ cười ầm lên khi chị giảng thôi. Y như chị đang diễn trò hề vậy đó. Hỏi thế nào chúng cũng không nói vì sao.
- Hế hế, chị làm em nhớ hồi xưa quá. Hồi đó trong tiết vật lý lớp mười hai, Thầy giảng về giao động cơ học. Thầy nói chỉ cần vận tốc thay đổi một tí tì ti là cũng đủ gây ra va đập mạnh. Chúng em nhìn nhau cười muốn phì bọt mép ra. Chị biết vì sao không?
- Vì gì?
- Vì bố của một đứa trong lớp em tên Ty. Cái cụm từ “tí tì ti” của Thầy được ngân dài nên chúng em liên tưởng đến cuộc trêu đùa gọi tên thằng bạn kèm theo tên bố hắn. Ở chỗ mình chị cũng biết rồi, tứ phương hội tụ, người gốc Nghệ An hay gọi tên con kèm theo tên cha. Mình nghe thì có vẻ “phạm huý” nhưng sống trong môi trường giọng Nghệ mới thấy nó bình thường và thân thuộc lắm. Mấy đứa gốc quê khác gọi tên bạn bè theo ý xách mé kèm tên cha mẹ để chọc tức nhau. Thầy cô không biết chuyện này nên mắng tụi em hoài à.
- Có vụ đó nữa hả? Giờ chị mới biết á.
- Ha ha, làm Cô ở đất Tây Nguyên đâu có dễ! Hồi xưa có mấy cô thực tập dạy lớp em. Bà cô đó lùn dễ sợ luôn. Đến tiết giải bài tập á hả, tụi em hợp đồng với nhau, chọn đứa cao nhất lớp lên giải. Nó viết tít trên cùng của bảng, để bà cô không thể xoá hay viết phấn sửa bài được. Chọc cho Cô khóc chơi vậy á.
- Trời trời, em quậy dữ vậy, ai chịu nổi!
- Vậy mà bà cô đó chịu nổi á. Cô ấy không khóc mà cuộn tròn cái bảng phụ rồi cột dây lại, sau đó cô ấy dùng cái cuộn ống bảng đó để chỉ lên chỗ thằng bạn em viết đó. Ghê không? Chị phải như vậy thì mới không bị tụi nhỏ làm tổn thương, chị à.
- Nè, hồi xưa quậy vậy, giờ ân hận gì không?
- Mắc chi ân hận, chị! Nhưng mà cũng thấy hồi đó mà ngoan chút xíu thì giờ không phải lông bông như này.
- Sau này chị sẽ hỏi vì sao chúng nó cười. Giờ thì tế nhị im lặng đã.
- Đúng đó, đừng hỏi ngay bây giờ chị à. Với mấy đứa nhóc đang đi học, chị đừng có hỏi vì sao. Chị có phanh phui ra sự thật thì cũng không làm được gì hết. Coi chừng bị tụi nó trả thù theo cái cách là nếu đứa nào giơ tay phát biểu trong tiết của chị dạy thì bị cả lớp đánh mềm xương. Chị thành người độc thoại khi dạy luôn.
- Thiệt hả?
- Bé Tây của chị mà, không có lừa ai đâu á nha.
- Nè, muốn làm giáo viên không? Chị cho nè, chị không muốn làm nữa.
- Ối trời, chị bỏ nghề thì dễ nhưng mà chuyển nó sang tay em thì em phải mất cả trăm triệu lót tay cho người ta nha chị. Thôi đi, viễn vông quá à.
Có con mèo bước tới, nhanh chân lanh miệng, tha mất một con tôm chạy ra khỏi phòng:
- Mèo! Đậu xanh rau má mày nha, dám ăn vụng hả mày?
- Ôi ôi, em nói tục ít thôi. Kẻo ế bây giờ.
- Chị không có nói tục mà cũng đang ế đó. Ha ha
- Má mày nha Tây.
- Ha ha, thôi! Đừng có hờn em mà. Ráng tráng cho hết cái chậu bột với mấy con tôm này rồi em chở chị về thay đồ, xong cái là đi coi mắt thành viên mới của hội luôn nha chị.
- Chị về đây, nói chuyện với em vui ghê. Tối nay chị có buổi dạy kèm rồi.
Chị Giáo về để lại em tiếp tục cô đơn rán bánh. Rán xong thì trời nhá nhem tối. Em tắm một phát rồi ôm đồ đi bù khú với các anh Ếch Ộp, Cụt Hứng và con Nhí Nhố.
***
Buôn Ma Thuột, mùa sắp tan trường 2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, March 18, 2014

YÊU NGHỀ

Tác giả ảnh: Nguyễn Ngọc Bảo
    Mấy hôm nay nhạt mồm, muốn vung môi chút xíu nhưng mà hội Nói Tục Cấm Giận thì đi công tác hết cả, chỉ có chị Giáo là ở nhà. Mà nói chuyện với chị Giáo thì hãi lắm. Nói tục cái là chị ấy lườm ngay. Nhưng không có trâu nên em bắt chó đi cày. Em lon ton đến thăm chị Giáo.
    Ối ồi ôi, không biết do em xinh hay là do em có bản tính lương thiện mà đi đến đâu cũng được chó nhà người ta đón tiếp ở tận cổng bằng tràng sủa gâu gâu rất nồng hậu. Lắm khi em giật thót vì sợ nó ngoạm một miếng mông thì khốn. Em mông xẹp ngực lép, thường xuyên phải mặc áo mỏng manh để tôn những đường cong tuyệt mỹ nên sểnh ra một chút là chó có thể xơi ngay. Nhà chị Giáo cực nhiều chó, mỗi khi đến nhà em đều í ới gọi chị Giáo ơi. May quá, hôm nay chị ấy có nhà, hôm nay không có tiết nên buôn chuyện thoải mái. Hết chủ đề rồi nên em cà khịa:
      - Chị Giào này, chị có yêu nghề không?
      - Chị á? Yêu với điều kiện là tháng nào cũng phải có lương ăn.
      - Nếu không có lương thì sao?
      - Thì chị uống rượu vào, mượn rượu chửi bố tiên sư cái nghề ít tiền mà lắm áp lực.
Em đánh vào đùi một cái đét, khoái chí:
      - Ha ha, chị Giáo nói tục rồi. Em thuần hóa cái sự tục cho chị thành công rồi.
      - Ai chẳng có cái tục trong người, chỉ là người ta coi Thầy như Thánh nên cố mà giữ đạo hạnh cho hợp với lẽ đời thôi em ạ.
      - Nhưng mà nếu chị chửi nghề, họ nghe thấy được. Họ bình phẩm rồi thì triệu tập chị thì sao.
      - Thì lúc ấy chị lại bảo là do uống quá chén nên có những hành động và ngôn từ khiếm nhã. Chứ tôi vẫn thấy nghề Giáo cao quý nhất trong tất cả các nghề.
      - Èo, lưỡi chị Giáo ứ có xương rồi. Mà chị này, cái cô gì gì ở ngoài Bắc ấy, cô đó chui vào bao để nhờ người kéo qua sông như kiểu cảnh trong phim Cánh Đồng Hoang của cố nhà biên kịch Nguyễn Quang Sáng. Cô ấy yêu nghề nhỉ? Em không thể hiểu được vì đâu cô ấy lại có thể dũng cảm như thế.
    Chị Giáo tay khuấy mật ong trong ly nước chè xanh rồi bỏ đá vào mời em chứ chẳng nói gì. Trời Tây Nguyên mùa này nóng kinh khủng, lòng em cũng nóng vì sợ chạm vào lòng tự ái của chị Giáo. Chỉ có mỗi đá là lạnh. Chị ấy ngậm phấn hoa, thưởng ngụm chè xanh rồi gối đầu lên ghế, mắt nhìn trần nhà, nói:
    - Em đã bao giờ đứng trước một đám đông và thuyết trình về một vấn đề gì đó, thấy bên dưới toàn là những cặp mắt háo hức như muốn banh bộ não em ra để xem có gì chưa?
    - Em nhìn thấy đám đông là hãi rồi chị à.
    - Làm cô Giáo đi, rồi sẽ thấy được cảnh tượng ấy. Những ánh mắt như đang muốn nói rằng: “cô ơi, nói thêm tí nữa đi. Em không hiểu lắm cô ạ”, chúng sẽ bám theo tâm trí em cho đến khi xuống mồ. Hạnh phúc là khi có người nghe mình nói và cũng mệt mỏi vì suốt ngày nói. Nhiều khi muốn vứt sách, bỏ nghề. Nhưng dù có làm một cái nghề nào đó giàu có đến đâu thì vẫn nhớ những ánh mắt đó em ạ. Cô giáo ấy vì những ánh mắt ấy mà đánh đổi lấy nguy hiểm.
    - Nhưng em thấy không đáng lắm. Chính quyền ở đâu, sao không kêu gọi họ?
    - Đáng để hy sinh lắm em ạ. Không biết gì đừng tọc mạch lung tung. Đã yêu thì chẳng cần phải cậy nhờ ai cả. Xây cầu, làm đường là việc của các quan. Họ làm thiếu trách nhiệm thì rồi cũng bị xử án thôi. Thời gian để chờ gặp được quan, quá bằng chui bao qua sông rồi. Cô ấy hạnh phúc hơn chị của em vì học sinh cần cô ấy. Còn chị thì sao? Phụ huynh bỏ tiền ra để mua lấy những giờ học thêm cho con em mình rồi. Đến lớp học trò như đi dự giờ cô giáo. Ê chề mọi nhẽ em ạ. Trò khinh Thầy đến mức hôm nọ Thầy đánh trò đi bệnh viện. Chị nghĩ là do học trò nó không cần chữ của Thầy đang dạy, nó biết hết rồi, nó ngồi chơi. Bực quá, Thầy nổ một cái tát. Nó đau thì ít mà ăn vạ thì nhiều. Thời đại này người ta đang lên án chuyện dùng vũ lực với trò mà.
     - Nhưng đâu phải ai cũng đi học thêm đâu.
     - Ừ, biết thế nhưng chán lắm em. Mà thôi đừng nhắc đến chuyện giáo với dưỡng nữa. Dạo này tình yêu của em sao rồi?
     - Hu hu, nhớ bồ của con bạn quá.
     - Hả? Yêu bồ của bạn?
     - Dạ vâng! Nó bỏ em theo bạn của em mà. Họ sắp cưới chị à.
     - Em chia tay hắn lâu chưa và hắn tìm hiểu cô gái ấy kỹ chưa mà lấy?
     - Ôi, thời đại này chỉ cần con gái có việc làm và có cắp nhiễm sắc thể XX là có chồng thôi. Yêu đương làm gì cho lắm rồi bỏ nhau vì tiền. Em thất nghiệp nên nó bỏ em đấy.
     - Em nói như phim ấy.
  Đang nói chuyện ngon trớn, mẹ em gọi về nhà ăn cơm trưa. Nhờ thế mà hay chị em mới rứt nhau ra được. Cứ nõi mãi cũng nhạt mồm chứ có làm được gì cho đời đâu. Nhẩy?
Buôn Ma Thuột, chiều 18/3/2013
Tây Nguyên Xanh
(Lưu ý: lời văn không có bất kỳ ý gì nhạo báng nhân vật trong ảnh)
7 comments

Monday, March 17, 2014

BA!

Tác giả ảnh: Đoàn Cao Liêm
   Ba!

   Đêm nay Ba ngà ngà say, bước vào nhà với dáng liêu xiêu xuyên qua sương đêm. Trời Buôn Ma Thuột se se lạnh vừa đủ để con gái thương khi thấy Ba một mình đi trong đêm.

   Có người bảo khi say đàn ông nói rất thật. Con tin anh ấy (Khéo tin hơn cả tin Ba cũng nên, nguy hại nhỉ?). Ba có biết lúc say Ba nói gì không?

   Ba nói Ba sướng nhất trần gian vì có con gái. Một câu ấy thôi cũng đủ đêm nay con ngủ ngon hơn mọi ngày. Ba hỏi bữa giờ con có ghét ba không? Biết trả lời sao đây nhỉ. Con không biết ghét cũng chẳng biết yêu là gì nên cười trừ thôi.

   Ba van đau đầu, muốn con gái bóp trán, giật tóc cho. Lâu lắm con mới được ngắm Ba như thế. Ngắm thật lâu, thật lâu, thật lâu....Con cố nhớ những cái “vì đâu” mà Ba có thêm nếp nhăn. Có cái hình thành do lo lắng khi con ốm, khi con thi tốt nghiệp phổ thông, thi đại học, xin việc.....

   Mai này, nếu con vì “say nắng” mà yêu ai đó nhiều hơn Ba một chút. Hắn “dụ dỗ” con về ở chung dưới một mái nhà, ẳm theo một mớ của hồi môn về bên đó. Đã thế Ba lại còn phải đích thân đưa con trao tận tay cho hắn. Thế là bao năm Ba chăm bẵm không bằng một câu nói “anh yêu em” của hắn. Ba đừng ghen nhé.  Khi cả Ba và bố của hắn cùng ốm, con phải đút cháo cho người nhà đó trước. Ba đừng giận con nghe. Biết thế nào khi lúc ấy con đã là dâu nhà người. Con gái bất hiếu!

    Trời đêm nay trăng tròn, gió xuyên qua lá tạo nên một bản nhạc đêm đặc trưng của mùa khô đại ngàn. Bản nhạc ấy sẽ ru Ba ngủ...
Sáng mai Ba dậy, con mở cho Ba nghe một điệu hò Ví Dặm lời mới thật hay, một bài hát trữ tình thật dễ chịu, để Ba như chưa từng xa xứ Nghệ. Hình như hôm nay có ai đó từ Nam Đàn mới vô. Hội đồng hương tụ họp để cập nhật tin quê nhà và Ba đã say. Say rượu thì ít mà say tình đồng hương thì nhiều.

     Cảm ơn Ba đã khó xa quê hương để cho con được khóc lần đầu tiên trên nền đất đỏ,  để khi thi đại học con được ưu tiên một phẩy năm điểm. Nếu không có từng ấy điểm thì con không có ngày hôm nay. Con cảm ơn Tây Nguyên và hơn hết là cảm ơn Ba, Má thật nhiều.

     Ba ngủ ngon nhé!
Buôn Ma Thuột, đêm 17/3/2014

 Tây Nguyên Xanh