Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, May 7, 2014

CHỈ TIẾC EM KHÔNG ĐI HẾT NHỮNG NGÀY ĐẮM SAY

Tác giả ảnh: Võ Văn Ánh

TNX: Tôi sưu tầm bài viết này để tri ân những con người hy sinh tất cả cho hòa bình.
Tác giả bài viết: CHU LAI

  Nói điều này ra liệu các chàng trai cô gái thế hệ trẻ hôm nay có tin được không hay lại cho rằng đó là chuyện phịa, chuyện chỉ có thể xảy ra trong cổ tích, chuyện tầm phào, vớ vẩn, chuyện của mấy lão già rỗi hơi, vô tích sự.
   Đó là chuyện một đôi trai gái nằm bên nhau, ở cạnh nhau suốt ba ngày ba đêm trong một căn nhà hoang vắng mà vẫn không xảy ra điều gì. Trước hết cần phải nói rõ cái thời buổi những năm 60 của thế kỷ 20 ấy mọi thứ đều còn trong sáng lắm. Trong sáng trong xã hội, trong cuộc đời và trong tình yêu, nhất là tình yêu. Hồi đó, một chàng trai chỉ cần nhận được cái nhìn hơi có chút ý nhị của cô gái là đã no một tuần, nếu được cầm tay no luôn cả tháng và nếu được hôn, chao ôi, có cảm giác no cả đời.
   Hà Nội hồi đó chưa có ti vi, trăm nhà mới có được một cái radio, sách báo chỉ rặt đăng tải những dòng chính luận, thành thử với tuổi trẻ, tình yêu nam nữ, thân thể con gái là một cái gì đó run rẩy, bí hiểm và thiêng liêng lắm. Thiêng liêng đến nỗi có cậu trai cứ quả quyết rằng, đã là con gái đẹp thì nhất định họ không ăn không uống , không tiêu hóa như người thường bởi một cái miệng có nụ cười đẹp mê hồn thế kia, hàm răng trắng muốt, óng ánh như những hạt bắp nếp trên nương thế kia mà lại đi nhai rau ráu những món ăn trần tục rau dưa, thịt cá, mắm muối lèm nhèm ư? Nó phí đi.
    Vậy mà cái miệng, cái hàm răng, cái thân hình bung nở của con gái tuổi mười tám đó lại đang hiện diện ở bên anh, nằm cạnh anh, hầm hập, nóng bỏng suốt ba ngày ba đêm, tức là suốt bảy mươi hai tiếng đồng hồ trong một khoảng không gian độc tôn chỉ có hai người mà vẫn không vượt quá lằn ranh của một tình yêu trong sáng. Không, nói cho đúng ra, mọi việc không chỉ thánh thần suôn sẻ nhẹ tênh đến như thế. Ngược lại đã có lúc muốn phát điên phát rồ lên. Thậm chí đã có lúc cả hai trên người không còn một mảnh vải che thân, đã có lúc thương quá, biết đâu đây là lần cuối cùng được ở cạnh nhau, cô gái muốn nhắm mắt buông trôi cho đi tất cả và chàng trai cũng tha thiết được oà ập, được ngấu nghiến, được tan chảy, được nuốt chửng cái khối tình tức tưởi kia để được một lần biến thành đàn ông, để một lần được mang theo sự ngọt ngào sâu thẳm trước lúc đi xa, đi rất xa và có thể không trở lại.
     Nhưng chính vì cái ý niệm lần cuối cùng khắc nghiệt đó đã khiến cả hai dừng lại hay người lính trẻ đã cố cắn răng ghìm lại. Tan rã và mệt nhoài. Cuộc chiến tranh đang vào hồi khốc liệt, bạn bè ra đi mười người đến chín người không trở về, thương em lắm, nếu không trở về, ở trong em nhỡ có cái gì của anh thì sao, khổ hết cả một đời con gái. Anh nhọc nhằn ngồi lên, cô gái vẫn nằm im và nhè nhẹ khóc. Hà Nội vẫn vắng hoe. Bầu trời đêm trên cao vẫn chỉ có những vệt đèn pha phòng không quét qua quét lại chập chờn và bền bỉ. Anh mỉm cười kiêu hãnh và quay lại nâng cô gái dậy với sự nâng của một hiệp sĩ đã biết tử vì đạo. Em cũng cười. Cười như khóc. Mùi hoa hoàng lan ướp khẽ vào nụ cười thơm thoảng, ướt nước mắt ấy. "Anh đi, em không giữ được anh, chỉ cầu mong anh chân cứng đá mềm và nếu chẳng may mai mốt anh trở về có làm sao, em... em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời...".
     Câu nói nổ vỡ trong không gian như một tiếng động nhân văn ngàn đời của tình yêu trai gái khi nước nhà có loạn. Rồi anh đi. Em ở lại. Ga Hàng Cỏ một chiều mưa sao buồn đến thế. Đoàn tàu nặng nề chuyển bánh về phương Nam. Em đứng đó, nhỏ dần, mỏng tang, bất động như biểu tượng của một nỗi đợi chờ vô vọng trong chiến tranh. Anh nhoài người ra khoảng không, không vẫy, chỉ nhìn, lòng chắc mẩm rằng bằng hành vi cao thượng nhuốm chút màu hiệp sĩ trước nỗi khát thèm trong tình yêu như thế, anh sẽ hóa thánh trong lòng em và sẽ đủ sức giữ được em cho đến ngày trở về, nếu như còn có thể trở về. Thôi, ở lại đừng buồn và mạnh khoẻ, nghe em!
     Nhưng, chao ôi, rốt cục cuộc đời lại không hề như trong tiểu thuyết! Mọi sự hóa thánh hóa thần trong trái tim con gái chỉ có thể tồn tại trong huyền tích. Ngày anh trở về, lạy trời thân thể vẫn vẹn nguyên, nhưng trên một chiếc ghế mây, em đã chở thằng bé con người khác đến thăm. Em khóc nhưng anh lại cười. Đời người lính mất mát quá nhiều rồi, ngày nào cũng phải chôn đi một đồng đội, nước mắt đã cạn khô, thế thì cái việc mất đi một chuyện tình riêng tư nhỏ bé đã là cái gì ghê gớm lắm đâu mà rộn. Anh nói như một câu trong xã luận: “Sau mọi chuyện tôi vẫn phải cám ơn em, bởi nhờ có hình ảnh em, câu nói diệu vợi của em mà tôi đã đủ sức đi hết được các cánh rừng trận mạc, đủ dũng khí để làm một người cầm súng tương đối tử tế”.
Em khóc. Lại khóc. Ngày xưa tiễn tôi đi là giọt nước mắt thiếu nữ bây giờ đón tôi trở về là giọt nước mắt thiếu phụ. Hình như giọt nước mắt này nó đa chiều, phong phú hơn cái giọt nước mắt trước kia. Giọt nước mắt chia xa và giọt nước mắt gặp lại, nó giống nhau và cũng khác nhau quá đỗi làm sao! Dẫu biết rằng, như người ta kháo, để một cô gái đẹp ở lại thì có khác chi để cái xe Peugeot ở ngoài Bờ Hồ mà không khóa. Em đẹp, thậm chí rất đẹp, bằng vào những ánh mắt thèm thuồng hau háu của biết bao gã trai đi ngược chiều trên phố ngày nào đã chứng tỏ điều đó, vậy nó đã thành định đề, thành quy luật rồi, có đau cũng chả gỡ lại được. Ai bảo…
    Trước lúc về, em nói, vẫn trong nước mắt: “Em có tội với anh… Em vẫn yêu anh. Nếu muốn, em sẽ bỏ tất cả để trở về với anh…”. Lại một câu xã luận khác được tung ra: “Không! Người lính bọn anh chiến đấu hy sinh vì hạnh phúc của mọi người, trong đó có em, chỉ cần em được hạnh phúc là lòng anh thanh thản rồi!”. Và em về, đứa bé con người khác vẫn ngủ gục trên chiếc ghế mây.
    Thế là không còn điểm tựa, chẳng còn giá đỡ tinh thần, chẳng còn em, chỉ còn mình anh trần trụi. Người lính sau mười năm trận mạc cố sống, cố tồn tại để về được gặp em đêm ấy một mình lang thang đi ra phố mưa. Chao ôi, một chút tiếc nuối nhen lên, giá như trong những cái đêm khốn khổ thoảng mùi hoa hoàng lan xa ngái ấy, anh đừng cắn răng kìm giữ, đừng cố tỏ ra vị tha, cao thượng mà cứ để mặc mọi sự nó xảy ra tự nhiên thì người lính trở về là anh hôm nay đâu có đến nỗi “mất cả chì lẫn chài” thế này.
     Mất hết! Mất sạch để còn lại một kỷ niệm buồn như cổ tích.
     Nhưng không sao, lại một chút an ủi nhen lên mà chả biết có phải là xã luận nữa không: So với bạn bè, đồng đội còn nằm lại nơi rừng sâu mình thế này vẫn còn là may mắn chán. Chỉ có điều giờ đây tất cả là phải làm lại từ đầu, kể cả tình yêu.

3 comments

SAO BIỂN

Quy Nhơn Tinh Cầu - Ảnh: Micheal Phan
   Bốn năm ăn học ở Quy Nhơn. Tôi có 10 lần lên xe từ Quy Nhơn đi Buôn Ma Thuột, cũng có nghĩa là 10 đêm tôi chờ đợi để được về quê nhà. Trong đó có 9 đêm tôi thức trắng chờ đợi trời sáng. Chín đêm nghe phố thở, phố cựa mình, phố buồn chia ly. Hình như phố cũng không ngủ giống tôi. Những con cú kêu eng éc lượn khắp trời. Lâu lâu có tiếng xe máy chạy trên đường. Hơi mặn trong gió biển làm săn làn da mềm. Âm thanh báo hiệu trời sắp sáng là iếng chuông ở nhà thờ Quy Hiệp, rồi tiếng trò chuyện của các cụ đi tập thể dục buổi sáng, tiếng lục cục của cô bán đồ ăn sáng. Khi tiếng nhạc trong những quán cà phê vang lên thì phố đã vươn mình chờ nắng.
   Nhưng ở biển thì phải sống trong không gian chài lưới mới đậm đà. Tôi đã có mấy đêm ngủ trong "phố chài" ở khu phố I, phường Ghềnh Ráng. Muốn đến khu này, phải đi lên đèo Cù Mông (Tuyến 9 xe buýt Quy Nhơn), Cả khu phố có duy nhất một người Huế, còn lại là người ở Phú Yên di trú vào. Tôi đến hỏi nhà cô bạn quen thời thi đại học, mà họ cứ chỉ nhà của người Huế kia. Họ tưởng tôi người Huế. (Hì hì). Đêm ở "phố chài", tôi được ăn bánh tráng nướng chấm nước mắm cá cơm do họ tự làm. Ăn đến độ khát nước thì được húp canh Hàu. Những đêm đó được ngủ võng và nghe biển vỗ về thật sự như trong thi ca.
   Có một đêm, cô bạn tôi hỏi có thích xem sao biển không. Rồi bạn dắt tôi ra giữa đèo Cù Mông. Thật tuyệt vời, ngửa cổ lên nhìn sao trời, cúi xuống cũng được nhìn thấy sao, ấy là sao biển. Những ánh đèn trên thuyền nhỏ nhấp nhô bởi sóng, trông thực sự giống những vì sao trên trời. Cảm ơn người Quy Nhơn đã thương tôi trong bốn năm nhé. Hình như người Quy Nhơn thương tôi quá nên đêm cuối cùng ở Quy Nhơn tôi đã ngủ rất ngon và sáng hôm sau về quê nhà thì ngơ ngẩn thế nào mà quá trạm dừng gần 3km. Tôi yêu người Quy Nhơn vì khi gặp họ, họ không hỏi cảm nhận của tôi về Quy Nhơn, có chỉ hỏi tôi dã quen cách sống ở Quy Nhơn chưa. Tôi cứ có cảm tưởng như thế này: Nếu như ở các thành phố lớn khác, họ xây nhà rồi mới mua đồ nội thất. Còn Quy Nhơn thì họ sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà rồi mới phát sinh nhu cầu có cái che nắng che mưa cho những vật dụng ấy nên họ cất nhà. Là tôi mường tượng thế thôi. Yêu lắm, phố không se sua, lộng lẫy nhưng ám ảnh tôi trọn một kiếp người.
   Sáng nay tình cờ thấy ảnh có tên Quy Nhơn Tinh Cầu. Không cầm lòng được. Gõ tí cho đỡ nhớ Quy Nhơn.

---------
BMT, 7/5/2014. Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, May 6, 2014

XA XỨ

Tác giả ảnh: Cuong Herry
Đi xa khắp bốn phương trời
Ngoảnh đầu quay lại thấy đời lênh đênh
Nhớ nhà ruột dạ buồn tênh
Nụ cười gượng nở giữa mênh mông người
***
Buôn Ma Thuột, 6/5/2014
Tây Nguyên Xanh

No comments

Sunday, May 4, 2014

NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH - 14

Nguồn ảnh: internet
   Em cảm ơn các anh bên báo Tuổi Trẻ đã cho đồng bào cả nước biết một chút về tình hình cuộc sống của cư dân thành phố Thất Nghiệp chúng em. Ở ĐÂY . Trên cương vị là chủ tịch thành phố, em cảm động và biết ơn lắm lắm. 
    Những ngày lấm chấm hoa phượng nở này, các nhà hàng đang ngộp thở bởi lịch trình liên hoan cuối khóa của các lớp thuộc các cơ sở đào tạo. Chỉ khoảng một tháng nữa thôi, các cơ sở đào tạo khóc sướt mướt chia tay những sinh viên ưu tú ra trường. Còn một nữ chủ tịch thành phố Thất Nghiệp như em thì bận không thể tả. Nội cái việc cầm bút ký cho phép các cựu sinh viên ấy nhập hộ khẩu vào thành phố mà muốn phồng đốt tay lên rồi. Cho chúng nhập khẩu rồi thì lo vấn đề dân sinh. Tổ chức các cuộc tọa đàm huấn luyện văn hóa tư tưởng rằng coi chừng bị cò mồi nó ẵm tiền đi chơi, đang lúc thảnh thơi thì đừng chạy ẩu mà gây tắc đường, ai rủ các cô nữ lên giường thì nhớ tránh dùm cho. Kẻo rồi đẻ con ra đấy, nghề mẹ chưa có, bố có nguy cơ ruồng bỏ, đến lúc bị sởi thì mò đi đâu mà chữa bệnh khi tiền khô cháy túi.
    Ở cái thành phố Thất Nghiệp này, hễ có sự vụ gì đau xót thì y như rằng em bị bêu rếu thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý. Em chẳng muốn nhắc đến sự rối ren trong quan điểm xã hội lắm đâu. Nhưng thực sự là nội bộ thành phố Thất Nghiệp luôn luôn tồn tại làn sóng muốn được sáp nhập vào thành phố Hữu Nghiệp. Lãnh đạo của thành phố Hữu Nghiệp rất thích điều này vì họ không cần công kích cũng có một lực lượng lao động rẻ mạt. Ví như làm tiếp viên bia bọt, gái cho khách làng chơi , bưng bê trong quán cà phê, bán vé xe buýt, phơi nắng đi bán sim cho các nhà mạng....Nhưng thành phố Thất Nghiệp là mảnh đất béo bở cho bọn cò mồi xin việc kiếm ăn nên chúng tác động cấp trên của em là anh chủ tịch tỉnh Nhàn Cư nhằm ngăn cản cuộc sáp nhập tự nguyện này. Nên nhớ rằng cả hai thành phố Thất Nghiệp và Hữu Nghiệp đều trực thuộc tỉnh Nhàn Cư. Chủ tịch tỉnh Nhàn Cư là đồng chí Tổng Cò. Ai muốn chuyển hộ khẩu từ Thất Nghiệp sang Hữu Nghiệp thì nhất quyết phải có chữ ký của hắn. Một chữ ký của nó đáng giá cả trăm triệu đấy. Bây giờ người làm chủ tình thế không phải là em (người đứng đầu phố Thất Nghiệp) hay anh chủ tịch thành phố Hữu Nghiệp mà chính là anh Tổng Cò ấy đấy.
    Hôm nọ có anh bên tờ Nhàn Cư Nhật Báo hỏi nhận định của em về vấn đề dân sinh như thế nào. Em ngọng miệng, muốn được cúi đầu xin từ chức như phó thủ tướng nước Hàn Quốc để lãnh trách nhiệm về mình nhưng khốn cái là em cũng phải....chạy mới thoát được cái ghế chủ tịch này. Nói chung là đừng bắt em phải nói, hãy để yên cho em làm. Nhé!
Buôn Ma Thuột, 4/5/2014
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào đây để đọc những phần trước của nhật ký nhé: http://vunglep.blogspot.com/search/label/TH%C6%AF%20GI%C3%83N  

4 comments