Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, August 1, 2014

GÁI NGHỆ NỬA NẮNG LÀM KHÁCH ĐẤT VÕ

Tác giả ảnh: Ha Nguyen
   Mình có bố mẹ là người Nghệ nhưng được sinh và lớn ở Tây Nguyên. Thường ngày mình nói tiếng Nghệ, vẫn ăn cơm với tương, uống nước chè nên khi về thăm quê cha đất mẹ thì không ai biết sinh ở trong này. Tuy nhiên chỉ dám nhận là gái Nghệ nửa nắng thôi vì có sống trong môi trường Nghệ Gộc mới thấy mình có cái gì đó khác với họ.
   Cái tông của giọng Nghệ thì ai cũng rõ là tương đối nặng ở đầu nhưng cao vút ở phía sau và dễ bị “nhại” khi sống ở các vùng khác. Lúc biết đỗ đại học Quy Nhơn, có người khuyên mình nhớ đổi giọng chứ không thì xuống đó dân Bình Định hắn cười cho thúi mũi. Mình cứ ư ư à à rồi xuống Quy Nhơn xả nguyên giọng Nghệ rặt ri. Thế mà mình đã có bốn năm làm khách đất Võ đấy.
   Nếu như Tây Nguyên giúp mình có điểm ưu tiên để vào đại học thì giọng Nghệ lại cho mình vô số bạn bè. Người ta thấy bị kích thích khi nghe giọng Nghệ ở xứ Nẫu. Vì khó nghe nên họ cố nghe có bằng được thế là kết thân rồi trở thành bạn. Gần như chỉ bạn bè cùng lớp mới biết mình là dân Dak Lak. Ai hỏi quê em ở đâu, mình hếch cái mặt đầy vẻ tự hào, bảo: “thường thôi! Quê Bác!’. He he. Nói thế bởi vì mình ghét cách nghĩ rằng dân Tây Nguyên có nhiều cà phê và tiêu mà xuống học ở Quy Nhơn thì khác gì công chúa đi vi hành. Khai dân Nghệ để có cái cớ năn nỉ ỉ ôi xin giảm bớt giá của hàng hóa. He he, “quê em đất cày lên sỏi đá” mà. Nói vậy chứ mình thấy người Quy Nhơn quý mình ghê gớm. Hình như do nhỏ con quá hay sao mà đi mua cơm thì được nhiều cơm hơn người khác, đi ăn sinh tố hay được thêm hai trái nho, ăn bún lúc nào cũng được nhiều huyết bò hơn người khác.
   Lâu lâu đi mua hàng mà gặp giọng Nghệ thì thôi đi, cả người bán lẫn kẻ mua cứ  như anh em lâu năm mới gặp. Nhớ có một lần uống nước mìa ở cửa phụ ở chùa Minh Tịnh bắt gặp đúng chủ quán người Hà Tĩnh. Cô chú ấy từ thị xã Hồng Lĩnh vào Quy Nhơn làm việc theo lệnh chuyển công tác. Giờ về hưu rồi nên vợ bán nước mía, chồng làm nạng gỗ bán. Hình như chú ấy là con thứ nên nhà không có bàn thờ tổ tiên, chỉ duy nhất bàn thờ Bác Hồ. Mình hỏi người Nghệ ở Quy Nhơn có đông không? Cô chú nói không nhiều, chủ yếu là giảng viên hoặc cựu thanh niên xung phong, sống rải rác ở gần đai học Quy Nhơn hoặc phụ cận tượng đài vua Quang Trung, mỗi năm người ta tổ chức họp mặt đồng hương vào dịp tết Độc Lập 2/9.
   Tuy nhiên mình nhớ mãi lời khuyên “Sống ở xứ người cháu đừng nên thủ cựu quá” của một cụ già vô tình gặp ở công viên khi bị lạc đường. Cụ ấy sinh ra ở Quảng Ngãi, có khoảng hai mươi năm sống ở ngay chợ Tro, huyện Nam Đàn quê mình rồi bây giờ an hưởng tuổi già ở Quy Nhơn. Cụ nói giữ được giọng quê thì tốt nhưng ráng làm nhẹ bớt âm điệu đi.
   Còn theo mình ấy mà, thực ra nhờ giọng nói khác nhau mà sự mở đầu các cuộc gặp gỡ bớt gượng gạo hơn. Từ giọng nói người ta đoán quê hương, xong rồi khen (có thể thật lòng hoặc khách sáo) đặc sản nơi ấy, người nghe thấy ưng ý thế là quen nhau thôi. Nói chung, với người lạ thì khen quê hương thì được chứ khen đẹp trai, xinh gái, gia thế này nọ hay bị đánh giá nịnh bợ lắm. Chẳng hạn như gặp một anh chàng Bình Định nào đó trong những ngày này, mình giả vờ hỏi vu vơ rằng hình như dưới đó đang có liên hoan quốc tế võ cổ truyền Bình Định anh nhỉ? Gớm! Anh ấy lại chẳng ưởn ngực tự hào và nhào vào nói chuyện với mình ngay, nhỉ? He he, lộ hết cả bí mật tán trai rồi.
   Người ta xem đánh võ ở hội hè, còn mình đã được về tận làng quê xem ông truyền võ cho cháu ở sân sau nhà luôn. Lần ấy về xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước để thăm nhà chủ cho thuê trọ trong mấy ngày thi đại học. ở lại đó mấy ngày. Sáng nào cũng đứng trên lầu nhìn hai ông cháu nhà bên cạnh tập võ ở sân sau. Nhìn vui mắt và chân tay thích múa máy theo lắm. Hình ảnh đó rất đẹp và mong rằng còn vô vàn những hình ảnh ấy trên toàn đất Võ nói riêng và cả nước nói chung. Ông bày mưu, giảng võ, cháu đánh thì cái nhà anh Tàu ở nước làng giềng cần thận nhá! Nhá! Nhá!
CHÀO MỪNG LIÊN HOAN QUỐC TẾ VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH LẦN THỨ V
Buồn Ma Thuột, 1/8/2014
Tây Nguyên Xanh
3 comments

Wednesday, July 30, 2014

ĐẾN BIẾU QUÀ CHO VỢ SẾP.

Tác giả ảnh: Đặng Hữu Vinh
    Làm chủ tịch thành phố Thất Nghiệp (trực thuộc tỉnh Nhàn Cư) mãi cũng chán. Quanh năm bị dân săm soi lời vàng ý ngọc của em để có chủ đề vung mồm, tay chém gió nên thấy có tí nhục. Em quyết định cố sống cố chết, quỳ gối lê lết, xin cho được cái chân thư ký cho lão chủ tịch tỉnh Nhàn Cư. Làm thư ký đúng là nhàn thật luôn. Này nhé, chỉ cần lên lịch làm việc cho sếp, tranh thủ vợ sếp vắng nhà thì “bóp trán pha trà”, có khi được làm chủ gian bếp của nhà sếp luôn cũng nên. Mà lúc xếp lịch cũng có đồng ra đồng vào, thằng nào muốn được gặp sếp sớm thì bo cho em tí tiền. Em cũng thuộc típ người phá hỏng văn hóa bo tiền vốn rất nhân văn nhỉ?
    Vừa rồi tỉnh Nhàn Cư mở cuộc thi tuyển thư ký. Ôi, mở thi cho có cớ bổ nhiệm thế thôi chứ khoai sắp vào ấm hết rồi. Thằng nào biếu nhiều khoai thì đỗ thôi. Vì vợ chồng nhà lão chủ tịch tỉnh Nhàn Cư bị viêm đại tràng mãn tính do đi nhậu nhiều và hay bực tức khi đọc những bài viết chửi cạnh khóe quan tham nên sinh nhiệt, phân cứ vón lại, ỉa ứ ra. Nói thế cho dễ hiểu. Khoai lang tốt cho nhuận tràng nên vợ chồng lão ấy và các quan hiện nay khoái lắm. Thế nên ai muốn xin việc thì phải biếu một sọt khoai cho chúng nó. Một sọt tầm cỡ một trăn hai mươi củ là phổ thông nhất. Mẹ nó, dân thất nghiệp chúng em, quanh năm phải ăn cơm với cà pháo, húp nước chè thay canh sống qua ngày thì cũng ỉa có ra đâu. Lâu lâu cũng phải chạy vạy kiếm khoai để phòng khi ỉa ứ ra. Nói thế để biết rằng khoai là mặt hàng cực kỳ quý giá ở tỉnh Nhàn Cư.
   Lại nói đến chuyện em đi xin làm chân thư ký. Vợ chủ tịch ghen kinh hồn luôn. Mụ ta chỉ cho tuyển những đứa mông dẹt, dáng đẹt, giỏi bốc phét về tài năng của chồng mụ ấy thôi. May mà em có cái dáng rất hợp với danh xưng Nhũ Thị Lép nên vượt qua vòng sơ khảo ngoại hình. Trước kỳ thi chung khảo về chất xám thì bọn em phải đến nhà lạy dài và phúng biếu mụ vợ. Mụ ấy “thương” đứa nào thì bảo chồng cho đứa ấy đỗ. Thế là em mò vào nhà. Sau màn chào hỏi nồng thắm thì đưa cho mụ ấy xem hồ sơ. Thấy cái bằng tốt nghiệp ngành Lừa Đảo hệ tại chức của học viện Hóng Hớt&Mách Lẻo, mụ bảo ối em ơi, hệ tại chức bây giờ khó được chấp nhận lắm. Phải thêm ít củ (khoai) thì các phòng ban khác mới chấp nhận em ạ. Em dạ rồi hỏi tổng cộng phải mấy củ thì vừa. Mụ ấy bảo một trăm tám mươi củ em nhé. Em nghe mà đau ruột. Em năn nỉ ỉ ôi giảm lượng củ. Mụ ấy đay nghiến, gớm thời buổi này cái nghề làm đĩ vốn chẳng mất tiền xin thế mà cũng phải có trình độ chứ giờ có cụ thích khe ngực sâu mà não cấm được phẳng cơ, có kỳ thi tuyển nào mà không phải cần đến khoai lang hả em gái. Em cãi ngay, con bạn em tốt nghiệp loại giỏi, sang phố Hữu Nghiệp thi vào đợt đặc cách đỗ luôn, có cần khoai đâu. Mụ ấy tru tréo, ối giời, có con điên đoạt bằng giỏi nào dám mở miệng ra bảo xin việc mất tiền không hả cô. Bố mẹ nó có bán nhà xin cho nó thì vẫn phải nói dối là tự xin mà có. Gớm, vào cơ quan nhà nước mà nói như  tư nhân không bằng, Nhưng được cái mụ ấy khen em ngất trời, nào là ít người học  nghề Lừa Đảo mà chịu đi làm thư ký lắm, chị là chị cần những dứa như em, phải biết nói dối rằng sếp không có ở cơ quan để anh nhà chị được nghỉ ngơi nhiều. Em cười trừ rồi từ giã cái mồm mụ ấy để về kiếm khoai xin việc.
   Đang buồn như chó thiến đi trên đường, bà Chín Béo gọi lại hỏi làm gì mà phải vào nhà lão chủ tịch. Em trình bày lý do. Bà ấy nghe xong chửi em là vừa ngu lại vừa lỳ, cứ ì ạch ở nhà chơi facebook chứ không chịu ra ngoài hóng tin. Lão chủ tịch sắp hết thời rồi, vớt cú sau cùng đấy. Đợt này nghe đâu mụ vơ đánh quả đậm luôn. Dù em có đỗ thì thằng mới lên cũng dìm em đến chết. Hu hu, may thế. Em chưa gánh khoia cho nhà ấy. Phen này em quyết đến thẩm mỹ viện Cát Tường ngoài Hà Nội để nâng hết thảy cần nâng rồi kiếm anh nào con nhà giàu cho mau có tiền chứ chả đi xin xỏ việc vọc nữa đâu. 
Thành phố Buồn Muôn Thưở, 30/7/2014
Nhũ Thị Lép
No comments

Tuesday, July 29, 2014

CHUYỆN VỀ CÁI DINH THỰ CỦA CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ THẤT NGHIỆP-TỈNH NHÀN CƯ

Tác giả ảnh: Khủng Long
   Xin trân trọng giới thiệu đây là dinh thự của em (Nữ chủ tịch thành phố Thất Nghiệp trực thuộc tỉnh Nhàn Cư. Tên thật Nhũ Thị Lép)). Xin báo cáo một chút cho nó minh bạch như này: Căn nhà do cô bạn thân chí cốt Lý Thị Mông Dẹt tặng chứ trước đây em ở căn nhà tiêu chuẩn Ngàn Sao cơ. Bạn em có được là vì tranh thủ một thằng đang thất tình khóc trong đêm, nó chạy đi mua gấp chai rượu lúc đồng hồ điểm giờ Tý canh ba. Hai đứa chúng nó uống như thế nào đấy rồi sáng ra nó thẹn thùng bảo "nỡm ạ, đền em đi, khéo có chửa rồi cũng nên". Thằng ấy ứ cưới, nó bỏ của chạy lấy người. Mông Dẹt cười nắc nẻ khi nhìn thấy thằng ấy bỏ chạy quên mang dép, bảo bầu đếch đâu, may có tí rượu mà lừa được trai. Cho nên cấm bám rượu sau 22h đêm có khi là tốt cho nhiều người đấy nhỉ? Em ở chung nhà với nó. Nay nó lấy chồng và định cư ở thành phố Hữu Nghiệp rồi nên cho không em căn nhà. Xong phần nguồn gốc nhé.
   Sống trong căn nhà này, em nhớ mãi một kỉ niệm. Ấy là có lần do chẳng có việc làm nên hết gạo ăn. Em về xin bố mẹ chút gì cho đỡ đói lòng.. Mẹ em gào lên chửi: "Đồ bất tài và mất dạy, nuôi bốn năm ăn học mà về còn ngửa tay xin cha xin mẹ, Lo mà xin việc đi chứ. Đã thế lại còn mở miệng nói "xin cơm thừa canh cặn", có cha mẹ nào nỡ để con ăn uống như thế không? Nói ra mà ứa nước mắt. Định xát muối vào lòng người sinh ra mày à". Sau khi cả nhà ôm nhau khóc như mưa thì em được ăn ngon mặc sướng mấy ngày. Thấy bố mẹ than ngắn thở dài. Bố hút thuốc thả buồn theo khói, Mẹ thắp hương khấn xin ông bà cho con cái nhà con mua được việc làm với giá rẻ..Nản quá, em lại trở lại cái dinh thự này.
   Lúc về mới vui, mở cái rương quần áo ra kiếm đồ đi với trai, thấy có vài nghìn bạc lẻ và một tờ giấy viết như này: "Sáng ra gặp phải đàn bà hay sao mà đi trộm đúng căn nhà nghèo cóc chịu nổi. Nhà của chủ tịch thành phố mà như này thì bọn trộm như tao lấy chó gì mà ăn hả? Mày phải noi gương người ta chứ. Miệng hô hào chống tham nhũng nhưng tay phải biết đút tiền vào túi chứ. Hôm nay tao ghé nhà. Thương mày quá nên thí cho ít đồng bạc mọn. Bố khỉ! Hãy để thanh liêm mãi là một khái niệm kẻo bọn trộm như tao cóc được nhờ" Đọc xong em ngã vật ra cười ha hả.
   Được trộm cho tiền thì chỉ có quan ở thành phố Thất Nghiệp rồi nhỉ?
Buôn Ma Thuột, 25/7/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Sunday, July 27, 2014

BÊN TÁCH CÀ PHÊ TRONG NGÀY ĐẦU THÁNG CỦA LÃO NÔNG

Tác giả ảnh: Đen Trắng
    Sáng ra có lão nông tay cầm tờ lịch, mắt ngước lên trời, chép miệng: “Cả năm được rằm tháng bảy, cả thảy được rằm tháng giêng, Mới xuân đó mà tháng cô hồn tới rồi”. Ngày mồng một trùng với ngày Thương Binh Liệt Sĩ 27/7. Những người theo trường phái vô thần thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội hoặc các anh hùng đi trước. Người tin vào sự hiện diện của đấng siêu nhiên cũng thắp nhang làm lễ khai kinh cầu siêu cho các hương linh hữu danh vô vị và hữu vị vô danh, các âm linh vong cô hồn. Có nhà khoa học ngồi nhẩm tính có bao nhiêu tấn khói bay lên bầu trời tại Việt Nam trong ngày này. Tính xong, anh ta hét toáng lên ối giời ơi, tầng ozon của tôi. Anh ta hý hoáy viết, lật đật đi gửi báo. Khi bài lên trang, bà thầy bói đọc xong, cười xếch mép rồi cầm tờ giấy ôm bụng chạy ra nhà xí. Một lát sau tờ báo chẳng còn trên tay?! Thế đấy cuộc chiến giữa nhà khoa học và những bà thầy bói thường hay có kết cục như vậy. Chẳng biết trách ai vì ai cũng cần có niềm tin để sống.
    Bên tách cà phê sáng, chị thợ may giải thích với bạn rằng bữa giờ đầu tắt mặt tối, không lết nổi ra đường vì phải may cho khách kịp lấy đồ trước tháng bảy. Phải rồi, tháng cô hồn mà, có ai lấy đồ may đâu, chỉ khi bị lỡ thì người ta mới phải lấy đồ về cho chó mặc trước rồi người dùng sau. Có anh chàng đang múa mép, tay chém gió với bạn bè, bỗng nhăn mặt vì bị mẹ gọi về chở đi chùa lễ Phật. Cô gái ngồi bàn bên cạnh anh ta cũng như được nhắc nhở điều gì đó, ý nhị nói với bạn rằng phải về chở “mẹ của anh ấy” đi chợ mua đồ khô chuẩn bị cho mười lăm ngày trường chay đầu tháng bảy. Phải rồi, con dâu tương lai mà, chắc đang muốn lấy lòng. Chắc hết tháng bảy này nàng về ở hẳn nhà ấy thôi. Bên ngoài đường phố đông hơn mọi ngày. Mỗi người mỗi lý do rời khổi quán.
    Quán vắng dần, chỉ còn ta với sách và ly cà phê đang rã đá. Ta không mê sách như người khác nhưng cũng chẳng nỡ ngồi lên sách. Đôi khi ta đọc sách chỉ vì cái thằng ở cơ quan nọ bắt ta phải chờ đợi rất lâu mới lấy được giấy tờ. Ta ghét cái bộ mặt nhơn nhơn của nó đối lập với sự vội vã của ta. Dường như đọc sách giúp thời gian ngắn lại và để chứng tỏ sự bất cần của ta. Đôi khi đọc sách vì hai người trên chuyến xe buýt cãi nhau về một chi tiết có trong cuốn tiểu thuyết nào đó làm ta tò mò. Và có đôi lúc đọc để chứng tỏ ta cũng là người bụng-đầy-kinh-luân-luôn-tuân-theo-lẽ-phải (âm mưu của lưu manh giả danh trí thức đó mà). Lại có đôi lúc chẳng biết đọc để làm gì.
    Cách đây một tháng ta bắt đầu đọc năm cuốn tiểu thuyết Mùa Hè Giá Buốt, Thế Giới Xô Lêch, Đêm Sài Gòn Không Ngủ, Đất Thở và Xuân Lộc. Năm cuốn đều viết về chiến tranh và những hệ lụy của nó. Phải cảm ơn các nhà văn đã tái hiện lại quá khứ bằng ngòi bút. Ta còn trẻ, lúc nào cũng than đời nhạt nhẽo, muốn chết đi cho rồi. Nhưng có tìm hiểu về chiến tranh ta mới thấy ý chí con người là không ai có thể tưởng tượng hết. Người chết gieo mầm hy vọng sống cho người ở lại. Chính trong giây phút tàn khốc nhất của chiến tranh, người ta nảy sinh những ý tưởng lãng mạn mà không ướt át. Nói như các chính trị gia thì chiến tranh dạy cho con người ta yêu sự sống. Sự hy sinh của một tử sĩ có thể bị/được khuếch trương tầm ảnh hưởng theo một mục đích nào đó của ai đó, nhưng hàng trăm nghìn bộ hài cốt của tử sĩ thì không ai có thể nói sai khác đi được. Đó là cái giá của hòa bình! Vì vậy họ đáng được có một ngày của riêng mình. 27/7 – ngày của nỗi nhớ về máu và nước mắt. Ta không dám thốt lên lời biết ơn vì họ hy sinh nhiều quá, biết đâu bàn chân ta hằng ngày vẫn dẫm lên một phần máu thịt của họ trên quê hương ta. Hãy tưởng tưởng nếu sắp xếp xác của liệt sĩ rải theo đường ranh giới quốc gia, ta sẽ có được bao nhiêu chữ S như thế? Ta không dám tính và cũng không muốn tính.
   Có lẽ nhờ tháng bảy mà ta sống đằm thắm hơn?

Buôn Ma Thuột, 27/7/2014
Tây Nguyên Xanh
3 comments