Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, August 13, 2014

SÂU QUÁ NÊN CẦU CHẲNG THẤY ĐÂU

Tác giả ảnh: Kelvin Huy
   Nhân cái chuyện cáp treo tự chế để vượt sông ở hai huyện Krong Bông và Buôn Đôn (tỉnh Dak Lak) Mình lại nghĩ đến những người bạn ở đồng bằng. Họ nghĩ dân Tây Nguyên làm nông sản lưu niên, nuôi ong trên rừng nên giàu lắm lắm. Có thể do họ thấy một ký cà phê bán ra rồi dùng tiền thu về mua được vài ký gạo nên họ nghĩ vậy. Vâng! Dân Tây Nguyên giàu, giàu đến độ cây cầu cũng chẳng có mà đi.
   Ở Tây Nguyên, gia đình lý tưởng nhất ấy là vợ làm giáo viên, chồng trồng cây nông sản. Buổi sáng vợ đi dạy, trưa chạy về nấu cơm rồi đem ra cho chồng ăn. Buổi chiều hai vợ chồng cùng nhau làm rẫy. Tối về vợ soạn giáo án cho ngày mai, chồng trông con dùm vợ. Đó là mô hình gia đình có nền kinh tế vững vàng và hạnh phúc được đảm bảo. Vì gạo, đường, mắm, muối có được nhờ đồng lương hàng tháng của vợ. Nông sản thu hoạch về để dành cho những việc lớn như mua đất cất nhà, cưới vợ gả chồng cho con...
   Nói chung cứ không phụ thuộc hoàn toàn vào nông sản thì dễ thở. Còn nếu không thì phải là những gia đình vào Tây Nguyên ngay sau giải phóng miền Nam. Họ khai hoang rồi làm cái nhà trên ấy tạo thành mô hình “nhà rẫy” (nhà ngay trong rẫy). Cuộc sống gần như tự cung tự cấp. Cái rau tự trồng, con gà tự nuôi, quả chuối có sẵn trong vườn, tiền con ăn học thì có nông sản ngoài rẫy. Vừa rồi báo chí có đưa tin vụ ủy ban nhân dân huyện Krong Pak (trung tâm huyện chỉ cách thành phố Buôn Ma Thuột có 30 km trên quốc lộ 26 – đường đi Nha Trang) phớt lờ bản án của tòa trong vụ tranh chấp giữa chính quyền và người dân.  Là vì đất khai hoang trong tay dân mang lại lợi ích kinh tế cao và lợi dụng cơ chế cũ nhập nhèm nên chính quyền o ép dân. Nhiều “đầy tớ” nhìn thì sạch sẽ mà tanh khiếp. Tuy nhiên  vẫn có nhiều gia đình công chức, mua đất rồi thuê nhân công làm. Họ chỉ việc chi tiền chăm sóc và đến mùa thu nông sản. Đó cũng là một cách để họ kiếm thêm thu nhập.
  Mô hình “nhà vườn” (tạm gọi là vườn để chỉ sự kém về diện tích so với rẫy) thường thấy ở những hộ gia đình làm công nhân cho nông trường. Họ được cấp đất ở riêng, rẫy riêng. Nếu làm cho nông trường thì hằng năm bị định mức nông sản phải nộp khống chế rất nhiều phần thu về của nông dân. Thành thử nông trường vẫn giàu mà dân vẫn chẳng khá lên được là bao. Nhiều gia đình chọm cách làm thêm đó là nuôi ong. Vợ ở nhà chịu khó làm rẫy. Chồng rong ruổi kiếm hoa cho ong tìm mật ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

  Dân muốn có đất thì phải chịu khó khai hoang, vào vùng sâu để sống. Sâu quá nên cầu chẳng thấy đâu!
Buôn Ma Thuột, 13/8/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

THANH LONG

Thanh Long ruột đỏ. Ảnh: Tiếng Lục Lạc
   Có A Mí chăn bò đến hỏi mua trái Thanh Long. Nhìn Mí đưa bàn tay gầy nắm một mớ tiền lẻ nhăn nheo mà thương đứt ruột. Hôm nọ cho Mí mấy trái, Mí thấy ngon nên thèm. Ai mà nỡ lấy tiền của Mí chứ. Đưa cho Mí mấy trái rồi vô nhà.
   Nhà có mấy giàn Thanh Long ruột trắng nhưng mà hiếm khi mình ăn. Chủ yếu dùng Thanh Lòng để cúng vào ngày rằm và mồng một. Bữa ít thì 12 trái, bữa nhiều thì 36 trái nên phải cho hàng xóm mới hết được. Mình chỉ thích ăn Thanh Long ruột đỏ thôi chứ trắng thì nhác ăn.
   Có một năm, ai đó cho giống ruột đỏ. Trồng thì nhiều hoa nhưng đậu được nhõn 1 trái bằng nắm tay. Sau đó thì chỉ hoa chứ không quả. Nghe họ nói muốn có giống trái ấy phải chong ánh đèn điện ban đêm ở vườn cây. Thế thì kể ra tưởng cây Thanh Long "dễ nuôi" nhưng thực ra vẫn tốn kém nhỉ? Ngày mưa như này, Thanh Long nứt tè le ra. Nhà ai cũng bán nên ít kẻ mua. Chủ yếu là nhập hàng ở "vựa".(Cái nơi tập kết trái cây của một vùng, thấy người ta định nghĩa thế)
   Nhà mình thích cúng Thanh Long vì nó để được lâu, nhìn ấm bàn thờ. Hôm nào hái trên cây xuống không rửa thì để được khoảng 10 ngày, còn dính nước thì khoảng 4 ngày là bầm chỗ tiếp giáp với cái đĩa. Có lẽ mấy ngày qua có mưa, người chuyên chở không để ý nên để nước thấm vào sọt làm cho Thanh Long nhanh thối. Hậu quả là háng chưa đến tay doanh nghiệp xuất khẩu thì bị hỏng. Còn doanh nghiệp thì "a lê hấp" nhận hợp đồng với nước ngoài rồi. Thực trạng đây: http://tuoitre.vn/Kinh-te/623088/nghich-ly-thanh-long.html
No comments

Monday, August 11, 2014

CHẤM LỬNG - 15

1.
Kể từ ngày đi ra đường có mấy chàng trêu em:
     Em ơi duyên dáng mần chi
   Cho anh cứ mãi ươm mầm hấp diêm
Bố em ngày đêm canh cánh sợ “mất vàng”. Mỗi lần em ra ngoài là cụ dặn đủ điều. Ví dụ như phải dùng đất đỏ làm son để vừa thể hiện tình yêu quê hương đất nước lại vừa tránh mấy thằng hôn trộm. Đấy mới là một chiêu thôi, nhiều nữa kìa. Em ứ nhớ hết. Thế nên nếu ra được khỏi cổng là em cứ như ngựa xổng chuồng. Hôm nay em có một lần như thế.
2.
Nhà em vốn có điều kiện nên nuôi đầy tớ ở khắp nơi mọi chốn trên nước Việt này. Hôm nay em lên ủy ban, sai chúng đóng mấy con dấu lên vài tờ giấy cần chứng thực. Gớm, năm nào em cũng đi thăm nom chúng mấy bận mà chúng bày đặt hờn dỗi. Chúng hạch sách đủ điều, yêu cầu phải có cái này cái kia thì chúng mới chứng thực cho. Khiếp! Cứ như chủ - tớ yêu nhau ấy. Hết dỗi rồi thì chúng lại làm kiêu, bắt em ngóng chờ dài cổ mới trả giấy tờ cho. Có tí sắc đẹp là mệt vậy đấy. Tuyền bị ém giấy tờ để chúng có thời gian ngắm.
Lúc chiều, có thằng đầy tớ tuổi chắc nhỉnh hơn em vài mùa yêu thôi. Nhưng mà hắn làm phách với một chủ nhơn già hơn nó quá trời. Em ghét. Khi đến lượt em, em nói nhờ “chú” đóng cho “cháu” con dấu. He he, hắn trố mắt vì bị nâng tuổi. Chọc tức hắn chơi vậy á. Hã hã.
3.
Lúc về, tạt qua nhà nhỏ bạn chơi từ thời nhũ nhú chũm cau. Không ngờ nó đang khăn gói đòi xuống Sài Gòn kiếm việc. Hai đứa chụm cái đầu lại, cùng ngắm về một hướng, nghĩ mông lung. Hai đứa chơi thân trong lớp học thêm tiếng Anh hồi lớp 9, rồi cùng nhau ráng thi vào đại học. Đứa ở Quy Nhơn, đứa Sài Gòn. Có cái tết nọ, hai đứa gặp nhau. Nói bọn mình kiếm thêm một ngoại ngữ nữa cho kịp thời đại nhé, nhỡ đâu đời xui khiến phải làm trái nghề. Thế là đứa học tiếng Trung, đứa học tiếng Nhật. Giờ thất nghiệp, mỗi lần gặp nhau lại cố động viên nhau bằng cách hỏi đã đọc xong cái cuốn gì ấy chưa và khoe với nhau về tài liệu mới. Chán rồi thì ngồi thở đánh thượt một cái, tự vấn học để làm gì nhỉ? Ha ha, câu hỏi này hình như thầy đã hỏi khi xin nhập học thêm ngoại ngữ. Đến giờ vẫn chưa biết trả lời như nào.
4.
Đi trên con đường gắn với 12 năm học phổ thông. Nhà cách quốc lộ 2 cây, cách trường 6 cây và cách nơi học thêm 8 cây số.  Vừa lái xe vừa nhớ thuở đạp xe về nhà sau buổi học thêm trong buổi nhập nhoạng tối. Ôi những ngày sợ bị thằng mắc bệnh “khoe của quý” chặn đường rồi kéo vào lô cà phê hiếp. Lần nào gặp hắn cũng thấy nước da ngăm ngăm đen, mặc đồ rằn ri của lính và đặc biệt là bao giờ hắn cũng cầm ‘của nợ” lắc rồi hò hét búa xua. Lũ con gái chạy thí xác. Có lần mẹ em phải cho con bé nọ mượn áo để che thân rồi chở nó về nhà. Nghe nói nhờ con bé ấy đủ sức kêu cứu nên thằng ấy xé hết đồ rồi nhưng bị mấy anh thanh niên truy bắt, chưa bị gì.  Không ai tóm được vì hắn chạy theo hình zích zắc trong rẫy cà phê. Hình như 1,5 điểm ưu tiên khu vực 1 là xứng đáng với những ai đi trên con đường này.
5.
Ghé quán cũ, nơi mà bán những thứ như văn phòng phẩm và mấy cái kẹp tóc của con gái. Sau mấy năm quay lại, cô chủ quầy nhìn đượm tuổi hơn một chút. Cô vẫn nhớ vị khách kén hàng này. Mua cho cô một cây bút Kim Tinh (Hero) và một hộp mực Thiên Long. Bao nhiêu năm rồi vẫn thích ghi bút máy, nhưng chỉ có Hero mới giữ nguyên bộ phận bơm bằng lực bóp như xưa. Muốn tìm cái bút đầu con mèo như hồi vào lớp 1 tập viết mà chẳng còn bán nữa.

Bụi bặm vướng thân, tự nhiên thích trần truồng và cười khanh khách khi được mẹ xoa xà bông lên cái tòa thiên nhiên như ngày xa xưa ấy....
Tác giả ảnh: Khánh Khùng
Buôn Ma Thuột, 11/8/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments