Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, September 5, 2014

NHỮNG HÌNH PHẠT THUỞ ĐI HỌC

   Ra ngõ, thấy bọn trẻ í ới gọi nhau đi khai giảng (để có lý do sau này bế giảng ấy mà. Chúng nó học lâu rồi), tự dưng em thấy nhơ nhớ cái thới mài đũng quần trên ghế nhà trường. Nhớ hơn cả là những lỗi lầm. He he.
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo
1.Kéo quần cô giáo năm lớp 1
   Em căm thù cái thằng cùng bàn ghê gớm. Tên thằng bồ thì có thể em quên chứ tên nó thì muôn đời em vẫn nhớ. Cô giáo sợ học trò nữ ngồi cùng bàn sẽ rôm rả như hàng cá ngoài chợ nên xếp một nam một nữ chung bàn. Hồi ấy em thích ở nhà nhõng nhẽo bố mẹ hơn là đi học. Vậy nên cả gia đình và nhà trường cực kỳ vất vả vì em.
   Một ngày nọ, em chẳng chịu nghe cô giảng bài. Em ngó ngó nghiêng nghiêng viết trộm lên trang vở trắng tinh của thằng cùng bàn số 10 (viết băng bút chì thôi). Ối ồi ôi, nó (thằng oắt cùng bàn ấy) thưa cô ngay tắp lự. Sau khi khám nghiện hiện trường thì cô giáo yêu cầu em lên góc lớp úp mắt vào tường. Em ứ chịu lên, hồi ấy em sợ bị phạt lắm. Cô giáo kéo em ra khỏi bàn, trong khi đó hai tay em níu ống quần cô, một chân  làm trụ, một chân ngoắc vào cạnh bàn để giữ mình không bị lôi tuột. Cô giáo cáu tiết, xốc ngược em lên và bắt em thi hành lệnh.
   Cuối buổi học, mẹ em chờ mãi những chả thấy con gái riệu đâu. Mẹ nóng ruột, chạy vào lớp. Cô giáo được thể kể xấu em luôn. Sau này mẹ em trêu bướng vừa thôi, mới lớp 1 đã gây hấn với bạn và cô giáo. He he
2. Huýt gió trong lớp
   Hồi ấy là lớp 10 hay 11 gì đấy. Trong một tiết học Hóa, giải được cái bài tập gì đó thì phải. Cứ ngỡ như ở nhà nên em thuần mồm huýt gió một phát. Mà lúc ấy thầy đang phạt thằng bạn vì tội chẳng chịu làm bài tập ở nhà. Thầy tưởng nó huýt gió nên mắng nó xa xả. Tự dưng em nổi máu anh hùng, kèm theo áy náy lương tâm nên đứng dậy bảo thầy ơi, em huýt đấy. Ối ồi, thầy phạt cô học trò cưng đứng tại chỗ đến hết giờ. Hồi ấy em được cưng vì vừa mới được điểm 10 trong bài kiểm tra một tiết. Thầy tưởng em giỏi chứ thực ra em ngồi với bọn giỏi. Em nhìn bài mỗi đứa một câu, loay quay một hồi là sao chép xong bài làm. He he, được điểm 10. Oách thật!
3. Viết thư cho cô giáo
   Năm đó là lớp 12, em vốn thích thi khối D (Toán, Văn, Anh) nhưng môn văn em cực dốt. Một chiều mưa ủ dột nọ, em nổi hứng viết tâm thư kể rõ sợ tình và nhờ cô chỉ thêm cho em cách học văn rồi sáng hôm sau rón rén lên trao tận tay cho cô giáo dạy văn. Tưởng được cô thương, ai ngờ hôm sau cô đọc lá thư ấy trước mặt lớp. Oa cha ôi, em nhục hơn con cá nục. Từ đó em tuyên bố với bạn bè rằng môn văn là môn không đáng để học. (xin lỗi những ai yêu văn nhé. Em chỉ kể cái suy nghĩ một thời thôi). Văn lớp 12, em được 3,7 điểm. Sém ở lại lớp he he.
   Bây giờ nghĩ lại thì thấy em sai, hồi đó lớp 12 rồi mà vẫn giữ nguyên cái tật vòi vĩnh người lớn. Em lại không đủ độ tinh tế để hiểu rằng cái thư ấy nhờ vả cô chỉ bảo thêm cách học văn thì khác nào chửi thẳng vào mặt cô là lâu nay cô dạy em không hiểu gì cả. Em mắc lỗi xỉ nhục thầy cô. May mà cô dạy văn nên cô chỉ nhẹ nhàng đọc thư cho cả lớp chứ không chửi em.
4. Thấp bé nhẹ cân cũng là một cái tội
    Thú thật là em cao 1m43. Nếu mà cứ 1m50 trở lên mới đủ điều kiện xin việc thì em là phế phẩm của xã hội. Thời đại học, ngành của em thì ai cũng bị/được học thầy trứ danh “dũng sĩ diệt sinh viên”. Là sinh viên khóa trên đồn xuống cho khóa dưới nghe thế chứ ngồi học không phát ra tiếng khò khè khi thở, không quay ngang quay dọc, không nói chuyện riêng, siêng nghe lời thầy thì sẽ trót lọt thôi. Trong một tiết học nọ, thầy thấy không khí học có vẻ căng thẳng quá. Thầy ngồi nói chuyện phiếm với lớp cho đỡ nhạt. Thẩy bảo tụi bay sang khoa Sinh kêu bọn nó nghiên cứu phương pháp cải tạo nòi giống đi, tụi bay hơi nhỏ con. Cái rồi thầy cười xếch mép, ngắm mặt chỉ tay vào những đứa lùn nhất nhì lớp, trong đó có em. Lúc đó em mới biết, lùn cũng là một cái tội. Thế nên mới bị thầy bêu trước lớp. Có một lần, tổ của em đi thí nghiệm thực hành. Thầy yêu cầu em đứng dựa cửa lớp để thầy tính chiều cao của em theo số viên gạch em chạm mốc. Nhiều khi em nghĩ tại mình coi thầy như Thánh nên làm thầy mệt mỏi, thầy lấy em làm trò cười là đáng.
   5. Có lẽ vì sợ những đứa bất trị như em sẽ bêu rếu thầy cô, làm hoan ố truyền tôn sư trọng đạo nên các quan bây giờ phải bắt sinh viên ngành sư phạm khi ra trường phải bỏ tiền mua việc làm để biết cái giá của nghề giáo. Đến cuối cùng, người bị phạt nặng nhất là đấng sinh thành!
Buôn Ma Thuột, 5/9/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Thursday, September 4, 2014

GỬI ANH CASIO FX500MS

   Anh Casio Fx500MS thân yêu!
   Chúng mình bén duyên nhau từ thời em bắt đầu nhũ nhú chũm cau ấy nhỉ? Em còn nhớ là thời đó đứa nào vớ được anh thì có thể vênh mặt như bánh đa nướng quá lửa khi ra khỏi nhà. Em (cô học trò lớp 9) ăn vạ như anh Chí bồ cô Nở mới được mẹ tạo điều kiện ăn đời ở kiếp với anh. Gớm! Em mừng như gái ế có người cầu hôn. Hé hé.
   Trước khi có anh, em đã nghe chúng bạn quảng cáo rằng anh có thể giải hệ phương trình, tính căn các bậc, phương trình có ẩn số bậc cao, tính được sin với cả cốt rồi thì nhiều trò hay ho nữa. Em ngưỡng mộ anh hết sảy. Em bảo ối ồi ôi, anh giỏi đến thế là cùng. Em vốn ngu Toán anh ạ. Nói chung không những Toán và nhiều môn khoa học khác đều không được em ưu ái bằng môn Ngắm-Bạn-Trai-Cùng-bàn. Em nói thiệt á. Chúng mình đã trải qua những năm khốn khó để xây dựng một tình yêu vững bền anh nhỉ? Vừa rồi em còn hát cho anh nghe bài Hạnh Phúc Mười Năm Em Có Anh. Đúng thế, mười năm cùng nhau vượt qua các kỳ thi lớn bé. Mười năm mồ hôi và nước mắt em rớt trên màn hình của anh. Có những lúc anh tuột khỏi bàn tay em, rớt nghe cái bộp xuống sàn nhà. Em đau đớn vô cùng. Em sợ anh vỡ. Lại có những lúc em giấu anh nhưng mèo giấu cứt vì sợ trộm.
   Chúng ta có những kỉ niệm thật là vui, ví như lần em ghi mấy công thức tính toán phía dưới nắp của anh. Bà cô giám thị đi săm soi, lật giở từng cái nắp máy của bạn bè để kiểm tra có tài liệu không. Chẳng biết vì mặt em nhìn hiền lành, chất phác hay sao mà đến em thì cô đi theo tiếng gọi của thầy giám thị chứ không kiểm tra em. Em hú hồn bạt vía lần đó và em tin anh cũng thù em lắm vì tự dưng em vẽ bậy lên người anh. Thôi thì mọi sự yêu ghét đều nằm trong phạm thù thương nhau anh nhỉ?
   Còn nhớ em dùng anh được khoảng hai năm thì thằng bạn em khoe mới tậu con Casio Fx570MS về. Em biết nó thông minh hơn anh một tí nhưng em vẫn yêu anh. Đến lúc thi đại học thì em lại xao động tợn vì bạn bè rầm rộ khoe tính năng của Casio Fx570ES. Vào học đại học, em mới thấy thòm thèm 570ES đến nhường nào. Em đã lén lút để gian díu với anh 570ES. Nhưng em nghiệm ra rằng cái gì không phải của mình thì mãi mãi chỉ là dùng ké. Vậy nên em lại “chính chuyên chỉ có một mình anh, Casio Fx500MS” Tuy nhiên, hai chữ “chung thủy” không có trong não em anh ạ. Em chê anh cũ, anh già. Có thằng chíp hôi Casio Fx991ES PLUS tình nguyện làm “phi công trẻ” nhưng em già rồi, không đủ sức để ham hố mò những phép tính hiện đại xứng tầm chức năng của thằng oắt con ấy. Với lại chi phí để tuyển nó về cũng cao cao anh ạ. Mà cũng bởi vì nhiều người săn đón quá nên nó chưa đến cái vùng xa phủ xa tỉnh này định cư, bọn phố thị mua hết rồi anh ạ. Em quyết định “thôi anh” để tiến tới với anh Casio Fx570VN PLUS. Thôi thì mười năm yêu nhau, mười năm chia ngọt sẻ bùi thế cũng đủ rồi anh nhỉ? Em san nhượng anh cho người khác dùng. Nhớ anh lắm nhưng em còn có nhiều nỗi nhớ kinh hoàng hơn nhớ anh nên đành thôi người ơi, xa nhau từ đây.
   Đừng buồn khi tưởng tượng em đang hú hí bên tình mới anh nhé. Em đi rước tình mới đây. Ngàn lần hôn anh, Casio Fx500MS!
Buôn Ma Thuột, 4/9/2014
Em gái phương gần của anh

Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, September 3, 2014

LỄ CHIA LY CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ

   Trong các nghi lễ liên quan đến vòng đời người của người Êđê thì lễ chia ly (Chia tay với người chết) là một nghi lễ độc đáo trong văn hóa của người Êđê. Lễ chia ly được thực hiện ngay trong đám tang của chồng hoặc vợ tại nghĩa địa, sau khi việc chôn cất được thực hiện xong.
   Để thực hiện nghi lễ này chồng hoặc vợ mặc một chiếc áo truyền thống, trên tay áo buộc một vòng đồng (gọi là vòng ly biệt) và 2 ché rượu (1 ché cúng cho người vợ hoặc người chồng góa – ché rượu này khi kết thúc lễ những người đã lớn tuổi mà chưa lập gia đình, những người góa vợ hoặc góa chồng mới được uống và 1 ché cho 2 bên gia đình và khách đến dự lễ tang). Nếu không có áo thì có thể thay thế bằng chiếc khăn truyền thống khoác lên người.
Lễ Chia Ly-Ảnh tư liệu
   Sau lễ cúng, chồng hoặc vợ sẽ ăn miếng thịt cuối cùng với người chết, người sống ăn một miếng và ném xuống mộ một miếng, người đại diện của hai họ ăn theo sau. Tiếp đến sẽ lần lượt uống rượu cần tiễn biệt người chết tại mộ. Đây là thủ tục cuối cùng trước khi mọi người về nhà.
   Sau lễ này, người còn sống hoàn toàn được tự do có thể lập gia đình mới cho riêng mình. Theo Luật tục của người Êđê (tục nối dây) nếu người chồng hoặc vợ chết trước thì người sống vẫn phải hỏi bên anh em (bên chồng hoặc vợ), cháu của người đó. Nếu họ chưa có gia đình thì lấy người vợ, hoặc chồng còn sống.
   Ngày xưa theo luật tục thì chồng hoặc vợ còn sống phải tuân thủ nghiêm ngặt, nếu không sẽ không có ai nuôi những đứa con. Tuy nhiên, hiện nay tục nối dây chỉ thể hiện tượng trưng chứ không còn ép buộc.
   Lễ chia ly là một trong những phong tục thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời người của dân tộc Êđê. Nghi lễ cuối cùng của người ở lại, gia đình, dòng họ đối với người ra đi, là sự trọn nghĩa vẹn tình cho đến hơi thở cuối cùng. Đây là nét văn hóa độc đáo cần được gìn giữ, bảo tồn trong đời sống văn hóa của người Êđê.
THANH HẢI
2 comments

Tuesday, September 2, 2014

CHẤM LỬNG - 16

Vầng Trăng Ba Đình - Ảnh: Lê Huy
   Sáng sớm, mở mắt ra đã nghe mẹ gọi Tây ơi, dậy hốt cứt mèo! Chắc là đêm qua con mèo nhút nhát ấy lại bị mèo cái đến rủ rê hẹn hò nên ỉa trong sợ hãi đây mà. Dậy xem thì đúng ư như luôn. Cứt vãi đầy nhà. Tây có nuôi một con mèo đen giáp năm rồi. Xung quanh hàng xóm có con mèo cái thuộc giống gì mà to phải đến gấp đôi mèo đực nhà Tây. Tối nào con cái ấy không lấp ló ở cửa sổ thì mèo của Tây mới dám ra ngoài “giải quyết nỗi buồn”. Lắm hôm con mèo kia cứ meo meo gọi bạn tình ngoài cửa sổ, trong này con đực run run nhảy lên đùi Tây nằm im thim thíp. Ra vườn, lỡ gặp con cái, nó vừa kêu thảm thiết vừa chạy lại con chó. Chó hiểu ý, đuổi con cái kia dùm cho. Nhiều khi bồng nó, mắng yêu rằng nhát như thế thì chừng nào được làm bố hả mèo.
   Đang lúi húi hốt cứt, thằng bồ mang một bó hoa to, người sặc mùi nước hoa chạy đến, thấy cảnh tượng ấy. Chẳng biết có phải do anh ấy gớm ghiếc cái việc của Tây hay không mà chàng “đăng sau, quay! Bước đều, bước!” luôn. Buồn buồn thế. He he. Đùa đấy, chả có ai ghé cả.
  Những năm học phổ thông của một đứa sống ở nơi “xa phủ xa tỉnh” như Tây, ngày 2/9  là một dịp để được bố mẹ chở đi Phố (thuật ngữ mà người dân trên toàn tỉnh  Dak Lak ưu ái sử dụng khi nói đến Buôn Ama Thuột). Bọn Tây thích lắm. Có lẽ phải dùng cụm từ “hạnh phúc” mới đúng tâm trạng lúc đó. Hồi đó còn “ăn cơm sau kẻng” nên lễ Quốc Khánh là dịp chơi cuối cùng trong kỳ nghỉ hè. Lên Phố để tranh thủ nhõng nhẽo bố mẹ mua cặp, sách, vở mới. Còn người lớn đi để mua bạt lưới, dây, bao, kim khâu bao chuẩn bị cho mùa thu hái sắp đến. Thường thì bố chở đi Phố, mẹ ở nhà làm thịt gà, nấu xáo để cả gia đình ăn với bún. Nhà nào cũng như nhà nào. Ăn nhậu nhân dịp Quốc Khánh đã trở thành cái lệ. Nhà ai không có cho con ăn lại thấy tủi thân.
   Năm nay, mẹ sợ chợ hôm nay đông nên hôm qua mẹ cho Tây ăn mừng Quốc Khánh sớm he he. Một tô bún riêu kèm thịt bò to chà bá luôn.
   Hồi còn là sinh viên ở Quy Nhơn, thường tựu trường vào khoảng ngày 20/8 nên không được ăn mừng Quốc Khánh ở nhà. Đến hôm lễ,  sáng sớm ra cây ATM rút tờ một trăm nghìn đồng. Tự cho phép và cũng ép mình phải xài hết nhiêu đó trong một ngày. Tây lang thang hàng quán, ngắm phố phường, trưa không về ký túc mà vạ vật ở cái ghế đá nào đó ở công viên thả hồn về phía biển. Đi cho đến khi cửa ký túc xá khép hờ mới về phòng. He he. Xấu gái, chẳng có ai yêu nên phải giở cái chiêu thể hiện tác phong như kẻ mới đi hẹn hò về khuya ấy mà. Hã hã. Đấy, cái điệu cười này khiến cho nhiều bạn Facebook ái ngại cho cái sự ế và trình độ nhận thức của Tây. He he. Cảm ơn mọi người lắm lắm, cơ mà Tây Nguyên Xanh là phải hã hã thế đấy.  
   Như bao ngày khác, Tây lượn Phây xem có gì mới không, bạn bè đi chơi lễ về chưa. Xem xong thì lục kho ảnh, lướt một lượt, dừng mắt ở cái nào thì biên bài theo ý tưởng cái ấy. Hôm nay dừng ở cái ảnh lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói thật là mạng xã hội hiện nay đang có một luồng suy nghĩ khinh bỉ tất cả những ai đăng những câu viết và hình ảnh ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ cho rằng những người tưởng nhớ Bác Hồ đều là đạo đức giả, nịnh bợ cấp trên để thăng tiến trên quan lộ. Ồ, riêng Tây, Tây chỉ ghét những kẻ mượn danh người quá cố để áp đặt cái mình muốn lên người đang sống như cha cố và thầy sư tự nâng quan điểm của mình lên bằng cách nói “Chúa phán rằng....; Phật dạy rằng....”. Có đánh thì đánh kẻ mượn danh chứ ai lại đi chì chiết nhân vật “bị/được” nhắc trong câu nói nhỉ? Người chết nghĩa là đã làm hết sứ mệnh của lịch sử giao phó rồi. Thế thôi! Ai thấy không đồng ý thì cứ ân-phờ-rén hoặc bờ-nốc Tây đi nhé. Đừng bình luận những vấn đề xung quanh ảnh được đăng này.
   Thôi gõ thế thôi nhé. Tây đi “mếch-cớp” cho xinh gái một tẹo để còn kiếm được “hót-boi” đây. Lễ lạc chẳng ai rủ đi chơi, Tây tự kỷ ở nhà. Buồn buồn thế. He he. Chắc lại xấu quá đây mà...
Buôn Ama Thuột, 2/9/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments