Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, September 27, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 2: MẺ CÀ PHÊ PHƠI ĐẦU TIÊN

   Các chàng trai yêu em hỡi, biết chuyện gì chưa? Nhà em có mẻ cà phê phơi đầu tiên rồi. Bố em có chỉ thị tạm đình chỉ cái sự hẹn hò của em trong khoảng 3 tháng từ nay cho đến hết mùa cà phê các anh ạ. Hẳn các anh sẽ bảo sao em không cãi nhời bố. Vâng, em có cãi, em than với bố rằng ngăn sông cấm chợ chứ ai nỡ cấm yêu. Bố  nhướng mày, tay chỉ thẳng vào mặt mà rằng của hồi môn của cô đang nằm trên cái sân cà này đấy. Cha bố cô, ráng ở nhà phơi phóng, giữ cà giữ kê chứ không mấy thằng trộm nó hốt đi mất. Nhà nghèo, đói giơ răng, hẹn hò cho chán chê rồi đến ngày dạm ngõ, nhà thằng người yêu đem trầu hôi cau mốc đến xin dâu thì nhục mặt. Nhìn vườn tược mà ước hương hoa, nhìn nhà cửa mà bầu Lý Trưởng. Đừng thấy bọn thành phố sang giầu, nhà lầu xe hơi chạy phơi phới cả ngày mà cứ đú đởn theo chúng nó, bỏ việc nhà là chết cả nút đấy con ạ.
   Em lại cãi rằng ban ngày con ở nhà phơi phóng thì đêm về bố phải cho con đi với các anh ấy chứ. Bố lại khuyên cần tỉnh táo trước mọi âm mưu diễn biến của địch con ạ. Địch mà bố nói ở đây là những thằng trộm. Trước thì nó trộm cái môi hôn của con, sau nó ra ám hiệu cho đồng bọn hốt cà trong sân, cuối cùng là trộm luôn con gái của bố về làm dâu nhà nó. Có phải là bỏ công bố chăm con không hở?
   Em nghe thế thì im luôn. Vậy nên các anh đừng có mà đứng ngoài hàng cây Mận Hảo huýt sáo líu lo, tắc kè tắc két nữa. Em xốt ruột lắm. Yêu và nhớ các anh lắm luôn ấy. Hu hu. Cơ mà để em khoe với các anh chút. Cà phê trong sân phơi của nhà em là cà đã xát vỏ quả tươi rồi. Còn lại vỏ lụa bao bọc nhân thôi. Phơi như thế này nhanh khô và tiết kiệm diện tích và mỏng thể tích sân phơi hơn. Nhưng hạt nhân sau khi bóc vỏ lụa thì nhìn không được xanh và đẹp như cà phê phơi cả quả từ khi tươi cho đến khi khô rồi mới xay một thể. Cà mà được phơi trên sân đất thì nhân nhìn càng bắt mắt hơn phơi trên sân xi măng nhiều. Có điều em ít uống cà phê nên chẳng biết vị của chúng nó có khác nhau vì cách phơi và xay xát hay không.
   Em lại sẵn mồm, muốn kể cái hồi ức tuổi thơ có tí dữ dội của em quá. Chúng em (em và thằng em út) buổi sáng đi học, buổi chiều kéo cái bàn học ra hiên nhà để làm bài tập và canh trộm cà trên sân. Nhiều khi cà còn một nắng nữa là khô nhưng mấy đen ở đâu kéo đến, bố mẹ đang ở ngoài rẫy, hai chị em chổng mông cào và hốt cà. Có hôm cô giáo hỏi vì sao không làm bài tập ở nhà thì em lấy cớ chiều hôm qua em phải hốt cà nhưng thực ra em la cà cùng với anh hàng xóm. He he. Cà mới được hái về thì bọn em còn bốc ăn vụng nữa cơ. Dưới lớp vỏ cà phê tươi có lớp màng gây vị ngọt trên đầu lưỡi nên bọn em thích cắn mút và phun hạt ra sân phơi. Tuổi thơ của chúng em đã gắn liền với những mùa cà phê như thế. Hế hế. Nghe có vẻ thi vị nhỉ? Mỏi mồm tả cảnh quá!
   Lúc gõ bài viết này, hội uống nước chè buổi sáng bên nhà hàng xóm đang rôm rả áng chừng sản lượng của những chủ lô cà phê trong xóm. Người khen nhiều, kẻ chê ít. Có cụ già khụt khịt mũi bảo nhiều hay ít là phụ thuộc vào sức đầu tư mạnh của người trồng. Cà trĩu quả thì cũng chịu mất chi phí đầu tư lớn. Cãi nhau làm gì cho mệt. Thằng nào bảo dân trồng cà phê giầu thì cứ vả vào mốm nó, các cô các chú nhỉ? Em hóng được như thế. Thôi thì câu chữ cũng dài rồi nhỉ? Cuối tuần, em gõ tí góp vui cho các anh với cả các chị. Đấy, giờ em mới để ý đến các chị. Ban nãy em cứ như thể chỉ nói chuyện với các anh. Các chị thông cảm nhé, gái ế nên nó thế. Hế hế
Buôn Ama Thuột, 27/9/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, September 25, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 1: NHỮNG NGÀY CHỚM MÙA

Tác giả ảnh: Nguyễn Văn Vỹ
   Từ dưới Sài Gòn, bạn nhắn tin qua Facebook hỏi dân mình mùa này làm gì hả em ơi. Dẫu biết rằng câu hỏi đó như là cái cớ để mở đầu một cuộc tán gẫu nhưng có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn bạn đang có một nỗi nhớ quê nhà da diết. Mùa này làm gì ư? Họ đang làm cỏ trong rẫy cà phê bạn ạ. Sau khi bão đổ vào đâu đó ở miền biển thì người miền núi Tây Nguyên đón nhận những cơn mưa, cây cối xanh tốt và cỏ mọc um tùm. Người trồng cà phê mài cuốc đi rẫy và đương nhiên họ không quên nhét cái cạo cuốc vào túi. Đất đỏ Bazan nhìn vậy chứ có độ dính nhất định. Nó bám vào lưỡi cuộc làm cuốc nặng và cùn hơn nên phải cạo.
  Sau khi cuốc cỏ xong thì họ lại lọ mọ đi hái cà phê chín bói. Họ bị kiến Eo cắn phát nào là tối về da bị cương mủ trắng ngay vết cắn. Họ bị những con kiến nhỏ tí tẹo tạm gọi là kiến Cứt Bò làm ngứa ngáy khó chịu. Gọi là kiến Cứt Bò vì cái tổ của nó được  trát bằng phân của con bò hoặc các động vật khác. Loài kiến đen, nhỏ ấy đã đội đất lên quẳng trên mặt bãi phân rồi bưng từng mảng phân về làm tổ. Cứ thế bãi phân cứ như là đã phân hủy theo thời gian nhưng thực ra các chú kiến chăm chỉ đã tận dụng chất thải ấy. Vì thế dọc đường người đồng bào thiểu số đi chăn bò, không khó bắt gặp những đám đất tơi xốp. Chỗ ấy cách đây mấy ngày là một bãi phân bò. Kiến Vàng cũng chẳng tha làn da của người nông dân. Chúng cuốn lá cà phê rồi giăng tơ kết dính lại thành tổ. Người sành ăn sẽ thích loài kiến này vì nước đun cùng ấu trùng và kiến thợ có vị chua dịu. Đây là món ăn tức thời của những cô cậu người đồng bào thiểu số khi chăn bò ngang qua mà bắt gặp.
  Người nông dân bị những loài kiến ấy cắn, làm giảm năng suất lao động trong mùa thu hái nên chủ rẫy trong những ngày này rủ nhau đi phun thuốc diệt kiến. Một hành động khiến các nhà nghiên cứu lo ngại về tính đa dạng sinh học nhưng nhà nông không có nhiều lựa chọn để có thể vừa đảm bảo chi phí thời gian thuê nhân công lại vừa nghĩ đến môi trường.
  Lúc gõ bài viết này, tai người viết đang nghe thông báo nội dung hội nghị liên tịch về bảo vệ sản phẩm cà phê và tài sản xã hội chủ nghĩa năm 2014 trên loa của đội sản xuất. Thế là mùa cà phê bắt đầu, chưa hái rầm rộ nhưng người nông dân đi làm chòi cảnh vệ là vừa...
***
Buôn Ma Thuột, Đầu mùa rẫy 2014
Tây Nguyên Xanh
-----

Trên đây là hình ảnh tổ kiến đùn đất lên trong rừng khai thác nhựa thông ở Kon Tum do kỹ sư Nguyễn Văn Vỹ chụp lại
No comments

Tuesday, September 23, 2014

TỰ DƯNG NHỚ CÁC BẠN CỬ TUYỂN THỜI ĐẠI HỌC

   Mình thuộc dạng đáng lẽ là rớt đại học nhưng nhờ được sinh trên đất Tây Nguyên nên được cộng 1,5 điểm khi thi tuyển vào đại học. Nói thật là mình đã rợn tóc gáy, đứng trân người khi biết điểm chuẩn của trường đại học Quy Nhơn, mình phải dùng hết 1,5 điểm khu vực 1 mới đỗ. Cảm giác cứ như chết đuối vớ được cọc. Quả là may cho một đứa không ôn môn Vật Lý như mình. Mới đầu nhập học, mình cứ nghĩ rằng chắc có lẽ mình sẽ bị coi thường lắm. Nhưng thực ra các bạn thuộc diện cử tuyển (tỉnh cử đi học) mới bị phân biệt đối xử.
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo
   Mình sẽ chẳng biết đến diện cử tuyển này nếu như các bạn nữ  sinh viên cử tuyển không co cụm lại, cùng ngủ trên một tấm phản lớn ở góc phòng hồi học quân sự. Cần nói thêm là gần như duy nhất chỉ có khóa mình bị (có thể là được) trường đại học Quy Nhơn cho đi học quân sự ngay sau nhập học. Các khóa khác học vào hè năm thứ nhất. Bọn mình chưa biết mặt bạn đồng môn đã phải lên cái xe theo biển số được thông báo trước. Cứ thế lên và cứ thế mò mẫm, ai hô ngành này về tiểu đội kia thì lẽo đẽo xách ba lô theo hướng ‘cái mồm” ấy. Trong thời gian học, mình không xin phép “đi tranh thủ” như nhiều bạn khác nên cuối tuần hay mon men hỏi han tâm tình các bạn cử tuyển. He he, mình tò mò lắm. Theo hơi nồi chõ mà mình hóng được thì các bạn này đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Họ được tỉnh cử đi học để về công tác ở sâu trong các vùng có đồng bào mình. Ở phương diện này mình thấy chính sách cử tuyển là đúng vì dù muốn dù không, người dân tộc thiểu số vẫn tin “cái bụng” người cùng sắc tộc với mình hơn người Kinh. Vì một vài lý do tế nhị nào đó mà lực học của các bạn đồng bào thường kém hơn người Kinh ở các cấp học. Thế nên sinh viên diện cử tuyển là cần thiết cho mỗi một tỉnh thành có dân tộc thiểu số. Các bạn được đi học “dự bị đại học” trước một năm rồi mới chính thức vào lớp bọn mình. Hình như học dự bị nghĩa là bổ sung kiến thức cơ sở trước khi vào học các môn đại cương ở bậc đại học.
   Các bạn ấy học để có kiến thực thiết yếu nhất của một ngành nghề nào đó. Khi trở về địa phương, họ còn được dìu dắt chỉ bảo thêm bởi những người (có thể là người Kinh hoặc đồng bào) có kinh nghiệm. Nói cho nhanh hiểu là thực hiện mô hình “Kinh kẹp Tộc”. Xin lỗi, mình không có ý miệt thị khi sử dụng thuật ngữ “Tộc” một cách đơn lẻ. Xin các bạn đồng bào thứ tha. Việc cử người đi học ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành là một việc mang ý nghĩa an ninh tư tưởng đối với một đất nước đa sắc tộc như Việt Nam ta. Thế nhưng có nhiều cán bộ cấp to to của các tỉnh lợi dụng chính sách nhạy cảm này mà cài cắm con em họ vào thay vì chọn những người đồng bào sáng dạ nhưng lực học chưa đủ điểm đậu (số điểm thiếu không lớn lắm) vào chính cái ngành tình cần. Rồi thì có những chuyện như cha mẹ phải “tróc da trày vảy” cho con được đi học theo diện cử tuyển. Nhưng thà cái sự tróc da ấy mà hợp với ý con cái thì còn đỡ. Đằng này có nhiều trường hợp con cái không thích, bố mẹ vẫn nài nỉ con đi.
   Lớp mình có một chị, chị ấy đang học cao đẳng sư phạm Văn thì bố mẹ thuyết phục đi học ngành Hóa. Thấy chị ấy ì ạch, vô cảm với khối kiến thức Hóa Học mà thương. Cuối cùng chị ấy chấp nhận rớt xuống khóa sau để làm lại từ đầu. Lại có bạn nọ (cũng lớp mình luôn) đang được tỉnh cử đi học ngành Hóa, bỗng bạn ấy lại được tỉnh cử đi học ngành cảnh cát môi trường. He he. Nay bạn ấy có quyền tuýt còi mình chứ chẳng chơi. Lúc nghe giảng, lắm khi cả lớp vẫn nghe được những câu nói “khinh ra mặt” của thầy cô đối với sinh viên diện cử tuyển. Một số người vừa học không nổi lại kèm theo thấy nhục nhã nên đã phải bỏ học và tất nhiên là tha hương luôn, không dám về với gia đình nữa. Đời các bạn rẽ sang một hướng mới...
   Nói vậy chứ không phải học cử tuyển là dốt hoàn toàn và đạo đức nghề nghiệp sau này kém đâu. Các bạn cứ hình dung cuộc thi đại học như là một nút thắt của dải lụa  ấy. Ai trèo qua khỏi cái nút thắt ấy thì đoạn lụa mới này về căn bản là giống đoạn cũ  nhưng nó sạch hay nhớp, nhăn nheo hay phẳng lì là tùy vào người trèo. Mạng xã hội đang xôn xao chuyện cử tuyển ở đại học Y Dược Cần Thơ. Có vài người thở dài bảo thảo nào mà y đức của bác sĩ hiện nay thấp đến thế. Ôi, các bạn đừng than nữa, thực ra chúng ta có mắt sáng nhưng thực ra chúng ta là người khiếm thị. Bằng chứng là chúng ta luôn luôn phải mò mẫm đi tìm lòng tốt. 
Buôn Ama Thuột, 23/9/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, September 21, 2014

XỨ CÁT QUẢNG BÌNH

  Đất nước ta có đồi cát Nam Cương nhìn như sa mạc ởNinh Thuận và bờ biển của chúng ta dài như thế thì chẳng khó bắtgặp cát nhưng tôi vẫn muốn gọi Quảng Bình là xứ cát. Cát QuảngBình trắng tinh quyến rũ như làn da của gái xuân thì. Ấy vậy mà mùalũ, cát theo nước cuốn tràn lên ruộng đồng khiến nông dân Quảng Bìnhmất mấy tháng mới nạo vét, cải tạo được đất để canh tác. Cái đất ấy cũng chẳng còn phì nhiêu như trước nữa. Thế nên may ra chỉ có khoai mới sống bền nơi ấy được. Ví cát Quảng Bình với gái quả không sai mà. Khi yêu thì đẹp, khi ghét thì làm hoang tàn hết thảy.
   Dưới đây là bộ ảnh do tác giả Thành Vương – một ngườic on của Quảng Bình (tôi đoán thế) chụp lại những nét bình dị mà thân thương nhất của xứ cát này. Chúng ta xem để hiểu được vì sao “chàng trai” Võ Nguyên Giáp năm nào vốn đươc đào tạo để làm anh giáo lại cầm súng và rồi trở thành Đại Tướng của nhân nhân. Hình như bác Giáp muốn giữ mãi nét thanh bình ấy cho quê hương Quảng Bình nói riêng và đất nước nói chung. Nhân ngày giỗ đầu của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, cháu Tây Nguyên Xanh xin dành riêng một bài viết cho Quảng Bình như là một nén nhang lòng thắp lên mộ Đại Tướng.
   Mời các bạn xem ảnh:

"Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình"

Bình yên là đàn bò thản nhiên gặm cỏ

Quảng Bình hằng năm vẫn gồng mình đón bão

Đàn vịt hôm nay

Cuộc sống ven sông

Mệ người miền núi của Quảng Bình

Mạ gánh nắng cho đời con tươi

Mạ bồng con về nhà

Hoàng hôn ngày thu

Tuổi thơ có ai không nhớ?

Hương đồng gió nội

Mình mãi hạnh phúc thế này nghe em

Rơm rạ Quảng Bình

Cô giáo của em

Quảng Bình - nơi sản sinh các nữ công binh cho tuyến lửa

Bên thêm cỏ có đàn bò ở đó...

Một khúc sông quê

Nghĩ về tương lai

Nghỉ trưa

Rừng kêu cứu

Rất nhiều người con Quảng Bình hy sinh cho quê hương trường tồn

Tắm mát tuổi thơ

Hạnh phúc của người nông dân

Lễ hội đua thuyền ở huyện Lệ Thuỷ

Tất cả vì tương lai con em chúng ta
Buôn Ama Thuột, 21/9/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

TIẾNG NGHỆ CUỐI TUẦN, chủ nhật, 21/9/2014


   Cuối tuần rồi các bác, hậy? Mai là thứ hai rồi. Cha ôi là thời gian, trôi như phút ngồi bên ngài yêu. Tuần vừa rồi, em ngồi nhởi Facebook, nói những chuyện trên trời trửa đọi chơ nỏ mần chi cả. Chơ mà có kí chuyện ni em cứ đưng cức mãi. Đó là bữa qua, có một anh cao như cơn chuối bên nhà xia nà, mặt chộ sọi trai gớm tê. Em chộ hần rứa là ưng trong rọt. Đã rứa anh nớ đưng cười tươi thôi rồi. Anh nớ đến, chó sủa ỏm tỏi, mần ả láng chiềng cứ tưởng ngài yêu của em. Oa cha ôi, cấy sự hiểu sai mần em vui trong con ngài.

   Từ khi mô đến giừ, em nỏ dám hả mồm nói về chuyện dịch Ebola vì sợ như mấy đứa bữa tê bị phạt tiền vì tung tin tầm bậy trên Facebook. Mần dân mạng được cụm từ mở đầu status “Các mẹ ơi....” rành phổ biến. Tại răng em đưng nói về cấy anh sọi trai mà lại nói đến Ebola, có liên quan đó các bác nà. Anh nớ đến nhủ em ri: “Em ơi, anh ở bên trung tâm phòng chống dịch bệnh Ebola. Đây là hai gói thuốc. Em đổ cấy ni vô bồn cầu, cấy tê vô lỗ đựng nác thải. Chơ tình hình dịch bên nớ căng lắm em nà. Ta phải phòng chơ không là chệt toi”. Em nghe hần rứa thì chộ cũng ưng. Hồ hởi cầm hai gói nớ lên, định vô nhà đổ thuốc. Anh nớ gọi lại nói đưa tiền cho anh chơ em, cấy ni nỏ miễn phí mô. Rứa là bụng em mí nghĩ ri: “Ebola cấy mả cha nhà anh, anh lừa tiền dân thì có”. Nghe nói đến tiền thì em chối chán nỏ chịu lấy nữa. Anh nớ hình như cức em lắm. Lủm bủm chưởi chi em ná, em mí nói tiếp ri: “Chơ anh ơi, cấy loa của thôn của xóm sinh ra cho chuột hấn gặm hay răng mà anh nỏ lên trên nớ thông báo cho dân hấn tin. Anh đi một mình ra ri thì cẩm ra kích điên mí mua cho anh. Em nói rứa, anh đừng bực nha. Dân Nghệ em thẳng tính rứa đó anh nà. Rứa hậy? Anh về đi hậy?”
  Em đưng nhớ hồi ở Quy Nhơn, có cấy bọn đẹp trai múp gái hay đứng trước hẻm Vy Vy chèo kéo bọn sinh viên mua tăm tre ủng hộ ngài tàn tật. Mả xưng cha hấn chơ, quân nớ bán giá cắt cổ. Chi chi mà một gói tăm giá cả trăm nghìn bạc. Oa cha ôi, nếu mua rẻ thì hấn chỉ cho cấy danh sách toàn là những người ký tên đã mua với giá cao ngất trời. Khi nớ, em nghi lắm. Anh nớ cứ níu kéo không cho em đi. Em bực quá, em nói Đoàn trường đại học Quy Nhơn sinh ra để mần cứt chi mà anh không vô nhờ họ đến từng lớp hô hào mua. Bữa trước lớp em trích quỹ mua bút bi từ thiện đó. Tội chi mà phải đứng trửa nắng ra ri, kéo áo ngài đi đường rứa anh. Nói cấy rứa mà hấn thả em đi. Mừng mừng độ, em rành sợ hấn bắt cóc hay thôi miên thì chệt toi.

  Rứa đó, em viết cấy ni để các anh các ả cảnh giác chơ giừ nỏ tin được thằng cứt con cứt mô kiệt. Cấy chi cũng phải kiểm chứng mí tin được. Sống ra rứa cũng nhọc ngài các bác hậy? Tình hình là em nói giọng Nghệ chơ mà gặp người lạ vẫn phải nói chầm chậm, nhè nhẹ, và dùng từ phổ thông nên nhiều khi rành ưng nói tiếng Nghệ đặc sệt cho sướng mồm. Thôi thì một tuần, cứ chủ nhật em đăng cấy TIẾNG NGHỆ CUỐI TUẦN ni cho vui. Ai không hiểu thì kiếm ngài Nghê hấn giải thích cho, hây!. Anh mô chưa vợ thì em mới tự nói cho nghe, he he
Buôn Ma Thuột
Tây Nguyên Xanh
4 comments