Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, October 24, 2014

LAN MAN CHUYỆN ĐI XE THỜI SINH VIÊN

   Hôm nọ, cái Cúc cùng lớp bình luận dưới một bài viết rằng sao Tây không kể chuyện mất đồ vì đi xe hồi năm nhất. Ừ thì giờ kể. Hồi đó, đi xe từ Dak Lak xuống Bình Định, đến PleiKu thì bị sang xe. Hành lý đương nhiên là chuyển không sót. Nhưng khi ngồi đến An Khê thì xe bị một một người lái xe máy đâm sầm vào và nằm ngay đơ ra. Báo hại mình phải đón xe thứ ba mới xuống bến Quy Nhơn an toàn. Mừng húm! Hí hửng lấy đồ thì mới hay có anh chàng hay cô gái phải gió nào đã xách cái va-li sách vở và giấy tờ của mình ra đi. Để lại cái va-li của họ chỉ nhõn cái quần đùi và áo phông. Hai cái có độ nặng nhẹ khác nhau, dáng vé mới cũ không khớp nhau mà sao họ vẫn bưng đi được. Chả có nhẽ họ nghĩ mình là con buôn chứa vàng trong ấy? Sẽ chẳng hoảng hốt nếu như đợt ấy không phải thi học kỳ hai của năm nhất. Năm ấy bọn nguyện vọng một về nghỉ hè để ôn thi học kỳ, bọn nguyện vọng hai và ba thì ở lại vừa học quân sự vừa ôn thi. Thành ra mới có chuyện mang sách vở về nhà ôn rồi ôm trở lại trường. Hậu quả là phải mượn sách mượn vở của chúng bạn đi sao lưu. Khổ ghê gớm.
Tác giả ảnh: Leszek Bujnowski
   Nhưng khổ ấy không bằng khổ của cái Cham tổ mình. Chẳng nhớ là năm thứ mấy nhưng năm đó cũng tầm chừng giờ là nó ủi mặt vào nhà ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) để mua vé về Hà Nội trước tết vài tháng.. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu một ngày đẹp trời, nó về đến cửa phòng kí túc. Cả phòng hồ hởi nhận hàng (đã nhờ nó mua ở chợ) từ tay nó. Ăn uống no say, cả thảy lăn kềnh ra chuẩn bị ngủ thì có đứa hỏi Châm ơi, hết bao nhiêu tiền để tao gửi. Chẳng biết nó ngồi trong tấm ri-đô ấy làm gì mà không trả lời. Lát sau, nó mếu máo, bảo chúng mày ơi, tao mất ví, mất nốt vé tàu rồi.
   Mười hai đứa con gái mặt xanh như mông nhái. Cái đứa mất vé thì nhợt mặt đã đành nhưng những đứa không mất thì nghĩ đến viễn cảnh bạn đào đâu ra vé tàu để mà mua trong buổi cận tết ấy là cũng đủ máu ngừng chảy rồi. Úi giùi! Lúc ấy đứa thì góp lời an ủi, đứa thì góp chân chạy đến từng nơi nó đã ghé trong ngày đó để tìm vé, số còn lại giúp nó cắt cái bảng tin tìm ví rồi dán tùm lum chỗ. Bẵng đi vài ngày yên ắng bỗng anh bảo vệ xe đạp gọi báo Châm ơi, xuống lấy ví. Hơ hời! Nó mừng vui lắm. Giấy tờ còn nguyên, tất nhiên là tiền đã được ai đó tiêu dùm, nhưng cái vé tàu thì không có. Nó lại thêm một lần khóc sưng mắt. Lần này thì cả bọn chỉ có thể góp mồm trấn an thôi. Sau đấy, nó đành xác định tư tưởng là sẽ ra đón xe khách Bắc Nam để về với Thủ Đô.
   Cơ mà cái sự mất mát này hồi hộp phết. Vài ngày sau nữa, tự dưng nó reo lên như cô đồng gặp ma, bảo tao thấy vé rồi, thì ra tao nhét nó ở dưới đáy cái rương chúng mày ạ, lâu nay tao tưởng ở trong ví. Nhìn ánh mắt nó lúc ấy mà thương những đứa đi học xa.
   Mình cũng học xa nhà nhưng khoảng cách không đến nỗi xa như nó. Chỉ mất 7 tiếng đồng hồ (tốc độ vừa) ngồi xe khách chạy hết tuyến Buôn Ma Thuột – Quy Nhơn theo quốc lộ 14 rẽ xuống quốc lộ 19. Nếu đi theo đường quốc lộ 26, rồi rẽ sang quốc lộ 29 chạy qua huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên và xuôi xuống quốc lộ 1A, hướng ra Bắc thì cũng chỉ mất khoảng 8 tiếng để hết tuyến trên. Căn bản là không có tàu hỏa lên Tây Nguyên nên chẳng phải lo lắng như các bạn ở bên kia đèo Hải Vân. Dân Tây Nguyên xuống Quy Nhơn học rất đông cho nên các hãng xe đón khách ở bất cứ nơi nào của phố biển. Chỉ cần hôm nay gọi thì sáng mai có chỗ. Sướng!
   Nhưng làm sao sướng bằng một vài bạn đi máy bay. Các bạn này thường là con nhà có điều kiện. Và có điểm chung là thường học ở khối các ngoài sư phạm. Bố mẹ các bạn làm nghề có thu nhập cao. Ngày xưa các bạn thi rớt ở Sài Gòn hoặc Hà Nội nên học nguyện vọng 2 và 3 ở Quy Nhơn để tránh (cái tiếng) phải học các trường dân lập. Sau này ra trường thì có việc sẵn rồi, không phải xin nữa. Cái Tết năm thứ nhất là thấy nhiều bạn đi máy bay nhất vì sang năm thứ hai, một vài bạn học hệ liên kết đào tạo được bố mẹ chuyển ra trường chính học, thế là không phải ra sân bay Phù Cát nữa.
   Sinh viên Quy Nhơn chủ yếu là dân Tây Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa và một số ít ở Bắc Giang, Hà Tây cũ, Thanh Hóa, Thái Bình, Bình Thuận, Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Rất hiếm gặp các bạn ở các vùng còn lại. Cá biệt, khóa của mình có một bạn ở huyện đảo Phú Quốc và một bạn ở miền Tây Nam bộ. Vậy nên sinh viên Quy Nhơn chủ yếu là đi xe khách. Là mình “nghe hơi nồi chõ” sau vài lần ăn chè đêm với các bạn xóm trọ chứ không rõ thực hư ra sao.
   Tóm lại rằng học xa, lấy chồng xa có một cái hãnh diện, ấy là góp phần vào sự phát triển cho các ngành viên thông và giao thông!
Buôn Ama Thuột, 24/10/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Wednesday, October 22, 2014

ƯỚC MONG ĐỘI VƯƠNG MIỆN CỦA KẺ ĐAU RĂNG

Tác giả ảnh: Burard Lucas
   Hu hu, em đau răng các bác ợ. Với cái tiến độ gặm nhấm của những con sâu như này thì tương lai em sẽ phải đổi nick từ Tây Nguyên Xanh thành Tây Nguyên Sún. Giời ơi là giời, nhất lùn nhì lé tam hô tứ sún. Em cao 1m43 thì phải gánh cái xấu nhất ấy là lùn, lại chuẩn bị “ẵm” cái giải tư trong cuộc thi ai xấu nhất nữa thì buồn quá đi. Ơ, thế mà em vẫn hay nằm mơ mình được đội cái vương miện hoa hậu đấy các bác ợ. Cái vương miện vừa đoạt kỷ lục Việt Nam ấy. Nói thế thôi chứ đời nào em được đội. Cái ngữ thua kém người khác như em lại hay ghen ăn tức ở. Mà đã ghen thì khó mà có suy nghĩ thân thiện.
   Em đang nghĩ, nhỡ may năm sau có bác nào đi cướp tiền của ai đó rồi cho vay nặng lãi. Tổng thảy thu về sau khi đòi nợ được vài tỷ. Bác ấy nổi hứng làm cái vương viện đắt hơn, cầu kỳ hơn rồi đem đi thí thố kỷ lục. Vừa được tôn vinh lại rửa được tiền. Truyền thống dân mình rất biết noi gương các bác ợ. Năm sau nữa lại có một kỷ lục khác tương tự thế thì ngữ xấu như em chỉ suốt ngày xót tiền.
   Lâu lâu em vưỡn đọc được những cái tít của báo bảo rằng ở đâu đó, có cái mâm hoa quả đạt kỷ lục, hay cái bánh chưng, bánh tét, bánh dày to nhất xứ Việt. Em ứ được chõ mõm hít hà xem nó thơm hay thúi nên lại nhếch mép nói đểu rằng úi xời, trẻ em miền núi xa xôi môi lạnh, áo rách, cạp đất ăn trừ bữa, trong khi những thứ đạt kỷ lục này được trưng bày ở nơi cuộc sống tương đối đủ đầy. Thế mới ngược đời. Nói chung là em ơn ớn với cái thể loại kỷ lục kiểu như này ghê cơ.
   Đau răng, ngứa mồm nên em gõ thế thôi. Em ngủ cho quên cơn đau và tư duy xem sáng mai mặc cái váy nào để xem có thể tận dụng ngôn ngữ hình thể khi xin xỏ bác sĩ giảm chi phí trám răng hay không. Vì cứ đụng đến bác sĩ là tiền, các bác ợ. Hãi ghê cơ!  Sao không có kỷ lục ai lẳng lơ nhất nhỉ? Nếu có chắc em đoạt giải. He he
Buôn Ama Thuột, 22/10/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, October 20, 2014

PHÁI NỮ QUA ỐNG KÍNH CỦA PHÓ NHÁY ALEX NG

Lời: H'Tây Niê
Tác quyền ảnh: Alex Ng
***

  Từ khi bé tí, bố mẹ đã nói cho mỗi người biết về giới tính và hình ảnh trong tương lai của họ theo một ước mong nào đó. Để rồi cả đời ai cũng được nhen nhóm những khát khao tự thuở nào không hay. Còn nhỏ thì mong cho lớn. Đã lớn thì mong mình bé lại để sống với tuổi thơ. Không ai có thể lựa chọn bố mẹ để sinh ra. Mẹ của mỗi người có thể là...

nông dân quanh năm cày cuốc trên ruộng đồng...

hay lao công quanh năm làm sạch đường phố nhưng kẻ vãng lai ít khi thấy mặt...

hoặc cô giáo nhọc nhằn đem từng con chữ cho đời thì họ mãi là hiện thân thuộc phái nữ duy nhất được kẻ làm con nhìn với ánh mắt yêu quý mọi lúc mọi nơi.
  Dù chúng ta ở....
đồng bằng...

hay miền núi cao và mỗi người có quan điểm khác nhau về ngày 20/10 thì không thể phủ nhận một điều rằng...

khắp từ nông thôn...

cho đến thành thị, tất cả mọi người đều xem ngày này như một sự nhắc nhở chúng ta nhớ về mẹ nói riêng và gia đình nói chung. Những trò lố, những biểu hiện thái quá của một vài người thích chơi nổi đã phần nào làm người ta có cái nhìn phiến diện với ngày 20/10 hằng năm. Trong guồng quay của cuộc sống, nhiều khi chúng ta tạm quên mẹ và gia đình. Nhờ những dịp như thế này mà chúng ta “nhắm mắt đưa chân” bỏ hết mọi lo toan để trở về với mái ấm.

  Người ta thưởng bảo dường như sau khi kết hôn thì mỗi giây phút thăng trầm của cuộc sống trôi qua, chúng ta yêu mẹ yêu cha nhiều hơn một chút.

   Họ nhớ nhiều những ngày còn quây quần nheo nhóc bên mẹ....

và nghĩ nhiều về những nỗi sợ cô đơn lúc về già.

Cầu mong sắc xuân mãi ở trên gương mặt của mẹ của cha!
Buôn Ama Thuột, 20/10/2014
---
  Tây Nguyên Xanh chỉ chịu trách nhiệm phần lời, không chịu trách nhiệm về hình ảnh. Các bạn vui lòng ghi tên tác giả ảnh là Alex Ng khi đăng lại ảnh!
No comments

Sunday, October 19, 2014

CHUYỆN TÌNH ANH BÁN LỢN GHẺ

Tác giả ảnh: Bắn Rụng Mặt Trời
  Ngày nảy ngày nay, có anh chàng nọ chuyên bán lợn ghẻ. Các bạn biết rồi đấy, lợn ghẻ thì ai thèm mua. Vậy mà anh ấy vẫn bán được. Thế mới tài! Công nhận là với kỹ năng ăn nói thuyết phục như vậy thì nếu đi thi đại học ngành thú y chắc anh ấy được miễn làm bài môn Văn. Cái gì cũng có giá của nó. Anh ấy phải nói đến độ khô cổ đứt họng thì người ta mới chịu mua. Cho nên anh ấy rất trân trọng tiền kiếm được. Lúc nào cũng cắc ca cắc củm dành dụm. Nói như các cô gái tiêu tiền như nước thì anh ấy keo kiệt.
  Cũng nhờ cái mồm chuyên mời khách mua lợn ghẻ mà anh ấy quen được nàng - một cô gái có mái tóc và ánh mắt tựa như liễu rủ bên mặt hồ. Các bạn nghe các lời hát chèo cổ thì rõ rồi nhỉ? Các cụ ông ngày xưa phải “ba quan mới đổi được nụ cười của em”. Kế thừa và phát huy truyền thống ấy. Các chàng trai ngày nay muốn được thấy dáng thướt tha yêu kiều, miệng cười duyên duyên của các nàng thì cũng phải mua tặng nàng đủ thứ. Lắm chàng nghĩ đến chi phí tán gái lớn lao quá nên đòi quà đã tặng khi chia tay người yêu cũ để tặng lại cho người yêu mới. Người yêu của anh bán lợn ghẻ cũng nhõng nhẽo như bao cô nàng khác. Anh ấy phải quay mặt lén nghiến răng  mấy lần khi phải trả tiền cho những cuộc hẹn hò.
Buổi tối ngày 20/10 năm nọ, như thường lệ, sáng anh ấy lùa lợn ra chợ bán. Tối về (không thể thoát) dẫn nàng đi đây đi đó ngó ngó nghiêng nghiêng từng ngõ phố con đường. Trời se se lạnh. Gió thổi hanh hao. Nàng rủ chàng vào nhà hàng ăn gà chiên. Chàng vội bảo em ơi, coi chừng người ta dùng dầu ăn tái chế từ chất thải để chiên đấy. Ăn nó vào độc lắm. Nếu dầu chất lượng đi chăng nữa thì ăn nhiều dễ gây táo bón kinh niên em ạ. Chàng rủ nàng đi ăn món có nhiều vitamin Rờ (vitamin  có trong các loại rau). Nàng ngậm ngùi đồng ý. Ăn uống xong, chàng đang xỉa răng, đánh lưỡi tanh tách. Nàng lại gần, thẻ thọt rằng anh ơi, điện thoại của em, dạo này hay bị đứng màn hình. em đang ước được cái Iphone 6, anh ạ. Mặt nàng lúc ấy nom thương lắm luôn. Nghe thế, anh bán lợn tá hỏa. Chàng bêu rếu hãng quả táo cắn dở ấy chơi đểu trong chiến lược kinh doanh. Họ kêu gọi người dùng có thể đổi bất cứ loại điện thoại nào để đổi lấy Iphone. Hãng ấy còn khoe có khách hàng tình nguyện bán căn nhà chỉ để mua một chiếc Iphone 6. Chàng khuyên nàng không nên xài điện thoại của một hãng dùng mọi chiêu trò ma mị khách như thế.
   Đến thế này thì nàng cáu thật, nàng nói thẳng rằng ngày hôm nay anh bán được nhiều thịt, tiền để đâu cho hết mà keo kiệt bủn xỉn thế. Chàng chối là bán như mọi ngày, đâu ra mà nhiều. Nàng hàm hồ, cãi anh đừng có điêu, mọi cơ quan, mọi tổ chức đều có phụ nữ, mà có phụ nữ thì ắt có ăn nhậu hậu tọa đàm, chẳng phải cái sự ăn nhậu ấy cần đến thịt lợn của anh sao. Chàng ra mặt dỗi, bảo ơ, em nói như thể người ta sinh ra ngày 20/10 để ăn nhậu ấy, họ thương phái nữ các em quanh năm nhịn chồng nuôi  con nên dựng lên một ngày để tôn vinh, ừ thì anh bán được nhiều hơn một tí nhưng là để tích cóp cho chúng mình sau này. Nàng ngắt lời chàng, bảo thôi đi, chúng ta chia tay nhé, em không chịu được tính keo kẹt của anh.
   Và thế là nàng đi thẳng, để lại chàng khản giọng kêu gào “em có thể đánh anh nhưng phải tránh làm vỡ trái tim anh chứ”. Từ đó trở đi, cứ đến ngày 20/10 hằng năm là anh bán lợn ghẻ thở dài thườn thượt....
Buôn Ama Thuột, 19/10/2014
Tây Nguyên Xanh
2 comments