Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, November 15, 2014

ĐI GẶP ĐĨ

  Kể từ ngày nhổm đít khỏi cái ghế giảng đường, về nhà, em nằm phơi váy ngay chính thất để xem ti vi, hóng chuyện Facebook thì nhà em đông khách hẳn. Không phải trai đến tán em đâu, tuyền anh Cò chị Vạc. Tuy nhiên lâu lâu vẫn phải giũ váy rồi mặc vào để mò xuống tận hang ổ của gia đình Cò Vạc. Sáng nay là một ví dụ.
Tác giả ảnh: Đỗ Dương Tuấn
   Em cùng bu em chạy sấp ngửa 37 cây số đến nhà một thằng Cò. Sư nó, chúng nó là bạn nghe đâu thân lắm lằm lăm của bu em. Là cái mồm chúng nó nói thế chứ bu em nói tin lời chúng nó thì bán thóc giống mà ăn. Đáng nhẽ là không đi đâu nhưng mà nó cứ gọi nhành nhạch, nói khinh nhau hay sao mà mời xuống nhà chơi, tiện thể bàn về cái suất việc đang dành cho bé Tây mà không chịu xuống. Ờ thì xuống! Hai bu con lóp ngóp vào nhà bạn “lắm tốt và tùm tum chữ vàng”. Ngồi chưa nóng đít, anh chồng véo von nói ối cháu Tây đây à. Xinh xinh thế. Có chịu làm con dâu chú không nào. Hờ hờ. Em nghe có vẻ thích rồi đây. Em đang ế mà. Nhưng nghe câu tiếp mới dễ nổi quạu. Lão nói muốn làm dâu nhà chú thì phải có việc đã nhé. Nào hồ sơ đâu, chú xem chút. Gớm, có ai như mẹ mày, để con ở không mấy năm trời rồi. Thời buổi này nghề ngỗng không có, dễ làm ma không chồng lắm đấy. Nghe mà em sém săc nước, suýt phun vào mặt lão ấy.
   Lúc này bà vợ mới lọ mọ từ nhà bếp lên, thái độ như con buôn há mõm chào hàng. Mụ la làng la xóm kêu trời đất quỷ thần ơi, phải mấy năm không gặp em (bu em) rồi đấy. Uống nước, ăn bánh đi em. Cà kê hái xong chưa em nhỉ? Bu em bảo dạ chưa. Mụ lại trình bày tiếp là chị nghe anh nhà nói trường trung cấp dạy nghề Tôn Đức Thắng của tỉnh Bình Phước mới có một cô giáo đánh tiếng xin chuyển trường. Nghe tin ấy, chị nghĩ ngay đến con gái em. Gớm, chị thương cháu thật luôn ấy. Lận đận quá nhỉ? Thời cơ đến rồi, chộp đi em. Bu em thật thà bảo nói thật là nhà em nay cạn vốn, anh chị lo cho cháu nó chân cứng đá mềm rồi thì chúng em bán hết cà phê mùa này gửi cho anh chị.
   Ông chồng ngắt lời với vẻ oán thán, ối em ơi, đừng nặng về chuyện tiền nong quá. Tinh cảm là chính thôi em ạ. Cơ hội lần này thì ngàn năm có một, anh dành hết cho con em. Anh chẳng muốn ứng tiền của em trước đâu nhưng mà phải rải tiền theo mương máng em ạ. Ông sếp nào hả mồm thì phải tọng tiền cho nó ngay. Thôi thì anh chỉ lấy trước 180 triệu thôi em ạ. Nói vậy chứ mình cũng phải đưa một ít cho cái cô kia để cô ấy làm công tác bàn giao cho sớm chứ em nhỉ. Em ngồi hóng chuyện mà thầm nghĩ thế ra cô kia bán nghề à? Là ví dụ cô ấy lấy tiền. Ì xèo mãi, chúng em chẳng chịu chi tiền. Thế là “to say goodbye” nhau.
   Nhờ ơn những kẻ đĩ mồm kia mà được hứng một cơn mưa ướt nhẹp. Em phải giặt đồ đẹp cho nó khỏi mốc. Bu em tốn nửa ngày công hái cà phê, cộng thêm tốn 2 lít xăng xe máy. Vị chi là cũng ngót ngét một trăm nghìn phí tổn đi gặp đĩ. Những được cái là biết hết tò mò đĩ là ai. he he
 Buôn Ama Thuột, 15/11/2014
Tây Nguyên Xanh
8 comments

Friday, November 14, 2014

KHI CHUYỆN HỌC HÀNH ĐƯỢC ĐEM LÊN BÀN NHẬU

   Buổi chiều, có tí việc đi ngang ngõ nhà anh Cụt Hứng. Thấy anh ấy đang lúi húi hốt nhúm vỏ hạt dưa, bèn hỏi anh có dịp gì mà bày biện dưa cà đãi khách thế. Anh khoe có học trò cũ ghé chơi. Ồ, mấy nay mình cứ ru rú ở nhà chơi Facebook mà quên mất sắp 20/11 rồi. Cứ gặp anh ấy là nhớ chị Giáo. Cái công cuộc làm mai làm mối cho chị ấy với anh nhà thơ Cụt Hứng này vất vả quá đi. Cũng lâu rồi nhóm Nói Tục Cấm Giận không hội họp. Thèm múa mép chém gió với bạn bè quá. Bốc điện thoại lên, hú anh Ếch Ộp, chị Giáo và con Nhí Nhố về quán bà Chín Béo ăn gỏi vịt như mọi khi.
Tác giả ảnh: adegsm pte
   Cả hội chờ mãi mới thấy chị Giáo. Cứ tưởng chị ấy chỉ đồng ý hão rồi trốn như lúc trước. Lần này thấy trình bày lý do là bận dạy thêm cho mấy đứa học trò. Nhà báo Ếch Ộp nghe thế, bỗng sáng mắt lên, nói mấy hôm nay báo chí bàn sôi nổi về cái điều tra thú vị của thầy Trần Đình Trợ ở Hà Tĩnh. Đại khái là từ cái khảo sát ấy, người ta suy rộng ra rằng học sinh thời nay chỉ biết học để bằng mọi giá phải đỗ đạt làm quan chứ đi xe đạp hằng ngày mà hầu như không phân biệt được săm và lốp, ở nhà ít làm việc vặt, sống ở vùng lũ nhưng hầu như không biết bơi và nói cụ thể hóa ra là các em ấy không cọ sát với thực tế nhiều, chạy theo những ảo tưởng từ xã hội. Bằng chứng là chúng nhớ ngày sinh bạn bè nhiều hơn ngày sinh của bố mẹ.
   Như được khơi mào, nhà thơ Cụt Hứng (đại gia của những vần thơ đọc lên nghe rất mất hứng) kể chiều nay có mấy đứa học trò cũ ghé thăm nhân mùa Hiến Chương. Chúng nó nói là quý thầy Cụt Hứng vì ngày xưa học thêm người khác nhưng trên lớp vẫn được thầy đối xử công bằng. Con Nhí Nhố ngứa mồm, nói chen vào rằng các thầy các cô đừng nghĩ cứ là thầy thì nghiễm nhiên học trò mang ơn nhé. Phàm là thầy cô thì ai cũng được học trò kính trọng nhưng chỉ những ai cho chúng kiến thức thì nó chúng mới mang ơn. Ngày nay học trò gần như chỉ thấy có ơn với thầy cô dạy thêm thôi. Còn học trên lớp chỉ để chờ đến ngày thi và khẳng định tên tuổi. Vai trò của thầy cô trên lớp rất nhạt. Chúng chỉ cầu mong sao không bị trù dập vì cái thói trâu buộc ghét trâu ăn. Mà nếu học phí bị thu cao quá, chúng nó lại thấy rằng ơn huệ gì những kẻ dạy thêm, trả tiền rồi mà. Thành ra các thầy cô thời đại này cần thận khi vỗ ngực ta đây ban chữ cho thiên hạ.
   Thấy chị Giáo ngồi im, cả bọn sợ chị ấy tự ái. Vẫn biết tôn chỉ của hội là Nói Tục Cấm Giận nhưng mà sợ chị ấy bỏ về lắm. May quá, chị ấy không về mà còn vui vẻ nhỏ nhẹ nói như này, vốn dĩ việc học thêm xuất phát từ nhu cầu được trao đổi kiến thức giữa thầy và trò. Ban đầu chỉ có học trồ ghé nhà thầy cô giáo chơi rồi tiện thể thầy trò hàn huyên về chuyên môn. Thế rồi lâu dần, đứa nọ rủ đưa kia rồi đứa nữa lập nhóm đến “lót dép hóng chuyện” ở nhà thầy cô luôn. Khách nhiều quá, thầy cô cũng phải phân bổ thời gian. Phụ huynh tự nguyên đến biếu thầy cô cái này cái nọ gọi là “phí tổn thời gian”.  Lâu dần mới phát triển thành nền công nghiệp không khói Dạy Thêm Và Học Thêm này. Nay người dạy thêm phải đóng thuế cho nhà nước thì khác nào một ngành công nghiệp rồi.
   Oạch! Chị Giáo có khác. Dài dòng văn tự thật. Mình chỉ hỏi anh Ếch Ộp là các tay viết có phản ứng như nào về vụ này. Anh ấy bảo tất nhiên là nhiều ý trái chiều rồi. Tư lệnh ngành thì trả lời phỏng vấn cực kỳ tâm tư với thế sự. Đa số các nhà giáo im lặng vì họ chán. Dân mạng ngày nào chẳng lấy bộ Y Tế, bộ Giáo Dục, bộ Quốc Phòng ra bàn tán như thể có người nhà làm trong văn phòng Quốc Hội. Nhà văn Nhí Nhố ngắt lời, nói chen vào, rằng có sao mới bàn tán chứ ai dựng chuyện làm gì. Anh Cụt Hứng đang gặm cái xương vịt, vừa nhai vừa nói thôi cụng ly đi chúng mày, gặp nhau cái là tranh luận. Toàn chuyện với vẩn. Anh Ếch Ộp ngự lên, nói vớ vẩn là vớ vẩn thế nào, nói chuyện với ông chán bỏ xừ. Hai gã đực rựa làm người nghe cứ ngồi thừ một chỗ.
   Bỗng ngoài cổng có tiếng hú hét oang oang, cả nhóm chạy ra xem tình hình, giải quyết mâu thuẫn cho bọn thanh niên đánh nhau. Ơ thế là giải tán một cách khó hiểu. Một cuộc gặp mặt và tranh luận chưa có hồi kết vẫn còn bỏ ngỏ. Chắc chờ lần họp sau. Biết bao giờ...
Thành phố Buồn Muôn Thuở, 14/11/2014
Nhũ Thị Lép
***
Tây mới đọc trộm nhật ký của Nhũ Thị Lép đấy. Nhờ có trí nhớ siêu phàm nên biên lại cho cả làng cùng hóng. He he. Đọc trộm nhật ký của người khác thích thật. Tò mò quá nhể. He he 
No comments

Thursday, November 13, 2014

TỘC ƠI...

Tác giả ảnh: Nguyễn Duy Thoan
   Sáng nay vô tình đọc được comment của một bạn bên tường nhà ai không nhớ nữa rằng: “Nếu để ý, quanh mình, nhiều chuyện hay lắm đấy”. Tự dưng muốn nghĩ về cái hay. Hay với mình hay là hay với người? Hay với kẻ viết hay là hay với độc giả? Nhiều khi mình thấy hay nhưng người ta thấy nhạt toẹt. Chẳng biết sao, chắc do không hiểu nhau. Trong khi óc còn đang miên man với chữ “hay” ấy thì ngón trỏ lăn chuột, mắt chợt neo cái nhìn vào hai câu trong status rất ngắn của một bạn nói thế này: “Tình trạng của các FA thời nay là:
Gái già thì thích ngâm thơ
Gái tơ thì lại thờ ơ với đời”
   Chẳng biết ký tự  FA của bạn là hai chữ cái đầu của Facebook hay là của Forever Alone (tạm dịch là Mãi Mãi Cô Đơn). Mình tin là vế thứ hai. Không dám bàn hai câu tạm cho là thơ ấy đúng hay sai nhưng mà tin rằng những ai đọc hai câu ấy đều thấy hay theo một hướng nghĩ nào đó của từng người. Còn mình thì tự thấy bản thân đang có dấu hiệu “thơ ơ với đời”. Chết! Thế chẳng hóa ra là mình cũng FA à? Nguy hại quá. Mình sự cô đơn lắm luôn. Vấn đề là làm sao cho đời không bỏ mặc mình để khỏi cô đơn? Chắc là phải đâm thọt vào đời một tí để đời kiếm mình báo thù. Thế là hết cô đơn. Ờ thì kể lại vài phút trong quảng thời gian sống trên đời của người mình gặp vậy. Cái này gọi là thọc vào đời tư của người khác!?
Rằng thì gần trưa nay, sau cơn mưa vụng về cuối mùa, trời buông nắng vàng tải rộng khắp núi rừng. Có một A Mí người Ê Đê đội cái nón rách, luồn lách khắp ngõ đường để lùa những con bò thèm khát cỏ còn xanh lá ở lề đường. Mùa khô đến rồi, cỏ buồn bã, nuối tiếc những ngày tháng bên mưa nên héo úa, trơ gốc chờ đến mùa mưa sau mới mọc lại. Nhìn A Mí lượn lặt từng cái lon, vỏ chai bỏ gùi mà thương quá. Một ngày như này được mấy nghìn thế Mí ơi?!
   Đã từng hỏi một A Ma rằng vì sao ngày xưa các A Ma, A Mí không xin vào làm công nhân trồng cà phê cho công ty để giờ có lương hưu cho đỡ khổ. A Ma ấy chỉ lắc đầu và nói khẽ là người ta không thích cho “Tộc” làm công nhân. Người ta chỉ thuê “Tộc” đi hái cà phê, đi tưới nước, đi đào hố ép xanh cho cây thôi.
   Mình chẳng rõ và cũng không dám hỏi người Kinh là vì sao lại đối xử như thế với “Tộc” (Khi người Kinh muốn tỏ ý miệt thị người đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên thì họ dùng cộc lốc một chữ Tộc này để nói). Mình chỉ biết rằng hễ mất cà phê, tiêu bị hái, xăng bị tháo trộm ở ngoài rẫy thì trước tên người ta nghĩ ngay rằng do “tộc” gây ra. Vì đâu mà giữa “Tộc” và Kinh có những cái chết đẫm máu do những mâu thuẫn vặt vãnh có mối thâm thù đại hận qua từng thế hệ như vậy? Người Kinh mặc định ‘cái bọn Tộc” phải học tiếng Kinh của mình để tồn tại trên đất này, còn người Kinh thì đa số chỉ học được câu chửi có phiên âm là Jai-lo, jai-liên của Tộc mà thôi.
   Lại nghĩ đến cái chữ “hay” kia, chắc do cái quan điểm về “hay” khác nhau nên người ta sống và cư xử khác nhau. Mình lôi thôi quá. Lại vung môi múa mép bàn chuyện tầm phào rồi.
   Xót lắm, cái hình ảnh người già đi chăm bò. Tộc ơi....
   Đấy, để ý đời một chút là thấy xót. Thế thì bảo sao không bơ đi cho nhẹ lòng./.
Buôn Ama Thuột, 13/11/2014
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, November 12, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 6: ĂN

   Trưa, đưa cơm ra rẫy. Gió thổi phập phù trong nắng đầu mùa lúc nồng lúc dịu. Tai nghe lá muồng lay, mắt lướt qua những mảng màu xanh, đỏ li ti chi chít trên những cây cà phê. Đợt tưới đầu tiên của năm bị trễ do công ty xa nước muộn nên hoa không đủ nước để phát dục hết sức. Có lẽ thế nên cà năm nay không nhiều như năm ngoái. Ai cũng thấy rõ sự mất mùa. Láng giềng đổi công cho nhau là chính chứ mới đầu mùa,c hẳng ai muốn thuê nhân công. Mỗi nhà hái hai cặp (người) trong khoảng ba ngày liên tục là đủ sản lượng cần nhập cho công ty. Xong rồi lại tiếp tục những ngày như thế ở rẫy của nhà còn lại. Nhập xong đợt này, chờ mưa (do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới thường niên) để cà chín đều và nhiều hơn. Hái nhập sản lượng là tốn công nhất. Cái công ngồi lượm từng trái xanh, cành khô trong bạt lướt khiến cho người ta tốn tiền thuê người nhất. Thường thì thời gian nghỉ sau khi ăn trưa là lúc ngồi lượm tạp chất. Ngó rẫy bên cạnh có con bé vừa nhặt cà xanh vừa ngủ gật. Nó cứ cố gượng lên rồi hạ thấp cái đầu một tí nhưng chốc chốc lại thấy cái đầu lắc lư, cái tay “quên” lượm. Mẹ nó mắng: ‘mày giết công con người ta à”. Giết công chính là làm tốn thời gian đấy. Nó cũng đang “tuổi ăn tuổi yêu” như mình nhưng bỏ học sớm nên an phận làm cà phê lâu lắm rồi.
Tác giả ảnh: Bùi Văn Chung
   Lại nói đến chuyện ăn. Mùa cà phê là cái mùa người ta chú trọng ăn no chứ không thiên về ăn ngon. Bữa cơm nhà ai cũng bày ra những món na ná nhau như thịt ba chỉ xào củ cải, thịt ba chỉ xào măng, thịt ba chỉ xào dưa muối, cá hấp chiên rồi kho quệt, canh rau ngót, canh rau cải ngọt, cà pháo muối chua, cà dái dê muối xổi, củ cải muối xổi. Nói ra thì rất buồn cười nhưng có thật rằng ở chợ người ta bán một cân cà pháo với giá tận hai mươi nghìn. Ai cũng đổ xô đi mua rau củ quả mà có thể muối chua ăn dần nên nó đắt như thế đấy.
   Cái công đoạn hậu cần cho tiền tuyến yên tâm “đánh phá cây cà phê” cũng có nhiều chuyện để nói. Mùa này, ngoài Bắc hay có giá rét nên các con xúi cha mẹ già (tất nhiên là còn khỏe) vào tránh lạnh với âm mưu là nhờ các cụ lo phần bếp núc dọn nhà. Đến trưa, con cháu chạy về đem cơm ra, tối về chỉ việc ngồi chễm chệ ăn uống. Những nhà không có hậu phương vững chắc như vậy thì buổi sớm, đàn bà đi chợ từ lúc mờ đất đến khi sáng rõ đã có mặt ở nhà. Sau đó, họ nấu vội vàng, múc nhanh nhanh vào cái thẩu giữ nhiệt. Đàn ông toanh cà ra phơi xong thì mọi nhu yếu phẩm trong một ngày được bưng lên đặt ở thùng xe công nông và đưa đi từ sáng. Đến tối họ mới trở lại nhà. Lúc đó, nếu không phải đi nhập cà thì đàn ông vun cà phê phơi ngoài sân hoặc xay cà tươi mới hái về để ngày hôm sau phơi. Đàn bà loay quay dọn nhà, nấu qua loa. Cả nhà giành nhau cái nhà tắm rồi cùng nhau vừa ăn vừa thổi, xem một chút thời sự rồi đi ngủ. Thành ra mới 8h đêm mà cả xóm nhìn tối thui. Về cơ bản, thế là hết một ngày...
Buôn Ama Thuột, 12/11/2014
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào Phần 1Phần 2Phần 3Phần 4Phần 5  để theo dõi từ đầu nhé.
No comments

Monday, November 10, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 5: NỖI LÒNG NGƯỜI CON XA XỨ

   Nghe nói người bên kia đèo Hải Vân mặc thêm áo rồi. Gió lạnh đầu mùa đã thổi. Trong này hoa Cúc Quỳ nở vàng khắp Tây Nguyên. Mỗi một lần nghe đài báo có đợt không khí lạnh tràn về miền Bắc (người trong này có thói quen tính từ đèo Hải Vân trở ra là Bắc), một cơn bão ập vào đâu đó ở miền duyên hải thì lòng người làm cà phê ở Tây Nguyên thêm một nỗi sợ hãi. Ngày xưa họ ra đi tìm cái ăn ở nơi xa ngái để rồi gió lạnh tràn về gieo niềm đau đáu với quê hương. Họ còn cha mẹ, còn người thân ngoài ấy. Oái oăm thay! Mùa cà phê ứng với thời gian có bão lũ và gió lạnh nhiều nhất trong năm. Lỡ ngoài ấy có người chết vì gió rét, bão lũ thì trong này cục diện mùa thu hái (của gia đình đó) nát như tương bần. Người ta cứ nghĩ trồng cà phê cũng như trồng lúa. Có cỏ thì xủi, khô hạn thì tưới, thiếu phân thì bón và đến mùa thì cứ thế đi hái đem về.
   Đáng lẽ là như thế nhưng mà những tên trộm cắp không cho thế. Nỗi sợ hãi bị hái trộm cà ám ảnh mọi người xuyên suốt một mùa cà phê. Nói đúng hơn là chúng nó bẻ cả cành cà trĩu trái chứ không phải hái. Làm như vậy thì chủ rẫy vừa mất cà lại mất luôn khả năng có trái ở mùa sau. Chỉ cần nghe tin nhà ai đó có người chết thôi thì coi như rẫy nhà ấy lọt vào tầm ngắm của bọn trộm rồi. Chúng biết nhà ấy sẽ phải ngừng mấy hôm để lo tang lễ. Nếu người chết ở quê thì trong ngày ắt có người về “nhìn nấm mồ xanh”. Đa số về đến nơi thì đã đưa tang rồi.
   Những gia đình canh tác trên đất tự mình khai hoang thì sướng hơn công nhân làm khoán ở chỗ là không bị quản chế nghiêm ngặt trong mùa cà phê. Đối với những người làm khoán cho nông trường, mùa cà phê dài hay ngắn là tùy thuộc vào giám đốc. Có cán bộ của nông trường bất thình lình ập vào rẫy để kiểm tra tỉ lệ xanh chín của trái cà được hái trên bạt lưới của chủ hộ. Ai bị bắt quả tang đang hái với tỉ lệ lớn hơn 12% vàng và  hơn 3% xanh sẽ bị phạt nặng. Nông trường quy định ngày nhập sản phẩm và sản lượng mỗi đợt là bao nhiêu nên họ tha hồ kéo thời gian giãn ra tùy thích. Có những gia đình nghe tin người thân ở quê ốm rất nặng nhưng không dám về vì sợ lỡ chuyện trong này. Lắm khi họ vừa hái vừa rơm rớm nước mắt, cầu Trời khấn Phật cho người ốm ấy chờ được đến ngày tận thu. Chỉ cần hái hết tất cả, thả ở sân nhà xong là họ đón xe về quê ngay và luôn.
  Hành nghề gì cũng thế thôi. Hễ xa quê thì nhớ thì lo. Kẻ tha hương bao gờ cũng muốn được phân thành hai nửa. Nửa ở quê nhà, nửa vật vờ chốn mưu sinh. Hãy giữa ấm khi gió lanh, tránh bão mùa lũ nhé ai ơi. Vì biết đâu sức khỏe của bạn là niềm vui tiếp sức cho ai đó yên tâm sống trên cõi đời này
Buôn Ama Thuột, 10/11/2014
Tây Nguyên Xanh
Bấm vào \Phần 1Phần 2Phần 3Phần 4 để theo dõi từ đầu 
***
Dưới đây là cận cảnh công việc trọn một ngày tại rẫy trong mùa thu hái cà phê. Chưa rõ tác giả ảnh. Nguồn ảnh: http://cafeluong.com.vn/tin-tuc/hai-ca-phe-tin-2.html
Nghỉ trưa
Xếp bạt lưới để về
Lượm tạp chất, Hốt cà đổ vào bao
Sau một ngày mệt nhọc
Cơm trưa giữa đồng
Hái cà phê
No comments