Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, December 19, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 12: CÀ NĂM NAY ĐƯỢC MẤY TẤN?

Tác giả ảnh: Huyền Diệu - Thành Huy
   “Khi loài người chưa biết dựng nhà, còn ở trong hang hốc thì thường xuyên bị rắn cắn nên hễ gặp là hỏi nhau đã gặp rắn chưa. Biết xây nhà rồi thì hay đau yếu, loài người lại có cách hỏi thăm là có khỏe không. Dân số tăng nhanh, vấn đề lương thực được đặt lên hàng đầu nên mỗi khi gặp nhau, người ta lại chào nhau bằng câu hỏi ăn cơm chưa” (*)Tùy điều kiện sống mà người ta có cách thăm hỏi khác nhau. Trong mùa thu hái, người trồng cà phê ra đường mà gặp nhau thường nói “Hái cho ai đó?”, “Hôm nay (thuê) hái mấy cặp (người)?” thay cho câu chào. Hết mùa rồi, người ta lại hỏi nhau “Cà năm nay được mấy tấn?”. Cái sự thăm hỏi ấy xuất hiện nhiều ở những buổi uống nước chè xanh mỗi sáng tại một gia đình nào đó. Hội này xuất phát từ tập quán mời hàng xóm sang uống nước của người gốc Nghệ Tĩnh. Sáng sớm họ làm một ấm chè tưới thật đặc rồi sai con đi mời láng giềng sang uống và tán gẫu. Vùng đồng bằng ở Nghệ Tĩnh khó trồng chè và diện tích cũng không ưu đãi nên hễ ai được mời nước chè thì mừng lắm. Chè chủ yếu do người Thượng (chỉ chung cho người miền núi ở phía Tây xứ Nghệ) đem xuống bán. Khi di cư vào Tây Nguyên, dù mỗi nhà đều có mấy hàng chè trong vườn nhưng người gốc xứ Nghệ vẫn sử dụng ấm “nác chát” để gắn kết tình đồng hương và giao lưu với làng giềng khác vùng văn hóa. Một hội như thế có khoảng mười thành viên thường xuyên, cộng thêm khoảng năm thành viên lâu lâu mới ghé. Cứ quay vòng, hôm nay uống nhà này thì ngày mai thấy ai “nháy máy” điện thoại thì biết nhà đó mời.
   Sau hai tháng mùa cà phê, tối qua cái hội “nác chát” xóm mình mới tụ họp trở lại với lý do rất chính đáng, ấy là chú láng giềng mới bán được cây Mai với giá bốn mươi triệu đồng. Nghe nói là thương lái quần đảo quanh xóm mình mấy ngày nay. Thấy nhà ai có cây cảnh đẹp thì gạ mua chứ xóm mình không có ai buôn cây cảnh cả. Họ ghé nhà chú kia, vợ chú ấy không muốn bán vì cây mai trồng gần hai mươi năm rồi. Thương lái cứ nài nỉ xin mua, cô vợ cáu quá, phán đưa đây bốn chục triệu thì bán. Thương lái khoảy tay kêu ra đếm tiền. Hai vợ chồng chú ấy giật mình luôn. Thế là bán. Hàng xóm (khoảng chục nóc cận cư) được đãi một thùng bia, mấy điếu thuốc lá và vài gói kẹo. Ôi thôi, trà dư tửu hậu mà, đủ thứ chuyện được đưa ra để vung môi múa tay.
   Cà năm nay được mấy tấn? Tấn cà phê nhân thô đem đi xuất khẩu chứ không phải cà phê khô vỏ đâu nhé. Năm ai cũng giật bắn mình mẩy khi bị/được hỏi câu ấy. Ai cũng trả lời là cà năm nay mất mùa, nợ nhà tôi như này này, rồi thì phân bì nhà kia nom thế mà cà nhiều lắm. Cái nhà bị phân bì ấy lại than như thế và lại phân bì với nhà thứ ba rồi thứ tư khác nữa. Cứ thế mà cả xóm này được “mùa than”.
   Nhà mình năm nay cũng mất mùa, cà chưa khô hết nên chưa dự trù được mấy tấn. Có nhiều nhà mất kinh hoàng lắm. Năm ngoái được mười một tấn nhân mà năm nay chỉ được khoảng hơn sáu tấn nhân thôi. Hoặc có nhà năm ngoái được hai tấn mà năm nay chỉ được mấy tạ nhân. Cà phê có quy luật năm được năm mất. Năm ngoái trúng mùa, ai nấy cười hỉ hả, năm nay thì bơ phờ đón xuân sang. Trời lại đang lạnh và mưa nữa, bên ấm nước chè ngó ra cửa sổ mà não nề lắm thay. Vấn đề là tiền đâu để mua phân bón, tưới nước cho cà phê trong năm tiếp theo. Lại đi vay, lại hứa đến mùa cà sẽ trả. Ôi cái vòng luẩn quẩn ấy...
---
(*) đoạn đầu ấy được dịch từ nguyên bản Hán văn ở trang 31, giáo trình luyện thi chứng chỉ A tiếng Hoa, tác giả Bùi Anh Đức và Tô Cẩm Duy, NXB Trẻ, 2008

Buôn Ama Thuột, 19/12/2014
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9Phần 10Phần 11 để theo dõi từ đầu nhé.
2 comments

Thursday, December 18, 2014

MƯA PHẤN HOA (HIỆN TƯỢNG ONG ỈA)

Tác giả ảnh: Xuân Hòa
   Những ngày này, các bạn ghé khu dân cư gần rẫy cà phê thì sẽ có lúc chợt giật mình vì thấy tóc, áo, mũ.... bị dính chi chít những vết chấm vàng có đường kính khoảng 3mm khi đi ngoài đường. Những vết vàng ấy có mặt khắp mọi nơi bạn đặt chân đến. Rõ nhất là nền đất. Chất vàng ấy có mùi ngai ngái của phấn hoa tươi và rất nhanh khô. Cái chất ấy rơi từ thân thể của con ong mật. Hơn một tuần nay trời mưa rả rích nên cà phê đơm và cương nụ. Đã có những khóm hoa bung nở rồi nên ong rừng (có thể là ong nuôi) bay về nhiều lắm. Chúng hút mật và lấy phấn đến độ no quá, lại bị gió thổi cản mạnh trên đường bay nên bị chao đảo rồi đổ một ít mật và phấn, tạo thành hiện tượng mưa phấn hoa. Trẻ con hay thắc mắc quá nên đôi khi người lớn trả lời một cách nhanh gọn là do ong ỉa.
   Một khi ong đã về rẫy hàng đàn thì mùa khô chuẩn bị đến giai đoạn tàn khốc nhất trong năm. Cỏ tự hoại lá, chỉ còn trơ gốc nằm im chờ mùa mưa đến mới nảy mầm lại. Nông dân Tây Nguyên chuẩn bị thu hoạch Gừng, Nghệ, các loại củ cho ra bột để làm bánh trong dịp Tết cổ truyền. Cúc Quỳ (còn gọi là Dã Quỳ, Hướng Dương Mexico) nở cho hết đợt để tiết kiệm nước trong thân cây. Lúc ấy màu trắng ngần của hoa cà phê ngự trị tầm nhìn. Nhưng đó viễn cảnh của khoảng hai tháng nữa chứ không phải bây giờ. Lúc này chỉ lác đác hoa nở để dụ ong về mà thôi. Nghe nói cách phân biệt mật ong tốt là ‘xóc lọ”. Theo thông tin của bần lâm Sau Son chuyên bán mật ong ở tận Sơn La thì:
“Có 3 loại mật ong và tất nhiên giá cả  khác nhau.
   - Loại 1; Ong nuôi ở vùng ít hoa, Bần Nông phải thường xuyên di chuyển đàn Ong và thường xuyên phải cho Ong ăn thêm đường. Loại này mật có màu sậm sậm đen đen, loãng, khi ta xóc lọ mật ong thì thấy bọt khí nổi lên.
   - Loại 2; Ong nuôi ở vùng rừng núi, nhiều loại hoa nên Bần Lâm không phải cho ong bú thêm đường. Mật này có màu vàng sậm, khi ta xóc lọ thì không có bọt khí nổi lên. Mật trong vắt, khi rót ra thì mật chảy thành dòng đều, không bị đứt quãng khi ta thôi rót.
   - Loại 3; Mật ong tự nhiên làm trên vách đá quanh năm đón gió, chủ yếu là ong khoái. Mật nầy màu vàng, sánh, khi ta cầm có cảm giác nặng trình trịch, ta dùng cả 2 tay ôm lấy lọ, xóc lấy xóc để toát mồ hôi mà mật không hề sóng sánh
   Bạn này chuyên bán mật ong núi đá (loại 3) và hạt chuối hột để làm thuốc. Bạn nào có nhu cầu thì bấm link Facebook này: https://www.facebook.com/lucle.van.900?fref=ts
   Lại thêm một phát à nữa, ấy là ai cần Tỏi Cô Đơn (tỏi một tép) để làm thuốc thì liên hệ với cái nick Người Vận Chuyển này: https://www.facebook.com/profile.php?id=100008005802429&fref=ufi
   Cái độ uy tín của hai nhà buôn này Tây chưa kiểm nghiệm nhưng cứ thông tin cho mọi người biết mà liên hệ he he.
   Cứ thế đã nhé các bạn. Đến mùa hoa cà phê nở rầm rộ thì Tây sẽ miêu tả mùi của loài hoa ấy theo cách của Tây. He he. Treo phát ảnh này để khởi động mùa du lịch Tây Nguyên nào. Lại muốn sở văn hóa thể thao và du lịch của 5 tỉnh Tây Nguyên chia sẻ lợi nhuận với Tây rồi he he.
Buôn Ama Thuột, 18/12/2012
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Wednesday, December 17, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 11: LƯỢM MÓT

   Trời mưa lâm thâm, sáng mở mắt ra, nhấp nháy đôi mi nhìn màu trời bàng bạc qua cửa sổ. Cái lạnh khiến cho ai đó cuộn tròn trong chăn ấm như một con mèo lười và ước mong có một chàng hoàng tử đến hôn lên trán và ngọt ngào gọi: “nàng ơi, dậy đi thôi” rồi chàng nhẹ nhàng nắm bàn tay bé bỏng kéo dậy bằng hấp lực của tỉnh yêu. Đang miên man, cười tủm tỉm vì cái sự tưởng tượng ấy, điện thoại của bố kêu ầm lên. Nghe lỏm thì biết có mấy người “dân tộc Cao Bằng” hỏi nhà mình có đi quét gốc không, nếu không thì họ xin phép được vào lượm mót. Nghe mà thương quá. Lượm trong cái lạnh ẩm ướt nhớp nháp này ư?
Tác giả ảnh: Duc Anh Nguyen
   Biệt danh “dân tộc Cao Bằng” là để chỉ chung cho tất cả các dân tộc thiểu số từ vùng núi phía Bắc di cư vào Tây Nguyên sống. Cách gọi này được người Kinh ở Tây Nguyên lưu dùng để phân biệt với các dân tộc bản địa chứ chẳng có ý gì. Họ sinh ra ở những rẻo cao nên có lẽ họ cũng chọn rẻo cao, rừng sâu ở Tây Nguyên sinh sống. Người Kinh không sợ các dân tộc bản địa bằng “tộc Cao Bằng”. Họ dặn con cái là với người đồng bào đặc biệt là tộc Cao Bằng thì đừng có nịnh nọt, kẻo dính bùa. Ví dụ nếu vào nhà thấy rổ trứng đặt trong phòng khách thì chớ có khen cái rổ trứng ấy kẻo dính Ma Gà. Nói chung với bọn mình luôn giữ khoảng cách với người đồng bào vì những ý niệm mơ hồ ấy.
   Năm nay bố mình chạy sang cuối huyện bên cạnh để thuê nhân công hằng ngày nên quen dược gia đình anh em dân tộc Cao Bằng. Họ thật thà nên bố thuê hẳn mấy ngày cuối mùa và mai mốt xay cà khô cũng như mùa tưới năm 2015 sắp tới đây sẽ tiếp tục thuê họ. Họ tội nghiệp lắm. Sáng sớm chạy từ huyện Krong Bông sang Krong Pak mình để làm thuê. Nghe nói chạy 25 cây số đường rừng. Họ không có rẫy để canh tác ổn định nên quanh năm đi làm thuê vậy đấy.  Dân tộc Cao Bằng cùng với các dân tộc thiểu số bản địa nơi đây đều có điểm chung đó là bị người Kinh cô lập khiến họ co cụm lại. Chúng ta không cho họ đốt rừng làm rẫy nhưng ngược lại cũng không nhận họ làm công nhân trong các nông trường. Mình không hiểu được điều này.
   Mùa cà phê vừa kết thúc với những chủ hộ cà phê thì lại bắt đầu mùa lượm mót của những người không có rẫy hoặc rẫy quá ít cà để thu về. Gần hai tháng phải kéo lưới và căng thẳng thần kinh vì mùa cà phê nên chủ rẫy thường lười ra rẫy để lượm những trái cà bị đổ trong quá trình thu hái hoặc rụng cho thời tiết. Như mẹ mình chẳng hạn, chứng đau đầu gối do quét gốc cà phê nhiều năm khiến mẹ buông xuôi tất cả. Ai ưng lê lết lượm lặt thì cho họ chứ không kham nổi nữa. Nếu trời nắng thì quang cảnh mùa lượm mót sinh động lắm. Sáng sớm từng đoàn người được chở bằng xe công nông ra đứng ở đâu đó rồi tỏa ra nhiều hướng. Chiều trở lại nơi tập kết để lên xe về thôn buôn. Số đi xe công nông này thường là đồng bào thiểu số. Người Kinh thì đi xe đạp hoặc đi bộ thành hàng rơi rụng dần. Nhìn vui mắt lắm.
   Từ đầu giờ chiều đã thấy mấy bà buôn cà phê nhỏ lẻ chờ ở khắp các ngã ba ngã tư các con đường hướng ra rẫy rồi. Hễ thấy người lượm mót ló mặt vác bao ra thì dụ dỗ họ bán. Thực ra người lượm mót cũng muốn có tiền ngay trong ngày nên bán luôn. Chứ nếu đem về phơi rồi đi thuê xay thì phiền và tốn tiền thêm. Chi bằng bán luôn mà có tiền mua thịt cá cho con cái vào ngày mai. Bố mình sáng nay đi nhổ cải về muối dưa, nói cái lô nhà mình được họ lượm sạch tưng rồi. Có một ngày mà họ dọn sạch hơn nghìn gốc cà. Số lượng “quân mót” đổ bộ chắc đông lắm đấy.
   Khi gõ bài viết này, gió đang thổi phập phù. Trời lạnh tê chân và mưa rơi trắng trời. Đối lập với màu trắng của bầu trời là những vết nâu đỏ bám đầy mọi thứ dưới nền đất. Hy vọng không còn ai nói “dân cà phê giàu mà” khi giao tiếp với mình nữa...
Buôn Ama Thuột, 17/12/2014
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9Phần 10 để theo dõi từ đầu nhé
4 comments

Monday, December 15, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 10. PHƠI PHÓNG VÀ XAY XÁT

   Tuổi thơ của bọn mình - những đứa con lớn lên bên rẫy cà phê - đa số không phải  phụ giúp bố mẹ hái cà như trẻ con vùng chiêm trũng. Bọn mình được kỳ vọng rất nhiều. Nó cứ theo mô-típ thế này: Bố mẹ thoát bùn lầy để đến miền khô ráo làm rẫy. Con cái lại thoát bụi bẩn ở rẫy để làm một công việc sạch áo ráo tay. Nếu như nông dân trồng lúa hay nhát con cái rằng có muốn phải chịu cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau hay không thì mỗi khi bọn mình lười học, thường bị bố mẹ dọa là có muốn đi kéo lưới cà phê, xúc cứt bò đem bán không. Hồi bé, đa số bọn mình một buổi đi học còn một buổi ở nhà coi nhà và cày cà trên sân. Cày cà thì cũng như cày phơi lúa thôi. Các bạn hình dung được rồi đấy.
Tác giả ảnh: Diệu Huyền - Thành Huy
   Mình và thằng em trai cũng như đưa bé trong ảnh bên, bố mẹ giao cho một sân cà phải cày và giữ. Hai chị em ngồi bệt trên sân, túm cà ném nhau, cười ha hả. Quần áo mẹ giặt mà. Lo gì. He he. Mấy đứa gần nhà còn rủ nhau bắn bi, đánh khẳng (lấy một khúc gỗ, đâp vào một đầu khúc gỗ khác đã được đút một đầu xuống lỗ đất cho nó bay lên rồi đập ra xa. Ai đập xa hơn, người ấy thắng). Mải chơi, không lo học và quên nhiệm cày cà. Đến lúc bố mẹ sắp về thì chạy loạn xà ngầu, đứa nào đứa nấy lo cày cà để xóa dấu vết chân đạp lên, như thể cà thường xuyên được cày.
   Mấy hôm nay ở nhà coi cà cho bố mẹ, buổi trưa nắng rọi nhất thì nên cày đảo nhiều nhất. Thế nhưng có lúc mình buồn ngủ quá. Kệ thây tất cả, ngủ một phát cho sướng con người. Đến chiều mới dậy luôn. Ô hô, lọ mọ dậy vun lại để lấp liếm sự lười nhác. Hã hã. Thành ra một mẻ có độ dày phủ ngón chân cái phơi trong ba nắng là khô queo nhưng mình phơi những bốn nắng nếu ...siêng ngủ. He he.
   Ngày xưa, khi chưa mua máy xát bỏ vỏ bọc bên ngoài thì phơi cà cả quả lâu khô lắm, phải năm đến sáu nắng mới khô một lớp mỏng. Còn nhớ hồi mình về đón tết Nguyên Đàn năm 2011, lúc đó niên vụ 2010 vừa mới xong. Ớn vô cùng cho cái năm ấy, đến ngày 29 tết rồi mà cà chỉ hơi hơi heo héo thôi. Cả xóm tạm thời gom vào để mà đón giao thừa. Những lúc như vậy, người ta ước có lò sấy. Tổng chi phí xây lò sấy dùng cho gia đình ở thời điểm bây giờ là khoảng 12 triệu đồng. Thông thường qua lễ Noel thì trời nắng đẹp, lợi cho thế cho việc phơi phóng.
   Khoảng một tuần nữa, các bạn ghé vùng nông thôn ở Tây Nguyên thì sẽ nghe lác đác tiếng ù ù và thấy bụi bay mù mịt phát ra từ cổng của nhiều ngôi nhà. Ấy là họ đang xay cả ra hạt nhân thô. Vì bụi như thế nên lắm khi gây mâu thuẫn láng giềng. Ai cũng ghét bụi bay vào nhà nhưng mà nhà ai cũng có nhu cầu xay nên phải xay cùng một khoảng thời gian, chứ gần tết hoặc ra giêng (âm lịch) mới xay thì khó mà được thông cảm. Nhân của cà phơi quả có màu xanh và nhìn bắt mắt hơn nhân của trái cà bị bóc lớp vỏ bọc rồi phơi hạt còn vỏ lụa.
   Cái cảm giác nhặt nhạnh từng hạt cà trên sân khi hốt mẻ khô cuối cùng để xay thật là thú vị. Moi móc từng ngóc ngách, chợt mừng rơn khi trong hang hốc nào đó có một nhúm cà. Lắm năm có được nửa rổ cà nhờ moi hang hốc. Nhiều khi ở chân giường cũng có...cà phê. Lý do là có lúc vội vàng chạy vào nhà lấy tiền trả cho nhân công. Cà còn ướt nên dính dày dép chân tay theo vào. Có thể nói, cà ngự trị không gian sống và trong tâm hồn của người nông dân.
   Khi xay xát xong, có những bao cà nhân (cà sọ) chưa đủ độ khô, để lâu sẽ mốc thì được phơi lại. Vì xay cà cho cả mùa cùng một lúc nên thường là đến tối mịt mới xong. Sáng hôm sau, mẹ hốt trấu bụi vào bao. Chờ các con quét sân thật sạch rồi thì bố vác những bao cà còn ẩm ra phơi. Những lúc như thế, hai chị em mình thường hay tí tửng nằm ngửa mặt đón ánh nắng ban mai, lưng tựa cà phê, chân tay quẫy đạp. Vốc một nắm cà nhân lên hít hà rồi tưởng tượng tết này sẽ có thứ nọ cái kia. Vâng, bởi mọi lời hứa đều bị hoãn lại sau mùa cà sẽ được giải quyết...
***
Buôn Ama Thuột, ngày cuối cùng của niên vụ 2014 
15/12/2014
Tây Nguyên Xanh
---
   Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9 để theo dõi từ đầu nhé. 
   Vì nguồn ảnh được sưu tầm từ bài viết đồng tác giả Diệu Huyền - Thành Huy, lại không ghi tác giả cho từng ảnh nên mình chỉ có thể ghi nhận cả hai người đó là tác giả ảnh. Đó như là lời cảm ơn hai tác giả ảnh đã đưa cuộc sống vùng nông thôn Tây Nguyên ra cả nước và có thể là thế giới. Ảnh được sưu tầm tại báo Ngôi Sao
No comments

Sunday, December 14, 2014

MÙA CÀ PHÊ - Phần 9: NHÂN CÔNG VÀ NHỮNG MÁNH KHÓE CỦA KẺ LÀM THUÊ

   Sáng nay trời mưa phùn như kiểu mưa xuân ở xứ Bắc. Là nghe người Bắc di cư vào nói thế chứ mình dã ở ngoái đó đâu mà biết. Cô hàng xóm đứng ngoài hàng rào gọi với vào, hỏi nhà hái xong cà chưa bé. Rồi cô ấy than rằng cả đêm qua không ngủ được vì lo bão gần vào mà nhà thì neo người hái. Nhà họ còn nguyên một rẫy chưa tận thu. Trong nhà, mẹ thở đánh thượt một phát, nói hơ hời, mấy người hái thuê xin nghỉ vì mưa rồi. Mà thôi thế cũng được, họ chui dưới gốc cà mà đứng run rồi chờ đến giờ lấy tiền công thì mệt não.
Tác giả ảnh: Tuan Khoi
   Những người hái thuê đó là do bố mình đi chợ “vớ” được về. Nói là chợ nhưng thực ra chỉ là những đám đông ô hợp tụ tập ở các điểm chợ thông thường hoặc các giao lộ. Ở đó có một nhóm người mặc đồ cũ kỹ đứng túm tụm lại và người đi qua đường hiểu rằng họ có nhu cầu làm mướn. Ai cần nhân công thì ghé lại, ngả giá và thỏa thuận xong thì đám đông ấy chia năm sẻ bảy chạy ra nhiều hướng. Những ngày này đi dọc các con đường ở Tây Nguyên tầm sau giờ sáng thì sẽ gặp “chợ nhân công” kiểu này. Dạo này, cứ khoảng bốn giờ sáng thì bố mình phải chạy hơn mười lăm cây số, sang huyện bên cạnh để thuê chứ khu vực gần nhà khan “hàng” lắm.
   Những chủ rẫy thuê được người ăn ở tại nhà thì khỏe hơn một tí. Ngày xưa, khi mà xuất khẩu lao động sang nước ngoài còn chưa phổ biến thì đến mùa gió heo may thổi, lực lượng lao động khắp các vùng miền đổ về Tây Nguyên đông lắm. Có người khi vào đã có chủ đón nhưng có người đi theo bạn bè rồi tới nơi ắt có người đến xin thuê. Những ngày đầu tháng chín âm lịch, vào lúc trời còn mờ đất, thường hay diễn ra cảnh một vài người lay từng cánh tay của người lạ vừa bước xuống xe, hỏi đã có ai thuê chưa. Nghe giọng nói cùng quê và được thông báo về địa chỉ cũng gần nơi bạn của mình thì người được hỏi ấy sẽ đi theo về làm thuê. Đa số là con em của hàng xóm cũ ở cùng một làng một xã hoặc cùng vùng văn hóa với chủ rẫy (khi còn ở quê). Cùng vùng văn hóa nghĩa là ví dụ như chủ rẫy là dân Nghệ An nhưng vẫn thuê người Hà Tĩnh vì cùng vùng xứ Nghệ. Tất nhiên đó chỉ là thứ tự ưu tiên. Thực ra vẫn nhiều nhà thuê người khác vùng văn hóa.
   Dù “kêu công” (thuê nhân công, thuật ngữ người ở đây thường dùng) ở ngoài chợ hay thuê người ở trong nhà thì ngoài việc lo cơm nước, chủ rẫy phải trả tiền công theo ngày cho họ. Người làm thuê mà cúc cung tận tụy thì quá tốt rồi. Đằng này có nhiều chuyện bi hài lắm. Người ở tại nhà có mánh khóe là xem sức chủ nhà một ngày hái bao nhiêu bao rồi cứ thế làm theo chứ không thật thà gắng sức. Có thể một ngày họ hái được tám bao nhưng chủ nhà già yếu, chỉ hái được sáu bao thì nhân công cứ tà tà mà hái như chủ. Thế mới cáu chứ. Họ ở thêm một ngày là được tính thêm tiền mà. Còn người thuê công nhật được kêu ở ngoài chợ thì thế này. Có những “cặp” (hai người làm mướn hái cùng một cây) hái ải ải chứ không gắng sức, họ câu giờ là chính. Chưa đến giờ ăn cơm đã “đánh trống khươ chiêng” reo hò inh ỏi. Chiều mới khoảng ba rưỡi mà đá nháy mắt nhau chọn cây nào hái vừa đủ đến bốn giờ là chuồn. Thế nên có cặp được làm lâu dài với một chủ rẫy. Có cặp thì phải nhảy cóc hết nhà này sang nhà nọ.
   Trời đang mưa, cà trên sân sẽ như thế nào đây. Kỳ sau mình sẽ kể mánh khóe của kẻ ở nhà phơi cà (là Tây Nguyên Xanh đây) he he.
   Khuyến mãi cho các bạn thêm vài tấm ảnh cận cảnh mùa thu hái cà phê này. Tác giả ảnh là Thanh Hường. Các ảnh được lấy từ báo Dak Lak.
Mới trải lưới xong, chuẩn bị hái

Tuốt cà phê ra khỏi cành

Nhặt lá và tạp chất ra khỏi bạt lưới trước khi đổ vào bao

Bưng bao bỏ lên moóc xe công nông

Phơi cà trên sân. Kiến trúc nhà trong ảnh rất phổ biến ở nông thôn Tây Nguyên Nhà triệt, không có lầu, chân tường bị bám đầy đất vì mùa khô gió cuốn bụi vào, mùa mưa nước bắn tóe bùn lên. Nhiều nhà còn có gác lửng để thờ cúng tổ tiên như kiểu nàh ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Buôn Ama Thuột, chủ nhật 14/12/2014
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào Phần 1,Phần 2,Phần 3,Phần 4,Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8 để theo dõi từ đầu nhé
No comments