Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, June 12, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 4. XE CÔNG NÔNG

June 12, 2015

Share it Please

    Đây là tấm ảnh cưới của một đôi vợ chồng ở Gia Lai do anh Nguyễn Ngọc Hoà chụp. Không biết ý tưởng ảnh do khách hàng hay do phó nháy nghĩ ra nhưng nó đẹp cả về hình thức lẫn nội dung. Nhờ cái xe ấy mà bao nhiêu cô gái, chàng trai Tây Nguyên mới có tiền ăn học, xin việc làm và danh chính ngôn thuận nắm tay nhau đi đến bến bờ hạnh phúc. Cái xe cũ kỹ, bụi bặm bao nhiêu thì đoá hoa “hạnh phúc” tươi thắm bấy nhiêu. Cái xe ấy chở cả thời thơ ấu của người Tây Nguyên đấy. Đây là hình thức tri ân rất khéo léo của cô dâu chú rể đối với bố mẹ.

    Có lẽ không vùng nông thôn nào trên cả nước lại có nhiều xe công nông như ở Tây Nguyên. Nhà nào cũng có một chiếc cho nên nhà nào cũng có một nhà kho để chứa xe và các nông cụ khác như ống, béc, cuốc, xẻng…Mỗi cái nhà kho có dạng nhà ống và dài khoảng bảy mét. Đến vùng nông thôn Tây Nguyên, nếu thấy nhà nào không có xe công nông thì một là hai vợ chồng đều là viên chức ngồi bàn giấy hoặc chồng đi làm ăn xa, vợ ở nhà trồng nông sản. Nếu không thì chồng đã chết, đàn bà đơn than nuôi con hoặc vai trò của người chồng vô cùng mờ nhạt trong việc canh tác nông sản. Nói chung là không thấy xe công nông thì các bạn nên tế nhị một chút khi giao tiếp. Xe công nông quan trọng đến thế sao?

    Vâng, quan trọng lắm. Lấy việc canh tác cà phê làm ví dụ nhé. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày hái được cả tấn cà phê quả tươi. Chở xe máy bao giờ cho hết. Đó là chưa nói đến những hộ gia đình trồng cà phê cho nông trường thì phải chở quả tươi đi giao nộp sản phẩm nữa. Vào mùa khô, phải có xe công nông để chở giàn ống và máy bơm đi tưới cho rẫy cà phê. Cái đầu máy của xe công nông trở thành động cơ quay ống bớm tưới nước. Vào mùa mưa, nông dân phải có xe công nông để chở mấy tạ phân để bón cho cây nuôi trái. Cà phê ra hoa vào mùa khô, nuôi trái vào mùa mưa và quả chin vào cuối mùa mưa mà. Phơi phóng rồi thì đi thuê cối về lắp với đầu xe công nông để xay ra nhân thô. Sau đó lại dung xe ấy để chở cà phê đi bán lấy tiền ăn xài.

    Những nhà không có xe công nông thì phải đi thuê xe chở. Bởi vậy, cái năm bố của mình quyết định mua xe công nông. Mẹ mình cản. Bố đã nói có xe công nông năm nay thì sang năm có thể tậu được xe máy nhưng có xe máy trước thì chưa biết bao giờ mới có xe công nông. Thế mà thật. Đúng một năm sau có cái xe Honda Citi đỏ choét để chạy. mười năm sau, đổi được cái Dream II và bây giờ cả nhà có bốn cái xe máy. Làm lúa thì con trâu là đầu cơ nghiệp còn làm cà phê thì xe công nông là ông Bụt chở miếng cơm manh áo cho nông dân. Công lao của cai xe công nông vô cùng to lớn.

    Ngày xưa, ma chay cưới hỏi gì cũng liên quan đến xe công nông cả. Trong xóm, nhà ai có đám cưới thì láng giềng nổ máy đi thuê đồ về dựng rạp, chén bát về làm cỗ. Khách mời thường ở gần nhà nhau, xe máy chưa có nhiều, đám cưới mà tổ chức vào mùa mưa, đường sá nếu chưa rải nhựa thì đa số rủ nhau ngồi lên xe công nông đi một thể cho khỏi dính bùn. Đám tang ở vùng thôn quê Tây Nguyên bao giờ cũng có một hàng dài toàn là xe công nông nối đuôi nhau. Người cả xóm ngồi kín trên các moóc xe công nông để cùng tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Bây giờ, dịch vụ tang ma có xe chở hòm cùng người thân, còn láng giềng cũng có xe máy nhiều rồi nên đám tang ngày nay ít xe công nông hơn. Sau xe chở hòm thường chỉ có một xe công nông chở đồ đạc của người quá cố đem đi đốt thôi. Sau xe công nông ấy là những hàng dài xe máy người đi tiễn.

    Bọn trẻ ở nông thôn Tây Nguyên, có lẽ đứa nào cũng đã từng dược ngồi lên moóc xe công nông để bố chở đi học. Tất nhiên là nhân thể bố đi đâu đó qua cổng trưởng nên đi ké thôi. Đứa nào cũng đều đã từng bám tay lên thành moóc và đạp chân lên bánh sau của xe để trèo lên. Và rồi lắm khi nhảy tưng tưng trên moóc xe, cười lăn lóc. Ngày bé, bọn mình hay chê xe công nông bẩn vì đất đỏ nên chủ yếu đứng trên moóc và vịn vào cái thành ngang ngay chỗ dựa của người lái thôi khi xe chạy thôi.

    “Thánh vật” của vùng nông thôn Tây Nguyên đấy!
Buôn Ama Thuột, 12/6/2015
Tây Nguyên Xanh
Các kỳ trước đây: Kỳ 1Kỳ2Kỳ 3                   

0 comments:

Post a Comment