Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, January 24, 2015

CÀ LÊN THÌ TRẢ BẰNG CÀ, CÀ XUỐNG THÌ TRẢ BẰNG TIỀN

Tác giả ảnh: Minh Ngọc Cao Nguyên
   Người phụ nữ ấy đi vay cả xóm. Số lần vay nhiều đến nỗi hễ nghe tiếng chó sủa, ngó qua cửa sổ mà thấy người ấy lò dò đi vào thì chủ nhà tưởng tượng ra ngay cái cảnh nài nỉ vay tiền. Năm sắp hết, tết sắp đến. Xong mùa cà phê lại đến một chu trình nợ mới bởi mùa cà hằng năm đều bị chủ nợ siết hết. Căn nhà gỗ bị mối ăn lần lên quá nửa chân ván rồi. Hơn nửa đời làm thuê và cũng là hơn nửa đời sống trong thiếu thôn. Vì đâu?
   Xứ này khi cho vay người ta sợ mất lòng vì tính lãi nhưng sợ lỗ nên họ có thuật ngữ chuyên biệt rằng “cà lên thì trả bằng cà, cà xuống thì trả bằng tiền”. Nghĩa là sau khi vay mấy bao cà phê thì đến lúc trả, nếu giá cà phê cao hơn lúc vay thì trả bằng cà phê, còn thấp hơn thì trả bằng tiền. Ăn theo giá cà phê cho chắc chứ tính lãi “mấy phẩy” mà làm gì. Hình như người phụ nữ ấy đã chịu gần như mọi kiểu vay nợ truyền thống khác nữa.
   Ở cái tuổi xương kêu răng rắc nhưng người phụ nữ ấy vẫn phải cúi lượm mót cà phê nơi xa xôi. Những ngày này đi cắt cành cà phê, cuốc cỏ thuê cho nhiều nhà. Mấy nay còn thấy đi hái tiêu cho người ta nữa. Chủ nhà có mấy hàng tiêu trồng bấu vào thân cây muồng đen vốn dùng làm cây chắn gió cho cà phê. Bọn trộm ghê gớm quá nên chủ nhà thuê con trai người phụ nữ ấy đi canh với thỏa thuận là năm mươi năm mươi, mỗi người một nửa số tiêu thu về. Đứa con ăn dầm ở dề ngoài rẫy cà tháng nay, tiêu mới bắt đầu già, chủ nhà bảo hái đi. Người phụ nữ ấy hăm hở dậy sớm ăn cơm để đi hái. Run run cầm một nửa số tiêu đem về phơi. Trời đang nắng ầm, tự dưng có mụ hàng thịt ghé nhà nói mai mốt em lấy mớ tiêu này chị nhé, chị “ăn thịt của em” cả năm rồi mà. Người phụ nữ ấy cưới méo miệng, chiều về, nửa muốn hốt cất nửa muốn không. Gió mùa khô thông thống thổi vào nhà, ước gì có vật gì rơi vỡ vì cản gió, sinh tiếng động loẻn choẻn cho đỡ u tịch....
Buôn Ama Thuột, 24/1/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, January 20, 2015

MÙA CỦI CÀ PHÊ - Phần 1: TRÒ CHƠI THUỞ BÉ

   Thời tiết ở đất Tây Nguyên này thật lạ. Ở ngoài Bắc đang lạnh run, miền Nam nóng nực thì nơi đây được mặc áo khoác nhẹ trong nắng vàng chóe. Rời khỏi nắng vào nhà thấy “thèm” áo khoác, tưởng ra đứng dưới nắng thì khỏi cần áo khoác nhưng nắng gắt gỏng quá, lại cần áo khoác hơn vì sợ rát bỏng. Ôi cái xứ đắp chăn bông quanh năm của mình. Sáng sớm đã nghe đâu đó tiếng máy cưa kêu xè xè ở xa xa ngoài rẫy. Có vẻ như họ đang cưa gỗ muồng hoặc cà phê. Mùa củi cà phê đến thật rồi. Tự dưng cồn cào nhớ trò chơi thuở bé với cái cưa làm bằng nắp chai bia hoặc nước khoáng và sợi dây khâu bao gạo.
   Chẳng biết Mụ Bà có vắt lộn giới tình của mình hay không mà những ngày bố mẹ bảo ở nhà trông nhà, mình đều khóa cửa rồi chạy theo mấy đứa con trai xin chơi với tụi nó. Mình dốt chơi búp bê lắm. Thấy tụi con gái cùng tuổi chăm chút cắt may váy cho búp bê thì vui mắt nhưng mình vô cảm với thú chơi ấy. Suốt ngày bị mẹ mắng vì tội bỏ nhà đi đàn đúm với lũ trai trong xóm chơi trò cắt cỏ bằng máy cưa. Cái máy cưa của bọn mình không kêu xè xè như cái của người ta xẻ gỗ. Của bọn mình chỉ kêu vè vè và chỉ chém được đọt cỏ thôi.
   Hồi bé, nhà có tiệc tùng thì đàn bà, trẻ con mới được uống chai nước khoáng Phú Sen với đá, còn đàn ông uống chai bia Bến Thành là sang lắm rồi. Khoảng những chuyển giao từ thế kỷ 20 sang 21 chứ đâu. Nghe có vẻ xa nhưng không xa lắm. Bọn con nít như mình cứ tha thẩn ở trước mấy quán nước để mong lượm lặt được mấy cái nắp chai bia hoặc nước khoáng, đem về đập ra cho nó thẳng rồi đục hai cái lỗ bên trong rồi lấy sợi dây người ta dùng khâu bao gạo hoặc phân Ure và Kali để luồn vào hai lỗ hai đầu sợi rồi gút chúng lại. Thế là có “máy cưa”.
   Vận hành nó dễ lắm. Chỉ cầm hai đầu dây và quay dây về một chiều như hai đứa quay dây để cho cả nhóm nhảy, đến khi thấy hơi săn (đầu ngón tay bị dây siết gần chặt) rồi thì kéo sang hai bên và lại khép khoảng cách hai cánh tay lại đều đều. Cứ luân phiên động tác như các mẹ các chị đang se lông mặt bằng sợi chỉ may vá vậy mà cái lưỡi cưa quay tít, cắt đứt đọt cỏ, kêu vè vè vui tai lắm. Để bố mẹ biết chơi trò này thì ăn đòn vì họ sợ đọt cỏ đứt ra văng vào mắt con mình. Đấy là lý do ngày bé mông của Tây Nguyên Xanh hay sưng vì tội trốn nhà đi rông với bọn con trai. Bố mẹ lo lắng lắm. Tây Bất Trị mà, ăn đòn xong rồi lại trốn nhà đi chơi. He he.
   Sáng nay buồn buồn, đi lấy nắp bỏ bia ra làm cưa để ôn chuyện ngày xưa...
Buôn Ama Thuột, 20/1/2015
Tây Nguyên Xanh

4 comments

Sunday, January 18, 2015

TIỆC CƯỚI Ở NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN

   Trời càng lạnh thì lòng người càng nóng lên vì cái sự ưng kết đôi cho ấm. Thế nên thiên hạ tranh nhau cưới và khách cũng tất bật...chạy đi ăn cưới. “Trong không gian se se lạnh, cái nắng vàng trải khắp đại ngàn Tây Nguyên. Có đôi trai tài gái sắc thầm thương trộm nhớ đã lâu, nay mới dám về thưa với bố mẹ. Hôm nay ngày êm gió dịu, chúng tôi rất vinh dự đến đây để thay mặt gia đình tổ chức lễ cưới cho hai bạn.....”. Lời của MC mở đầu cho cái tiệc hôm nay Tây đi ăn đấy. Nhà có hai thiệp cưới cùng một ngày. Mỗi lần đi ăn tiệc về là mẹ định cư ở nhà vệ sinh nên cụ đùn đẩy cho bố đi hết. Bố bận thì Tây đi thay.
Tác giả ảnh: ND Le
   Ngày xưa còn sợ con nít đi thay bố mẹ thì chủ nhà trách nhưng nay có người mang phong bì đến là may lắm rồi, nhỉ? Cái xứ này thế mà cũng hoành tráng phết. Dân thường mà tổ chức thì ít là 30 mâm, phổ biến là 50 mâm. Cán bộ cấp phó trở lên ở cơ quan hành chính sự nghiệp do các phòng của huyện quản lý làm 70 mâm, quan chức cấp huyện là khoảng 120 mâm, Quan cấp tỉnh là 150 mâm, đám cưới có 200 mâm cũng không hiếm gặp nữa. Một mâm mười người, mỗi người vui vẻ đút tờ hai trăm nghìn vào phong bì. Anh em thân thiết hoặc cần cầu thân với chủ nhà thì số tiền gấp đôi. Nhà neo đơn lắm mới đi trăm rưỡi. Khách đâu mà nhiều thế nhỉ? He he, có cả một chiến dịch vét khách đấy, như cái đám mình đi thay mẹ hôm nay chẳng hạn.
   Cầm tấm thiệp mà cả nhà mình ngác hỏi nhà này là ai thế nhỉ? Sau vài cuộc điện thoại mới định hình được rằng tại mẹ là bạn của cô kia, mà cái cô kia có tí quen với gia đỉnh tổ chức đám cưới này nên nhà mình....dính “chưởng mời”. Nhiều khi anh em họ hàng cách nhau có vài cây số nhưng gần hai chục năm chẳng ghé nhà nhau lấy một lần, thế mà cưới con cháu lại thấy....mời. Quan chức mời xa tít tắp để khoe mối quan hệ rộng khắp. Nghe đâu ở đô thị lớn thì họ chuộng ít nhưng phòng bì to nên nhìn vào tên nhà hàng ghi trên thiệp mời là người ta tự biết lượng khách sẽ là bao nhiêu và cái giá trị trong phong bì có lên đến một triệu đồng hay không dù thân hay sơ.
   Nhà nào cử người xếp khách đủ mâm và có hội ý với bên nhà hàng thì còn vui hơn một tí vì tất cả các mâm cùng ăn một lúc. Nếu không á, bàn nào đủ thì khui mâm trước. Lắm khi đến nơi đã thấy có mâm chạy ra về vì họ đến sớm ăn sớm và rút cũng sớm. Đám nhiều mâm quá, chủ nhà cùng cô dâu chú rể đến tạo động tác cụng ly cho thợ ảnh nháy máy bỏ vào album chứ không uống theo kiểu nể khách.
   Cưới nhà nào cũng toàn là các món: Bánh ngọt, cá chiêm xù, lẩu hải sản hoặc lẩu thịt bò nhúng với lá mướp đắng, thịt bò hấp cuốn nấm kim châm cột quanh hành lá, gà hấp bia chấm muối, xôi, súp thịt heo và kết thúc bằng đĩa nhãn hoặc bưởi. Đám trên 100 mâm hay có món đắt hơn đó là súp chim bồ câu. Đấy, quanh đi quẩn lại cũng từ “ngân hàng món” ấy mà ra. Biển hiệu giới thiệu “nhà hàng lưu động” đầy các thôn buôn. Chỉ cần a-lô là họ đổ bộ quân đến nhận tiền đặt cọc rồi lo cho hết. Xong tiệc bóc phong bì chi trả tại chỗ. Khỏe re như bò kéo xe.
   Lúc gõ bài viết này, bố mẹ Tây bảo sau ni mi cưới, choa mần cho khoảng mấy mươn thôi, ẻ mô mần nhiều, nhọc! Cái mươn của người Nghệ giống cái chõng ở ngoài Bắc đấy. He he, bố mẹ ưng ít nhưng con gái ưng nhiều để “vét” chuyến cuối trước khi bị tống về nhà chồng thì răng. Tây cũng ăn hại phết nhở. Hã hã.
Buôn Ama Thuột, 18/1/2015
Tây Nguyên Xanh
5 comments