Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, January 31, 2015

LINH TINH VỚI NẤM LINH CHI TÂY NGUYÊN VÀ CHUYỆN ÔNG ĐỒ Ở VĂN MIẾU

Nấm được cho là Linh Chi ở Tây Nguyên - Ảnh: Hoàng Đồng Hới
   Nghe nói người Hà Nội đang có trào lưu mua nấm Linh Chi nguyên cây kèm theo rượu quốc lủi nức danh thiên hạ để tặng quà tết cho sếp. Sếp ngắm nghía chán chê trong mấy ngày tết rồi cắt lát nấm ngâm vào rượu mà uống. Nói chung là bổ thể diện, bổ cả tứ chi, bổ kiêm luôn tim gan phèo phổi. Nếu mà cái loại nấm trong ảnh trên đây là nấm Linh Chi thật thì Tây Nguyên là vương quốc của nấm này rồi.   
   Ở chỗ em sống, mười năm trở lại đây rộ lên phong trào đi hái nấm Linh Chi rừng. Chính là loại nấm trong ảnh. Nấm này thường mọc dưới gốc cây Muồng Đen trồng xen trong rẫy để chắn gió cho cà phê. Cây có độ tuổi từ 5 năm trở lên thì bắt đầu có nấm này mọc. Con Bọ Cạp thường làm tổ ở mặt dưới của nấm này. Cây Muồng Đen hay lắm. Khi còn tươi trên cây thì sinh ra nấm tạm gọi là Linh Chi này, còn khi bị đốn làm gỗ, một thời gian sau cho ta nấm Tai Mèo (nấm mèo) để xào nấu thức ăn. 
   Ban đầu người Kinh ở Tây Nguyên chẳng chú ý đến loại nấm Linh Chi này đâu nhưng có lẽ vì một người Kinh nào đó thấy người đồng bào thiểu số hái về sử dụng thì làm theo. Người Kinh ở xứ này có luật bất thành văn là cái gì người đồng bào thiểu số ăn được là không độc và thậm chí chắc chắn bổ ích. Nhộng và sâu Muồng xào với ớt là món người Kinh tập ăn sau khi thấy người đồng bào kháng bệnh sốt rét tốt vì ăn món này đấy. Thấy hàng xóm lung sục rồi về cắt phơi đầy ở sân, dân xung quanh tò mò hỏi han. Một đồn mười, mười đồn trăm, thế là cả vùng Tây Nguyên này trở thành xứ nấm Linh Chi.
   Em không rành về nấm và các loài ký sinh nên đăng lên đây để hỏi thăm các chuyên gia sinh học, các đại ca chơi dòng ảnh Macro cũng như những ai chuyên đi “phơi máy” ở rừng có biết loại nấm này thực sự là nấm gì không?
   Nếu đúng là nấm Linh Chi thì chẳng mấy chốc Tây thành nữ đại gia uy doanh xứ Tây Nguyên. Hã hã. Cái điệu cười hã hã ấy không nữ tính chút nào các bác nhỉ. Đã thế, tính nết em có tí lẳng lơ nên em đang mưu toan ra Hà Nội kiếm ít tranh thư pháp về treo cho nó giống gia đình thâm nho nhọ đít. Chồng chưa cưới, đến nhìn là lác mắt, tin tưởng em hơn hai chục năm phòng the kín mít, chưa chộ mặt trai.. Ai biết được ra đường em hay háy nhìn các anh đăm đuối. hã hã. Ước mong là thế nhưng mà các bác Hà Nội ra thông báo yêu cầu các cụ Đồ đi thi sát hạch lấy "chứng chỉ" mới được "hoành hành" ở Văn Miếu. Thế thì bảo sao em cứ ở mãi xứ Tây Nguyên này mà chả chịu thò mặt ra đất Bắc. Gớm, kẻ có tài thường hay sỉ. Họ "ẻ quẹt mô" thi thố, Gớm, được cái nét văn hóa cho chữ hay ho mà các bác Hà Nội mần như rứa thì thôi tiệt nọc mấy câu khẩu hiệu giữ gìn văn hóa cha ông đi nhá. Kinh quá! Chả biết văn hóa là của dân hay là của nhà quản lý nữa. Ngẫm ra cái gì quản lý được thì cái ấy nhạt toẹt. Em hơi thối mồm, thôi không nói nữa. Em tung một vài hình ảnh những ngày giáp Tết ở xứ Bắc này. 
Chuẩn bị lá dong gói bánh - Ảnh: Trần Thi
Phơi hương (nhang) ở làng Cao Thôn, tỉnh Hưng Yên - Ảnh: Trần Thi
Cành đào Nhật Tân - Ảnh: Trần Thi
Bất an vì bị công an đuổi như có đuổi trộm - Ảnh: Trần Thi
Gói bánh chưng - Ảnh: Trần Thi
Buôn Ama Thuột, 31/1/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Thursday, January 29, 2015

ĐI BÁN CÀ PHÊ

Tác giả ảnh: Andy Le
   Trước khi các bác phẩy tay, í ới em ơi cho anh cho chị một tách cà phê thì nông dân chúng em có bán Cà rồi các bác mới có thể Phê với thức uống đen tuyền huyễn hoặc ấy nhá. (hã hã) Cơ mà nếu các bác không nghiện cà phê sáng thì nông dân chúng em cạp đất mà ăn, nhỉ? Thôi thì ba đấm cũng bằng một cái đạp, chúng ta giống nhau cả thôi, chỉ có thương gia là giàu, nhỉ? Mấy nay giá cà phê nhân xô Robusta (cà vối) mới nhích lên 40500đ/kg (thương nhân chỉ mua có thế thôi) mà dân tình tuồn nhau đi bán ít tạ cà phê để trả nợ cuối năm và sắm sanh chút đỉnh cho tết. Nơi em sống, từ thời thuộc Pháp đã chỉ trồng cây cà phê vối rồi. Vị của nó hơi chua so với Arabica (cà chè) nên giá rẻ hơn. Để Tây miêu tả quy trình đi bán cà cho các bác hình dung một chút về con đường cà phê đến làn môi của các bác nhé.
   Ngày xưa thì dân tự chở cà đi bán, nay già yếu sọm sẹm hết rồi, lại sẵn điện thoại trong tay ai cũng có nên a lô hỏi giá cà hôm nay bao nhiêu, đầu dây bên kia nói gì đó, bên này ưng bụng thì bảo chốt giá ấy với mấy tạ mấy tấn đấy, chút nữa ra lấy tiền. Nếu kho rỗng thì thương nhân đến chở cà luôn, còn không thì ra năm thủng thẳng mới lấy. Nhưng dân lại muốn họ khuân đi cho nhanh chứ để trong nhà mưa gió mối mọt các thứ, sợ bị hao. Nói chung là thế nào cũng có cái cảnh lính lác đi khuân vác về cho chủ tiệm. Người bán lẽo đẽo theo sau xe ô tô hoặc công nông để kiểm soát xem cà có bị rơi rớt trên đường đi không.
   Đến điểm thu mua, lính lại vác cà lên bàn cân điện tử cho chủ. Sau khi có số lượng rồi. Lão chủ tiện cầm cái vừa cứng vừa nhọn vừa to lại vừa dài của lão ấy thọc sâu vào bao, ngoáy ngoáy, rung rung, lắc lắc để hứng cà phê nhân. Sau đó đổ vào một cái cốc có dung tích của một kilogam cà phê nhân đạt chuẩn về chất lượng để đo độ ẩm. Nói thật nhá, lúc đi bán, kinh nhất, tởm lợm nhất là hành vi trừ độ và tạp chất của bọn con buôn. Chúng ép dân ra bã sau khi cho cà vào máy đo độ. Chẳng ai biết kiểm tra độ chuẩn của máy vì dân không thể mua được máy này. Nó đắt kinh hồn. Cái máy ấy được dính chặt với sợi xích nặng hơn nó rất nhiều, cái phòng có nó được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai và hai chú chó hung dữ canh gác. Dân buôn gian lận và o ép người bán được là nhờ cái cân đo dộ ấy đấy. Đo xong độ rồi thì ngó xem có tạp chất không. Thường tạp chất là những đoạn cành cà phê dài 0.5 cm và đường kính 2mm. Trong quá trình phơi và xay khó tránh những cành cây nhỏ này. Mới đầu, nông dân cũng chịu khó sàng sảy lắm nhưng ghét bọn thương nhân, dù cà có sạch đến đâu thì nó cũng trừ tạp chất và độ ẩm nên tăng được ký nào nhờ tạp chất thì tăng.
   Tính đến hết năm 2014, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột chỉ mới được bảo hộ ở bốn quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chúng ta làm chưa tốt công đoạn “chỉ dẫn địa lý” cho mặt hàng cà phê nói riêng và thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung nên vẫn còn mệt mỏi với bài toán thương hiệu. Đó là chưa nói đến các doanh nghiệp đầu tư cho nông sản Việt Nam chủ yếu có cổ phần của người nước ngoài cho nên chúng ta có đất để canh tác nhưng giá cả nông sản bị thương nhân nước ngoài thống trị. Ta xuất khẩu sang thị trường dễ dãi để cho nó cướp thương hiệu của mình luôn. Báo hại chúng ta phải lấy chính số tiền thu về nhờ xuất khẩu đó đi hầu tòa án quốc tế xin bảo hộ thương hiệu của chính mình. Buồn thay!
Buôn Ama Thuột, 29/1/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, January 28, 2015

CHUYỆN HỢP NHẤT TẾT TÂY VÀ TA

Tây của thuở hồng hoang đấy. he he. Nguồn: Facebook
   Tết nhất đến nơi rồi mà chưa thấy chuyên gia Kinh Tế và nhà nghiên cứu Văn Hóa đấu khẩu với nhau trên báo, nhỉ? Cái vụ âm dương hòa hợp của hai thể loại tết Tây và Ta cãi đến đâu rồi nhỉ? Thời điểm giờ mấy năm trước thì xôm trò lắm. Khoảng thời gian từ nghỉ tết Dương Lịch đến hết tết Âm Lịch được chuyên gia Kinh Tế gọi với cái tên rất chi mỹ miều là Thời Kỳ Khủng Hoảng Năng Suất Lao Động, còn nhà nghiên cứu Văn Hóa gọi là Những Ngày Cần Lắm Hai Tiếng Quê Hương. Lão Kinh Tế đề ra cái gì thì lão Văn Hóa phán ngay rằng kinh thế
   Lão Kinh Tế than một năm mất đứt một tháng để phục vụ cho nghỉ tết và quốc lễ, chưa kể tháng nào cũng có ngày kỷ niệm thành lập các thể loại ngành. Sáng các bố tọa đàm ôn truyền thống, trưa các bố tọa nhậu, chiều mặt đỏ như gấc đi mần với tâm thế thích nhòm váy của các nữ đồng nghiệp hơn là công việc. Nghe thế, lão Văn Hóa đập bàn hét toáng lên nói cuộc đời chỉ có tư duy kiếm tiền thì biết bao giờ mới sướng, thời gian đâu ngẫm ngợi các giá trị lối sống vì chưa ai biết thế nào là đủ tiền cả.
   Lão Văn Hóa hồi hởi khoe năm nay sẽ bắn pháo hoa ở nơi nọ nơi kia với lý do rằng dân năm nào cũng ước ao và khát khao được xem bắn pháo hoa trong giây phút giao thừa. Lão Kinh Tế chỉ thẳng vào mặt Văn Hóa mà rằng các ông lai căng bỏ mẹ. Đồng ý là giao thừa tết Nguyên Đán thì bắn cũng được nhưng cái gọi là giao thừa theo tết Dương Lịch thì bắn làm đếch gì. Một năm bọn Kinh Tế chúng tôi méo mặt trích tiền bạc làm pháo cho các ông hứng khởi bắn những hai lần tết, đến nỗi chúng tôi chẳng biết mình là người phương Đông hay Tây nữa. Chỉ khổ cho các em dẫn chương trình trên tivi, vác bộ mặt vui tươi đón chào năm mới để diễn trong mấy ngày tết Dương Lịch rồi cất đó, chờ đến tết Âm Lịch lại diễn. Nom hài không thể tả.
   Vì những hục hặc như thế mà có  “ban hóa giải” tiến tới hợp nhất tết Tây và Ta. Lão Kinh Tế muốn chúng ta đem không khí tết Cổ Truyền vào tết Dương Lịch và tiệt nọc cái gọi là tết Nguyên Đán âm lịch như Nhật Bản bây giờ ấy. Lão Văn Hóa nhảy cẫng lên, hét ối ồi ôi, tập mãi cái văn hóa đi làm đúng giờ còn chưa bằng Nhật mà đòi làm được cái tết Tây không phai nhạt vị Cổ Truyền như chúng nó. Gớm, anh tởm!
   Cãi nhau bất phân thắng bại, hai vị Kinh Tế và Văn Hóa chơi trò giải bày tâm tư lên mặt báo. Lão Kinh Tế xúi con dân kê khai thiệt hại do tết mang lại và nói rõ xu thế bây giờ tết là được nghỉ để đi du lịch cho sướng chứ mấy ai hẳm hở ở nhà quây quần giữ gìn nếp xưa nữa đâu. Lão Văn Hóa xúi các cụ có tiếng nói trong làng giải trí viết đôi dòng hoài niệm về tết xưa, không quên kết thúc bài văn bằng những câu đại loại như :“Nếu không có tết Cổ Truyền thì con cháu chúng ta sẽ đi về đâu? Quên đi các giá trị văn hóa dân tộc là tự tát vào mặt chính mình khi đứng trước bạn bè quốc tế”
   Gớm chết chết, các cụ cứ oánh nhau đi chi nhà cháu xem kịch. Nhà cháu thì thế nào cũng được, miễn là cơm no áo ấm nhưng vẫn có nhiều thời gian hú hí với trai đẹp là được. Hã hã.
Buôn Ama Thuột, 28/1/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Sunday, January 25, 2015

XỐN XANG Ứ HỪ MỘT VÙNG ĐẤT ĐỎ....

Cặp đôi Sếu Đầu Đỏ - Tác giả ảnh: Liem Kg
   Thằng em đang mần việc ngoài Đà Nẵng nên ở nhà hiện tại có 3 người, ấy là papa, mama và Tây xinh gái. Hôm nay chả biết ngày đẹp đến cỡ nào mà 3 cái thiệp cưới rải đều cho 3 thành viên ưu tú. Đút tiền vào 3 cái phong bì, mama bẩu Tây ơi, mày xinh gái để mà làm gì hở con, cưới phắt đi cho papa mama hoàn vốn cái. Papa vỗ về Tây, nói bà lo sắm com-lê với cả giày cho tôi là vừa. Tây nhà mình ngon gái như thế, kiểu gì chả có thằng nẫng. Gớm, lúc ấy lại sụt sùi nước mắt vì bị một thằng người dưng bợ con gái đi chỉ với nhõn một câu “anh yêu em”. Hố hố, trách nhiệm này đè nặng vào vai các anh chàng đang tán em. Tây cũng mót cưới lắm rồi. Nom Papa và mama mà thương quá giời thương luôn các anh ợ.
   Gớm, liền nam chỉ cần xỏ quần áo vào là xong. Còn liền nữ chúng em thì ôi thôi đầy đủ mọi thứ đeo lên mình.. Nào váy, nào guốc, vòng cổ, hoa tai, lắc chân, bôi bôi trét trét tí son chút phấn, kẻ chân mày cho nó cong cong, bấm lông mi thẳng thớm tạo điểm nhấn cho những cái chớp mắt đưa duyên. Đã thế, khi ăn còn phải ngó trước ngó sau xem anh thợ ảnh có hướng ống kình về phía mình không. Anh ấy quay đi thì mới dám nhăn răng cắn thức ăn để tránh nhạt môi son. Không gì đói bằng đi ăn cỗ. Tây thật! Mà ngó quanh các mâm, liền nữ nhiều hơn liền nam các bạn ợ. Xứ khác Tây không rõ nhưng xứ này là thế. Liền nam đều đã có thâm niên ăn nhậu rồi nên là bệnh nhân quen thuộc ở các khoa tim mạch với cả đái tháo đường. Vợ lo cho chồng nên nhận thiệp mời xong là mè hèm, bảo hôm ấy em mua cho anh và các con một ký bún và một lạng thịt bò nấu lên mà ăn nhé. Ngày có đám trong xóm, các ông chồng ngoan ngoãn tiễn vợ ra cửa, có khi túm tụm lại với nhau khen vợ hàng xóm hôm nay xinh. He he.
   Cưới ở thời buổi này có nhiều ý niệm mới lạ phết! Khi cô dâu chú rể bước lên khán đài chào quý khách. Mọi người chú ý cái bụng của cô dâu trước khi nhấc mắt lên nhìn gương mặt. Đơn giản vì người ta đã hình thành cái thú tò mò lý do tổ chức cưới của các đôi uyên ương. Bụng cô dâu mà hơi tròn một tí thì quan khách ghé vào tai nhau nói điều gì đó, người nghe gật đầu ra chiều đồng quan điểm. Sau đấy cả bàn mới yên tâm ngồi oánh chén. Lễ cưới hôm nay, cô em cùng xóm với Tây đã bầu hình như ba tháng rồi. Thời buổi này chẳng còn chuyện cạo đầu bôi vôi thả trôi sông, chẳng đến nỗi cả làng cười nhạo vì chuyện thất tiết nữa. Nhưng ngày mai, chồng em đi vào cửa chính nhà em để xin dâu, còn em ấy phải chui cửa sau vào nhà chồng. Thiết nghĩ xã hội đã bình thường hóa cái sự ăn cơm trước kẻng rồi, có cần giữ cái lệ gây tủi thân ấy không. Một mình em ấy không thể làm nên cái “bụng vượt mặt” đó được.
   Đi ăn cưới mà sao mình nhìn ngó nhiều thế nhỉ? Nhìn những người nông dân quanh năm “ủi mặt” ra rẫy, lâu lâu ai mời ăn cưới mới diện bộ quần áo trắng phau. Cái áo trắng bao nhiều lại tương phản với màu da cháy nắng bấy nhiêu. Thương sự run run ngại ngùng đứng trước đám đông của mẹ cô dâu. Người mẹ ấy là dân tộc Ê Đê lấy chồng là người Kinh di cư tử Quảng Trị vào. Cha của bà là cận vệ trung thành của chủ đồn điền cà phê Ribe có từ thời Pháp thuộc. Họ vượt qua mọi rào cản về lối sống các dân tộc để đến được với nhau. Quanh năm bám rẫy nuôi con lớn, nay nghe người ta xướng tên mình khiến người mẹ ấy giật thột, nắm chặt lấy tay chồng run lập cập chào quan khách. Mọi người thông cảm và thương chứ không ai cười cả, ánh mắt họ trìu mến và thấu hiểu nhìn gia đình
   Đám cưới nào cũng inh tai nhức óc vì tiếng nhạc to, chợt nhớ một người....lâu rồi không gọi điện đánh những bản nhạc đồng quê trên đàn Piano cho mình nghe. Về nhà vẫn còn vẳng đâu đây những câu hát: “Nghe câu quan họ trên cao nguyên....Xốn xang ứ hừ một vùng đất đỏ....” (lời bài hát Nghe Câu Quan Họ Trên Cao Nguyên, nhạc: Vũ Thiết. Phỏng thơ: Hữu Chỉnh)
   Say rồi!
Buôn Ama Thuột, 25/1/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments