Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, February 6, 2015

MÙA TƯỚI CÀ PHÊ - Phần 2: NHẬT KÝ CỦA MỘT NGƯỜI VỢ

Hai mẹ con Voọc Mũi Hếch - Ảnh: Lê Khắc Quyết
(Kính tặng Má)
Dak Lak, ngày 6 tháng 2 năm 2015
3h sáng...
Trời tối thui, chẳng thấy gì. Một mình mình lọ mọ cắm cơm điện, nấu nước om chè xanh, xào thức ăn. Muốn gọi con gái dậy đỡ việc nhưng ôi, ấu trùng của Má, hãy cứ cuộn trong chăn ấm và mơ đến viễn cảnh không phải làm nông nữa nghe con. À ơ, Má ru con ngủ....
4h sáng....
   Anh ơi, dậy đi tưới. Mình đã gọi hắn như thế. Hắn cũng ngoan ra trò. Sửa soạn cũng nhanh gớm. Nhưng ghét phải chờ hắn bắn xong điếu thuốc. Có mỗi chuyện bỏ thuốc mà nhắc hoài không được, vừa lo lại vừa xót cho sức khỏe của hắn. Nếu biết lấy chồng mà phải suốt ngày khan cổ khuyên bỏ thuốc lá như này thì mình ở vậy nuôi thân béo mầm. Hích! Vậy chứ hồi xưa tán mình, hắn nói trơn tru lắm. Rằng là anh không rượu không bia không thuốc lá, chỉ có cái tật nghiệm nắm bàn tay em. Hì hì, ghét thế đấy.
4h30 sáng...
   Beo ơi, dậy khóa cửa cho Má. Khóa cẩn thận rồi ngủ tiếp nha Beo, kẻo rồi cà trộm nha Beo. Tác phẩm đầu tiên của hắn với mình dạ một tiếng nũng nịu rồi cũng nghe tiếng loẹt xoẹt đi dép. Hắn nổ máy công nông chạy, mình cũng đi xe máy theo sau hắn. Con đường đến rẫy đông như tết, từng đoàn xe ống kêu leng keng. Tưới đuổi nên công ty không phân luồng nước nữa. Xả thả ga mọi tuyến, nghĩ đến cảnh giành giật từng giọt nước cho ống hút nhà mình mà nản.
Lúc ấy mấy giờ nhỉ?
   Tự dưng xe nổ lốp cái bùm. Cơ khổ cho một người đàn bà năm mươi tuổi như mình. Hai vợ chồng cùng với thằng cu làm thuê gỡ cho được 60 cái ống nhôm to, mấy cái ống cong, 20 chục cái béc phun. Rồi hắn (gã chồng nóng tính) thở hổn hển, nói tiền cất ở đâu để về lấy đi mua săm lốp mới. Hu hu, cà còn rẻ, chưa muốn bán, công mình chắt chịu vài đồng bạc cho tết nhất bị cái lốp xe nó lủm rồi. Tiếc quá, mình trách hắn mấy câu. Hắn cáu, chửi lại mình. Tự dưng hắn và mình cãi nhau vì lý do lãng nhách.
   Hắn mua đồ về thay xong, ôi trời, ba người lại cùng nhau đỡ ống lên giàn và cất mấy thứ kia lên moóc xe. Hắn nổ máy, xe lại chạy. Lúc này trời sáng rõ rồi, đi được một đoạn lại gặp phải ống của rẫy người ta chắn ngang. Phải dừng lại, tắt máy người ta, mở cùm ống, cho xe chạy qua rồi lại khóa cùm và quay máy nổ cho người ta. Bao nhiêu chặng như thế. Thấy hắn bạc mặt vì quay máy, thương thật, nhưng vẫn tức. Hích!
   Đến rẫy, lại ba người hạ ống rải từ đầu nguồn đến cuối rẫy. Eo ôi, mười lăm năm rồi mới lại tưới thuê. Cái rẫy này sao mà xa mương thế, thảo nào mọi năm phải mất 3 triệu cho một đợt tưới. Rẫy xa nước như này thì mai mốt bán cũng chẳng được mấy tiền. Chị ấy khổ thật. Mình vẫn hên, có hắn đỡ đần nuôi con. Ôi phận đàn bà!
Hả? Cái gì đỏ đỏ rơi từ túi áo hắn thế nhỉ? Hắn vội vớt từ dưới nước lên, ôi thôi rồi, hỏng cái điện thoại rồi. Trời ơi, tiền đâu mua lại cho hắn bây giờ? Hình như hắn sợ mình hét toáng lên vì xót tiền nên mặt nhìn lấm lét. Mình tiếc thật nhưng hết hơi để cãi nhau rồi. Ngày sao nhọ thế hả ngày ơi!
9h10 sáng...
   Beo ơi, mở cửa cho Má. Gọi mãi nó mới ra mở cửa, cái tội say mê dán mắt vào màn hình máy vi tính đây mà. Muốn đá đít nó một phát. Nom cái mặt hớn hở hỏi han tình hình nước nôi, lại thôi không cáu. Con bé nấu cơm trưa và om nước chè buổi trưa rồi. Cũng đỡ! Xào loắng ngoắng mấy miếng thịt và đôi lát rau nữa là xong. Trưa nay ăn sớm để còn thay ca lúc 1h30 chiều.
   Có tiếng chạy thình thịch từ cửa vào, hắn gọi to, Má nó ơi, đưa Ba mấy đồng để đi mua ống dẫn dầu cái nào, mới bị bục xong. Xui thế chứ lị. Trời ơi, lại tiền nữa sao? Mình là kẻ kiếm tiền chứ có phải là mỏ tiền đâu mà có sẵn. Chạy vạy đi vay cho hắn. Lòng chợt nghĩ, chồng ơi, sao hai chúng mình phải gặp cái ngày tiền ra như nước sông Đà, tiền vào nhỏ giọt như cà trên phin thế này.
3h chiều...
   Mình lại về nhà. Ngồi nghỉ một tí rồi đi trỉa lạc trên rẫy nhà mình. Mai tưới ngoài đó, có nước rồi nó sẽ lên. Mùa mưa xuống có ăn là vừa. Gieo chỗ nào thì ổn nhỉ? Lộ ra cái là bị nhổ trộm ngay. Ôi, cái thời đại gì mà trộm nhiều hơn người cần lao.
   Đêm nay thức trắng đêm canh ống và thay ca. Sáng mai vào rẫy nhà mình, cố lên! Hai ngày hai đêm là xong đợt tưới đổi khốn khổ này. Các con ơi, dù có bán nhà Ba Má cũng xin việc cho các con chứ không để các con phải chịu cảnh làm cà phê đâu!
   Tự dưng bé Beo thông báo dây nồi cơm điện bị đứt, phải lụi cụi nấu cơm bếp. Ối ồi ôi...
---
Xem phần 1 tại ĐÂY 
No comments

MÙA TƯỚI CÀ PHÊ- Phần 1: MÙA NÀY AI TƯỚI CHO MÌNH?

Rẫy hoa cà phê - Ảnh: Anh Nguyen
   Một tuần nay, thời tiết Tây Nguyên đổ mưa ướt đất từ lúc mờ đất đến sáng rõ. Người phụ nữ ấy nằm trong nhà tim đập phập phồng. Chết rồi, chỉ mai hay kia là cà phê ra nụ thôi, không đủ nước thì làm sao nó nở và thụ phấn, phải tưới đuổi rồi cuộc đời ơi! Ai cũng lo chạy nước rút tưới phần của họ trước, ai lo cho mình? – người phụ nữ đơn thân bám rẫy nuôi con tự nhủ lòng thế.
   Vào nhà thuần nông ở đất Tây Nguyên này, nếu không thấy nhà kho chứa xe công nông và giàn ống tưới thì ai ơi, ăn nói tế nhị một tí. Đừng có luôn miệng hỏi thăm người chồng khỏe không, đang làm gì, ở đâu. Những câu hỏi ấy chạm vào sâu thẳm nỗi đau của người phụ nữ trong nhà đấy. Chỉ có người đàn bà đơn thân nuôi con hoặc chồng không đủ sức lao động hay là cưới phải gã chồng lười nhác thì nhà mới không có xe công nông thôi. Chính vì thế mà có một thời kỳ nhà nước cấm xe công nông lưu thông trên quốc lộ nhưng không cấm nổi ở Tây Nguyên. Ở xứ này không có công nông thì sống kiểu gì? Vẫn sống được nhưng chật vật lắm, như người mẹ đơn thân kia chẳng hạn.
   Người đàn bà ấy xin được vào làm công nhân cà phê. Có gã đàn ông nọ chán cảnh nghèo ở quê, vào Tây Nguyên sống cù bơ cù bất. Lớ ngớ thế nào hắn lại tán được gái tơ có sẵn nhà đất rẫy. Khi hai người có được hai mặt con rồi cũng là lúc gã đàn ông ấy vỡ lẽ cái giá của giàu nhờ làm cà phê. Hắn lười nhác nên bỏ về quê, từ đó người đàn ấy mới hay tin mình là kẻ đã vô tình phá vỡ hạnh phúc một gia đình. Đời quá đắng!
   Càng đắng hơn khi chịu cảnh rẻ rúng của dân làng xung quanh. Làm cà phê có nhẹ nhàng gì đâu. Mang vác trong mùa thu hoạch, tưới tắm cho cà phê trong mùa khô đều phải cần đàn ông. Nhờ vả thì vợ người ta ghen, đi thuê thì tốn tiền. Một mình cô ấy  chạy vạy quanh năm suốt tháng. Khổ nhất là hai mùa tưới và mùa thu hái. Cầm tiền đi thuê người ta mà chỉ còn thiếu quỳ xuống van lơn nữa người ta mới giúp. Nhưng không phải họ giúp tử tế đâu, tưới nước họ bớt thời gian (nghĩa là cà phê bị thiếu nước), cô ấy cắt cành ở trong rẫy thấy họ ngồi sửa máy cả buổi nhưng không tưới bù giờ, cứ vậy lấy 3 triệu đồng một đợt. Một mùa khô mất oan 9 triệu cho ba đợt mà cuối năm cà không có thu vì thiếu nước nên hoa không nở được, đương nhiên không đậu trái.
   Mẹ mình biết chuyện, về kể với bố. Hai cụ bàn tính mua thêm mấy cái ống nữa rồi mùa này tưới thuê cho người mẹ đơn thân ấy. Người ta sống sòng phẳng, lại là đồng hương Nam Đàn nên giúp được gì thì giúp. Tưới đủ ca đủ kíp thử xem mùa cà phê 2015 này có tốt hơn không. Mấy năm trước muốn giúp cũng không được vì chưa có tiền mua thêm ống nhôm. Các phần sau sẽ giải thích cặn kẽ hơn, sang nay buồn quá gõ thế thôi. Ra quân không suôn sẻ, đi tưới cho người ta bị nổ lốp xe công nông giữa đường. Cực cho nhà mình thì rõ rồi nhưng tự dưng mê tín, nghĩ sao số phận người đàn bà ấy thảm thế. Đến lúc được giúp sòng phẳng thì trục trặc, nụ hoa cà phê đang nhú, phải tưới nhanh kẻo năm nay mất trắng, trời ơi, nước và thời gian!
Buôn Ama Thuột, 6/2/2015
Tây Nguyên Xanh
1 comment

Thursday, February 5, 2015

NÔNG DÂN TÂY NGUYÊN ĐI SẮM CÂY CẢNH TẾT


Đào Hà Nội nở hoa toe toét
Mai Sài Gòn chúm chím ngại xuân sang.
   Sáng nay xem tivi xong, tổng kết bằng hai câu ấy. Chẳng biết liệt chúng vào cái giống gì. Thơ thì không có vần, còn văn thì người ta bảo con này viết tốn giấy, toàn ưng xuống hàng. He he.  Chỉ có một sự thật không thể phủ nhận được ấy là nông dân trồng đào và mai ở "hai đầu nỗi nhớ" năm nay lao đao. Mới rằm tháng chạp mà đào nở hết trơn rồi. Miền Nam năm nay nghe chừng sắp ăn rằm tháng giêng mới có sắc vàng hoa mai. Nhưng mà nói thật nhé, nếu có trúng mùa đến mấy mà bán buôn trong vùng dân trồng cây nông sản ở Tây Nguyên thì...lỗ. Đơn giản thôi. Nông dân chúng em có kiểu sắm cây cảnh hay ho thôi rồi. Ấy là....
Tác giả ảnh: Khung Long
   Đêm giao thừa nông dân rủ nhau đến thành phố của các tỉnh. Người thành thị đổ ra đường ngắm trời ngắm đất ngắm mây, hít thở không khí xuân sang còn nông dân chăm chú nhìn vào mấy chậu hoa cúc, hoa mai và cây quất. Hỏi han giá cả, cò kè tí chút, đôi bên ưng thuận rồi bợ về nhà cho kịp mồng 1 tết. Ai cũng dạo chợ cây cảnh với tâm thế rằng đêm giao thừa, một là giá rẻ như bèo hai là đắt kinh khủng. Họ kiếm vận may thôi. Đa số mua quất để ra giêng bứng ra vườn nhà trồng lấy quả ăn quanh năm. Cứ hết lứa này nó ra hoa lứa khác thế mà năm vừa rồi nhà Tây Nguyên Xanh được ba lần ra hoa đấy. Nông dân Tây Nguyên có đất nên trước ngõ nhà nào chẳng có cây. Đ chợ mua từng cành mai như kiểu người Bắc mua cành đào về chưng tết thì hiếm lắm. Chỉ người Tây Nguyên ở tỉnh lỵ mới phải như thế thôi. Nông dân đã không mua thì thôi, mua là phải cả chậu. Hoa tàn hết tết đem trồng ra sân, thế là năm sau có cái chơi.
   Người trồng những loại hoa phục vụ cho thờ cúng ở Tây Nguyên cũng có “nhịp thở” giống các nơi khác. Cơ mà năm nay nghe chừng hơi buồn vì đâu khoảng nửa đầu tháng 11 âm lịch đã thấy người ta bán hoa lay-ơn rồi. Giá rẻ lắm, có 12000đ/bình. Hoa đẹp ngời ngời, sắp nở hết trọi. Nó mà đến cuối tháng chạp thì phải 35000đ/bình. Chả nhẽ tết nhất đến nơi lại than thở như các bà các mẹ các thím, nhẩy? Có điều em vưỡn muốn nói rằng mần cái anh nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết quá đi. Trồng cây gì cũng thế. Chẹp chẹp! Nông dân cà phê chúng em ngày mai ra quân tưới đợt 1 cho mùa khô 2015 này rồi. Tưới đuổi đấy. Rủ nhau thức trắng đêm tưới cho kịp hoa nở. Khốn khổ hết chỗ!
   Em đang sưu tầm ảnh hoa cà phê nên chưa tung ảnh vội. Đăng ảnh hoa ở thành phố Sa Đéc , tỉnh Đồng Tháp nhem thèm các cụ đang chịu mưa rét ở miền Bắc xa xôi. Hã hã
Buôn Ama Thuột, 5/2/2015
Tây Nguyên Xanh 
2 comments

Wednesday, February 4, 2015

ĐỂ NÔNG DÂN TÂY NGUYÊN ĐƯỢC NGẮM HOA MẮC CA...

   Nhân cái sự vụ giới nông học đang xôn xao vì tìm thấy cây Mắc Ca cổ thụ ở ngôi biệt thự số 26, đường Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, các bác cho Tây chõ mõm khoe cái tầm hiểu biết “vĩ đại” của Tây về hành trình Mắc Ca đến với nông dân Tây Nguyên phát nào he he. Trước khi đi vào đầu bài. em có đôi nhời câu lượt xem thế này: Những hình ảnh bên dưới là hoa Mắc Ca, nó cho ra loại quả phơi khô lấy hạt mà gắn liền với sự tiêu tan danh vọng của nữ phó chủ tịch hãng hàng không của Hàn Quốc năm 2014. Cô ấy yêu cầu nhân viên bưng đĩa hạt Mắc Ca cho cô ấy ăn nhưng nhân viên chưa bóc vỏ nên cô ấy tổng xỉ vả nhân viên. Báo giới làm um lên nên cô ấy từ chức. He he. Mắc Ca là loại hạt khô dành cho giới thượng lưu vì nó ngon nhất thế giới và cũng đắt nhất nhì trong các loại quả khô. Hàm lượng chất dinh dưỡng, đặc biệt là Vitamin E tốt cho da dẻ nhiều lắm lắm. Nói chung cái gì có liên quan đến làm đẹp đều đắt đỏ, nhỉ? Tinh dầu của nó dùng làm thực phẩm chức năng trên thế giới.
    Đâu khoảng những năm cuối của thế kỷ 20, phái đoàn Việt Nam do cố phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn dẫn đầu ghé chơi nước bạn Úc. Chúng ta thấy các bạn có cây gì nom tán như cây xoài nhưng hạt thì ngon thôi rồi, lại còn nghe nói nông dân nước bạn giàu lên là nhờ lại cây ấy. Tò mò quá, phái đoàn của chúng ta thỏ thẹt hỏi han. Các bạn Úc được phen nổ banh chành như này: Đây là hạt của cây Macacdamia (Mắc Ca), cây này được phát hiện lần đầu tiên ở vùng đất Queenland, nước Úc của các bạn ấy vào năm 1857. Đến năm 1858 người ta mới trồng thành công. Sang thế kỷ 20, người Mỹ thử trồng ở Hawai rồi bang California. Sau đó thì nó bắt đầu nổi tiếng dần trên thế giới. Thời điểm ấy chúng ta đang lu bu kháng chiến, biết gì đến cây này. Khổ thật!
   Thế là nước bạn tặng hữu nghị chúng ta 10 hạt giống đem về trồng thử năm 1993. Từ đó cho đến mãi năm 2004 chúng ta mới bán cho nông dân trồng đại trà ở Dak Lak, Lâm Đồng, Sơn La, Lạng Sơn và nay thì nó đã có mặt rải rác ở khắp các huyện miền núi từ Nam chí Bắc. Mắc Ca đang được ví như “cây vua” của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên không nơi nào ở Việt Nam cho năng suất Mắc Ca tốt như đất Tây Nguyên (tự hào quá, he he). Giá bán hạch khô Mắc Ca tại nhà vườn huyện Krong Năng (Dak Lak) hiện nay đã là 100 000đ/kg. Nói thế để biết được giá đến tay người tiêu dùng nó đắt như thế nào.
   Những ngày đầu tháng 2 này là thời điểm Mắc Ca đang về cuối mùa hoa. Nghe nói hoa Mắc Ca nở từ tháng 12 đến hết tháng 2 năm sau, có khi kéo dài sang tháng 4. Nhân đây, Tây tự hào về mình chút nào. Tây sẽ là người đầu tiên dùng hình ảnh hoa Mắc Ca cho bài viết nói về cây này bằng tiếng Việt. Không tin các bạn vào Google mà gõ từ khóa “hoa Mắc Ca” mà xem, nó chỉ ra hàng hóa liên quan đến Mắc Ca thôi, đố thấy hình. Tây phải gõ “macadamia nut flower” mới có đấy nhé. Tiếng Anh hiểu lõm bõm nên có ảnh hoa cho các bạn xem đấy. Tây có lời trách các nhiếp ảnh gia Việt Nam còn lơ là với cây nông sản khi đi thực tế sáng tác nhé. Chính vì chưa được hiện diện trong các tác phẩm nghệ thuật nên xem chừng nhân dân Việt Nam còn la lẫm với Mắc Ca.
   Vì vậy mới sinh chuyện rình rang phát hiện cây Mắc Ca cổ thụ ở Đà Lạt. Dân thấy hằng năm thấy cây ra hoa kết quả rồi hốt đổ đi chứ không biết tác dụng y học của nó. Đã thế lại còn cưa hai nhánh thân rõ là to nữa. Ôi giồi ôi, phí của giời quá đi! Theo nhời của báo Người Lao Động thì cây có tuổi đời trên 40 năm rồi. Họ đoán rằng có một người Mỹ nào đó trồng cây này làm bóng mát trước năm 1975. Còn Tây lại nghĩ chắc người Mỹ ấy lưu luyến quê hương, đem cây nhà lá vườn sang Việt Nam trồng cho đỡ nhớ quê nhà. Nếu không thì tại sao bao nhiêu cây bóng mát mà chỉ nhõn nhà ấy trồng cây này, nhỉ? Nghe nói cây Mắc Ca từ 100 tuổi trở lên sẽ cho năng suất ổn định nhất, cành được 3 năm tuổi sẽ bắt đầu ra hoa kết quả. Có người đang đồn Mắc Ca chính là cây Óc Chó. Tây ứ tin. Hu hu, Tây biên bài dài như này chứ chưa được mục sở thị cây Mắc Ca ở ngoài đời thực đâu, ăn hạt cũng chưa nốt. Hu hu
---
Tác giả và nguồn ảnh được ghi rõ ngay trên ảnh
Buôn Ama Thuột, 4/2/2015
Tây Nguyên Xanh


No comments

MÙA CỦI CÀ PHÊ - Phần 3: NHỔ CÂY

   Hết mùa thu hái, rẫy cà phê nhìn xơ xác tiêu điều. Đầu cành loe ngoe vài ba cái lá, mùa khô bắt đầu đến độ tàn khốc nhất trong năm. Mùa mới xong, cây nào cho năng suất thấp, chủ rẫy thấy ghét thì “lôi ót” lên hết. Ấy là Tây đang nói đến lý do của việc nhổ cây để tái canh vào mùa mưa.
Tác giả ảnh: Trương Văn Trung
   Những ngày mùa khô này, nếu các bạn đi dạo các rẫy các phê mà nghe tiếng rồng rộc như ai kéo cuộn dây xích thì đích thị là tiếng nhổ cây. Dụng cụ nhổ cây như trong ảnh trên. Với ba người cùng một tổ nhổ là khỏe nhất vì hai người kéo xích lôi cây lên, người còn lại chặt rễ bên dưới cho dễ lôi. Nhổ có thể lâu hoặc nhanh tùy vào lúc trồng trong hố nông hay sâu và cũng do khả năng đầu tư của chủ rẫy nữa. Đầu tư mạnh thì cây phát triển tốt nên rễ cắm sâu vào đất, nhổ rất mệt. Người kéo nhiều khi phải đu lủng lẳng lên dây xích mà thân cây không nhúc nhích gì. Đừng tưởng người chặt rễ khỏe nhé, rễ to và nhiều nên chặt phờ phạc luôn. Ba người luân phiên công việc cho nhau. Đi nhổ cây mà chỉ có hai người thì “ốm đòn”. Nhọc lắm!
   Thường thì hai nhà chung nhau một bộ thiết bị rồi đi nhổ thuê với giá mười nghìn cho đến mười hai nghìn một cây và gốc cây đó thuộc về người nhổ thuê. Sau nay cái gốc cây ấy được bán củi với giá tám nghìn một cây hoặc phân theo khối của xe ô tô. Nói chung là ba đấm cũng bằng một cái đạp. Bán theo gốc hay theo khối đều như nhau cả thôi. Chủ rẫy chỉ việc chặt trụi cành lá trên cây để cho người làm thuê tiện nhổ. Người nhổ thuê đi soát từng hàng một. Cây nào trụi lơ là nhổ cây đó.
   Nhiều chủ rẫy tiếc củi gốc cà phê, muốn đem về bán nên chỉ thuê người cùng nhổ với mình thôi, còn thiết bị đi thuê với giá năm mười nghìn đồng một ngày. Tính ra tiền bán gốc có khi đủ hoàn vốn thuê người nhổ. Vậy là huề. Cái lời của người sắm đồ nhổ thuê đó là tiền bán củi gốc cà phê đấy. Thời gian này có nhiều nhà xin nông trường cho phép nhổ những rẫy đã canh tác gần hai mươi lăm năm. Họ đã về hưu rồi nhưng vẫn nhận lại vườn cây làm dưới dạng hợp đồng. Họ được phép bán lô đất của mình cho ai có nhu cầu làm công nhân của nông trường. Thường thì đất trống dễ bán giá cao hơn là lô đất có sẵn cây cà phê. Mùa khô ở Tây Nguyên nhiều việc lắm đấy, ai siêng thu nhập cũng bộn.
   Gốc cà phê già trên hai mươi năm, to, có ụ nổi đẹp thì được mua với giá ba trăm nghìn đồng một gốc để về làm đồ mỹ nghệ. Các gốc còn lại đa số chỉ mười nghìn đồng một gốc là giá quá cao rồi. Các nhà buôn thường mua gốc cà phê về đốt lò làm than hoặc dùng trong các lò nấu rượu. Than củi cà phê có nhiệt lượng cao, tro nặng và mịn, ít bay, sạch bếp nên được chuộng. Nghe nói đem bã cà phê trên phin sau khi pha chế đi đóng thành bánh làm than cũng cháy tốt lắm. Tây Nguyên Xanh chưa kiểm chứng chuyện này. Nếu thế thì dùng bột bã ấy làm bột hương giống như bã mía được không nhỉ? Vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại vừa giảm chi phí cho lĩnh vực kinh doanh tín ngưỡng.
   Mấy ngày hôm nay buổi sáng có mưa dập dập nên tinh thần chung là trong tết, nông dân cà phê phải tập trung tưới đuổi cho cây đủ sức bung trọn vẹn lứa hoa đầu tiên. Lứa hoa này quan trọng nhất, quyết định nhất đến sản lượng mùa cà phê 2015 tới đây. Do vậy việc nhổ cà phê phải chờ ra năm rỗi rãi, hoa lứa đầu đã tàn mới làm được. Là mình đang nói huyện Krong Pak của mình thôi, các nơi khác của Tây Nguyên thì không rõ. Nếu tưới trong tết thì có lẽ khi các bạn nhiếp ảnh gia đến tham dự lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 vào tháng 3 tới đây sẽ không gặp mùa hoa cà phê nở đợt đầu. Hoa có ba đợt nở nhưng đợt đầu là nhiều nhất.
Buôn Ama Thuột, 3/2/2015
Tây Nguyên Xanh
---
Các bạn bấm vào Phần 1Phần 2 để theo dõi từ đầu nhé
No comments

Tuesday, February 3, 2015

MÙA CỦI CÀ PHÊ - Phần 2. CẮT TỈA TẠO HÌNH

   Sau khi hái xong mùa cà phê của năm cũ, sang năm mới (dương lịch) nông dân phải gấp rút đi cắt tỉa tạo hình vườn cây để kịp đợt xả nước tưới đầu tiên của mùa khô hằng năm. Sáng sáng thấy người người đạp xe hoặc chạy những loại xe máy cà tàng kiểu như là Honda Super Cub 50 (có người gọi là xe 81 Giọt Lệ) đi ra rẫy. Tay họ cầm dao, cưa, kéo để cắt cành nhỏ và chặt những cành to hoặc cưa đứt thân cây có năng suất thấp. Cắt những cành nhở để khỏi nó vượt cao lên, giao tán với nhau gây khó khăn trong việc đi lại và cho chúng quang hợp tốt. Những cành cằn cỗi, chỉ lưa thưa vài cùm trái cũng bị đốn bỏ. Nếu thực sự cây quá già, năng lực sản xuất quá kém thì sẽ thử cưa gốc cho nó lên chồi rồi mùa mưa xuống lên viện cây giống Ea Kmat mua chồi giống tốt về ghép. Viện này có tên dài ngoẵng là Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên nhưng dân quen gọi theo tên cũ của viện nghiên cứu cà phê Ea Kmat. Những cây đã ghép mấy năm trước mà năng suất vẫn thấp thì bị nhổ để trồng cây khác trong mùa mưa. Hình ảnh và các vấn đề liên quan đến nhổ cây sẽ đề cập ở phần sau. Mình đang chờ email gửi ảnh minh họa. Nói chung tất cả việc này, kể cả tưới cà phê cũng phải diễn ra trước khi hoa ra nụ.
   Ở cùng chuyên canh cà phê có hai loại củi thông dụng, đó là củi Muồng Đen và củi Cà Phê. Cây Muồng Đen được trồng để chắn gió cho cây cà phê từ 3 năm tuổi trở lên. Cây dưới 3 năm tuổi người ta chắn gió bằng cây Muồng Vàng. Mùa mưa mình sẽ đâng ảnh cây này cho các bạn xem trong loạt bài Mùa Tái Canh 2015. Muồng Vàng không làm củi được nhưng muồng đen thì có thể vì nó rợp bóng cà phê nên phải chặt bớt. Tuy nhiên củi muồng xốp và nhanh mục hơn cà phê rất nhiều. Các bạn có tin không, củi cà phê chặt từ tháng 1/2014 đến nay chỉ khô tróc vỏ còn củi muồng to bằng bắp tay chặt từ tháng 7/2014 mà hôm nay 1/2015 đã thấy mối đục khoét, nấm tai mèo mọc và xốp ruột rồi. Lẽ được nhiên, củi càng chắc thì cho ngọn lửa càng mượt và đẹp. Đun củi cà phê sướng lắm. Than cháy đượm, nhiệt lượng lớn, ít tro, Tham chắc, khi cháy lửa tráng mịn và đều lên nồi, ít có tia lửa bắn lên nên bếp sạch hơn đun mọi loại củi khác. 
   Lá và củi cà phê khi cháy có mùi đặc trưng. Mùi khói tạo vị chua trong cổ họng và nó không lẫn vào bất kỳ mùi củi và lá của các loại cây khác như chôm chôm, xoài, mít....Nói thật nhé, nhà Tây Nguyên Xanh một năm chỉ dùng hết 2 bình ga để xào thức ăn thôi. Những món canh hầm xương hay nấu nước đều ra bếp củi đun. Thế nên Tây có cái thú là đốt mọi loại cỏ lá trong vườn để ngửi mùi khói từng loại. He he.
    Những ngày này, cứ chiều chiều, các bạn sẽ thấy lác đác vài cái xe máy hoặc xe cày chở người và củi chạy về các buôn bon (buôn theo tiếng Ê Đê, bon theo tiếng M’Nông giống với làng của người Kinh). Người đồng bào ít có rẫy cây nông sản nên phải đi đến những nơi người Kinh chặt củi (nhưng không lấy) để đem về đun. Vấn đề củi đun vẫn là nỗi lăn tăn của người đồng bào hiện nay. Người Kinh nào không có rẫy nhưng có nhu cầu củi đun thì sẽ mua của những nhà có rẫy. Họ chặt sẵn, chở về tận nơi với giá 200 nghìn một chuyến. Củi này dùng để đun nấu ăn hằng ngày thôi vì nó nhỏ, cái to nhất chỉ bằng cổ tay. Loại dùng nấu rượu hoặc đốt than thì phải là thân cây cà phê cơ. Bài sau sẽ nói về loại củi này. Vậy đã nhé, Tây mỏi tay rồi. He he. Chơi với Tây thì coi chừng bị bội thực bởi những chuyện linh tình phộc về cây nông sản.
Buôn Ama Thuột, 27/1/2015
Tây Nguyên Xanh
---
Muốn xem phần 1 thì bấm Ở Đây 
No comments

Monday, February 2, 2015

ĂN TRẮT

   Mẹ đi chợ về, nói Tây ơi, tau cho mi biết một bí mật, chơ mà mi đừng ăn trắt của tau nha. Rồi mẹ đưa cho em coi một bọc to đựng hột Hướng Dương. À rứa hổng, tưởng chi. He he. Nói rứa chơ vẫn bốc một nắm bỏ túi quần rùi mum dần dần. Em sinh ra và lớn lên bên gốc cà phê nên nỏ biết “trắt” là chi. Chơ mà mẹ nói trắt là cấy hột nổ ra khi rang ló. Ngoài quê ta, trời lạnh ra ri thì hay ngồi ăn trắt. Ngài miền Nam gọi trắt là hột nổ. Họ lấy hột nổ nớ trộn với gạo, muối, mía để rải cúng thí thực trong lễ tất niên hoặc rằm tháng bảy na nồ. Các anh các ả hiểu chưa rứa hình? Ăn Hướng Dương với lậy hột Dưa đều xả vỏ ra như ăn trắt nên ngồi cắn mấy cấy nớ, mẹ gọi luôn là ăn trắt.

   Mẹ em rành tội. Năm mô như năm nấy, mẹ mua kẹo bánh tết từ thời mô mô rồi giú rành kỹ. Mua sớm cho khỏi đắt đó. Mẹ sợ em ở nhà ăn trắt. Em mà chộ nơi giú thì thôi rồi, cứ đi ra một nắm, đi vô một nắm, vưa đến tết là vưa hết. Khách đến trơ mỏ chơ có trớt nữa. Một cấy tết mua có nửa ký hột Dưa thôi, năm mô trúng mùa cà phê mới được một ký. Năm ni tiền ra như nước sông Đà, tiền vô nhỏ giọt như cà phê phin nên lần đầu tiên mẹ phải mua hột Hướng Dương. Nói thì nói rứa chơ hung đến nỗi thảm rứa mô, chẳng qua nỏ ưng hột Dưa nữa. He he.

   Ở đất Tây Nguyên ni, nhà mô giàu thì tết có hột Dẻ cắn, nhà mô sang thì có cả Hướng Dương tê rồi hột Dưa với đỗ Tương rang. Mấy năm ni rộ lên phong trào mua hột đỗ Tương. Gớm, ăn mấy hột đầu thì ngon chơ ăn nhiều ngầy lắm, nỏ ưng. Ta tự rang răng nỏ giòn như hấn mần được ná. Đa số vẫn cứ ưng hột Dưa nhứt. Năm ni hột dưa đắt như vàng giả. Dân lại mất mùa cà phê nên rủ chắc ăn Hướng Dương cho rẻ. Có nhà tự rang đỗ Tương trồng từ mùa mưa năm ngoái rồi bỏ vô bao, tết ăn dần. Rang trên than nên hấn cũng giòn gớm tê.

   Năm ni chộ mẹ mua hai ký Hướng Dương, hỏi răng mẹ mua nhiều rứa. Mẹ nói mi tra trốc rồi mà chưa có thằng mô hấn hả họng xin cưới nên phải mua nhiều cho mi dọn tiếp quân đến tán chơ răng. Vơ các anh ơi, anh mô ưng em thì nói rúp đi chơ em còn ở nhà thì mẹ em còn tốn, các anh nà. He he. Mà em nói nầy, trước khi tán em thì phải dịch được bài ni ra tiếng phổ thông cấy đã nha. Ha ha. Em là Gấy Nghệ Nửa Nắng. Mần hung khéo là em nói anh đưa đọi em rót nác chát cho uống lậy tưởng em chê anh chua chát thì “khộ” em. He he.
---
Em của thời bú tí mẹ đây nời. Ảnh chôm ở mô đó trên cái mạng ảo ni. He he. Anh mô chụp rứa biết.






Buôn Ama Thuột, 2/1/2015
Tây Nguyên Xanh

2 comments

Sunday, February 1, 2015

TRUYỆN ẢNH THÁNG 1/2015: PHÍA SAU NHỮNG TẤM ẢNH ĐẸP

   Hắn đã cống hiến hơn nửa đời cho con cái. Nay tóc hắn điểm sương, đến tuổi về hưu rồi. Trời thương, con cái hắn cũng ăn nên làm ra, vợ hắn tuy già nhưng chiều chồng hết sảy. Hắn được tư do bay nhảy dưới gầm trời này, miễn là đủ sức khỏe để mọi người yên tâm. Hắn không ưa làm thơ viết văn, chẳng mến đánh cờ,  hơi lười vui thú điền viên, rất ghét phải ở một nơi nào đó quá lâu. Run rủi thế nào đó mà hắn đam mê nhiếp ảnh – bộ môn nghệ thuật vừa tốn tiền, tốn sức lại tốn cả thời gian.
   Ôi, chơi nhiếp ảnh thì quá nhàn luôn. Chỉ cần nhìn lên máy rồi bấm nút là cho ra một tấm ảnh đẹp. Quá dễ! Nhiều người vẫn nghĩ thế về nhiếp ảnh chỉ có vợ hắn biết cái giá của ảnh đẹp. Vợ hắn chi tiền cho hắn đi đến khắp mọi miền đất nước để săn những khoảnh khắc đẹp. Mà nghề chơi nào cũng lắm công phu cả. Hắn “ngoan” lắm. Thu nhập hàng tháng đem về cho vợ, đến khi cần tiền mua thiết bị thì “xin”. Ban đầu hắn xin mua cái máy ảnh, tưởng thế là xong, ai dè hằng năm hắn đều tậu ống kính mới. Khi thì hắn nói cái lens (ống kính) này dùng để chụp mấy con côn trùng nhỏ nhỏ, khi thì bảo cái lens kia dùng để chụp trăng và chim trời đó bà. Sắm máy rồi cũng phải có đồ bảo quản nó chứ. Vậy là vợ hắn lại phải chi tiền cho hắn mua thiết bị làm sạch bụi, bao chứa máy móc, thậm chí hắn còn dành tiền để “mặc áo” cho các ống kính.
   Hắn lang thang cả ngày, bấm bấm nháy nháy rồi tối về “đổ ảnh” từ trong thẻ nhớ ra máy tính. Và lại ngồi hý hoáy “lọc tạp chất” trong ảnh gốc để cho ra một tấm ảnh ưng ý. Hắn chia sẻ ảnh trên mạng xã hội, bạn bè cả nước biết đến hắn nhưng chẳng ai biết vợ hắn đang ở sau màn hình bưng cho hắn một ly sữa dành cho người cao tuổi. Gia nhập mạng xã hội giúp cho hắn có thêm nhiều bạn cùng niềm đam mê. Họ tìm gặp nhau, đương nhiên không tránh được “tiết mục” nhậu. Vợ hắn lại phải dặn uống ít thôi nhé. Chẳng hiếm những lúc vợ phải chăm sóc vì hắn sốt do đứng hàng giờ trên đồng trống để săn ảnh...chim. Những lúc ấy, vợ hắn trêu chim có rồi mà săn gì lắm vậy. Hắn cười xõa.
   Nghe hắn giải thích với vợ về lý do dẫn đến cái sự ốm mà thấy đáng yêu lạ lùng. Cứ như trẻ con thành khẩn khai báo lỗi lầm với mẹ hiền vậy. Hắn nằm trên giường và kể bọn tôi đã ngụy trang nơi đặt máy chẳng khác gì một lùm cây nhô lên giữ bãi cỏ Năng để chụp mấy con Sếu Đầu Đỏ. Một năm được mùa này thôi đó bà, bọn nó đi tránh lạnh á. Bọn tôi phải ở xa bọn Sếu một chút nên ống kính của ông nào ông nấy to chà bá mới thấy được. 
Tác giả ảnh: Huỳnh Ngọc Chung
   Bọn Sếu coi vậy chứ tình cảm như con người luôn đó bà. Tụi đó đi ăn theo gia đình. Đứa nào tranh phần lãnh địa thức ăn là chúng nó đá nhau lộn nhèo liền á. Nói vậy chứ chúng cũng hiền khô à. Chụp ghiền luôn. Vợ hắn cứ vậy hả vậy hả với vẻ ngạc nhiên lắm.
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo
   Hắn hãnh diện như mình đang khai trí cho vợ nên quên mệt mỏi, dậy mở máy tính cho bà ấy coi ảnh mấy con Sếu Đầu Đỏ. Hắn khoe cái ảnh này là chụp lúc bình minh nè, bọn tôi dựng trại giữa đồng cỏ thức ăn của tụi nó. Bữa đó có mấy người Na Uy đến nhập bọn nữa. Họ lấy mẫu cỏ về xét nghiệm ký sinh trùng để có biện pháp bảo vệ cánh đồng cỏ Năng và sức khỏe cho bầy Sếu trong mùa kiếm ăn đó bà. Có đi mới biết nhiều người yêu thiên nhiên quá xá.
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo
   Hắn khoe ảnh này là một gia đình nhà Sếu hoàn chỉnh. Cái con lông xám hơn là con con đó. Vợ hắn nói vậy con nào là bố, con nào là mẹ vậy. Hắn gãi đầu bứt tai nói con nào hay nhảy loi choi bảo vệ gia đình thì là trống. Vợ hắn lại vặn vẹo hỏi bằng được trong ảnh con cái là con nào.
Tác giả ảnh: Sam Thuong Dang Ngoc
   Hắn làm lơ, chuyển sang tấm ảnh khác, Hắn nói  bà coi tấm này có tình cảm không nè. Bọn nó yêu nhau la lối om sòm nhìn ngộ ghê vậy đó. Vợ hắn tò mò hỏi chứ ảnh bọn nó đánh nhau bảo vệ vùng thức ăn của gia đình đâu.
Tác giả ảnh: Minh Le
   Hắn hưng phấn, tay phải nhắp chuột, tay trái chỉ vô ảnh, nói hai con đang nhảy lên tranh bãi ăn cho người tình đó. Vợ hắn hỏi có tấm nào chụp gần hơn không, mấy cái này nhìn xa quá trời. Hắn nói đây nè và mở tấm ảnh khác
Tác giả ảnh: Nguyen Hang Vu
   Vợ hắn thốt lên, nó bự như con Đà Điểu phải không ông. Hắn ừ rồi khoe tiếp ảnh chim chuẩn bị cất cánh.
Tác giả ảnh: Thanh Tb
   Rồi cảnh con Sếu nhổ củ lên rồi nhảy tưng tưng tuốt cọng cỏ trên không.
Tác giả ảnh: Lien Kg
   Hắn nói loài này đến đây ăn củ Năng bà à. Thương chúng nó lắm. Cỏ Năng bị hư hại nên chúng về ít xỉn à. Năm nay chụp được vầy chứ năm sau không biết còn để chụp không nữa. Mấy người nghiên cứu động vật sợ là năm năm nữa không có còn nào về. Tình người dành cho Sếu thì nhiều lắm.
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo
   Một trong các câu chuyện cảm động nhất đã xảy ra ở Nhật Bản. Một bầy sếu đầu đỏ ở Hokkaido không chịu di trú vì vào mùa đông chúng có thể tìm được thức ăn dọc theo những rạch nước gần suối nước nóng. Tuy nhiên, vào mùa đông giá lạnh năm 1952, ngay cả những suối này cũng đông lại, và một bầy sếu 30 con dường như sẽ bị chết hết. Nhờ các em học sinh vãi bắp trên mặt suối đóng băng, và sếu đã sống sót. Kể từ đó, sếu được cho ăn đều đặn và từ một bầy chỉ có ít con nay đã tăng lên gần 900 con, khoảng một phần ba tổng số sếu đầu đỏ trên thế giới.
Tác giả ảnh: Vinh Thuong
   Vợ hắn trố mắt lên tỏ vẻ ngạc nhiên và cảm động. Thừa thế, hắn kích chuột vào ảnh bọn sếu đang múa với bạn tình. 
Trác giả ảnh: Trịnh Minh Nhựt
   Hắn nói ngày xưa tôi nói anh yêu em cái là bà rụng tim đồng ý. Còn loài sếu á hả, phải múa đẹp mới được yêu lận đó.
Tá giả ảnh: Nguyễn Lương Kỳ
   Vợ hắn chỉ vào tấm hình bên cạnh, khen nhìn thanh bình quá, nhớ thời nhỏ đi chăn trâu cắt lúa. Hắn phồng mũi sung sướng, khoe luôn tấm ảnh chụp đàn sếu bay thong thả qua đầu người nông dân.
Tác giả ảnh: Duy My
   Vợ hắn hỏi năm nay chụp nhiều vậy rồi chắc năm sau hết tò mò, không đi nữa nhỉ, Hắn đáp ngay đi chứ đi chứ, đi cho đỡ nhớ, cứ thấy bọn sếu là lòng tràn ngập cảm xúc chụp liền à. Vợ hắn lắc đầu cười trừ, tự hỏi sao chồng mình yêu nhiếp ảnh thế. Còn hắn, sau mỗi trận ốm, được vợ săn sóc, hắn nhìn lên trần nhà, miên man như kẻ đang phê pha thuốc phiện, tự hào vì có người bạn đời yêu và hiểu mình mọi lẽ. Hắn tự hỏi nếu không có vợ, liệu ảnh hắn có đẹp không?
Buôn Ama Thuột, 1/2/2015
Tây Nguyên Xanh
---
    Lời bài viết chỉ là cái cớ để gắn kết những tấm ảnh tôi sưu tầm được. Tất cả các ảnh đều có ghi tên tác giả ở bên dưới. Tôi chỉ chịu trách nhiệm về phần lời, không chịu trách nhiệm về ảnh. Nếu các bạn sử dụng lại ảnh ở bài viết này. Vui lòng ghi đúng  tên tác giả ảnh và tuyệt đối không dùng với mục đích thương mại nếu chưa có sự đồng ý của các tác giả ảnh. Trân trọng cảm ơn các bạn đã xem bài viết. Đầu năm viết về Sếu Đầu Đỏ cho đỏ cả năm. he he.
No comments