Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, February 14, 2015

CHÙM ẢNH "MÙA YÊU"

Tác giả ảnh: Vo Minh Man
   Ối ồi ôi, giờ em mới thấm câu “tết đến đít rồi”. Loay hoay muốn ná thở luôn. Hem có thời gian dành cho các anh nhân cái sự vụ Vá-lén-tĩn. Bầm em lo chuyện nhà hem xuể nên hét toáng lên Tây ơi, mày phụ Bầm làm cái này cái kia tí chút nào. Hễ ngồi dành thời gian cho các anh tí tị tì ti thôi là Bầm dọa rằng mày lười chảy thây như thế thì hẹn hò làm đếch gì hở con. Mai này lấy nhau, nó đánh ngày ba bận vì tội làm biếng. Ồi giời! Đấy, đừng có hờn dỗi em đấy nhá. 
Tác giả ảnh: Anh Nguyen
   Rằng thì mà dù nguồn gốc lễ tình nhân là gái tặng quà cho giai hay bị méo mó là giai phải chiều chuộng gái đi chăng nữa. Em vưỡn có đôi nhời cho câc anh yên tâm như này: Em có 365 ngày nhớ các anh đến độ đêm hem ăn, ngày hem ngủ chứ hem phải chỉ nhõn Vá-lén-tĩn mới nhớ.
Tác giả ảnh: Anh Nguyen
   Mai này một trong số các anh bợ em về mần vợ thì chúng ta có 365 ngày Va-lung-tung trúng đâu thì trúng luôn nhẩy? Nghe nói tên tiếng Anh của lễ này là Valentine. Thế quái nào người Việt ta nâng tầm lên thành đại lễ Va-lung-tung và phấn khích hơn tẹo nữa thi Vá-lén-tĩn. Mấy anh chàng cô ả thất tình thường hay phân tích ngày này chỉ là cái cớ để tăng dân số trước khi cau trổ buồng. Hã hã. 
Tác giả ảnh: Vũ Duy Bội
   Thôi thì em chúc các chị đang cô đơn sẽ được nhận một tin nhắn kiểu như “Nhớ em là sở thích của anh. Chăm sóc em là công việc của anh. Làm cho em hạnh phúc là trách nhiệm của anh. Và yêu em là cuộc đời anh” nhé. He he. Nói không phả khoe chứ sáng nay em nhận được tin nhắn như thế đấy. Yêu quá giời yêu luôn ấy.
Tác giả ảnh: Carlo Galliani
   Năm mới năm me sắp đến gần, em hem chúc các anh điều gì to tát, chỉ chúc các anh theo tên mâm ngũ quả “cầu, sung, dừa, đủ, quất” he he.
   Buôn Ama Thuột, Valentine 2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, February 12, 2015

TÂY NGUYÊN MÙA NÀY CÓ GÌ KHÔNG EM?

Tác giả ảnh: Nguyễn Trọng Nam
   Anh hỏi tết này có còn Dã Quỳ cho anh ngắm nữa không em. Em giận anh lắm. Em hờn anh lắm. Em ứ thèm yêu anh nữa. Anh chỉ biết có Dã Quỳ mà thôi. Hoa Dã Quỳ năm nào cũng nở nhưng “đóa hoa em” thì chỉ nở có một mùa. Tết này ấy hả? Tây Nguyên chỉ có nắng, có gió và có em thôi. Em đã bảo anh rồi, Dã Quỳ chỉ nở khi tiết trời còn lưu luyến những cơn mưa, khi mùa cưới rục rịch náo động. Anh có tưởng tượng được không nhỉ? Nền đất ướt, sóng sánh những vũng nước nhỏ như mặt gương để Dã Quỳ soi bóng.
   Anh thích Dã Quỳ nhưng em ghét lắm anh ạ. Nó mọc ở đâu thì đất nơi ấy cứng. Cà phê nhà em không thể cho nhiều năng suất khi ở bên rặng cây Dã Quỳ. Nói vậy thôi chứ em nể Dã Quỳ lắm. Nó giúp giữ đất trên mép sông mép suối. Nó ngăn đất của buôn làng không lở ra mặt ruộng. Vì thế, đến với vùng thấp, có trồng lúa nước ở Tây Nguyên, anh sẽ được thấy Dã Quỳ bao quanh một cái buôn nho nhỏ giữa cánh đồng lúa nước mênh mông. Tuổi thơ của anh chơi trốn tìm quanh bụi tre, còn chúng em trốn trong những rặng cây Dã Quỳ. Dã Quỳ nở nghĩa là mùa khô đang đến anh ạ.
   Những ngày giáp tết, quê anh có mưa xuân, trời lạnh buốt. Anh tìm sắc Đào cho ấm lòng. Còn trong em, những ngày này nhà nhà bới Gừng bới Nghệ để bán hoặc làm mứt. Mùa Gừng Nghệ diễn ra nhanh bất ngờ anh ạ. Số tiền thu về cũng chỉ đóng góp một ký hạt dưa để người ta cắn trong những ngày ngắm hoa Mai nở thôi anh ạ. Cái nắng Tây Nguyên mùa này làm lá Gừng, Nghệ khô héo, mặt đất nóng ủ cho củ chín tới. Hầu như nhà nào ở quê em cũng có gừng có nghệ. Bây giờ đào rồi đến mùa mưa xuống, kiểu gì cũng có cây mọc trở lại vì chắc chắn còn sót rễ.
   Tết quê anh ăn Dưa Hành, hay bạn anh ở Nam Bộ ăn Dưa Giá còn ở em ăn Dưa Món như người miền Trung, anh ạ. Anh thích ăn thịt đông với dưa hànhvà bánh chưng. Còn trong em này, thích thịt luộc kẹp Dưa Món và rau cuốn tất cả cuốn trong bánh tráng, anh ạ. Thịt đông nhanh hỏng lắm. Cái Tết quê anh xuýt xoa vì lạnh. Cái Tết quê em... trời nóng như trái tim em bồi hồi nhớ anh.
   Tự bao giờ anh hứa sẽ gặp em vào mùa hoa Dã Quỳ để bây giờ em ngóng một mùa hoa...
Buôn Ama Thuột, 12/2/2015
Tây Nguyên Xanh
5 comments

Tuesday, February 10, 2015

MÙA CỦI CÀ PHÊ - Phần 4: NHỔ CÀ PHÊ ĐỂ TRỒNG GÌ ĐÂY?

(Riêng tặng bạn L.N.T)
   Sau vài tháng vật lộn với con chữ ở giảng đường, bạn đem nụ cười tỏa nắng về với quê hương đón tết. Gió bụi Dak Lak quấn lấy bạn như thể người tình lâu ngày gặp gỡ. Bạn hớn hở chào mẹ chào bố chào anh em, hỏi mẹ mua gì cho Tết rồi. Nhưng những câu chào, câu hỏi như bị ném vào thinh không...
   Mẹ bạn buông thõng người trên ghế, đáp trả: “Mong gì tết cả con. Tiêu nhà mình chết hết rồi”. Một cảm giác rợn lạnh chạy dài từ não bộ qua dây thần kinh xuống sống lưng, bạn bạc mặt im lặng. Ở cái đất này, cây nông sản mà chết thì hết vui cũng nghĩa là hết tết. Hạt tiêu có giá thành phẩm cao nhất nhì trong hàng nông sản của xứ này vì nhiều lẽ. Chỉ riêng cái lý do có thể thất thểu bất cứ khi nào vì cây chết đứng cũng đủ hãi rồi. Tự dưng trồng được ba năm xanh tốt, phủ trụ, đến mùa thu hoạch rồi bỗng vàng lá và chết cả vườn. Thất kinh! Nhìn tiêu chết mà không cứu được mới xót phận mình làm sao.
   Thế mà hai cụ hàng xóm đang rục rịch nhổ hết cà phê để trồng tiêu. Hai cụ cũng như nhiều người đã về hưu khác, con cháu có công ăn việc làm rồi. Quá nửa đời còng lưng canh tác cà phê cho nông trường nên thú thật là chán loại cây ấy rồi. Tuổi già sức yếu, trồng tiêu vẫn nhẹ nhàng hơn cà phê đôi chút. Nhất là tưới tắm lúc khô hạn và mùa thu hoạch cũng dễ thở hơn một tí, giá lại gấp đôi gấp ba cà phê nhân nữa chứ. Nhẹ nhàng nhưng không nhàn hơn cà phê đâu, chăm kỹ lắm đấy.
   Dạo quanh buôn làng, bạn thấy có mấy người cầm máy khoan mũi to ngoáy sâu vào lòng đất để chôn cọc bê tông xuống. Màu xanh của cây cà phê năm nào nay đã bị thay thế bởi màu trắng bạc nhược của trụ bê tông. Mùa mưa này họ sẽ thả dây tiêu xuống đất và có thể vài năm sau tiêu sẽ phủ xanh hết trụ. Bạn nghe tiếng rồng rộc kéo sợi xích phát ra từ rẫy cà phê đằng xa. Có lẽ gia đình ấy cũng đang nhổ cà phê để trồng tiêu rồi. Ai ơi, coi chừng chữ “điều” gắn liền với chữ “tiêu”.
   Bạn đọc đâu đó thấy người ta nói về cây Mắc Ca, bạn khuyên bố mẹ trồng thử. Hai cụ nói xem trên tivi thì có biết về cây này nhưng vườn mình nhỏ, trồng may ra được năm cây là cùng. Hơn nữa trộm cắp nhiều như kiến và chỗ mình chẳng có người thu mua hạt ấy. Nghĩ đến cảnh trồng xong rồi chạy đến huyện khác bán, mệt lắm con ơi.
   Bạn tự hỏi, trồng tiêu dễ chết thì chặt cà phê để trồng gì đây? Thôi, đánh cố học để trốn khỏi kiếp làm nông...
   Bạn yêu mèo nên tôi tặng bạn cái ảnh này của tác giả Nguyễn Công Minh Trí


Buôn Ama Thuột, 10/2/2015
Tây Nguyên Xanh
---
Các bạn bấm vào Phần 1Phần 2Phần 3 để theo dõi từ đầu nhé!
2 comments

Monday, February 9, 2015

ẢNH RUỒI QUA ỐNG KÍNH CỦA PHÓ NHÁY BÙI TRỌNG HIẾU

   Nhà em có một hàng chè xanh tốt. Sáng sớm em dậy sớm, nhóm bếp và đun nước rồi om một ấm chè tươi thật đặc cho Tía Bầm uống. Hàng xóm nhà em có cả trăm thùng ong nuôi. Mùa này hằng năm, ong về ăn mật hoa cà phê. Lúc họ quay mật, mẹ em mua 5 lít nên quanh năm em có nước chè xanh khuấy với mật ong để uống. Ngon hơn Trà Xanh 0 Độ luôn ấy. Vừa lướt Facebook buổi sáng, miệng nhấm nháp bánh in xứ Quảng và hớp ngụm nước chè xanh trộn mật ong, thật là sảng khoái.
   Khi mặt trời cao cao, cái nắng vàng chói lóa, đất khô ơi là khô, em thấy nóng trong người. Em ứ uống nước “đốc tờ Thanh” đâu. Nhà em có một bụi chanh dây, úi ùi ui, nó trèo lên ngọn cà phê ngồi rồi. Quả chi chít treo lủng lẳng từ cây cà phê này sang cây cà phê khác. Sáng nào cũng có vài quả tim tím rụng dưới gốc. Mấy hôm nay, em ra vườn hít hà hương hoa cà phê và tiện thể nhặt quả chanh dây về pha nước uống lúc ban trưa.
   Quanh năm em như thế cho nên em chẳng quan tâm vụ chết đuối của một bạn Ruồi trong chai nước của các chú Năm Bờ Oằn đâu. Cơ mà em lắm mồm, cơ mà em là con nít nhưng ưng tớp leo lời người lớn. Cho nên em chẳng biết bạn Ruồi đã chết như nào nhưng cứ thấy các cụ chém gió về ruồi thì em cũng mần một sờ-thì-tụt, á nhầm, sờ-tây-tớt  (tiếng Anh là Status he he) để khoe mấy cái ảnh Ruồi mà em sưu tầm được. Úi ùi ui, đẹp lắm đấy nhá. Các anh mấy lị các chị cùng các cô rồi thì các chú kiêm luôn các bác các ông các bà vẫn hay thấy ruồi đậu đâu đó nhưng mấy ai thấy được ảnh đầu ruồi phóng to nhẩy. Thì đây, xem này. He he. Nghe bảo ruồi có nhiều loại, em ứ biết loại nào đâu, thấy tác giả ảnh chú thích rồi nhưng em ứ nhớ để nói lại. Ảnh của phó nháy Bùi Trọng Hiếu đấy.













Buôn Ama Thuột, 9/2/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, February 8, 2015

MÙA TƯỚI CÀ PHÊ - Phần 3: TƯỚI GÍ


   Tưới gí là kiểu tưới gí ống phun nước vào gốc cây. Ai trồng cà phê đều phải trải qua gia đoạn tưới gí này đã rồi nếu có điều kiện mới tưới bằng béc. Mùa khô năm 1993 bố mẹ mình chuyển nhà lên đây nhận 1 hecta đất trống, Hai cụ đốt cỏ, đào hố và chờ đến mùa mưa năm đó nhận cây cà con từ công ty về trồng. Mùa khô cuối năm 1993 đầu 1994 phải thuê người ta tưới gí. Thuê ống máy thôi, mình phải cầm ống kéo đi từng cây một, ngồi chờ nó đầy miệng hố thì chuyển sang cây khác.

   Đầu năm 1994 bố mua xe công nông, máy bơm và mấy cuộn ống nhựa. Mẹ cản, nói mua xe máy trước để mà đi lại cho tiện. Bố nói có nghe công nông năm nay thì năm sau có xe máy nhưng mà có xe máy chưa chắc vài năm sau có xe công nông. Đúng vậy, nhờ tiền đi tưới thuê mà năm 1995 nhà mình có cái Honda Citi.

   Năm 1995 đại hạn, mẹ có một kỷ niệm không thể nào quên đó là khảo giếng. Năm đó hồ thủy lợi nước cạn kinh hoàng. Toàn dân phải vừa khảo giếng vừa bòn từng ngụm nước cho cà phê. Trời thì nắng chang chang, khô khốc, cà vàng lá sắp chết đến nơi rồi. Vừa khảo vừa tưới mệt quá, bố ngủ thiếp đi khi nào không hay. Mẹ cầm ống tưới thay bố một lúc. Tự dưng máy hỏng, không biết làm sao. Với sự mệt mỏi đói ngủ ấy của bố, mẹ gọi kiểu gì cũng không nhằm nhò.  Mẹ liều, lấy một gàu “nước mát” ở bên máy dội vào mặt bố rồi chạy trốn. Lúc tỉnh dậy, bố hiểu vấn đề nên không mắng. Tưới cà phê, máy phải nổ thâu đêm suốt sáng nên luôn luôn phải có sẵn một thùng nước ở bên để thêm vào làm mát động cơ nên gọi là nước mát.

   Cuối năm 1995 có cà bói. Bố mẹ phơi khô, đem bán lấy tiền rồi mua lại giàn ống ông và béc Việt Tiệp. Tiền còn thừa mua nốt cái tivi, ampli, bộ băng từ. Mùa khô năm 1996 tưới thuê cũng được kha khá. Cuối mùa mưa năm 1996 bị trộm giở ngói, đạp lên bản thở tổ tiên, lẻn vào nhà trộm toàn bộ tài sản, chỉ để lại cặp loa thùng. Bố điên tiết, cuối năm 1997 cầm giấy tờ nhà xuống cho chủ hiệu buôn để chở vật liệu xây dựng về làm nhà với lời hứa là hết mùa cà phê năm đó trả. Những người thuê nhà mình tưới cũng hứa là hết mùa cà phê sẽ trả tiền. Vậy nên thời điểm này của xuân năm 1998, riêng tiền tưới thuê đã đóng góp cho mình một phần tư căn nhà rồi. Năm đó làm nhà xong thì giá cà lên. May thiệt là may. Vì các năm sau đó giá cà xuống kinh lắm. Làm nhà mà giá cà phê xuống thì nợ còn lâu mới trả hết. Năm đó bán cà trả nợ xong còn có tiền mua tivi Sony mới, bộ phim đầu tiên coi đó là Ghen do bộ ba nghệ sĩ Minh Hằng, Chí Trung và Quốc Khánh thủ vai chính. Tết năm đó không phải sắm hạt dưa vì chủ tiệm vật liệu xây dựng biếu. Cái tết năm 1998 là một trời kỉ niệm.

   Những năm sau đó, mình với có tí vai trò với mùa tưới cà phê do đi coi ống canh trộm cho bố mẹ. Cái đó ở phần sau sẽ kể cùng với hình thức tưới béc. He he. Rứa đã hẩy. Năm hình ảnh phía trên là cảnh cả xã rủ nhau chở ống đi tưới và các công đoạn tưới gí. Hy vọng giúp các bạn biết đôi chút về tưới cà phê. Tưới gí thường dùng tưới cà từ 3 năm tuổi trở xuống và tưới cho cây Hồ Tiêu, Điều...Ảnh mang tính thông tin là chính nên có mặt ở nhiều trang mạng. Nguồn ảnh không ghi tên tác giả nên Tây  không biết ai chụp. Trân trọng cảm ơn những ai chụp các bức ảnh này.
Buôn Ama Thuột, 8/2/2015
Tây Nguyên Xanh

---
Các bạn bấm vào Phần 1 Phần 2 để xem các phần trước đã đăng nhé 
1 comment