Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, February 21, 2015

HÁT BỘI

Tác giả ảnh: Việt Quốc
   Thấy tấm ảnh này, tự dưng thèm cái cảm giác ngồi giữa đồng. rơm đâm xót đít, há mồm xem hát mà dãi rơi khi nào không biết. Cái gọi là văn nghệ dân gian thì phải xem như thế mới phê được. Trong các loại hình hát hò, có lẽ mình ngại nghe hát Bội nhất. Chẳng hiểu vì sao nữa. Nghe chưa quen, cứ phải có không gian như lúc nãy kể thì may ra yêu hơn một tí được. Như kiểu đi uống cà phê ấy mà, mình có uống cà phê đâu, toàn uống Ca Cao Đá hoặc Lipton Nóng. Căn bản là ưa cái không gian hưởng thụ là chính. Đi xem hát cũng thế, thấy người ta ghiền thì mình cũng tự hỏi vì sao ta lại không đam mê. Thành ra mình tin chắc là văn hóa dân gian xưa nay vẫn truyền cảm hứng theo kiểu như thế. Vấn đề của hôm nay trong công cuộc bảo tồn văn hóa hình như chỉ là không gian nghệ thuật.
   Các nhà chuyên môn đang thèm quay trở lại những năm ba mươi. Tết nhất như thế này, các gánh hát bội chu du khắp miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng để hát phục vụ nhân dân. Nghe nói thời xưa, hát Bội là một nhu cầu không thể thiếu trong những ngày tết. Nhà giáu còn mời riêng gánh hát về nhà nữa cơ. Cứ như thể người xưa, ngừng tay làm là phải nghe hát ấy. Thích nhỉ?
   Mình vốn sinh ở khu vực toàn là dân Quảng Nam di trú vào đây sống. Dân đó ghiền hát Bội thôi rồi. Hồi mình bi bô tập nói, mình nói giọng Quảng đấy nhé. Giờ lên trên này với người Nghệ mới biết nói tiếng Nghệ. Cứ rằm tháng bảy á hả, dân quy tụ về cây cổ thụ lớn nhất của xóm để tổ chức hát Bội. Họ cúng cô hồn dưới cái cây đó rồi hát. Cả xóm đi nghe luôn. Mấy ông bà già còn khóc sụt sịt vì thương cho nhân vật nữa kìa. Mình thì chịu, lâu lâu mở tivi thấy có hát Bội. Người ta bảo xem hát bội là vừa nghe hát vừa xem vũ đạo. Hình như mình chưa đủ cái tầm và kiến thức để yêu hay sao ấy. Không ưng nổi. Các bạn đừng có đồn tin này ra kẻo các nghệ sĩ hát Bội oánh mông Tây. He he.
   Có một dạo mình thích đọc tạp chí Hồn Việt, tác giả Phan Phụng có biết một bài gợi lại những cuộc cãi vã về danh dưng của hát Bội: “Từ trước năm 1945 và liên tiếp về sau đã có nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu để xác định danh xưng cho bộ môn sân khấu này. Một số người ở miền Bắc thì gọi là hát tuồng còn một số người ở miền Nam thì nhất quyết gọi là hát bội, vì trải qua trên trăm năm lịch sử của miền Nam, người ta chỉ nghe gọi loại hình sân khấu này là “hát bội” và “tuồng” đối với họ thì chỉ có nghĩa là một vở diễn mà thôi.
   Tiếng “bội” là do tiếng “bài” đọc trại ra, nhưng lập luận này không được nhiều người chấp nhận. Sau năm 1945, có một thời người ta gọi là hát bộ. Theo họ giải thích thì loại hình sân khấu này có lối diễn xuất chủ yếu là vũ bộ, tay chân phải múa máy theo tiếng kèn nhịp trống. Lối giải thích này có vẻ khiên cưỡng quá nên cũng chỉ sau một thời gian ngắn, hát bộ cũng vẫn được gọi là hát bội.
Trong những cuộc hội thảo gần đây, người ta đã nhất trí gọi bộ môn sân khấu này là hát tuồng”. Cái link bài đó đây http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/3884-hat-tuong-hay-hat-boi.aspx
   Hồi học đại học ở Quy Nhơn, về Tuy Phước thăm lại cô chú chủ nhà trọ thuở làm bài thi. Mỗi lần ngồi xe buýt từ Quy Nhơn về đó (cái đường đi Gò Bồi, Cát Tiến của huyện Phù Cát để vãn cảnh chùa Ông Núi á), đi đến đâu xã Phước Thuận thì có một tấm biển chỉ dẫn mộ Đào Tấn cách đó mấy kilomet.  Tò mò gõ Google nên biết cụ Đào Tấn là ai.
   Thế rồi một chiều yên ả xuân hạ năm 2012, mình cũng một người bạn lọ mọ leo núi thăm mộ cụ cho biết. Leo cũng mỏi chân phết đấy. Núi cũng cao lắm. Ồ, quả như người ta khen. Đứng trên đỉnh núi nhìn toàn cảnh đẹp lắm. Mình không rõ về phong thủy nhưng thấy rất thư thái khi viếng mộ. Cái lúc về, được ăn bánh chính hiệu xứ Nẫu vùng lam lũ. Phải nói là có khi nhờ Đào Tấn, nhờ hát Bội mà mình được đến gần hơn với miền thôn quê của Bình Định.
   Nói chung, với hát Bội thì mình tôn trọng là chính chứ đạt đến ngưỡng ưng thì cứ phải từ từ. he he. Năm mới năm me, hướng tí lòng về văn nghệ dân gian cho nó đắm đuối với quê hương, nhể. Hã hã
Buôn Ama Thuột, 21/2/2015 (mồng 3 tết Ất Mùi)
Tây Nguyên Xanh
1 comment

Friday, February 20, 2015

LÃNG ĐÃNG MÙNG HAI


Tác giả ảnh: Nguyễn Bảng
   Ông bà nội có một mình Ba vô trong này lập nghiệp, ông bà ngoại cũng một mình Má ở đây. Thành ra cái tết tha hương của cái gia đình nhỏ này cũng đơn giản. Thăm hàng xóm bốn góc nương, ghé nhà trưởng nhánh họ Trần một xíu. Nghe các cụ giải thích vì sao nhà mình thuộc nhánh Trần Văn còn nhà kia thuộc Trần Đình. Các cụ bảo ngày xưa cụ tổ vô Huế thi cử. Lắm người cùng tên với mình quá nên đổi từ Trần Văn sang Trần Đình. Đỗ đạt làm quan, con cháu người ấy sau này đổi thành Trần Đình hết. Các cụ nhắc đi nhắc lại rằng đừng có thấy chữ Đình mà xa. Tích xưa là thế nhưng ngày nay hậu duệ ngại “trai văn gái thị” nên đổi tên con từ Trần Văn sang Trần Xuân, Trần Bảo cho đẹp, để rồi anh em trêu nhau trên Facebook chán chê rồi mới biết là họ hàng.
   Ghé nhà con bạn thân chơi một tí, đón nó đi thăm thầy. Nom thầy xanh xao, hỏi vì sao thì cô tố cáo rằng do thầy hút thuốc, uống bia nhiều. Thầy mới đi Sài Gòn về. Ông cụ cũng to to tuổi rồi, con cái không có. Xót không chịu được. Thầy giữ lại ăn cơm, uống gánh cho thầy một cốc bia rồi về. Uống bia lại ngại bỏ đá thành ra hết cốc là cái đầu muốn bốc khói luôn vậy à. Trước khi về con đe dọa thầy rằng lo ăn uống bồi bổ để cuối năm mần người nhớn trong lễ cưới của học trò. Chẳng biết có ai cưới mình hay không nhưng cứ hù thầy như thế. Thầy cười.
Ra về, trời đầy mây, không khí thơm mùi hơi đất. Cứ như thể những hạt sương li ti sà xuống gần sát mặt đất thì bị sức nóng của nền làm cho bay hơi trở lại vậy. Mai này có lấy chồng xa xứ, có lẽ thèm cái hương vị này của đất trời lắm lắm. Giờ mà mưa một trận thật to cho khỏi tưới đợt 2 thì toàn dân Tây Nguyên ăn thêm một cái tết nữa.
   Trở lại nhà, thấy như hết nợ một cái xuân. Hôn lên những cánh mai vàng, hít hà hương hoa và nhớ Quy Nhơn. Chậu mai ấy nghe đâu được một người dưới An Nhơn, Bình Định đem lên bán. “Vựa Mai” của cả nước có khác. Thành phẩm tuyệt đẹp! Nhắn tin hỏi thăm thầy cô ở dưới đó. Nghe nói Quy Nhơn thay đổi nhiều lắm. Chỗ eo Nín Thở khác xưa đến chóng mặt. Đọc trên tạp chí Trí Thức Và Phát Triển, nghe nói năm nay bắt đầu khởi công xây dựng trung tâm phục vụ thiên văn học ở Ghềnh Ráng, Quy Nhơn. Tò mò quá. Hai năm ra trường mà nhiều cái thay đổi quá vậy.

   Nếu có thuật phân thân, ta nguyện chia mình thành phần cho Quy Nhơn, phần cho xứ Nghệ, phần cho Quảng Ngãi, phần cho Hải Phòng và phần còn lại cho Tây Nguyên...
Buôn Ama Thuột mùng 2 tết Ất Mùi 2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Thursday, February 19, 2015

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

   Năm mới năm me, Tây Nguyên Xanh chúc các bạn nữ có nụ cười rạng rõ như hoa cà phê, lắm anh mê như mê hương hoa cà phê, kiêu sa như cách tỏa hương của hoa cà phê, mặn mà và đẫy đà như sự tròn trịa của chùm hoa cà phê.
   Năm con dê nên chúc các bạn nam có nhiều thời gian và tiền bạc để tận hưởng Vitamin D tổng hợp từ nắng Tây Nguyên. Các nhà khoa học bảo là liền nam có nhiều Vitamin D thì không sợ vợ chê đấy. he he
Năm mới, ai chúc em có việc làm và nhanh lấy chồng thì em mừng. Hã hã. Sau đây là chùm ảnh hoa cà phê của bạn Chế Hồng Trung









Buôn Ma Thuột, mồng 1 tết Ất Mùi (19/1/2015)
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, February 18, 2015

MÃ ĐÁO BẦM DẬP

Tác giả ảnh; Nguyễn Hà
   Ở đời, chả có ai nào đứng giữa đường cái quan mà hét toáng lên rằng giời ơi, tôi sướng quá, nhẩy? Lê la than nghèo kể khổ để kiếm tìm lòng thương hại thì chả hiếm. Hòa chung khí chất kinh điển ấy của dân tộc, các bạn cho Tây thở một phát rõ là dài và kể lể chuyện của năm qua trong chiều cuối năm chút nào
   Gớm! Đầu năm ai cũng chúc mã đáo thành công mà đuôi năm ngẫm lại thấy mã đáo bầm dập. Nói không phải điêu nhé, sáng mồng một năm Giáp Ngọ 2014, nhà Tây  được một bác trai tuổi Giáp Ngọ 1954 xông đất. Thật tội nghiệp cho bác ấy, đi xông đất trúng năm trời ấn định nhà nọ nhà kia phải xảy ra sự này nọ mới được. Tết Ất Mùi chắc bác ấy ở nhà ngủ nghỉ suốt ba ngày. He he.
   Kể chuyện mê tín nhé. Sáng mồng một, mẹ của Tây dậy sớm. Liếc qua thấy bình hoa trên bàn thờ bà ngoại rụng vài cánh. Ôi thôi rồi, cả năm nay sống trong sợ hãi. Mà thật, một năm đúng nghĩa hao tài tốn của đã qua đấy. Đất nhà này lành quá nên cái cò cái vạc cái nông đến mò và khoắng cho không khí gia đình đặc quánh. Tiên sư bố chúng nó. Nhiều vấn đề khác nữa khiến cho hôm nay ngồi làm lễ tất niên, ai cũng lâng lâng tự nhủ mình vẫn còn sống để được làm lễ này ư. Hu hu.
   Chơi Facebook thì cuối năm bị hệ thống ất ơ bỏ mẹ này khóa tài khoản. Mà trước đó nó còn bắt đổi thành Nàng Tây Nguyên Xanh rồi mới hưng phấn khóa tài khoản của Tây đấy. Lại tiên sư bố cái hệ thống mạng xã hội một phát.
   Năm nay chơi Facebook đen thôi rồi. Các năm khác hủ hóa với trai không ai biết. Năm nay dính cái vụ bị một người ngoài đời rất khả kính lên mạng hú hét rằng “con chó Tây Nguyên Xanh gửi ảnh tự sướng cho tôi nên tôi phải né”. Á đù, chơi mạng xã hội mà không gửi ảnh tự sướng để khều trai thì làm cái mốc gì trên này. Hã hã, Tây không chối mà lại còn khen bạn ấy khéo vẽ xì-căng-đan cho Tây nổi tiếng hơn tẹo. Nói thật nhá, Tây là dân 9X. Thế hệ 9X thì các bác các mợ biết cái độ thích tai tiếng để được chú ý rồi đấy. Hã hã. Tội nghiệp gã thầy đáng mến ấy quá.
   Nhân đây, Tây nói nốt. Tây biết có một vài cá thể chầu chực từng tấm ảnh chân dung tự sướng mà lâu lâu Tây đăng lên rồi tải về và ủ mưu hù dọa Tây rằng nếu mày công khai những gì tao tâm sự với mày thì tao công bố hình ảnh thật và thông tin cá nhân của mày lên Facebook. Hã hã. Tây đang run thí mẹ luôn đây này.
   Thời đại này, sách tướng số, phong thủy bán chạy hơn sách văn học cho nên cả năm Tây bị ám bởi những lời nói khuyên dạy của các mợ bói. Muốn nhắc nhở các mợ bói cái này, đi chùa chiền cho lắm vào nhưng cái chân nhang trong lư hương nhà mình bị mốc meo thì nên xem lại nhé. Ông bà tổ tiên chưa được hiếu kính hằng ngày thì e rằng các Thánh chỉ là nơi các mợ trút lời van xin tiền của thôi. Đến nơi này nơi nọ thắp hương khấn vái còn bàn thờ nhà mình trong lễ tết thì ịn một lọn hương vòng. Nó cháy nguyên ngày, bọt hương rơi bây bả quanh lư. Ngại ngại là.
   Một năm qua, cảm ơn các bạn đã đọc và động viên Tây. Nói chung là khi vui thì Tây biên bài trêu mọi người, khi buồn thì viết tâm trạng tí. Chả dám nói mình buồn vì lý do gì, chỉ phịa chuyện buồn của người ta để người ta biết lúc gõ bài viết ấy là Tây đang buồn thúi ruột. Cảm ơn mọi người nhé. Hết nhời rồi, chả nhẽ khoe tết này em đã có bồ. He he. Rứa hẩy. Chúc các bạn năm mới dồi dào sức khỏe, tiền bạc và thời gian rảnh để đến với mảnh đất Tây Nguyên nhé.
Buôn Ama Thuột, 30 tháng chạp năm Giáp Ngọ (18/2/2015)
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, February 17, 2015

MÙA CỦI CÀ PHÊ - Phần cuối: CHONG CHÓNG TÌNH YÊU


   Tết Nguyên Đán luôn nằm trong mùa củi của các loại cây nông sản nói riêng và cà phê nói chung. Ngày bé, bố thường lấy lon bia và cành củi cà phê to bằng bắp tay để làm chong chóng treo trước xe đạp cho mình. Các bạn có tưởng tượng được không nhỉ? Ăn tết xong rồi đến những ngày cuối tháng ba đầu tháng tư, Tây Nguyên bắt đầu có mưa đầu mùa. Cây cối xanh tốt, che phủ đường đi, bướm bay ngợp trời, gió lúc ấy cũng đổi chiều. Đạp xe đi học trên con đường như thế với cái chong chóng quay tít trước mặt. Hoa phượng ở Tây Nguyên lại có xu hướng nở sớm. Bạn trai chở bạn gái cầm chong chóng đi giữa tiết trời đầu hạ. Lãng mạn khỏi tả luôn.
   Những cái chong chóng ấy đa số được tạo ra từ vỏ lon bia mua trong dịp Tết Nguyên Đán. Ngày xưa, quanh năm có việc gì chỉ uống bia chai Bến Thành, đến Tết mới dám xài bia lon 333. Trong ý niệm của dân trồng cà phê thời đó cho rằng uống bia lon là xa xỉ lắm. Mình còn nhớ, cái Tết cách đây khoảng 10 năm, bố không đả động gì đến chuyện mua bia lon nhưng bỗng chiều 30 tết bố chở về một thùng bia 333. Mặt bố đầy vẻ tự hào, bảo đời được mấy, làm cả năm chẳng lẽ tết đến không có thùng bia để uống. Thời đó, người ta có phong trào uống rượu nếp cẩm chứ bia lon vẫn còn là cái gì đó xa vời lắm. Đi chúc tết, thấy bàn thờ nhà nào nhà nấy sắp bia lên cúng năm mới. Ngày trước cúng bằng rượu Chanh hoặc rượu cẩm đựng trong chai đã từng đựng rượu Chanh.
   Bọn con nít như mình thì vui lắm. Nhà đứa nào có bia cho bố mời khách thì thôi đi, cái mặt cứ phải gọi là vênh lên như bánh đa (bánh tráng) nướng quá lửa. Vật chứng là những cái móc chìa khóa treo đầy chốt trên nắp lon bia hoặc những cái chong chóng treo trên xe đạp. Mình vẫn giữ thói quen mỗi tết lấy một vỏ của mỗi loại bia để cất cho đến bây giờ. Vỏ ấy đều được mình cạ trên nền xi măng nhám đến khi nó mòn rồi rút nắp ra. Cái thì được mình dùng đựng bút, làm chong chóng. Có cái được dùng cắm hoa cúng trên mâm thí thực trong giỗ, lễ.

   Nay đã mấp mé cái tuổi làm mẹ của trẻ con rồi nên bố không cắt tỉa cánh chong chóng và đóng đinh vào cành củi cà phê cho mà chơi nữa nhưng thói quen sưu tầm vỏ lon bia thì vẫn còn. Cầu mong bố mẹ luôn khỏe để mai này làm chong chóng cho cháu ngoại chơi. Nhân tiện, mình quảng cáo thương hiệu bia Serepok của bia Sài Gòn tại Dak Lak phát. He he. Các bạn đến với Buôn Ma Thuột trong lễ hội cà phê lần thứ 5 vào tháng ba tới đây thì hãy uống Serepok nhé. Yêu các bạn nhiều!
Buôn Ama Thuột, 17/2/2015
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào Phần 1Phần 2Phần 3 , Phần 4 để theo dõi từ đầu nhé.
No comments

Monday, February 16, 2015

NHẮN AI

Nguồn ảnh: Facebook
Đêm khuya giấc ngủ chập chờn
Những cơn ác mộng rập rờn quanh em
Đồng hồ đã mấy lượt xem
Sao mà anh ấy vẫn chưa thèm về
Cuối năm tiệc nhậu tràn trề
Đi đường anh ấy có bề gì không
Ra ngõ đứng ngóng vào trông
Sương rơi ướt lạnh má hồng nhạt phai
Lời này xin gửi đến ai
Mong người thương xót đêm dài canh thâu
***
Buôn Ama Thuột, 16/2/2015 (28 tết Ất Mùi)
Tây Nguyên Xanh


5 comments

Sunday, February 15, 2015

LỄ ĂN CƠM MỚI CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ

Người viết: Linh Nga Niê Kđăm
Nguồn bài: Tạp chí Hồn Việt
   Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không có những ngày Tết như Nguyên Đán, Trung Thu…, nhưng từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chính quyền các địa phương đã cố gắng tạo điều kiện để bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cùng hòa vào cộng đồng người Việt trong những ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, hàng năm bà con cũng có lễ hội vào những ngày đầu hoặc cuối năm Dương lịch. Đó là lễ ăn cơm mới, thường được tổ chức sau khi bắt đầu vào vụ thu hoạch mùa màng.
Tác giả ảnh: Tuấn Dũng
   Lễ “Huă esei mrâo” - Ăn cơm mới của người Êđê ở Đăk Lăk, thường bắt đầu vào tháng 11 (Dương lịch) hàng năm, khi những hạt lúa đầu tiên đã được mang về nhà. Thuở xa xưa, lúa dùng để cúng Yàng (trời) phải được trỉa ở một đám đất riêng biệt, rộng khoảng 2m. Mảnh đất này gia đình nào cũng phải có, không được trồng trọt một thứ gì ngoài cây lúa để cúng tế các Yàng, hoặc làm ma chay khi cha mẹ qua đời.
   Lúc chuẩn bị trỉa lúa ở mảnh “đất linh thiêng” này, bà con phải làm lễ cúng rất chu đáo, và luôn chăm sóc đám lúa rất công phu cho đến ngày thu hoạch. Khi lúa chín, người đàn bà (chủ nhà), hoặc cô con gái lớn nhất, phải bứt bằng tay (suốt lúa), không được dùng cật nứa để cắt như lúa thường. Lúa này, nếu cúng xong còn dư, có thể rang lên, hoặc để dành, không được ăn, bán, đổi, hay cho người khác.
   Từ tháng 11 trở đi, thiên nhiên đã vào mùa khô. Bầu trời cao nguyên trong vắt, cao thăm thẳm, gió lồng lộng, nắng vàng ươm, khí trời se se lạnh rất dễ chịu. Lòng người hồ hởi bởi vẻ đẹp của thiên nhiên sau những tháng mưa dầm, nhưng cái chính là mùa no đủ chắc chắn đã đến.
   Trong bài cúng của M’Yâo sẽ có câu: “Mưa rừng đã tạnh, cái lạnh đã qua, lúa đã về nhà. Ta mời các Yàng về ăn cơm mới”, lễ mừng cơm mới không có ngày tháng quy định chính thức. Gia đình nào suốt lúa xong sớm, cúng trước. Nhà nào gặt xong sau, cúng sau. Chọn được ngày tốt, đẹp trời, gia đình sẽ thông báo với bà con thân thuộc và bạn bè buôn gần, buôn xa. Ai cũng có thể đến dự lễ ăn cơm mới. Ai có hảo tâm, tùy hoàn cảnh thì tham gia đóng góp. Dù ít, dù nhiều gia chủ cũng trân trọng đón nhận. Đó là một trong những yếu tố cộng đồng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
   Từ mấy ngày trước, các cô gái lớn trong gia đình đã rủ bạn bè giã gạo chuẩn bị cho lễ cúng. Tiếng chày đôi, chày ba thậm thịch vang lên trong bình minh hay những lúc hoàng hôn buông xuống. Hương lúa mới, cả hương hoa cà phê nở sớm từ trên rẫy theo những cơn gió cao nguyên lồng lộng khắp đại ngàn, tràn về trong nắng vàng óng ả. Náo nức cả buôn. Ngày được chọn đã tới.
   Sáng sớm, cả buôn đã nhộn nhịp. Ai có việc phải đi lên rừng, vô rẫy thì hãy đi cho sớm, rồi về (bởi lễ thường bắt đầu vào buổi trưa). Người già chuẩn bị áo, váy, khố đẹp cho mình và cho lũ trẻ. Lớp trung niên ai khéo tay sẽ tới làm cột gơng - dùng để cột ché rượu chính trong lễ cúng - hoặc chuẩn bị các con thịt. Trai tráng lo bẻ lá, khiêng nước đổ ché rượu. Còn các bà bận rộn quanh bếp lửa.
Hoàng hôn cài then ngoài cửa rừng, tiếng chiêng nổi lên dồn dập, náo nức thúc giục những bước chân khách xa, khách gần. Ai nấy đều ăn mặc đẹp. Váy, áo, khố, khăn choàng mới vẫn cất kỹ trong các gùi (piêu), nay được đem ra, đỏ đen rực rỡ. Trên váy áo nữ, những tua chỉ đỏ kết dài đung đưa xuống tận tà áo, một góc nhỏ bằng bàn tay của chiếc m’yêng buông xuống bên hông làm duyên, khiến bước đi của họ uyển chuyển như công múa.
   Rượu cần đã cột kỹ vào gơng hrai, lá đã lèn chặt và nước đã rót đầy các ché. Cần rượu cũng đã săm soi kỹ để không bị nghẽn tắc, và cắm vào chính giữa ghè rượu. Gia chủ mời khách nam ngồi trên những chiếc chiếu trải đầy gian khách (đinh gar). Khách nữ ngồi kín gian chủ (đinh ôk) cùng với các nữ chủ nhân.
   Trên chiếc chiếu mới trải giữa nhà, phía trong những ché rượu (tùy theo mức độ mùa màng mà cột từ 1-3-5 ché, chủ nhà bày ra chiếc đầu heo, những chén đồng đựng huyết, thịt heo (mỗi thứ một ít, nhưng phải đầy đủ, không được thiếu thứ gì). Thầy cũng cầm cần hút rượu vào chén đồng, đặt trước mặt nữ chủ nhân cao tuổi nhất: người nhận lễ. Dàn chiêng trổ tài diễn tấu.
   Mjâo ngửa mặt lên trời, hai bàn tay nắm lại, khấn: “Ơ Yàng ở phía Đông, Yàng ở phía Tây, Yàng trên mây, Yàng dưới nước, các Yàng đất, Yàng rừng… Yàng đã ban cho chúng tôi mưa thuận gió hòa, cho lúa bắp sinh sôi. Nay tôi suốt lúa một gùi, tôi bẻ bắp một giỏ. Tôi cột ché rượu này mời các Yàng về ăn cơm mới. Rượu này thần uống. Cơm này thần ăn. Mùa sau lại cho chúng tôi chân tay mạnh khỏe, lúa bắp tràn đến nóc đầy khắp nhà. Lời tôi ước xin các Yàng hãy nhận. Lời tôi cầu xin các Yàng hãy nghe. Ơ Yàng!”.
   Khấn xong, thầy cúng cầm bát rượu hòa huyết heo bôi ba lần lên chân bà chủ nhà, rồi cùng vài người già trong gia đình, trong dòng họ trèo lên nhà kho để lúa (Sang Mdiê) khấn thần lúa, cắt cổ con gà, nhỏ vài giọt máu xuống vựa lúa. Họ trở lại nhà sàn, bôi rượu huyết vào cầu thang, cột nhà, thành bếp… Vậy là gia đình này đã được các vị thần linh ban phước và che chở.
   Thầy cũng mời người phụ nữ chủ gia đình cầm cần ché rượu đầu tiên. Sau đó mới trao cần cho chồng, sang tay nối tiếp cần rượu các ché thứ 1, thứ 2, thứ 3… Từ lúc này trở đi, cần rượu không được buông khỏi tay người.
   Thế là xong phần nghi lễ. Tất cả trong tiếng chiêng dồn dập. Tiếng chiêng vang xa như bay bổng lên chín tầng mây, như luồn xuống đáy vực, báo với các vị thần linh, với cộng đồng cái đói không còn đe dọa nữa.
   Những người già được mời uống rượu trước, đến trung niên rồi thanh niên. Nữ trước, nam sau. Uống sao cho nghiêng ngả nhà dài, cho phiêu diêu cặp mắt người già trong phút giây nhớ về quá khứ, cho chuyếnh choáng bước chân người trẻ và lóng lánh như mặt nước ché rượu đầy là ánh mắt con gái trong ngày hội… Uống để mừng lúa mới chắc hạt, nặng bông.
   Cứ thế, rượu chảy tràn theo tiếng chiêng, theo những câu hát. Lễ hội cũng là mảnh đất tốt cho nghệ thuật diễn xướng nảy nở và phát triển. Người già kể Klei Khan răn dạy con cháu bằng chuyện xưa, người trung niên gảy đàn gông, hát K’ứt, ôn lại những tháng ngày vất vả cho có hạt lúa hôm nay. Các bà tụ tập nhau thầm thì thủ thỉ theo tiếng đinh tut.
   Đây cũng là dịp để nam nữ thanh niên khoe tài hát đối đáp, làm quen với nhau… Cuộc vui cứ thế kéo dài. Từ nhà này sang nhà khác. Từ buôn nọ đến buôn kia. Cho mãi tận tháng 3-4, lúc cúng Yàng chuẩn bị cho việc dọn rẫy mùa sau mới chấm dứt “mùa ăn năm uống tháng” của người Tây Nguyên.
   Các lễ mừng năm mới, cúng bến nước, cầu chúc sức khỏe cho người cao tuổi, lễ thành đinh cho con gái con trai, lễ cưới cho những lứa đôi nên duyên vợ chồng, lễ bỏ mả cho người chết đi đầu thai kiếp khác… đều có thể tiến hành vào những tháng này, nhờ vào sự hậu hĩnh của mùa màng. Chính vì những lễ hội nối tiếp nhau mà làm nên “mùa ăn năm uống tháng”, cũng trùng vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt.



2 comments

GHI VỤN Ở CHỢ TẾT

Một góc cảnh xuân Ất Mùi ở Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Loc Tran Ba Van

   Có một người bố chở con gái đi chợ. Con cùng cháu ngoại từ Quảng Nam về ăn tết. Khi xưa đất Quảng cống hiến cho Tây Nguyên một người con ưu tú để hôm nay Tây Nguyên gửi lại đất Quảng một đứa con dâu thảo hiền. Xa quê, sinh con đẻ cái và dạy cho chúng mọi nếp sống quê cha đất tổ để rồi lúc đi học xa, chúng cũng nhanh chóng phải lòng người nói giọng cùng quê với bố mẹ. Vẫn có nhiều chiếc lá rụng về cội theo chiều gió như vậy. Ông bố dường như sợ thời gian trôi, ông muốn ở gần con cháu nhiều hơn một chút.
   Có một bà mẹ cùng con gái đi chợ. Tháng chạp, gia đình “người dưng” đến đánh tiếng xin ra giêng ngày lành tháng tốt bứng con gái về làm dâu. Tết này là cái tết sau cùng mẹ được ăn trọn vẹn cùng con gái. Những tết sau có chăng chỉ là sự ghé thăm “nhà ngoại”. Nhà chỉ một trai một gái, quanh năm mẹ đi chợ. Con gái không biết phân biệt đâu là cá trắm cá mè, đâu là thịt bê thịt bò... Còn mấy ngày chợ tết, mẹ tranh thủ dạy đủ điều. Nói mãi mà sao mẹ cứ thấy cuống quýt, thiếu sót. Mẹ sợ rằng cũng số tiền ấy mà trong giỏ của con dâu nhà khác nhiều đồ hơn thì con mình bị mẹ chồng phân bì.
   Có ông bố, một mình đi chợ chỉ để mua năm lạng tôm. Ông bố ấy cùng vợ bồng bế con từ Nam Định vào đất này những năm bảy tám bảy chín, khai hoang đất rồi trồng cà phê. Nay con cái làm ăn xa. Tết này, đứa làm than ngoài Quảng Ninh vào, hai đứa làm rẫy bên Gia Lai sang, Không muốn con cháu phải lăn tăn chuyện chợ búa nên bố đích thân đi hai cái chợ mới mua được tôm về cho đại gia đình ăn lẩu. Cuối năm đi mượn xe máy “cùi bắp” của bạn bè để cho con cái đủ xe du xuân.
   Có mấy cậu thanh niên chở mẹ đi chợ. Trong khi chờ đợi, ngồi tán gẫu với nhau. Một cô bé mặc choàng rõ là dày nhưng váy lại ngắn đủ che mông đi ngang qua. Các cậu nháy mắt nhau, trêu em ấy. Em qua một đỗi đường rồi mới bình phẩm cặp giò, gò má...Thấy chiếc xe ô tô nào phóng qua, các cậu bàn về giá cả. Có cậu phết vào đùi một phát, tấm tắc khen cái xe ấy đẹp, dễ chừng cả tỉ bạc chứ chẳng đùa.
   Có chàng trai chở vợ trẻ đi chợ, nghe bọn nhỏ hơn mình bàn về gái. Cậu chợt mỉm cười, thẩm nhủ ngày xưa tao cũng như chúng mày. Tết cứ tong tẩy đi chợ chứ không biết lượng tiền cần phải có cho một cái tết. Kệ mẹ tất. Nay thì hỡi ôi, nhà thiếu cành mai, chậu quất cũng phải tự lấy tiền đi mua cho vợ con sướng mắt. Khéo già vì tết mất thôi các cu cậu ạ.
   Có những Ama, Amí người Ê Đê đi chợ trong không khí tết của người Kinh. Họ thấy khó mua bán hơn hằng ngày. Họ hiểu những ngày này quan trọng với người Kinh lắm. Họ có lễ hội của riêng họ. Họ không có tết Nguyên Đán như người Kinh nên thú vị làm sao, giữa biển người lao xao vì tết, ta vẫn tìm được những nét mặt bình thản với xuân. Có họ để mà thấy nên sống chậm một chút.

   Chợ tết đông, phát sinh dịch vụ giữ xe với giá cao ngất ngưỡng nên có đứa con gái sáng nào cũng đi chợ để trông xe cho mẹ ở mé đường. Ánh mắt cô ngắm chợ kỹ một chút như thể lưu luyến vô vàn. Biết đâu tết này đi chợ ở đây nhưng tết sau đã bán mua ở cái chợ xa lắc nào đó gần nhà chồng. Người dưng ấy ơi...
Buôn Ama Thuột, 27 tết Ất Mùi 2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments