Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, February 28, 2015

CHÙM ẢNH CUỐI THÁNG 2/2015: ĐÓN TẾT ONLINE

   Nếu như xuyên suốt tháng 1/2015, làng chơi ảnh Facebook tràn ngập ảnh Sếu Đầu Đỏ thì tháng 2/2015 là những bức ảnh truyền tải hơi thở mùa xuân trên mọi miền đất nước. Chơi Facebook trong tháng vừa qua mà Tây cảm tưởng như cả cộng đồng đang đón tết online vậy.
Tác giả ảnh: Nguyễn Cảnh Hùng
   Đầu tháng, có một dòng người đổ về thảo nguyên Mộc Châu săn những khoảnh khắc đẹp nhất trong năm của nơi này.
Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa
   Ở tuần thứ hai của tháng này, có một “cơn lũ” các tác giả xuôi vào miền sông nước Cửu Long để săn những khuôn hình về chợ nổi và các cánh đồng hoa. Có lẽ không một ai trên đất nước này lại không muốn được một lần được thâm nhập vào đời sống dựa vào “cha xuồng ghe mẹ sông nước” của đất phương Nam cả.
Tác giả ảnh: Võ Triều Hải
   Kỳ nghỉ tết Nguyên Đán nằm phần nhiều ở tuần thứ ba của tháng. Lúc này đây, nhà nhà người người khoe ảnh cành đào, chậu mai, cảnh gói bánh chưng bánh tét, bày biện bàn thờ. Riêng người Đà Nẵng lại lặng lẽ chia sẻ những bài viết, hình ảnh tiếc thương người con ưu tú Nguyễn Bá Thanh nên dường như toàn thành phố đón xuân với nhịp điệu nhẹ nhàng, trầm mặc. Bạn bè chơi ảnh ở Đà Nẵng ít đăng ảnh có nụ cười. Tác giả Võ Triều Hải cũng vậy. Anh khẽ khàng đăng tấm ảnh chụp một đường hoa hình bản đồ Việt Nam bên bờ sông Hàn thơ mộng. Bức ảnh mang một thông điệp là xuân đang về trên khắp mọi miền đất nước.
Tác giả ảnh: Nguyễn Hà
   Từ lúc mài đũng quần trên ghế nhà trường, ai cũng đã được học những tản văn, truyện ngắn miêu tả không khí nhộn nhịp trong ngày tết. Hình ảnh không thể thiếu là cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét. Người lớn chụm củi, trẻ con vừa vuốt ve con chó con mèo vừa nghe kể chuyện ngày xưa. Bức ảnh sau đây của tác giả Nguyễn Hà đã nói lên một phần không khí tết quê như thế. Tác giả ảnh là một người con của đất An Nhơn, Bình Định. Tây đã từng về An Nhơn cũng như Phù Mỹ hay Tuy Phước của Bình Định để ngắm xem bờ tre bãi dậu ở vùng chiêm trũng miền nam trung bộ có khác với Nam Đàn và Hưng Nguyên trên quê cha đất mẹ Nghệ An của Tây không. Lạ kỳ thay, càng đi càng nhớ xứ Nghệ nhiều hơn. Có lẽ nông thôn ở đâu trên đất nước này đều có chung một mẫu số như thế này.
Tác giả ảnh: Chế Hồng Trung
   Tết này, mảnh đất Tây Nguyên ngập tràn sắc trắng tinh khôi và hương hoa cà phê. Trong cái nắng vàng hoe của mùa khô, hoa cà phê như ngự trị tầm mắt của bất kể ai đến với vùng nông thôn Tây Nguyên. Không gian đặc tiếng vo ve của ong đi tìm mật. Chim ở đâu đó hót lành lót lúc chuyền cành tạo nên một sự hoang sơ nhẹ nhàng của “rừng cà phê”.
Tác giả ảnh: Thiện Cam Ranh
   Với Đà Lạt, Tây rất ít đăng bài viết có liên quan đến địa danh này vì Tây sợ người ta không thèm để ý bài viết của mình do người cả nước hiểu quá rõ “xứ Hoa” rồi. Tây tin nhiều người cũng có cảm giác như thế nhưng Đà Lạt vẫn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của văn nghệ sĩ. Tác giả Thiện CR cũng vậy. Anh không nỡ bỏ cảnh  xuân ở Đà Lạt nên đã chụp vội trên hành trình không mệt mỏi của một “gã săn ảnh”.
Tác giả ảnh: Phan Lâm
   Có một địa danh từ lâu được ví như Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên đó là Măng Đen ở tỉnh Kon Tum. Khi nhắc đến âm nhạc hiện đại viết cho Tây Nguyên. Có lẽ các bạn luôn hình dung những bản rock cháy bỏng. Hãy thử nghe Tình Ca Măng Đen để thấm được chất trữ tình của mảnh đất này. Rằng là “em lên với Măng Đen, nơi lắm mưa nhiều gió, mang theo nắng đồng bằng Nghệ Tĩnh ở trong tim. Em lên với Tây Nguyên yêu Trường Sơn bao la, thương lắm màu đất đỏ như mối tình thủy chung.” Mênh mang thế đấy, Hãy thử vừa nghe bài hát ấy vừa ngắm tấm ảnh cây đào của tác giả Phan Lâm chụp tại Măng Đen nhé.
Tác giả ảnh: Nguyễn Văn Thương
   Thời điểm cận tết cũng là thời điểm người nông dân đem hoa về phố thị. Có những người thích tha thẩn theo dấu chân của người trồng hoa. Họ phải ngắm cho kỹ lưỡng, kiên nhẫn nấp sau lưng chụp lén chứ người nông dân hay ngại. Vì thế mà Tây không khỏi nể phục góc ảnh của tác giả Nguyễn Văn Thương trong khuôn hình này. Nó vừa toát lên vẻ đẹp của hoa lại vừa thể hiện được sự thanh cao của người chăm sóc nó.
Tác giả ảnh: Nguyễn Lương Kỳ
   Những ngày cuối tháng hai, kỳ nghỉ tết đã qua. Nông dân hò nhau ra đồng lúc còn tinh sương lấy hên cho một năm sung sướng. Viên chức trở lại cơ quan. Hình ảnh này vô tình được tác giả Nguyễn Lương Kỳ ghi lại trên đường đi chụp lễ hội nào đó.
Tác giả ảnh: Long Phan 
   Từ bây giờ cho đến nửa đầu tháng ba sẽ diễn ra sự bùng nổ về ảnh trẩy hội trên cả nước. Ai chẳng thích vui hội và muốn dâng chút lễ mọn để cầu lộc cho năm mới.
Tác giả ảnh: Tiếng Lục Lạc
   Mong sao đất nước thái hòa, mọi người làm ăn khấm khá để khi đường phố ngập tràn cụm từ Chúc Mừng Năm Mới, ai cũng tưng bừng về quê ăn tết, hưởng phút đoàn viên.
Tác giả ảnh: Lưu Trọng Bình
  Xuân vẫn mãi kiêu sa như một cô gái trẻ
Tác giả ảnh: Trọng Hiếu
...và mãi được yêu như chim yêu cành lá. 
Tác giả ảnh: Thanh Sơn
   Không câu chữ nào có thể tả hết được sắc đẹp của ngày xuân. 
Tác giả ảnh: Hòa Carol
   Không bút mực nào có thể viết hết được những câu chuyện du xuân đón tết của nhân loại. Bạn bè chụp ảnh thì nhiều nhưng trong khuôn khổ một bài viết không thể đăng hết được. Chúc các bạn chơi ảnh một năm mới có nhiều tấm ảnh đẹp. Trân trọng cảm ơn các bạn.
Buôn Ama Thuột, 28/2/2015
Tây Nguyên Xanh
***
Lưu ý: Tây chỉ chịu trách nhiệm về lời, không chịu trách nhiệm về ảnh. Ai muốn trao đổi thông tin kỹ thuật làm ảnh và mua bán ảnh thì liên hệ trực tiếp với các tác giả ảnh. Ai muốn địa chỉ Facevook của tác giả ảnh thì có thể hỏi Tây.
No comments

Friday, February 27, 2015

NHÂN NGÀY THẦY THUỐC KÊU GỌI BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

   Nếu không có sự hiện hữu của chất độc thì có lẽ ngành y không tồn tại. Vì thế nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam, chúng ta cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài rắn – biểu trưng cho sự độc có trong logo của Tây Y nhé. Xem xong những tấm ảnh này, mong các bạn cùng với tôi lên án nạn chích roi điện để săn bắt trăn, rắn gây nên nạn chuột phá ruộng đồng. Năm 2014 chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của rắn lục đuôi đỏ khắp cả nước. Chim cú, diều hâu, đại bàng, chồn, cáo...đã trở thành động vật quý hiếm ở nước ta rồi nên rắn lục đuôi đỏ ít bị những loài ấy ăn thịt. Hơn nữa, dù rằng chỉ là tin đồn nhưng rất có thể “các thế lực thù địch” của chúng ta đã nắm rõ tất cả các sổ sách liên quan đến ngành sinh vật ở Việt Nam. Họ biết hiện trạng cân bằng sinh thái ở nước ta như thế nào. Vậy nên họ tìm cách cho loài có hại sinh sôi nảy nở. Bí mật quốc gia không phải chỉ riêng an ninh quốc phòng mà còn là những con số tế nhị nhất của tất cả các lĩnh vực. Đừng xem nhẹ sinh vật học. Nếu không muốn bị rắn lục đuôi đỏ mò lên giường của các bạn thì hãy bảo tồn đa dạng sinh học. Không cần các bạn phải hô hào chửi bới nạn phá rừng, tôi chỉ cần bạn đừng vào những quán nhậu có thịt thú rừng mà thôi. Cảm ơn!

Tác giả ảnh: Shikhei Goh

Tác giả anhrL Shikhei Goh

Tác giả ảnh: Shikhei Goh

Tác giả ảnh: Shikhei Goh

Tác giả ảnh: Shikhei Goh
Buôn Ama Thuột 27/2/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Thursday, February 26, 2015

MÙA TƯỚI CÀ PHÊ - Phần 4: TƯỚI ĐIỆN VÀ CHUYỆN ĂN CƠM BẾP

Tác giả ảnh: Vũ Thành Chung
   Những gia đình đã tưới đợt một của mùa khô này vào khoảng ngày rằm tháng chạp thì ra giêng phải tưới ngay sau khi ăn tết vì mỗi đợt cách nhau hai mươi ngày. Hôm mồng sáu tết, ngày đẹp nên dân rủ nhau tưới. Từ hôm mồng sáu đến giờ, nhà mình phải ăn cơm bếp vì điện chập chờn, lúc có lúc không. Nguyên nhân là dân câu điện ba pha để quay mô-tơ bơm nước tưới cà phê. Nhiều chủ rẫy dùng quá nên quá tải. Cầu giao tự ngắt điện. Chỉ những rẫy không phụ thuộc vào hệ thống mương thủy lợi của nông trường thôi. Những rẫy này thường phải lấy nguồn nước từ giếng vì quá xa con mương hoặc hồ chứa nước tự nhiên gần nhất. Một cái ông nhôm dài bảy mét mà cần đến khoảng chín mươi cái ống như thế mới dẫn được nước về thì các bạn tưởng tượng được phải dùng máy với công suất như thế nào rồi đấy. Muốn tưới được phải dùng cái máy gọi là Si-ma (dân ở đây quen gọi thế) của Huyndai. Nhìn nó to và đen. Xe công nông phải kéo nó. Chẳng được mấy nhà có máy này đâu. Hồi xưa họ dùng động cơ chạy dầu Diesel để quay mô-tơ bơm nước nhưng mấy năm gần đây giá dầu tăng. Một hecta trung bình phải dùng 80 lít cho một đợt tưới. Họ thấy tốn quá nên mấy nhà có rẫy xa mương nước chung nhau mua thiết bị điện về tưới. Hệ thống ống thì giống tưới bằng máy nổ chỉ có mô-tơ là khác nhau. Giếng nhà nào bị khô thì phải thuê giếng rẫy bên cạnh. Mỗi giờ đồng hồ họ lấy phí ba mươi nghìn đồng tiền nước. Rẫy càng xa mương nước thì sẽ càng giảm giá đất khi mua bán là vì vậy.
   Nói chung, Tây rất thông cảm và chia sẻ cái sự vất vả của những nhà tưới điện. Nhưng mà không có điện để nấu cơm, chơi máy tính thì hơi cáu tiết một tí. He he. Căn bản cũng vì Tây nấu cơm bếp đôi khi bị khê, bị ướt hoặc suýt sống nguyên hột gạo. Có bữa, Tây thấy củi cà phê cháy đượm quá. Tây hứng khởi đun rực rỡ cho nó nhanh sôi. Thế quái nào cháy nửa nồi. Lắm khi muốn nấu cái nồi “trên sống dưới khê tứ bề nhão nhoẹt” mà không được. Phải nói là ai nấu được nồi cơm như thế thì xứng danh nghệ nhân rồi. Cơ mà chấm cơm cháy với nước mắm ớt tỏi vắt thêm chanh, ngon tuyệt cú mèo, các bạn nhẩy? Nồi cơm điện làm gì có cháy như thế mà ăn nhẩy?
   Các cụ nhà Tây mà ăn cơm bếp là thể nào cũng ôn lại kí ức thời mặc quần nhăn túm tụm, chó đớp ba năm chưa tới gấu. Các cụ răn đe rằng thời của chúng tao, gạo không có mà ăn. Toàn phải ăn khoai, sắn. Hạnh phuc lắm mới được ăn cơm độn khoai thôi. Các cô các cậu liều liệu mà sống cho no tử tế. He he. Nghe thương quá giời thương luôn ấy. Công nhận là nếu các cụ nói thật thì thời của Tây sướng quá con gì, nhẩy? Thấy các bác ngoài Hà Nội khai bút tưng bừng khí thế quá nên Tây Nguyên cũng khai bút bằng cái bài rất chi là nghiêm túc của seri Mùa Tưới Cà Phê. Tây a dua mà lị. He he.
Buôn Ama Thuột, 26/2/2015
Tây Nguyên Xanh
Các bạn bấm vào Phần 1 Phần 2Phần 3 để theo dõi từ đầu nhé
1 comment

Tuesday, February 24, 2015

NĂM MỚI NĂM ME RA QUÂN

   Nghe nói theo phong thủy thì bữa ni là ngày cha của đẹp nên làng làng xóm xóm vùng vùng miền miền tổ chức ra quân, hổng? Hòa chung không khí nớ, cha của Tây sớm ni nổ xe công nông rình rang, mẹ ra vườn xủi lẹt phẹt mấy cọng cỏ. Rứa là ra quân! Bữa ni nhà Tây mí cúng đưa ông bà tổ tiên về các cõi. Tây mần giúp mẹ nấu náng. Oa cha, ha rứa thì năm ni Tây xuất hành bằng cấy việc bếp núc. Không khéo cuối năm lấy nhông để mần nội tướng cũng nên. Khi mô mà các bạn nỏ chộ Tây chém gió về đêm nữa thì biết tê nồ. He he. Bữa ni dân cà phê rủ chắc đi tưới đợt 2 của mùa khô ni rồi. Quân nớ tưới bằng cách câu điện ba pha. Nhiều nhà tưới quá. Hấn quá tải nên điện đóm như đom. Cúp rồi có, có rồi cúp, như kít nặn á nà. Bữa mô Tây kể chuyện tưới điện cho mà đọc. Giừ thì khoe ảnh ngài Hrê ở Quãng Ngãi, Raglai ở Ninh Thuận, Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình, ngài Chăm, ngài Kinh đi mần. Nì, nghe nói Bru-Vân Kiều gồm bốn tộc ngài đó là Vân Kiều, Ma Coong, Khùa, Trì. Tìm hiểu về dân tộc thiểu số đúng là cha của nhọc các bạn ạ. Chơ mà Tây cứ ưng đâng ảnh dân tộc thiểu số. 

Ra đồng - Ảnh: Thành Vương

Người Hrê - Ảnh: Trần An

Người Bru- Vân Kiều. Ảnh: Thành Vương

Người Raglai - Ảnh: Tiến Luyến

Chăn cừu- Ảnh: Tân Hoàng
Buôn Ama Thuột, mồng 6 tết Ất Mùi (24/2/2015)
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Monday, February 23, 2015

BÁNH TRÁNG – LINH HỒN CỦA TẾT Ở MIỀN NAM

   Có một bạn hồi trong năm nói rằng tò mò tết ở Tây Nguyên quá. Giờ xong ba ngày tết rồi, Tây xin phép trả lời bạn ấy như này:
Tác giả ảnh: Nguyễn Hà
   Trước hết Tây muốn nói là đồng bào thiểu số bản địa ở Tây Nguyên không ăn tết Nguyên Đán như ta. Vì vậy trong bài này chỉ đề cập đến “người Tây Nguyên” ở phạm vi hẹp là người dân tộc Kinh di trú vào thôi nhé. Thế thì muốn biết người Kinh ở Tây Nguyên ăn tết như nào thì phải biết họ từ đâu đến mảnh đất này. Họ đến Tây Nguyên sống và mang theo trọn vẹn hồn tết quê vào đây luôn. Ngoài quê ăn gì thì trong này ăn như thế ấy. Chợ ở Tây Nguyên có đủ các loại nhu yếu phẩm bám sát sự đa dạng của vùng miền. Tuy nhiên, dù muốn dù không, người Kinh ở Tây Nguyên vẫn có sự pha trộn một chút trong lối sống. Món bánh tráng cuốn với rau xà lách cùng với thịt và dưa món là biểu hiện rõ nhất. Hôm nay mồng 5 tết, kỷ niệm ngày vua Quang Trung dẹp quân Mãn Thanh ra khỏi đất Thăng Long. Chúng ta lại thêm một lần ghi công cho cái bánh tráng (bánh đa)
Tác giả ảnh: Nguyễn Hà
   Nếu có điều kiện, các bạn đến vùng chiêm trũng của Bình Định. Ở đâu đó trên vùng đất ấy vẫn có cụ già đặt bánh tráng (đã nướng) lên đỉnh đầu để bẻ đôi rồi mới ăn. Tương truyền rằng người Bình Định mang ơn cái bánh tráng vì nó giúp cho vua Quang Trung hành quân thần tốc ra Thăng Long dẹp giặc. Bánh tráng thì các bạn biết rồi, có thể nướng hoặc nhúng nước cho ỉu là có thể ăn đến no. Vừa đi có thể vừa nhâm chi. Thứ lương khô ấy lại nhẹ nên tiện cho việc chuyển quân.
Tác giả ảnh: Nguyễn Hà
   Các bạn có tin lời của Tây không nhỉ? Cô bạn gái của Tây ở Phú Yên nói rằng một cái tết. Đại gia đình nhà bạn ấy ăn hết một thùng phuy bánh tráng. Cái thùng phuy chuyên đừng dầu lẻ hoặc đựng nước nấu rượu ở quy mô lớn ấy. Các bạn hình dung đi, nó cao như thế mà bánh tráng xếp chồng đầy thể tích thùng ấy mà xong kỳ nghỉ tết là hết. Người Nam Miền Trung cuốn bánh tráng với cơm để ăn no chứ không phải ăn chơi như chúng ta ở quán nhậu đâu.
   Khác với người Nam Miền Trung và Tây Nguyên thích ăn bánh tráng nhúng nước rồi cuốn với rau. Người miền Tây và Đông Nam Bộ lại chuộng bánh tráng phơi sương. Bánh tráng ấy được nướng lên rồi đêm về họ đặt liếp bánh trên bãi rau sạch đã được tưới nước lúc chiều để sương và hơi nước thấm nhẹ đều lên hai mặt bánh. Trưa hôm sau có ngay bánh tráng phơi sương cuốn với rau rừng kẹp thịt luộc chấm mắm ớt. Ui chu, ngon hết sảy! Bánh tráng phơi sương phải ăn nhanh chứ để sau mười ngày nó mốc trong thùng chứa liền.
   Có điều kiện, các bạn đi du lịch từ Đà Nẵng cho đến tút lút mũi Cà Mau kiêm luôn Tây Nguyên. Nếu các bạn ghé nhà nào mà không có bánh tráng trong nhà. Tây cho đánh vào mông. Nói thế để biết bánh tráng quan trọng như thế nào cho tết của người phía nam đèo Hải Vân. Tết trong này nằm trong đỉnh điểm của mùa khô nên nóng lắm. Bánh chưng bánh tét làm ra để cho có không khí tết thế thôi chứ không khoái bằng sự mát mẻ của món bánh tráng cuốn rau. Khoảng hai tháng trước tết là nhà nào nhà nấy lo gieo hạt rau xà lách cho kịp tết ăn rồi.

   Tuổi thơ ai chả từng ăn bánh tráng mè (bánh đa vừng) nhỉ? Bánh tráng là quà của con nhà nghèo nhưng luôn là món quà giàu hình ảnh tuổi thơ nhất các bạn nhỉ? Cái bánh tráng như gói cả linh hồn dân tộc Việt Nam trong đó vậy. 
Buôn Ama Thuột, mồng 5 tết Ất Mùi (23/2/2015)
Tây Nguyên Xanh
1 comment