Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, March 7, 2015

MỘT LẦN MẦN CỐ VẤN TÂM LÝ

Tác giả ảnh: Phan Minh Trí
   Cũng độ này năm 2008, thầy luyện môn Sinh chuyển trường nên bỏ lớp, thầy ôn môn Hóa bị đánh nứt sọ não phải nằm viện nên sợ y khoa Huế rớt. Mình định thi vào ngành sư phạm tâm lý giáo dục ở trường đại học Quy Nhơn do chỉ trường ấy mới tuyển ngành đó khối B. Sém tí nữa là đăng ký rồi nhưng vẫn chọn y khoa Huế. Run rủi thế nào, cuối cùng mình là sinh viên đại học Quy Nhơn nhưng ngành khác ở khối A. He he. Cơ mà đã từng có “đương sự” cần hỏi “phải làm sao” rồi. Chuyện là...
   Vào một buổi tối trước ngày Quốc Tế Phụ Nữ như này đây. Mình ở ký túc trọn bốn năm nhưng hay giao du với bọn xóm trọ lắm. Mấy đứa này là bạn hồi cùng địa điểm thi, tình cờ gặp lại nên chơi tuốt. Chúng nó là con gái vùng đồng bằng sông Thu Bồn. Đẹp thôi rồi. Bọn con trai cùng xóm trọ sang tán suốt. Truyền thống của bọn con gái là kéo bầy đi ăn chè cho bọn trai hãi vãi tè, khỏi trêu ghẹo. Tối hôm đó, tự dưng cô bạn rủ ra ăn chè. Sau đó cả bọn đi bộ trên đường Xuân Diệu, ngồi lên lan can chỗ eo Nín Thở chơi trò “nói thật”. Đông người nên cứ có chỗ là ngồi thôi. Chân mình ngắn nên phải trèo chứ không nhảy cú phóc lên lan can được. Thế quái nào dẫm trúng bó hoa của cái anh đang ngồi bên cạnh. Hú hồn!
   Tất nhiên là xin lỗi rối rít. Anh ấy cười hiền lắm. Nom cái mặt buồn thõng thượt luôn. Thấy đối phương không manh động nên mình thỏ thẹt hỏi anh đang chờ chị nào à. Thế là nghe anh ấy tâm sự rằng anh với chị kia yêu nhau từ thời nhũ nhú chũm cau. Anh hơn chị ấy một hai tuổi gì đấy. Hai người ở sát nhà nhau tại vùng thôn quê của miền trung du Nghĩa Hành, Quãng Ngãi. Yêu nhau say đắm. Chàng học ngành điện và đã làm việc ở Đà Nẵng. Chị hẵng còn học năm cuối ở đại học Quy Nhơn. Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, anh chạy xe máy từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn trong trạng thái bị cảm sốt nhé các bạn. Anh mua một bó hoa hồng đẹp ngây ngất chờ chị trước cổng trường. Bỗng trong đám đông, anh linh cảm như có chị ở đấy. Anh thấy chị đang khoác tay một chàng trai lạ bước sang đường. Anh gọi hỏi chị ấy đang ở đâu. Chị ấy lánh đi nói dối rằng đang ở trong ký túc xá. Đấy là lý do mình dẫm nát hoa mà anh ấy không phản ứng gì cả. Sau đấy anh khoe hơn một trăm tin nhắn tình cảm còn nguyên trong điện thoại mà cách đó vài giờ chị còn nhắn cho anh.
   Chả biết an ủi anh ấy như thế nào cả. Chỉ biết ngồi cài đặt lại kiểu hiển thị thư mục trong điện thoại từ dạng mạng lưới sang dạng danh sách sao cho chữ nhiều và ít ký hiệu, trình tự các mục cũng bị đổi để không thể bấm theo thói quen được. Sau đó đổi ngôn ngữ điện thoại của anh ấy. Bảo anh ấy là về đăng ký học lớp ngoại ngữ này để cuộc sống có thêm cái mới. Có môi trường bạn mới và sẽ có nhiều cơ hội mới khi biết thêm một ngôn ngữ nữa. Có niềm quam tâm mới sẽ bớt đi niềm quan tâm cũ. Đừng nghe những bản nhạc trẻ gào thét cấu xé nhớ người yêu nữa mà hãy nghe dân ca để thấy tính vị tha của người xưa khi không đến được với nhau.

   Sau đấy, mình vứt hộ anh ấy bó hoa vào sọt rác và chưa bao giờ gặp lại anh ấy nữa. Chẳng biết giờ anh ấy ra sao. Các trai rút kinh nghiệm là cứ tóm cổ gái đi chơi rồi hẵng mua. Mua trước rồi hý hửng đi tặng nhưng gặp sự vụ như cái anh đã kể thì nhọc lòng lắm thay! He he.
Buôn Ama Thuột, 7/3/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

MẸ CỦA CON TRAI

   Ngày ấy, mẹ sinh hắn khi đã có một đứa con gái rồi. Thời đại bị ép kế hoạch hóa lại vẫn ảnh hưởng tư tưởng phải có con trai nên hắn là niềm hy vọng cho hạnh phúc dài lâu của mẹ. Thời ấy làm gì có chuyện đi siêu âm để biết trai hay gái, chỉ đến lúc đẻ rồi mới biết thôi. Thấy người ta bị kỷ luật nặng nề, bị bêu rếu mọi lúc mọi nơi vì sinh đứa thứ ba để kiếm con trai khiến mẹ hắn thấp thỏm trong chín tháng mang thai. Ngày trở dạ, hắn đạp bụng mẹ ghê lắm. Mẹ hắn oằn mình chịu đau và cố cho hắn được thấy ánh bình minh. Thế rồi hắn cũng khóc oa oa chào đời. Người mẹ ấy cố gượng dậy, thấy cái đùm đen đen giữa bẹn của hắn mà tựa như vừa uống một liều thuốc tiên vậy. Mọi cảm giác đau đớn, sợ hãi không còn nữa. Mẹ hắn thiếp đi trong hạnh phúc.
Tác giả ảnh: Trần Khánh
   Hắn được nuôi trong điều kiện tốt nhất, được cưng nhất nhì và hắn cũng là đứa khiến mẹ phải khản cổ vì nhắc nhở nhất. Vào học lớp một, cô giáo dạy hắn viết bút bơm mực. Hắn viết thì ít mà cứ suốt ngày bơm mực. Quần áo, giày dép, cặp sách đều có vết mực. Mẹ trở thành “chuyên gia giặt đồ” cho hắn.
   Đến lúc được kết nạp vào Đội Thiếu Niên Tiền Phong, hắn được mẹ mua cho cái khăn quàng đỏ mới tinh. Nhưng vài ngày sau hắn làm mất. Mẹ lại mua cái mới và hắn lại làm mất thêm nhiều cái nữa. Bút và khăn quàng đỏ là hai thứ hắn khiến mẹ tốn tiền nhiều nhất. Ấy thế mà ngày Quốc Tế Phụ Nữ hắn giả vờ xin tiền mua cái gì đó cho việc học nhưng thực ra là mua cà tặng cho cô bé cùng lớp có má đỏ hây hây, làn da mướt mát đã trao cho hắn nụ cười rạng rỡ.
   Ngày thi đại học, mẹ đích thân dắt hắn đi thi. Hắn đỗ. Ngày nhập học cũng vẫn mẹ mua cho hắn đủ thứ nhu yếu phẩm để hai bố con hắn đến trường học. Đêm trước khi lên xe, mẹ hắn dặn con trai mà cứ như dặn con gái phải giữ gìn ấy. Mẹ sợ hắn xa nhà, dễ phải lòng cô nàng nào đấy. Một hôm trời giông gió, hai đứa ướt nhẹp, trú cùng phòng trọ và rồi bỗng một ngày hắn dắt cô bé “vác ba lô lộn ngược” về xin cưới khi đang học thì hỏng hết cả tương lai. Người mẹ nào cũng mê tín mà. Sợ rằng lỡ chúng nó dại dột phá đi rồi sau này hắn lấy người khác bị phạt không có con thì khốn.
   Hắn nghe lời mẹ lắm. Hết bốn năm đại học mà không thấy ò í e gì nên mẹ hắn mừng thầm. Hắn lại xin được việc làm ngon trớn. Mẹ hắn thở phào nhẹ nhõm tự hào rằng con mình chẳng mất tiền “mua” việc. Bỗng một ngày đẹp trời, hắn cùng với một con bé nữa đến nhà và thông báo là đã trót dại với nhau. Nghe nói con bé kia chưa xin được việc khiến mẹ hắn không ưng bụng. Nhưng lỡ rồi không thể chạy làng được. Thế rồi cái đám cưới cũng diễn ra.
   Thời đại này mà một mình chồng đi làm kiếm tiền nuôi vợ con thì nhọc nhằn lắm. Mẹ hắn thương con trai nên tự nhủ rằng thôi thì con dâu cũng như con gái. May mắn không phải mất tiền chạy việc cho con trai nhưng trời an bài phải dùng chạy cho con dâu thì đành chịu. Vất cả mối lái khắp nơi đủ chỗ, cuối cùng, mẹ cũng xin được việc cho vợ hắn.
   Tưởng đâu thế là ổn đến già. Ai ngờ lâu lâu con dâu lại thút thít ăn vạ mẹ chồng vì thấy chồng tình tứ với cô gái lạ. Mẹ hắn phải hết lời khuyên nhủ, dàn xếp mọi nhẽ. Mà có gì đâu, vợ hắn ghen vu vơ rồi đổ vạ lên mẹ hắn thôi. Ờ thì công việc của hắn cũng thường xuyên phải đi với gái đẹp để tiếp ông này bà nọ. Mẹ trở thành cố vấn tâm lý bất đắc dĩ cho hai vợ chồng hắn.
   Hắn sinh con đẻ cái. Mẹ trở thành “vú em” cho hai vợ chồng hắn đi làm. Chăm con thì sai cái là có thể cầm roi đánh một phát vào đít nhưng cháu thì phải khéo kẻo bố mẹ chúng nghĩ bà ngược đãi cháu. Ấy thế mà khi hắn đánh con, mẹ hắn khóc sưng húp mắt vì thương cháu nội.
   Bình thường mẹ cưng hắn lắm. Tự dưng một năm trước khi mẹ hắn đổ bệnh, hai mẹ con ghét nhau như ghét hủi. Chuyện tâm linh không ai giải thích được rõ ràng. Chỉ hiểu mang máng rằng trời tạo cái điềm như thế để giây phút âm dương cách biệt không quá lâm ly, người sống bớt nuối tiếc và linh hồn người chết nhanh được siêu thoát.
   Mẹ hắn chỉ có một trai và một gái. Gái lớn theo chồng. Khối tài sản của mẹ để lại hết cho con trai. Bà cụ không phải vướng bận gì hết. Ước nguyện sau cùng của cụ là được hỏa thiêu thân xác và tro cốt được rải trên dòng sông quê hương. Cụ dặn con cháu rằng bao giờ nhớ bà nhớ mẹ thì về úp mặt vào dòng sông quê, hãy xem bốn bể là nhà, tận hiến khắp muôn nơi, đừng quá coi trọng hình thức địa táng. Còn địa táng là còn làm con rối cho các chính trị gia.
   Chỉ khi rơi nước mắt vì sự ra đi của mẹ. Hắn mới biết giá trị của hai tiếng “mẹ ơi!”
***
Kính tặng tất cả những ai đã, đang và sắp làm Mẹ nhân ngày 8/3 dương lịch hằng năm
Buôn Ama Thuột, 7/3/2015

Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, March 6, 2015

HẦU ĐỒNG QUA ẢNH CỦA PHÓ NHÁY ĐOÀN KỲ THANH

   Sau đây là bộ ảnh thể hiện cảnh hầu đồng của nhiếp ảnh gia Đoàn Kỳ Thanh. Tây Nguyên Xanh trân trọng giới thiệu đến các bạn. Chúng ta nhìn nhận vào góc độ văn hóa tín ngưỡng thôi nhé. Các vấn đề nhạy cảm khác. Tây không muốn nói đến. Tây không cổ xúy hay bài xích gì cả. Tây chỉ muốn nhìn nhận nó ở khía cạnh văn hóa tín ngưỡng.






























































Buôn Ama Thuột, 6/3/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments