Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, March 13, 2015

MÙA TƯỚI CÀ PHÊ - Phần 7. THẢM HỌA SƯƠNG MUỐI

Tác giả ảnh: Nhat Tien Tran
   Sáng nay mở Facebook lên thấy bạn Nhat Tien Tran đăng ảnh thảm họa sương muối trên đồi cà phê ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Mình rợn tóc gáy và chân tay lẩy bẩy. Lần đầu tiên mình thấy hình ảnh lá cà phê cháy vì sương muối ghê gớm như vậy đấy. Ở Dak Lak của mình, nếu có thì chỉ sợ sương muối xuất hiện vào mùa ra hoa cà phê thôi. Sương đậm đặc quá sẽ làm hoa ngậm nụ chứ không bung nở. Hoa không nở thì ôi thôi rồi, người nông dân không có cà phê để hái và người nuôi ong mất luôn mùa phấn cũng như mật ong. Người nuôi ong trên cả nước bị lỗ chi phí vận chuyển các thùng về Tây Nguyên. Vùng mình ít xảy ra sương muối nặng nề đến độ cháy lá như mới có lửa hui ấy thì đất lại thích hợp với cây cà phê Vối (Rubusta) chứ không có sản lượng cà phê Chè (Arabica) cao như Sơn La và Lâm Đồng.
Lá cà phê cháy vì sương muối - Tác giả ảnh: Phan Nhân
   Trên thị trường, cà Chè được ưa chuộng hơn cà Vối nên giá cao hơn hẳn. Việt Nam nổi tiếng xuất khẩu cà phê Vối thôi. Cà chè ưa địa hình núi cao từ 1000 – 1500m so với mực nước biển nên bén rễ nhiều ở hai tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Thế nhưng hai tỉnh này khốn khổ vì nạn sương muối. Riêng ở Lâm Đồng, sương muối thường xuất hiện vào tháng một và hai hằng năm. Đây là khoảng thời gian hoa cà phê nở đợt đầu tiên. Đợt này quyết định sản lượng của năm đó. Các đợt sau có nở nhưng không nhiều bằng. Chắc do biến đổi khí hậu mà giữa tháng ba như này vẫn có sương muối nhiều như vậy.
Tác giả ảnh: Nhat Tien Tran
   Nhìn hình ảnh các bạn cũng thấy được độ tàn khốc của sương muối có kém gì sóng thần hay động đất đâu. Những mảng màu nâu ấy là cây cà phê vị cháy đấy. Đồng nghĩa với chuyện những cây cà phê ấy sẽ bị cưa ngang gốc (cách mặt đất 20-25cm) hoặc nhẹ hơn là bị cắt ở những chỗ cách nơi dính sương khoảng 5cm để chờ đến mùa mưa xuống, cây đâm chồi nảy lộc trở lại. Kiểu gì người nông dân cũng trắng tay trong một (nếu cưa gốc) hoặc hai (nếu cắt cành) năm. Chi phí phân tro, tưới tắm cho cây cà phê rồi tiền ăn uống, học hành của gia đình chủ rẫy trong một năm ở đâu mà ra? Vâng, ký nợ và hứa hẹn hết mùa cà phê sẽ trả! Nhưng sản lượng sau khi bị sương muối không cao, giá cả lại lên xuống phập phù. Cái vòng “vay đầu năm – trả cuối năm” cứ bám riết người nông dân vậy á. Thương các bạn K’ho ở Đa Nhim quá! Nói thiệt chớ nhìn cảnh này, các bạn ấy muốn mình bị khô vì sương thay cho lá cà phê.
Tác giả ảnh: Nhat Tien Tran
   Vì sợ sương muối và gió đánh nát lá cà phê mà khi các bạn đến thăm rẫy  thường gặp những hàng cây Muồng Đen (muồng Xiêm) cao lêu đêu trồng xen giữa các hàng cà phê. Những cây ấy có tác dụng chắn gió và điều hòa độ ẩm không khí, ngăn ngừa những bức xạ nhiệt giúp giảm thiểu hiện tượng sương muối.
Tác giả ảnh: Nhat Tien Tran
Buôn Ama Thuột, 13/3/2015
Tây Nguyên Xanh
***
Các bạn bấm vào Phần 1 Phần 2Phần 3Phần 4 , Phần 5Phần 6 để theo dõi từ đầu nhé.
2 comments

Wednesday, March 11, 2015

THỜI ĐẠI CÁI GÌ CŨNG TRA GOOGLE CHỨ KHÔNG THÔNG QUA Ý KIẾN BỐ MẸ LÀ NHƯ THẾ!

   Các bác phụ huynh có vẻ như đang nhảy xởn lên vì vụ bọn trẻ đánh nhau trong lớp học nhỉ? Các bác đừng có thở dài than vãn thời đại mạt pháp như thế. Các bác đang đào xới những cái vì-đâu-nên-nỗi nhỉ? Các bác hay phán rằng những sự đánh nhau “hoàng tráng” như này phổ biến từ thế hệ 9X bọn Tây nhỉ? Tây không cãi đâu nhưng cho Tây chõ mõm một chút để đời bớt oan phát nào.
   Tây cũng có thời bỏ học đi đuổi ong bắt bướm như ai. Tây là dân 9X đời đầu nhé. Nói chung là Tây cũng như bao đứa khác. Thích xem phim Hàn Quốc đến độ học theo phim luôn. Lôi hết sách vở bỏ lên tay còn cặp thì rỗng tuếch, hiên ngang đi vào cổng trưởng, thích thằng nào, va vào thằng ấy. Ờ thì Tây cũng ưng trong cuộc nhặt nhạnh sách vở, hai con mắt vô tình thấy nhau. Hôm sau mong đằng ấy hỏi thăm một câu, Tây bẽn lẽn bảo không sao bạn à. Thế rồi kiếm cớ gặp thường xuyên. Nảy sinh tình cảm. Ối à là được tiếp cận người mình thầm thương. Yêu không chịu nổi!
Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa
   Thế hệ 9X của Tây ấy mà. Đa số lên lớp sáu mới phải học thêm tiếng Anh và Toán. Chẳng như thời buổi @ này, trẻ con phải học thêm từ thời thi vào lớp mười. Sáng đi học trên trường, chiều về thay vì ôn bài, làm việc nhà như các liền anh liền chị 7X, 8X và xa xa là các cụ 5X, 6X thì bọn Tây phải ủi mặt đến các lớp học thêm. Ngồi học thêm dễ thở hơn ở trường. Mái thoải đá lông nheo hoặc giở trò mèo gì cũng được. Thầy cô có mắng nhưng không đến nỗi như trên trường. Bọn Tây mà bỏ lớp thì... thu nhập của thầy cô ở đâu ra. Phũ phàng mà nói là như thế. Nhiều khi đi học thêm chỉ để ngắm cái thằng ở góc bàn nọ. Dân 9X bọn Tây yêu sớm lắm. Lớp sáu đã biết nói lời yêu, lớp bảy nắm tay, lớp tám ôm ấp, lớp chín trốn bố mẹ ra góc yên tĩnh hôn nhau rồi hứa sẽ cưới nhau đằng ấy nhé. Ba lớp: mười, mười một và mười hai, bố mẹ thấp tha thấp thỏm canh chừng con gái. He he. Yêu rồi thì chắc chắn có chuyện ghen. Đa số đánh nhau thuở học đường là do đánh ghen. Con gái mà đánh nhau cũng như cho họ gia nhập đội bóng đá nữ ấy. Trái bóng ở đâu thì cả đội túm tụm ở đấy. Lúc đánh nhau cũng vậy. Cả lũ xé áo, chửi thề, giật tóc chứ không phải theo kiểu tỉ thí võ nghệ của bọn con trai đâu. Tây được mệnh danh là mông dẹt, ngực lép, răng vâu lại chuyên nói xấu thiên hạ nên chả có ai yêu. May thế chứ lị. Nếu không á? Chắc cũng choảng nhau tóe máu với vài đứa rồi. He he.
   Trẻ con thời đại @, tiệm cận thời đại công nghệ số này thì sao? Bé tí tị tì ti, nói còn bập bẹ đã được tiếp xúc với thiết bị công nghệ rồi. Điện thoại điện thiếc, máy móc  linh ta linh tinh chúng biết tuốt từ thời tiểu học. Hơn nữa, chưa bao giờ “công nghiệp dạy thêm và học thêm” lại thăng hoa như lúc này. Trẻ con có vô vàn lý do để thoát khỏi tầm kiểm soát của bố mẹ. Trong đó đi-học-thêm là hợp pháp nhất. Đến lớp thì lại trốn học, đi hẹn hò. Phim ảnh thể hiện sự yêu đương, ghen tuông, hờn giận thừa mứa ra. Các thước phim nhạy cảm muốn xem cũng chỉ một cú nhắp chuột là có.
   Các phụ huynh 5X, 6X, 7X và 8X phải chấp nhận sự thật rằng con, cháu mình ở trong vòng xoáy ấy của thời đại. Các cụ vẫn cảm thấy như đang sống ở thời muốn-hẹn-hò-phải-đứng-ngoài-hàng-rào-kêu-tắc-kè thì tặc lưỡi tiếc rẻ sự ngoan ngoãn là đúng rồi. Thời đại này, hai đứa ở hai nhà nhưng bố của đối phương đi ngủ lúc mấy giờ, nhà có mấy con chó, chốt cửa cổng kêu khẽ hay vang ầm...đều biết tuốt tuồn tuột.
   Nói vậy không có nghĩa là đổ lỗi hết cho dạy thêm và học thêm. Tuy nhiên phải công nhận rằng công nghệ số phát triển cùng với nhu cầu học thêm ở bậc phổ thông đã góp phần không nhỏ vào nạn học trò mất nết với thầy cô tại trường (vì đã biết hết kiến thức ở lớp học thêm nên bất cần thầy cô ở trường), trốn nhà đi học thêm để rồi có  cơ hội nảy sinh tình cảm sớm dẫn đến hành xử theo phim ảnh chứ không thông qua ý kiến tư vấn của bố mẹ nữa. Rõ nhất là cái gì cũng gõ Google. Có lẽ bố mẹ phải có kho khiến thức nhiều hơn Google thì may ra quản con được. He he. Chõ thế thôi, Tây cũng không có cách giải quyết đâu. 
Buôn Ama Thuột, 11/3/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, March 9, 2015

NGƯỜI YÊU CŨ KHOE HÌNH NGƯỜI YÊU MỚI

Tác giả ảnh: Nguyễn Đăng Đệ
Người yêu cũ khoe hình người yêu mới
Hỏi em ơi, nhìn nàng có được không?
Trông mặt họ vẻ như tình tứ lắm
Ờ thì đẹp, chẳng nhẽ phán rằng không.

Người yêu cũ khoe hình người yêu mới
Với tâm thế hân hoan đến lạ kỳ
Người khiến tôi phải đăm chiêu suy nghĩ
Ý của câu vừa hỏi ấy là gì?

Người yêu cũ khoe hình người yêu mới
Nghĩa là tôi nên hiểu sự thật rằng
Kể từ nay người không thương tôi nữa
Chẳng còn buồn vì nỗi nhớ ngày xưa.

Người yêu cũ khoe hình người yêu mới
Chắc người mong tôi ghen trong điên loạn
Chắc người tưởng tôi khóc suốt đêm dài
Lạ lùng thay tôi vô cùng vui vẻ.

Chúc cho anh có cuộc sống tròn đầy
Chúc hai người sẽ trăm năm hạnh phúc
Chúc cho tình cũ được ngủ yên
Chúc cho tôi thôi nhận tin vớ vẩn.
Buôn Ama Thuột, 9/3/2015
Tây Nguyên Xanh


10 comments

Sunday, March 8, 2015

NIỀM KHAO KHÁT ĐOÀN VIÊN TRONG ẢNH CỦA PHÓ NHÁY TIẾNG LỤC LẠC

   Trong danh sách bạn facebook của tôi, phần đa là dân chơi ảnh. Tôi không có máy nhưng thích minh họa ảnh đẹp và nhất là thích ghi chú tác giả ảnh để nâng giá trị những bài viết của mình lên nên tôi hay lục lọi kho ảnh của bạn bè. Có những người chỉ khoe ảnh chim muông, có người chỉ trưng ảnh phong cảnh, có người chỉ tung ảnh người mẫu, có người chuyên chụp những sinh vật bé tí ti bằng ống kính phóng đại, và cũng có người vì không có thời gian để đến những nơi xa xôi nên ngồi ở nhà sắp xếp đồ chơi, dựng lại hình tượng cuộc sống qua phong cách ảnh tĩnh vật. Như anh chẳng hạn...
   Anh sinh ra và lớn lên ở đồng bằng Bắc bộ, nơi có bến sông, mái đình, lũy tre trường tồn trong nền văn thơ xướng họa dân gian vĩ đại. Nghiệp nhà binh khiến anh rong ruổi từ Bắc vào Nam và nay anh “tạm trú chân lâu dài” ở miền sông nước Cửu Long. Mạ non, lúa thì con gái, cọng rơm, hương cơm mới của nơi đây đôi lúc làm cho anh nhớ quê hương da diết. Hơn nữa, dù đơn vị gần nhà nhưng anh cũng không có nhiều thời gian bên vợ con. Có lẽ vì thế mà tôi cảm nhận được sự khao khát đoàn viên trong những tấm ảnh do anh chụp.
   Những món ăn mà anh được thưởng thức trong giây phút đoàn viên luôn được chụp lại theo phong cách nghệ thuật tạo ảnh tĩnh vật. Có lẽ vì đĩa trửng ốp-la ăn với bánh mì ..

 ...hoặc đĩa mì xào ăn vào buổi sáng...

...hay đĩa thịt gà...


... chảo nước sốt...


...dăm miếng chả ram...


... đĩa thanh long ăn trong bữa trưa...


...đều do một tay vợ nấu cho nên anh trân trọng bằng cách chụp lại trước khi ăn. Phải chăng niềm đam mê chụp ảnh tĩnh vật khởi nguồn từ đây? Mỗi một bức ảnh của anh đều ẩn chứa đâu đó hình dáng vợ.

   Đọc câu chữ và xem ảnh của anh, tuyệt nhiên tôi không thấy sự ước ao được đến nơi này nơi nọ mà chỉ thấy niềm khát khao quây quần bên bố mẹ, vợ các con. 

   Có người ví von rằng lính mà không làm bạn với đàn như con diều bay trong những ngày lặng gió. Anh cũng yêu đàn Ghi-ta, cũng muốn được ngẩn ngơ theo từng giai điệu. Tiếng đàn ru anh quên nỗi thiệt thòi của một người lính.

   Những gì thể hiện trên trang cá nhân của anh cũng bình dị lắm. Đôi lúc anh chia sẻ những câu chuyện vụn vặt của bạn bè để cho người khác cùng thấu hiểu trên đời này còn có những mảnh đời như thế. Có người thích lên mạng xã hội để chửi đổng, để chê bai, bài xích ai đó còn anh thì thích sự nhẹ nhàng, nhân văn của con chữ. Có lẽ bởi vì cả đời anh “chơi” với súng đạn, giải quyết những nguy cơ này nọ nên anh yêu sự yên bình của cuộc sống.
    Lâu lâu anh hân hoan khoe góc nhỏ của đời mình. Đó là: 

...cái giá sách của các con...


...trêu bạn bè bằng hình ảnh tếu táo của người lúc say...

...hay những khoảnh khắc bông đùa với con cái.


   Xem ảnh của anh, lắm khi tôi nghĩ anh này làm như yêu vợ, yêu mẹ lắm ấy. Mà thật! Cũng chụp ảnh mớ rau ở chợ nhưng anh xoay bố cục sao cho gợi cảm nhất, về nhà  còn nắn nót chỉnh lại màu, xóa tạp cho bức ảnh. Không phải như người khác chụp ảnh bằng điên thoại rồi thướng lên mạng xã hội ngay và luôn để khoe rằng đang đi chợ cùng vợ đâu. Ảnh của anh cứ như thể trân trọng từng dấu vết có bàn tay vợ đã sờ vào các mặt hàng ở chợ vậy. Nhiều lúc tôi cứ hình dung cảnh anh “lẽo đẽo” theo vợ đi chợ chỉ để được ngắm lâu hơn cái lưng của người đã bao năm gánh vác việc gia đình dùm mình.

   Cuộc đời của một con người cũng như chiếc xích lô chở biết bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn. Có người cho rằng ngày 8/3 và 20/10 hằng năm chỉ làm cho giới nữ cảm thấy thêm bất bình đẳng. Có người lại tôn vinh hết lời hai ngày này. Còn tôi lại muốn mình và mọi người sử dụng hai ngày này hằng năm để nhắc nhở nhau rằng chúng ta đang có một gia đình. Ừ thì cứ lấy cớ ngày Quốc Tế Phụ Nữ và ngày Phụ Nữ Việt Nam để quan tâm bà, quan tâm mẹ, quan tâm chị, quan tâm em gái rồi kiêm luôn chúc sức khỏe ông, bố cũng như em trai. Có phải ai cũng mạnh dạn biểu lộ cảm xúc hằng ngày đâu. May mà có hai ngày này để mà nói ra chứ không thì bí bách lắm. Phải không các bạn?

   Hãy trân trọng những phút đoàn viên để vững bước trên hành trình đơn độc nào đó. Ấy là lý do tôi chọn những bức ảnh của tác giả Tiếng Lục Lạc để gửi thông điệp đó đến các bạn. 

   Trân trọng cảm ơn tác giả ảnh đã cho phép tôi sưu tầm ảnh và cảm ơn các bạn đã chịu khó đọc những dòng lòng của tôi. Chúc các bạn khỏe mạnh và hạnh phúc.
Buôn Ama Thuột, 8/3/2015
Tây Nguyên Xanh


No comments