Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, March 28, 2015

NHỚ NHỮNG TỐI HƯỞNG ỨNG GIỜ TRÁI ĐẤT Ở QUY NHƠN

   Ối, tối nay có sự vụ hưởng ứng giờ trái đất thì phải. Nãy em xem tivi, họ bảo thế. Tự dưng nhớ Quy Nhơn dạt dào luôn. Tối nay, mấy cái ký túc xá ở đại học Quy Nhơn xôm trò lắm đây. Các bác cho em há mõm kể cái thời vàng son mần sinh viên ở Quy Nhơn tí. Vui lắm luôn. Trọn bốn năm em ở ký túc xá. Năm một ở tầng 5, năm hai ở tầng 6, nhác leo trèo cầu thang nên năm ba ở tầng 2, sang đến năm chót ở tầng bốn vì lại thích ở tầng cao cao một tí để phơi đồ cho nó sướng. Ở tầng càng thấp, thứ nhất là nóng thứ hai là khả năng bị ướt quần áo khi phơi do tầng trên nhỏ giọt xuống là rất cao mà. Thầy bu em khoái cho em kí túc xá. Đơn giản là vì sợ em ở trọ. Một ngày mưa sụt sùi nọ, em quen một thằng ất ơ nào đấy ở chỗ trú mưa. Hai đứa nảy sinh tình cảm. Xa thầy xa bu dễ sinh ra u uất nhớ nhà. Có thằng đến an ủi thì kiểu gì chả xiêu lòng. He he. Đến ngày mưa khác, hai đứa không thèm trú dưới gốc cây hay bến xe buýt nữa là chui vào...phòng trọ, lỡ có ngày em vác ba lô ngược về nhà xin cưới. Thầy bu hởi “tại mần răng rứa con ơi” thì em lại đổ tại trời dông gió. Các bác hiểu tiếng Nghệ chứ nhỉ. Tại mần răng rứa nghĩa là tại làm sao đấy. Em chôm câu ấy trong kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh. He he.
Tác giả ảnh: Burrard Lucas
   Gì chứ hưởng ứng giờ trái đất thì lũ làng ở đại học Quy Nhơn hưởng ứng mạnh mẽ lắm. Chúng em hân hoan tắt đen, bỗng có đứa í ới tao chưa tắm. Thế là tắt đèn chính, chỉ bật mỗi đèn nhà tắm thôi.  Năm nào cũng có sự vụ ấy. Thế mí lạ. Trong một tiếng đồng hồ, có lắm chuyện hay ho cực. Bọn con trai đốt đèn cầy (nến) đến xin các chú quản lý ký túc cho lên giao lưu với các phòng nữ. Mấy chú bảo vệ ứ cho. Các chàng cú quá, rủ thêm mấy anh bạn ở trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Bình Định vác đàn Ghita đến ngồi giữa sân bóng trước ký túc xá C1 đàn hát hú hét tán gái. Gái trên này cũng thò đầu xuống tán thưởng. Một số chạy xuống nhập bọn hát hò. Trai mà ngồi với gái thì làm gì biết thời gian bật đèn. He he. Gần 11h, mấy chú gác cổng sắp khóa cổng, hội với tan.
   Có năm hưởng ứng giờ trái đất thì thế này. Nam thanh nữ tú không thèm xin xỏ bảo vệ nữa. Rủ nhau ra biển bắt còng về nấu cháo. Con còng nhìn như con cua nhưng bé bằng một lóng tay các bạn thôi. Nói thật là bốn năm, em chưa được húp tí cháo còng nào cả. Mặc dù cũng hí hửng tham gia đi bắt đấy. Chúng nó bắt còng thì ít mà liếc mắt đưa tình thì nhiều. Thấy hợp rơ quá, chúng chia cặp núp bụi hết. Chỉ nhõm em với biển. Hờ hờ, lãng mạn và đương nhiên là dễ phọt thơ tình buồn man mác thôi rồi. He he. Tộ xư, em kém cỏi đến thế là cùng. Bốn năm là chẳng làm được một anh nào “chết trong lòng nhiều ít” vì mình.

   Nhân thể bàn về giờ trái đất tẹo nhỉ? Hình như năm ngoái, người ta làm um lên vì chuyện dùng nến trong khi tắt đèn. Đại khái cái vụ chưởi nhau bàn tán ấy là tắt đèn thì nên tối thui chứ đừng có dùng nến hay đèn dầu thay thế. Người ta sợ trái đất ấm lên nhờ lượng khí gì gì...à, hình như Xê-Ô-Hai thì phải. Khí này sinh ra khi đốt nến hoặc đèn dầu hay sao ấy. Em là dân Hóa nhưng ứ biết tên nó he he. Nghe bảo nó gây hiệu ứng nhà kính thì phải. Em ngu món này tợn. Hy vọng năm nay chúng ta tối thui trong một tiếng đồng hồ, không manh động. Nói nhỏ nhé, em tin là các cụ ở ủy ban kế hoạch hóa gia đình đa tim đập chân run vì sự vụ này. Hã hã.
Buôn Ama Thuột, 28/3/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

CHO NGƯỜI YÊU CŨ

Tác giả ảnh: Trần Cường
   Lần đầu tiên hát cho anh là hàng loạt bài về xứ Nghệ và những bài hát mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ nơi anh sống. Đó là lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất em hát nhiều đến thế. Ngày chia tay, anh chỉ yêu cầu em hát bài Nghe Câu Quan Họ Trên Cao Nguyên. Xứ Bắc quê anh sao mà dễ níu lòng người đến thế. Cái gì mà Người ơi người ở đừng về. Nghe rồi, ai nỡ bước chân đi? Nhưng giữa trời Tây Nguyên, em hát: “đến cao nguyên, người ở....đừng về” mà anh vẫn bước đi. Chắc do giọng em hát không hay, em đen đúa quê mùa. Khi yêu, anh hứa còn duyên thì anh vẫn đợi. Mà lỡ hết duyên anh vẫn chờ em như câu cuối bài hát Nghe Em Hát Còn Duyên. Nay, không biết anh có còn giữ lời hứa?
   Trước khi chia tay, anh bảo viết cho anh một bài về Chầu Văn. Em không mê loại hình nghệ thuật cổ truyền ấy. Chèo nói chung thì em thích nhưng riêng Chèo Văn thì em chịu. Ngày xưa, đọc tiểu thuyết Mùa Hè Giá Buốt của Văn Lê thì có xúc động bởi tình yêu của các nhân vật trong truyện đối với hát Văn. Hình ảnh người chiến sĩ lén lút cấp trên đi hát Chầu Văn cho hương hồn đồng đội và người nghe có ước vọng lúc hy sinh cũng được đồng đội hát Chầu Văn khiến em rơi lệ. Nhưng em vẫn chưa đủ trình độ chuyên môn để cảm hết tình nghệ thuật của hát Chèo Văn anh ạ. Cho em nợ bài viết ấy nhé. Bao giờ anh trở lại Tây Nguyên, em sẽ trả anh được không?
    Hôm nay trong xóm có đám cưới, người ta lại hát Nghe Câu Quan Họ Trên Cao Nguyên. Em lại thêm thấm lời bài hát Khách Đến Chơi Nhà. Đúng vậy, giá miếng trầu đừng cay, giá chén trà đừng chát, giá người ngoan đừng hát thì dỗi hơi ai lại phải lòng. Để bây giờ ra ngõ ố mấy trông ra ngõ vào trông...
Buôn Ama Thuột, 28/3/2015
Tây Nguyên Xanh
5 comments

Friday, March 27, 2015

CHÙM ẢNH CUỐI THÁNG 3/2015: KHÁT VỌNG THÁNG GIÊNG

   Tháng 3/2015 này làng ảnh Facebook tiếp tục hoài niệm về tháng ăn chơi của ngày xưa. Tháng này nằm trong tháng giêng âm lịch nên bài và ảnh về lễ hội rất phổ ở đầu tháng. Tôi không muốn nhắc lại những chuyện buồn của các lễ hội mang tính tâm linh nữa mà chỉ muốn gợi lại một vài tấm ảnh đặc sắc về các lễ hội tôn vinh tinh thần thể thao. Ví dụ như:
Tác giả ảnh: Lê Bu
 Lễ hội đua voi ở huyện Buôn Đôn (Dak Lak)
Tác giả ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa
hay lễ hội đấu vật làng Vân Trà ở Hải Phòng. Cứ đến hẹn lại lên, những địa phương này tổ chức lễ hội để thi thố, vui chơi. Anh em nhiếp ảnh cũng có cớ để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ảnh nghệ thuật.
Tác giả ảnh: Cần Hải
   Cộng đồng người Việt chơi ảnh đang định cư ở Nhật Bản hoài niệm tháng giêng bằng cách chụp chim và hoa của xứ bạn.
Tác giả ảnh: Xuân Trường
   Nếu như tháng 2/2015, người miền Bắc tiếc rẻ cho những cành đào phai tàn trước tết thì tháng 3, người ta đắm đuối với vẻ đẹp thuần khiết của hoa Lê được chuyển từ Tây Bắc xuống. Người ta mua những cành hoa Lê về trang trí trên bàn thờ nhân dịp rằm tháng giêng hoặc đơn giản là để chơi. Phong trào chơi hoa Lê chỉ mới phát triển trong vài năm trở lại đây.
Tác giả ảnh: Trần Kim Oanh
   Nếu như trên đất Tây Nguyên, cây cỏ chết vì khát nước thì Tây Bắc lại ngập tràn sắc đẹp của hoa Ban. Nghe bảo tháng 3, Tây Bắc đã bắt đầu có gió Lào thổi sang. Tôi hỏi một người bạn ngoài ấy rằng nắng thế thì liệu hoa có nhanh tàn không anh. Anh ấy bảo hoa Ban chỉ sợ mưa thôi. Trời càng nắng, hoa ban càng đẹp. Cái thứ hoa ấy đẹp đến độ có người thốt lên rằng “máy đểu quá, không lột tả được hết vẻ đẹp của em nó”. Cái máy ấy giúp cho người đó có biết bao nhiêu giải thưởng về nhiếp ảnh. Thế mà dểu gì nữa. Hoa Ban có thể quyến rũ và làm một người nghệ sĩ biết nói dối. Ôi hoa Ban!
Tác giả ảnh: Văn Hóa Sa Huỳnh
   Tháng 3 này, cả làng Facebook dậy sóng vì sự kiện lãnh đạo Hà Nội ra lệnh chặt hạ hàng nghìn cây xanh trên khắp thủ đô. Họ nói rằng không lường trước được tình cảm của nhân dân cả nước với cây xanh ở Hà Nội nhưng thực ra họ đã tổ chức đội ngũ nhân lực và thiết bị rất kỹ trước đó vài tháng để khi nhân dân chưa kịp phản ứng thì mọi sự đã rồi. Bằng chứng là chỉ trong hai ngày mà nhiều tuyến phố đã trơ trụi hết cây. Rõ ràng đó là ngụy biện. Sự ngoa ngôn lộng ngữ cộng thêm những trò lố nhằm vá víu, lấp miệng dân của lãnh đạo Hà Nội không thể xoa dịu lòng dân cho đến chừng nào có lệnh bắt khẩn cấp những kẻ bị dân gọi là “lâm tặc tràn về phố”. Làng chơi ảnh rủ nhau chụp cảnh và nhặt nhạnh những tấm ảnh sau cùng về những hàng cây giữa thủ đô. Người ở xa không ra được thì đăng những tấm ảnh hướng về Hà Nội.
Tác giả ảnh: Võ Triều Hải
   Phố vẫn đang dậy sóng và người nông dân vẫn phải ra đồng cày cuốc để lo cho con cái ăn học ở phố. Họ mong con cái học xong, kiếm được việc làm ở quê nhà. Khỏi phải bon chen nơi phồn hoa nhưng lắm thị phi.
Tác giả ảnh: Thành Long
   Tháng 3 này, một vài thửa ruộng trên đồng bằng sông Cửu Long đã vào mùa gặt. Cuối tuần, người chơi ảnh ở vùng phụ cận miền sông nước đổ về đó để chụp ảnh hoa súng.
Tác giả ảnh: Lê Đức Chuyên
  Cảnh quăng chài trên sông cũng được nhiều người khai thác ảnh lắm. 
Tác giả ảnh: Việt Quốc
  Tháng giêng ít mưa, biển lặng, gió nhẹ. Các phiến đá ngoài đảo lại mọc rêu xanh rất đẹp nên làng nhiếp ảnh tụ hội về đó lấy chủ đề sáng tác là Mùa Rêu.
  Tôi có 1185 bạn Facebook thì có khoảng 1000 bạn là dân chơi ảnh thứ thiệt rồi. Vậy nên trong khuôn khổ một bài viết không để đăng hết được từng ấy ảnh của các bạn đăng trong tháng vừa qua. Seri CHÙM ẢNH CUỐI THÁNG của tôi được tạo nên để cập nhật những biến động chính của làng chơi ảnh Facebook trong từng tháng. Không phải tôi đăng ảnh ai đó nghĩa là bênh vực ảnh họ đẹp còn ảnh của người không được đăng là xấu. Tôi chỉ muốn mỗi một tháng ghi những cái tên mới chú thích dưới ảnh để người đọc thấy seri bài của tôi phong phú về nội dung và tác giả thôi.
Tác giả ảnh: Chí Phèo
   Đáng lẽ bài viết này như thường lệ được công bố vào ngày cuối cùng của tháng. Nhưng vì 31/3/2015 là ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố Quy Nhơn yêu dấu của tôi nên ngày đó tôi dành đăng loạt ảnh giới thiệu về mảnh đất và con người Bình Định. Vậy nên hôm nay đăng Chum Ảnh Cuối Tháng 3/2015 này.
Tác giả ảnh: Lê Quang Thái
   Tựa đề Khát Vọng Tháng Giêng chính là khát vọng của tôi mong sao những tháng giêng sau không còn phải thấy những cái được gọi “cướp có văn hóa” như năm nay nữa. Và tôi tin những người đang đọc bài viết này cũng có khát vọng là thế hệ con cháu tôn trọng di sản lễ hội của tổ tiên để lại. Chứ cứ đà này thì tháng giêng hằng năm trở thành tháng phỉ nhổ văn hóa cổ truyền mất thôi!
Buôn Ama Thuột, 27/3/2015
Tây Nguyên Xanh
***
   Tây Nguyên Xanh chỉ chịu trách nhiệm về lời, không chịu trách nhiệm về ảnh. Nếu có thắc mắc về kỹ thuật tạo ảnh thì các bạn tìm gặp tác giả ảnh nhé. Khi các bạn đăng lại ảnh, vui lòng ghi tên tác giả ảnh. 
No comments

Thursday, March 26, 2015

MÙA PHÂN BÒ

   Thôn bên cạnh sắp có đám cưới, thiệp mời có in hình đôi uyên ương cũng có tràn sang bên thôn mình vài cái. Thế là cả hai thôn cùng xì xào chuyện anh chàng kia lấy cô vợ là người Ê Đê. Thôi thì đủ các thể loại câu nói kiểu như là “Ơ, thằng ấy không có tiền hay sao mà phải lấy Tộc” hoặc “thằng này ưng ở rể rồi” hay một câu gọn lỏn rằng “nó lấy Tộc à?”. Tuyệt nhiên chẳng thấy ai nghĩ họ yêu nhau nên kết hôn.
   Ở cái xứ này, người Kinh tự cho mình là người đi khai sáng cho anh em dân tộc thiểu số. Họ vẫn còn thói quen chẳng coi dân Mọi (người miền núi) ra gì. Dù rằng họ đang “lấn sân” của anh em dân tộc bản địa để sống. Chợt thương cô gái Ê Đê kia, nhỡ một ngày nọ, đôi vợ chồng trẻ cãi nhau. Liệu cô ấy có bị chồng chửi “cái đồ Tộc thì biết gì mà nói” không nhỉ? Rồi anh chồng người Kinh bị dèm pha quá nên bỏ vợ để lấy cô người Kinh khác không? Trời phú cho con gái Ê Đê có đôi mắt trong veo, đôi chân mày rậm và lông mi dài. Trang điểm vài thao tác đã nổi lên vẻ đẹp của nàng rồi. Mong nàng ấy hạnh phúc.
Tác giả ảnh: Trần Khánh
   Ừ thì người Kinh và Ê Đê có phong tục cưới hỏi khác nhau. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên gái lớn đi “bắt chồng”. Ô, mình không đồng ý với cái từ “bắt chồng” mà người Kinh gán cho việc cưới chồng của các cô gái Ê Đê đâu. Nghe như kiểu con gái Tây Nguyên mạnh mẽ lắm, họ dùng vũ lực để bắt trai về làm chồng không bằng á. Hãy nên hiểu từ “bắt chồng” ấy là chỉ cho việc con gái phải chủ động ngỏ lời trước như con trai người Kinh phải ngỏ lời trước vậy đó. Đám cưới này, coi vậy mà ngộ ghê. Đằng gái không phải mất bò để làm sính lễ rước rể. Còn đằng trai cũng chẳng phải mệt mỏi trong chuyện lo sắm cỗ rước dâu. Chẳng hiểu họ sẽ cưới như thế nào. Tò mò quá!
   Chẳng biết tục lệ của người Ê Đê như thế nào, chỉ thấy các a mí, a ma ngày ngày vẫn đi chăm đàn bò của họ. Bò ấy có được là do con dâu khi lấy con trai của họ thì phải cho họ mấy con bò. Họ nuôi luôn hoặc nuôi đến khi bò đẻ bê con thì trả bò mẹ cho con dâu theo một cách nào đó. Mình thấy mí Tiệp (cô giáo dạy tiếng Ê Đê của mình) nói thế. Những con bò mà các a mí, a ma nuôi ấy được dùng để cưới chồng cho con gái, việc riêng của gia đình hoặc góp với làng làm gì đó. Nhờ vậy mà người Kinh có lượng phân hữu cơ đáng kể để mua về bón cho cây nông sản.
   Người Kinh đến tận các buôn làng mua phân của bò vào khoảng thời gian này hằng năm và bán cho nông dân trồng cây nông sản. Tây Nguyên đang trong mùa phân bò. Những người trồng cà phê ráo riết mua phân bò về ủ với vôi và trấu cà để đến khi mưa xuống, rạch đất, rải phân rồi cào lá khô lấp cho đầy rãnh. Hai năm bón phân bò một lần.
   Nhưng năm nay nhà mình mua phân tự đi xúc giữa đường của nhà họ hàng xa. Người này ở bên nông trường cao su Phú Xuân huyện Cư M’gar. Là người Nam Đàn (Nghệ An) nhà mình luôn nhưng khác xã. Người xã Xuân Hòa nhà mình cùng nhau làm cà phê, còn cộng đồng người xã Nam Diên thì làm cao su bên đó. Hồi xưa, những ai không phải con trưởng thì theo lệnh cuốn chiếu giãn dân vào Tây Nguyên hết. Vào đây họ sống túm thành một cụm nên dễ hiểu tại sao đi hết một ngày một đêm từ Nghệ An vào Dak Lak mà tự dưng anh phụ xe hỏi có ai xuống ở “Ngã ba Nam Đàn không?”. Ngã ba này ở quốc lộ 14, đoạn từ Gia Lai sang Dak Lak.
   Lại nói chuyện bán phân của người họ hàng kia. Người đó là công nhân cạo mủ cao su đã về hưu rồi. Sau nhiều năm hiểu địa bàn chăn bò của anh em người Ê Đê. Người đó biết giờ nào bò hay ỉa nhất nên cứ vào khoảng thời gian nào đó là cầm bao đi xúc phân. Vậy mà năm ngoái họ bán được hai mươi ba triệu tiền phân bò đấy. Mỗi bao tải phân được bán với giá sáu mươi lăm nghìn đồng. Một héc ta nhà mình thì cần khoảng một trăm bao mới đủ. Nay thì nghe đâu cả cái nông trường ấy rủ nhau đi xúc phân bò.
   Ở xứ Tây Nguyên này, cái gì cũng đáng mua. Chỉ có sự tôn trọng của người Kinh đối với người dân tộc thiểu số là còn phải vận động...sở hữu!
Buôn Ama Thuột, 26/3/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

MỘT KỶ NIỆM VỚI SÂU MUỒNG

   Ngày xưa đi học phổ thông, cảnh huyên náo nhất ấy là giờ ra chơi, xem bọn con gái vừa khóc thét vừa chạy khi bị dọa sâu Muồng. Bướm đẻ trứng trên cây Phượng, sau đó trứng nở thành sâu. Sâu rơi lộp bộp, bò lổm ngổm dưới gốc phượng. He he. Bọn con trai không sợ sâu nên bắt bỏ lên tay đem đến trước mắt lũ con gái. Có đứa con gái, sợ sâu thì ít mà thích thể hiện sự nữ tính thì nhiều nên ôi thôi, chúng nó chạy vòng quang lớp, thậm chí sang lớp khác ôm bạn run rẩy như thật ấy. Hồi ấy, Tây cũng sợ con này kinh hồn. Nhưng mà không thể để bọn con trai đàn áp thế này được. Tây nhắm mắt nhắm mũi cầm một con lên tay rồi quẳng xuống đất, dẫm nát nó ngay. Từ đó không sợ nữa vì mình có thể giết nó thì việc quái gì phải sợ. Cơ mà vẫn ưng giả vờ sợ để....trai quan tâm. He he. Có một lần thằng kia cầm sâu đến dọa Tây. Tây bốc con sâu ấy bỏ ngay cổ áo đằng sau gáy nó. Hã hã. Nó la làng, giật phăng cúc áo của nó,  cởi và giũ áo phành phạch. Tây được trận cười rung cả rốn, thằng dọa sâu mà ghê tởm sâu đến cỡ ấy thì hài lắm đi thôi. Từ đó trở đi, cấm thằng nào dám dọa Tây nữa. He he.


   Chân dung của các em sâu lúc đã lớn đây. Nó rất thân thiện với da tay nhé. Nó được người bản địa xào với sả ớt để ăn chống sốt rét trước khi mùa mưa đến đấy nhé. Khi xào lên, viền xanh của nó sẽ chuyển sang màu vàng óng như tơ tằm. Một lần nữa, Tây kêu gọi mọi người đừng dùng thuật ngữ “kinh dị” khi nói đến món ăn này của anh em người thiểu số ở Tây Nguyên. Nét văn hóa ẩm thực của họ đấy. Mình không ăn được thì thôi chứ ai lại nói cho người ta ói ra thế. Vào Google gõ thông tin về sâu Muồng mà buồn.
Buôn Ama Thuột, 26/3/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Tuesday, March 24, 2015

CÃI NHAU CHỈ VÌ BỮA ĂN

 Chờ mãi với thấy người yêu đến chỗ hẹn. Mới ló cái mặt, chàng đã bị nàng dỗi:
   - Lại đi nhậu với khách nữa chứ gì?
   - Ối ồi ôi, nom cái mặt người yêu anh lúc hờn kìa. Yêu lắm luôn ấy. Ừ, anh đi với khách.
   - Sao cứ gặp đối tác là phải nhậu vậy hở anh?
   - Em ơi, đừng có giận anh. Làm kinh doanh là phải dựa vào mối quan hệ. Phải nhậu để thân thiết hơn. Mai này làm vợ anh còn phải nấu mì tôm cho anh ăn lúc đi nhậu về đấy.
   - Ai thèm, cho chết.
   - Hu hu, ai thương cái thân tôi bây giờ. Dân kinh doanh có lắm thằng cổ quái lắm em ạ. Làm với nó là phải đi ăn nhậu với nó. Nó dọn ra đủ thức món ăn với đủ nạc, mỡ, xương xẩu, rau dưa. Nó nhìn vào cách mình gắp món ăn và số lần gắp để đoán mình có phải là thằng tham ăn. Ham nạc mà bỏ xương không. Từ đó nó suy ra các cách ứng xử của đối tác với các gói thầu. Nói thật nhá. Đi nhậu khổ hơn đi cày là vì thế em yêu ạ.
   - Gay go thế hả anh? Thương thế. Đói lắm rồi hở?
   - Mình đi ăn phở em nhé.
   - Thôi, đi ăn làm gì cho tốn tiền. Em nghe nói có nhà hàng phát cơm miễn phí. Hàng nghìn người đến đó luôn á. Mình đến đó cho vui anh nhé.
Anh chàng quắc mắt, cau mày, hất hàm hỏi:
   - E có gãy tay không?
   - Không ạ?
   - Em có gãy chân không?
   - Làm gì có hả anh
   - Em mất khả năng lao động à?
   - Anh sao thế? Hỏi gì kỳ vậy?
   - Thế tại sao đi ăn đồ bố thí? Em có biết thí thực là nước cờ hiểm của một thằng kinh doanh không? Nó không xả xui thì cũng dùng với mục đích rửa tiền – anh chàng  gân cổ - Một thằng kinh doanh không bao giờ chịu thiệt đâu em nhá.
   - Anh muốn mắng em rằng miếng ăn là miếng nhục chứ gì.
   - Có gì sai hả em?
   - Không sai. Em chỉ muốn biết vì sao anh yêu em. Vì anh cũng là một doanh nhân mà.
   - ?!
---
   Những con kền kền không chỉ biết rỉa thịt mà chúng còn biết cắp cục xương bay lên cao và thả ở vùng đá lởm chởm để xương vỡ vụn ra. Sau đó chúng nuốt từng mẫu xương có tủy sống. Axit có trong dạ dày của chúng sẽ hòa tan xương. Vì thế đừng ví mọi hành động chạy theo phong trào của con người với hành động của kền kền. Kền kền giành nhau cả xương xẩu còn con người thì không nhá. Họ chỉ giành miếng ngon thôi!
Tác giả ảnh: Burrard Lucas
Cảm tác bài viết này sau khi đọc tin này: Xếp hàng chờ nhận đồ ăn miễn phí ở Sài Gòn

 Buôn Ama Thuột, 24/3/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

MÙA TƯỚI CÀ PHÊ - Phần 8. TƯỚI BÉC

   
   Sáng nay mây phủ kín trời. Lòng dân trồng cà phê mát mẻ hẳn. Mọi người mong có một cơn mưa để khỏi phải tưới đợt ba. Xăng dầu tăng giá nên mưa sớm chừng nào mừng chừng ấy. Dự kiến cuối tuần này tưới. Hầu như năm nào cũng phải tưới ba đợt. Ở kỳ 3, Tây đã giới thiệu cho các bạn về hình thức tưới gí. Kỳ thứ 8 này Tây giới thiệu hình thức tưới béc cực kỳ phổ thông ở các rẫy cà phê trên ba năm tuổi.

   Hình ảnh bên dưới là giàn ống máy và tất cả các phụ kiện liên quan đến tưới béc của gia đình Tây. Nó gồm một cái ống bơm, hơn ba mươi cái ống nhôm, một cái ống sắt, một ống cong, mười lăm cái béc, một số ống cong và ống ngắn. Mỗi cái ống nhôm có chiều dài 7m, đường kính khoảng 15cm. Chính vì chiều dài của cái ống này mà khi đến vùng nông thôn trồng cà phê ở Tây Nguyên, các bạn luôn luôn thấy mỗi gia đình có một cái nhà kho (chứa ống và xe công nông) được xây theo dạng nhà ống, ít nhất 7m về chiều dài. Nếu nhà nào không có nhà kho hoặc có nhưng không có xe công nông bên trong thì các bạn nên tế nhị trong giao tiếp với chủ nhà. Gia đình ấy có hoàn cảnh đặc biệt đấy. Thường là phụ nữ đơn thân làm chủ nhà hoặc người chồng không có khả năng lao động hay đi làm ở xa.

   Nhà Tây may mắn nhận được lô đất ngay bên mương thủy lợi của nông trường nên tiện cho việc tưới tắm trong mùa khô hằng năm. Điều này lý giải tại sao giá đất rẫy gần mương lại cao hơn hẳn so với đất xa mương. Nhà Tây chỉ cần khoảng ba mươi cái ống là đủ, còn người khác xa nước thì có khi phải cần tám mươi cái ống.

   Về cách thức vận hành tưới béc, các bạn có thể hình dung thế này. Cái máy nổ ( thường là đầu xe công nông) nối với máy bơm bằng dây cu-roa được đặt ở bên nguồn nước. Sau đó, người ta dùng cái ống cong (nhìn như cái móc) nối với máy bơm bằng hệ thống khóa cùm. Đường ống cứ thế kéo dài theo mong muốn nhờ hệ thống khóa cùm ấy. Hệ thống béc phun nước được đặt xen kẽ trong đường ống. Tùy vào sự ước lượng độ xa và độ phủ nước khi phun của béc mà khoảng cách giữa các béc theo ý của chủ rẫy. Mỗi một cái béc được dựng đứng bằng ba cái chân chống. Đầu béc có một cái cần đánh vòi quay. Khi bơm nước lên, dưới áp lực của nước, cái cần sẽ đánh vòi béc quay theo kiểu phe phẩy quạt giấy mà chúng ta hay dùng. Nghĩa là nước được phủ lên trên cây như kiểu quét của cái kim báo tốc độ trên xe máy ấy. Cuối đường ống được bịt bằng cái cùm cụt. Trong dàn ống của nhà Tây có một ống sắt cùng kích thước với ông nhôm là bởi vì nó dùng để đặt ngay vị trí giao với đường giao thông. Nếu dùng ống nhôm, xe khác di chuyển qua sẽ bị móp méo ngay nên phải dùng ống sắt.

   Mỗi một cái ống nhôm hiện nay được bán với giá sáu trăm năm mươi nghìn. Nó đắt như thế cho nên nạn trộm cắp ống khó kiểm soát. Hơn nữa một người vác rải ống và béc khi bắt đầu tưới và lúc thay ca thì rất mệt. Mỗi một đợt tưới bốn ca, mỗi ca kéo dài trung bình năm tiếng đồng hồ. Vì những lý do đó mà chủ rẫy thường thuê thêm người đi tưới cùng. Người làm thuê vừa phải canh trộm ống, vác ống lúc thay ca và sửa nếu béc không quay. Giá nhân công tưới thuê là ba trăm nghìn một ngày đêm trên một người. Sản lượng quyết định nhiều ở việc ra hoa của cây cho nên tưới nước trong mùa khô cực kỳ quan trọng.


   Hôm nay, trời âm u như thể muốn mưa. Không khí mát mẻ và xa xa có mùi hơi đất thoảng đâu đó phà vào cánh mũi. Thích quá! Hương đất hương trời Tây Nguyên là đây. Nếu thời điểm này mà có mưa thì trung tuần tháng tư, các bạn đến với Tây Nguyên để chiêm ngưỡng bướm sâu muồng bay rợp trời nhé.
Buôn Ama Thuột, 24/3/2015
Tây Nguyên Xanh
***
Các bạn bấm vào Phần 1 Phần 2Phần 3Phần 4 , Phần 5Phần 6Phần 7 để theo dõi từ đầu nhé!

5 comments

Sunday, March 22, 2015

VÙNG ĐẤT ‘NẮNG ĐỢI MƯA BỐN MÙA”

Tác giả ảnh: Tiến Luyến
   Những ngày mùa khô Tây Nguyên ở đỉnh điểm, khiến mình mất kiên nhẫn như thế này thì mình lại hay “chết gí’ với bài hát Phan Rang – Phố Thị Của Tôi của nhạc sĩ Phan Quốc Anh. Câu hát hay và đắt giá nhất bài có lẽ là “Xanh Xanh giàn nho cùng năm tháng nắng đợi mưa bốn mùa”. Mỗi lần nghe bài hát ấy là mỗi lần mình mường tượng ra một chuyện tình buồn ở Ninh Thuận như này: Nơi ấy nắng gần như quanh năm, có một đôi trai tài gái sắc hằng ngày vẫn cùng nhau bước qua đồi cát Nam Cương bưng từng thùng nước nhỏ để cho bố mẹ dùng và tưới cho những giàn nho. Thiên nhiên vạn vật của Ninh Thuận đều khát nước. Chàng và nàng yêu nhau nhưng chỉ vì thiếu nước mà một ngày nọ nàng sang bên bờ kia sông Dinh với ước mong làm dâu chốn thiên đường. Để rồi mỗi lúc những giọt mưa sà xuống làn môi thì chàng trai nhớ người yêu da diết. Chàng vẫn nhẫn nại chờ đợi nàng trở về...
   Nhạc trữ tình mà, cái tôi thể hiện trong bài hát phải thiệt thòi một chút mới tạo cảm giác lắng đọng trong lòng người nghe. Thế nhưng năm nào như năm nấy, cứ độ này hằng năm, báo đài rầm rộ đưa tin người dân hai tỉnh Ninh Thuận khan hiếm nước. Từ hiện thực đó, mình lại nể người nhạc sĩ quá. Ông đã khéo léo chuyển thể thực tế khao khát nước của người dân thành nỗi khao khát được yêu thương của chàng trai trong bài hát. Ninh Thuận, miền đất nắng cháy tôi luyện nên đức tính hiền hòa và cam chịu anh em người Chăm và Raglai. Những đàn cừu, bầy dê từ lâu là “mẫu ruột” của người săn ảnh từ khắp nơi trên thế giới. Hy vọng Ninh Thuận chỉ thiếu nước chứ không thiếu tình người cả nước. 
   Hôm nay, 22/3, ngày Nước Sạch Thế Giới, Tây xin gửi đôi dòng riêng tặng những người con Ninh Thuận. Mong rằng tất cả chúng ta cũng hướng về Ninh Thuận bằng việc tiết kiệm nước, dùng nước có hiệu quả, quy hoạch ao hồ có lợi ích kinh tế bền vững chứ không vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ sự tuần hoàn của mạch nước ngầm và cùng nhau phát hiện những cá nhân, tập thể gây hại cho nguồn nước trên các sông.
 Buôn Ama Thuột, 22/3/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments