Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, April 11, 2015

CẬP NHẬT NHANH HÌNH ẢNH LỄ HỘI DỪA BẾN TRE 2015


   Trong hộp đất Quê Hương của mình có một nắm đất Bến Tre. Đương nhiên là do người Bến Tre tặng rồi. Đáng lẽ có một chai nước giếng của vùng đất ấy nữa nhưng bạn quên gửi cùng. Hồi đó, ngoài nắm đất, người bạn ấy còn gửi cho mình hai bịch kẹo dừa và hai gói bánh phồng. Kẹo dừa trộn với sầu riêng và kẹo dừa trộn với đậu phộng (lạc) thì các bạn chắc đã biết rồi còn bánh phồng chắc ít người từ miền Trung trở ra biết nhỉ. Bánh phồng không phải là bánh phồng tôm đâu. Nó giống cái bánh tráng chúng ta dùng cuốn chả ram để chiên ấy. Bánh phồng có hình tròn như thế và dẻo như thế nhưng độ dày thì gấp đôi và có màu trắng, vị ngọt như nước cốt dừa.

    Không biết miền khác gọi loại bánh này là gì chứ ngày bé, mình gọi nó là Giẻ Rách. Xin lỗi các bạn Bến Tre. Không phải mình xúc phạm đặc sản của các bạn. Cái bánh Giẻ Rách có trong tuổi thơ của mình là loại bánh tráng mỏng được ngào mật mía, bán phổ biến vào những năm cuối của thế kỷ 20. Giờ hầu như không thấy bán Giẻ Rách nữa. Ngày đó, bọn mình cũng không biết nó tên gì. Mỗi lần thèm ăn, bọn mình lấy tăm hoặc cái ngoáy tai của bố đút vào mông con heo đất rồi lôi tờ tiền ra. Trong khi bố mẹ đi làm, con chị ở nhà coi nhà, còn thằng em chui qua hàng rào lon ton chạy đi mua bánh này về ăn chung. Họ bán nguyên bánh là một nghìn đồng một cái thì phải. Bọn mình mua chỉ năm trăm đồng nên họ xé ra một nửa. Về nhà, hai chị em chia nhau lại xé ra tiếp. Nom cái bánh y xì miếng giẻ rách nên gọi như vậy.

    Bạn của mình nói là mai mốt có về Bến Tre đừng có cười khi nghe người ta gọi Bến Te nha. Người xứ Dừa phát âm Tr thành T đó. Nghe bạn nói mà ưng cái bụng về lắm rồi á nha. Quê bạn đang có lễ hội Dừa. Đây là lễ hội nhằm tôn vinh những sản vật làm từ cây dừa. Thân dừa làm đũa, cơm dừa làm nên những thứ ăn được còn vỏ dùng làm gáo múc nước và các sản phẩm mỹ nghệ khác, đến xơ dừa cũng được tận dụng làm bao đựng nông sản đi xuất khẩu. Ví dụ như hạt cà phê chẳng hạn. Nhà mình hái và đem phơi, xay ra nhân thô rồi đựng trong bao đan bằng sợi nilon nhưng khi xuống cảng Sài Gòn thì thương lái đã chuyển hết vào bao đan bằng xơ dừa, Bao ấy bền hơn, bốc vác nhiều lần không bị rách còn các loại bao khác nhanh bục lắm.

   Các lễ hội Dừa của những năm trước thì mình không theo dõi ảnh. Năm nay lưu tâm một chút thì thấy các bạn Bến Tre đã may những trang phục làm bằng xơ dừa cho các người mẫu nhí bước lên sân khấu biểu diễn. Rất đẹp, rất lạ và rất Bến Tre! Có người đã hỏi Tây yêu trai miền nào nhất. Mình chịu thôi, không biết trả lời như thế nào cả. Trai miền nào cũng cho mình cảm nhận chút hương đồng gió nội của miền ấy và nhất là tấm chân tình của họ nên trai miền nào cũng khiến Tây yêu cả. Thế mới có biệt danh Tây Lẳng Lơ. He he.

   Trên đây là các hình ảnh về lễ hội Dừa Bến Tre 2015. Mình sưu tầm để dành cho những ai không có điều kiện tham dự như mình được chiêm ngưỡng. Chúc các bạn vui!
Buôn Ama Thuột, 11/4/2015
Lời:Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Đặng Hữu Vinh
No comments

Friday, April 10, 2015

MỘT CHÚT VỚI QUẢNG NAM

  
  Sáng nay Má mua về một trái dưa bé bé bầu bầu dài dài, da có mấy cái sọc sọc từ đầu đến đít, Nhìn ngồ ngộ! Mình cắc cớ hỏi dưa nhìn đèo đèo như vầy liệu có ngon không Má. Má lườm yêu, nói không ngon thì mua về làm cái giống gì. Cái tướng ăn của mình cũng kỳ cục lắm. Cạp lấy cạp để cho đến chỗ hết ngọt rồi là quăng. Dù cho còn cái lớp đỏ dày cui ở vỏ cũng bỏ luôn vậy á. Má la từa lưa luôn. Má kể ngày xưa Má còn nhỏ, cái thời còn ở Nghệ An đó, chỉ có hột của trái dưa được phun ra thôi. Còn lại cùi được xắt lát ra rồi kho với cá. Hồi đó, nhà nghèo con đông, thời cuộc lại khó khăn, cá thịt không được ăn thoải mái nên cá bỏ vô nồi cho có mùi vậy chớ ăn cùi dưa là chính. Cùi dưa thấm da vị hơn cá nên ăn ngon hết sảy luôn. Mỗi lần mình xài hoang phí là Ba Má hay kể chuyện cái thời còn phải ăn cơm cà muối với nước chè xanh thay canh. Nghe cũng áy náy lắm chớ bộ.

   Má la có mấy câu thôi mà cái mặt mình chảy sệ xuống, làm biếng ăn luôn. Mang tâm trạng ấm ức, rấm rức lên Facebook tiêu khiển. Ai dè thấy toàn bài viết về chuyện mua dưa dùm cho nông dân ở Quảng Nam. Nhớ thằng bạn thời đại học quá à. Nó tên Danh, là người huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Mình quen nó trong năm tuần học quân sự. Có lần đến phiên mình đi nhận đồ ăn sáng ở nhà bếp. Giọng Nghê kèm theo cái miệng nói tía lia cả ngày của mình khiến nó chú ý. Nó thấy mình nhỏ con nên giúp việc gì đó thỉ phải. Không nhớ rõ. Chỉ biết là sau đó hai đứa chơi với nhau hồn nhiên lắm.
  
   Có lần nó mượn điện thoại mình để lắp sim của nó rồi gọi về nhà hỏi thăm tình hình nước non mùa lũ. Hồi năm một nó chưa mua máy. Nó thi năm thứ ba mới đậu đại học. Hai năm trước đó học cao đăng hay sao đó. Nó kể nước lụt ở quê nó mà mắc cười lắm. Đầu tiên là nước ở đâu đó tràn về đầy đồng, cái rồi nước mon men rón rén lên sân nhà. Thủng thẳng quay lạy ngó thì nước lên đến bậc thềm nhà. Lên bàn ngồi coi cá quẫy đuôi dưới ghế là chuyện bình thường. Năm lụt to á hả, cả nhà nó phải lên gác hai gặm mì tôm chờ nước rút. Khổ kinh. Có lẽ vì vậy mà kiến trúc nhà của khu vực Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng thường có gác hai (gác xép, gác lửng) để dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên và trèo lên tránh lụt. Khu vực đó năm nào chẳng có bão “ghé chơi”.

   Hồi đó mình không thèm sắm dù che mưa đâu. Thích đi ké không à. Ké dù nó được mấy bữa đầu, tự nhiên bữa sau, đúng cái chỗ đó vào giờ đó thấy nó đi chung với con nào khác. Mình hờn luôn. Biệt tăm tin tức từ đó tới giờ. Lãng xẹt ghê không. Tự nhiên có vậy mà cũng tuột mất một tình bạn trong quá trời sáng.

    Mình có một kỉ niệm với mì Quảng. Đó là có lần mình đi ăn chung với nhỏ bạn ở Quy Nhơn (Bình Định). mình nói muốn được về đất Quảng để ăn mì chính gốc cho thấm vị. Ông chủ quán quặt lại lời mình luôn. Ông nói là nhiều khi người khác xứ về Quảng ăn không hợp khẩu vị mà ăn Mì Quảng ở xứ khác lại thấy ngon hơn. Người Quảng đi làm ăn xa, mang theo cách chế biến món mì của quê nhà. Họ nghiên cứu khẩu vị của người xứ lạ dữ lắm thì cái quán mới tồn tại được đến bây giờ. Ông nói cũng có lý. Chắc do mình thủ cựu quá.  

    Năm nay nông dân Quảng Nam được cả nước mua ủng hộ dưa. Vậy cách ấy liệu có bền vững không? Phải có quy hoạch lại diện tích trồng dưa và nhắm tới nguồn tiêu thụ trước khi trồng nhé Quảng Nam. Thương người nông dân lắm. Năm nay người ta chung tay mua dùm. Năm sau họ chán không mua nữa. Chẳng lẽ ngồi thu lu, khóc trong hụt hẫng? 
Buôn Ama Thuột, 10/4/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Võ Triều Hải
No comments

Wednesday, April 8, 2015

NĂM ĐOẢN KHÚC VỀ THÚ THƯỞNG TRÀ

HOÀNG ANH SƯỚNG
1.
Thuở nhỏ, vào những dịp hầu trà các bậc thúc bá trong gia đình, tôi vẫn thường nghe các cụ bảo: “Trà là một nghệ thuật lớn”. Khởi từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa, sương gió tưới tắm, ươm bật thành lộc non, lá nõn cho đến khi thu hái, sao chế, để có được một ấm trà ngon ngồi pha mà nhâm nhi thưởng thức, đó là cả một hành trình dằng dặc mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến được cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng: một chén trà ngon mới thật là viên mãn. Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, trà được xem là nghệ thuật tinh vi nhất. Này nhé, cũng một đồi trà, nhưng trà hướng Đông (Đông pha) bao giờ cũng ngon hơn trà hướng Tây (Tây pha). Bởi cây trà hướng Đông đón nhận những tia nắng mặt trời buổi sớm nên phản ứng sinh trưởng khác với cây trà hướng Tây. Lại nữa, cũng một vườn trà nhưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông là bốn mùa trà với bốn mùa hương vị. Tuyệt hảo nhất là trà “Xuân 1” hay còn gọi là trà “Tiền minh” (trước tiết Thanh minh). Khi cái giá rét của mùa đông vừa qua đi, những tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân vừa ló rạng thì những đọt non cũng bừng nhú trên những cành chè khẳng khiu. Thứ đọt non ấy nếu hái lúc sớm tinh mơ, khi cả đồi chè còn chìm trong sương rồi đem về “sao suốt” trên chảo gang thì hương thơm ngào ngạt như chõ xôi nếp cái, hậu vị ngọt bền vấn vít mãi trong cổ họng như ngậm đường phèn. Các cụ bảo: “Uống một tách trà, đi xa vạn dặm” là vậy. Loại trà ấy, thời xưa, chuyên dùng để tiến vua. Những thiếu nữ đồng trinh với đôi tay mềm mại dùng móng tay dài khẽ khàng bấm từng đọt non trên cùng của búp trà. Da thịt không được chạm vào bởi họ sợ dường như sức nóng của cơ thể, mùi của thịt da sẽ làm lệch lạc đi hương vị của trà. Khi búp trà được sao khô trên chảo gang dưới bàn tay chai dày của những nghệ nhân nức tiếng sẽ cong như lưỡi con chim sẻ nên còn gọi là trà “Tước thiệt” (lưỡi con chim sẻ). Tôi đọc sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thấy ghi danh trà hảo hạng này được sản xuất ở vùng Châu Sa Bôi, tức Quảng Trị ngày nay. Rất tiếc, nghệ thuật sao chế trà Tước thiệt nay đã bị thất truyền. Vả lại, dẫu bây giờ, ai đó có kỳ công làm được loại trà tiến vua ấy thì không hiểu giá tiền một ki-lô-gam sẽ là bao nhiêu? Và khách ẩm thuỷ thời Lipton, Dimah có đủ trình độ mà thưởng thức?
2.
Nói đến sự công phu, tinh vi của nghệ thuật trà, tôi vẫn kính nể nhất “anh” Trung Quốc. Vẻ màu mỡ, tốt tươi của hàng ngàn dãy núi điệp trùng bảng lảng khói sương, xanh mướt nương chè cùng những bí quyết sao tẩm “chém cột nhà thề bất khả truyền” của hàng vạn nghệ nhân trà Trung Quốc đã sản sinh ra không biết bao nhiêu danh trà nức tiếng. Những Long Tỉnh trà, Ô long trà, Đại Hồng Bào, Thiết Quan Âm, La Hán... mà bất cứ ai, dẫu chỉ một lần ghé môi cũng “phải lòng” mê mẩn. Đặc biệt, người Trung Quốc lại khéo léo phủ lên các danh trà ấy những lớp lang huyền thoại để rồi tạo nên một dòng trà truyền kỳ “độc nhất vô nhị” trên cõi thế. Nào Trảm mã trà, Vân vũ trà, Nhạn đăng trà, Thiên trụ trà..., trong đó, với tôi, trác tuyệt nhất là trà Trinh nữ. Chuyện rằng: ở ngọn núi Vũ Di (tỉnh Phúc Kiến) vời vợi cao bốn mùa sương phủ, nơi con suối Hổ Báo tuyền chùng chình vắt qua như một dải lụa mềm có một cánh rừng trà cổ thụ chừng mấy chục nghìn cây. Vào mùa xuân, khi hoa mai nở trắng ngần bên ngôi chùa cổ, cũng là lúc những đọt non trà bừng nhú. Những thiếu nữ đồng trinh đẹp dịu dàng như những bông hoa trà khẽ khàng bấm từng búp trà non mởn ấy sao cho không bị dập, bị nát để hương trà không bị ôi oai. Trà sau khi xấy khô được bọc trong những túi lụa mỏng rồi đặt vào... “chỗ kín” của thiếu nữ đồng trinh một đêm để “tẩm” hương. Khi thưởng thức, chính tố nữ ấy sẽ ngậm ngụm trà trong miệng rồi... mớm cho khách ẩm thuỷ trong tư thế... không mảnh vải che thân mà không được giao hoan. Người Trung Quốc bảo rằng: Đó là phép luyện trường sinh bất lão.
3.
Người Việt ta dường như mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời và đến khi về cõi thiên cổ, vẫn được tẩm liệm với trà. Có điều, trong suốt lịch sử uống trà hàng ngàn năm, Việt Nam không có một truyền kỳ nào về trà. Điều này cũng dễ lý giải bởi tâm hồn người Việt bình dị, chân chất. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta xuề xoà, thô vụng trong nghệ thuật chế biến, sao tẩm trà. Các ông Tây, bà Tàu đã không ít lần nức nỏm, xuýt xoa trước nghệ thuật ướp trà sen cầu kỳ, tinh tế của những nghệ nhân Hà Nội. Cần phải nói ngay rằng, trong nghệ thuật ướp trà sen, trà mạn hảo được ưa chuộng nhất. Đó là trà Tuyết Shan cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 800 - 1300 m quanh năm sương phủ. Để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, những búp trà phải gồng sức vươn lên đón nhận từng giọt nắng mặt trời. Chính cuộc chống trả quyết liệt cho sự sinh tồn ấy đã tạo cho trà Tuyết Shan một hương vị đặc biệt, khiến những người sành trà luôn săn tìm, yêu thích. Các nghệ nhân trà Hà Nội trân trọng, nâng niu như một báu vật. Họ chọn lựa những búp trà non, những lá trà bánh tẻ. Cuống và lá trà già bị loại bỏ rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại), trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ... 3- 4 năm cho trà phong hoá bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của trà vẫn lưu giữ.Khi ướp, người ta rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết trà. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 - 24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Sàng loại xong, trà được đóng vào những chiếc túi làm bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh trà khô, hương sen quyện thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tuỳ thuộc vào sở thích của người thưởng trà đậm hay nhạt. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện vào cánh trà, trà càng thơm. Trung bình, mỗi cân trà ướp cần từ 1000 - 1200 bông sen. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi cân trà sen được đổi bằng 2 - 3 chỉ vàng mà người sành trà vẫn nao nức lùng mua bằng được.
4.
“Nhất thuỷ, nhị trà, tam pha, tứ ấm”. Muốn có một chén trà ngon, điều trước tiên phải săn lùng cho được nguồn nước quý. Thứ đến mới là trà ngon, đôi bàn tay khéo léo của người pha và cuối cùng mới là bộ đồ trà chuẩn. Không hiểu, phải mất bao nhiêu năm uống trà và dày công tìm tòi, nghiên cứu, cổ nhân mới phát hiện ra được những chuẩn mực của nghệ thuật thưởng trà ấy. Chỉ biết rằng, ngay từ thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, khi mà loài người còn uống trà như một thức uống hổ lốn (bỏ vỏ cam, muối, gừng vào trong trà rồi nấu như nấu canh) thì trà sư Lục Vũ, với tác phẩm “Trà kinh” đồ sộ đã có công nâng trà lên thành nghệ thuật, sánh vai cùng các môn nghệ thuật khác như cầm, kỳ, thi, hoạ… Thậm chí, trà còn được các cao sĩ ca tụng, phẩm chất thanh tao của trà còn vượt lên trên cả “tửu” và “kỳ”. Cuốn sách được người đời tôn sùng là “thánh kinh” về trà ấy gồm 10 chương, trong đó, một trong những chương mà trà sư Lục Vũ viết hay nhất, theo tôi, chính là chương bàn về nước pha trà. Tôi vô cùng tâm đắc với cách cụ Lục Vũ đặt tên cho nước pha trà: Trà hữu. Nước là bạn thân thiết của trà. Chỉ nội cách gọi tên ấy thôi cũng đủ thấy cụ Lục Vũ nâng nước pha trà lên tầm quan trọng như thế nào. “Sơn thuỷ thượng, giang thuỷ trung, tĩnh thủy hạ”. Trác tuyệt nhất là nước suối đầu nguồn. Thứ nhì là nước ở giữa dòng sông xa người ở. Và cuối cùng là nước giếng trên núi đá. Đó là ba nguồn nước pha trà mà cụ Lục Vũ rất ưa chuộng. Bản thân mỗi nguồn nước ấy, cụ Lục Vũ lại chia làm nhiều thứ hạng. Ví dụ, cũng là sơn thuỷ thượng nhưng nếu chúng ta hứng chỗ đầu ghềnh ngọn thác, chỗ chảy xiết thì theo cụ Lục Vũ: trà nhanh chín nhưng hương trà lại mau tan. Uống nước ấy thường xuyên chúng ta sẽ bị đau họng. Cũng là sơn thuỷ thượng nhưng nếu chúng ta hứng chỗ cuối nguồn, nước chảy lờ đờ thì trà lâu chín, hương trà quẩn không dậy hương và uống nước ấy thường xuyên chúng ta sẽ bị đau họng. Vẫn theo cụ Lục Vũ, chúng ta nên múc chỗ êm đềm nhất của dòng suối, múc nước chỗ ấy pha trà là tuyệt vời nhất. Cao thủ hơn một bậc, cụ Lục Vũ còn dày công nghiên cứu xem ở Trung Hoa có bao nhiêu con suối. Và trong bấy nhiêu con suối, chỉ có 22 dòng suối dùng để pha trà được thôi. Và rồi dòng suối nào pha hợp với trà gì, dòng suối nào pha hợp với trà gì? Đấy là tột đỉnh của sự công phu và tinh tế của bậc trà thần. Không phải ngẫu nhiên, hơn một ngàn năm đã trôi qua nhưng các bậc trà nhân khắp nơi nơi vẫn coi đó là cái “khuôn vàng thước ngọc” cho nghệ thuật trọn nước pha trà.Ở Việt Nam, tuy không có một bậc cao nhân nào kỳ công đi tìm hiểu từng ngọn suối lạch sông như cụ Lục Vũ để xếp hạng nguồn nước nhưng dường như, trong đời sống thực tại thưởng trà của mình, người Việt ta cũng rất ưa chuộng nước suối. Từ xa xưa, nhiều bậc hiền nhân vì muốn xa lánh cõi tục trần, sẵn sàng treo ấn từ quan, rũ bỏ chốn phồn hoa đô hội, lên núi ở ẩn, dựng lều bên suối, để sẵn nước pha trà. Đại thi hào Nguyễn Trãi, người đã hoàn thành sứ mệnh hiển hách giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, mang lại thanh bình và tự chủ cho dân tộc, cũng chỉ ao ước: “Hà thời kết ốc vân phong hạ/ Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên”. (Bao giờ dưới núi làm nhà/ Nước khe gối đá pha trà ngủ say). Cụ Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tuỳ bút” kể rằng, rất nhiều lần cụ mời bạn nho sinh của mình lên núi cao, múc nước suối pha trà, ngước nhìn những cánh nhạn bay trên bầu trời và ngắm nhìn những lá đồng ngô lác đác rơi. Cụ Sáu trong truyện ngắn “Những chiếc ấm đất” của nhà văn Nguyễn Tuân thì “vang bóng một thời” bởi cái thú mê trà, sành trà và cầu kỳ trong nghệ thuật chọn nước pha trà không giống ai của mình. Suốt 10 năm uống trà là cả chục ngàn lần cụ cho người nhà lên trên chùa đồi Mai, một ngôi chùa cổ trên núi cao để xin nước giếng pha trà. Và đã nhiều lần cụ Sáu tâm sự với vị sư trụ trì ở chùa Đồi Mai rằng: “Đã đôi lần, tôi muốn rũ bỏ cái làng này ra đi. Nhưng hiềm một nỗi không thể mang theo nước giếng trên chùa Đồi Mai đi được nên buộc lòng tôi phải ở lại. Nói dại, vật đổi sao dời, nếu một ngày nào đó, nước giếng chùa Đồi Mai cạn, tôi sẽ không bao giờ uống trà nữa và sẵn sàng tặng tất cả những bộ đồ trà quý của tôi cho mọi người”. Bởi theo cụ Sáu, nước giếng trên chùa Đồi Mai là nước giếng đá ong. Nó trong vắt như thuỷ ngân, ngọt mát và đặc biệt, khi đun nước pha trà, không làm lệch lạc đi hương vị của trà. Nước mưa cũng là thứ nước được các bậc cao nhân trà xưa ưa chuộng. Đặc biệt, tương truyền, chúa Trịnh Sâm xưa, mỗi sáng tinh mơ thường cho người hầu của mình ra Hồ Tây hứng từng giọt sương đọng trên lá sen để pha trà. Nghe chuyện, tôi mạo muội nghĩ rằng, nếu như so sánh từng giọt sương trong vắt tinh khiết trên lá sen thanh sạch ấy với sơn thuỷ thượng của cụ Lục Vũ, không hiểu nước nào sẽ ngon hơn nước nào đây? Riêng tôi, nếu được chọn lựa, tôi sẽ chọn thứ “thiên thuỷ” trong ngần được chắt chiu từ hàng ngàn giọt sương long lanh đọng trên lá sen của chúa Trịnh Sâm hơn.
5.
Sau này, khi đã gắn đời mình với nghiệp trà, noi gương cổ nhân, bàn chân tôi đi khắp nẻo để tìm những nguồn nước quý. Đôi lúc, lòng tự hỏi: vậy trong thời buổi hiện nay, chúng ta nên chọn nguồn nước nào để pha trà? Nước suối bây giờ thì khan hiếm. Nước sông giờ bị ô nhiễm quá nặng. Chẳng lẽ lại ra giữa sông Hồng nước đục ngầu hay giữa sông Tô Lịch bốc mùi xú uế nồng nặc mà pha trà à? Còn nước mưa, nhất là nước mưa ở thành phố? Cũng không ổn. Trong tình trạng các nhà máy công nghiệp san sát mọc lên. Rồi chất thải của ô tô, xe máy, khiến cho lượng bụi trong không khí quá nhiều, đặc biệt là là lượng a xít. Và rồi bất chợt, trong một lần cùng cha tôi, nghệ nhân trà Trường Xuân, đi khảo sát những cánh đồng chè ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên), vô tình tôi đã phát hiện ra một nguồn nước suối tự nhiên vô cùng trong lành và ngọt mát. Con suối ấy bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo, hoàn toàn tự nhiên, lại xa dân cư ở. Múc nước ở chỗ êm đềm nhất của con suối, đun sôi bằng ấm đồng, than hoa và hoả lò, pha với trà Tân Cương. Chao ôi! Nước trà trong, xanh, ong vàng, huơ chén trà ra nắng, cảm giác như ai đó vừa thả một giọt mật ong. Hương trà thơm mùi cốm. Châm trà ra chén, hương cốm lựng lên như vừa mở ào chõ xôi nếp cái hoa vàng. Nhấp một ngụm, thấy vị đượm xoắn xuýt cả lưỡi. Nhấp ngụm thứ hai đã thấy vấn vít trong cổ họng hậu vị ngọt bền. Cha tôi bảo: Trà ngon giống như mỹ nhân. Hương thơm của trà chính là nhan sắc của nàng. Hậu vị ngọt bền chính là vẻ đẹp tâm hồn của nàng. Thứ trà ấy pha với nước suối ấy, thật đúng là: “Nhấp một lần thôi nhớ cả đời/Uống trà như uống giọt trăng rơi/Chạm môi chút đã thành thương nhớ. Thoáng chút hương đưa đến bồi hồi”.
No comments

Tuesday, April 7, 2015

CHỈ VÌ YÊU QUÁ

   Chờ mãi chẳng thấy người yêu đến chỗ hẹn, chàng trai lang thang trên phố. Bỗng dưng, chàng thấy bóng hồng nào quen quen. Nhìn kỹ thì ối ồi ôi, người yêu của mình đây mà. Nhưng nàng đang tay trong tay với thằng ất ơ bỏ mẹ nào thế kia. Cơn ghen nổi lên, chàng phi nước đại lại tát vêu mồm cô người yêu của mình một phát. Anh kia bất bình, tố cáo kẻ tát nữ nhi. Cơ quan chức năng hùng hùng hổ hổ vào cuộc, đang trong giây phút gay cấn. Mẹ anh chàng kia bước vào, đưa tờ giấy xác nhận của bác sĩ khoa tâm thần là "Vì yêu thắm thiết quá nên phát điên khi thấy người yêu trong tay kẻ lạ, thần kinh không kiểm soát được hành động trong thời gian nhất định". Đương nhiên kẻ tát người yêu được thả về nhà cho mẹ anh ta chữa chạy. Chàng trai tố cáo kia ấm ức không thể chịu được. Cô gái bị tát thì bình thản phán rằng bình thường thôi anh ạ. Ở xứ này, hễ xô xát mà bị hỏi tội, kiểu gì chẳng có xác nhận bị bệnh tâm thần. Đấy, như cái mấy cô bảo mẫu ở trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi bị nhiễm HIV ở hòn ngọc Viễn Đông kia kìa. Giám đốc chối đây đẩy không có chuyện oánh các cháu mềm xương nhưng khi phóng viên cho xem đoạn Video Clip quay cảnh hành hung thì mụ ấy phát biểu ngay rằng những cô bảo mẫu ấy có tiền sử biểu hiện chứng bênh tâm thần. Đình chỉ công tác thế là chuyện êm thấm. Chuyện đâu lại vào đấy, Sau này đứa nào bị đánh tàn tật thì được tống cho phường chuyên chăn dắt trẻ em để ăn xin ở đường phố. Đứa nào lành lặn thì lại cứ để đó làm vật chứng để xin tiền trợ cấp của xã hội. Anh chàng nghe xong, mắt chữ O mồm chữ A, bảo bỏ mẹ rồi, xứ này có một bộ phận không nhỏ sống dựa vào lòng thương hại của kẻ khác à. Lời anh ấy nói như tiếng gà gáy sáng, bà con nhỉ? Ai cũng biết lúc gà gáy là khi con người ta phải thức tỉnh nhưng đêm xuống, người ta lại ngủ. Tiếng gà chỉ giúp báo hiệu thời gian. Lời anh kia nói chỉ góp phần báo hiệu thời đại mạt pháp.



Buôn Ama Thuột, 7/4/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Redy D'caprio
No comments

Monday, April 6, 2015

NHỚ ANH BÁN SÁCH CŨ BÊN LỀ ĐƯỜNG AN DƯƠNG VƯƠNG

Tác giả ảnh: Hoàng Thái
   Đọc cái bài kêu cứu cho hiệu sách cũ đã tồn tại 30 năm ở thành phố Hồ Chí Minh, tự dưng nhớ anh chàng bán sách cũ ngay bên vỉa hè đường An Dương Vương (Quy Nhơn) ghê gớm. Cả thành phố Quy Nhơn có hiệu sách cũ của gia định gốc Hoa to uỳnh oàng ở đường Tăng Bạt Hổ nhưng sinh viên vẫn ưa mua sách của anh này hơn. Cái tiệm sách của anh “bề thế “ lắm. Anh ấy trải tấm nilon mà ngày xưa khi trời mưa người ta cột ngang cổ, đội nón và đi khòm để mưa ướt lưng nhưng ít ướt ngực ấy. Giống tấm che mưa của bà già trong bài hát Bà Còng Đi Chợ Trời mưa ấy. Nói thế để các bạn hình dung được diện tích của tấm trải. Anh bán sách đặt những cuốn đang “hót hòn họt” theo thị hiếu của sinh viên lên tấm nilon. Anh chàng nói giọng Bình Định hay Phú Yên gì đấy để chào hàng. Thấy ai mà neo ánh mắt hơi lâu vô quầy hàng của anh thì thôi chớ, anh ấy mời mọc đến nỗi tai của khách nghe còn tay thì thò tay vào túi quần móc ví để trả tiền sách. Ơ, đừng tưởng giọng xứ Nẫu khó nghe nha, ngọt lắm luôn.

   Giờ hành chính chẳng mấy khi thấy cái bản mặt của anh ấy đâu. Cỡ mười giờ sáng, anh chàng chạy cái xe đạp bóng loáng đến. Phía sau xe chở một thùng sách, ở giỏ trước cũng có một bọc nilon sách. Anh ấy bày biện xong thì sinh viên bắt đầu lác đác từ cổng trường đi ra. Có đứa đi mua cơm trưa, cũng có đứa đi học về do hôm đó chỉ có bốn tiết. Đến giờ tan tầm thì quầy sách đông hẳn. Anh ấy bán cho đến khoảng mười hai giờ trưa là dọn hàng về. Sắp đến giờ tan sở buổi chiều lại thấy cái dáng gầy tong teo ấy cúi lọm cọm giới thiệu sách với khách ở vị tri cũ.

   Anh ấy chủ yếu cung cấp những cuốn sách cho các sinh viên khoa Văn. Nhất là cuốn Hán Việt Tự Điển của Triều Chửu lúc nào cũng có người hỏi. Sinh viên khoa Văn không thoát môn Hán Nôm mà. Sách của anh ấy thường rẻ hơn giá bìa nhưng nom mới kít. Mua rồi mới biết sách in lậu. Sách in lậu ở đây có thể là sách phô-tô-cóp-pi có màu, có thể là sách được đánh máy lại từ nguyên bản nên hay gặp lỗi chính tả, hoặc là sách của nhà xuất bản đàng hoàng, giấy rất tốt, câu chữ được biên tập công phu nhưng là sách trốn thuế. Chắc khi in, người ta in dôi ra vài trăm cuốn nhưng cơ quan chức năng không biết. Tất nhiên anh ấy cũng bán cả sách cũ rích. Chủ yếu là do các anh chị khóa trên bán cho hàng đồng nát. Rồi đầu nậu sắp xếp và bán lại cho anh ấy. Những cuốn này đa số thuộc chương trình đại cương của các ngành.

   Bốn năm mình ăn cơm hộp nên hay gặp anh ấy là điều đương nhiên. Có hôm đường đông, mình mải mê chen lấn nên chân suýt nữa giẫm lên sách của anh ấy. Nói như người Bình Định là lúc ấy sợ ãnh kình nên giả bộ hỏi han anh có cuốn này hông cuốn kia hông. Hình như lúc sắp ra trường, mình có nhờ anh ấy tìm cuốn từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh nhưng xe chạy đến quê nhà rồi mới nhớ vụ đó. Chắc anh ấy cú mình lắm....

   Khi gõ cái này, tự dưng mình nghĩ nếu như loài người chỉ dùng sách mới nói riêng và chỉ tôn sùng với mới nói chung thì sao nhỉ? Nếu vậy thì chắc thế gian này là một bãi rác khổng lồ. Thấy báo đăng hình ảnh sinh viên lũ lượt đến mua sách ủng hộ ông chủ hiệu sách cũ. Chẳng lẽ cả cộng đồng yêu sách như thế lại không giúp được ông chủ hiệu sách Bách Hợp (quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) có mặt bằng mới để thuê? Nói thì nói vậy thôi, mình hoắng mồm cũng chẳng được gì. Nhỡ đâu đây là chiêu trò câu khách của nhà sách thì sao. Sợ lắm, cái bẫy truyền thông!
Buôn Ama Thuột, 6/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, April 5, 2015

CHÙM ẢNH HIỆN TƯỢNG NGUYỆT THỰC TẠO TRĂNG MÁU VÀO CHIỀU TỐI NGÀY 4/4/2015

   Chiều tối qua, trời Tây Nguyên âm u, mây nhiều và có sấm vọng về nên mình không thể xem toàn bộ hiện tượng Nguyệt Thực tạo Trăng Máu được. Thế nên phải lên mạng xã hội Facebook sưu tầm ảnh của bạn bè chụp bằng ống kính chuyên nghiệp. Lúc mình nhìn thấy mặt trăng thì mặt trời chỉ che khuất một chút ở góc trăng nữa thôi. Dưới đây có ảnh chụp từ Bắc vào Nam và có cả ảnh ghép trăng vào cảnh vật:

Tác giả ảnh: Kiêm Trang Hiếu
Tác giả ảnh: Dương Minh Tú
Tác giả ảnh: Lư Quyền
Tác giả ảnh: Nguyễn Văn Hợp
Tác giả ảnh: Trần Hiếu
Tác giả ảnh: TBons Le
Tác giả ảnh: Trần Linh
Toàn cảnh Nguyệt Thực - Tác giả ảnh: Nguyễn Quốc Trí
Buôn Ama Thuột, 5/4/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments