Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, April 18, 2015

VỚI TRÁI CHÙM RUỘT

Tác giả ảnh: Trần Phú
   Sáng nay nhà cháu nhận được một nhời mời đi hái trái Chùm Ruột về rim với đường các cụ ợ. Thích thích là. Trái trong ảnh đới. Nhìn cái thứ chua chua ấy lại nhớ mấy câu chả biết có phải là ca dao không nữa:
- Của chua ai thấy chả thèm
Em cho chị mượn chồng em mấy ngày
- Chồng em nào phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm.
   Hồi ở ký túc xá, có con bạn nó đọc như thế mỗi khi cả phòng chung tiền đi chợ mua xoài về chấm muối ớt.
   Thời phổ thông, có cụ nào chưa từng ăn xoài, ăn nhót, ăn chùm ruột thì điểm danh cho nhà cháu xem nào. Chắc chả có cụ nào điểm danh. Giờ ra chơi mỗi độ sắp hè, cả bọn ăn mấy thứ của chua chấm muối ớt say sưa đến mức lưỡi nóng ran, môi đỏ chót nhể? Nhà cháu ngày xưa như thế, các cụ chắc cũng thế, nhể? Báo hại lắm khi về tới nhà, chạy ngay vào bếp múc thìa đường ngậm cho nó trung hoà chất gây cay. Chữa cay ớt thì chỉ có đường là hữu hiệu. Thảo nào cái món gỏi (nộm) kiểu gì cũng có đường.
   Mỗi lúc cô giáo gọi lên bảng vào sau giờ ra chơi, lắm đứa quần dính đầy mày ngoài vỏ nhót. Ngại quá, có đứa phủi phủi, cô giáo lại phải nhắc không nên ăn vặt trong lớp. Không ăn vặt trong lớp thì lấy đâu ra cái câu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. He he,
   Có cái mùa nào mà người ta thu hoạch vỏ cây quế. Mùa ấy cả lớp tranh nhau xin cắn một chút lên một khúc cành quế to bằng bắp tay. Buồn cười, cả bọn túm tụm thế mà vui đáo để.
   Tí về biên tiếp, giờ nhà cháu đi trèo cây đây. Có đứa xúi mặc váy đi trèo cây. Đau não thật!
Buôn Ama Thuột, 18/4/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, April 16, 2015

MỘT LẦN VUI TẾT TÉ NƯỚC BUNPIMAY VỚI CÁC BẠN LÀO Ở QUY NHƠN


  Sáng nay Facebook của các bạn chơi ảnh ở nước ngoài tràn ngập ảnh tết té nước Bunpimay ở Lào, Songkran ở Thái Lan, Choi Chnam Thmay ở Campuchia và Thingyan ở Myanmar. Điểm chung là đều có hình ảnh người ướt sũng bởi nước và không gian tràn ngập nụ cười. Họ chúc nhau năm mới an lành, hạnh phúc bằng cách hắt nước vào người được chúc mà. Lại nhớ cái năm nọ, mình được các bạn Lào ở kí túc xá C2 (đại học Quy Nhơn) chào năm mới bằng việc té nước. Giờ gõ bài viết thì nói “được té nước” chứ lúc ấy nghiến răng và nói “bị hắt nước” đấy. 

   Hồi đó, hình như là năm nhất, cô bạn chơi khá thân nói sang bên ký túc xá C2 với nó lấy vở vì người bạn Lào cùng lớp mượn lâu rồi. Mình tin sái cổ. Hân hoan cùng bạn sang ký túc xá dành riêng cho các bạn nước ngoài. Ối ồi ôi, mới ló cái mặt vào phòng. Các bạn Lào hắt một ca đầy nước vào người mình. Áo sơ mi thì mỏng dính. Lúc ướt, nó để lộ hết những “đường cong chết người”. Trong ấy có cả con trai nên mình ngại. Bỏ về luôn. Báo hại cô bạn phải giải thích rằng đó là tết té nước của các bạn Lào đấy. Thế là từ đó biết tết Bunpimay.


   Tháng tư hằng năm, các bạn Lào phải ở lại học nên ít về quê ăn tết Bunpymay lắm. Trước tết Bunpimay, thường có một tỉnh trưởng nào đó của Lào sang thăm sinh viên ở đại học Quy Nhơn. Các bạn sinh viên Lào tội lắm. Hôm đó các bạn ấy vui như kiểu có người nhà sang thăm. Mình nhớ như in hình ảnh các bạn đứng thành hình chữ U trước cửa hội trường B, tất cả đồng loạt vỗ tay và tỉnh trưởng đi chào sinh viên đừng đầu này của chữ U đến người đầu bên kia thì tất cả mới vào hội trường toạ đàm. Mình cứ tưởng đó là cách chào đón sáng tạo của những người học ở Quy Nhơn. Té ra, ở ngoài Sơn La, các bạn Lào cũng chào lãnh đạo sang thăm trường cao đăng y tế cũng như vậy. Cách đón chào không cầm cờ vẫy vẫy, không tiếng hò tiếng hét, chỉ có tiếng vỗ tay và những cái nhìn trìu mến đó khiến người xem thấy ấm lòng vô cùng.


   Tình yêu trai gái giữa sinh viên Việt Nam và Lào cũng có. Mình chứng kiến chị gái kia khóc và suy sụp tình thần sau khi tiễn anh người yêu về nước sau khoá học. Chị ấy bảo thà rằng ở cùng một nước thì có xa nhau mấy cũng có cớ gặp nhau được. Giờ ở hai nước, xa xôi quá, biết bao giờ mới được nắm tay nhau. Chị ấy vừa khóc vừa nói. Thương chị đứt ruột mà không biết làm sao.


   Nói thật là bọn sinh viên Việt Nam, như mình, luôn có cái nhìn không mấy cầu thị về các bạn Lào. Có lẽ do mỗi lần xem các phóng sự trên tivi về nước Lào, bọn mình luôn chỉ được thấy những cái nhà sàn ẩm thấp, trống hoác trống huơ, nom chẳng khác gì cuộc sống của đồng bào thiểu số ở dãy Trường Sơn cả. Rất ít khi được thấy hình ảnh tươi mới, phồn vinh nơi phố thị của các bạn Lào. Chắc ý đồ của nhà làm phim là muốn người Việt Nam phải thể hiện vai trò ‘đàn anh, đàn chị” giúp đỡ các em Lào chăng? Ở phút giây nào đó, mình thấy hổ thẹn. Chẳng biết hổ thẹn vi gì nữa. Thôi nói ra làm gì. Nhạy cảm!

Buôn Ama Thuột, 16/4/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Cuong Herry
No comments

Tuesday, April 14, 2015

MÙA TƯỚI CÀ PHÊ - Phần cuối: NGÀY BƯỚM ĐẬU


  Một vài nơi sung sướng báo tin đã có mưa đầu mùa rồi. Riêng nhà mình chưa thấy, nghĩa là cà phê trong rẫy vẫn khát nước. Đã tưới ba đợt rồi. Ừ năm nào chẳng thế. Trời thương thì may ra tưới hai đợt. Chỉ cầu trời đừng tưới đợt bốn. Sáng nay đi ăn bún, trời lạnh, gió to, các cụ bảo trời này thì còn lâu mới mưa. Để xem nào, mình có vai trò như nào trong mùa tưới để khoe với bạn bè năm châu và phô trương công danh chấn động địa cầu nhỉ? À nhớ rồi!
   
   Hình như kể từ hồi học lớp 2, bố mẹ sắm giàn ống tưới bằng béc. Mùa tưới đến, hai chị em mình được gọi dậy lúc 4h30 sáng. Thay quần áo chỉnh tề, xách cặp đi theo ra rẫy. Bố mẹ vác và rải ống vào rẫy. Mình và thằng em ngồi co ro canh gác. Nếu thấy người lạ bước lại gần giàn ống thì hét lên bố mẹ ơi, có trộm. Có hôm canh ở nút cuối cùng của đường ống. Bố mẹ lắp ráp xong ống, bố quay máy, nghe tiếng nổ xoành xoạch. Cái mông mình tự dưng cảm nhận được có giao động nào đó đang truyền về. Chạy thôi! Sau tiếng hét ấy, hai chị em chạy bán sống bán chết ra bìa rẫy vì sợ béc phụt nước ướt người. Thời điểm đó gọi là lúc nước lên. Tính thời gian từ lúc ấy. Năm tiếng sau, bố mẹ thay ca và cứ thế cho hết lô. Bốn ca tất cả. Nước lên rồi, bố ngồi võng coi ống và lâu lâu ngóng xem có cái béc nào không quay. Nếu có thì đi sửa. Mẹ đi chợ, nấu ăn. Bọn mình được gặm một ổ bánh mì rồi vào lớp học.  Ve kêu từ lúc tưới đợt hai đã và tưới xong đợt ba thì hoa phượng bắt đầu nở.
   Có những lúc cùng mẹ đem cơm ra rẫy ăn trưa với bố. Cả nhà ăn cơm trong tiếng máy nổ ầm ầm, gió thổi phần phật, bụi cuốn lung tung. Thế mà cơm vẫn ngon. Ăn xong, mình trèo lên xe công nông đang nổ. Sờ tay vào hai cái càng lái của xe. Nó rung đều đặn vì máy đang nổ. Cái tay mình như được mát-sa bằng rung. Dễ chịu!
   Tưới đợt ba, lúc ấy bướm sâu muồng bắt đầu bay về, Nó đẻ đầy trứng trên lá cây muồng - vốn dùng để chắn gió và ngăn bức xạ nhiệt tạo sương muối gây hại cho cây cà phê. Sáng sớm ngồi canh ống, thấy chi chit những mảnh cánh xanh, vàng trên cây muồng. Trời nắng mãi đến hơn mười giờ sáng chúng mới bay đi tìm nước. Béc phun nước tưới cho cà phê. Nhiều chỗ, nước vượt ra ngoài bìa rẫy chảy ra lênh láng đường. Cà đàn bướm đậu xuống hút nước dưới đất ẩm. Đẹp lắm. Hiện tượng kỳ thú chỉ diễn ra trong hai tháng cuối mùa khô. Cái loài gì đâu mà lạ thế không biết. Lúc nắng nhất mới bay và tưới nước lên đất là tha hồ dụ dỗ nó đậu. Nước chi phối được mọi sinh vật. Nể nước quá!
   Tưới xong đợt ba, sáng sáng thấy lác đác một vài người Ê Đê mang gùi qua ngõ. Chiều về hỏi có gì không các a mí ơi. Các mí nói có sâu muồng con ạ. Thế đấy, mọi người ăn sâu để chống sốt rét trong mùa mưa sắp tới rồi. Chào nhé, mùa tưới cà phê 2015!
Buôn Ama Thuột, 14/4/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Hà Hoàng Anh
***
Các bạn bấm vào Phần 1 Phần 2Phần 3Phần 4 , Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8 để xem lại từ đầu nhé.
No comments

Monday, April 13, 2015

MỘT THUỞ ĐAN KHĂN

   Nghe nói chị Bân đã dạo chơi đất Bắc mấy hôm nay rồi. Chị ấy khiến cho trai ngoài ấy phải mặc nhiều áo vì họ sợ bị…hấp diêm. He he. Chẳng bù cho trai miền Nam, đang thèm chị ấy nhỏ dãi ra. Đùa chứ trai miền Nam đàng hoàng tử tế lắm. Trời nắng quá nên thè lười thôi, không đến nỗi hám gái thế đâu. Các cụ đồn rằng chị ấy đan áo cho chồng qua hết mùa đông nên xin cha cho thêm tí lạnh giữa mùa hoa gạo nở để cho anh chồng thử áo thì phải. Ngày xưa Tây cũng đã từng đan khăn đấy.

    Hồi ấy, hình như là năm hai đại học, đang lúc nhớ nhà tự dưng có chàng an ủi hỏi thăm. Tây cảm động rơm rớm nước mắt, thế là yêu luôn. Cái phòng 607 hồi đó có con Vân Anh ở Anh Sơn, Nghệ An tối nào cũng chầu chực đến 2h sáng để nghe điện thoại của người yêu gọi về từ châu Âu. Anh chàng xuất khẩu lao động sang bên ấy ba năm. Nó yêu lãng mạn cực. Để nhạc chờ điện thoại luôn là bài hát Đợi Chờ là Hạnh Phúc. Năm đó bài hát ấy nổi như cồn. Có thời gian rãnh rỗi là nó ngồi đan khăn để gửi sang bên ấy cho người yêu chứ chẳng tơ tưởng ai cả. Buồn buồn thì nó đi sưu tập các mẫu len tại tất cả các chợ ở Quy Nhơn. Nó gieo rắc cảm hứng học đan đen cho cả phòng. Năm đó dãy nữ tầng 6 của khu ký túc xá C1 còn có một đứa học sư phạm địa nữa, con ấy chuyên móc chứ ít dùng que đan. Úi chà, cái năm ấy cả cái ký túc xôm trò đan và móc khăn. He he, Tây ham vui nên cũng học hành đan khăn như thật. Lại mới vớ được tình yêu đầu đời nên đan hăng say. Nhưng đan được gần hết khăn thì có đứa đồn rằng đang yêu mà tặng khăn thì kiểu gì cũng chia tay. Gớm, sợ xanh mặt. Đan xong có dám tặng đâu. Thế quái nào không tặng mà vẫn chia tay để nay đơn côi lẻ bóng. He he. Phỉ phui cái lời đồn.

    Nhưng mà tình yêu gây ra lắm sự vụ khó lường thật. Có đứa trong phòng của Tây, nó là sư gia đọc sách nhưng mà mỏi đít thì sẵn sang ngồi lên sách cho đỡ “nhọc khu”. Quê của nó phát âm như thế. Hế hế. Nó yêu cái thằng cùng lớp chẳng biết có dạt dào không nhưng mà lâu lâu hai anh chị ném điện thoại bể cho bỏ ghét nhau. Kinh lắm. Thế mà con ấy thức mấy đêm ròng để đan khăn cho thằng bồ. Nó đan tỉ mỉ, nhiệt tình, học hỏi các lối đan trang nhã. Hình như chúng chia tay nhau từ thời năm tư hay sao ấy.

    Thời đó, ít đứa có máy tính và hệ thống 3G chưa phổ biến như bây giờ nên phải xách đít đi mài đũng quần ở ghế mấy trung tâm đan lát thêu thùa hoặc ở nhà những người biết may vá. Nay lên trang Youtube gõ cách đan len. Nó ra cho một bờ lô xắc xông video dạy cách đan các kiểu. Nhiều nhất là các trang nói bằng tiếng Nga hay Ukraina gì đó. Không hiểu tiếng nhưng nhìn thao tác thì có thể làm theo vô tư. Ôi cái thời công nghệ số. Ở nhà kết nối Dcom 3G mà có thể học cách đan của bạn bè bên kia bán cầu. Thế mà nay vẫn ít đan khăn tặng nhau. Không phải vì sợ chia tay mà là vì nhớ nhau thì gọi điện hoặc chat Facebook cả ngày. Lúc gặp, chỉ ham làm trò mà người lớn cấm. He he. Nay tặng nhau Iphone chứ tặng gì khăn nữa nhể?

    Lúc đang gõ bài viết này, chị Bân hình như gõ cửa Tây Nguyên rồi. Trời âm u, gió thổi phần phật như này thì chỉ se se lạnh cho vừa nhớ nhung thôi chứ khó có mưa lắm. Giờ em thì chỉ yêu mưa chứ chả yêu anh nào sữa sất!
Tác giả ảnh: Minh Ngọc
   Hình ảnh này chụp ở Dak Nông đấy. Hình như một trưa lông nhông trên đường. tác giả Minh Ngọc Cao Nguyên thấy anh cu này tồng ngồng cưỡi con xe đạp giữa nắng. Bất chợt thấy tác giả giương ống kính về phía mình, anh cu ngại quá nên cuống cuồng vừa chạy vừa khóc lao xe để trốn.  He he. Nom đáng yêu thế đấy. Nắng Tây Nguyên vẫn cháy và trai Tây Nguyên từ bé đã hừng hực khí thế xông phá như vậy đấy các nàng phương xa ạ. Hã hã. Đùa chứ theo tác giả ảnh thì đây là một anh cu người H’Mông sống tại Dak Nông. Nghe nói con trai H’Mông thường đánh truồng đến khi biết ngại mới mặc quần. Thế mà đôi lúc xem ảnh về người H’Mông ở vùng núi phía Bắc, Tây cứ tưởng các bé trai nghèo quá nên không có quần mặc. Hỏi bạn Facebook sống ngoài đó mới biết chuyện này. Chắc vào Tây Nguyên, họ vẫn giữ nếp sống này.
Buôn Ama Thuột, 13/4/2015
Tây Nguyên Xanh

No comments