Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, April 25, 2015

BỮA CƠM NGÀY LẬP DỊCH

   Sáng nay nhận sáu cái thiệp mời ăn cưới trong tuần tới. Có ngày hai đám trùng giờ nhau. Bố mẹ phải chia nhau đi. Nguy cơ tái nghèo vì cưới hỏi cao lắm thay. He he. Ngoài giấy báo hỷ, giấy mời tiệc thì trong sáu cái thiệp lớn ấy, có một cái được bấm kèm với tờ giấy nhỏ ghi rõ mời ăn Lập Dịch. Nghĩa là cũng cái đám ấy nhưng chủ nhà còn đãi thêm nhà mình một bữa cơm tối trước ngày cưới nữa.
Tác giả ảnh: Nguyễn Ngọc Hoà
   Chẳng biết từ bao giờ xứ mình có thêm tờ giấy mời ăn Lập Dịch như thế. Trước đây chỉ mời bằng miệng chứ không gửi giấy bao giờ. Ngày xưa Lập Dịch chính là bữa cơm tạm để đãi những người giúp chủ nhà dựng rạp trước ngày cưới. Bữa cơm mời Lập Dịch thường là lúc ban trưa. Đến tối của ngày Lập Dịch thanh niên đến ngồi chơi cắn hạt dưa trong rạp. Còn người thân và láng giềng quanh bốn góc vườn thì đến để trước là mừng cưới, sau là nắm được phần việc của mình trong ngày tiếp theo (ngày tổ chức cưới). Hồi ấy dịch vụ nhà hàng lưu động chưa phát triển mãnh mẽ như bây giờ nên người nhà tự nấu.
   Là mình thấy thế và cũng được nghe kể về nguồn gốc cái bữa cơm Lập Dịch của người Nghệ Tĩnh là như thế chứ không biết các quê khác ra sao. Vào Tây Nguyên, người Nghệ cũng bê nguyên ý nghĩa bũa cơm ngày Lập Dịch như vậy. Hễ đụng sự dựng rạp thì có Lập Dịch. Nhưng hơn hai mươi năm sinh ra và lớn lên ở Dak Lak, mình thấy rõ mồm một sự giao thoa giữa các nền văn hoá. Mình thấy bây giờ không phân biệt là người đến từ vùng quê nào và quê ấy có tổ chức ăn trong ngày Lập Dịch hay không, đã hoà vào đời sống của dân Tây Nguyên thì đều có làm bữa cơm Lập Dịch vào buổi tối. Và bữa cơm ấy không ít khách đâu nhé. Tệ là năm mâm và phổ biến là bảy hoặc tám mâm khách đấy. Mỗi mâm mười người chứ không phải sáu người như ngoài Bắc đâu.
   Khách trong bữa cơm Lập Dịch ngày nay là anh em cận huyết.  bạn bè thân thiết và láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Nói vậy chứ gần như đãi không cả làng mới nhiều khách thế đấy. Trước ngày cưới, nhân viên của nhà hàng lưu động đến dựng rạp và treo logo quảng cáo thương hiệu dịch vụ nấu ăn của họ. Đến chiều, các nhạc công thử giàn loa và cùng ăn cơm Lập Dịch do chủ nhà tự nấu. Nhân thể quan khách ăn lập dịch cũng vừa ăn vừa hát như trong tiệc cưới. Ngày hôm sau, nhà hàng lưu động đến phục vụ đám cưới. Tam tiệc, chủ nhà xé phong bì lấy tiền trả cho bên nhà hàng. Thế là xong. Về phần tiệc thì ngày nay người Tây Nguyên ít khi lỗ. Chủ yếu tốn chi phí trong phần lễ thôi.
   Tiệc cưới bây giờ chán lắm. Ai đến trước ngồi đủ mâm thì ăn trước và ngồi bát nháo chứ không theo hàng họ nghiêm ngặt như ngày xưa nên ngồi ăn cưới rất nhạt tình. Cho nên bữa cơm Lập Dịch đối với người di cư đi làm kinh tế mới ở Tây Nguyên cực kỳ quan trọng. Bữa cơm này thường có cả người ngoài quê vào dự đám cưới của con cháu nên nó rôm rả và vui vẻ lắm. Người xa quê đến để được no cái tình đồng hương chứ không quan trọng no cái bụng. Ấy thế mà chủ nhà vẫn phải rườm rà vài mâm cơm Lâp Dịch. Có chén rượu uống vào cho ấm bụng, lúc phê pha, các cụ kể chuyện mới hăng được.
   Với mình, bữa cơm Lập Dịch là nơi mình được nhận quà của ông bà gửi tử ngoài Nghệ An vào. Lúc thì can tương Nam Đàn, bao lạc sống hoặc kẹo Cu Đơ. Đàng nội chỉ có một mình Ba ở trong này nên ông bà cưng lắm. Chỉ cần trong xã Xuân Hoà có ai vào Dak Lak thì kiểu gì cũng gửi quà vào cho cháu. Đi ăn Lập Dịch để được nói tiếng Nghệ đặc sệt mà không phải sợ đối phương khó hiểu và được sống như người Nghệ…
Buôn Ama Thuột, 25/4/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, April 22, 2015

ĐẸP MỘT CÁCH ĐỚN ĐAU

   Là Tây muốn nói đến cảm nhận của mình về ba tấm ảnh dưới đây. Hôm nay là ngày Trái Đất thì phải. Èo, lắm ngày thế. Cơ mà Tây a dua, ăn hôi một status gọi là hưởng hứng ngày Trái Đất cho nó tỏ vẻ chí khí bảo vệ môi trường. Dù rằng mỗi lúc Tây hẹn hò với trai, hai đứa ngồi cắn hạt dưa phun vỏ quanh ghế đá, vứt bao có chứa vỏ lạc trên bãi cỏ xanh tươi mơn mởm. He he. Cái sự làm và nói của Tây có phần khác nhau. Chú thích ảnh phát nào. Ảnh đẹp dã man, đẹp tàn bạo và xem xong là hết muốn nhân đạo với kẻ xả rác thế cơ mà. Hã hã. À, Tây không có mắng mỏ gì các gã phó nháy đâu nhé. Các gã cấm trộm ảnh là toi. He he.

   Tấm ảnh này là của lão Nguyễn Đắc Thảo. Theo thông tin rò rỉ từ hồi sau tết Nguyên Đán thì đó là “kết quả tốt đẹp” sau ba ngày dân chúng chúc tụng nhau năm mới năm me an lành. Ngoài tết Nguyên Đán, một năm có kính thưa các thể loại ngày được cấc ban ngành yêu mến. Sáng toạ đàm, trưa toạ nhậu, chiều kê cái bàn toạ lên ghế để phân loại rác rồi vứt. Chắc là nên bớt ngày tưởng niệm mấy lị kỷ niệm để bớt rác nhỉ?
   
   Cái ảnh có mấy con Cò Ma đang bới rác này là của lão Tăng A Pẩu. Tây tò mò muốn biết vì sao lũ Cò hăm hở bới đào ở trong bãi rác ấy. Theo ngu ý của Tây thì hình như do nó đánh hơi thấy những thứ có thể ăn được trên bãi rác. Nhưng mấy thứ ấy bị gói trong các túi bóng nilon lên nó cứ phải vừa mổ vừa bới.
   Kết luận: Người ta chưa có thói quen phân loại rác trước khi vứt!
   Những thứ như cơm thừa, cặn nơi rửa bát, lá cây bỏ lại sau khi cắm hoa….nên để riêng ra và sau đó được đổ vào hố đất cho nó tự phân huỷ tạo độ mùn cho đất. Còn những thứ khó tiêu như bao nilon phải bỏ riêng ra để tái chế hoặc xử lý theo quy trình xử lý rác khó tiêu.

   Cái ảnh này là của lão Trần An. Mà không biết An hay Ân. Tây đoán tên dựa vào nick Tran An thôi. Mỗi lần nhìn tấm ảnh kiểu như thế này. Tây lại nghĩ đến các làng nghề đan lát bằng dây Mây và cây Tre. Sẽ như thế nào nếu như chúng ta đan ra một cái giỏ đi chợ có nhiều ngăn. Ngăn đựng thịt, ngăn đựng rau, ngăn đựng trái cây, ngăn đựng trứng… Sau đó, người tiêu dùng chịu khó rửa cái làn đi chợ rồi treo lên. Hàng hoá ở siêu thị toàn bộ được đựng trong giấy hoặc bằng tre. Lúc đó gần như chỉ có ngành y tế mới phải dùng đến đồ nhựa và bao nilon. Đồ nhựa có thể rửa và dùng lại được. Còn bao nilon đa số là để chứa các thai nhi bị nạo hút ở khoa sản của các bệnh viện. Những thứ chỉ dùng được một lần thì đa số liên quan đến bao nilon. 
   Vậy thì sao này có ai cầm bao nilon đi vứt rác, người ta có ý nghĩ xỉa xói ngay. Hạn chế được đáng kể nạn nạo phá thai và chuyện khó tiêu huỷ bao nilon. Đã thế, các làng nghề truyền thống lại sống như ngày xưa. Các cụ làm công tác bảo tồn văn hoá khỏi ca cẩm. Nhọc tai quá. He he. Tây góp ý ngu ngu thế. Chả biết khả thi không!
Buôn Ama Thuột, 22/4/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, April 21, 2015

LOÀI SÓI Ở ETHIOPIChuô

   Ở vùng nói xa xôi hẻo lánh của Ethiopia, có một loài động vật thuộc họ Chó hiếm gặp nhất trái đất: Sói Ethiopia. Ngày nay có ít hơn 450 cá thể xinh đẹp này còn tồn tại.

   Những con sói Ethiopia có thể trông như con cáo hoặc chó rừng nhưng bản phân tích DNA cho thấy chúng có nối liên hệ thân thiết nhất với sói xám ở châu Âu. Khoảng 100 000 năm trước, tổ tiên chung của sói xám Châu Âu và sói Ethiopia di chuyển từ châu Âu sang châu Phi. Chúng tình cờ gặp môi trường sống Âu gốc Phi mà có nhiều những loài gặm nhấm. Con cháu của chúng ngừng đi săn theo bầy và trở thành loài chuyên săn thú gặm nhấm. Loài này bắt đầu trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn con mồi dồi dào. Sau đó, đến cuối kỷ Băng Hà, khu vực Âu-Phi xa dần và loài sói ở một vài nơi đồi núi biệt lập quanh thung lũng Great Rift được nhuộm lông màu hạt dẻ. Ngày nay nơi cư trú của loài sói này bị bao vây bởi dân số loài người tăng nhanh và chúng có nguy cơ bị tuyệt chủng.

   Cư dân ở vùng núi Ethiopia chủ yếu là người chăn nuôi dê và gia súc. Khi họ xâm lấn lãnh địa của loài sói, chăn thả quá mức và các khối đất đá đã làm giảm mạnh mật độ của con mồi gặm nhấm của loài sói. Người chăn nuôi cũng bảo vệ những con chó nhà khỏi loài báo và linh cẩu. Những con chó này sống cận cư và có quan hệ với loài sói. Đây là một vấn đề nan giải bởi những con chó có thể dễ dàng truyền nhiễm những virut gây bệnh dại và sốt cao (CDV) cho những con sói. Hai đợt bùng nổ bệnh dại năm 2008 và 2009 cộng thêm đợt lây lan CDV năm 2010  dẫn đến 26% số sói ở vùng núi Bale bị tiêu diệt. Cộng đồng sói không có thời gian để gắng gượng giữa những đợt dịch bệnh nên khả năng bị tuyệt chủng là rất có thể.

   Dù có thói quen đi săn một mình nhưng những con sói thực sự rất dễ gần, tổ chức đàn giống như anh họ sói xám của chúng. 









Chuột chũi-mồi của sói Ethiopia
Bài và ảnh của Burrard Lucas
Tây Nguyên Xanh chuyển ngữ
No comments

CHA NUÔI CỦA CHÚ TINH TINH OSCAR

   Hắn chán sống với xã hội loài người nên hắn tự khơi dậy bản năng sinh tồn bằng cách vào rừng chỉ với vài bộ quần áo, một con dao nhỏ gọn, cứng mà sắc và hai hòn đá lửa. Nghĩ đến cảnh hắn có thể bị hồ vồ, sói ăn thịt. Hắn sợ nhưng hắn chấp nhận mình là một mắt xích trong chuỗi thức ăn của tự nhiên. Thà mạo hiểm để biết nhiều thứ còn hơn là nhàn nhạt sống trong ảo tưởng cái gì cũng biết thông qua người khác. Khu rừng hắn đến có nhiều cây vả và cây quả hạch. Vài ba đàn Tinh Tinh sống ở đó. Chúng nó tranh nhau vùng cây quả hạch. Chỉ những đàn có mối đoàn kết bền chặt mới đánh đuổi được kẻ thù khỏi vùng lãnh địa của mình.
Tinh Tinh ở châu Phi - Tác giả ảnh: Burrard Lucas
    Khi hắn đến, cả đàn có khoảng một tá con Tinh Tinh, trong đó có vài chú Tinh Tinh con đang bám vào bụng mẹ khi ngồi nghỉ ngơi hoặc trèo lên lưng mẹ ngồi mỗi khi cả đàn di chuyển. Chúng chờ mẹ đập vỏ hạch ra lấy lõi cho chúng ăn. Chúng cứ ngồi gãi gãi, phớt đầu và bứt tai cứ như thể có sinh vật lạ đang bò trong lớp lông đen thui của chúng. Đôi tai choanh choách vểnh lên của chúng nom ngộ ghê. Trong đàn, có một chú Tinh Tinh con không ở bên mẹ mà cứ nhảy nhót loanh qoanh. Khi nào đói, nó mới về bên mẹ thôi. Nó hiếu động lắm. Hắn đặt tên cho nó là Oscar.
    Ở rừng, hắn tự chặt cành cây nối những sợi cây thân leo thành võng để nằm. Hắn lấy dao chặt một cành cây nhỏ và dài rồi vót nhọn để đâm cá ở khe suối. Hắn xiên tất cả lại. Hốt cành khô và  dùng hai hòn đá bật ra lửa để sưởi ấm và nướng cá. Hắn sống vài ngày như thế để xem cho được cảnh huyết chiến giành lãnh địa của lũ Tinh Tinh. Hắn thấy phía xa xa có cành cây động đậy và tiếng hú hét của bọn Tinh Tinh ở đàn khác. Hắn đoán nơi này sắp có giao chiến vùng thức ăn.
   Đúng như hắn dự, mấy ngày sau, đàn Tinh Tinh lạ kia đu dây, chuyền cành hung hăng tiến lại nhe răng đòi đánh nhau. Con Tinh Tinh đầu đàn của Oscar nhảy lên mấy phát, tay đập bồm bộp vào rễ cây cổ thụ lồi lên mặt đất. Nó nhảy lại đập con khỉ đầu đàn của đối phương. Cả đàn tinh xúm nhau đánh đuổi cho bằng được bọn  kẻ xâm lược. Oscar nhỏ bé chỉ biết chờ kết quả. May quá, đàn của chú đã thắng. Trông cái dáng vỗ ngực phành phạch của con đực đầu đàn đầy uy lực là biết rồi. Sau chiến thắng, bỗng dưng Oscar không thấy mẹ đâu nữa. Cảnh hỗn chiến loạn lạc, không ai biết mẹ của chú đi đâu cả. Hắn mãn nhãn lắm, định trở về nhưng lại thôi. Hắn muốn biết con Tinh Tinh Oscar làm sao sống sót qua tuổi bé dại.
   Tội nghiệp Oscar, mẹ đã không còn ở bên chú nữa. Chú cô đơn lắm. Các gia đình Tinh Tinh quây quần ở dưới các gốc cây trên lãnh địa. Chúng chải lông, bắt chấy cho nhau. Mẹ kiếm thức ăn cho con. Còn chú thì không ai lo cho cả. Chú buồn lắm. Lủi thủi tiến lại gần một gia đình nọ. Bỗng bọn chúng nhe răng khè lợi đuổi Oscar. Cả đàn không ai chơi với Oscar nhưng có một con Tinh Tinh mà Oscar chưa hề tiếp cận. Ấy là con đực đầu đàn.
    Oscar bẽn lẽn mon men bám theo con đực đầu đàn. Nó làm gì thì Oscar làm y hệt thế. Hắn cười ngặt nghẻo khi thấy con Oscar nhăn mũi ăn trệu trạo cái quả mà con đực vừa mới nhai. Lâu lâu nó còn le mớ hỗn độn ra ngoài như thể muốn nhổ ra nhưng rồi lại nhai tiếp. Con đực kia cầm hòn đá to to để đập quả hạch. Oscar đứng nhìn. Một lúc sau con đực bỏ đi thì Oscar mới chạy lại thử cầm hòn đá ấy và cũng thử đập lên mảnh vụn. Chú thấy không thú vị nên bỏ lại hòn đá và bám theo con đầu đàn. Kỷ diệu thay! Một lúc sau, con đầu đàn cho phép Oscar trèo lên lưng nó. Điều này là không tưởng đối với một gã người như hắn. Hắn nghĩ loài Tinh Tinh làm gì cho nghĩa cử hay ho đến thế.
    Lại tiếp tục theo dõi bầy Tinh Tinh, hắn thấy Oscar đươc con đực đập quả hạch cho ăn. Oscar được cưng quá nên chú hỗn thôi rồi. Cha nuôi bẻ một cành cây vặt lá để chuẩn bị thọc vào cái lỗ cho kiến bò ra mà ăn. Cha đang cầm cành cây bỗng Oscar chạy lại giật phăng, ngửi ngửi, quay quay, nhòm nhòm thật kỹ. Thấy không thú vị, chú vứt cái que của cha xuống đất. Con đực vẫn nhẫn nại nhặt lên để bắt kiến. Con đực đang cầm trên tay bất cứ thứ gì ăn được thì đều bị Oscar mò lại cuỗm đi một phần trong tay nó. Hai cha con chúng nó chia nhau tất cả. Oscar được con đực bắt chấy, chải lông cả buổi. Dường như nó lơ là nhiệm vụ canh gác cho cả đàn vì phải chăm sóc cho Oscar.
     Bỗng một ngày, con Oscar lại phải lủi thủi một mình. Con đực đầu đàn chuyển sang bắt chấy và bới lông cho những con khác trong đàn. Ý đồ gì đây? Hắn tò mò quá. Con đầu đàn chán Oscar rồi sao. Ồ không! Bọn Tinh Tinh khác đang ở xa xa, muốn chiếm lãnh địa quả hạch của chúng. Con đầu đàn đang tỏ vẻ quan tâm để gắn tình đoàn kết đấy. Ít lâu sau, lại có cuộc hỗn chiến khác. Nhờ sự phối hợp tốt của cả đàn mà Oscar vẫn được sống nơi lãnh địa của mình. Con đực đầu đàn lại chăm lo cho Oscar. Có lẽ Oscar sẽ được sống cuộc đời sung sướng bên cha nuôi.
   Hắn trở về nhà sau nhiều tháng ở rừng. Thực ra là về để nạp thêm nhiều kiến thức về tập tính sinh vật để đi tiếp. Chẳng biết bàn chân hắn có nốt ruồi hay không mà ưa rong ruổi thế!
Buôn Ama Thuột, 21/4/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, April 20, 2015

BỒNG CHANH ĐÃ GIÚP ANH QUÊN EM


   Lâu lắm rồi hắn mới mở hộp thư điện tử cũ. Trong đống thư thông báo mời xem bài viết mới của các trang mạng mà hắn đã đăng ký tài khoản, có thư của nàng. Chỉ một câu gọn lỏn: “Anh dạo này thế nào?”. Trả lời sao đây? Chẳng lẽ kể với nàng rằng sau giây phút chia tay nàng chỉ vì hắn chưa xin được việc, cộng thêm về nhà thấy bọn cò mồi dụ dỗ bố mẹ đưa tiền xin việc cho hắn, hắn quyết định ra mé sông để tự sát. Thế nhưng đứng trước dòng sông cuồn cuộn chảy mãi không ngừng, hắn thấy lòng vơi đi chút ít và thậm chí còn bị thu hút bởi cảnh vật xung quanh. Hắn nhận ra mình đã ở nhà quá lâu rồi, còn nhiều điều thú vị về thiên nhiên vạn vật chưa khám phá. Hắn quên mục đích đến đây là để chết…

   Hắn thấy một con chim Bồng Chanh đứng trên một cành khô chỉa ra lòng sông. Cái đầu của nó nhích qua nhích về nhau nhảu linh hoạt. Bỗng vù một phát, nó gieo mình vào dòng nước và trở lại với một con cá đang giãy đành đạch ngang mỏ. Nó nhắp mở cái mỏ một cách thuần thục để vừa giữ vừa xoay chiều con cá nằm theo chiều dọc của mỏ rồi nuốt.

   Một lát sau, lại có một con Bồng Chanh khác đến đứng bên nó. Nói là đứng bên nhưng khoảng cách cũng phải bằng nửa cánh tay. Con mới đến cũng có tài bắt cá điêu luyện như con kia nhưng thứ vị thay, nó vừa gắp giữ con cá đang giãy ấy vừa nhảy lò cò từng đoạn nhỏ tiến lại gần con kia và nhứ con mồi về phía nó. Con Bống Chanh chủ của cành cây kia không thèm đếm xỉa đến hành động mời xơi cá. Hắn nghĩ cái con mới đến ấy chắc chắn là chim trống. Nó muốn tán con chim mái đây mà. Con mái không ăn nên con trống phải tự xử. Và nó lại kiên nhẫn bắt con cá khác về. Lại bị chim mái từ chối. Sau vài lần như thế, bỗng dưng hắn thấy con mái nhận con cá từ mỏ của con chim mới đến. Thế là gần như nguyên buổi ấy, con mái không phải làm gì. Nó chỉ việc đứng ngắm dòng nước trôi và ăn cá tươi do con trống bắt về. Sau một buổi bắt cá cho “tình yêu”, con chim mới đến cũng được nhảy lên lưng con mái và chúng nó thực hiện hành vi chẳng khác gì loài gà đạp mái. Con trống ký mỏ lên đầu con mái và phần đuôi hai đứa dính vào nhau trong chốc lát. Hắn cười ý vị, thẩm hỏi “Kiệt sức chưa cu? Chỉ vì vài phút sung sướng ấy mà mất cả buổi bắt cá cho nàng. Ngu hết sảy”. Hắn ngước lên nhìn bầu trời, ngẫm rằng hắn cũng ngu, cũng một thời đong đưa với gái, làm mọi thứ cho nàng. Nhưng rồi đùng một phát, nàng chán nàng bỏ hắn đi theo một người xa lạ. Suýt nữa hắn tự tử vì tình nữa chứ. Hắn lắc đầu tự cười bản thân mình.

   Đang lẩn thẩn, hắn thấy con chim mái bay lồng lộn và há mỏ  như đe doạ gì đó. Có một con chim lạ đến nữa. Khác hẳn thái độ với con Bồng Chanh đến lúc trước, lần này, con con Bồng Chanh (vốn là chủ của cái cành cây chỉa ra sông kia) bay lên đuổi đánh, cắn nhau với con mới đến. Nó không cho kẻ lạ được đứng yên trên lãnh địa của mình. Chúng quắp mỏ vào nhau, đôi cánh vùng vẫy, cùng bay xuống nước và cố dìm cho đối phương chết đuối. Hắn tò mò chờ kết quả cuộc đấu, bỗng có tiếng ủm và thấy nước bắn lên. Một con chim bay lên, con còn lại đang giãy giữa hai hàm răng của con chồn. Thế là một trong hai con Bồng Chanh đã bị ăn thịt. Hắn chẳng biết con còn sống là con cũ hay con mới đến nữa.

   Lát sau con trống trở về, hai đứa thay nhau khoét tổ trong đất. Chắc con mái cũ còn sống nên chúng nó mới tâm đầu ý hợp như thế. Thương thay cho số phần kẻ đi chiếm lãnh địa. Nó chưa kịp biết cảm giác thua hay thắng đã bị chồn ăn thịt.

   Thực ra lúc đó hắn chỉ biết đó là loài chim ăn cá chứ không biết tên gì. Về nhà, hắn vội vã gõ “Chim ăn cá” trên Google. May thay bỗng dưng ra hình ảnh con chim giống mình đã thấy. Họ bảo đó là chim Bói Cá. Chính xác thì những con chim mà hắn nhìn thấy là Bói cá Bồng Chanh thuộc bộ Sả. Hắn cứ bị rối rắm bởi danh pháp của các loài chim. Hắn tò mò tìm hiểu và rồi quên đi thói quen nhắn tin gọi điện cho nàng khi nào không hay. Hắn có niềm quan tâm mới nên cuộc sống cũng có nhiều đổi thay. Hôm nay nàng hỏi hắn như thế nào. Hắn chưa biết trả lời sao, Thôi để đó đã. Chắc thú rừng chỉ giúp hắn tạm cất quá khứ chứ hình như hắn chưa quên được nàng. Hắn sợ phải nhớ lại những ngày tháng mất nhau…
Buôn Ama Thuột, 20/4/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Duy My
1 comment

Sunday, April 19, 2015

SƯA

   Oa cha, cái vụ UBND TP Hà Nội can thiệp vào chuyện bán gỗ sưa do dân tự trồng ở huyện Chương Mỹ khiến mình lo cho hai cây sưa của nhà mình quá. Vài chục năm sau, muốn bán cây sưa để có chi phí đi vòng quanh thế giới đong trai tuổi hai mươi (lúc ấy nhẽ mình già sọm sẹm rồi) mà cán bộ khi đó học tập thế hệ cha anh hôm nay thì khốn mình là cái chắc. Hai cây ấy trồng được đâu ba năm rồi, mỗi năm nó béo lên tí tị tì ti thôi. Còn nhớ, năm nọ, có người quen trên viện cây giống Ea Kmat biếu nhà mình bốn cây. Ba cho bác hàng xóm hai cây, nhà mình trồng hai cây. Nghe nói cây bạc tỷ trong tương lai nên mình hí hửng nghĩ rằng cả xóm chỉ có nhà mình và bác kia có thôi. Ai dè, lại một ngày nọ, mình ló cổ vào vườn nhà cuối xóm xin sả về nấu giả cầy hay sao ấy, thấy cây sưa to to là, há mõm phát âm mấy chữ “ôi, cây sưa…”. Mới nói đến đấy, cô chủ nhà bọp mõm mình lại, bảo be be cái mồm cho cô nhờ. Người ta biết, họ chặt trộm thì khốn. Hố hố, sau đó mình phát hiện ra cả xóm mình, vườn nhà nào cũng có….sưa. Và ai cũng kín kẽ, khéo léo trồng ngay giữa vườn để khuất mắt thiên hạ. Cơ khổ.
Hoa Sưa- Ảnh: Núi Xanh
   Lại nói chuyện chính quyền can thiệp vào đời sống của dân. Ở cái thôn cách nhà mình khoảng 5km, có nhà bác nọ thỉnh tượng Phật Quan Âm bằng đá từ dưới chân Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng về thờ lộ thiên ngay giữa sân. Phải thuê xe có cần cẩu đến an vị tượng mà. Các bố làm ở xã vài ba ngày đến nhà bác ấy một lần để “xin” bợ tượng Phật về uỷ ban với lý do là chờ chính quyền xác minh xem chủ nhà có ý đồ lập nơi thờ cúng, quy tụ đông người đến cúng bái một cách trái phép không.
     Ngồi nói vã bọt bép, uống no nước nậy cái rồi mà chủ nhà không đồng ý. Có bố cán bộ buồn tè quá, ra vườn xả cho thoải mái. Lúc đang “gửi tình yêu vào đất”, mắt của cán bộ ấy vô tình thấy một thân gỗ sưa nằm chình ình sau nhà. Thế là được thể yêu cầu chủ nhà xuất trình giấy tờ về khúc gỗ trên với lý do là nghi ngờ gỗ lậu. Chủ nhà lại phải cãi chày cãi cối với chính quyền là gỗ tôi dược tặng. Nhì nhằng mấy năm nay rồi.
     Cái vụ dân đào ra đá hiếm và bị chính quyền tịch thu ở Dak Nông xử lý đến đâu rồi nhỉ? Nói chung là dân chịu khó sống nghèo hèn thì được yên. Chứ tang trữ cái gì to đẹp, đáng giá thì được thăm hỏi suốt. Ờ thì có nghèo thì người ta mới có cớ để lên tivi phát biểu cái niềm khao khát làm cho dân giàu nước mạnh được chứ. He he, cái mồm mình thối kinh!
Buôn Ama Thuột, 19/4/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

CHIM KƠ TIA = CON VẸT. DAK LAK = HỒ CON LƯƠN. KRONG BÔNG = SÔNG QUAN TÀI. CHIM CHƠ RAO= CON CHÈO BẺO

1. CHIM KƠ TIA LÀ CON VẸT MỎ ĐỎ HOẶC CON MỎ KÉT
Chim Kơ Tia - Ảnh: Tăng A Pẩu
   Nói thật nhé. giờ mình mới biết cái con trong ảnh là chim Kơ Tia. Cái loài phá hoại mùa màng, bị người ta xua đuổi.
   Nói thật nhé, mình là người Kinh. Mến anh em dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chứ văn hoá của họ thì mình ngu lắm
   Nói thật nhé, đừng có than thở với mình khi đến Tây Nguyên mà không được thấy người đồng bào mặc áo truyền thống. Họ có thái độ với quần áo truyền thống giống người Kinh đối xử với cái áo dài, khăn đóng thôi. Chỉ khi có dịp gì trịnh trọng mới mặc. Bây giờ may mắn lắm thì được thấy những người phụ nữ trung niên mặc váy đen dài chứ không thì họ mang quần áo như người Kinh thôi. Đừng trách họ không giữ gìn bản sắc. Làm nên bộ quàn áo truyền thống không đơn giản đâu. Đồ ngoài chợ rẻ thế, mua về mặc cho sướng. Đồ thổ cẩm để dành đi hội.

2. DAK LAK = HỒ CON LƯƠN. KRONG BÔNG = SÔNG QUAN TÀI
   Ngày xửa ngày xưa... cũng không xưa lắm rồi .... Một buôn nọ của người Mnông bị Yang phạt không cho mưa, cả làng sắp chết vì đói khát..... Y Liêng đi tìm nguồn nước và thấy một con lươn (Lak) chui từ dưới đất lên, từ lỗ lươn mới chui ra, nước phun ra tạo thành hồ và người Mnông gọi là Dak Lak . Từ đó người Mnông bỏ núi xuống ven hồ sinh sống 
Nguồn ảnh: Facebook
   Dak lak có núi Yang Sin (Thần Sin) phía Đông (ngăn người Ede lại - vì người Ede dưới biển lên nên người Mnông ghét và bị gọi là người lấn đất ) phía Tây có núi Nam Ka, có Hồ Buôn Triết...có sông Krông Ana...( nhưng vùng đó người Ede ở hết rồi ) . Nguyên địa danh Daklak phải là huyện Lak và Krong Bông bây giờ.
Nguồn ảnh: Facebook
   Người Ê đê sớm nhất là thị tộc Niê Kdam và Mlô từ Ea Trang (thành phố Nha Trang ngày nay) vượt đèo Phượng Hoàng ( mà gọi là băng Adrenh) lên vùng cao nguyên đồng cỏ, Họ gọi là MDRAK nghĩa là đồng cỏ khoảng thế kỷ 8 . Người Ede gọi họ (người M"nông) là Anak Degar trong khi gọi các cư dân bản địa có từ trước là Mnong Mạ Kaho Bana ( Nhóm Môn Khmer) là Jia-Kmar , Jia Kmar là từ không được hay lắm.
Nguồn ảnh: Facebook
   Dak lak là tiếng Mnông có nghĩa là Hồ Lươn ( Mnong gọi Hồ, sông, suối, nước đều là Dak. Không phân biệt được như người Ede) . còn Krông Bông là tiếng Êđê nghĩa là Sông Quan Tài
Nguồn ảnh: Facebook
   Sông Quan Tài là vì ở buôn nọ, nhà nọ sinh con gái. đính ước với buôn khác. sau có 1 chàng vô phá đám, dẫn tới đánh nhau. cô gái chạy trốn. sau chết. cha cô gái chặt cây làm quan tài về nhưng khi đưa qua sông thì bị chìm, 6 cái vẫn chìm. đến cái thứ 7 thì xin nếu đưa qua sông mà không bị chìm thì sẽ đặt tên sông là sông quan tài. sau rồi chuyển qua được. sông đó tên là sông quản tài = Krông Bông.
Nguồn ảnh: Facebook
   Câu chuyện: Người Rang Đê ( tức người Ede và Jrai cổ, được gọi là Rnag Đê) thuộc nhóm Nam Đảo cùng nguồn gốc với người Chăm . Khi lên Tây Nguyên nhóm này đã lan tràn khắp Tây Nguyên từ Sa Thầy Kon Tum đến tận phía Nam Daklak và đến chân núi Yang Sin thì người Ede dừng lại và người Mnông không còn bị người Ede xua đuổi là nhờ núi Chư Yang Sin. Người Ede không vượt được núi Cư Yang Sin để tiến về phía nam (Người Ede không quen sống trên địa hình núi đồi) . Nếu không có Cư Yang Sin thì nhóm Rang Đê đã lan tới hết Lâm Đồng.
3. CHIM CHƠ RAO LÀ CON CHÈO BẺO HAY SÁO?
Chim Chèo Bẻo - Ảnh: Tăng A Pẩu
   Đọc trên báo thì có nơi bảo Chơ Rao là Chèo Bẻo nhưng nhiều bạn xem sách lại bảo là chim Sáo. Em hoang mang quá. Em chôm trên mạng được cái tin này. Không biết có chính xác về đặc tính của Chơ Rao không. Ấy là: "Loài dũng mãnh và có tính cộng đồng cao là chim chơ rao (chèo bẻo). Con diều hâu nào bay qua có ý định ăn cắp trứng là cả bầy chơ rao bay lên vừa mổ vừa kêu ầm ĩ. Mặc dù có trọng lượng chỉ bằng 1/10 con diều hâu nhưng lũ chơ rao cũng đuổi cho diều hâu phải "ôm đầu máu" bay dạt đi chỗ khác". Một người ở vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) nói rứa. Em biết rứa chứ nỏ biết chi hơn. Chắc vì thế mà nhà thơ Thu Bồn đã viết:
"Chim Chơ-rao ơi! Chào chim nhé
Con chim không bao giờ chịu lẻ đàn
Chim hãy đến rẫy rừng ta ca hát
Ðem nguồn vui đến nóc buôn Sang"
(Khổ thứ 168 trong Trường Ca Chim Chơ Rao của nhà thơ Thu Bồn )

Buôn Ama Thuột, 19/4/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments