Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, May 2, 2015

VIẾT VỘI TRONG CƠN MƯA ĐẦU MÙA

Tác giả ảnh: Penkdix Palme
   Những ngày cuối mùa khô này, con ve đậu đâu đó trong những rẫy cà phê kêu báo hiệu trời đã sáng. Khi ánh nắng bắt đầu hé chào ban mai, anh nông dân nổ chiếc xe Super Cub giọt lệ đời cũ chạy ra rẫy đánh chồi non mới mọc. Anh để dành chất dinh dưỡng trong đất để nuôi trái chứ không cho cây nuôi chồi mới. Từ tháng mười năm ngoái đến nay, chẳng có trận mưa nào ra tấm ra món. Cái nắng đỏ gắt như nung anh. Mồ hôi ướt hết lưng áo lao động đã xỉn màu của anh.
   Anh ngước mắt lên nhìn tán cây, chợt sung sướng trong lòng khi thấy nhiều con sâu chiếu đang bò lổm ngổm từ dưới đất lên cây. Nó đi tránh mưa đấy. Cả tháng nay, những con kiến đã đục các khe nứt của cái sân xi măng nhà anh để chuyển tổ lên trần nhà anh. Anh chẳng lạ gì cái hình ảnh lổ nhổ những nhúm đất trên sân và vườn nom như cái miệng giếng (thu nhỏ) người ta đang đào dở. Kiến vào cắn rỉa thùng gạo của anh, Cái tô cơm nguội, nồi cá kho bao giờ cũng đầy kiến bu vào nếu không được cách ly bởi nước. Nhưng chỉ khi con sâu chiếu, con rết mò lên mặt đất thì anh mới tin mùa mưa đã đến.
   Chiều về, anh ngửi được mùi hơi đất ở đâu đó phà vào mũi. Bức xạ từ mặt đất lên khiến da anh nhớp nháp mồ hôi. Xẩm tối, tiếng sấm ở xa xa khiến anh để ý bầu trời. Loắng ngoắng vài tia sét xé toạc màn đêm. Từng đụn mây rời rạc bốn phía xích lại gần nhau. Tiếng sấm nghe gần và rõ dần. Gió không thổi phập phù như kiểu sắp có mưa dông. Anh lắc đầu, bảo chắc trời chỉ gợi nỗi khát nước cho dân thôi. Nhưng không…
    Lộp…độp, lộp…độp… Mưa đấy! Anh nói như reo lên, mưa đi trời ơi. Chúng con sắp hết nước ăn rồi. Cứ bơm nước dưới giếng lên được khoảng ba phút là hết. Sinh linh vạn vật khát mưa lắm ông trời ơi. Từng hạt mưa rơi xuống mái tôn nhà mà như rơi vào lồng ngực anh vậy. Ngực anh nở to và thở ra đầy khoan khoái. Đó là cơm mưa đầu tiên sau gần sáu tháng nắng cháy.
    Ngồi trong nhà ngắm mưa, anh thấy một vài giàn ống máy chạy ngang ngõ. Chắc ai đó đang tưới cho cà phê thì có mưa nên rút ống về, Anh biết người ấy chưa hẳn đã yên lòng đâu. Cơn mưa này kéo dài hơn ba mươi phút nhưng nó chỉ đủ làm ướt đất thôi chứ chưa có gì để gọi là mưa xối xả. Nếu ngày mai, ngày kia, ngày kỉa vẫn nắng thì cà phê sẽ héo. Nhưng nếu ở lại tưới rốn thì tiếc dầu, người ướt nhẹp và tâm lý lại nghĩ trời mưa to khiến người ấy đấu trí căng thẳng. Đời thằng làm nông phụ thuộc vào thời tiết sao cực quá vậy.
   Trong khi anh trầm tư, cả đàn mối đã bay dập dờn quanh anh từ khi nào không rõ. Mưa vừa ngớt là chúng cùng lũ bọ xít ngoi lên khỏi mặt đất thì phải. Mấy con thạch sùng ẩn nấp sau bóng đèn chầu chực đớp mối. Con mèo mun của anh cũng quất đuôi nhẹ nhàng tạo thế nhảy vút lên cao để chộp mối hoặc những con thạch sùng vì tham lam mối rụng cánh bò bên mép tường mà chấp nhận mạo hiểm. Căn phòng nhanh chóng có mùi tanh thân quen của những đêm mưa.
    Anh tắt đèn đi ngủ. Trên giường, anh hình dung công việc của ngày mai. Có lẽ quét cánh mối là việc đầu tiên. Chắc thế! Cảm ơn em đã đến, cơn mưa đầu mùa!
Buôn Ama Thuột, 19h – 19h45, 1/5/2015
Kỳ niệm với cơn mưa đầu mùa
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Thursday, April 30, 2015

PHÚT HẤP HỐI CỦA MỘT CON CHÓ

   Nó chết rồi, con chó của tôi!
   Chiều hôm qua, tôi nghe tiếng gầm rú của chó. Tôi tưởng chó nhà hàng xóm cắn nhau, nhưng khi đến bên chó nhà mình thì biết nó đang gào trong đau đớn. Những con kiến đang cắn nó. Nó yếu lắm rồi, không tự rung mình phủi kiến được. Tôi phủi không xuể vì đàn kiến chuyển tổ cuối mùa khô Tây Nguyên đông vô vàn, đông kinh hoàng. Tôi đành ngồi bên chó cho nó biết có chủ đang un ủi. Lâu lâu tôi gọi nó bằng những tiếng tặc lưỡi như mọi khi. Nó không đủ sức ngoắt đuôi, chẳng đủ sức ngóc đầu vểnh tai, hay thậm chí là mở mắt ra nhìn tôi nó cũng không đủ sức nữa. Những lúc tôi gọi, cái bụng của nó nhấp nhô gấp gáp hơn, hình như tim nó lúc đó đập nhanh, nó thở gấp hơn. Nó hưởng ứng tiếng gọi của tôi theo cách ấy đấy. Mắt nó nhắm nghiền, rên rỉ chịu đựng. Nó bị ghẻ. Lúc còn nhẹ, chúng tôi đã tiêm thuốc cho nó nhưng chỉ bớt một thời gian rồi lại bị nặng hơn. Nó sợ bị tiêm nên không cho tôi đụng vào người nữa. Nó đã từng cắn tôi để tự vệ đấy. Toàn thân nó lở loét và cứ mất máu theo ngày tháng...
Tác giả ảnh: Nguyễn Bá Quang
   Vậy là tôi lại chứng kiến thêm một con chó chết. Con nào ốm tôi cũng ở bên nó trong giây phút cuối cùng. Con này cũng vậy, nó đã  rất yếu, toàn thân nó mưng mủ, chân nó bị sưng tấy nhưng vẫn cố bước về nơi chúng tôi ủ phân bò – chỗ mà nó vẫn thường ị. Nó cúi hít hít một bãi phân đã hoá trắng gần hết. Tôi hỏi nó là muốn tao hốt đi phải không. Nó không nói gì, tất nhiên! Nhưng sau khi tôi hốt bãi phân này thì nó lại hít đống khác. Tôi lại hốt bỏ đi. Tôi thấy nó giật giật như thể muốn ỉa nhưng không đủ sức rặn nữa. Nó khuỵu xuống và nằm bệt ra. Tôi bồng nó vào rơi râm mát. Tôi lấy giấy quạt cho nó mát và để cho đàn kiến hoang mang chạy nháo nhác chứ không yên ổn rỉa thịt nó. Tôi kể cho nó nghe nó đã sinh ra như thế nào, tôi đã ẵm nó cùng anh em của nó vào cái ổ mới ra sao, quá trình lớn của nó, vì đâu nó bị ghẻ và kể luôn cái kết cục có thể xảy ra đối với mẹ nó sau khi bị ai đó bắt cóc. Tôi gợi lại những sự đau đớn mà nó đã chịu đựng và cuối cùng là khuyên nó hãy niệm Phật, cầu đức Chúa trời cứu vớt cho linh hồn nó để được về miền cực lạc. Tôi cầu nguyện cho nó được thoát xác sớm chứ nhìn nó rên rỉ như vậy, tôi xót lắm. Trong đêm qua, nó rú lên tổng cộng bảy hồi não nề và rên rỉ cho đến tận gần sáng mới ra đi. Trước lúc chết, nó tận dụng chút sức cuối cùng gào lên một tiếng thật to, nó mở mắt rặn đái và ỉa một bãi cuối cùng, thở hắt ra, hóp bụng và chết.
   Vừa mới hôm qua thôi, nó còn nằm bên bếp lửa khi tôi đun nước om chè. Tôi cời than thường xuyên cho hơi ấm phà vào nó. Nó lim dim ngủ. Vậy mà sao nhanh quá. Trưa nó bỏ ăn, thế rồi chiều ngã sự.
   Tôi không khóc đâu.
   Tôi không khóc đâu.
   Tôi không khóc đâu.
   Hu hu…
   Rồi tôi sẽ lại đón một cún con mới về làm bạn. Có muốn cả đời không nuôi con nào nữa để dành hết tình thương cho con chó quá cố kia cũng không được. Nhà cuối dãy, bên kia là rẫy của người ta. Phải có chó canh nhà giữ cửa, nếu không trộm nó vác cà phê đi mất. Chẳng mấy chốc mà lại đến mùa thu hái.
   Ai có chó con, cho tôi xin một con! Một mối quan hệ chủ-chó thường bắt đầu bằng một câu đại loại như thế.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Buôn Ama Thuột, 30/4/2015
Cô chủ đáng giận của chó
Tây Nguyên Xanh
3 comments

Wednesday, April 29, 2015

CHÙM ẢNH CUỐI THÁNG 4/2015: ĐÊM SÔNG HÀN

Trên báo thì có tràn lan hình ảnh về cuộc thi này nhưng mình vẫn thích sưu tầm từ Facebook vì mình nghĩ đó là nơi người ta làm ảnh vì vui chứ không vì....cơm áo.
Tác giả ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng
Tác giả ảnh: Nguyễn Đăng Đệ
Tác giả ảnh: Phương Minh
Tác giả ảnh: Hà Thanh
Tác giả ảnh: Han Duy
Tác giả ảnh: Đặng Văn Nở
Tác giả ảnh: Tom Còi Đà Nẵng
Tác giả ảnh: Phạm Ngọc Tiến
Tác giả ảnh: Trần Minh
Buôn Ama Thuột, 29/4/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, April 28, 2015

VOI

   Ngày xưa voi là nỗi sợ hãi của loài người. Nhất là người Đông Nam Á. Voi nhiều vô kể, đạp chuối, húc cau của loài người miết thôi. Khi voi về phá làng, mọi người không ngăn nổi nó, chỉ biết đồng loạt hét lên để xua đuổi nó. Nhưng con người sợ trong khi hét lên, voi càng cáu giận, nó quật chết. Vậy nên loài người mới chế tạo qua các vật dụng có tiếng kêu âm vang để dù ở xa vẫn làm cho voi sợ mà bỏ đi. Sau này người ta phát triển các vật dụng phát ra âm thanh ấy thành nhạc cụ và rồi vô vàn loại hình diễn xướng hát hò của loài người từ đó mà ra. Nhạc cụ nguyên thuỷ vốn dùng để đuổi những con thú to vật vã so với loài người đấy nhé. Nhạc cụ của một vài dân tộc thiểu số ở dọc dãy Trường Sơn của Việt Nam còn phân giới tính nữa cơ. Nghĩa là chỉ có đàn ông mới đánh các nhạc cụ ấy vì đàn ông chịu trách nhiệm đi đuổi thú khỏi phá nương rẫy. Cái vụ ngày xưa đàn ông đánh đàn để đuổi thú thì các bạn vào Youtube gõ chương trình Giai Điệu Tự Hào, số tháng 1/2015: Cung Đàn Mùa Xuân, để kiểm chứng nhé. Nghe cho hết và ngẫm cho kỹ kẻo bảo Tây nói láo.
    Các bạn có biết thể loại diễn xướng hát Bài Chòi danh tiếng của Nam Trung Bộ hình thành như thế nào không? Thì cũng vì sợ những con voi, con hổ và nhiều con vật to uỳnh oàng khác đến phá mùa màng. Người ta lập nên những cái chòi để canh gác. Trên mỗi chòi có đặt các vật dụng phát ra âm thanh (sau này phát triển thành nhạc cụ). Mỗi khi người trên một cái chòi nào đó thấy có thú lớn đến thì đánh nhạc cụ lên để bảo hiệu cho các chòi các. Và rồi tất cả các chòi cùng phát ra âm thanh vang rộn inh tai nhức óc đuổi thú trở lại rừng. Cho nên Bài Chòi có tên rất cũ là Bầy Chòi. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn lúc sinh thời đã trả lời phỏng vấn với VTV Phú Yên như thế. Tây nghe lõm bõm trên tivi và biên lại thế. Tây biết đếch đâu. Có thể nói, các loài thú lớn, nhất là voi đã góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo nên nền âm nhạc vĩ đại của con người.
Nguồn ảnh: Facebook
   Ngày nay, thế trận đã khác. Voi sợ nhất là con người và cũng lại sợ nhất là người Đông Nam Á. Một thằng lắm tiền, chức to nổi hứng muốn có cặp ngà dựng ở phòng khách cho tiện bành trướng uy danh, xúi mấy thằng chuyên nịnh bợ sếp lên rừng bắn voi chết tươi và cưa ngà về cho hắn.  Sau vài tiếng pằng pằng của súng, voi rừng giảm đi trông thấy. Voi ở khu du lịch ở Buôn Đôn còn bị phứt trụi lông đuôi để làm nhẫn nữa cơ. Các cái nhẫn ấy được đơm đặt ý niệm là đem lại may mắn cho ai đeo chúng để người ta bán lấy tiền.
    Ngày xưa bà Trưng ở miền Bắc cũng có voi để cưỡi đi đánh giặc, nay con cháu của bà Trưng muốn cưỡi voi thì gần như phải đến Buôn Đôn của Dak Lak mới được cưỡi. Tự dưng hôm nay cư dân mạng đồng loạt bêu rếu hình ảnh minh hoạ cho bài viết này. Thực ra nhiều năm làm như thế thế rồi có điều có một bạn nọ sưu tầm ảnh cũng cái lễ như thế nhưng mấy chục năm trước có voi thật. Mọi người xôn xao bàn tán so sánh. Tự dưng lại thành chủ đề cho dân mạng chém. Có thể ai đó thanh minh thanh nga rằng không muốn phải hành hạ các chú voi đi diễu hành nên mới phải dùng đến cái xe thế voi ấy. Nhưng có một sự thật phũ phàng rằng Việt Nam đã đạt ngưỡng hiếm-voi. Thật! 
Buôn Ama Thuột, 28/4/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

NGHỈ LỄ RỒI, ĐI CHƠI TÂY NGUYÊN NHÉ

Tác giả ảnh: Vũ Duy Thương
   Nghỉ lễ rồi. nhấc mông lên và đi Tây Nguyên du hý với con bướm sâu muồng nào các tình yêu ơi.  Ai muốn chụp ảnh cưới với bướm thì nhanh kẻo mùa mưa đến. Tầm này năm ngoái mưa rồi, thế là các bạn được thiên nhiên Tây Nguyên đợi chờ đấy nhé. Mai kia hè mới đến, Tây Nguyên mưa sụt sùi, đất mến chân và quần áo rồi về biên status than thở thì mất hình ảnh Tây Nguyên của Tây lắm. 
Tác giả ảnh: Vũ Duy Thương
   Mà đến Tây Nguyên, Tây chỉ nhờ các bạn thế này:
    1. Nói không với nhẫn lông đuôi voi
    2. Nói có với bia Serepok (he he, Bia Sài Gòn tại Dak Lak của Tây đấy)
    3. Cẩn thận với rượu Amakong kẻo bị đưa rượu giả. Và các bạn nên có thói quen tìm hiểu về Chỉ Dẫn Địa Lý của các phẩm tiêu dùng để không bị thiệt thân. Việt Nam chúng ta đem sản phẩm ra nước ngoài cũng vô vàn vất vả vì bài toán thương hiệu. Một thương hiệu đáng tin phải là thương hiệu có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Chỉ dẫn địa lý ấy chính là sản xuất ở đâu, công nghệ chế biến thế nào. Các bạn đến Tây Nguyên thích những sản vật của Tây Nguyên nhưng cẩn thận kẻo bị lừa. Chúng ta có khắt khe thì nhà sản xuất mới nghiêm túc được. Đừng mong chờ sự thật thà khi mà chúng ta dễ dãi.
    4. Tránh xa các quán bán thịt thú rừng. Người ta bảo virut Ebola có nguồn gốc từ thú rừng châu Phi đấy. Thế nên các bạn liều liệu mà để cho thú rừng được yên. Ăn vào có chuyện gì,, chết đừng xin cứu trợ.
    5. Đừng phát âm từ Tộc một cách đơn lẻ để chỉ các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nhất là đừng có những ví von kiểu như: "đen như tộc", Ngu như đê". Đừng chết oan vì vô tình gây mâu thuẫn sắc tộc.
Buôn Ama Thuột, 28/4/2015
Tây Nguyên Xanh
 

No comments

Monday, April 27, 2015

ĐI ĂN CƯỚI

   Khiếp, cái ngày hôm nay. Ngày gì mà đẹp vãi phong bì thế không biết. Bố, mẹ và kiếm luôn em rẽ ba hướng đi ăn cơm bụi với giá cao. Chuẩn thuật ngữ của nó là ăn cưới. Em chưa đọc tác phẩm viết về liền gái uống rượu của lão gì lấy tiên vợ làm bút danh. Nhưng mà em thú thật là lúc phê pha hơi men như này, em ưng chơi với bàn phím. Thế mí đểu! Chơi chán rồi thì cóp, pát lên blog chứ để làm gì. He he.
Tổ ấm của chim Hải Âu - Ảnh: Burrard Lucas
   Gớm, ban trưa mới có đám mà nguyên buổi sáng nay em lượn qua lượn về như thể bỏ kiến vào chảo lửa. Em vào phòng tắm ngó ngó nghiêng nghiêng, kỳ kỳ cọ cọ cái toà thiên nhiên. Lựa váy áo và vênh váo cái mặt đến tiệm cắt tóc. Đến đó, em đập tờ polime xanh lè nghe tiếng phạch một phát lên bàn và chỉ đạo nhân viên phải trang điểm như lọ như chai. Tác phong rất chi là giống kiều nữ chuẩn bị đi gặp đại gia nhé. Má phấn, môi son rồi thì em lon ton bước vào rạp.
   Mới đầu phải diễn cái mặt cười tươi như hoa và mắt liếc qua mọi chỗ, làm ra vẻ bơ vơ lắm để được các anh chàng háu gái mời vào chỗ. Mặc dù đã tìm mọi cách để cho mông đỡ dẹt, ngực đỡ lép, răng bớt vâu và đi guốc cao để bớt lùn một mẩu rồi mà chẳng có trai nào ngó đến em. Em đành phải tự kiếm lấy chỗ dung thân trong cái rạp có khoảng bảy trăm khách. Vầng! Ngồi bên trai là đương nhiên. Em hí hửng lắm. Ai dè một lúc sau có con bồ của nó chen vào. Điên không chịu nổi. Ngồi ăn mà em phải vật vã ghen tỵ vì thấy thằng quỷ sứ ấy mớm cho con ấy ăn. May cái là gã ngồi đối diện hơi để ý em tí.
   Thử thách đầu tiên cho công cuộc giữ gìn hình ảnh khi ăn tiệc ấy là gặm gà luộc chấm muối tiêu chanh. Tộ xư, nhăn răng hở lợi lè lưỡi đớp nhanh miếng thịt để son môi không bị mờ. Đến khổ! Không ăn thì đói, biết sao giờ. Tiệc cưới bây giờ có phải ngồi theo họ theo hàng như ngày xưa đâu. Hổ lốn tất cả. Đủ mười đứa một mâm là chúng nó chén chứ có cần biết bố con thằng nào đang ăn với mình đâu. Nhà hàng làm món thì vừa khít thôi rồi. Một cái lẩu có mười con tôm, mười cái vòng mực (mực ống cắt ra nom như vòng), hơn mười cái lá rau mướp đắng tí thôi. Mười đôi đũa chọc vào cái nồi rồi thì coi như hết món. Các món khác cũng tương tự thế. Chủ yếu đi cưới để đá lông nheo nhau là chính thôi. He he.
   Người ta thuê dịch vụ nấu ăn của nhà hàng lưu động nên bát đĩa cốc ly gì cũng bằng nhựa sất. Cái trò uống bia mà cụng ly nhựa làm sao phê pha được. Nó phải nghe tiếng loẻn choẻn cành cạch lúc chụm cốc mới thú. Em hãi nước ngọt của các chú Tân Hiệp Phát nên chỉ uống bia. Lại sợ bia bị đắng vì đá nên không bỏ đá vào. Thế quái nào, gã đối diện tưởng đô em cao lắm. Hu hu, hắn chuốc em. Giờ thì cái đầu quay quay như thi nhân ngâm thơ và tay thì gõ theo thói quen chứ mắt híp rồi.
   Bài dài hơn một trang rồi, kết bài mùi mẫn tí cho nó lắng đọng nhỉ? Hôm nay đi đám cưới bạn gái gốc Quảng Trị, được nghe bài hát Đông Hà Thành Phố Tương Lai. Hay quá Quảng Trị ơi. Mai sẽ gõ một bài về Quảng Trị mà mình thấy cách đây năm năm. Hứa đấy!
Buôn Ama Thuột, 27/4/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, April 26, 2015

VÌ LỢI ÍCH MƯỜI NĂM

Tác giả ảnh: Tran Trung Thanh
   Có khách vào phòng của mụ hiệu trưởng, gã khách mặt nom như lâm tặc xun xoe hỏi thăm sức khoẻ của mụ ta . Chẳng hiểu họ nói về vấn đề gì nhưng bên ngoài nghe lõm bõm thế này:
    - Bao nhiêu?
    - 24 cây.
    - Làm sao mà hợp thức hoá số gỗ ấy.
    - Tôi sẽ có cách.
   Ngày họp hội đồng tổng kết hoạt động cuối tháng, mụ hiệu trưởng dõng dạc:
    - Sắp tới đây, nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 nhà trường sẽ trích công quỹ cho anh em đi tham quan. Quỹ của chúng ta dành vào việc khác. Cây xanh trong trường đã già cỗi, dễ gãy đổ trong mùa mưa gió nên lãnh đạo nhà trường quyết định cưa cây, bán lấy tiền cho anh em chơi.
   Một giáo viên phát biểu:
    - Thôi, cho em xin lại số tiền chi phí cho phần của em để ăn đôi ba miếng cho bổ khoẻ chứ em bị say xe. Dọc đường ói ra nước xanh nước vàng, tới nơi còn thăm thú nỗi gì nữa.
    - Không được. Cô phải đi. Ai không đi sẽ bị hạ bậc xếp loại thi đua vì thiếu tinh thần tập thể.
   Vị giáo viên ấy sợ rét run luôn. Người ngồi bên cạnh động viên:
    - Chịu khó đi em. Không là nó xúi hiệu phó tổ chức dự giờ tiết của em thường xuyên đấy. Mệt em ạ. Cái trò bới lá tìm sâu thì em còn lạ gì.
    - Sinh ra lễ lạc để hành cấp dưới à?
    - Không có lễ thì làm quyết toán được công quỹ hả em. Chặc lưỡi cho qua đi.
    - Phải làm um lên cho ra môn ra khoai mới được.
    - Đừng! Để ngoi lên cái chức ấy có hệ thống hết rồi. Cùng lắm là bị kỷ luật cảnh cáo ở trường này rồi bị thuyên chuyển đi trưởng vùng sâu thôi.
    - Mẹ cha cái bọn rao giảng vì lợi ích mười năm trồng cây.
    - Hề hề, đó là lời tuyên thệ khi nhậm chức thôi. Thực hiện đúng như thế thì bao giờ cho hoàn vốn chạy chức.
***
Buôn Ama Thuột, 26/4/2015
Tây Nguyên Xanh
---
He he. Là Tây đoán các sự vụ xảy ra cách đây 2 năm tại trường tiểu học Tam Thanh, tỉnh Lạng Sơn thôi. Chi tiết bài báo tố cáo mụ hiệu trưởng tự ý bán cây xanh trong khuôn viên trường Ở đây . Khuyến mãi cho các bạn thêm vài cái ảnh tưới cà phê bằng béc ở Cộng Hoà Thống Nhất Tanzannia (châu Phi). Những dài mảnh màu trắng trong ảnh là nước phun ra từ béc đấy:





No comments