Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, May 9, 2015

MỘT THUỞ TẮM MƯƠNG

Tác giả ảnh: Phùng Mỹ Trung
   Hình ảnh những đứa trẻ người M'Nông đang tắm mát trên mương nước thủy lợi dưới chân núi Chư Yang Sin thuộc cánh đồng hồ Lak (Dak lak) này của anh Phùng Mỹ Trung khiến mình muốn khoe cái tuổi thơ vớ vẩn của mình.
    Bọn mình sinh ra và lớn lên bên rẫy cà phê, không có ao để trưa hè mẹ bắt được đang ngồi với bạn ở cầu cao, mẹ chưa đánh roi nào đã khóc như các bạn ở miền khác. Từ nhà mình mà đến cho được con sông Krong Pak để nhảy ủm xuống tập bơi cũng khó. Tuy nhiên bọn mình vẫn có thể đạp xe đến các hồ chứa nước dự trữ của nông trường cà phê. Nhưng mà trẻ con chết đuối dưới hồ nhiều quá nên các bậc phụ huynh hễ thấy con cái nhà ai lảng vảng ở con đường dẫn vào cái hồ nào thì báo ngay cho bố mẹ chúng. Đương nhiên là chiều về những đứa ấy có lươn bò lên bắp chân và đít. Nhẹ thì bị quất bằng cành chè tàu (cây Mận Hảo ở hàng rào, hay có sợi tơ hồng bám trên ấy), nặng thì bị quất bằng cành cà phê khô. Oa cha ôi, các bạn đừng khinh cành cà phê khô. Trên cành có chi chít mấy chỗ ghồ ghề khi còn tươi thì dính cuống lá, ra hoa kết quả. Đến lúc khô, lá rụng còn trơ cành đánh vào da đau như đập dây thép gai vào người ấy. Bị đánh bằng khúc củi Muồng Đen là bi đát nhất. Cây Muồng Đen được trồng để chắn gió cho cà phê đấy. Nói chung là “thiết bị” trừng trị các tội danh luôn có sẵn từ rẫy cà phê. He he.
   Kể như thế để các bạn biết bọn mình yêu cái mương thuỷ lợi như thế nào. Mương này được đào chạy ngang dọc theo mọi hướng trên diện tích đất của nông trường. Nó bắt nguồn từ hồ Ea Nhái. Đường vào hồ chính là tỉnh lộ nối quốc lộ 26 và quốc lộ 14.  Hồ được đào dựa trên mạch nước vốn chảy để hợp lưu với sông Krong Pak. Đến mùa khô, nông trường xả nước cho dân tưới cà phê. Ban đầu nước chảy xiết nhưng những ngày cuối, ít người tưới  nên nước chảy nhẹ hơn. Bọn mình rủ nhau nhảy ủm xuống mương tắm. Khi phai nước đóng chưa khít, nước chảy rí rí thành dòng cực mỏng dưới đáy mương, bọn mình xuống đó bắt cá và tôm trôi về nuôi. Chẳng biết cho chúng ăn gì nên chết hết cả.
   Các bạn tưởng tượng đi, buổi trưa, cả bọn bước vòng qua eo của các mẹ để đi ra mương chơi thay vì phải chợp mắt ngủ. Mẹ tỉnh dậy không thấy con đâu. Mương nước thì đang chảy xiết (theo tư tưởng các mẹ là thế. Dù nước chảy yếu rồi). Các mẹ sợ các con bị chết đuối. Sợ hãi có hai biểu hiện đó là nổi giận hoặc bỏ chạy. Các mẹ mà bỏ chạy thì để con cho ai dạy. Thế là các mẹ đành nổi giận. các mẹ phết vào mông bọn mình mấy cái đét liền. Tay các mẹ chưa chạm mông thì bọn mình đã ưởn lưng, nhảy tớn lên rồi. he he. Con mí chả cái thế đấy.
    Bây giờ không ham mương nước như ngày xưa nữa nhưng cứ ra ngồi bờ mương lại xốn xang. Chắc nhớ những ngày nắm tay anh hàng xóm đi bắt cả dưới mương. He he. Nhớ nhớ là.
Buôn Ama Thuột, 9/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, May 8, 2015

CHUYỆN MÙA MƯA - Phần 1: TRỈA HOA MÀU

Tác giả ảnh: Tiến Luyến
   Giá cả các loại hạt giống và cây giống rục rịch tăng từ trong cơn mưa đầu mùa. Thật! Cứ như thể trời rơi thêm một hột mưa thì giá nhích lên thêm một chút ấy. Trời càng mưa, đất càng ngấu, dân càng hứng khởi đi mua hạt và cây giống về gieo trồng mà.
   Sau đêm mưa đầu mùa, cái tiệm bán hạt giống vẫn chỉ lèo tèo vài mống đến mua. Sau đêm mưa thứ hai chẳng thấy ai đến vì lượng mưa ít và trời hẵng nắng to quá. Mọi người lo hạt không nảy mầm nổi. Oa cha, sau cái đêm cách đây 2 ngày, 12h đêm tự nhiên sấm nổ đoàng đoàng, sét chạy léo chéo, trời mưa ầm ầm đến tận 4h sáng thì hạt ngô, hạt đậu cháy hàng.
   Tây em cũng mần con ngoan gái giỏi, lon ton theo bố mẹ lên nương trỉa lạc. Mọi năm công ty cấm trỉa hoa màu trong lô cà phê, dân tình í ới mãi. Tự dưng năm nay cho trồng trỉa. Mang tiếng có đất nhưng chỉ được trồng cà phê rồi bán sản phẩm lấy tiền mua thứ khác về ăn. Tất tần tật đổ lên hạt cà phê hết. Không có cà, coi như chết đứng ở xứ này.
   Sáng nay đi ăn hàng, tản bộ qua cái vườn nọ, bất chợt thấy hình ảnh ấm áp chi lạ. Cụ ông cầm cuốc mổ lỗ, cụ bà theo sau rải hạt ngô và lấp đất lại. Nhịp nhàng và tình tứ như hồi mới lấy nhau. Mới đầu mùa mưa nên người ta đào hố, làm đất chuẩn bị đến mưa dầm mới trồng lại cây cà phê con thay thế cho những cây bị nhổ hồi mùa khô. Cái này gọi là trồng dặm. Các kỳ sau của seri này sẽ nói thêm. Cây hoa màu chỉ được trỉa quanh hố đất có cà phê con thôi, không được trồng ở bìa rẫy đâu. Công ty phạt! Tất nhiên những rẫy cà phê ngoài quốc doanh thì thoải mái trồng xen gì cũng được. Rẫy cà phê ngoài quốc doanh chính là rẫy do dân tự khai hoang. Hôm nào mình sẽ tả chi tiết trong bài mô hình Nhà Rẫy thuộc seri Nông Thôn Tây Nguyên.
   Dự là cái seri Mùa Tái Canh này sẽ kể tất cả những việc liên quan đến chăm sóc cà phê trong mùa mưa. He he. Nhàn cư, đăng phứa lên, hơi nhảm nhí tí. Tây thích cái ảnh trên vì nó giống Tây hôm nọ. Đi trỉa đậu giữa nắng, nóng tai quá nên vuốt vuốt tai miết. Thằng cu trong ảnh, nắng quá nên úp hai tay vào tai đấy. Theo lời tác giả ảnh thì lúc ấy 11h trưa rồi. Thương lắm luôn ấy.
Buôn Ama Thuột, 8/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, May 7, 2015

TỰ DƯNG MUỐN LÀM CHỦ TỊCH TỈNH NINH THUẬN

Tự dưng muốn làm chủ tịch tỉnh Ninh Thuận để:
   Kêu gọi nguồn vốn xây dựng nhà máy Hải Năng sản xuất điện từ muối biển. Muối được lọc rồi dùng công nghệ để tạo ra các chất làm nên điện cực. Điện phát ra nhờ các phản ứng hoá học. Nước biển sau khi được lấy muối thì được lọc sạch, bán cho dân dùng quanh năm để khỏi phụ thuộc vào nước ngầm và nước mưa.
   Cử cán bộ sang Israel để học cách làm nông nghiệp nơi khan nước, sang vườn bách thảo hoàng gia Kew ở Anh để học hỏi cách tạo điều kiện tự nhiên “giả”. Sau đó về Ô Quy Hồ của Sa Pa tìm hiểu vì sao cây Nghệ Tây (Saffron) sống được ở đó, có thể lai tạo ra giống trồng thử ở đất Ninh Thuận không. Nếu xúc đất ở ngoài đó đưa vào trộn với đất ở Ninh Thuận thì cây có thể sống không. Cùng lắm là tạo môi trường giả để trồng được cây Nghệ Tây như cách vườn bách thảo hoàng gia Kew sử dụng cho tất cả các loài cây trên thế giới.
Tác giả ảnh: Trần Công
   Trồng Nghệ Tây để làm gì á? Hoa của nó cho ra loại gia vị ngon nhất quả đất mà. Có được Nghệ Tây rồi thì dựng nên các nhà hàng mang đậm ẩm thực vùng Tây Á. Khách đến được nhân viên tìm hiểu cơ địa rồi được tư vấn món ăn chứ không phải chứng kiến nhân viên thừ mặt chờ khách gọi món. Du khách đến với Ninh Thuận để được “tận hưởng” cái nóng trên đồi cát Nam Cương, nhâm nhi ly rượu vang từ các vườn nho, đi chăn cừu cùng với dân, tham quan thánh đường Hồi giáo của người Chăm, tìm hiểu văn hoá Chăm và Raglai. Nói chung là biến Ninh Thuận thành một Tây Á thu nhỏ giữa đất trời Việt Nam.
   Chỉ cần tưởng tượng ra cảnh mỗi một mùa hoa Nghệ Tây nở, dân nhiếp ảnh ùa về chụp chụp nháy nháy đông kịt như mùa hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) và mỗi kỳ nghỉ lễ dân kéo về Ninh Thuận tắm biển Ninh Chữ, tham quan khu du lịch “một vòng Tây Á”, thương nhân đến với Ninh Thuận nhiều hơn để mua nhuỵ hoa Nghệ Tây về làm gia vị, mua nho làm rượu vang là mình nuốt nước bọt vì thèm tiền trong túi họ. 
   Khi ấy mình chắc giàu lắm, có tiền để tán trai 20 tuổi. he he. Mình toàn nghĩ ra cách kiếm tiền để ăn chơi sa đoạ, may cho Ninh Thuận không có mụ chủ tịch như mình. Hã hã.
Buôn Ama Thuột, 7/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, May 6, 2015

KẾT BẠN VỚI FACEBOOK NGƯỜI YÊU CŨ

   Ngồi ngơ ngơ lướt Facebook, tự dưng liếc mắt sang phía bên phải thấy gương mặt ai quen quen ở mục gợi ý kết bạn. Bỏ mẹ, người yêu cũ đây chứ đâu. Tò mò cái sự đang sống của người ta ghê. Nấn ná trỏ chuột vào cái nút “Kết bạn” và cái đầu hiện ra mớ bòng bong ý nghĩ: “kết nhé, nên không? Để vậy xem cũng đươc mà. Nhưng nhỡ những cái thầm kín người ta để chế đô bạn bè mới được xem thì sao?”. Lấy chút can đảm. Bấm phát! Và con tim bắt đầu thấp thỏm. Đằng ấy đồng ý thì vui thật nhưng sẽ làm gì để không bị lộ thân phận hoặc ít ra phải biên cái gì đó hay hay ho ho khỏi bị kết tội “tàu ngầm” trước khi bị sút.
Tác giả ảnh: Lam Thành
   Nói chung là chỉ thích đọc những status người ta viết buồn một chút để mong rằng cái buồn ấy là do nhớ ta. Vậy chứ hồi xưa, lúc chia tay cãi nhau chí chóe, khóc thét như mưa nhưng không quên quẳng vào tai nhau câu chúc hạnh phúc bên người mới trước khi nhấc mông biến khỏi đời nhau. Đằng ấy mà biên có tí vui thì thôi rồi, tự hỏi lòng ngay, người ta vui vì ai, ai mang lại nụ cười trên gương mặt tươi trong ảnh kia. Có chút tò mò thêm cái đứa đang đầu ấp vai kề với đằng ấy quá.
   Chà, nom có vẻ “màu mỡ” hơn hồi yêu ta nhỉ. Cái ảnh người ta mới đăng nói lên điều đó mà. Đệt! Ta vẫn lèo tèo như hồi nhếch mép nói chia tay trong tư thế cao thượng ngất ngưởng. Thực sự là sau đó ta sút một mớ ký lô gam và hao bao nhiêu tiền vì mục đích xài cho đỡ chán. Tình yêu là một mặt hàng xa xỉ. Phỉ phui cái mồm đứa nào phát minh ra câu ấy. Chẳng cãi nổi!
   Hồi chưa kết với Facebook người yêu cũ, cứ thấy chán là ta phọt một status ngay. Nhưng nay nghiêm túc chút nào. Nhỡ đằng ấy thấy chán vì nick ta cập nhật trạng thái hăng hái quá, chèn mất cái hay của nick khác. Người ta sút ra khỏi danh sách bạn là công toi. Nhưng viết gì bây giờ? Kể chuyện quá khứ á? Đằng ấy đoán ra ta là ai ngay. À, chỉ còn cách phản biện xã hội. Mở trình duyêt lên, mở facebook xong thì mở luôn trang báo ở tab bên cạnh. Cô cậu quan nào phát ngôn hơi chệch ý số đông dân chúng phát, ta à uôm vào mổ xẻ vấn đề ngay. Câu chữ lấy ở đâu ra, ta dốt văn mà. Lại may quá, đọc linh tinh rồi râu ông này chắp cằm bà kia, thêm vài thán từ hơi mất dạy tí cho nó phong trần và già đời. Bài đăng xong, yên chí đi làm việc. Facebook ngốn thời gian kinh!
   Trưa ăn cơm xong, háo hức đếm lượng Like và hý hoáy trả lời comment ở mọi chỗ. Chơt giật thót khi màn hình báo có tin nhắn. Ối, đằng ấy! Sao mà muốn hoa mắt chóng mặt với câu hỏi bạn tên gì, ở đâu, làm nghề gì thế. Đằng ấy dọa không gửi ảnh thât cho xem mặt thì hủy kết ban. À mà đằng ấy khen viết có chất. Chắc khen đểu để điều tra nhân thân thành công đây. Nói dối rằng không có sẵn trong máy, đang chờ bạn gửi hồi nghỉ lễ qua mail. Ngồi chát chát chít chít một hồi, bỗng dưng đằng ấy im lặng. Chờ mãi sốt cả ruột, nhẽ mấy năm chưa trò chuyện rồi mà. Đằng ấy sáng đèn, bảo mới chay đi mua cho...người yêu cũ của ta cái no cái kia. Ôi té ra cái nick này là kẻ đương nhiệm lấy ảnh người yêu cũ của ta để làm avatar à? Khỉ thật! Hố cả lố.

Buôn Ama Thuột, 6/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, May 5, 2015

LÀM BẢO MẪU CHO ĐỘNG VẬT

   Tự dưng sóng mũi cay cay, khoé mắt ươn ướt khi đọc cái comment của một anh bạn Facebook thông báo cái kết bất ngờ của chuyến thả chim mâ họ nuôi bấy lâu nay. Hôm qua, thấy các anh đăng ảnh mấy con diều hâu trắng đã ra ràng kèm theo những lời chia ly khiến mình buồn rũ, chẳng thèm chém gió trò chuyện với ai. Thấy các anh quyến luyến, mình cũng nhũn cả lòng. Các anh yêu chim, chụp chim và tình nguyện làm bảo mẫu cho chim gặp nạn. Không biết duyên cơ thế nào mà các anh chung tay nuôi mấy con diều hâu non. Cơm các anh có thể ăn ít hơn nhưng mồi cho mấy con diều hâu kia thì không bao giờ thiếu. Các anh chụp từng khoảnh khắc lớn của chúng. Giờ chúng đã trưởng thành. Các anh lưu luyến lắm nhưng biết rằng càng thương chúng thì càng phải chịu khó dứt tình, thả nó về với thiên nhiên. Trưa nay một anh kể là thả ở chỗ cách nhà 6 km nhưng khi vừa về tới nhà thì mấy con ấy đã đậu ngay trước cổng rồi. Ai bảo chim không có tình chứ.
Đầu diều hâu trắng - Ảnh: Trương Vinh
   Lại nhớ cái ký sự kể về một anh chàng bỏ phố xá xa hoa để đến vùng hoang dã làm bảo mẫu cho các chú chuột túi ở Úc. Bên ấy, các con chuột túi mẹ có thể chết vì tai nạn giao thông hoặc bị loài khác tấn công. Mỗi khi hay tin có thú bị nạn. Anh đến bế con non bỏ vào cái túi tự chế để ủ ấm cho chúng rồi cho chúng bú sữa. Nửa đêm chúng nó kêu inh ỏi, anh phải dậy cho chúng ăn đến sáng. Ngày nào cũng vậy, giấc ngủ của anh không bao giờ tròn. Anh xem cách con chuột túi mẹ chăm sóc con rồi về làm theo. Mỗi lần phải kích thích cho chuột túi con biết đến giờ đi đái lại khiến anh thấy thiên chức làm mẹ của mọi loài đều cao cả. Chuột túi mẹ liếm láp vào chỗ đái của con để kích cho chúng tè vào mồm mẹ cho sạch túi, con non không bị nhớp nháp. Mọi bẩn thỉu của con non, chuột mẹ nuốt hết vào lòng. Anh cưng bầy chuột túi nên ngày nào cũng vào vùng hoang dã mang mấy quả cà rốt cho các con chuột mới sinh nở. Cái bụng bầu của chuột túi mẹ không to như loài khác nên anh phải quan sát khi nào chúng liếm túi thường xuyên thì biết chúng sắp sinh. Cứ thấy chuột mẹ ngồi bệt lên đuôi là anh nín thở quan sát khoảnh khắc sinh nở. Chừng nào con non bò hết đoạn đường từ nơi sinh ra đến lúc lọt vào túi ngoạm lấy bầu vú trong ấy, anh mới yên tâm được. Tạo hoá thật kỳ diệu, đã ban cho loài ấy cái bản năng hít được mùi sữa trong túi để con non mò tới sau khi sinh. Mỗi lúc đi thả chuột con về với bầy đàn là anh phải hút thuốc cho đỡ trống trải.
Diều hâu trắng - Ảnh: Quyen Kh
   Tình yêu động vật nhiều khi cũng khó cắt nghĩa như tình yêu nam nữ vậy. Còn nhớ, loạt ký sự 60 năm hành nghề của một phóng viên chuyên về kênh khoa học giáo dục ở đài BBC, tất nhiên là seri ký sự ấy được thuyết minh bằng tiếng Việt. Vị phóng viên già ấy chia sẻ một kỷ niệm hồi mới vào nghề. Anh ta (ông ấy thuở còn vàng son) được giao nhiệm vụ đi phỏng vấn một nhà sinh vật học. Nhà sinh vật này ấp trứng mấy con vịt trời bằng đèn sợi tóc. Vịt con nở ra thấy ai thì tưởng đó là mẹ nên chúng đi theo nhà sinh vật học này đến mọi nơi. Ông đi du thuyền trên hồ, chúng bay theo ngang tốc độ với thuyền. Sau này người phương Tây hay nuôi theo cách này để được ngắm vịt trời chao lượn trên không. Anh phóng viên đang trò chuyện với nhà sinh vật học, bỗng có con vịt bĩnh lên chỗ nào đó mình không nhớ nữa. Nhưng hình ảnh nhà động vật học lấy cái khăn vừa mới lau cứt vịt để lau nước mũi khiến mình thấy thú vị. Ông đã vượt qua mọi gớm ghiếc. Nhà sinh vật ấy nuôi vịt trong điều kiện sạch sẽ nhất có thể và ông tin cứt của nó cũng không có bệnh tật gì cả. Ông hoà vào đời sống của loài vịt để hiểu về vịt. Tình yêu các loài vật  khó lý giải lắm. Chỉ có thể nói dối là vì đam mê nghiên cứu khoa học thôi.
Diều hâu trắng đang ăn mồi - Ảnh: Trịnh Minh Nhựt
    Đối với các phó nháy, ngày nào họ cũng vác máy đi chụp. Lắm khi chỉ để gần gũi với thiên nhiên vạn vật thôi chứ chưa chắc vì nhu cầu săn khoảnh khắc đẹp. 
Buôn Ama Thuột, 5/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, May 4, 2015

KIẾN VÀ ẨM THỰC LIÊN QUAN ĐẾN KIẾN

Kiến Vàng - Tác giả ảnh: Anh The Nguyen
   Các tín đồ cà phê sáng có biết không nhẩy? Dân trồng cà phê bọn Tây hãi nhất ba loài trong lô. Sợ nhất là kiến lửa (cái con cắn xong mưng mủ chỗ cắn luôn ấy), sợ nhì là con kiến vàng và rắn là cái sợ thứ ba. Tuy nhiên với độ sát thương gây ngất xỉu của roi điện mà loài người sử dụng khi bắt rắn trên rừng thì giờ muốn gặp rắn cũng khó. Thành ra dân cà phê chỉ còn hãi kiến. Làm cái gì động đậy đến cành cây là kiến “hôn” da liền. Tây Nguyên cũng như nhiều miền quê khác, có nhiều loại kiến nhưng có lẽ kiến vàng được cho là loài sạch sẽ nhất vì nó làm tổ bằng lá cây tươi. Có năm cái ảnh minh hoạ trong bài này là cảnh kiến vàng đang uốn cong lá dừa để làm tổ đấy. Với cây cà phê và chè, kiến vàng cũng làm y hệt như vậy. Chân con này quặp lấy đầu con kia rồi làm cầu đề kéo đầu lá nhập vào cuống lá. Sau đó chúng nhả cái tơ vá víu các chỗ hở rồi mới nuôi ấu trùng trong ấy. 
Kiến Vàng - Tác giả ảnh: Anh The Nguyen
   Ở miền Tây Nam Bộ, có một món thịt bò không thấy ở quán sá mà chỉ gặp ở nhà dân. Món này làm để ăn chơi thôi. Ấy là món Bò Kiến. Thịt loại ngon, còn rươi rói được dân đặt mâm rồi để dưới gốc cây có kiến vàng làm tổ. Họ rưới ít mật ong để dụ kiến. Sau đó họ trèo lên cây chọc chọc cho kiến vàng rơi xuống. Một tiếng sau là kiến bu kín miếng thịt và họ trở mặt thịt khác lên cho kiến bu tiếp. Ngày xưa người ta treo thịt lên cả ngày mới lấy vào chứ không đặt trên mâm. Sau khi lấy vào, họ rửa sạch rồi thái ra ăn kèm với rau diếp cá, tía tô, quế, lá xoài, húng lủi cùng với chuối chát, gừng và khế . Món ấy phải chấm với mắm nên mới thấm. Cái axit Formic có trong nọc của kiến đã làm miếng thịt bò mềm và ngon hơn.
Kiến Vàng - Tác giả ảnh: Anh The Nguyen
   Anh em dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên lại chế ra món muối kiến. "Đầu tiên giã muối hạt và riềng; sau đó là củ nén, ớt và cuối cùng cho kiến vào trộn đều. Muối kiến ăn với gì cũng ngon nhưng ngon nhất là thịt nướng" (1) Kiến vàng có thể được lấy bằng cách xé rách lá và chịu khó bị kiến đốt khi sang sảy bụi khỏi tổ để lấy trứng hoặc con non. Đa số là người ta hơ lửa lên lá rồi hứng kiến (cả to lẫn nhỏ) lên cái nong (nia). Cách này lấy được tất cả ổ. Anh em Jrai bên Gia Lai hay làm muối kiến. Người Ê Đê đi chăn bò ở Dak Lak của Tây thì họ cắt nhanh cái cành cây có tổ kiến rồi nhúng nhanh vào nồi nước sôi đã đun ngay giữa đường luôn. Họ uống cái nước có vị chua chát chát ấy như một thứ thuốc bổ. Còn cái xác thì có thể họ ăn luôn hoặc về phơi cho khô rồi cũng làm muối như người Jrai thì phải. Tình cờ thấy thì họ mới làm vậy. Họ không tàn sát triệt để loài kiến của rừng cà phê đâu. Thật!
Kiến Vàng - Tác giả ảnh: Anh The Nguyen
   Ở mạn Lục Ngan tỉnh Bắc Giang có món xôi đồ trứng kiến. Tuy nhiên, kiến này là kiến lửa. Nó có đít màu nâu sậm đen. Loài này cắn mưng mủ đấy. Nó làm tổ trên cây nhưng gom đủ thứ từ mặt đất lên làm tổ. “Trứng kiến sau khi đã làm sạch, để ráo nước. Hành củ phi thơm trong mỡ già rồi cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi chín tới, xới ra đánh tơi. Trộn đều với trứng kiến đã sao vàng rồi cho ra đĩa, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên, ăn nóng. Món xôi trứng kiến sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này.” (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đăng ngày 2/4/2015)
Kiến Lửa - Nguồn ảnh: internet
   Kiến lửa được người Băc Giang thu về bằng cách: “Dụng cụ thu trứng kiến là một chiếc rá to được buộc cán dài hơn sải tay, thân cán buộc một túm hoa cỏ gianh để kiến không theo cán mà bò vào người. Tổ kiến được lấy xuống đặt vào miệng rá rồi đập liên tục cho trứng kiến rơi vào lòng rá. Động tác càng nhanh càng tránh được nguy cơ kiến cướp trứng đi. Một tổ kiến bình thường thu khoảng miệng bát ăn cơm trứng, tổ to thì hơn. Khi đã được lưng rá đem về nhà phải tiếp tục vài công đoạn nữa mới có thể đem trứng kiến chế biến thành món ăn ngon.
   Đầu tiên là việc sàng sảy cho hết lá cây và tạp chất. Sàng sảy phải nhẹ nhàng để tránh vỡ trứng, nát trứng. Cái khó hơn là những con kiến già không chịu rời trứng thì phải lấy khăn mặt khô trao lướt qua lại nhiều lần trên mặt lia cho chúng bám vào rồi đem chỗ khác rũ sạch… Cứ thế nhiều lần, kiến già sẽ hết. Cẩn thận hơn có thể bỏ trứng kiến vào chậu nước sạch, ấm đãi thêm lần nữa để kiến già và tạp chất nổi lên, hớt đi là có mẻ trứng kiến an toàn vệ sinh tuyệt đối." (2)
Kiến Vàng - Tác giả ảnh: Anh The Nguyen
   Tất cả những món ấy Tây đều chưa ăn nhưng mà nêu lên khoe khoang cái tầm hiểu biết tí thôi hí hí. Cái gì ngon cũng ăn vừa phải. Đừng ăn quá nhiều kẻo bổ quá sinh bệnh và mất cân bằng đa dạng sinh học các bạn nhé!
Buôn Ama Thuột, 4/5/2015
Tây Nguyên Xanh
***
Chú thích: 
(1) được trích từ bài viết của bác sĩ Jos Vinh tại : Lang Thang Cùng Con Kiến Vàng Rừng Nhiệt Đới
(2) Trích từ bài viết của Ngô Thị Thu Hường nói về xôi đồ trứng kiến: Của Hiếm Xôi Kiến Trứng Lục Ngạn
Món Bò Kiến được tham khảo từ bài viết của Trà My tại:  http://www.thanhnien.com.vn/am-thuc/mon-bo-kien-285102.html
No comments