Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, May 23, 2015

KHI DÂN CÀ PHÊ “HẸN HÒ” VỚI ONG VÒ VẼ


   Có cô hàng xóm đến nhà chơi, nhướng mặt ra khoe cái má sưng húp híp nói “tau mới bị ong cắn”. À mà dân trồng cà phê đều nói ong cắn hoặc ong chích chứ chả thấy ai nói ong đốt như trong sách vở. Cô ấy khoe bị ong đốt như kiểu khoe chiến tích ngày mưa ấy. Mà thật, mùa này ai chả đôi lần “hẹn hò” với ong vò vẽ ở rẫy cà phê. Trước đây, đất canh tác cà phê là rừng nguyên sinh, con người chặt hết. Thế là lũ ong “không có trâu thì bắt chó đi cày”, chúng làm tổ trên tán cây cà phê. Mùa này chồi mọc nhiều, các lão nông đi bẻ chồi để nuôi trái. Lũ ong thấy kẻ lạ lại gần tổ thì a lê hấp xông lên hôn da người một phát. Bỗng dưng đi làm về, chồng thấy mặt vợ hình như núng nính ra. Hã hã.

   Tây cũng đã được đôi lần nếm cảm giác ong võ vè “gửi” nọc độc vào da rồi các bạn ợ. Có lần nọ, cầm dao khua mù mịt trên đường ra vườn. Tự dưng có tiếng “dzeo…..pằm!” rất nhỏ, sau đó thì Tây ngã bệt xuống đất, nhìn mọi thứ với ánh mắt ngơ ngơ như bò lạc. Cái đầu như vừa bị ai giáng búa vào. Quay đầu chầm chậm ra đằng sau, một em vò vẽ đã đi những bước chân cuối cùng của cuộc đời, rồi em ấy giãy và chết. Tây ngước cổ lên nhìn bên trên, ồ, thì ra có vài con ong vò vẽ đang xây tổ. Hình như nó tiết được axit dui thủng một lỗ ở mái tôn rồi đính tổ vào đấy. Tổ của nó nom như cái vòi đài sen gắn kiên cố trên trần phòng tắm của chúng ta ấy. Nó cũng be bé như đài hoa sen luôn.

Nông dân đi làm, mặc quần áo và đeo găng tay, đa số ngước mặt lên nhìn tán cây nên hay bị ong đốt vào mọi vị trí của khuôn mặt, đặc biệt là vùng quanh mắt. Do đeo khẩu trang và mang khăn nên gần như chỉ có mắt hở ra mà. Mẹ của Tây đã từng bị ong đốt vào tròng trắng của mắt. May kinh hồn, nó mà đốt vào tròng đen thì gay to. Mẹ đau đớn, quờ quạng về được đến nhà. Bọn Tây nhìn vào mặt mẹ mà hai chị em khóc um lên vì sợ mẹ bị mù. Tây không dám tả mắt mẹ lúc đó đâu. Kinh dị lắm. Thế rồi bố chở mẹ lên bệnh viện mắt Tây Nguyên. Bác sĩ kê đơn về uống và nhỏ thuốc. Phúc nhà to nên mẹ khỏi.

Nói đến tai nạn ở mắt khi nhà nông lao động thì muôn hình vạn trạng. Người trồng cà phê bị ong đốt vào tròng mắt. Người trồng lúa thì bị hạt văng vào mắt khi đang tuốt. Và mấy hôm nay các bạn có coi tivi không nhỉ? Người trồng hành tím ở Sóc Trăng bị viêm loét giác mạc dẫn đến mùa loà do dụi mắt khi bị nhiễm hơi cay cũng như bụi lúc bóc hành.

Nghề nào nghiệp nấy. Tây không muốn hát lại điệp khúc “Thương người nông dân quá” nhưng mà thú thật là có tí nhũn lòng khi nghĩ đến chuyện người ta có thể chết vì nghề nhưng vẫn nghèo. Nói như làng Bựa vẫn thường phán chứ "đéo hỉu nàm thao mờ za dư thía. Tộ xư”
Buôn Ama Thuột, 23/5/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Tác giả ảnh được ghi một bên ký tự @ trên mỗi ảnh
No comments

Friday, May 22, 2015

CAO NGUYÊN ĐÁ MÙA NGÔ THÌ CON GÁI

Hà Giang của chúng ta đây các bạn ạ. Xem để mà nể phục những con người sống trên đá. Tây cứ miên man hình dung nơi này thuở khai thiên lập địa là một bãi đá khổng lồ. Rồi bỗng có một trận cuồng phong cuốn đất ở đâu đó đọng lại ở nơi này. Lớp đất trên đá mỏng đến nỗi chỉ đủ lấp rễ ngô cho cây khỏi ngã. Mỗi ngóc ngách đá, hễ có một bụm đất là có vài cây ngô trên ấy. Ngô xen đá hay đá xen ngô cũng không rõ nữa. Một màu xanh lá ngút ngàn đan giữa màu xanh lam nhạt lạnh lùng của đá. Sống trên đá nhưng lòng người vẫn ấm áp, nụ cười vẫn nở trên môi chào đón khách. Nể lắm rồi, cộng đồng các dân tộc của tỉnh Hà Giang ạ. Quê hương của các bạn đẹp lắm.






Buôn Ama Thuột, 22/5/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Trần Bình An
No comments

HÀNH TRÌNH TÌM RA NGUYÊN NHÂN NGƯỜI TA CHẶN FACEBOOK CỦA NHAU.

Này, chơi Facebook ít thôi! - Ảnh: Đồng Hoàng
   Tự dưng thấy một bạn comment nhắc tên một nick nọ vốn là bạn của ta nhưng mà chẳng thấy còm của nick ấy trên status ấy đâu. Quái! Ta bị chặn à?
   Nhắn tin thỏ thẹt hỏi bạn còm nhắc tên rằng nick kia còn vào được không? Bạn bảo có. Á đù! Buột mồm phang nhanh từ ấy trước máy tính. Nhăn mặt vắt trán cố nhớ xem ngày xưa ta kết hắn trước hay hắn kết ta trước?
   Hình như nick ấy bấm xin kết trước, ta đắc ý, ờ thì tự đến và tự đi. Kệ mày, tao cóc quan tâm.
***
   Ngồi lướt Facebook, nhan nhản tin tức hiện ra trước mắt. Cơ mà sao thấy thiêu thiếu gì đó, hình như lâu rồi không đọc được cái status nào của nick nọ. Đặt con trỏ chuột lên mục tìm kiếm, gõ ngay tên nick ấy. Chả thấy bóng hình đâu. Lại hỏi một trong những bạn chung, họ báo nick ấy còn. Ơ cái đệt, lại bị chặn à.
   Lần này thì nhớ như in ta thích cái status viết thế nọ thế kia của họ mà bấm xin kết. Cơ mà tổ sư, sao chặn ta?
Lại đăm chiêu cố nhớ xem ta đã còm trên trang họ những gì. Có tí gì lếu láo gây tự ái không. Lướt lại một lượt những bài viết cũ của ta, xem dạo này ta có viết gì động chạm đến thành phần xã hội nào không. Người ta quy chụp câu chữ rồi ám vào thân họ thì bỏ mẹ. Chả có gì khả nghi. Hay là do ta phọt nhiều status trong một ngày nhỉ?
   Tặc lưỡi, lắc đầu, cóc hiểu lý do. Chạnh lòng vụn vặt, tắt máy đi chơi. Chừng nào có hứng lại mở facebook tiếp.
***
   Sáng sớm, mở Facebook lên, thấy cái status cực kỳ hằn học của người bạn hay chat với ta. Mà để ý dạo này bạn thường hay thế. Muốn huỷ kết bạn ghê nhưng ngại cái mồm thêu dệt chuyện của bạn. Thôi bấm “bỏ theo dõi các bài viết sau này” cho khoẻ. Cầu mong bạn vì chán do thấy ta thiếu quan tâm mà chặn ta cho rồi. Ớn quá! Lần đầu tiên thích bị chặn. Hài vãi!
***
   Đang lướt tin trên trang chủ, tự dưng màn hình báo có tin nhắn. Mở ra xem, thấy nội dung “Em khoẻ không”. Oạch! Một cái nick mà hôm qua mình huỷ kết bạn vì chán. Hỏi thế để thầm gửi câu hỏi vì sao chặn tớ đây mà. Ngại ghê, đắn đo trong câu chữ trả lời thật. Có một chút cảm giác áy náy len lỏi trong não. Họ còn quan tâm đến ta mà. Nhưng ta chán, biết thế lúc đó chặn người ta luôn cho rồi. Khỏi phải áy náy khi người ta nhắn tin hỏi vì sao.
   A! Ơ rê ka! Ta hiểu rồi. Lắm khi một người xa lạ chặn ta vì ngại ta nhắn tin hỏi vì sao huỷ kết bạn.
   Thôi kệ mẹ, bạn ngoài đời chơi mất chục năm còn từ mặt nhau nữa là mạng xã hội. Nhưng mà Facebook không ảo tí nào, ta tốn thời gian lăn tăn suy nghĩ là có thật. Tổ sư!
---
Như thường lệ, truyện, hem phải chuyện.
Bà cụ trong ảnh nhắc nhở: "Này, chơi facebook ít thôi kẻo bụng to, mắt mờ và não nhũn!"
He he.
Buôn Ama Thuột, 22/5/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Thursday, May 21, 2015

SAU BUỔI HỌP PHỤ HUYNH

   Lúc sợ hãi, người ta có hai biểu hiện đó là bỏ chạy hoặc nổi giận. Với con cái, họ không thể bỏ mặc nên đành nổi giận. Người bố kia cũng thế…
Tác giả ảnh: Rio Nguyen
   Hôm qua, ông bố ấy đi họp phụ huynh về. Hình như kết quả học tập của con gái quá thấp dù rằng hàng tháng bố phải bán cà phê lấy tiền cho đi học thêm các môn sau này dùng để thi đại học ở nhà thầy cô. Thế là bố mắng, con cãi. Điên tiết lên, bố đánh nhừ tử, con bỏ nhà ra đi. Bố doạ rằng nếu không tự mò mặt về nhà thì tao đốt hết áo quần coi như mày đã chết. Mẹ vừa khóc vừa tìm con.
Sáng nay làng xóm xôn xao…
   Ngày xưa, mỗi lần bố mẹ đi họp phù huynh ở cuối học kỳ, mĩnh cũng run cầm cập. Không được danh hiệu học sinh tiên tiến thì ăn roi cà phê ngay. Roi cà phê khô có các mắt trái, gây đau chỉ thua dây thép gai. Bố mẹ mình còn đỡ chứ chú hang xóm ngày xưa đánh “anh chàng ném ổi” của mình thừa sống thiếu chết chỉ vì bài kiểm tra một tiết bị điểm 6.
   Mười hai năm đi học, chỉ có năm lớp 12 là mình bị học sinh trung bình do tổng kết môn Văn chỉ được 3,7 điểm. Thù môn Văn tợn. Bố đi họp phụ huynh về hỏi “tại mần răng rứa con ơi?”. Đứng mấp mé nơi bậc thềm thủ sẵn tư thế để chạy nếu bố giơ roi, nói con chỉ học những môn thi đại học thôi, con không thích môn Văn. Bố hăm doạ “mi mà không đậu đại học thì mi chết với tau”. Mấy tháng sau và những ngày tiếp theo nữa, bố còng lưng nuôi mình học đại học. Chẳng biết ai đã phát minh là hai câu đối “Mày không đỗ đại học thì mày chết với tao” và “Mày đỗ đại học thì tao chết với mày” nữa. Đúng phết!
   Học ở Quy Nhơn, lúc đi ra ngoài dường, mình hay nói dối là người ở Nghệ An vào học chứ chẳng mấy khi khai là dân Tây Nguyên. Vì ngại hai câu nói: “Hình như các trường đại học từ Đà Nẵng trở vào Sài Gòn toàn dân Tây Nguyên xuống học là chủ yếu” và “Dân cà phê giàu mà”. Dân Tây Nguyên chấp nhận bán cà phê cho con đi học thêm để đỗ đại học chứ quyết không để con làm nông nữa. Có rớt trường công lập thì chấp nhận học phí cao vào học trường đại học tư thục. Bây giờ vẫn có người nói không xin đi dạy được ở các miền khác thì vào Tây Nguyên xin. Họ vẫn nghĩ Tây Nguyên còn ở cái thời chó ăn đá gà ăn sỏi, lạy ông mớ bái trở lại làm thầy ở xứ này hay sao ấy. Tây Nguyên là thị trường màu mỡ cho ngành công nghiệp không khói “dạy thêm”. Mỡ đấy mà húp!
   Bố mẹ nào cũng sợ con không thành đạt, thành ra rối rắm nhiều bi kịch!
Buôn Ama Thuột, 21/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, May 20, 2015

MÙA THU HOẠCH LẠC NĂM 2015 Ở NAM ĐÀN - NGHỆ AN


   Trước hết, Tây xin tự giới thiệu rằng Nam Đàn là quê Ba và Hưng Nguyên là đất Má của Tây. Ba Má của Tây đều là người Nghệ An vào Tây Nguyên lập nghiệp. Họ gặp nhau và xây dựng tổ ấm ở Dak Lak. Lần đầu tiên Tây đặt chân lên xứ Nghệ là ăn tết 1997. Hồi đó còn bé quá nên Tây không nhớ gì lắm. Hai lần tiếp theo là 1999 và 2007, Tây đều về vào mùa hè. Tổng kết năm học xong là ba chân bốn cẳng về Nghệ ngay. He he. Háo hức lắm. Cả đàng nội lẫn ngoại chỉ có Ba và Má đi làm ăn xa quê mà. Các ông các bà cưng con cháu lắm. Tây mà về Nghệ, mỗi nhà cô dì chú bắc mời một bữa cơm. Ăn cho hết vòng là đến lúc phải vào Dak Lak  học thêm hè rồi. Cứ như là cán bộ về thăm quê ấy, Sướng cực.


   Lần nào cũng về giữa mùa thu hoạch lạc. Tây thấy vùng Bình Thị Thiên gọi là đậu phụng, còn các tỉnh miền Nam lại gọi là đậu phộng. Nói không phải khoe chứ Tây là dân Tây Nguyên nhưng ăn tương và lạc Nam Đàn quanh năm. Người Nam Đàn vào đây lập nghiệp ở gần nhau nên khi về quê, cả xóm xúm lại nhờ gửi cái này cái kia ra Nghệ An và lúc trở vào thì lại làm “nhân viên trung chuyển” hơi thở quê nhà vào cho dân trong này. Ông bà nội thường gửi một can tương năm lít, kẹo lạc, cu đơ. còn dưới ngoại gửi cho Tây một ký hành tăm (củ nén) hoặc dầu ép từ lạc. Tây chưa được ăn nhút Thanh Chương lần nào cả. Tò mò ghê gớm. he he.


   Về trúng mùa lạc nên được lẽo đẽo theo cô dì chú bác đi nhổ lạc và vui nhất là cầm bao cùng các anh các chị đi chăn trâu kiêm mót lạc. Chiều về ngồi phẻ lạc vào cái sảo (rổ to) rồi ra ao rửa. Luộc một nồi lạc to đùng và mời hết thảy anh em về ăn cho vui. Lạc thu hoạch mấy ngày sau không luộc nữa mà đem phơi. 



   Khi lạc khô cũng là lúc mấy Ba con phải vào Dak Lak, mỗi cô dì chú bác cho một bao lạc nhỏ nhỏ, gộp lại được một bao tải to uỳnh oàng, đủ ăn trong cả năm. Bà nội của Tây tội nghiệp lắm. Có năm, ngồi nhặt những hạt lạc to, ngon nhất để gửi vào Dak Lak cho cháu. Đáng lẽ lạc ấy dùng để làm giống cho vụ sau. Ông bà nội chỉ được ăn những củ lạc teo tóp, chưa rang đã cháy khét. Mãi sau này Tây mới biết điều ấy.


   Năm nay nhà Tây tự trỉa lạc trong lô cà phê từ bữa tưới đợt một. Giờ đã thu hoạch rồi. Cả nhà ngồi ăn lạc với nhau. Ba nói lạc luộc này mà húp một chút tương thì rượu nào uống cho lại. Má kể ngày xưa thích ăn lạc phơi một nắng. Nó héo héo nên ăn ngọt. Ngồi ăn lạc trồng ở đất Tây Nguyên mà cả nhà cứ như đang mân mê củ lạc Nghệ An. Nỗi nhớ quê hương khó diễn tả kinh khủng.


   Tây buồn buồn, nhắn tin vào Facebook của chú Quốc Đàn đang sống ở Nam Đàn hỏi ngoài ấy đã thu hoạch lạc chưa chú ơi. He he. Các cụ phó nháy ở làng Facebook thấy Tây Nguyên Xanh nhắn tin là hiểu ngay cái ý xin ảnh sau cái chữ “chưa” ấy. Kết quả của cuộc nhắn ấy là các ảnh trong bài này đấy các bạn ạ. Ảnh thu hoạch lạc tại quê nhà Tây đấy. Lắm khi nghe dân ca xứ Nghệ giữa đất trời Tây Nguyên mà cứ buồn buồn như thể đang nhớ quê nhà…
Buôn Ama Thuột, 20/5/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Phạm Quốc Đàn
No comments

CHUYỆN MÙA MƯA - Phần 3: RONG MUỒNG., RONG LUÔN CẢ CUỘC ĐỜI

   Mấy hôm nay hội nước chè xanh của xóm liên tục cập nhật tin tức người bị té gãy xương hoặc cành cây đập vào đầu gây chảy máy máu khi ai đó đang “rong” muồng. Chẳng hiểu sao dân trồng cà phê dùng từ “rong” để chỉ việc cắt tỉa những cành muồng trong rẫy. Hằng năm, cứ đến mùa mưa thì phải rong muồng vì không muốn tán của chúng vươn rông ra, rợp bóng khiến cà phê thiếu ánh nắng.
 
Dáng cây muồng đen - Tác giả: Lại Quý Vân
   Muồng được trồng để chắn gió cho cây cà phê từ ba năm tuổi trở lên là cây Muồng Đen. Có người gọi là muồng Xiêm nhưng hoa của nó khác hoa muồng Hoàng Yến – quốc hoa của Thái Lan đấy nhé. Ảnh trên là muồng trồng xen trên đồi chè đấy. Trên chóp của nó các đốm vàng là hoa của nó. 
Hoa Muồng Đen - Tác giả ảnh: Lại Quý Văn
    Nhìn cái dáng là các bạn hiểu vì sao vào mùa mưa phải tỉa cành đi. Mưa nhiều, cây tốt um. Mấy tháng mùa mưa phải đi rong muồng mấy lần. Nếu như mùa khô là mùa củi cà phê thì mùa mưa là mùa củi muồng ở Tây Nguyên. Dân ở nông thôn như bọn mình đun củi muồng và cà phê quanh năm không sợ thiếu. Ngày xưa, khi mấy bác thợ rèn hành nghề ở xứ này chưa chế tạo ra cái “khều muồng” thì gần như người nông dân phải trèo bằng thang và dùng dao chặt. Cái khều muồng có lưỡi cong cong như lưỡi liềm nhưng ngắn và chắc hơn, cái cán thì dài khoảng hai mét. Trèo bằng thang có cái hại là dễ ngã. Còn rong bằng cài khều thì lúc giật phứt, cành cây có thể loi thẳng xuống đầu người. 
Hoa Muồng Đen - Tác giả ảnh: Lại Quý Vân
   Mùa này, không những người trồng cà phê có rong muồng mà người trồng tiêu phải rong những cây làm trụ cho tiêu bám nữa. Cây làm trụ cho tiêu có thể là Nục Nác (K’nốc), Muồng Đen hoặc Mấc. Dùng trụ bằng bê tông, mùa nóng, tiêu dễ chết nên phải trồng cây làm trụ. Mùa mưa như thế này thì phải rong bớt tán cây.
   Đã có người nằm liệt giường cả chục năm nay vì gãy xương sống do trèo tỉa muồng. Nông dân mùa này ai cũng phải rong cây, trời thương thì đỡ, còn không thì có khi rong cả cuộc đời của chính họ. Có một loại muồng gọi là cây Muồng Vàng dùng để chắn gió cho cây cà phê con dưới ba năm tuổi. Khi nào sưu tầm được ảnh. Mình sẽ giới thiệu cho các bạn thấy.
Buôn Ama Thuột, 20/5/2015
Tây Nguyên Xanh
---
Các bạn bấm vào Phần 1Phần 2 để theo dõi các bài cùng seri nhé
No comments

Monday, May 18, 2015

MÙA CÓI TAM QUAN – BÌNH ĐỊNH 2015


   Đâu khoảng được hơn một năm tuổi thì mẹ đã bấm lỗ ở dái tai cho Tây mai này đeo tòn ten (bông tai). Đến khi vết thương lành, tháo chỉ ra khỏi lỗ thì mẹ cắt một đoạn cói ở đầu hoặc cuối chiếu để xâu vào cho lỗ giãn ra. Nghe bảo truyền thống bấm lỗ tai thường như thế. Có thể nói cói là bông tai đầu tiên của lũ con gái, có đúng không các tình yêu?


   Hình như những năm 2003 – 2005, dân Tây Nguyên (mà chắc là cả nước luôn) rộ lên phong trào nằm chiếu trúc cho mát chứ không ưa chiếu cói truyền thống nữa. Hồi ấy dân cà phê ở chỗ Tây rủ nhau lên Phố (nhân dân cả tỉnh Dak Lak đều nói thế để chỉ việc đi Buôn Ma Thuột) mua chiếu trúc. Lúc về nhà, các cụ há hốc mồm, than ối giời ơi, hàng của Trung Quốc. Có cụ vác chiếu đi đổi, người ta bảo Việt Nam không sản xuất được cái này, phải nhập khẩu đấy. Nằm được một thời gian, cả làng thấy chán vì nằm chiếu trúc cứng và vào mùa đông thì lạnh thôi rồi. Không gì địch lại chiếu cói, các tình yêu nhỉ?


   Lúc gõ bài viết này, Tây đang thèm cái nóng ở Nghệ An. Thực ra là ưng cái bụng về quê chơi lắm rồi. Nhớ nhớ là. Tây ít khi dùng quạt điện, thích để mồ hôi chảy cho thoáng lỗ chân lông. Thà ngồi máy lạnh còn hơn là ngồi cho quạt hắt gió vào mặt. Phũ thí mẹ. Quạt mo phe phẩy thì lại thú. Thế mí độc. He he. Hồi về thăm quê, ngủ giữa trưa hè xứ Nghệ. Mồ hôi ướt áo, thấm hết vào cái chiếu cói. Lúc ấy mới thấy công dụng của cói. Nằm chiếu trúc, có khi mồ hôi thấm ngược trở lại người còn chiếu cói thì nó thấm thấu hết.


   Còn nhớ hoa văn trên mặt chiếu cói thường có chữ Trăm Năm Cô Đơn, ối, nhầm nhọt rồi. Trăm Năm Hạnh Phúc. He he. Hoặc nhõn hai chữ Hạnh Phúc. Có một đận xóm trọ của con bạn liên hoan. Chúng nó trải chiếu xuống để ngồi. Một thằng ngó thấy chữ Hạnh Phúc, nó phán một câu xanh rờn “muốn hạnh phúc thì phải lên giường” ,he he. đã thế còn đá lông nheo nhìn con bồ của nó nữa chứ. Báo hại bị bồ thụi vào eo mấy phát. Cười không chịu được. Cơ mà nói vẫn cãi ấy là hàm ý sâu xa của người làm chiếu.


   Chiếu cói Nga Sơn của Thanh Hoá uy danh thiên hạ. Cái bài hát Nắng Ấm Quê Hương rủ người ta về Thái Bình cùng trồng trồng lúa, cùng trồng đay, cùng dệt cói, cùng đan mây….Ý là khoe Thái Bình cũng có cói. Vâng, cả nước này nhiều nơi có cói lắm. Bình Định nhà Tây chẳng hạn (he he, nhận vơ quê hương đấy. Tây học ở đó bốn năm thôi). Trên đây là năm hình ảnh về mùa thu hoạch cói vừa qua ở Tam Quan, tỉnh Bình Định. Trong đó có ảnh trên đồng cói, cảnh kéo cói qua sông và cảnh nhuộm màu cho cói trước khi dệt chiếu.
Buôn Ama Thuột, 18/5/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Trần Bảo Hoà
No comments

Sunday, May 17, 2015

THỬ LẠM BÀN VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH GIỌNG NÓI BA MIỀN.

    Nửa đêm sấm chớp đùng đùng khiến mình thức giấc. Sáng ra người đơ đơ thế nào ấy. Thân nhiệt có tí cao. Giọng có vẻ vỡ ra như vịt đực rồi. Cảm cúm chăng? Lại nhớ cái status đêm của nhà thơ Văn Công Hùng bàn về chuyện lai giọng khi làm việc ở xứ khác. Thử bày tỏ cái nhận định hâm hâm của mình về quá trình hình thành giọng nói ba miền xem nào.
Tác giả ảnh: Huỳnh Trưởng
   Mình thấy giọng nói của dân ta biến chuyển từ Bắc vào Nam ứng với giọng nói ở trạng thái khác nhau của người bị cảm cúm. Thật luôn! Này nhé, các tỉnh Bắc bộ dù có một vài từ địa phương khác nhau nhưng đa số vẫn cùng tông giọng nói. Thế nhưng đến Thanh Hoá bắt đầu “vỡ” giọng như người mới bị cảm cúm. Vào đến Nghệ Tĩnh thì bệnh nặng hơn, tính tình hay cáu gắt hơn vì mệt, giọng nói có vẻ trũng xuống nhưng vẫn đảm bảo ngữ khí vút cao ở cuối câu như giọng Bắc. Điều này lý giải vì sao người Nghệ ra Hà Nội nói được giọng Bắc nhanh thành thục hơn so với các nơi khác. Giọng nói của người bị cảm cúm không uống thuốc sẽ có lúc hơi bật lên mũi, gọi là âm mũi. Âm mũi bao giờ cũng nghe trầm và ấm hơn cả. Cái này ứng với giọng nói của vùng Bình Trị Thiên, nhất là Thừa Thiên Huế. Ai nhại giọng Huế thì cố mà hạ thấp giọng và vớt hơi lên đường mũi thì cũng khá giống đấy.
   Trạng thái cảm cúm có giai đoạn phát sinh đờm ở cổ họng khiến chúng ra phải rướn cái cổ lên để cố nói ra thành tiếng. Chúng ta hay than là bị đặc cổ ấy. Mình lại liên tưởng đến giọng nói Quảng Nam – Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Âm điệu ngang phè phè và bản thân người ở vùng này lúc phát âm hay nhướng cổ lên như người như đang cố phát cho tròn âm. Nom như người vừa nói vừa trương mặt lên đầy thách thức. he he. Chẳng biết cái câu “Quảng Nam hay cãi” có phải một phần vì khẩu hình như đã diễn tả không.  Là mình thuật lại vụ hay cãi chứ mình không bêu rếu gì các tình yêu xứ Quảng đâu nhé. Mình cũng không thích kỳ thị vùng miền đâu.
   Sang đến Bình Định, Phú Yên, giọng nói của dân xứ Nẫu có vẻ giống giọng của người có dấu hiệu bệnh cảm đã bớt hơn. Và càng xuôi vào Nam cho đến miền sông nước Cửu Long thì giọng nói có vẻ nhẹ dần theo chiều dài của đất nước. Giống như kiểu người bệnh khoẻ dần nhưng sau trận ốm không dùng đến thuốc, cơ địa yếu hơn một chút, nói nhỏ nhẹ hơn một chút. Bằng chứng: mình để ý thế này, người Bắc hay nói “anh ấy” là “anh í”. Khi phát âm “anh í”, môi của người nói rất căng và miệng khá bành ra ở từ “í”. Âm điệu lúc đầu ngang ở từ “anh” nhưng bẻ cao lên phía sau ở từ “í”. Người Nam bộ lại nói “anh ấy” thành “ãnh”. Thanh ngã nhé, mình không đồng ý với các nhà văn viết theo giọng Nam bộ mà ghi dấu hỏi trên đầu chữ a đâu. Nghĩa là ãnh chứ không phải ảnh. Bởi vì theo mình cảm nhận thì người miền Nam phát âm từ “ãnh” cũng có vút cao ở phía sau và từ này hơi luyến giọng. Trong các thanh âm thì chỉ có thanh ngã mới đảm bảo sự gãy và chuyển cao âm như vậy. Độ căng của môi khi phát âm “ãnh” tất nhiên là ít hơn “anh í “ rồi. Các bạn thử đi. Rõ ràng giọng Nam bộ vẫn giữ nguyên hình thái của giọng Bắc bộ nhưng được làm gọn và nhẹ đi.
   Chính vì thế, mình lại hình dung ra cuộc thiên di đi khai hoang mở đất của tổ tiên ta ở thuở hồng hoang. Các cụ mang bánh chưng để ăn trên đường vào Nam. Nhưng bánh chưng cồng kềnh quá, các cụ mới “nắm” bánh chưng lại thành hình bầu bầu dài dài như cơm nắm ấy. Cái đòn bánh Tét dài được tạo thành từ đó. Mình tin là thế vì khi vắt cơm hay vắt xôi để ăn dự trữ, chẳng ai vắt thành hình cầu cả mà chủ yếu là hình bầu dục. Trong cuộc thiên di ấy, không khí hồi đó còn trong lành, người ta chủ yếu mắc bệnh cảm cúm thôi. Đường vào Nam xa ngái, mưa nắng dội vào cơ thể. Kiểu gì chẳng lăn đùng ra ốm. Những cơn sốt kinh hoàng đã gây đột biến dây thần kinh quản lý giọng nói. Khiến cho giọng nói bị biến đổi. Có người đi hết hành trình từ sông Hồng đến các nhánh cuối cùng của sông Mê Kông nhưng có người chịu không nổi nên dừng lại, xây nhà dựng cửa sống rải khắp Bắc – Trung - Nam. Con cháu thường bị ảnh hưởng bởi giọng nói của cha mẹ nên tạo thành cộng đồng nói giọng đặc trừng vùng nào đó. Càng đi xa, càng thấy ghét mang vác nhiều hành lý. Sức yếu nên họ vứt bớt đồ cho nhẹ. Và cái ý thức làm gọn câu nói cũng từ đó mà ra. Có điều thú vị là không những tiếng Việt có sự làm nhẹ giọng nói mà trong tiếng Hán cũng có. Người Bắc Kinh phát âm có cuốn lưỡi nhưng càng tịnh tiến vào miền Nam của Trung Quốc thì cũng không thấy âm này nữa. Người ta cũng có sự giảm năng lượng phải tốn khi phát âm. Mình học tiếng Hán, thấy thế nên phán thế chứ không biết đúng không.
   Còn hệ thống từ ngữ địa phương của tiếng Việt, mình nghĩ chúng được hình thành do lịch sử kỵ huý. Có thể ngày xưa vì phải kiêng nói: “gì, đâu, kia, sao, thế”  mà người Thanh Nghệ Tĩnh nói "chi, mô, tê, răng, rứa". Theo cơ chế như vậy mà chúng ta có hệ thống từ ngữ cực kỳ phong phú. Là mình nêu ra ý kiến chủ quan như thế. Các bạn mổ xẻ thêm cho sáng tỏ vấn đề xem. Hôm sau mình sẽ bàn về tác dụng “phổ thông hoá từ ngữ địa phương” của văn Bựa. He he.

 Buôn Ama Thuột, 17/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments