Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, May 30, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 2. CÂY TRONG VƯỜN


   Đây là hình ảnh cơ cấu cây trồng trong vườn cực kỳ phổ biến ở nông thôn Tây Nguyên hiện nay. Nó thể hiện tâm lý chán Cà Phê nhưng chưa tin được độ bền của cây Tiêu. Như Tây đã nói ở kỳ trước, chẳng có ai trồng Cao Su trong cái vườn bé tẹo của mình cả. Cao Su chỉ trồng theo rừng quy hoạch của công ty nào đó thuê nhân công thôi. Dân có rẫy cao su thì trong vườn thường vẫn có trồng cà phê. Còn hạt Điều thì trong vườn cũng ít được trồng lắm. Phổ biến nhất hiện nay vẫn là Cà Phê và Hồ Tiêu. Có gia đình đã nhổ hết Cà Phê để trồng Tiêu nhưng năm năm rồi, Tiêu vẫn chưa phủ được một nửa cây trụ hoặc trụ bằng xi măng vì Tiêu dễ bệnh và chết lắm. Có nhà thì muốn trồng cây trụ xen giữa Cà Phê cho nó cao lên quá ngọn cà phê rồi trồng tiêu. Chờ tiêu phủ trụ mới nhổ hết Cà Phê trong vườn. Sau này ai cũng già đi, chăm sóc và thu hái Tiêu vẫn nhẹ nhàng hơn Cà Phê. Hơn nữa giá một ký Tiêu gấp đôi gấp ba một ký Cà Phê nên họ ham. Làm Cà Phê phải mang vác sau khi hái, họ cống hiến tuổi thanh xuân cho Cà Phê rồi. Nói thật là chán lắm rồi. Dễ hiểu vì sao họ ham Tiêu.

   Tây miêu tả hình ảnh một cái vườn cho các bạn biết nhé. Xung quanh bốn cạnh của vườn được trồng cây Chè Tàu (còn gọi là Mận Hảo) ở ngoài cùng. Cây mà có sợ tơ hồng xoắn xuýt lấy nó ấy. Tiếp theo là bốn hàng Dứa (thơm, khóm) chạy dọc theo chu vi. Trên đường chu vi của vườn có thể thấy cả những hàng cây Mãng Cầu nữa. Mãng Cầu thường được trồng bên lề đường chứ không ai trồng ở chính giữa vườn như Na. Bên trong được trồng khoảng độ sáu chục đến tám chục cây Cà Phê. Giữa vườn có thể được trồng xen Sầu Riêng, Bơ, Xoài, Nhãn, Chôm Chôm hoặc Vải Thiều. Nếu vườn trồng được khoảng tám mươi cây cà phê thì trong vườn có thể trồng được tất các loại cây ăn trái đã kể trên. Đừng thấy tám chục cây cà phê là nghĩ vườn to uỳnh oàng như rẫy nhé. Một hecta rẫy trồng được khoảng một nghìn rưỡi cây cà phê đấy.

   Bây giờ các bạn mà đến với nông thôn Tây Nguyên thì sẽ được thấy cái vườn toàn trồng Tiêu hoặc toàn trồng Cà Phê và cũng có thể là tạm nham như trong ảnh. Cây được trồng để làm trụ cho Hồ Tiêu leo có thể là Mấc, Nục Nác (K’Nốc), Muồng Đen và một loại cây gì đó mà ít lá, da trơn lắm, Tây chưa hỏi tên. Cái vườn bé tẻo nhà Tây chỉ trồng được tám mươi cây nục nác. Nghĩa là chỉ được từng ấy trụ tiêu thôi. Còn nếu trồng cà phê chỉ được nhõn năm mươi cây. Thiên hạ khoe ầm ầm rằng bán một cây Bơ trĩu trái được năm triệu. Giờ thì ai cũng rủ nhau trồng Bơ. Và nay người ta cũng mua Đinh Lăng với giá một triệu đồng một cây đã trồng hơn mười năm. Và rồi lại có phong trào trồng Đinh Lăng. Trước là hái ngọn ăn với mì tôm vào buổi sáng. Sau là bán hoặc xắt lát rễ phơi, đến mùa khô có cái để đun nước uống thay cho Chè. Mùa khô cây Chè nom què quặt đáng thương lắm. Nước rễ Đinh Lăng thơm và ngọt dịu nên ai cũng thích.

   Tạm thế đã nhé, kỳ sau sẽ kể về sinh vật trong rẫy cà phê. Chờ Tây hóng ảnh minh hoạ cái đã. He he. À, cái ảnh bên trên, không phải do Tây chụp đâu. Ảnh sưu tầm đã lâu. Tây không nhớ nguồn cũng như tác giả ảnh. Cảm ơn ai đó đã chụp và chia sẻ nhé.
Buôn Ama Thuột, 30/5/2015
Tây Nguyên Xanh
Xem kỳ 1: Ở ĐÂY

No comments

Friday, May 29, 2015

KỶ NIỆM VỚI LẦN ĐẦU TIÊN ĂN KHOAI DEO QUẢNG BÌNH

   Tây đang trong tư thế ngồi của bà Nghị Quế lúc phán giá ổ chó của nhà chị Dậu. Một tay Tây phe phẩy cái quạt mo. Tay còn lại cầm những mảnh khoai deo do một bạn ở Quảng Bình mới gửi vào cho. Mắt nhìn xa xăm tư lự nhớ những cuộc tình ngọt ngào đã trải qua. Oạch! Yêu cho lắm vào mà vẫn ế. Thế mới đau cỗ lòng. Một đĩa xoài chin ngọt lịm đang ở trước mặt. Xoài này cũng được hàng xóm cho. Một ấm nước chè xanh non tơ đang chờ Tây nhâm nhi khi khát nước. Chè do Tây tự hái trong vườn nhà mình và hãm để uống. He he. Các cụ đừng có ghen tị với Tây. Nhà có điều kiện thì phải sống như thế chứ biết sao giờ. Hớ hớ.
   Rằng thì là Tây lần đầu tiên ăn món khoai deo đấy. Tây vừa mới hỏi một người trứ danh của Quảng Bình rằng vì sao lại gọi là khoai deo. Chú ấy bảo là vì khoai lang sau khi luộc, cắt lát rồi phơi mười đến mười hai nắng, Bề mặt lát khoai khi khô sẽ nhăn nheo. Mà giọng Bình Trị Thiên hay phát âm “nh” thành “d”.  Cho nên đáng ra gọi khoai nhăn nheo thì được rút gọn lại là khoai nheo và nghe theo thổ âm Quảng Bình thì thành ra khoai deo. He he. Tây nghe danh khoai deo từ hồi thích ngắm nụ cười của anh bạn Quảng Bình học khoá trên ở đại học Quy Nhơn cơ. Nhưng mà giờ mới được nhấm nháp chút hương vị của xứ gió Lào cát trắng. Oa cha ôi, ngon ri hè. Nhại tiếng Quảng Bình như thế có bị đánh phù mỏ không nhỉ? Ồ không, người Quảng Bình hiền dịu lắm. Buồn thì họ nuốt nước mắt vào trong, chờ cơ hội chứng minh người làm tổn thương họ đã sai chỗ nào chứ không đánh đâu. Mà Tây không phải khen người Quảng Bình vì được tặng khoai đâu nhé. Người Quảng Bình đi làm ăn xa ít bị tai tiếng nhất nhì cả nước đấy. Không tin các cụ tự khảo sát đi.
Khoai Mỡ chứ không phải khoai Lang làm khoai deo đâu - Ảnh: Trần Chí Kông
    Theo Tây được biết thì giờ Tây và các thực khách khác được ăn khoai deo cho biết mùi vị thế thôi chứ đó là món ăn kinh điển ám ảnh tuổi thơ đói khát của người Quảng Bình. Món ăn dự trữ cho những ngày hết gạo của người xứ ấy. Trả qua bao thăng trầm, khoai deo là biểu tượng một vùng cát nhiều hơn đất Quảng Bình.

   Tây thấy có người nhát là khoai deo ăn trẹo cả mỏ nhưng không hiểu sao Tây cảm nhận nó mềm mềm dai dai dễ ăn. Vị ngọt lan ra theo những lần nhai. Cảm ơn một người Quảng Bình thêm một lần nữa đã gửi quà cho Tây Nguyên Xanh nhé. 
Buôn Ama Thuột, 29/5/2015
Tây Nguyên Xanh
---
He he, không có ảnh khoai lang để minh hoạ nên dùng tạm ảnh khoai mỡ.
No comments

Thursday, May 28, 2015

BÙA YÊU CỦA BỌ BAN MIÊU XANH NGỌC


   Các cụ có biết mấy con bọ đực muốn được làm cái trò như trong ảnh thì phải tán con cái như nào không? Nó không có vài nghìn Mỹ kim để mua chuộc con cái như mấy ông người chơi gái đâu. Nó quyến rũ con cái bằng “vốn tự có” đấy. Trước khi tiếp cận nàng, nó rặn các tinh thể dạng nhầy ở các khớp gối rồi vo chúng thành một quả cầu tròn và đặt khối ấy lên đỉnh đầu. Con cái hít hà khối cầu ấy, nếu ưng cái bụng thì nó cho con đực thực hiện hành vi duy trì nói giống. he he. Sau đó, con cái nhận khối chất nhầy ấy để bôi lên trứng. Sinh vật khác ăn ấu trùng của nó thì “trạng chết, chúa cũng băng hà”. Chất nhầy được bôi ngoài vỏ ấu trùng có độc. Độc ấy chính là Cantharidin.

   Cái khối cấu ấy như là bùa yêu của bọn Ban Miêu Xanh Ngọc này vậy. Tây tự đặt tiên tiếng Việt đấy. Tây không biết tên tiếng việt của nó là gì. Chỉ biết nó có tên khoa học là Lytta Vesicatoria, thuộc họ Ban Miêu (Meloidea), bộ cánh cứng (Coleoptera). Con đực của loài Ban Miêu Màu Lửa (có hình dáng như con trong ảnh nhưng cánh màu lửa) phải lần theo dấu vết trên sàn đất rừng tìm các các con bọ  đã chết hoặc đang giãy chết này để liếm Canthanridin đem về hiến dâng cho con cái. Không có thì các nàng ứ yêu. He he. Làm con đực của loài nào cũng khổ công đoạn tán, nhể?
   Loài chim thuộc họ Trèo Cây thường xuyên phải cạnh tranh địa bàn làm tổ với sóc. Cho nên chúng gắp những con Ban Miêu Xanh Ngọc trong ảnh rồi chà chà, kích động các con bọ tiết độc Cantharidin xung quanh lối vào tổ. Bởi vì chất nhầy chứa độc Canthanridin gây bỏng da của sinh vật. Ơ thế mà mấy con ếch ăn Ban Miêu Xanh Ngọc lại không sao. Thế mới hay! Bằng chứng là:

   Năm 1869 ở một cánh rừng của đất nước Nigeria, có nhóm lính Pháp đi tìm bác sĩ J. Meynier vì đều mắc các triệu chứng đau bụng, miệng khô, buồn nôn và…cương dương vật trong thời gian dài. Bác sĩ hỏi các anh có ăn mấy con bọ Ban Miêu không. Các anh lính lắc đầu nguây nguậy đồng loạt bảo không. Bác sĩ tra vấn tiếp rằng thực đơn bữa ăn có gì. Các anh bảo chỉ ăn ếch bắt từ suối về thôi.
   Bác sĩ thông thái J.Meynier đã đi trên mé suối trong rừng. Ông quan sát thấy bọn ếch đang thèm thuồng đàn Ban Miêu Xanh Ngọc này. A lê hấp! Thế là bác sĩ quả quyết rằng dù con Ban Miêu Xanh Ngọc có chất gì thì chất đó đã tích tụ trong ếch. Các anh lính ăn ếch nên dính chưởng. Sau này người ta mới biết chất ấy là Cantharidin. Chuyện này xảy ra rất lâu trước khi thuốc kích dục Viagra ra đời. Chuyên gia ẩm thực thường hay lấy câu chuyện này để răn đe những ai có ý định ăn món chân ếch.

   Các cụ có biết vì sao ăn phải Cantharidin lại cường dương như thế không? He he, các cụ tò mò là cái chắc. Lý dó cường dương ấy là: Cantharidin gây bong tróc biểu bì, phá huỷ protein. Khi ăn phải Cantharidin thì nó sẽ phá vỡ niêm mạc ở ống dạ dày và ruột. Trong lúc thận lọc chất độc từ máu, Cantharidin gây sưng ống dẫn nước tiểu, dẫn đến báo động cường dương tưởng chừng là tốt nhưng cực kỳ có hại cho những ai định sử dụng bọ Ban Miêu để chữa trị yếu sinh lý. Mụ vợ nào nghe lời đồn về bài thuốc dân gian rồi xúi chồng nuốt chửng cỡ khoảng hai con bọ Ban Miêu để chữa yếu khoản ấy thì chắc chắn sẽ khóc ối anh ơi, anh ra đi để em sống một mình trong căn nhà lồng lộng đấy. He he. Tây không đùa đâu.
   Nhà quý tộc khét tiếng người Pháp, Marquis de Sade, đã từng tặng một hộp sô-cô-la có trộn bột chế từ bọ Ban Miêu cho một cô gái điếm. May thay cô ấy thoát chết nhưng nhà quý tộc kia bị kết án tử hình vì tội mưu sát.

   Ông tổ của ngành Tây y, Hippocrates đã dùng Cantharidin có trong bột được bào chế bằng cách nghiền nát xác khô bọ Ban Miêu để trị chứng phù ứ nước. Còn Đông y lại dùng thứ bột ấy để trị bệnh trĩ, chứng lở loét ngoài da và bệnh dại. Nài! Đọc thế chứ đừng có tự ý uống để chữa bệnh đấy. Loại thuộc này có tên thông thường là Spanish Fly. Và những con bọ Ban Miêu Xanh Ngọc trong ảnh có tên tiếng Anh là Spanish Fly nhưng nó sống ở nhiều nơi trên thế giới chứ không phải chỉ có ở Tây Ban Nha. Bọ Ban Miêu nào cũng có Cantharidin hay sao ấy. Việt Nam chúng ta có Ban Miêu Đen, Ban Miêu Khoang Vàng Nhỏ và Ban Miêu Khoang Da Cam. Hình như chúng ta không có con bọ Ban Miêu Xanh Ngọc trong ảnh.
   Nghe bảo ở Thanh Hoá đã từng có hai cụ ăn nhầm Ban Miêu mà tưởng bọ xít rồi chết đấy. Nhớ nhá, đừng có hở cái gì cũng ăn mà chết còn sinh vật thi cạn kiệt vì lời đồn này nọ. Toi cả nút! Lời chắc cuối cùng: đừng tiếp xúc với loài bọ nói chung vì có thể bị bỏng da do chất chúng tiết ra.
---
Bài viết được phỏng dịch từ bài viết Spainish Fly của tác giả Helen Scales đăng trên mục Podcast của tạp chí Thế Giới Hoá Học ở nước Anh. Việc phỏng dịch chỉ nhằm mục đích làm mềm các thông tin khoa học cho mọi người dễ hiểu. Không có ý đạo văn. Nguyên văn tiếng Anh của tác giả Helen Scales ở đây: http://www.rsc.org/chemistryworld/2013/10/spanish-fly-cantharidin-podcast  

Tác giả và nguồn ảnh được ghi trên mỗi ảnh
No comments

Wednesday, May 27, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ1: ĐẤT VÀ VƯỜN CỦA NGƯỜI DI CƯ ĐẾN LÀM KINH TẾ MỚI

   Rất nhiều bạn đọc Facebook và Blog của Tây Nguyên Xanh hay hỏi khéo là nơi Tây sống vẫn còn heo hút như này như nọ hả. He he, cách đây mấy năm, hồi còn sinh viên, Tây lừa mấy thằng bạn rằng Tây cưỡi voi, lội suối để đi học mà chúng tin sái cổ đấy. Vì thế nên Tây hy vọng loạt bài Nông Thôn Tây Nguyên sẽ giúp các bạn phương xa có cái nhìn tổng thể về nơi Tây đang sống. Trong bài đầu tiên này tạm thời chưa nói đến anh em dân tộc thiểu số bản địa của Tây Nguyên nhé.
   Đến với nông thôn Tây Nguyên, các bạn dễ bắt gặp những hàng rào chằng thép bao quanh một khoảng vườn rộng gấp mấy lần so với vườn ở vùng chiễm trũng. Tức là các bạn bị ấn tượng bởi vườn hơn là cảnh nhà cửa chen chúc. Nếu đến nơi có công nhân canh tác cho công ty còn đỡ ngợp chứ mà đến thăm các thôn xã thuộc khu đất dân tự khai hoang thì di mỏi cả chân mới thấy được nhà hàng xóm.
    Ngoài đất rừng, ở Tây Nguyên hiện nay có bốn loại đất: Đất chuyên canh tác nông sản của công ty, đất liên kết, đất tự khai hoang và đất ở.
   Những ai là công nhân trồng nông sản cho công ty thì được cấp đất chuyên canh. Mai này về hưu, có quyền bán mảnh đất ấy nhưng phải bán cho một người cũng là công nhân của công ty. Ai canh tác trên đất ấy thì phải nạp sản lượng hằng năm cho công ty theo tỉ lệ quy định lúc ký hợp đồng.
   Đất liên kết là mảnh đất dưới sự quản lý của công ty nhưng chủ mảnh đất ấy không phải nạp nông sản cho công ty. Tuy nhiên chỉ được canh tác loại cây theo quy hoạch trên bản đồ nông sản Việt Nam. Ví dụ, đất liên kết với công ty cà phê thì tuyệt đối không được xen canh với nông sản khác để đảm bảo diện tích trồng cà phê của cả nước. Chủ đất có thể bán cho bất kỳ ai nhưng sẽ không ai được thay đổi loại cây trên mảnh đất ấy.
Nhà ngói ba gian Bắc bộ giữa đất trời Tây Nguyên - ảnh: Tuan Chu
   Sau năm 1975, cả nước ồ ạt đến Tây Nguyên để khai hoang tại những vùng rất xa đường quốc lộ. Nói trắng ra là đốt rừng làm rẫy. Họ dựng nhà ngay trên đấy. Tây quen gọi là sống theo mô hình nhà rẫy. Diện tích khoảng trên một hecta tính theo thước đo đồn điền cao su cũ. Tây nghe nói tuỳ vùng miền mà một hecta có thể to nhỏ khác nhau nên nói thế cho các bạn dễ hình dung. Đất khai hoang này thuộc huyện và xã quản lý nên họ có quyền mua bán và trao đổi với bất kỳ ai. Họ có thể trồng bất cứ cây kỳ mà họ muốn.
Cuối cùng là đất ở. Trước đây công nhân của các công ty nông sản được quy hoạch sống tại một đội rồi sau nâng lên thành thôn và trao cho xã phường quản lý. Những ai đến Tây Nguyên trước năm 1995 thì may ra còn có đất khá rộng để sau khi dựng nhà còn trồng được khoảng một trăm trụ tiêu hoặc sáu mươi cây cà phê hay là hai mươi cây điều. Chẳng ai trồng cao su trong vườn bé như thế cả. Một hecta rẫy trồng được khoảng một nghìn rưỡi cây cà phê đấy nhé. Nói thế để các bạn hình dung được giá trị hai thuật ngữ mô hình nhà rẫy và nhà vườn mà Tây dùng. Sau năm 1995, nếu không tiếp tục phá rừng thì quỹ đất phục vụ cho việc giãn dân các vùng miền về căn bản đã cạn nên người càng đến sau càng phải mất nhiều tiền mua một mảnh đất một mảnh đất ít có vườn.
Người ta bức tử rừng để làm nương rẫy ghê gớm quá nên lắm khi người ta ví Tây Nguyên như là cái sân sau của cả nước. Cả nước muốn vứt ai lên đó thì vứt. Mặc cho Tây Nguyên sẽ thành như thế nào.
Hình ảnh minh hoạ trong bài được tác giả Tuan Chu chụp lại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Huyện này do người Hà Nội vào Lâm Đồng làm kinh tế mới nên cái tên Lâm Hà mang ý nghĩa đó. Cái nhà ngói ba gian đậm nét Bắc bộ nép mình phía vườn cà phê đang nở hoa giữa mùa khô Tây Nguyên đấy.
Buôn Ama Thuột, 27/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, May 26, 2015

KHI KHOẺ THÌ ĐI VỚI BỒ. LÚC ỐM MỚI MÒ MẶT VỀ VỚI EM

   Anh ấy dọn về sống với em được hai năm rồi. Chúng em cũng chẳng rầy rà lên phường xã đăng ký giấy tờ chứng nhận cái sự ăn đời ở kiếp làm gì cho mất công. Đêm đêm anh ấy đi vòng quanh giường, cào cào, ụi ụi và chốc chốc lại chồm lên để tìm cách luồn lách vào màn ngủ chung với em. Hai đứa mặn nồng một thời gian rồi em mới phát hiện ra anh ấy có tính ăn vụng. Trời ơi là đau khổ cho cái thân em. Sao anh ấy lại nỡ đối xử với em như thế chứ. Đã thế anh ấy còn dẫn con bồ vào tận nhà em để cùng nhau hú hí ăn vụng nữa cơ.
   Có một đêm nọ, em nghe tiếng gào thét sung sướng của chúng nó dưới nhà bếp. Em chạy xuống xem thì hỡi ôi, chúng nó oánh chén cái nồi cá lóc kho tộ của em sạch trơn rồi. Thấy cái mặt em, con bồ của anh ấy lạ nhà và sợ quá nên lấm lét tìm đường phắn. Còn anh ấy đứng như trời trồng sau cái mắng như tát nước của em.
Tác giả ảnh: Vinh Truong
   Khi quyết định sống với nhau, em bảo anh ấy rồi. Bọn chuột nhà này nhiều lắm. hằng đêm anh phải canh gác và đuổi chúng nó đi cho em ngon giấc. Thấy anh ấy im im, em tưởng anh ấy đồng ý rồi. Ai dè bọn chuột chù chạy ngang trước mặt, anh ấy ngồi nhìn chúng nó trêu đùa nhau chứ chả đuổi gì cả.
   Cái tính thích đi gái của anh ấy không chừa được. Càng ở với nhau lâu ngày, anh ấy càng chán em hay sao ấy. Mấy tháng trở lại đây, anh ấy thường xuyên đi qua đêm đến tận sáng sớm mới vác cái thân sụi lơ về nhà. Nom tàn tạ lắm/ Em nhếch mép, liếc xéo bảo cống sức cho con ấy rồi chứ gì. Rõ chán! Có hôm em chơi đểu, khoá cửa không cho anh ấy ra khỏi nhà. Anh ấy kêu meo meo suốt đêm. À mà nãy giờ em đang nói đến con mèo mà em nuôi đấy. Em xem nó như là tình nhân nên gọi anh cho nó mượt. Hã hã.
   Mấy hôm nay, con mèo nhà hàng xóm (tức bồ của anh ấy) đã bị bắt cóc. Anh ấy ứ có gái gần để tán. Đêm đêm meo meo khản cổ gọi bạn tình mà không thấy tăm hơi. Anh ấy buồn và về nhà sớm. Đó là con mèo cái cùng giống mèo của anh ấy nên anh ấy thích nó. Hình như chúng hủ hoá với nhau được một lứa con rồi. Nay nàng không còn nữa, anh ấy đành sang tán con mèo của hàng xóm phía sau nhà em. Cái con ấy to gấp đôi anh ấy luôn. Con ấy chê anh ấy nhỏ bé hay sao mà toàn nhe răng thè lười doạ anh ấy thôi. Nó cào và cắn anh ấy rách cả da.
  Sáng nay em thấy anh ấy trở về với một vết thương lủng sâu vào phần mềm. Ôi anh mèo của em. Em thương anh lắm. Anh ấy đang nằm trên đùi của em đây này. Giờ mới biết giá trị của em thì phải. Hic Khi khoẻ thì đi với bồ. Lúc ốm đau mới mò mặt về với em.
Buôn Ama Thuột, 26/5/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

TÂY NGUYÊN CŨNG NHỚ ANH

Đồi chè ở Dak Nông - Ảnh: Nguyễn Duy Thoan
    Facebook báo có tin nhắn khi em chuẩn bị tắt máy, anh nói “Anh nhớ nhà, nhớ cao nguyên, muốn khóc quá em ơi”. Anh khiến em nao lòng quá đi. Và em hứa sáng nay cập nhật một chút hình ảnh Tây Nguyên cho anh. Em viết văn rất vụng về. Câu chữ ngây ngô khó hiểu. Ta lại không phải là người yêu của nhau nên cái thư này có lẽ chẳng mượt mà, đằm thắm, chứa chan cảm xúc như kiểu thư tình được. Đừng chê em anh nhé.
Em bé Banar - Ảnh: Nguyễn Ngọc Hoà
Tây Nguyên mùa này hồi sinh rồi anh ạ. Sau Tết, anh bước chân đi khi tiết trời khô khốc nhất trong năm. Cây cỏ héo thân rũ xuống chờ mưa mới mọc lại. Giờ đây, một màu xanh non tơ trải đều khắp lối. Cỏ lún phún mọc trên những mỏm đất cao. Các a mí, a ma lầm lũi lùa đàn bò đi ăn trong sương sớm. Sương mùa này anh cũng biết rồi đấy. Nó mỏng manh chỉ đủ làm ai đó se se lạnh cho vừa nhớ anh thôi. Tây Nguyên cũng nhớ anh!
Phượng tím Đà Lạt - Ảnh: Nguyễn Trang Kim Cương
Khi em gõ cái thư này cho anh, ánh nắng ngoài kia đang như mời mọc em ra ngắm. Nắng ban mai chiếu lên nền đất đỏ ẩm ướt sau cơn mưa đêm. Đất quê ta quyến rũ phải không anh? Em không hiểu được vì sao nó đỏ đến cháy lòng như thế. Ngoài kia, những con đường như những cái khăn lụa đỏ vắt vẻo trên cái áo xanh khoác lên đất Tây Nguyên.
Mùa này, bố mẹ chúng mình đương rong cây, đốn củi, trồng cây mới. Giây phút em đang gõ thư này, có lẽ mẹ anh đang cuốc cỏ trong rẫy cà phê hoặc gieo mấy hạt đậu, hạt bắp. Khi tiết trời nơi anh sống chuyển sang thu thì anh về Tây Nguyên ăn đậu, ăn bắp với mẹ cho vui anh nhé.
Giã gạo ở Kon Tum - Tác giả ảnh: Đinh Dũng
Trái cây Tây Nguyên đang lớn dần và sắp đến mùa thu hoạch rồi anh ạ. Những quả sầu riêng lủng lẳng trên cây chờ anh về. Bơ còn xanh để phần riêng anh.  Dứa quanh hàng rào đang lắt nhắt vào vụ. Mấy con sóc nâu ngày nào cũng nhăm nhe hít hà thăm hỏi sầu siêng anh ạ. Những con chim nó ăn vụng xoài và vải của dân mình miết thôi. Đêm về có lác đác vài bông hoa thanh long nở. Lũ ốc sên đêm nào cũng ngốn mất mấy hàng câu lạc của nhà em.
Gọi mưa - Ảnh: Tuấn Dũng
Trời mùa này động mưa động gió, tắc kè kêu ở trên trần nhà suốt đêm. Nghỉ một lúc lại nghe tiếng kêu của bọn chúng. Dế gáy dưới nền đất. Muỗi vo ve ngoài màn. Chuột chù chit chit bên ngoài cửa sổ. Những âm thanh ấy khiến những người con gái Tây Nguyên thổn thức vì nhớ xa xăm.
Anh thân mến, em không muốn gào thét gọi để anh phải cào cấu trong nỗi nhớ quê hương. Em chỉ muốn kể lại những gì em thấy ở nơi này cho anh đỡ tìm trong ký ức. Anh hãy xem bốn bể là nhà, hãy xem nơi đang sống là quê hương. Hãy xem hạt sương, vạt nắng nơi đất khách như của Tây Nguyên. Đừng vì nhớ xa mà hắt hủi xứ gần. Bởi anh về nhà lại có lúc nhớ những nơi đã đến. Trái tim anh không phải là gỗ đá. Nơi nào cũng đẹp, nơi nào cũng đáng được lưu tình đúng không anh?
Anh thân mến, Tây Nguyên cũng nhớ anh!
Dak Lak, ngày 26 tháng 5 năm 2015
Tây Nguyên Xanh
---
Các cụ 5X, 6X, 7X và 8X đâu rồi? 9X nhà cháu cũng biết biên thư tình đấy nhé. Ứ phải chỉ biết chat chít và hẹn vào nhà nghỉ đâu nhé. He he.
No comments

Monday, May 25, 2015

CÁCH KINH DOANH ĐỒ HỎNG

Tác giả ảnh: Nguyễn Huy
  - Anh định mở cái cửa hàng buôn bán ở khu du lịch. Chú chung chạ với anh nhé.
   - Ồi ồi khó lắm anh ạ. Người ta ngại chặt chém. Mình đi du lịch cũng có tâm lý ấy mà.
   - Chú ngẫn thế. “Khách hàng là thượng đế. Nếu hàng hỏng có thể đổi lại cái mới”. Treo khẩu hiệu như thế. Ăn ngay!
   - Thế có mà lỗ trập mặt à.
   - Ai bảo đổi cái xịn cho họ làm gì cho lỗ. Lại đổi cái hỏng khác cho họ.
   - Lại hỏng và họ lại đổi thì sao
   - Vẫn đổi cho họ. He he.
   - Anh hâm à. Mất thì giờ của nhau thế để làm gì? Rách việc!
   - Chú ngu lâu, dốt bền, khó đào tạo thật. Cái bọn đi du lịch, thời gian đếch đâu mà suốt ngày đi đổi hàng mãi. Nó ở cùng lắm hai ngày. Mua buổi sáng, tối về hỏng. Sáng hôm sau đi đổi lại là họ lên xe về ôm chồng ôm vợ rồi.  Cứ tân trang đồ hỏng hóc cho đẹp mắt vào. Xong rồi bán cho họ với giá hàng mới. Thằng nào hám rẻ và đẹp thì cho nó chết. Kinh doanh lắm khi phải gian manh mới sống được chú ợ
   - Thế cửa hàng là toàn bán đồ dỏm hết à.
   - Chứ lại không à.

   “Mua đồng hồ cũ, mua ắc quy, mua quạt, mua điện thoại cũ…” Cái âm thanh quen thuộc từ cái xe máy nom ọp ẹp ấy lại vang lên trên từng góc phố. Người lượn lờ mua đồ cũ tốn xăng còn thằng tân trang mới thực sự có lãi…
Buôn Ama Thuột, 25/5/2015
Tây Nguyên Xanh
1 comment