Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, June 13, 2015

ĐÀN MỐI VÀO NHÀ EM

Sau một ngày nắng to
Bỗng có cơn mưa rào
Thế là đàn mối vào
Bay kín khắp phòng em

Con mèo chạy ra xem
Hình như nó rất thèm
Được xơi vài con mối
Nên vồ nhảy liên hồi

Trên tường có Thạch Sùng
Và cả Tắc Kè nữa
Hết rón rén rồi chạy
Để ngoạm bọn mối ngay

Loài mối cũng thật lạ
Bay đến lúc mệt lả
Là tự rụng cánh ra
Lại tìm về với đất

Chỉ mỗi em vất vả
Sớm mai phải quét nhà
Để xua đi cánh mối
Hự hự!
----
Không có ảnh mối, lấy ảnh ve lột xác vào ban đêm cho các bạn xem vậy. he he. Trước khi chúng có thể hét to ầm ầm thì chúng nhìn như con mối khổng lồ ấy. Ấu trùng ve hay còn gọi là ve sữa thường sống từ 3 đến 4 năm ở dưới đất sau đó mới bò lên thân cây rồi lột sác thành ve sầu. Ấu trùng ve lột sác thành ve sầu diễn ra vào khoảng tháng 5 , tháng 6 hàng năm. Thời điểm lột ve bò lên mặt đất để lột sác thành ve sầu diễn ra từ 20:00 giờ đêm đến 6: 00 sáng hôm sau, thời gian ve sữa lột sác thành ve sầu từ 9:00 đến 10:00 giờ đêm.

Các con ve sữa khi bắt đầu lột sác sẽ bò lên thân cây gần đó và lột sác thành ve sầu, thời gian lột sác để thành ve sầu mất khoảng 2 giờ. Ve mới lột sác có mày xanh lá cây, cơ thể ánh lên màu đỏ. Các cánh bắt đầu mở ra, các tỉnh mạch và màu sắc bắt đầu trở nên đậm hơn và dần dần leo lên cây trước khi bình minh.

Sau khi lột sác thành ve sầu việc đầu tiên là hút nhựa cây để bổ sung chất dinh dưỡng, và sau đó là bắt đầu cá hát để thu hút con cái. Ve đực thường hót ở nhiệt độ từ 20 độ C, khi nhiệt độ cơ thể đạt đến 26 độ C thì nhiều ve đực tới hót chung lập thành một dàn hợp sướng nghe rất độc đáo và vui tai

Nhóm này sống thành từng bầy và di chuyễn từ cây này đến cây khác để kiếm bạn tình. Cuộc sống của ve sầu kéo dài khá ngắn ngủi so với ve sữa chỉ kéo dài khoảng từ 40 đến 60 ngày , thường thì tỉ lệ ve sầu không đồng đều, số lượng ve đực gấp 6 đến 7 lần số lượng ve cái . Nhưng dần về cuối mùa thì ve đực lại chết dần và ve cái vẫn còn sống , lũ này thì tỉ lệ ve cái gấp 6 đến 7 lần tỉ lệ ve đực

Sau khi ve đực và ve cái giao phối, ve cái sẽ đẻ trứng trên các cành cây , đây là nguyên nhân làm cho một số nhánh cây bị chết héo. Trứng sẽ ở trong cây khoảng 1 năm, vào tháng 6 đến tháng 7 năm sau thì bắt đầu nở ra, sau khi nở ra thì sẽ rơi xuống đất cuộc sống dưới lòng đất kéo dài từ 3 đến 4 năm
Độ sâu của ve sữa ở trong lòng đất vào khoảng từ 20 đến 30 cm hoặc sâu hơn. Ấu trùng ve sữa hút nhựa cây trong lòng đất để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Tác giả ảnh: Võ Huy Hoài
Lời thơ: Tây Nguyên Xanh
Lời thông tin về loài ve: Thế Giới Côn Trùng
No comments

HỌC HÈ

Tác giả ảnh: Thanh Sơn 
   Còn khoảng một tuần nữa là kết thúc năm học, cô giáo gọi một học sinh lại và nói khéo:
   - Hè này, cô cũng mở lớp học them tại nhà đấy. Em nhắn các bạn lớp mình là ai học thì đầu tháng sáu đến nhà cô nhé.
   Thời nay học trò phổ thông sử dụng điện thoại là chuyện bình thường. Nghỉ hè được khoảng một tuần. Cô giáo gọi điện cho đứa ấy, hỏi lại:
   - Lớp mình được khoảng mấy bạn hả em?
   - Dạ các bạn ấy lười, chẳng chịu đi học, cô ạ.
   - Ừ, cô có tin vui báo cho các em là năm tới cô cũng dạy các em môn này đấy.
   Đứa học trò nghe xong hơi hoảng. Đến từng nhà báo tin “nóng” với mấy đứa. Chúng nó tụ tập lại bàn tán:
   - Cô khoe năm tới cô dạy nữa là có vấn đề đấy chúng mày ạ.
   - Không đi học thêm ở nhà cô thì coi chừng năm tới cô trù dập.
   - Thôi cắn răng chịu khó đi học cho cô vừa lòng để êm chuyện mà vào đại học chúng mày ạ. Giờ xét tuyển cả học bạ nữa mà. Sợ lắm.
   - Nhưng mà học cô thì bọn mình rớt đại học là cái chắc. Cô dạy dở lắm.
   - Hay bọn mình học hai thầy cô cùng một môn? Vẫn đi học thêm ở nhà cô này như là cúng tiền cho qua vận đen còn học thêm thầy khác để thi đại học?
   - Nghe ý thì hay đấy nhưng thời gian bị cấn tùm lum môn rồi. Lịch học thêm một ngày kín từ 7h sáng đến 7h tối. Chết mất chúng mày ơi.
   - Bố mẹ tao không thể nộp tiền cho cả hai thầy cô cho một môn đâu. Học phí giờ cao chót vót.
   - Chúng mày về cứ trình bày hoàn cảnh. Bố mẹ sẽ đồng ý thôi. Mình không đỗ đại học, họ buồn đầu tiên mà.
  Năm nào như năm nấy, cô giáo ấy có lắm học trò học thêm từ đầu hè đến hết năm học. Nhưng cô không có học trò để ôn thi đại học vì có kết quả học tập của năm học xong rồi là chúng nó bỏ cô để theo học người khác.
---

Chuyện mới hóng được sáng nay. Giá mà chỉ là chuyện bịa.
Buôn Ama Thuột, 13/6/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, June 12, 2015

9X ĐỌC THƯ TÌNH CỦA 5X


   Bình thường, sau khi đọc xong một cuốn sách hoặc “xơi tái” blog của ai đó, Tây hay nhại giọng văn của tác giả để viết một cái gì đó với cách tiếp cận vấn đề y hệt những gì đã đọc rồi đăng lên blog. Bài viết như một kỷ niệm đã đọc sách chứ chẳng để làm gì. Đạo văn mới bị tẩy chay chứ đạo giọng văn thì chưa thấy bị lên án nên Tây tái phạm hơi bị nhiều. He he. Thế nhưng với Quân Khu Nam Đồng thì Tây chịu. Không phải là không nhại được giọng văn mà vì buồn. Nói theo ngôn ngữ tình yêu là tan nát hết cả cõi lòng.

    Tây đã thở hổn hển, hồi hộp, lắm khi thèm “đốt cháy giai đoạn” để đọc đoạn kết của các mối tình nhưng vẫn cố nén mà đọc “đúng quy trình” để rồi bao công lao ước ao các cặp đến với nhau đã tan thành mây khói. Hu hu, vẫn biết là tình đầu thường hay tan vỡ và tình yêu thuở học trò như bóng mưa nhưng mà nếu thế thì tác giả đừng vẽ ra các bức thư ngọt ngào như thế chứ. He he. Đọc mà phát ghen với sự lãng mạn của các cụ 5X khi yêu quá đi.

    Tây thuộc hệ hệ 9X.Cái thế hệ mà người ta hay bảo mến ai thì sáng sáng tối tối uống cà phê, mon men xin số nhà rồi thì là xin số điện thoại. Sau đó giả vờ nhắn tin nhầm số, xin lỗi rối rít rồi cứ thế khắc dần hình bóng mình vào tâm khảm đối phương. Những dòng tin nhắn cố gắng không vượt quá 160 ký tự (để đỡ tốn tiền hai tin nhắn một lần gửi) và những câu viết ngắn gọn do thuận tay bấm nút Enter khi chát trên Facebook đã khiến cách tỏ tình, cách nói lời yêu, cách quan tâm nhau của thế hệ bọn Tây hết sức là… mỳ ăn liền. Tây không phủ nhận điều ấy nhưng các cụ thế hệ trước chớ thấy thế mà đánh giá nhận thức của bọn Tây về tình yêu kém thiện cảm nhé. Các cụ ngày xưa mà được đặt trong điều kiện công nghệ như ngày nay thì cũng thế thôi. Tây tin thế và đảm bảo thế. Vấn đề là vì sao Tây lại ghen với các cụ 5X sau khi đọc Quân Khu Nam Đồng.

    Nếu những bức thư tình được viết trong cuốn Quân Khu Nam Đồng giữ được nét đặc trưng của thư tín thời ấy thì Tây quá nể các cụ 5X. Tình yêu của các cụ quá lãng mạn. Dẫu có giận hờn vì ghen tuông đi chăng nữa, các cụ cũng nhờ gió, nhờ sương phà mạnh vào mặt người yêu thay cho cái tát của chính mình. Lời thư lãng mạn như lời đối thoại của các cặp nam nữ yêu nhau trong các tác phẩm văn học cổ điển của châu Âu. Các cụ học tập người xưa mượn cảnh tả tình chứ không phải viết thư như kiểu cào cấu gào thét gọi tên người yêu của thế hệ 9X bọn Tây viết blog khi thất tình. Nghĩa là trong lời thư của các cụ 5X không bao giờ thể hiện sự hận thù, có chăng chỉ là sự trách nhẹ người yêu thôi. Bọn Tây viết blog để nói lên sự nhớ nhung thì nhiều chứ thư tình thì cực ít vì điện thoại và máy tính đã giúp liên lạc thuận tiện hơn.


    Là một người thuộc thế hệ 9X, chiến tranh và thời bao cấp chỉ còn được “thấy” qua lời kể của các thế hệ trước nên Tây cực kỳ tò mò về đời sống ở thời kỳ đó. Mong rằng sẽ có nhiều các tác phẩm viết về thời bao cấp hơn nữa để thể hệ trẻ như Tây hiểu hơn chế độ cũ. Chứ nói thật là bọn Tây phiến diện lắm. Nghe nói thời ấy tệ hại như nọ như kia, chưa biết thực hư ra sao nhưng cứ “ném đá” cho có phong trào. Điều này dẫn đến những lời khuyên của các cụ trưởng thành qua thời bao cấp đều bị bọn Tây coi là cổ lỗ sĩ. Thật!
Buôn Ama Thuột, 12/6/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Kim
Đôi vợ chồng trong ảnh chụp ảnh cưới sau 10 năm yêu nhau từ thời phổ thông đấy. Ảnh được đăng trên ngoisao.net
2 comments

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 4. XE CÔNG NÔNG


    Đây là tấm ảnh cưới của một đôi vợ chồng ở Gia Lai do anh Nguyễn Ngọc Hoà chụp. Không biết ý tưởng ảnh do khách hàng hay do phó nháy nghĩ ra nhưng nó đẹp cả về hình thức lẫn nội dung. Nhờ cái xe ấy mà bao nhiêu cô gái, chàng trai Tây Nguyên mới có tiền ăn học, xin việc làm và danh chính ngôn thuận nắm tay nhau đi đến bến bờ hạnh phúc. Cái xe cũ kỹ, bụi bặm bao nhiêu thì đoá hoa “hạnh phúc” tươi thắm bấy nhiêu. Cái xe ấy chở cả thời thơ ấu của người Tây Nguyên đấy. Đây là hình thức tri ân rất khéo léo của cô dâu chú rể đối với bố mẹ.

    Có lẽ không vùng nông thôn nào trên cả nước lại có nhiều xe công nông như ở Tây Nguyên. Nhà nào cũng có một chiếc cho nên nhà nào cũng có một nhà kho để chứa xe và các nông cụ khác như ống, béc, cuốc, xẻng…Mỗi cái nhà kho có dạng nhà ống và dài khoảng bảy mét. Đến vùng nông thôn Tây Nguyên, nếu thấy nhà nào không có xe công nông thì một là hai vợ chồng đều là viên chức ngồi bàn giấy hoặc chồng đi làm ăn xa, vợ ở nhà trồng nông sản. Nếu không thì chồng đã chết, đàn bà đơn than nuôi con hoặc vai trò của người chồng vô cùng mờ nhạt trong việc canh tác nông sản. Nói chung là không thấy xe công nông thì các bạn nên tế nhị một chút khi giao tiếp. Xe công nông quan trọng đến thế sao?

    Vâng, quan trọng lắm. Lấy việc canh tác cà phê làm ví dụ nhé. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày hái được cả tấn cà phê quả tươi. Chở xe máy bao giờ cho hết. Đó là chưa nói đến những hộ gia đình trồng cà phê cho nông trường thì phải chở quả tươi đi giao nộp sản phẩm nữa. Vào mùa khô, phải có xe công nông để chở giàn ống và máy bơm đi tưới cho rẫy cà phê. Cái đầu máy của xe công nông trở thành động cơ quay ống bớm tưới nước. Vào mùa mưa, nông dân phải có xe công nông để chở mấy tạ phân để bón cho cây nuôi trái. Cà phê ra hoa vào mùa khô, nuôi trái vào mùa mưa và quả chin vào cuối mùa mưa mà. Phơi phóng rồi thì đi thuê cối về lắp với đầu xe công nông để xay ra nhân thô. Sau đó lại dung xe ấy để chở cà phê đi bán lấy tiền ăn xài.

    Những nhà không có xe công nông thì phải đi thuê xe chở. Bởi vậy, cái năm bố của mình quyết định mua xe công nông. Mẹ mình cản. Bố đã nói có xe công nông năm nay thì sang năm có thể tậu được xe máy nhưng có xe máy trước thì chưa biết bao giờ mới có xe công nông. Thế mà thật. Đúng một năm sau có cái xe Honda Citi đỏ choét để chạy. mười năm sau, đổi được cái Dream II và bây giờ cả nhà có bốn cái xe máy. Làm lúa thì con trâu là đầu cơ nghiệp còn làm cà phê thì xe công nông là ông Bụt chở miếng cơm manh áo cho nông dân. Công lao của cai xe công nông vô cùng to lớn.

    Ngày xưa, ma chay cưới hỏi gì cũng liên quan đến xe công nông cả. Trong xóm, nhà ai có đám cưới thì láng giềng nổ máy đi thuê đồ về dựng rạp, chén bát về làm cỗ. Khách mời thường ở gần nhà nhau, xe máy chưa có nhiều, đám cưới mà tổ chức vào mùa mưa, đường sá nếu chưa rải nhựa thì đa số rủ nhau ngồi lên xe công nông đi một thể cho khỏi dính bùn. Đám tang ở vùng thôn quê Tây Nguyên bao giờ cũng có một hàng dài toàn là xe công nông nối đuôi nhau. Người cả xóm ngồi kín trên các moóc xe công nông để cùng tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Bây giờ, dịch vụ tang ma có xe chở hòm cùng người thân, còn láng giềng cũng có xe máy nhiều rồi nên đám tang ngày nay ít xe công nông hơn. Sau xe chở hòm thường chỉ có một xe công nông chở đồ đạc của người quá cố đem đi đốt thôi. Sau xe công nông ấy là những hàng dài xe máy người đi tiễn.

    Bọn trẻ ở nông thôn Tây Nguyên, có lẽ đứa nào cũng đã từng dược ngồi lên moóc xe công nông để bố chở đi học. Tất nhiên là nhân thể bố đi đâu đó qua cổng trưởng nên đi ké thôi. Đứa nào cũng đều đã từng bám tay lên thành moóc và đạp chân lên bánh sau của xe để trèo lên. Và rồi lắm khi nhảy tưng tưng trên moóc xe, cười lăn lóc. Ngày bé, bọn mình hay chê xe công nông bẩn vì đất đỏ nên chủ yếu đứng trên moóc và vịn vào cái thành ngang ngay chỗ dựa của người lái thôi khi xe chạy thôi.

    “Thánh vật” của vùng nông thôn Tây Nguyên đấy!
Buôn Ama Thuột, 12/6/2015
Tây Nguyên Xanh
Các kỳ trước đây: Kỳ 1Kỳ2Kỳ 3                   
No comments

Thursday, June 11, 2015

SỰ TÍCH LOÀI VOỌC QUẦN ĐÙI TRẮNG

Tác giả ảnh: Tang A Pau
    Ngày xửa ngày xưa, có một vị thần nọ thường hay được Thượng Đế phái xuống trần gian để khảo sát cõi nhân sinh. Có lần thần đến vùng núi nọ, thần ngơ ngẩn bởi những đường cong mềm mại của một cô sơn nữ. Thần biến thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, mon men đến làm quen. Khi nàng đi gánh nước, chàng làm phép cho dòng nước chảy lí rí để có thời gian chòng ghẹo nàng lâu hơn. Khi nàng lên rừng lấy củi, chàng khiến cho bó củi nặng như tảng đá để chàng có cớ làm anh hùng giúp đỡ mỹ nhân. Đến mùa thu hoạch, chàng tình nguyện đi bẻ ngô, nhổ sắn cho gia đình nàng. Mỗi lần nàng nồng nỗng tắm suối, chàng rung rinh không chịu nổi.

    Mưa dầm thấm lâu, dần dần nàng cũng có cảm tình với chàng. Hai người yêu nhau say đắm. Gái miền núi có đời sống tình ái tương đối phóng khoáng. Vào cái đêm trăng định mệnh ấy, nàng trao tặng đoá hoa trinh nguyên cho chàng. Họ cuốn lấy như thể chưa bao giờ yêu nhau đến thế. Sau đêm ấy, nàng giữ lại cái quần đùi của chàng để làm tin. Còn chàng phải lên trời báo cáo tình hình cõi nhân sinh với Thượng Đế.

    Mấy mùa trăng trôi qua mà nàng chẳng thấy chàng trở lại. Nàng thẩn thờ lê bước đến khu rừng hai người đã từng hò hẹn. Nàng nâng cái quần đùi ép vào lồng ngực và khóc gọi người yêu. Thần rừng thương cảm, hiện ra thăm hỏi tình hình. Nhìn thấy cái quần đùi trên tay nàng, thần biết ngay là y phục của người nhà trời. Thần lên trời tố cáo với Thượng Đế. Một cuộc điều tra quy mô lớn trên khắp Thiên Đình đã diễn ra. Vị thần đã từng họ hẹn với cô sơn nữ bị lôi ra thú tội. Thượng Đế tuyên phạt vị thần ấy bị đày làm loài voọc Quần Đùi Trắng (Mông Trắng) để cho thiên hạ ai ai cũng rõ đây là kẻ đang chịu tội gian dâm với người phàm trần.

     Con voọc Quần Đùi Trắng ấy đi tìm lại người thương thuở nào nhưng nàng đã chết vì mòn mỏi nhớ mong ở rừng. Người đời lấy tên Cúc Phương của nàng để đặt tên cho khu rừng ấy. Từ đó con voọc Quần Đùi Trắng chỉ sống quẩn quanh khu vực rừng Cúc Phương để tưởng nhớ người yêu cũ. Nhưng sau này nó sinh con đẻ cái. Nhu cầu thức ăn của chúng lớn nên địa bàn kiếm ăn của chúng lan ra cả Yên Bái (Văn Chấn), Hoà Bình (Chi Nê), Ninh Bình (Cúc Phương, Vân Long), Thanh Hoá (Hồi Xuân, Lang Chánh), Nghệ An (Quỳ Châu, Con Cuông), Hà Tĩnh (Hương Sơn).
---
He he, Tây phịa truyện đấy. Thấy cái ảnh Voọc Quần Đùi Trắng hay còn gọi là Mông Trắng nên viết cho vui
Buôn Ama Thuột, 11/6/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, June 10, 2015

CHUYỆN MÙA MƯA - Phần 4. NƯỚC MẮT CHAN MƯA

   Có tiếng chuông điện thoại khi mình còn đang ngái ngủ, phòng bên kia có tiếng a lô của Ba. Mình lồm cồm bò dậy và đi đánh răng. Lúc quay trở lại phòng khách, Ba thông báo sáng nay không được đi chơi, ở nhà chờ bác B đến xin nước thì bật ca-ma cho bác ấy. Mắt mình hình chữ O mồm hình chữ A hỏi răng lại rứa hả Ba? Không phải ngạc nhiên vì chuyện phải trông nhà mà vì chuyện bác B đến xin nước. Ba nói bác ấy bón phân hai ngày rồi mà trời chưa mưa, xót phân nên đổ nước vào bồn và xịt nước vào từng gốc cho phân tan. Cám cảnh mọi nhẽ.
    Nửa buổi sáng, có tiếng xe công nông nổ xình xịch tiến vào sân. Bác B lem luốc mặt mũi, quần áo đỏ lòm vì vết đất đỏ Bazan, nói chờ bác nối ống cái đã. Trong lúc chờ đợi, mình tranh thủ ngồi xem dụng cụ tưới nước cấp tốc ấy. Trên moóc xe có một cái bồn chứa nước. Còn dụng cụ xịt nước cho tan phân chính là bộ máy bơm thuốc sâu chuyện dụng cho cây nông sản ở Tây Nguyên. Bình thường bộ dụng cụ này được dùng để phun thuốc sâu hoặc phun phân phân vi lượng hấp thụ qua lá cho cà phê, hồ tiêu, điều. Cuộn dây rất dài, đủ để chạy hết một hàng cây nông sản. Cái máy bơm phun này được nối với động cơ ở xe công nông bằng dây cu-roa (một loại dây dạng vòng khép kín, làm bằng cao su cao cấp). Ngắm chưa kỹ thì bác B kéo xong ống nối từ dưới giếng lên. Mình chạy đi bật ca-ma. Khoảng mười phút sau thì đầy bồn. Bác chạy đi và khoảng một tiếng rưỡi sau  quay lại. Một buổi sáng bác xịt hết ba bồn.
Tác giả ảnh: Trần Nghĩa
    Làm cà phê, ai cũng sợ bón phân mà mắc nắng. Thế nên mới có cái cảnh ám ảnh mình chiều nay. Trong lúc mấy đen kìn kịt, sấm chớp loằng ngoằng trên bầu trời. Những lúc như thế, các nhà viết văn cừ khôi khi tả cảnh giông tố bao giờ cũng có đoạn nói nhà nhà thu gom đồ phơi phóng ngoài sân, người người chạy toán loạn tìm nơi trú ẩn. Thế mà, chiều nay, trước nguy cơ có thể bị sét đánh, có cái xe công nông chạy ẩu đả ẩu điên hướng ra rẫy cà phê. Ban đầu mình cứ tưởng họ là người dân tộc Ê Đê vẫn thường chạy ngang ngõ nhà mình trên con đường trở về buôn làng. Nhưng không…
    Khi luồng mây phía Đông đã trút cạn mưa, luồng mây phía Tây Nam đang hung hãn tiến về gây gió, ló chớp, vẫn đôi vợ chồng ấy chạy ngang ngõ nhà mình nhưng theo chiều ngược lại. Trên moóc xe công nông lố nhố mấy đùm bao trắng bị túm nhèo lại. Bao phân đạm và kali đấy. Thế là rõ rồi, họ đi bón phân trong mưa. Họ sợ bón phân gặp nắng nên đánh đổi nguy hiểm mình để cây cà phê có đủ chất dinh dưỡng nuôi trái. Đến thời điểm này, ai chưa bón phân đợt một cho mùa mưa thì lo cay cáy. Lúc mình gõ bài viết này, có lẽ gia đình ấy mới bắt đầu ăn tối.

    Người các nơi hay nói với mình “dân cà phê giàu mà”. Ừ, cái tưởng như là “giàu” ấy lắm khi được đánh đổi bằng máu. 
Buôn Ama Thuột, tối 10/6/2015
Tây Nguyên Xanh
Các phần trước đây ạ: Phần 1Phần 2Phần 3 
No comments

Tuesday, June 9, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 3. CON ĐƯỜNG QUÊ EM

Tác giả ảnh: Thái Hồng Kỳ
   He he, lâu nay em hù các trai phương xa rằng đường vào nhà em hun hút gió, trèo đèo lội suối, nước sông sâu nên phải cưỡi voi, chèo thuyền độc mộc để đi học. Các trai cứ thế là chạy mất dép vì sợ đến tán có một lần mà hết đường về quê mẹ luôn. Hé hé. Nay em ế lắm rồi. Không lừa các trai nữa. Đường vào nhà em y xì như cái ảnh bên trên đới. Có điều đây là ảnh chụp ở Gia Lai và phía sau hai hàng cây cao này là chè chứ không phải cà phê. (Bạn đồng hành của tác giả ảnh nói thế nên em biết thế. Em có máy ảnh đâu. He he). Cà hai hàng cây cao cao này tên gì thì em ứ biết. Nhìn cũng giông giống cây Muồng Đen trồng hai bên đường vào nhà em đới. Nom nên thơ không các trai? Hẹn hò phát cho bố em mau có rể nhể? He he.
   Nghiêm túc một chút nè. Cái đường nom như thế này thì nhiều đoạn đường trên quốc lộ nối năm tỉnh Tây Nguyên có nhiều. Nhưng mà đường tỉnh lộ thì dễ bắt gặp cảnh tượng này hơn. Cây nông sản đa số cần có cây chắn gió và nông dân tập hợp thành thôn, xóm lọt thỏm giữa bạt ngàn cây xanh nên hình thái đường sá như này rất phổ biến. Thôn xóm của người Kinh ấy nhé. Các buôn, bon của anh em dân tộc thiểu số bản địa còn ở sâu hơn nữa. Phải đi từ quốc lộ, rẽ vào tỉnh lộ và từ tỉnh lộ lại rẽ và đi sâu thêm nữa mới tới. Vì sao thế thì bao giờ gặp nhau, em kể chứ không viết đâu. Các bạn ở Tây Nguyên có biết lý do thì im lặng nhé. Đừng viết ly do ở dưới comment dưới bài này kẻo mệt cho cái trang của em.
   Đường ở nông thôn Tây Nguyên nay gần như đã được rải nhựa (nếu giao với quốc lộ) hoặc đổ bê tông (nếu là đường xương cá trong thôn, xóm) hết rồi, Đường lên rẫy thì hình ảnh này cực kỳ quen thuộc. Chỉ có điều, nó là đường đất. Các trai phương xa cứ tưởng tượng đi. Hẹn hò với em trên con đường như này, có nơi nào lãng mạn hơn được nữa. Hỡ hỡ.
   Gái Tây Nguyên vừa ngoan lại vừa hiền. Đường Tây Nguyên vừa đẹp lại vừa mát. Còn chân chừ gì nữa. Xách ba lô lên và đi tán gái Tây Nguyên thôi các anh ơi. Hã hã
Buôn Ama Thuột, 9/6/2015
Tây Nguyên Xanh
---
Bấm vào Kỳ 1 và Kỳ 2 để theo dõi các phần trước nhé các bạn
No comments

Sunday, June 7, 2015

LẨN THẨN CHIỀU NAY

   Bàn phím bấm như đấm vào nút J thì may ra nó cho dấu nặng vào chữ. Thử gõ theo kiểu Vni nhưng không quen. Máy chạy chậm rù vì chương trình của virut xơi tái ổ cứng. Mở Facebook tư dưng đọc đươc tin nhắn của bạn mắng như tát nước vào mặt mà không hiểu vì sao mình bị đối xử thế. Hỏi lại, bạn không nói, chỉ mắng mình thôi.


   Vào Facebook của một bạn ở Indonesia thường hay đăng ảnh về chủ đề sân khấu. Loay hoay lục lại kho ảnh về điệu múa dân vũ Wayang Wong của nước họ vì trót đọc bài của Võ Quang Yến trên diendan.org rằng: “Nghệ thuật kịch câm của họ lên cao đến nổi năm 1936, tay nghề hài kịch nổi tiếng thế giới Charlie Chaplin lại xin cùng ở vài tháng để thấm nhuần tâm tính”. Và cũng để hỏi lại bạn ấy để kiểm chứng câu: “Ở Bali, sân khấu múa Wayang wong hoàn toàn có tính dân gian trong khi sân khấu múa Wayang orang ở Java lại là sản phẩm của cung đình.” của Lâm Thị Mộng Hòa khi nói về Sân Khấu Truyền Thống Đông Nam Á Dưới Góc Nhìn Văn Hóa được đăng trên Văn Hóa Học. Lục chưa ra album để sử dụng thứ tiếng Anh giả cầy của mình mà hỏi tác giả ảnh thì bắt gặp một tấm ảnh bầy cá heo ở ngoài khơi Indonesa do anh Aeron Tonimo tag cho bạn ấy. Hình như các bạn đã có chuyến ra khơi chụp sinh vật biển với nhau. Muốn đăng lại ảnh nên lo mọ nhắn tin xin tác quyền. Sợ lắm. Các bạn nước ngoài có kiểu chơi ảnh trên Facebook có chút khắt khe hơn các bạn ảnh ở Việt Nam mình. 


   Các tác giả ảnh nước ngoài đa số cũng dễ dàng trong chuyện xin đăng lại ảnh trên Facebook. Nhưng mà lâu lâu vẫn có tác giả yêu cầu chỉ được bấm nút “share” và khi share thì phải ghi rõ tên tác giả và nguồn ảnh. Nếu không thì họ yêu cầu gỡ ảnh. Họ là tác giả ảnh nên ho có quyền mà. Hai anh em đều dùng tiếng Anh lõm bõm. Cần truyền đat ý gì thì cứ đưa hết các từ vựng ra rồi đôi bên tự hiểu chứ ngữ pháp chưa chắc đã đúng. Chữ viết sai chính tả tùm lum. Ha ha. Tiếng Anh giả cầy là như thế đấy. Anh khoe mẹ anh già rồi nhưng thích đi du lịch nên anh đã từng đến vinh Ha Long của Viêt Nam cùng mẹ. Không biết anh nói thât không hay chỉ nói theo cách xã giao của một người trí thức làm trong ngành xuất bản. Lối nói vô hại khi muốn ninh ai đó bằng cách khoe đã đặt chân lên quê hương đối phương ấy mà. Cầu mong không phải thế. Tư dưng sơ bi lừa.

   Ban đầu nhìn cái ảnh bầy cá  nhảy lên măt nước là ảnh ghép. Nhưng nhìn lai cả chùm ảnh thì thấy lô nhô chỗ này chỗ no vài cái vây trên măt nước. Nghĩ chắc là ảnh thât. Và nói chung là cũng đáng để mình sưu tầm. Rồi ngẫm bao giờ làng ảnh Viêt Nam cũng có những tấm kiểu như thế này. Không phải làng ảnh của chúng ta không có ai khao khát ra khơi chup ảnh mà hình như có môt sư ngăn trở nào đó khiến cho họ chỉ đươc đứng ở bờ biển để chup hoàng hôn và bình minh. Lâu lâu mới ra các hòn đảo gần đất liền. Vậy ngoài khơi của chúng ta không có gì để chup sao? Ngoài ấy đang không bình yên mà. Đi sao đặng! Nói trắng phớ ra, ta có biển nhưng chưa thưc sự làm chủ vùng biển của chính mình. Biển chỉ để đánh bắt, bờ biển chỉ để tắm chứ hình như du lich xa khơi chưa phát triển lắm. Cũng như nông nghiêp, chúng ta thu hoạch nông sản nhưng du lịch trên chính mảnh đất trồng nông sản thì chưa phát triển. Có người bảo đó là do khâu “chỉ dẫn đia lý”.

   À thì là mình hoắng mõm lên tí cho nó thể hiên trí thức với thời cuộc. Kẻo lai bảo dân trí kém. He he. Mình chỉ đươc cái tự ái là cao chứ chả đươc gì.
Buôn Ama Thuột, 7/6/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Aeron Tomino
No comments